Nhớ con!

10:11 28/10/2008
NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.

Cô thôn nữ xinh như huê, lốc thốc bế con vào thành phố, nhà cao tầng, nước máy đèn điện, tiện thì tiện thật, nhưng nó cứ thế nào. Nhớ tiếng gà kêu, chó sủa, nhớ mùi lúa chín mỗi chiều theo gió đồng thổi rào rạt trên đầu ngọn tre. Nhớ cả cái mùi nồng nồng phả ra từ chuồng trâu có mấy con đang lười biếng nằm nhá cỏ. Nhớ là vậy, nhưng gái theo chồng, rồi cũng quen. Thành phố nhiều cái sướng. Nước non chả phải gánh, cứ mở vòi là có, nhưng vẫn hôi hôi thế nào. Chẳng bằng nước giếng quê mình, ngọt lừ, mát lạnh. Đường phố cứ như những dòng sông, tuôn chẩy toàn người, thành dòng, thành đợt, xanh đỏ đủ màu, cũng  vui mắt.

Lương ba cọc ba đồng, để nuôi con, việc đầu tiên là phải kiếm. Cách kiếm đơn giản nhất là chăn nuôi. Chả phải học ai, “toi loét” thì rộng, trắng tinh, không lẽ cứ vào đấy ngồi suốt ngày. Thả một chú heo, chỉ nhỉnh hơn con mèo thôi mà. Lúc đói nó gào, nghe cũng vui tai. Bố nó nấu rượu, nghề gia truyền, không dùng thì phí, hèm, bã cho vào nồi cám. Rượu bỏ mối hàng cơm cuối phố, chiều chiều mấy xô nước rác xách về, chú heo con sướng nhá. Đi làm cả ngày, về đến nhà lại tối mắt tối mũi, mấy chậu hoa ngoài ban công rỗi đâu mà ngắm. Luống hành, chậu ớt thay vào, tươi ngon mà đỡ phải mua, thì  cũng vẫn cứ sướng như ở nhà quê vậy.

Tin nhà thơ nấu rượu, mà rượu ngon, kỹ thuật gia truyền lan nhanh trong bạn bè. Nhấp ly rượu nhà cất, đọc cho nhau nghe mấy vần thơ mới viết. “Tửu phùng tri kỷ” còn cái sướng nào bằng! Nhớ lại những năm tháng ở rừng, rau rừng nấu thịt hộp, thơ lính, bài “Cây khoai môn” thằng nào nhớ không? “Trên rừng nhớ nhất cây khoai môn/ củ nó luộc lên ăn rất ngon/ dọc nó nấu canh ăn cũng được/ lá nó hao hao giống cái...” Và rượu say. Và cười nghiêng ngả.

Rồi thì khách ở quê ra. Ngủ lại vài đêm đi thăm thành phố. Lòng rộng còn hơn nhà rộng. Lúc đông, trải chiếu ra hành lang. Gió ù ù, đèn thành phố sáng suốt đêm, còn hơn cả trăng rằm quê mình. Rượu nhà nấu bày ra, kể chuyện quê ta đô thị hoá: “Xã ta nay có số nhà/ làng ta nay đã đổi ra thành phường”. Rả rích thâu đêm. Nhưng chả có lò rượu nào, chuồng heo nào kham nổi cái tốc độ tràn cung mây ấy. Chỉ vài tháng, heo đi đàng heo, chõ đi đàng chõ. Dẹp tiệm. Tính kế khác.

Bạn cùng quê, gặp nhau cà phê quán cóc, rút gói ba số mới cứng ra mời. “Sang quá nhỉ, Làm lớn hả?”. “Lớn gì đâu, cán bộ chi viên, trường cấp một, phường ven đô. Nuôi heo, có lãi, sắm chiếc xích lô, chiều chiều chở khách. Kiếm được. Muốn? Tớ truyền nghề. Thong dong lắm ông ơi. Ngày nào cũng dạo phố, gió mát trăng thanh, khoẻ người, lại có tiền”.
Lớp đào tạo lái xích lô tại chức, miễn phí bắt đầu.
Đúng hẹn, khoảng sau mười giờ tối, anh bạn đến đón đi. Ra chỗ trung tâm, đường rộng, hồi đó còn vắng. Đổi chỗ cho nhau, quẹo trái, quẹo phải, vòng số tám, ghếch càng chạy hai bánh... chỉ cỡ một tuần là “rành sáu câu”. Khuya tan lớp, hàn huyên bên quán cháo lòng góc phố. Rượu nhà mang đi, cháo lòng đêm bà này nấu được. “Vấn đề là kiếm được khách. Chỗ tớ hồi đầu, chiều nào cũng có mấy cô gái, mắt xanh môi đỏ, gọi chở ra công viên. Tưởng đi hóng gió, hoá ra đi làm điếm. Hôm nào trúng, nó bao ăn mệt nghỉ”. “Còn hôm ế?”. “Thì nhịn chứ sao”. “Sao không lôi  vào chỗ vắng vắng bắt nó... thanh toán?”. “Ôi dào! Hồi mới gặp, nhìn cứ tưởng tiên. Nay tối nào cũng chở chúng nó đi, cứ nghĩ đến cái cối giã cua ở quê mình. Kinh bỏ mẹ!”.

