LÊ HÀ
Bút ký dự thi
Tôi yêu màu xanh dịu dàng của cây lá nơi thành phố mình đang sống. Những con đường, những ngõ nhỏ, đâu đâu cũng rợp bóng cây xanh.
Ảnh: internet
Màu của thanh bình, màu của hy vọng phủ lên thành phố như vòng tay dịu dàng của người thương mến. Có những trưa hè, trời gay gắt nắng, tôi thường thong dong qua những con đường rợp bóng cây xanh. Có khi, ngồi dưới tán một bóng cây xanh ngắt, tựa lưng lên lớp vỏ xù xì nhuốm màu thời gian, nhìn nắng lao xao bên kia tán lá, chợt thấy trân quý những mảng xanh giữa lòng thành phố.
Những cung đường bên Thành Nội, lúc nào cũng líu ríu tiếng chim trời. Tôi thích ngồi nơi ghế đá dưới bóng cây xà cừ và ngắm Đại Nội vàng lên trong màu nắng. Trong tiếng gió xào xạc tràn qua tán lá là tiếng chim xôn xao gọi nhau trong nắng. Trên những cội long nhãn già nua bên trong Tử Cấm Thành đang mùa đơm bông, tiếng chim râm ran theo gió tràn ra đường nghe ríu ra ríu rít. Hàng sứ già lặng im đứng bên tường thành cổ kính, chẳng biết khi nào đã đơm lên những nụ hoa trắng muốt. Hương hoa sứ nồng nàn lan ra phố lao xao, đậu lên tà áo trắng ai vừa ngang qua giờ tan lớp.
Có những chiều mưa. Kinh thành như ngủ quên trong màn mưa bàng bạc. Lầu Ngũ Phụng chìm khuất trong mưa. Màu mưa giăng như sương khói hư ảo. Mưa nhẹ tênh rớt trên cây lá, vọng lên thứ âm thanh dìu dặt như những nốt nhạc du dương của đất trời. Tôi đi dọc dưới những hàng cây trên con đường chạy ngang trước Đại Nội, những tán cây xòe rộng như vòng tay mẹ, che đi giọt mưa tí tách trên đầu. Hít hà mùi thơm của đất đai ẩm ướt, mùi cây lá ngọt lành, nghe trong hơi nước mát dịu là mùi hương hoa sứ thanh tao tan trong màn mưa nhè nhẹ. Dường như, ở xứ này, đến hương hoa cũng nhẹ nhàng thanh khiết như cốt cách người thiếu nữ xứ kinh kỳ, trang nhã, thanh tao.
Những người bạn của tôi mỗi lần đến Huế, đều thích thú tản bộ dưới những bóng cây nơi con đường ngoằn ngoèo chạy dọc bên bờ sông Hương. Đi dưới con đường nhỏ rợp xanh cây lá mà tưởng chừng như đang len lỏi trên cung đường nào đó xuyên giữa cánh rừng. Ở đây, ngoài hoa lá luôn ngời lên sự sống còn có khí trời thanh mát sạch lành, thỏa sức hít hà cho căng lồng ngực và thấy sự sống ngoài kia như tràn vào tim. Gần bên cây lá, bao giờ cũng khiến lòng người mềm mại và thấy yêu hơn cuộc sống. Phải vậy không mà những con người Huế, dù sống ở nông thôn hay thành thị, đều mang trong mình một tâm thái bình thản, an yên. Bởi đâu đâu ở xứ này, cũng được những bóng cây che chở.
