NGUYỄN VĂN HỌC
1.
Dễ đến sáu năm rồi, Hân có thói quen vừa xõa tóc bên hoa vừa nghe nhạc. Cô thích nhạc buồn, da diết nỗi niềm và ầng ậc nước mắt. Chả riêng dòng gì. Cô đắm vào đó.
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Hà Nội mùa nào cũng có hoa. Hoa từ muôn phương. Nên mùa nào cô cũng có thể có hoa để thưởng thức. Cô dám nhịn ăn sáng, thậm chí nhịn ăn trưa để dành tiền mua hoa. Yêu hoa. Yêu tóc. Hoa nhiều màu nhưng tóc phải đen. Luôn là như vậy. Không màu mè. Còn nhạc, cả rừng. Năm nào tháng nào chả có những bản nhạc, ca khúc trổ vào đời sống. Ba thứ. Hoa, tóc và nhạc quyện vào nhau.
Giật mình. Mỹ gõ cửa. Vừa mở ra cô đã ùa vào, mặt nhấp nhính bự phấn, miệng toe toét cười. “Con ranh, về đây làm gì?” Mỹ hất hàm: “Mình thích thì mình về thôi!” Hân dùng dây thun buộc lại tóc, đẩy chiếc bình hoa vào giữa bàn, cho nhạc nhỏ hơn, quay sang Mỹ: “Có gì mới không? Không có gì mới thì cút đi. Về đây chả được tích sự gì. Có thằng nào nó nhòm ngó đến không? Không chứ gì? Không thì mới về đây chứ thèm đoái hoài gì đến tao. Hay là bị đá? Nếu không có gì mang về đây thì biến ngay. Đừng làm phiền tao. Tao đang nợ hơn bốn triệu tiền nhà đây”.
Mỹ là bạn đồng hương, cùng đại học với Hân. Nhiều năm qua, hai cô sống với nhau, cô đơn bên nhau, nhưng lúc nào cũng giữ thói quen giao tiếp cộc lốc, tục tằn. Mỹ cởi áo ngoài, nằm ườn ra giường. Mệt như chó chạy rông. Tao đếch thèm và đoái hoài đến cái loại mày. Mày cứ sống kiểu của mày đi. Tao cữ nằm ở đến mai. Ngủ. Chả phiền mày. Tí cứ gọi cơm hộp. Suất của tao, tao trả tiền.
Tắt hẳn nhạc, Hân cũng chui vào chăn. Chiều đông bỗng nao nao. Con ranh, chân lạnh quá. Mày trườn bao nhiêu con phố mà lạnh vậy hả? Mà sao năm nay lạnh khủng khiếp thế.
Khi Hân ngà ngà trôi theo giấc ngủ, cận kề giấc mơ đẹp thì Mỹ hét lên: “Giời ơi!” Tiếng hét vô duyên, âm rơi lỏng chỏng rơi xuống sàn. Hân bừng tỉnh. Giấc mơ đẹp tan loãng, đột ngột. Gì thế, làm người ta hết cả hồn? Mỹ không nói gì, cũng chẳng ngọ nguậy. Hân quay sang nhìn bạn. Mắt cô bạn ầng ậc nước, rồi nước từ khóe mắt tràn ra. Mày khóc vì cái gì thế con ngu? Lúc đến toe toét là thế. Lại đàn ông đây.
Thôi đừng khóc. Hân an ủi. Có gì kể tao nghe đi mày. Tao cũng vậy, có lúc muốn khóc bên mày. Đấm vào ngực mày, cắn chảy máu vai mày và khóc. Khóc được là còn cảm giác. Là còn biết mình buồn gì, hận gì. Đã về đây với tao thì tao lắng nghe. Đợi, không thấy Mỹ nói gì, Hân giục. Nào, nói nhanh đi. Nẫu ruột!
Mỹ vờ tỉnh bơ. Cô chăm chú nhìn hoa: “Mày lúc nào cũng hoa hòe, chơi hoa cho đời bớt thối à?” “Tập trung vào chuyện của mày đi Mỹ. Vì sao khóc?” “Tao không chịu nổi gã chồng già với hai đứa con của gã nữa. Ngập ngụa trong khổ ải. Giám đốc giám đeo nỗi gì. Tao tưởng về làm vợ chủ công ty, chủ gia đình, nhưng công ty cũng chỉ để trang trí, mày biết không? Công ty là của anh gã, gã chỉ đứng tên giám đốc và làm thuê thôi, chả quyền hành gì!” “Ừ, khổ thân mày. Đời mày không đáng bị vò nhàu nát như thế”. “Tao ước giá đừng cho cổ vào tròng. Giờ dứt ra, coi như một đời chồng. Nhục!” “Mày tính sao?” “Con ranh, tao đang cần ý kiến mày mà. Gã tiền ít, chẳng đủ bao bọc đời tao, mẹ tao ở quê. Tao cần nhiều hơn như thế. Tao cần nhiều hơn, cả vật chất lẫn tinh thần, mày hiểu không?”
