Nhớ cô Minh Mẫn

09:03 20/04/2018

HÀN NHÃ LẠC

Thêm một giọng ca tài danh từng tôn cao giá trị di sản ca Huế vừa ra đi: nghệ sĩ nhân dân Minh Mẫn vừa qua đời ngày 13 tháng ba năm 2018, nhằm ngày 26 tháng giêng âm lịch.

Cô Minh Mẫn trên chiếu hát ca Huế. Ảnh: Võ Quê

Sự nhiệt huyết của con người ấy là tấm gương điển hình về đam mê nghệ thuật và sự truyền cảm hứng cho thế hệ sau. Tài năng thiên phú, niềm đam mê tận cùng, sự khổ luyện để thỏa lòng khao khát được ca hát… tất cả đã tạo nên một giọng ca Minh Mẫn vang lừng giữa kinh thành Huế suốt hơn nửa thế kỷ.

Người sành nhạc, đến Huế muốn nghe ca Huế thì phải nghe cô Minh Mẫn, cô Thanh Tâm ca mới thỏa lòng. Bởi, chỉ cần nghe cô Minh Mẫn xô hò mái nhì song chuyển vào đoạn đầu bài thôi, đã thấm thía tận hồn. Nỗi niềm người xưa như theo cả lời ca mà xoáy vào tâm can người thưởng thức: “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm”… Cô Minh Mẫn nói: “Ngày xưa phải học đến bốn tháng mới ra được một câu hò mái nhì đó”.

Với cô Minh Mẫn, ca Huế hay đến nhức nhối, ám ảnh, như là một phần của máu huyết chảy trong người. Năm lên mười ở làng quê Phong Điền, cô bé Nguyễn Thị Mẫn trong một lần đi xem tuồng của đoàn Kim Sanh (gánh hát của ông Hường Khanh - cậu vua Bảo Đại), đã bị các lời ca quyến rũ hoàn toàn, thôi thúc cô xin cha được tìm thầy để học. Ngặt một nỗi, niềm đam mê của cô bé Mẫn vấp phải sự cấm đoán quyết liệt ngay từ đầu của người cha, bởi ông cũng như bao người thuở đó quan niệm nghề ca chỉ là “xướng ca vô loài”, ông muốn cô theo nghề buôn bán thì hơn.

Không nản, lòng đam mê khiến cô bé Mẫn lén tầm sư học hát. Được một thời gian thì thân phụ biết, ông nổi giận đòn roi rồi cấm gắt. Mặc, cô bé Mẫn vẫn gan góc lủi ra khỏi nhà theo tiếng gọi ca Huế, những trận đòn roi ngày một nhiều hơn. Việc đến tai thầy hiệu trưởng Ưng Thiều, thầy đích thân đến nhà xin người cha cho cô bé Mẫn đi học hát, đến mức ấy mà người cha vẫn lắc đầu và quản thúc chặt hơn nữa.

Nước mắt lưng tròng, song ý đã quyết, lửa đam mê hừng hực, cô bé Mẫn vẫn tìm cách đi học ca. Thương em, người chị gái tìm cách giấu giếm cha, thu xếp cho em đi học. Người thầy đầu tiên của cô là cụ Võ Thuyền dạy ca Cổ Bản, Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hồ… Tiếp đó, cô đau đáu được học cụ Cửu Song ở làng An Gia bên cạnh. Cụ Cửu Song là một nghệ nhân cung đình, được phong quan cửu phẩm, khi về già cụ về làng sống một mình. Mỗi sáng, hầu nước cho cha xong, cô đi bộ sang nhà cụ Cửu Song làm tất cả các việc nhà, lại hầu nước cụ. Sau đó cụ Cửu Song mới dạy cho. Thương cô học trò có giọng ca thiên phú, lại ngặt nỗi cha cấm đoán, cụ Cửu Song tận tình bày vẽ, dạy từng cách nhả chữ sao cho tròn, luyến láy sao cho câu hát vừa diễn cảm vừa sang… Học chừng hơn một giờ, cô phải quay lại nhà tránh bị cha phát hiện. Cứ thế, sự học của cô bé Mẫn ngày càng tiến triển mà người cha vẫn không hề hay biết. Về sau, cô còn học thêm cụ Thông Định, một nghệ nhân đàn nhị.