Học xích lô để đi chở đĩ! Kế hoạch bất khả thi. Tìm cách khác vậy.
Loay hoay rồi cũng qua. Làm thơ, viết báo, viết sách, ai thuê gì làm nấy, chịu khó tùng tiệm, không những đủ ăn, cũng còn dư chút đỉnh. Nhưng thằng cu năm nào mẹ nó bế vào, nay lớn phổng, sắp thành một chàng trai bảnh rồi. Lại con em nó, khai sinh thành phố hẳn hòi. Học hành là một chuyện, còn tương lai? Không ở chung cư mãi được, thằng cu nghịch như quỷ. Không như con người ta lên xuống bằng cầu thang. Nó ư? Cứ theo tay vịn tụt cái ào, mấy cái ào là xuống đến đất. Còn lên? Cũng không như người ta, nó lên nhà bằng ống cống thoát nước, thoăn thoắt như khỉ trèo cây! Hàng xóm không dám kêu, sợ nó giật mình. Để về mách bố nó.

Sang nhượng, trao đi đổi lại vài lần rồi cũng được một căn tạm coi như ý. Nhất cận thị, nhị cận giang. “Thị” thì ngay đầu hẻm, còn “giang” thì có con kênh nước đen chảy sau nhà. Chỗ này buôn bán được. Không gì hay hơn mở quán cháo vịt tiết canh. Tiết canh hãm kiểu quê, có úp ngược vỗ đít cũng chả long chân được. Kiếm được, rồi cất nhà. Nhà thì thế này nói để mẹ nó nghe: “Một trệt, hai lầu, một sân thượng. Về hưu, hai vợ chồng lên đấy, ăn lương hưu, ngắm trăng, làm thơ. Đọc mẹ nó nghe mấy câu thơ mới làm. Còn anh em nó, có gia đình, mỗi đứa một lầu, tầng trệt không mở quán thì cho thuê. Sống được”.
Năm tháng cứ thế trôi đi, thằng cu nghịch ngợm năm nào nay phổng phao thành một chàng trai thông minh, ria mép lún phún, đỡ bố được khối việc. Còn con bé, trắng bóc, nhổ giò, chân dài như người mẫu. Anh em nó học về lại chúi đầu vào “anh tẹc nét”. Cái ấy hay, nghe nói nó như quyển sách, trong ấy cái gì cũng có. Lại nghe nói nó như cái thùng thư, ngồi nhà có thể thư đi khắp thế giới..

Một hôm, đang ăn cơm, thằng bé bỗng nghiêm trọng tuyên bố một câu xanh rờn: “Bố! Con lấy vợ!”.
Tin đâu như sét đánh ngang. Vừa mừng vừa lo. “Ối giời ơi! Mày lấy ai?”. Mẹ nó rên rỉ.
Chuyện là thế này, con bé lên mạng, chát chít tận bên nước Mỹ, quen một con bé trước ở bên quận Tám, người Sài Gòn, nay là Việt kiều, nhập quốc tịch, đã thành người Mỹ. Con bé nhà mình giới thiệu ông anh, cho xem cả ảnh, chát qua chít lại, con kia mến lắm, quyết về Việt Nam cưới cho bằng được, chuyện đã mấy tháng rồi nhưng chúng nó giấu. “Tuần sau nó về, bố mẹ ra sân bay đón nó. Ảnh đây”. Bức ảnh gửi qua “anh tẹc nét”, bằng cái móng tay, nhoè nhoè, mờ mờ, nhìn không rõ mặt.

