NGUYỄN QUANG HÀ
Hồi ký
Mùa mưa 1968 là mùa mưa nghiệt ngã nhất. Sau trận càn lớn chưa từng có lên miền tây Thừa Thiên, địch tiếp tục phong tỏa miền núi bằng biệt kích.
Ảnh: tư liệu
Biết bộ đội giải phóng phải bám những nơi có nước để sống, máy bay trực thăng loại u-ti-ti bay dọc các khe suối, lên tận ngọn nguồn, phát hiện được đường xuống suối, chúng mò tới tận lán ở của bộ đội phóng rốc két xuống! Còn tất cả mọi ngả đường rừng chúng đều tung biệt kích xuống, chỗ nào nghi ngờ có bộ đội đóng quân, chúng cho máy bay rải chất độc màu da cam phát quang, và thả "cây nhiệt đới" một loại máy thu tiếng động để phát hiện dấu tích của bộ đội ta.
Lộc bị biệt kích bắn chết ở dốc công sự. Nhu bị biệt kích đuổi sau lưng bắn tan gùi gạo sau lưng. Không có gùi gạo Nhu đã chết gục ngay sau băng AR 15 ấy! Căn cứ địa của Phong Điền bị biệt kích xộc vào tận nhà, chỉ kịp chạy người. Anh Chương, Nguyễn Viết Phong, Lầu, Thủy dính pháo ngay đường đổ dốc xuống sông Hai Nhánh. Vừa nghe pháo đề-pa, chỉ kịp nằm bẹp xuống, quả pháo nổ giữa đường. Anh Chương bị một mảnh pháo vào đầu, mảnh rất nhỏ, đầu chỉ rỉ ra một vết máu không bằng máu trong bụng một con muỗi. Đưa ngay anh về trạm xá Nam. Đêm ấy anh chết!
Mọi nẻo đường của chiến khu đều là mọi nẻo đường máu lửa. Lương thực hết. Trời thì mưa dầm đề. Chưa bao giờ rừng Thừa Thiên có những trận mưa dai dẳng thế. Hai mươi mốt ngày chưa ngớt mưa kéo sợi trước mái tranh lấy vài tiếng đồng hồ. Tất cả các con suối trong rừng dềnh lên, nước chảy ào ào. Đến nỗi ban tham mưu với ban chính trị ở hai bên bờ suối chỉ liên lạc được với nhau bằng điện thoại. Không cắm trại mà như cắm trại trăm phần trăm; chỉ hái rau, kiếm củi quanh nhà.
Sông Hai Nhánh nước đầy không thể bơi qua được để về đồng bằng mua gạo. Tiêu chuẩn ăn hàng ngày giảm dần. Từ hai lon một ngày, xuống lon rưỡi, một lon, rồi nửa lon. Bù vào sự thiếu hụt của lương thực bằng rau và củ rừng. Ở Tà Rầu, Tà Vò bữa sáng ăn rau tàu bay luộc chấm muối. Nhà bếp phát cho mỗi người một vắt cơm nửa lon gạo. Đó là tiêu chuẩn của bữa trưa. Ai về các đơn vị công tác cũng chỉ vắt cơm ấy mang theo. Tối về, tất cả ăn hạt sót luộc.
Khi cơ quan quay về khe Rùa thì có thêm một thứ thực phẩm là thịt rùa, có lẽ cái tên khe Rùa được gọi từ thực tế đặc sản ấy! Gốc cây nào cũng có rùa. Rùa không lớn, chỉ hai cân mỗi con là cùng. Rùa có bộ mai cong, vàng ươm, rất đẹp. Đặt ba hòn đá, lật ngửa rùa lên, đốt lửa bên dưới. Rùa tha hồ thò cổ, thò đuôi, thò chân ngo ngoe nhưng không thể nào lật úp xuống được. Khi lớp thịt dính vào mai đã chín mới lóc thịt ra, cắt thành miếng, trộn với muối ớt, giã thêm một ít gừng rừng cho vào. Món ăn không ngả màu loại món nào cả. Nhưng thèm thịt, ăn ngon lạ lùng.