Tôi nhớ gốc xà cừ số 13 bị quật ngã trong cơn bão số 13 những năm trước, khiến bao nhiêu người thương và tiếc. Gốc xà cừ đã hiện diện ở góc đường bao mùa mưa nắng, làm bạn với biết bao khách qua đường. Sáng sáng chiều chiều ngang qua góc đường Lê Duẩn, cây xà cừ xòe vòng tay dịu hiền chở che bóng mát. Chẳng biết từ khi nào, cây bỗng thành thân thuộc. Tôi nhớ hôm cây được đưa về chỗ mới, người dân đã đến rất đông. Chắc lòng ai cũng mong ngóng cây về chốn mới, sẽ vẫn xanh lên màu hy vọng. Để khi chứng kiến từng mầm xanh nhú lên trên lớp vỏ xù xì, lòng người như cũng tràn ra niềm hy vọng. Nâng đỡ một cái cây, là nâng đỡ cả một niềm tin, nâng đỡ chính cuộc sống của mình. Đó là cách mà con người và cây cỏ nương tựa vào nhau giữa cuộc đời này.
Tôi hay ngồi nơi bóng cây mù u dưới chân cầu Mới. Sau khi thỏa thích ngắm nhìn nắng xôn xao nhảy múa trên mặt sông phẳng lặng sẽ chậm rãi lật giở từng trang sách. Ở giữa đất trời thơm ngát mùi cỏ cây, thơm hương nước ngọt lành tỏa lên từ dòng sông trong vắt chảy ngang trước mặt, trong tiếng lích rích của lũ chim trời đang xôn xao nhảy múa trên những ngọn cây, dường như câu chữ trên trang sách cũng dễ dàng thấm vào lòng người đọc.
Tôi đã thấy người lữ khách phương xa đứng tần ngần dưới gốc cây xù xì in hằn dấu vết của tháng năm. Bà tò mò đọc mấy chữ trên tấm biển màu xanh biếc gắn trên cây rồi ồ lên kinh ngạc. “Đây là cây mù u”, cái chất giọng miền Bắc thanh tao vang lên khe khẽ đầy kinh ngạc. Lấp ló trong những tán lá xanh um, hoa mù u có màu trắng nhẹ e ấp như gương mặt tươi non của thiếu nữ thẹn thùng sau vành nón lá. Những buổi nắng lên, nhìn những chùm hoa trắng muốt xôn xao trong kẽ lá, nắng phủ lên nhụy hoa màu vàng óng ả. Mỗi khi gió lướt qua, hương mù u nhè nhẹ phủ lên cây cỏ, dịu dàng như vòng tay người thương mến.
Người phụ nữ ấy đã đi dọc con đường nhỏ bên bờ sông, nhẩn nha đọc từng biển tên trên những gốc cây một cách thích thú. Đó là cây lim xẹt, mùa hè sẽ đốt lên những chùm hoa vàng rực, bên này là hàng cây nhạc ngựa đang mùa thay lá, kia là hàng cây thốt nốt cao chót vót, kia nữa là dãy chà là. Ở đây, cây cũng như những cô cậu học trò đều mang trên mình chiếc bảng tên, để ai nhìn vào cũng dễ dàng nhận biết. Tôi không nhớ mình đã bao nhiêu lần phải dừng xe bên đường, khi bắt gặp một gốc cây đang nở những chùm hoa lạ lẫm, hay khi nhìn những tán lá đỏ rực giữa mùa thay lá mà mình chẳng biết tên. Tôi đã đến bên cây, nhìn lên chiếc bảng tên màu xanh biếc và đọc thầm dòng chữ trong lòng, chỉ vậy thôi mà thấy yêu hơn thành phố của mình.
Thành phố này giờ đã thôi trầm lặng nhưng vẫn giữ trong mình nét bình yên cổ kính muôn thuở. Mỗi một góc nhỏ trong thành phố này đều toát lên vẻ đẹp đầy thơ mộng. Như lúc tôi ngồi bên bờ sông, nơi vạt cỏ xanh ngắt, dưới bóng cây phượng vỹ đang mùa nở hoa đỏ rực. Khi mặt trời dần khuất, để lại những vạt mây đỏ rực trên nền trời đang dần chìm vào bóng tối. Chiếc cầu gỗ lim ánh lên những mảng màu rực rỡ phản chiếu lên mặt nước ven bờ vẻ lấp lánh. Sóng nước lăn tăn, khiến thứ ánh sáng ấy cứ loang loáng dập dềnh. Những sắc màu cứ nối tiếp màu, xôn xao cả mặt sông êm. Tôi đã nghĩ đến tuổi trẻ của mỗi người, cũng lấp lánh và rực rỡ y như những sắc màu ấy.