Hôm ra sân bay, vợ chồng như ngồi trên đống lửa. Không biết mặt mũi con bé thế nào?! Chân tay có thừa có thiếu cái nào không, hay chân dài chân ngắn, bước đi, một chấm, một phẩy thì bỏ mẹ. Ảnh nó gửi về đâu có chụp chân tay! Nhưng nó kia rồi, lành lặn, sáng trưng, Việt kiều có khác, Con bé nhà mình dẫn đến chào hai vợ chồng, thằng cu thì có hơi bẽn lẽn. Mới lần đầu gặp nhau mà. “Chào bố mẹ. Ba mẹ con không về được. Ở bên ấy ai cũng phải đi làm. Nghỉ thì mất việc, mất việc là mất tất. Ông cậu con bên quận Tám, ngày mai sang thưa chuyện. Bố mẹ đồng ý là chúng con tổ chức luôn. Con còn phải về Mỹ đi làm. Thời gian gấp lắm.”

Ông cậu xương xương, dáng người khắc khổ. Thùng bia mua sẵn tiếp nhà gái, loáng cái vơi nửa thùng. Yêu cầu nhà gái đưa ra cũng khá rắc rối. Nào là mâm ngũ quả, trầu cau, hương đèn đủ thứ, nhưng mang sang nhà gái thì mang đi đâu? Hoá ra chẳng cậu cháu gì. Nhà con bé trước ở gần một ngôi chùa tư nhân, “ông cậu” làm thầy cúng, nhà gần đấy. Gia đình con bé đi hết không còn ai. Về đây nó nghỉ khách sạn, hôm nay bận đi đưa quà, không đến được, nó nhờ. Như vậy ông không phải đại diện nhà gái, chỉ là hàng xóm, yêu cầu hai bàn cho cả gia đình ông và ông anh cũng có thể, xin cứ đến dự, chỉ yêu cầu là không thay mặt ai, không phát biểu gì. Mọi việc nhà trai lo tất. Nhất trí 
chưa? Rồi! cụng ly.

Mọi việc rồi cũng xong, thằng cu có giấy xanh giấy đỏ gì đấy, sang Mỹ theo vợ. Còn con bé nhà này cũng “đẹp duyên” với thằng anh họ con vợ thằng lớn. Cũng kéo nhau về bên kia.
Căn nhà mênh mông, một trệt hai lầu, vợ chồng lủi thủi ra vào. Đi đâu cũng chẳng dám ngồi lâu, chẳng lẽ để bà ấy ngày nào cũng ở nhà một mình ôm cái tivi, một con chó với... hai con mèo
Còn chúng nó ở bên kia giờ ra sao? Chẳng có lấy mụn cháu để bế! Mà... nó là thằng tây con, có ru nó cũng chả hiểu gì!
                         TP.HCM, 20 - 0 1- 006
                        N.T.H

(nguồn: TCSH số 218 - 04 - 2007)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.

  • TRẦN NGUYỄN ANH Trong gia đình tôi, dì là người đến sau cùng. Dì thường bảo tôi: “Ô Mai à, hãy coi dì là bạn nhé”. Tôi thẳng thừng bảo: “Tôi chỉ có thể coi dì như kẻ thù”.

  • NHẬT HÀ      Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.

  • CAO LINH QUÂN                Ăn mày là ai?                Ăn mày là...                                (Ca dao xưa)

  • LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.

  • HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.

  • Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.

  • TRẦN HỒNG LONG“Tao cấm mầy nói nó chết! Nếu mầy còn nói nữa, tao sẽ đuổi mầy ra khỏi nhà tao ngay!”. Chỉ cần nghe cái “điệp khúc” ấy là dân xóm Vàm Đinh đủ biết bà Hoài chửi chị Ngọt ở trên tỉnh về thăm. Và, không cho chị nói chuyện anh Mặn hy sinh, mặc dù giải phóng đã hai mươi năm rồi vẫn không có một tin tức nào về anh.

  • ĐINH DUY TƯ         Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.

  • NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.

  • HOÀNG BÌNH TRỌNGGập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.

  • Y NGUYÊN     ... Những người muôn năm cũ         Hồn ở đâu bây giờ

  • GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.

  • NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…

  • NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.

  • MA VĂN KHÁNGKhi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.

  • PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!

  • HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm...  Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.

  • NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.