Giai đoạn này rau quả rừng được khai thác triệt để. Lá tai voi, lá môn vót, củ môn vót. Gọi là củ nhưng chỉ bằng ngón tay út. Tuy vậy, bẻ ra cũng thấy lõi củ có màu vàng, củ có màu vàng là củ đã già, nấu lên ăn bở và bùi. Cọng môn thục thơm, nhưng ăn như ăn rơm. Tước vỏ, chẻ cọng ra, cắt từng lóng bằng đốt ngón tay, cứ thế trộn với muối ớt ăn. Miễn là no bụng. Thân cây dương xỉ đẽo vỏ đi, phần lõi nạo ra, độn với cơm. Trông rất giống hạt cơm, nhưng nhai như bấc. Củ móng trâu và củ nâu được tận dụng tới cùng. Luộc lần thứ nhất, lần thứ hai đổ nước đi. Lần thứ ba luộc bằng nước tro, khử hết chất độc. Xong đem ngâm xuống suối một đêm. Lại luộc tiếp lần thứ tư. Ăn nhạt thếch, không có mùi vị gì. Song có cảm giác cứ gây gây ở cổ. Có người không chịu được, nôn ra hết.
Loại dễ ăn nhất có lẽ là nõn cây đoác. Cây đoác lớn như cây dừa. Rừng Thừa Thiên rất nhiều loại cây này, lúc đầu không biết chặt, đẵn gốc cho cây đổ xuống. Thế là chịu. Bởi cây rất nặng, không thể vần qua vần lại được để chặt lấy cái nõn. Sau phải học tập cách của đồng bào dân tộc. Tốt nhất tìm được cây ngang ngực. Nếu không, phải là cây cao vài mét là cùng. Loại cây này phần nõn rất mập. Trước tiên phải mài cho cây rựa thật sắc. Tàu lá đoác cứng, có thể đứng trên đó không gẫy. Đầu tiên chặt phá. Gần giống nghĩa với phá phách. Tìm lá thứ bảy tính từ lá búp trở xuống. Chặt bóc từng tàu một. Gỡ cho hết bẹ lá ra, ta được phần nõn. Những cây đoác to mập, nõn cũng to, năm bảy cân là thường. Phần già, hơi xơ thì làm dưa. Phần nõn mềm chặt miếng to hầm kỹ, ăn ngon như những loại khoai hảo hạng. Thậm chí đi ngang đường đói quá, ăn sống cũng được, giống như ăn khoai lang sống vậy.
Người dân tộc còn làm rượu đoác uống ngon như bia, quả đoác luộc chín, trong có nhân như bột lọc. Thú nhất là được ăn sâu đoác. Cây đoác đã chặt nõn. Phần giáp nõn thối đi. Có một loại bọ rừng cánh cứng như cánh cam, đẻ trứng vào đó. Trứng nở thành sâu, sâu ăn chất hoai ra của thân đoác mềm, cứ thế lớn dần. Đi qua những cây đoác đã chặt cũ, thấy phía trên nổi bong bóng, ấy là sâu đoác thở đấy. Có khi tìm trong đó được cả lon sâu đoác, có con to bằng ngón tay cái. Đen rửa sạch, cho vào bếp nướng, chín mang ra ăn vừa béo, vừa bùi, ngon hơn được ăn thịt lợn nhiều.
Hướng về đồng bằng thì gặp nước lũ và bọn địch nống lên chặn đường. Quay lại phía sau thì giật mình vì một thảm họa. Mười lăm tấn gạo ngoài Bắc chuyên chở vào, người phụ trách của hậu cần quân khu chưa quen thuộc chiến trường nên dựng sạp, lợp mái, chất gạo ngay bên bờ sông A Sáp. Khi lũ dâng lên, nước đã cuốn trôi tất cả mười lăm tấn gạo quân khu chi viện cho Thừa Thiên. Dù người hậu cần sau bị kỷ luật, nhưng cái đói kinh hoàng thì chiến trường Thừa Thiên phải hứng chịu.
