THÁI KIM LAN
Lớp đệ nhất C2 của chúng tôi ở trường Quốc Học thập niên 60, niên khóa 59/60 gồm những nữ sinh (không kể đám nam sinh học trường Quốc Học và những trường khác đến) từ trường Đồng Khánh lên, những đứa đã qua phần tú tài 1.
Phùng Thăng (1943-1975) qua nét vẽ Đinh Cường
Cả nhóm quen biết nhau từ ngày đệ thất, đệ lục, đệ ngũ Đồng Khánh, theo nhau mà học từng năm, nối nhau mà dệt mơ ước học trò, cho nên qua Quốc Học gặp mặt là tự nhiên thấy cùng phe, không sợ… Sợ chi không biết nữa, chỉ biết không sợ, không những không sợ mà còn có chút kiêu kiêu, tự hào… đường đường… lên làm đàn chị cả một trường toàn là nam sinh…
Nhưng tôi còn nhớ, ngày đầu tiên khi bước vào lớp học đệ nhất C2 ấy,… có lẽ tôi là người cuối bước vào lớp… nhưng rõ ràng… không trễ, tôi cố tình đi học sớm, bỏ cái cố tật đi trễ vì dù răng thì chừ đã lớn rồi, học đệ nhất thê lận.
Nhưng không trễ mà hoá ra trễ… vì khi vào lớp thì đã có một người ngồi đó rồi, dãy bàn phía bên kia khi bước vào lớp, hàng thứ ba, đầu ghế ở lối đi giữa phân lớp thành hai dãy.
Lạ. Chưa gặp bao giờ.
Áo trắng, dáng ngồi thẳng, nghiêm trang, nét mặt thanh tú, làn da trong sáng, tóc bín hai con rết thắt nơ trắng. Hai con rết và cái nơ tòn teng tiết lộ sự trẻ thơ so với nét mặt có sóng mũi cao nghiêm nghị của “người lạ” ấy. Chị không cười mặc dù đôi môi hồng tươi, như tiết kiệm hay muốn giữ bí mật của cả tâm hồn hay của đôi hàm răng mà sau này tôi có lần nhìn được rất trong. Môi không cười cho nên nét diễn tả tâm tình hầu như dồn nơi đôi mắt sáng lấp lánh đầy chân thiện, chị cười bằng mắt rất lặng lẽ. Gương mặt ấy hầu như chỉ biết cúi xuống trang sách hay ngẩng lên nhìn bảng đen, hiếm khi thấy chị nhìn ngang hay liếc dọc để quan sát chuyện chung quanh mình…
Lạ, không biết từ trường mô mà vô lớp ni, cái lớp nhốn nháo, lổm ngổm nam sinh, hừng hực sức sống trẻ trung cỡ nhất quỷ nhì ma, ngồi sau khèo tóc con gái ngồi trước cuốn vào tay mình giật giật rồi giả lơ như không hay biết… Cùng lắm chị chỉ nghiêng đầu nhưng không quay lui. Thật ngoan như ma soeur ấy. Sau này mới biết chị học ở trường bà xơ thiệt và hình như ở xa mới về, vô lớp đệ nhất như bỏ băng các lớp trung học thường tình.
Tôi thích nói “hình như” để viết về chị, vì tôi cũng chỉ “thấy” chị, mà thấy “hình như”.
Vâng hình như chị vẫn ngồi như thế suốt cả năm học, rất hiền, rất nhu mì, nhỏ nhẹ mà thông minh ghê gớm.
Tôi nhỏ người nên ngồi đầu bàn ngay cửa vào lớp cùng với hai bạn khác. Thỉnh thoảng quay đầu nhìn ra sau. Mỗi lần như thế, hình như tôi chỉ thấy một thứ ánh sáng bao quanh con người ấy, có thể vì màu áo trắng tương phản với những đầu tóc đen xanh, có thể vì cửa sổ phòng học mang nhiều mặt trời vào trong. Những tương phản không gian và thời gian nâng dáng người chị lên.