Tôi nhìn đoàn người nối nhau đi trên cầu, chậm rãi, nhẹ nhàng, đông đúc mà không xôn xao, xô bồ, tựa như nhịp sống nhẹ nhàng ở xứ sở này. Đó là những bước chân thảnh thơi khi ngày đã cạn. Gió sông Hương mát rượi xoa dịu cái nắng bỏng rát của mùa hè. Gió dìu dịu miên man, như đang nói những lời thương mến, như điệu hò dìu dặt trôi trên sông giữa một đêm trăng vằng vặc trong nỗi nhớ.
Từ chỗ tôi ngồi có thể nhìn ngắm cây bàng cổ thụ nằm bên mép nước, ngay nơi bến nước để bước lên cầu gỗ. Vào mùa cây thay lá, những đốm lá đỏ rực như quả cầu lửa nghiêng nghiêng giữa trời. Mùa qua, cây trơ gầy khẳng khiu vẽ lên trời chiều những bức tranh lạ lẫm. Vào thời khắc hoàng hôn, khi màu đỏ rực loang trên mặt nước sông Hương, tôi thích nhìn trời qua những cành bàng hao gầy như bóng mạ mình đơn độc trên cánh đồng làng giữa khoảng trời chập choạng nhá nhem. Cái khoảnh khắc giữa ngày gần cạn nhưng đêm thì chưa bắt đầu, và những ngọn đèn trên cầu gỗ lim cứ loang loáng mang theo vẻ đẹp mờ ảo. Và phía trên kia, cầu Trường Tiền khoác lên mình chiếc áo đêm lấp lánh, soi dáng ai dạo bước trên cầu. Đêm vẽ bóng mình trong từng nhịp cầu bàng bạc ánh trăng treo.
*
Tôi nhớ ngôi nhà nhỏ nằm ven sông Ngự Hà bên trong Thành Nội, trước cổng nhà là giàn hoa giấy đỏ rực đang tưng bừng khoe sắc. Cổng nhà được sơn màu xanh biếc, nổi bật dưới cái nắng vàng ươm mùa hè. Tôi đã chạy xe ngang qua một đoạn, nhưng lòng cứ luyến lưu nên đành quay lại. Chỉ muốn đứng bên đường để ngắm giàn hoa đẹp miên man ấy thêm một lúc nữa. Cổng nhà rộng mở. Bên dưới giàn hoa có kê chiếc bàn con cùng với băng ghế đá nho nhỏ. Có bà cụ ngồi nơi đó thảnh thơi nhấp ngụm trà. Hương trà thoang thoảng trong sớm mai đầy nắng, lẫn trong hương thơm của cỏ cây thơm mát dịu lành. Ánh mắt và nụ cười hiền của bà cụ khiến lòng tôi bớt ngại ngần về sự đường đột của mình. Bà bảo chỉ thấy vui khi trồng được giàn hoa đẹp, ai ngang qua cũng tấm tắc ngoái nhìn. Thi thoảng có những khách qua đường dừng lại chụp đôi ba tấm hình giữa trưa chang chang nắng, bà mời họ tách trà giải nhiệt nơi chiếc bàn kê dưới bóng hoa, cùng chuyện vãn đôi ba câu mà để lại bao tình cảm đẹp cho người ngang qua thành phố.
