Nhớ con!

10:11 28/10/2008
NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.

Cô thôn nữ xinh như huê, lốc thốc bế con vào thành phố, nhà cao tầng, nước máy đèn điện, tiện thì tiện thật, nhưng nó cứ thế nào. Nhớ tiếng gà kêu, chó sủa, nhớ mùi lúa chín mỗi chiều theo gió đồng thổi rào rạt trên đầu ngọn tre. Nhớ cả cái mùi nồng nồng phả ra từ chuồng trâu có mấy con đang lười biếng nằm nhá cỏ. Nhớ là vậy, nhưng gái theo chồng, rồi cũng quen. Thành phố nhiều cái sướng. Nước non chả phải gánh, cứ mở vòi là có, nhưng vẫn hôi hôi thế nào. Chẳng bằng nước giếng quê mình, ngọt lừ, mát lạnh. Đường phố cứ như những dòng sông, tuôn chẩy toàn người, thành dòng, thành đợt, xanh đỏ đủ màu, cũng  vui mắt.

Lương ba cọc ba đồng, để nuôi con, việc đầu tiên là phải kiếm. Cách kiếm đơn giản nhất là chăn nuôi. Chả phải học ai, “toi loét” thì rộng, trắng tinh, không lẽ cứ vào đấy ngồi suốt ngày. Thả một chú heo, chỉ nhỉnh hơn con mèo thôi mà. Lúc đói nó gào, nghe cũng vui tai. Bố nó nấu rượu, nghề gia truyền, không dùng thì phí, hèm, bã cho vào nồi cám. Rượu bỏ mối hàng cơm cuối phố, chiều chiều mấy xô nước rác xách về, chú heo con sướng nhá. Đi làm cả ngày, về đến nhà lại tối mắt tối mũi, mấy chậu hoa ngoài ban công rỗi đâu mà ngắm. Luống hành, chậu ớt thay vào, tươi ngon mà đỡ phải mua, thì  cũng vẫn cứ sướng như ở nhà quê vậy.

Tin nhà thơ nấu rượu, mà rượu ngon, kỹ thuật gia truyền lan nhanh trong bạn bè. Nhấp ly rượu nhà cất, đọc cho nhau nghe mấy vần thơ mới viết. “Tửu phùng tri kỷ” còn cái sướng nào bằng! Nhớ lại những năm tháng ở rừng, rau rừng nấu thịt hộp, thơ lính, bài “Cây khoai môn” thằng nào nhớ không? “Trên rừng nhớ nhất cây khoai môn/ củ nó luộc lên ăn rất ngon/ dọc nó nấu canh ăn cũng được/ lá nó hao hao giống cái...” Và rượu say. Và cười nghiêng ngả.

Rồi thì khách ở quê ra. Ngủ lại vài đêm đi thăm thành phố. Lòng rộng còn hơn nhà rộng. Lúc đông, trải chiếu ra hành lang. Gió ù ù, đèn thành phố sáng suốt đêm, còn hơn cả trăng rằm quê mình. Rượu nhà nấu bày ra, kể chuyện quê ta đô thị hoá: “Xã ta nay có số nhà/ làng ta nay đã đổi ra thành phường”. Rả rích thâu đêm. Nhưng chả có lò rượu nào, chuồng heo nào kham nổi cái tốc độ tràn cung mây ấy. Chỉ vài tháng, heo đi đàng heo, chõ đi đàng chõ. Dẹp tiệm. Tính kế khác.