Chị khác, khác lạ với chúng tôi, ở cái thùy mị mà hầu như cứng rắn, ở cái ngây thơ trong trắng mà hầu như xưa rích lâu đời như câu chuyện cổ tích. Mỗi lần quay đầu nhìn như thế, quay đầu không phải để nhìn chị đâu, mà vì tò mò muốn biết sau lưng mình cảnh tượng lớp học ra răng, những gương mặt thanh niên và thiếu nữ đang ngồi học có chuyện chi ngộ nghĩnh không. Mỗi lần như thế, hình như tôi giật mình khi nhận ra sự nổi bật khác lạ của chị nơi dáng ngồi cung kính, mẫu mực, nhu nhã, trong ngần.
Hình như gặp gỡ Phùng Thăng đối với tôi đã làm nảy sinh một thứ sửng sốt - một thứ giật mình - cho ngũ quan cảm nhận của tôi, một thứ ngạc nhiên… như tôi đã có lần viết về nỗi ngạc nhiên của tôi khi nghe đọc bài luận văn của chị về triết học Ấn Độ.(1)
Hầu như chị vượt xa những người cùng lứa tuổi về kiến thức và suy tư. Giật mình biết người ấy cũng mê sách, đọc sách và chững chạc gấp đôi mình. Mặc dù chị không phải là người xuất sắc nhất lớp, ồn áo nổi bật, có lẽ vì chị đã vượt xa trình độ đệ nhất nên không chuyên trò trẻ nít học thuộc bài các môn khác. Phần tôi, tôi ngưỡng mộ chị về văn tài ngay buổi đầu của niên khóa năm ấy và sự ngưỡng mộ ấy vẫn còn mãi trong lòng không bao giờ phai nhạt.
Năm đệ nhất rộn ràng lứa tuổi mười tám, lứa tuổi trưởng thành, ở ngưỡng cửa sắp từ giã “thời con nít” học trò để thành người lớn sinh viên, nghĩ đến là ngợp người. Nỗi choáng ngợp đôi khi làm say bọn trẻ, “quậy” hơn, huyên náo hơn với những chuyện trò văn nghệ, thi đua, những háo hức tìm kiếm văn học nước ngoài.
Nhưng Phùng Thăng vẫn như một lạch suối trong giữa những cơn sóng sôi sục thanh xuân, vẫn chảy lặng lẽ trong dòng đời như thế, lặng lẽ mà rất sâu đến không nhìn thấy.
Giữa những náo nhiệt học trò, chị đã bắt đầu những cuộc giao lưu văn học mới: hình như chị đã mày mò dịch các tác phẩm văn học Pháp, Anh, Đức nổi tiếng đang chuyền về Việt Nam, những Camus, Goethe, Sagan, Beauvoir, Hesse… Còn nhớ khi tôi tìm đến địa chỉ “trung tâm văn hóa Pháp” ở đường Lê Lợi, trong đó có phòng sinh hoạt của viện Goethe, bắt đầu ghi tên học, thì… hình như Phùng Thăng đã ngồi ở đó rồi, i chang như khi tôi mới bước vào lớp C2, cái khổ người ung dung thanh thoát như thế đang ngồi trước trang sách…
Thời ấy thật lạ lùng, cả một lũ thanh niên say học, thấy chi cũng muốn học, như một cơn bệnh học trò hay lây. Đứa ni mới ghi tên học thêm lớp tiếng Pháp, đã thấy đưa tê lò dò đi vào ngồi bên cạnh. Vui thật! Trong cái thành phố nhỏ bé với bề dày những thế hệ tiếp nối ham học, và sự học trở nên tâm huyết cả một đời.
Năm dự bị văn khoa 1961, bỗng đâu cả lũ lao xao, thấy xuất hiện một ông giáo sư trẻ tuổi, da trắng (người Việt mê da trắng!!!), tóc vàng, mũi cao, môi đỏ, một ông giáo sư người Đức mở lớp dạy tiếng Đức, ông tên Ferkinghoff. Thế là cả bọn kéo nhau ghi tên học tiếng Đức.
Khi tôi vào lớp, đã thấy Phùng Thăng ngồi đó rồi, an nhiên tự tại là thế! Hình như hồi ấy cả bọn sinh viên cả nam lẫn nữ đều “mê” ông Ferkinghoff, một nhân vật lạ “exotique” trong cái khung cảnh Huế xưa thời ấy. Cả bọn “mê”, có lẽ trừ chị Phùng Thăng, chị thanh thản ngồi, chăm chú đọc to hay đọc thầm từng con chữ theo ông giáo sư. Hình như chị làm cho ông giáo sư ấy chú ý nhiều hơn, hình như mỗi lần quay qua chị để chờ câu trả lời, mắt ông sáng hơn. Phùng Thăng ! Ông kêu cái tên ấy không dấu “accent” với nụ cười xin lỗi đọc sai “Phung Thang”! Mỗi khi ông bối rối tìm lời giải thích một chữ mới cho sinh viên, hình như Phùng Thăng là cái phao giải cứu ông ra khỏi cơn bối rối ấy. Đến phiên chị thì hầu như tiếng Đức được hiểu dễ dàng!