Có những ngày, tôi hay lang thang ở những con ngõ nhỏ. Giữa lòng thành phố nhưng nhà ai cũng xanh mướt bóng cây và xôn xao hoa nở. Có ngôi nhà be bé chỉ đủ kê những chậu hoa xinh xắn nơi thềm nhà hay bên ô cửa. Cây lá xóa đi sự chật hẹp của không gian và cả sự nhỏ bé trong lòng người. Mỗi lần bước đi trong con hẻm có dốc thoai thoải, nhìn hoa nhà ai nở tưng bừng, lòng lại tưởng mình đang lang thang ở con dốc đâu đó nơi phố núi ngàn hoa. Tôi thường nghĩ về những con người Huế trong những gia đình Huế. Họ chăm bón cho mảnh đất, khu vườn nhà mình xanh lá xanh hoa. Làm đẹp cho vườn nhà cũng là cách làm cho mảnh đất này đẹp lên theo từng tháng từng ngày. Giống như tôi, mỗi lần ngang qua đâu đó, bắt gặp một nhành hoa rủ bóng bên tường nhà ai cũng dừng lại ngắm nghía rồi xuýt xoa. Rồi lại thấy tự hào. Huế mình xanh quá. Bình yên quá.
Chăm một cái cây cũng như chăm một con người. Càng kiên nhẫn, yêu thương, săn sóc, cây càng xanh tươi, cho lá, cho hoa. Tôi nhớ có người bạn, thường ngồi bên khung cửa, chuyện trò cùng cây lá, trong những buổi sáng thơm nồng tách trà sen ngan ngát. Nắng miên man bên ô cửa sổ, khiến chậu dây leo xanh mướt. Chẳng biết những cuộc chuyện trò lúc ban mai, khi tiếng chim líu lo trên mái nhà có làm cây xanh hơn nhưng lại khiến lòng bạn nhẹ nhàng tươi mát để bắt đầu một ngày mới tích cực. Ở cạnh bên hoa cỏ, gần gũi với thiên nhiên bao giờ cũng làm lòng người thanh thản và bình an.
*
Những người bạn phương xa đến Huế, tôi thường dẫn họ qua những con đường xanh ngắt cây lá. Từ đường Lê Lợi rẽ qua Nguyễn Trường Tộ, những hàng cây long não cổ thụ cứ lao xao cùng ánh nắng. Bóng nữ sinh chầm chậm đi về, tà áo trắng tung bay giữa con đường xanh lá mà khiến lòng ai bâng khuâng thương nhớ. Ngược phía ngoại ô sẽ có con đường xanh mướt bóng thông trên đồi Thiên An, khi tiếng chuông nhà thờ ngân lên rồi chìm trong tiếng vi vút của rừng thông đang ca hát. Mặt trời rực rỡ rong chơi sau những ngọn thông là đà múa cùng gió. Nắng vắt qua lá qua cây nên nắng chẳng còn bỏng rát. Vạt cỏ bên đường cũng giương những mầm non ngơ ngác nhìn trời khi mây trắng chầm chậm kéo trên đầu. Đâu có xa xôi gì, đồi Thiên An đã trở thành nơi chốn cho những ai yêu thương núi đồi và cây cỏ. Đến nơi này và ngồi yên bên cội thông già, chỉ cần thả hồn theo tiếng gió vi vu, tiếng con chim hót vang trong lùm cây không thấy bóng, sẽ nghe lòng mình thanh thản đến lạ kỳ. Ở đây tĩnh lặng đến độ có thể nghe được tiếng đập cánh rất khẽ của con bướm vàng đang chờn vờn quanh một đóa hoa, tiếng con ong vàng đang loay hoay hút mật. Đất trời, cây cỏ như giao hòa và thấm từng chút một vào lòng người, để bao bộn bề của cuộc sống như đều gác lại phía sau xa.
Tôi từng đi trên con đường có bóng thông dẫn lối vào lăng vua Đồng Khánh, lăng vua Gia Long, hay đền Huyền Trân Công chúa. Những cội thông già cứ đứng yên trầm lặng bên đường, khắc lên vẻ đẹp tĩnh lặng. Tôi đã nghĩ, những con đường xinh đẹp ấy, hẳn là nhờ những bóng cây nương vào nhau và dẫn lối bước người đi. Giữa một hôm nắng chói chang, đi trên những cung đường ấy, mới thấy yêu những bóng cây quanh năm ngời xanh màu lá. Không khí mát dịu trong lành, như được lọc qua từ lăng kính của đất trời. Cái xứ miền Trung gió Lào cát trắng, những ngày hè khô rát ngọn gió nam, vậy mà nhờ những bóng cây trải dài khắp xứ sở mà hè bớt đi chao chát nắng trên đầu.