Rồi niềm đam mê của cô Mẫn cũng được đền đáp, cô được giới thiệu và gánh hát Kim Sanh - gánh hát đã thôi thúc niềm đam mê của cô - mời cô gia nhập. Kỷ niệm đầu tiên trong đời nghệ thuật của cô là trong một đêm diễn ở phủ quan, các “mệ” thưởng cho cô đến 5 đồng bạc con công (dân gian có câu: một con công mua một đôi bông vàng). Số tiền đó đã bắt đầu xác quyết tài năng nghệ thuật của cô Nguyễn Thị Mẫn.

Rời quê Phong Điền, cô Mẫn dọn nhà về ở Lục Bộ ở kinh thành Huế. Cô được nghệ sĩ Tuyết Hương, cô Thu Nương, các ca sĩ nổi danh nhất bấy giờ, chuốt thêm một số kỹ thuật ca Nam Ai, Nam Bình, Tứ đại cảnh… Rồi cô may mắn được học thêm từ thầy Ngũ Chuột, cô Nhơn (Nguyễn Thị Mùi) - người từng dành giải nhất cuộc thi ca Huế tại Hội chợ Huế năm 1937… khiến giọng ca của cô ngày càng chín. Nghệ danh Minh Mẫn đến đây đã định hình tài năng xuất sắc.

Trong thời gian hát trong gánh hát của Hường Khanh, cô Minh Mẫn nhiều lần vào ca ở các cung phủ, trong đó có cả phủ Ưng Bình Thúc Giạ Thị… Hồi đó bạn diễn của cô chính là danh cầm Nguyễn Kế. Tiếng đàn Nguyễn Kế tài hoa trên nhiều nhạc cụ khác nhau: đàn bầu, tỳ, nguyệt… đưa đẩy, nâng giọng ca thiên phú Minh Mẫn khiến người nghe ngây ngất suốt đêm dài…

Thời gian đầu hoạt động nghệ thuật ở Huế, để giấu cha không biết mình đi ca, cô Minh Mẫn vẫn theo sát các chuyến hàng buôn của gia đình. Rồi danh tiếng khiến cô không giấu được cha, ông vẫn âm thầm theo dõi những thành công của cô con gái bướng bỉnh. Trong những ngày nằm viện do tuổi già, người cha đã khiến cô Minh Mẫn khóc vì sung sướng khi lần đầu tiên mở lời khen: “Giọng mi ca cũng hay đó chơ hè”. Cũng từ đó, cô Minh Mẫn chính thức công khai kiêu hãnh bước vào làng nghệ thuật, không cần phải lén lút với gia đình.

Giọng ca Minh Mẫn nhanh chóng nổi tiếng khắp xứ Huế, hay đến mức các vương phủ đều mời cô đến hát. Nhạc sĩ Phạm Duy về Huế luôn nhắc đến cô Minh Mẫn. Trước năm 1945, lần đầu đến Huế, nhạc sĩ Phạm Duy đã được nghe cô Bích Liễu, cô Minh Mẫn ca Huế trên sông Hương. Phạm Duy đã phát hiện ra ca nhạc Huế thuộc Ngũ cung lơ lớ qua giọng ca các cô, và về sau, cái chất ngũ cung lơ lớ ấy đã bàng bạc trong nhiều ca khúc về miền Trung của Phạm Duy. Sau năm 1975, cụ được mời đi dạy ở Trường cao đẳng Nghệ thuật Huế. Dạo đó, khi các cụ Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến thăm Huế, đều nghe cô Minh Mẫn ca Huế, rất lấy làm xúc động. Dịch giả Bửu Ý, người từng cùng với vợ thực hiện nhiều dự án bảo tồn ca Huế, nói rằng giọng ca Minh Mẫn là có một không hai, nghe đến “nhức xương”.