Nhưng Phùng Thăng không ở lâu với chúng tôi. Một khoảng thời gian, ký ức của tôi trống hình ảnh của chị. Hình như sau đó chị vào Sài Gòn học. Riêng tôi, có duyên với nước Đức, được học bổng du học khóa đào tạo Giáo sư Đức ngữ do người kế vị ông Ferkinghoff, giám đốc chi nhánh viện Goethe tại Huế, ông H. Hohl đề nghị. Từ xa, tôi nghe tin hai chị Phùng Khánh (từ Pháp trở về nước) và Phùng Thăng là những người cộng sự tài giỏi của Hòa Thượng Thích Minh Châu trong việc xây dựng Đại học Vạn Hạnh trong những năm 1965, 66, 67 cho đến 1975. Hai chị đã đóng góp không ít trong công trình xây dựng thư viện Đại học Vạn Hạnh. Hơn thế nữa công trình dịch thuật của hai chị với những tác phẩm lớn của những văn hào trứ danh thế giới đã làm khởi sắc nền học thuật miền Nam một thời thêm phong phú và đa dạng, không những trên phương diện văn chương mà còn trên lãnh vực tư tưởng thời đại. Gia tài văn học ấy có bàn tay tài hoa và tấm lòng thương văn chương, văn học nước nhà của hai chị đã như gấm thêu.(2)
Chỉ duy một điều, mà hôm qua trước khi viết về chị, tôi mới hiểu được phần nào sau khi nói chuyện với anh Trần Xuân Kiêm: trong các tác phẩm dịch, hiếm khi thấy tên Phùng Thăng, mặc dù công trình dịch của chị nòng cốt, thiết yếu cho bản dịch. Bởi vì Phùng Thăng không muốn để tên tuổi của mình, Xuân Kiêm bảo Phùng Thăng là bóng chim nhạn qua sông không để lại dấu tích. Tôi hiểu không phải vì chị “cố tình muốn” mà chị là như thế.
Chị lặng lẽ đến như thế ấy. Lặng lẽ như tôi đã nhiều lần giật mình khi thoạt nhìn. Lặng lẽ đi và đến, ngồi ở thế gian giây phút rồi bỏ đi. Bóng áo trắng thấp thoáng sẽ sàng không gây tiếng động, đến nỗi khi cố tìm lại chị trong ký ức, tôi có cảm giác e dè sợ kinh động sự lặng lẽ ấy, sợ sẽ tan biến đi hình hài trong ký ức đẹp nhất về một con người…
Một đêm không ngủ trên đường bay về Huế, tôi mở mắt trong đêm tối tìm hình ảnh “Phùng Thăng”. “Phùng Thăng”, tôi kêu thầm như ông Ferkinghoff đã có lần nhắc hai chữ ấy trong vẻ ngây thơ, ngay cả dại khờ như đứa bé tập nói, với một nụ cười rạng rỡ hạnh phúc được nói lên như thế. Tôi tìm và lục lọi ký ức. Có chút tuyệt vọng và vô vọng không vượt qua được trước khi viết, đến từ nỗi ham muốn đem Phùng Thăng trở lại cõi trần.
Trong màn đen, tôi chỉ thấy ánh chớp từ một hành tinh nào đó, một giải lụa phất phơ trước mắt như tơ trời, một âm thanh lặng lẽ đang rơi, một thứ Quán Thế Âm nào đó như là nỗi yên lặng vô cùng… Tôi bất giác khấn vái sự yên lặng thần thánh ấy.