Bạn cùng quê, gặp nhau cà phê quán cóc, rút gói ba số mới cứng ra mời. “Sang quá nhỉ, Làm lớn hả?”. “Lớn gì đâu, cán bộ chi viên, trường cấp một, phường ven đô. Nuôi heo, có lãi, sắm chiếc xích lô, chiều chiều chở khách. Kiếm được. Muốn? Tớ truyền nghề. Thong dong lắm ông ơi. Ngày nào cũng dạo phố, gió mát trăng thanh, khoẻ người, lại có tiền”.
Lớp đào tạo lái xích lô tại chức, miễn phí bắt đầu.
Đúng hẹn, khoảng sau mười giờ tối, anh bạn đến đón đi. Ra chỗ trung tâm, đường rộng, hồi đó còn vắng. Đổi chỗ cho nhau, quẹo trái, quẹo phải, vòng số tám, ghếch càng chạy hai bánh... chỉ cỡ một tuần là “rành sáu câu”. Khuya tan lớp, hàn huyên bên quán cháo lòng góc phố. Rượu nhà mang đi, cháo lòng đêm bà này nấu được. “Vấn đề là kiếm được khách. Chỗ tớ hồi đầu, chiều nào cũng có mấy cô gái, mắt xanh môi đỏ, gọi chở ra công viên. Tưởng đi hóng gió, hoá ra đi làm điếm. Hôm nào trúng, nó bao ăn mệt nghỉ”. “Còn hôm ế?”. “Thì nhịn chứ sao”. “Sao không lôi  vào chỗ vắng vắng bắt nó... thanh toán?”. “Ôi dào! Hồi mới gặp, nhìn cứ tưởng tiên. Nay tối nào cũng chở chúng nó đi, cứ nghĩ đến cái cối giã cua ở quê mình. Kinh bỏ mẹ!”.

Học xích lô để đi chở đĩ! Kế hoạch bất khả thi. Tìm cách khác vậy.
Loay hoay rồi cũng qua. Làm thơ, viết báo, viết sách, ai thuê gì làm nấy, chịu khó tùng tiệm, không những đủ ăn, cũng còn dư chút đỉnh. Nhưng thằng cu năm nào mẹ nó bế vào, nay lớn phổng, sắp thành một chàng trai bảnh rồi. Lại con em nó, khai sinh thành phố hẳn hòi. Học hành là một chuyện, còn tương lai? Không ở chung cư mãi được, thằng cu nghịch như quỷ. Không như con người ta lên xuống bằng cầu thang. Nó ư? Cứ theo tay vịn tụt cái ào, mấy cái ào là xuống đến đất. Còn lên? Cũng không như người ta, nó lên nhà bằng ống cống thoát nước, thoăn thoắt như khỉ trèo cây! Hàng xóm không dám kêu, sợ nó giật mình. Để về mách bố nó.

Sang nhượng, trao đi đổi lại vài lần rồi cũng được một căn tạm coi như ý. Nhất cận thị, nhị cận giang. “Thị” thì ngay đầu hẻm, còn “giang” thì có con kênh nước đen chảy sau nhà. Chỗ này buôn bán được. Không gì hay hơn mở quán cháo vịt tiết canh. Tiết canh hãm kiểu quê, có úp ngược vỗ đít cũng chả long chân được. Kiếm được, rồi cất nhà. Nhà thì thế này nói để mẹ nó nghe: “Một trệt, hai lầu, một sân thượng. Về hưu, hai vợ chồng lên đấy, ăn lương hưu, ngắm trăng, làm thơ. Đọc mẹ nó nghe mấy câu thơ mới làm. Còn anh em nó, có gia đình, mỗi đứa một lầu, tầng trệt không mở quán thì cho thuê. Sống được”.
Năm tháng cứ thế trôi đi, thằng cu nghịch ngợm năm nào nay phổng phao thành một chàng trai thông minh, ria mép lún phún, đỡ bố được khối việc. Còn con bé, trắng bóc, nhổ giò, chân dài như người mẫu. Anh em nó học về lại chúi đầu vào “anh tẹc nét”. Cái ấy hay, nghe nói nó như quyển sách, trong ấy cái gì cũng có. Lại nghe nói nó như cái thùng thư, ngồi nhà có thể thư đi khắp thế giới..

Một hôm, đang ăn cơm, thằng bé bỗng nghiêm trọng tuyên bố một câu xanh rờn: “Bố! Con lấy vợ!”.
Tin đâu như sét đánh ngang. Vừa mừng vừa lo. “Ối giời ơi! Mày lấy ai?”. Mẹ nó rên rỉ.
Chuyện là thế này, con bé lên mạng, chát chít tận bên nước Mỹ, quen một con bé trước ở bên quận Tám, người Sài Gòn, nay là Việt kiều, nhập quốc tịch, đã thành người Mỹ. Con bé nhà mình giới thiệu ông anh, cho xem cả ảnh, chát qua chít lại, con kia mến lắm, quyết về Việt Nam cưới cho bằng được, chuyện đã mấy tháng rồi nhưng chúng nó giấu. “Tuần sau nó về, bố mẹ ra sân bay đón nó. Ảnh đây”. Bức ảnh gửi qua “anh tẹc nét”, bằng cái móng tay, nhoè nhoè, mờ mờ, nhìn không rõ mặt.