Thiếu lương thực, Thành đội Huế phải đưa một lực lượng lớn quân đội ra tận Mường Noòng để sống tạm qua mùa mưa. Lực lượng chủ chốt còn lại phải lùi lại phía sau. Từ khe Rùa lui về ngã ba Voi gần ngay Mụ Nú, rồi vào A Te, sau cũng có thời gian phải ra tận 54, 52 là hai binh trạm sát ngay gần đường tuyến. Ở đây có đồng bào. Ngày ngày vào các bản dân tộc xin sắn. Đồng bào Ka Tu lúc này chưa có khái niệm gì về cân lạng. Nhưng sẵn sàng giúp đỡ bộ đội. Có nhiều gia đình giao rẫy sắn cho giải phóng, kiếm củ rừng ăn.
Xin sắn của đồng bào rất vui. Thỏa thuận, mỗi ngày xã Hương Hữu cho bộ đội mười gùi. Mười cân khoác trên vai cũng một gùi, mà một tạ trên lưng cũng một gùi. Lính thành đội rất ma lanh, cho đan những cái gùi thật to, và cử những người thật khoẻ vào rẫy xin sắn, xếp sao cho gùi vừa đầy, vừa nhiều. Người đi gùi phải thật cố gắng, miễn sao đưa gùi ra được ngoài hàng rào của rẫy sắn là được. Mỗi gùi như vậy có khi nặng hơn một tạ. Đã có anh em đợi sẵn bên ngoài. Thường mười gùi sắn lấy ở rẫy ra, phải ba chục người mới gùi hết. Lúc ấy thấy sắn, bộ đội mắt đã sáng ngời.
Nhưng ở chiến trường, giai đoạn này trong hàng lương thực thực phẩm quý nhất là muối. Đói không nhấc nổi chân, nhưng ngậm hạt muối, muối tan hết trong miệng đã thấy gân cốt cứng lại, đi nhúc nhắc được liền. Không thể nào quên được bàn tay già làng run run chìa ra trước mặt chúng tôi: "Các con có muối cho bố mấy hạt để bố bồi dưỡng!" Mặt thành đội trưởng Thân Trọng Một đanh lại, hai mắt rưng rưng, rồi nước mắt tràn ra, từng hạt từng hạt âm thầm lăn trên hai gò má chính là ở cái phút ấy. Ngay hôm sau ông quyết định cử một tiểu đội lên quân khu, một tiểu đội xuống đồng bằng mua muối về. Ông nói: "lúc này có muối là có tất cả"! Nhớ lại những kỷ niệm cũ, khi bộ đội đi tập kết hẹn hai năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ trở về, chính quyền đã chuẩn bị cho đồng bào miền núi muối dùng đủ hai năm, nhưng do không biết bảo quản, ngay mùa mưa năm thứ nhất muối đã chảy thành nước hết. Đồng bào bị đói muối ê ẩm. Khi có muối về, để dân quý trọng hạt muối, Thân Trọng Một không cho không, ông lấy muối để đổi sắn, đổi đu đủ, cả pháo cho đồng bào. Bốn chữ "Hạt muối cụ Hồ" đã trở thành một thành ngữ trên dải Trường Sơn này.
Để tăng cường thực phẩm, giữ sức khỏe cho lính tráng, Thân Trọng Một quyết định điều một tổ năm người của trung đội đánh rừng A Lơn, do Cu Đen làm tổ trưởng lên thành đội nhận nhiệm vụ khẩn cấp: đi săn thú rừng để nuôi quân.
Sóc, mang, khỉ, dôộc không kể. Đầu tiên chưa quen, nhìn con dôộc làm lông xong, trắng hếu như một đứa trẻ con, khi ăn nghĩ mà ghê ghê. Nhưng chỉ mấy ngày sau đã có thể cầm cả cái tay vạt từng ngón, hay cầm cái đầu khi đã hầm chín nhưng còn cả tai, cả mũi, cắn ăn bình thường.