Có những hàng cây đã gắn bó với bao đời người, cây cũng chẳng thể nhớ hết bao bước chân đã dừng lại bên mình, và lắng nghe bao câu chuyện đời tự kể. Hàng long não trên đường Lê Lợi, hàng nhạc ngựa trên đường Hà Nội, hàng phượng vàng bên kia Đoàn Thị Điểm… Mỗi con đường, mỗi hàng cây rủ bóng chở che đã ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm. Để khi đi trên một con đường hay lúc đứng lặng dưới một bóng cây, chợt nhận ra ở mảnh đất này, sao mà yêu thương quá đỗi. Giống như khi tôi nhìn người xích lô bình yên ngủ dưới bóng cây xà cừ trong công viên Thương Bạc. Giấc trưa vội vã giữa dòng đời nhọc nhằn cơm áo, nhờ bóng cây che chở mà trở nên yên ả giữa ngọn gió mát lành cùng tiếng chim ríu rít.
Ở thành phố này, mỗi một thân cây đều gánh trên mình bao sứ mệnh. Đó đâu chỉ là hơi thở, là bóng mát, là cảnh quan mà còn là kỷ niệm. Để ai đến rồi rời đi, đều mang theo trong tim mình một khoảng trời xanh ngắt cây lá bình yên của xứ Kinh kỳ.
L.H
(TCSH407/01-2023)
TRẦN ĐÌNH BA
1. Lược sử, ý nghĩa lệ cày ruộng tịch điền
Trước hết, chúng ta phải khẳng định một sự thật hiển nhiên rằng, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp lúa nước, hay nói như lời nhà Nho Phan Kế Bính (1875 - 1921) có đề cập trong Việt Nam phong tục, thì đó là một “Nông quốc”1, quốc gia lấy nông nghiệp làm gốc.
CAO THỊ HOÀNG
1.
Mùi bùn non từ cửa sông theo gió chướng lộng về, tôi ngây ngây mùi nhớ! Cái mùi nhớ đôi lúc bâng khuâng và cũng lắm khi, rịt chặt tâm hồn kẻ hậu sinh với tiền nhân thuở trước. Tôi quay lại Huế.
ĐỖ MINH ĐIỀN
Trong số những đối tượng được thờ cúng và được xem là phúc thần của nhiều làng xã vùng Huế, thì Khai canh, Khai khẩn là một thần hiệu ra đời khá muộn.
VĨNH AN
Sự nhẹ nhàng của tính cách sẽ khiến doanh nghiệp (DN) Huế dễ gần gũi với khách hàng hơn; sự chu đáo trong cuộc sống khiến khách hàng có cảm giác được DN Huế quan tâm hơn; lòng yêu thiên nhiên và nếp sống hòa hợp với thiên nhiên sẽ khiến khách hàng yên tâm về sự phát triển xanh và bền vững hơn của DN Huế… Và đó chính là lợi thế của DN Huế, là đặc tính văn hóa nổi bật của DN Huế.
TRUNG SƠN
I - Lời nhắc nhở của nhà văn Nguyễn Tuân.
Nhà Văn Nguyễn Tuân là người cẩn thận và độc đáo trong việc dùng chữ nghĩa. Vậy nên nhắc đến "cụ", trước hết phải có đôi lời về cái đầu bài.
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có nơi thờ chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh.