Hôm ra sân bay, vợ chồng như ngồi trên đống lửa. Không biết mặt mũi con bé thế nào?! Chân tay có thừa có thiếu cái nào không, hay chân dài chân ngắn, bước đi, một chấm, một phẩy thì bỏ mẹ. Ảnh nó gửi về đâu có chụp chân tay! Nhưng nó kia rồi, lành lặn, sáng trưng, Việt kiều có khác, Con bé nhà mình dẫn đến chào hai vợ chồng, thằng cu thì có hơi bẽn lẽn. Mới lần đầu gặp nhau mà. “Chào bố mẹ. Ba mẹ con không về được. Ở bên ấy ai cũng phải đi làm. Nghỉ thì mất việc, mất việc là mất tất. Ông cậu con bên quận Tám, ngày mai sang thưa chuyện. Bố mẹ đồng ý là chúng con tổ chức luôn. Con còn phải về Mỹ đi làm. Thời gian gấp lắm.”

Ông cậu xương xương, dáng người khắc khổ. Thùng bia mua sẵn tiếp nhà gái, loáng cái vơi nửa thùng. Yêu cầu nhà gái đưa ra cũng khá rắc rối. Nào là mâm ngũ quả, trầu cau, hương đèn đủ thứ, nhưng mang sang nhà gái thì mang đi đâu? Hoá ra chẳng cậu cháu gì. Nhà con bé trước ở gần một ngôi chùa tư nhân, “ông cậu” làm thầy cúng, nhà gần đấy. Gia đình con bé đi hết không còn ai. Về đây nó nghỉ khách sạn, hôm nay bận đi đưa quà, không đến được, nó nhờ. Như vậy ông không phải đại diện nhà gái, chỉ là hàng xóm, yêu cầu hai bàn cho cả gia đình ông và ông anh cũng có thể, xin cứ đến dự, chỉ yêu cầu là không thay mặt ai, không phát biểu gì. Mọi việc nhà trai lo tất. Nhất trí 
chưa? Rồi! cụng ly.

Mọi việc rồi cũng xong, thằng cu có giấy xanh giấy đỏ gì đấy, sang Mỹ theo vợ. Còn con bé nhà này cũng “đẹp duyên” với thằng anh họ con vợ thằng lớn. Cũng kéo nhau về bên kia.
Căn nhà mênh mông, một trệt hai lầu, vợ chồng lủi thủi ra vào. Đi đâu cũng chẳng dám ngồi lâu, chẳng lẽ để bà ấy ngày nào cũng ở nhà một mình ôm cái tivi, một con chó với... hai con mèo
Còn chúng nó ở bên kia giờ ra sao? Chẳng có lấy mụn cháu để bế! Mà... nó là thằng tây con, có ru nó cũng chả hiểu gì!
                         TP.HCM, 20 - 0 1- 006
                        N.T.H

(nguồn: TCSH số 218 - 04 - 2007)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN ANH NHẬT

    Trong Thế chiến thứ hai, một đội quân điện thính viên có nhiệm vụ nghe ngóng điện đài của đối phương luân phiên nhau hàng ngày trời.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Những người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, ngày xưa chiến trận diễn ra liên miên, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mù mịt là ma đi kiếm ăn.

  • PHƯƠNG HÀ

    Thằng Mạnh lẹ làng cắt quả bí đao đang lủng lẳng trên giàn. Nó nheo mắt lại vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi.

  • VIỆT HÙNG

    Chàng cho rằng mọi việc cũng chỉ tại những chiếc đồng hồ quay ngược.

  • VŨ NGỌC GIAO

    Năm Luyến lên sáu tuổi cả nhà phát hiện nàng bị bệnh mộng du.
    Cứ vào quãng gà gáy canh hai Luyến lại bật dậy vén màn, mở cửa lững thững đi ra vườn.