Nhưng vui nhất là những ngày tổ săn rừng của Đen bắn được voi. Điện thoại tíu tít từ cơ quan tham mưu gọi về các đơn vị. Chỉ một giờ đồng hồ sau, lính từ các nẻo rừng mang dao, đeo gùi về khe nước Rỉ. Tất cả đổ về chỗ con voi chết. Con voi thật to, phải đến mấy tấn thịt. Cặp vòi cong đâm xuống đất bất lực. Một viên đạn xuyên qua tai nó. Máu ở đó đang còn rỉ ra. Nhìn con voi, như một hòn đá mồ côi khổng lồ.
Người xúm quanh con voi như kiến. Nhưng dao găm chịu, dao rựa cũng chịu. Đến đạn cũng chẳng ăn nhằm gì với da voi nữa là. Tác dụng nhất là chiếc liềm. Chọc thủng một lỗ, rồi lấy liềm cưa da voi, lật ra từng mảng. Có lật được da mới xẻo được thịt. Đế voi, vòi voi là hai thứ ngon nhất dành cho người bắn được. Còn thịt ai lấy được bao nhiêu cứ lấy, tha hồ. Gùi lớn gùi nhỏ kìn kịt đưa về.
Ở bếp cơ quan tham mưu thành đội, anh Đặng là chính trị hiệp lý viên cơ quan, quyết định khao lính một bữa no, ăn toàn thịt voi. Cứ đưa soong vào, chị nuôi xúc cho một xẻng là đầy. Ai còn lỏng bụng được xin thêm. Ăn kỳ no thì thôi. Thịt voi hiền lắm. Ăn mấy cũng không đau bụng đau bão gì. Vậy mà các bếp nhỏ của các ban còn xuống xin thêm thịt sống về nướng với nhau xì xụp suốt đêm.
Cùng với muối, rau rừng, thịt rừng, sắn rẫy Thành đội cũng đã đi qua được mùa mưa năm 68. Từ 69 trở đi, các mặt trận lại mở ra. Tình hình chiến trường bước sang một giai đoạn mới. Nhưng mùa mưa 68 chẳng ai quên.
Khi cơ quan tham mưu về đóng ở Chà Tang, trên đỉnh dãy núi Tre Linh. Tết đến, cơ quan cố gắng thu gom một số quần áo, đổi được một con heo chừng ba chục cân. Lính mừng lắm. Đề nghị đừng chia làm gì. Cứ để anh em được ăn một bữa chiều ba mươi. Thịt toàn luộc bày ra trông cũng kha khá! Vậy mà vèo một cái đã ăn hết, nhẵn như chùi.
Thành đội trưởng rất vui, ông cười hề hề, nói một câu rất ruột gan:
- Chỉ riêng việc ăn môn thục, bám trụ được mùa mưa này, mỗi đứa chúng ta có thể tự vỗ ngực mình mà nói rằng: ta đã lập được một kỳ tích anh hùng trên mảnh đất Thừa Thiên này.
Sang ngày mồng một hết thịt, chúng tôi lại ăn sắn. Ngày mồng hai đã lại ra quân. Cũng có thể gọi đó là một cái Tết nhớ đời.
N.Q.H
(TCSH96/02-1997)
BỬU Ý
Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.
LÊ QUANG KẾT
Ký
Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).
VŨ THU TRANG
Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.
HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
Đoản văn
Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!
LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ
BÙI KIM CHI
Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.
KIM THOA
Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
(Hàn Mạc Tử)
NGUYỄN VĂN UÔNG
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên
(Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)
HOÀNG THỊ NHƯ HUY
Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.
LÊ QUANG KẾT
Tùy bút
Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.
TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.
LÊ QUANG KẾT
Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.
HUY PHƯƠNG
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên
(Tố Hữu)
PHAN THUẬN AN
Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.
MAI KIM NGỌC
Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.
HOÀNG HUẾ
…Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…
QUẾ HƯƠNG
Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.
THU TRANG
Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.
TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ
Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.