Cô Minh Mẫn thủ đắc trong mình điệu “Ngũ đối thượng” mà theo nhiều người sành ca Huế, chưa tìm ra ở Huế người thứ hai hát được như cô. Theo nghệ nhân Trần Thảo, có một làn điệu bây giờ cũng không ai ca được, đó là điệu Long Ngâm lời rất cổ.

Cô Minh Mẫn đã góp công rất lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ môn nghệ thuật ca Huế. Không chỉ tham gia đào tạo ca Huế, cô còn giúp giới nghiên cứu, sưu tầm nhã nhạc, ca Huế ghi âm, thu băng hình, chỉnh lý ca từ, hệ thống một số bài bản ca Huế tưởng đã thất truyền, không còn lưu giữ trong dân gian. Trước khi rời cõi tạm ở tuổi 93, cô Minh Mẫn cũng đã kịp truyền các ngón nghề cho một số giọng ca trẻ ở Huế. Những ươm mầm ấy không biết rồi có dịp nở hoa hay không trong thời buổi con người ta ngày ít hướng về những giá trị của những làn điệu cổ…

Dù sao thì cô Minh Mẫn cũng đã hoàn tất sứ mệnh của mình, cống hiến và truyền thụ. Nơi xa khuất phía sương mù, cô sẽ gặp lại những người yêu kính nhất của nghệ thuật đàn ca Huế như nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, cô Nhơn, nghệ sĩ Tôn Thất Toàn, mệ Viễn Dung, Vĩnh Phan, cụ Nguyễn Kế, cô Bích Liễu, cô Quế Trân… Một thế hệ mà nhắc đến tên, người ta hình dung ra một thời vàng son của kinh thành xứ Huế, với những lời ca, ngón đàn tuyệt đỉnh công phu…

H.N.L
(SHSDB28/03-2018)

 

Đớn đau lòng Minh Mẫn đã đi xa…
(Tứ đại cảnh)


Lời VÕ QUÊ

giọng ca vàng xuyên thế kỷ
thành tri bỉ, tri kỷ muôn lòng
là tri âm đồng điệu hòa nên nhịp quê hương.
sắc với tài danh Minh Mẫn lưu phương
tên tuổi đẹp chốn trường an nơi xứ mộng
từng ngân vọng bài ca gợi những niềm riêng
nỗi đam mê đàn nhạc, lòng mong mỏi của thời xanh
uớc mơ thành người ca nữ trang thanh
hồn Hương Ngự ngời xuân
ca ngân mãi âm vang trải bao nguồn cội yêu thương
lửng lơ con thuyền mộng tâm hồn vọng tới ngàn phương
vượt lên từng
lao nhọc truân chuyên
đời Minh Mẫn hồn nhiên
nên về khuya
hay bấc lụn trăng nghiêng
tiếng ca cảm hoài
với Nam bình Tứ đại cảnh Hành vân
tình Lưu thủy Nam xuân…
ánh bình minh soi sáng cả hành tinh
tiếng ca nghĩa tình
bi thương xốn xang nay từ biệt
người sao vội ngưng nửa câu ca
xót xa trong tim, mắt nhòa
chan chứa lệ, lơi đàn cung xưa
đớn đau lòng Minh Mẫn đã đi xa…


Huế, 14/3/2018

(SHSDB28/03-2018)





 


 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BỬU Ý

    Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.

  • LÊ QUANG KẾT
                   

    Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).

  • VŨ THU TRANG

    Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.

  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ

    Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.

  • HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
                                      Đoản văn

    Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!

  • LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ

  • BÙI KIM CHI

    Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.

  • KIM THOA

    Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên        
          
                       (Hàn Mạc Tử)

  • NGUYỄN VĂN UÔNG

    Hôm nay có một người du khách
    Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên         
     

    (Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY

    Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.

  • LÊ QUANG KẾT                
                      Tùy bút

    Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.

  • TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.

  • LÊ QUANG KẾT

    Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.

  • HUY PHƯƠNG

    Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
    Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên         
                          
                                              (Tố Hữu)

  • PHAN THUẬN AN

    Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.

  • MAI KIM NGỌC

    Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.

  • HOÀNG HUẾ

    …Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…

  • QUẾ HƯƠNG

    Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.

  • THU TRANG

    Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.

  • TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ

    Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.