Sao băng
Áo trắng
Mày ngài
Bóng người ngồi đó
Giật mình có không…
Huế, mùa sương, Giáp Ngọ tháng hai 2014
T.K.L
(SDB13/06-14)
-----------------------
1. Thái Kim Lan, Nhạc chiều của chúng ta: “Tôi còn nhớ đã giật mình khi thầy Hương phát bài tập của chúng tôi viết về triết học Ấn Độ, bài của Phùng Thăng đã được đọc cho cả lớp nghe, thật gương mẫu. Về sau chị trở nên dịch giả tài hoa của những tác phẩm văn chương Đức nổi tiếng thế giới như Câu chuyện dòng sông, Trò chơi bi chai… của Hermann Hesse. Thật thương tiếc cho người tài hoa đã mệnh yểu… Phùng Thăng nghiêm trang, ít nói, ít cười, đúng phép con nhà”.
2. Tác phẩm dịch này được giới thiệu với tựa đề: Câu chuyện của dòng sông, lần đầu tiên năm 1965 do Nxb. Lá Bối ấn hành (ấn quán Sen Vàng, 243 Sư Vạn Hạnh - Cho lon). Sau đó trước năm 1975 Câu chuyện của dòng sông ít nhất đã được tái bản 3 lần: Nxb. Lá Bối vào các năm 1965 và 1966; Nxb. An Tiêm vào năm 1967. Bìa và trang đầu của cuốn sách có ghi bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng.
Theo lời của chủ Nxb. An Tiêm, anh Thanh Tuệ, khi tái bản vào những lần sau, tác phẩm này đã được đổi thành Câu chuyện dòng sông, vì nó gãy gọn và đẹp hơn (theo ý của chủ Nxb. Lá Bối chứ không phải của dịch giả, nhưng dịch giả đã không phản đối) và từ đó mang tên Câu chuyện dòng sông. Người dịch chính là chị Phùng Khánh.
Dịch giả Phùng Khánh (1938 - 2003) tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh và dịch giả Phùng Thăng, Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng là hai chị em ruột. Thân phụ của 2 dịch giả là cụ Nguyễn Phước Ưng Thiều, thuộc phủ Tuy Lý Vương (cụ Ưng Thiều là cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh, con thứ 11 của vua Minh Mạng). Cùng thế hệ (đồng tôn) với dịch giả Phùng Khánh có nhà văn Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương (cùng chung ông cố nội Tuy Lý Vương Miên Trinh), Công Tằng Tôn Nữ Phương Anh (Chủ Bút Oklahoma Việt Báo - USA), nhà thơ Công Tằng Tôn Nữ Á Nam (phu nhân bác sĩ Hồ Đắc Duy)…
Dịch giả Phùng Thăng là bạn cùng lớp đệ nhất C tại trường Quốc Học của Thái Kim Lan. Phùng Thăng hay bính tóc thành hai con rít hai bên, dáng cao gầy thanh thoát trong áo dài, gương mặt đẹp thanh tú như một tiên cô, rất ít nói, học rất giỏi, nhất là môn triết và văn chương. Tôi còn nhớ, đã giật mình khi nghe bài luận văn về triết học Đông phương của chị và đã thầm nghĩ, “người ni thật là trí tuệ và tài hoa”. Chị Phùng Thăng tỏ ra rất thông hiểu triết học Ấn Độ làm cho kẻ thời ấy còn háo thắng theo phong trào triết học Tây phương là tôi ngạc nhiên và nể vì. Mãi về sau, trở về với triết học Đông phương và Phật giáo, tôi mới biết mình đã thua xa các chị về kiến thức Đông phương mà các chị đã thức thời đi trước. Chị Phùng Thăng tôi không gặp nữa từ năm 1965 khi tôi rời Việt Nam du học. (Thái Kim Lan, Câu chuyện dòng sông và dịch giả Phùng Khánh).
NGUYỄN KHẮC VIỆN
Trích hồi ký
- 75 rồi đấy, ông ơi! Viết hồi ký đi. Chuối chín cây rụng lúc nào không biết đấy!
Chiều 15-4-89, 14 giờ. Phòng họp của Hội VHNT Bình Trị Thiên đã chật hết chỗ, nhiều người ngồi lên bậc cửa sổ.
HỒ VĨNH
Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh sinh ngày 15/6/1905 tại Phú Hội, thành phố Huế. Thuở thiếu thời ông là người ngay thẳng, vui tính, thích văn chương nghệ thuật; ông bước vào nghề báo từ năm 1929 và tham gia hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ tại Huế và hoạt động báo chí do Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trong lịch sử xây dựng tổ chức văn nghệ trên đất Cố đô Huế 70 năm qua, nơi ghi dấu nhiều sự kiện, nhiều kỷ niệm nhất hẳn là ngôi nhà 26 Lê Lợi, bên bờ nam sông Hương.