  • LÊ VI THỦY

    Đêm.
    Tiếng nhạc vũ trường khiến gã quay cuồng. Chai Armagnac vơi dần. Những cái ly được nâng lên hạ xuống cùng với tiếng cười rôm rả. 

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Ngay cả ở đất Cố Đô, không mấy ai biết ở chân núi Ngũ Tây có một vườn mai vàng. Chủ vườn mai ấy là hai cha con ông già mù.

  • VIỆT HÙNG

    Khi ấy, là khoảng thời gian mà trong tôi, cảm giác trống rỗng đến ghê sợ đang xâm chiếm. Với tôi lúc đó, chẳng còn gì để đáng coi là đẹp...

  • NGUYỄN NGỌC LỢI

    Đầm sen ấy có từ bao giờ, bà không thể biết. Nhưng bà biết đích xác ngày nó tàn, tận mắt chứng kiến cả một đầm nước loi thoi tàn úa những cọng, những tán lá mốc xỉn màu rỉ sắt đổ gục, mặt nước hồ bàng bạc những cuống lá buồn thảm. Và cái đầm sen ấy đã được kết thúc bằng những chuyến xe nối đuôi nhau ào ào trút đất.

  • PHẠM GIAI QUỲNH

    1.
    Đóng nắp hòm thư đã bong phần gỉ sét bên ngoài, cô nhét mấy lá thư vào trong nhà - qua khe cửa. Vì cô đã chốt khóa rồi nên không muốn phải mở cửa ra một lần nữa.

  • HƯƠNG VĂN

    Màn  đêm  đã  tràn  ra  mặt  biển. Màu nước đen như màu mực, lênh loáng, mênh mông. Bãi bờ vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của biển.

  • ĐINH PHƯƠNG

    1.
    Tôi nói với Vân về việc từ nay sẽ không nói đến cái chết của Ẩn nữa, chấm dứt một cơn mộng dài đẵng ai cũng phải quên đi.

  • LÊ KIM SƠN

    Nàng biết không, ta đã nhìn thấu nàng từ rất lâu trước đó? Buổi tắm trăng ngơ ngác một mình, cái tinh khôi như đóa hoa mới hé, chỉ mình ta chế ngự được thời gian, cái khoảnh khắc lãng đãng muôn trùng, đã trói trái tim tội nghiệp của ta bên nàng mãi mãi.

  • HOÀI NAM

    Người ta vẫn xì xào tới tai tôi rằng, tôi là một con ngốc. Thì đã sao! Tôi không cảm thấy bị xúc phạm mà ngược lại nó đem đến cho tôi cảm giác được an toàn yên ổn. Ai lại đi ganh tị, đố kị với một con ngốc? Làm thế chẳng khác nào tự túm tóc nhấc mình khỏi mặt đất.

  • HOÀNG THU PHỐ

    1.
    “Khi ánh sáng một lần nữa soi chiếu, ta bỏ lại tàn lụi thế giới này”.(*)

  • QUÁCH THÁI DI

    Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào một gian phòng khá lớn, cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành đặt gần kệ sách rất cao, lắng nghe dòng suối âm thanh trong trẻo đang chảy ra từ cây đàn piano màu trắng.

  • VIỆT HÙNG

    Tosenli bước vào tiệm cho thuê đồ "Con Ngỗng Vàng". Người chủ tiệm thấy ông, theo thói quen, chẳng cần hỏi, đi thẳng đến nơi treo đồ.

  • VIỆT HÙNG

    Đêm tháng 6 của Hà Nội. Căn phòng 24 mét vuông như chật thêm. Giáo sư Sơn ngồi mơ màng nhả khói thuốc.

  • TẠ XUÂN HẢI

    Cầu Sòng là một nơi hoàn toàn vắng vẻ. Nếu có công chuyện thật sự cấp bách phải qua sông, người ta đi vòng xuống phía hạ nguồn khoảng hai cây số, ở đó có một chiếc cầu khác.

  • PHƯƠNG HÀ

    Tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, đầu vẫn còn đau. Trước mắt tôi là màu trắng toát của bốn bức tường bệnh viện.