NGUYÊN HƯƠNG
Từ trung tâm thành phố, chạy thêm 25km về hướng Đông Nam sẽ gặp xã Phú Hải (thuộc huyện Phú Vang) gồm 4 ngôi làng tên Cự Lại: Cự Lại Đông, Cự Lại Bắc, Cự Lại Trung và Cự Lại Nam (dân làng thường gọi chung là Cự Lại). Những ngôi làng này nằm kề sát nhau, có chiều dài khoảng 2km, trải dọc ven biển và phá Tam Giang.
TRƯỜNG AN
“Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất trắng trời…”
PHƯỚC VĨNH
Du lịch dịch vụ đang được xác định là mũi tàu xanh của con thuyền rẽ sóng ra biển lớn của Thừa Thiên Huế. Làm sao để mỗi công dân đang sống ở miền sông Hương núi Ngự, ngay từ nhỏ đã được khơi gợi ý thức về việc tạo nên sản phẩm du lịch và triển khai ý tưởng đó, với một ý thức văn hóa Huế đã ăn sâu trong tiềm thức…
VÕ VINH QUANG
Tộc Nguyễn Cửu và những dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn hóa xứ Thần Kinh
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
Sau đêm binh biến Thất thủ Kinh đô, kinh thành Huế ngập chìm trong máu lửa, tiếng khóc than. Những dãy nhà gỗ, mái tranh chạy dọc hai bên đường Đông Ba đến giáp hoàng cung ngập chìm trong biển lửa. Bọn Tây tay súng, lưỡi lê hàng ngang tha hồ tàn sát quân dân ta.
NGUYỄN CAO THÁI
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”
TRIỀU NGUYÊN
1. Đặt vấn đề
Có lẽ không ít lần chúng ta đã nghe nói đến hai dạng thơ Song điệp và Song thanh điệp vận của thể thơ Thất ngôn luật Đường, trên thi đàn Việt. Vậy chúng là những kiểu, dạng thơ như thế nào, và quan hệ giữa chúng ra sao?
HOÀI VŨ
* Vài nét về việc du nhập điện ảnh vào Huế
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) năm 2016 có đăng bài “Vài nét về lịch sử nhiếp ảnh và điện ảnh ở Thừa Thiên Huế” của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cung cấp nhiều tư liệu rất quý.
THẢO QUỲNH
Quyết Chiến là tờ nhật báo đầu tiên của cách mạng xuất bản ở Huế sau Cách mạng Tháng Tám, là cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mạng, tiếng nói của Đảng bộ Việt Minh Thuận Hóa và của tỉnh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên). Mới đây, đọc lại một số báo Quyết Chiến, chúng tôi tìm thấy một số thông tin liên quan đến Ngày Khỏe vì nước đầu tiên của Huế vào giữa năm 1946. Xin trích dẫn lại để bạn đọc tham khảo:
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh các chương trình trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế - xã hội. Mỗi chương trình trong chuỗi các chương trình lớn, như là một căn nền tạo lực nâng cho tương lai.
Kỉ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
THANH BIÊN (*)
NGUYỄN THÀNH
Kỷ niệm 60 năm khoa Ngữ Văn Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế (1957 - 2017)
NGUYỄN VĂN LÊ NHẬT
Kiến trúc lăng tẩm Huế có ngôn ngữ riêng biệt và ý nghĩa sâu xa. Chốn âm phần song lại có cả cung đình để nghỉ ngơi, hưởng thụ; có nhà hát để thưởng thức nghệ thuật sân khấu và sắc đẹp giai nhân; nội thất ở các lăng giống như một viện bảo tàng mỹ thuật... Tất cả các lăng mộ đều có điểm giống nhau, là đều có hàng tượng văn võ bá quan, binh lính, voi ngựa (sau đây gọi chung là tượng người và thú).
LÊ QUANG THÁI
Thời hiện đại có cúng tế thì Xuân thu nhị kỳ, chọn một trong hai. Tại đền hoặc miếu Thành hoàng của làng xã mở hội tế vị thần hộ mệnh để cầu mong an cư lạc nghiệp. Hát Sử và Dã sử trong lễ hội long trọng không thể thiếu vắng.