Đó là đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điếu văn linh mục Phạm Bá Trực.
Từ Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc, của chế độ cũ - mới để tham gia chính quyền cách mạng.
HOÀNG VŨ THUẬT
Bút ký
Hồi ấy tôi cũng là ông giáo làng, sáng đi tối về. Chiến tranh như cái máy ủi đã san phẳng bất cứ thứ gì dựng lên trên mặt đất.
Văn Cao là một trong những nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền tân nhạc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn chặt và hoà trộn với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đã trở thành di sản âm nhạc quý báu của nước nhà. Trong đó, có tác phẩm Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam – mà ông là tác giả.
PHAN QUANG
Hồi ký
Vua Hàm Nghi ghé làng tôi. Vua nghỉ lại ở nhà tôi. Điều đó xảy ra một trăm năm về trước. Và nhà ấy là nhà của ông nội tôi.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ngân Giang viết như một dòng sông tuôn chảy điều hòa. Bà là một hiện tượng trên thi đàn Việt Nam: người làm thơ liên tục dài năm nhất (từ 1922 tới khi bà qua đời- 2002), có số lượng thơ thuộc loại nhiều nhất (hơn 5.000 bài) có nhiều bài được truyền tụng (như Trưng nữ vương, Xuân chiến địa...)
KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1949 - 2015)
PHẠM HỮU THU
Trước khi ông Lê Sáu, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế qua đời, tôi may mắn được ông kể cho nghe nhiều chuyện, phần lớn là những ân tình mà đồng bào, đồng chí đã dành cho cách mạng trong những năm ác liệt của chiến tranh, nhất là những tấm gương lặng lẽ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
PHAN NAM SINH
Thầy tôi mất trưa hôm 16/1/1959 tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội. Sau khi cùng các anh chị tôi lo xong đám tang cho ông, mẹ tôi thu dọn tất cả số sách báo, sổ tay ghi chép, di cảo... của ông để lại vào trong hai chiếc va li loại lớn được ông mang về từ lần đi Trung Quốc dự lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn.
Nhiều người Huế ngày trước thuờng ngâm nga câu hát: “ Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi/ Cô đi về đâu tan buổi học rồi?/ Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao/ Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba / Cô về Vĩ Dạ hay ngược Kim Luông/… Tôi mơ một bóng khi về đơn côi/ Áo dài dáng đẹp tóc còn buông lơi/ Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi”.
BÙI KIM CHI
Vào Thành nội, hai con đường nhỏ hai bên hông trường trung học Hàm Nghi có lá phượng bay, có vòm nhãn che đường làm nền cho ngôi trường uy nghi, bề thế nằm ở giữa. Trước cổng trường có con đường nhỏ chạy ngang qua với hai hàng mù u lấp lánh nắng vàng tươi chụm đầu vào nhau nghe và thủ thỉ chuyện học trò.
THÁI KIM LAN
Từ xa nhận được hung tin Thầy nhập viện trong tình trạng nguy cập, tôi nôn nóng muốn về, hi vọng được gặp lại Thầy.
HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ
LÊ TRỌNG SÂM
90 NĂM BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM(21/6/1925 - 2015)
THANH NGỌC
Sự hình thành và phát triển của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế kể từ khi ra đời đến nay đã gắn bó rất chặt với đời sống báo chí. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi những mầm xanh của VHNT rất cần được gieo trồng trên cánh đồng báo chí. Điều khác nữa, Huế - vùng đất từng là “thủ đô văn hóa” của cả nước, nơi báo chí phát triển cực thịnh mấy chục năm từ trước 1945 đến 1975, các nhà văn hoạt động mạnh mẽ trên lĩnh vực báo chí là lẽ đương nhiên.
Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 19/5 kênh VTV1 đã trình chiếu bộ phim tài liệu: Hồ Chí Minh - Bài ca Tự do. Có thể khẳng định: đây là một trong những bộ phim tài liệu đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi đã từng được xem.
NSND Trà Giang chia sẻ ký ức và cảm xúc về bức ảnh được chụp cùng Bác Hồ năm 1962.