Điện đột ngột mất khiến căn phòng chìm trong bóng tối. Mỹ khóc. Hình ảnh người mẹ héo úa trôi qua đầu. Mẹ đang làm gì giờ này khi những cơn gió chướng cứ quằn quại tràn qua đồng. Hân khóc theo. Gào xiết bỏng họng.
2.
Ra trường, Hân xin đi làm ở một công ty du lịch, Mỹ làm kế toán kiêm tiếp khách cho công ty do người yêu là giám đốc. Người yêu là giám đốc chả cần hộc tốc cũng thừa ăn. Người ta nói thế. Mỹ nghĩ thế. Cô bị vắt ở đó, rồi một ngày thấy người yêu phản bội mình đi với kẻ khác. Giục cưới. Gã lắc đầu, nói chán. Cô cũng chán. Đến nước này thì đường ai nấy đi… Thế là Mỹ và chàng giám đốc cáu cạnh rời nhau. Sau này cô biết thằng sở khanh đó mừng vì chia tay được với cô. Mỹ quyết định lấy chồng rất nhanh, chỉ sau hai tháng chia tay người cũ. Đó là một người đàn ông có tuổi, vừa ly dị vợ và đang nuôi hai đứa con, một đứa tự kỷ. Nghe đâu ông ta cũng là một giám đốc. Mỹ nhìn vào phần gia sản của ông ta. Kệ. Đời mà. Thực dụng tí sao đâu. Chuyện tưởng dễ như thọc tay vào túi móc điện thoại. Nhầm. Phía sau dáng vẻ trơn bóng phong độ của ông ta là sự nhàu nhĩ tơ tướp của tính cách và số phận. Mỹ vào ngôi nhà đó sống mà áp lực ngột ngạt như trong lao tù. Suốt ngày chăm chồng, chăm con chồng và đủ thứ lù bù công việc của chồng khi rơi vào trạng thái say xỉn. Mỹ biết là chồng đang biết vợ từ thất vọng chuyển sang tuyệt vọng. Mỹ ám ảnh mỗi khi chồng rơi nước mắt. Cô cũng thương đứa con tự kỷ của chồng. Thôi thì… mình vốn chỉ là đứa không tiền.
3.
Năm ấy Hân và Mỹ rủ nhau đi thi, nếu đỗ học chung cho vui. Quả nhiên hai cô đỗ và trượt dài trong bi kịch của những cô gái xa quê. Hân và Mỹ vào đời đều hữu sắc, vô tài. Bây giờ mỗi người một ngã rẽ. Hân không lấy chồng như Mỹ. Cô sợ hãi đứng ngoài nhìn vào cô bạn, co rúm đề phòng và từ chối mọi lời hỏi cưới. Yêu thì cứ yêu, chẳng tội gì sa chân như nó. Hân biết yêu khi học năm hai. Gã người yêu tên Dương, con nhà giàu, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao. Gã lãng mạn nửa vời, vừa là con gà công nghiệp vừa thích thể hiện, nhưng Dương chiều cô. Gã bảo mình là một đóa hướng dương hướng về phía mặt trời. Ừ. Hân thích lây hoa hướng dương. Yêu mà. Nhìn xa thì đẹp. Nhìn gần có vẻ xù xì, thô mộc. Nhưng màu vàng. Vàng đến cùng kiệt nên dễ khiến hình dung tới một nụ cười toe toét. Hân thích cắm hướng dương vào bình gốm Dương mua ngoài hiệu, tặng. Cô nghe nhạc và ngắm hoa lúc đêm, khi chờ Dương đón đi chơi, cả khi thay quần áo. Có thể là phút giây nghỉ lúc học bài căng thẳng. Tóc đen, nhạc tình, hoa vàng, và tuổi trẻ. Mấy thứ trộn vào nhau. Rồi một ngày kia, Dương để lại hậu quả trong cô. Anh ơi em phải làm gì? Em chưa muốn có con! Dương lúng túng. Gã hỏi bạn. Làm sao nhỉ? Thì… Hân được đưa đến phòng khám tư để giải quyết. Cô vốn chỉ biết nhận, niềm vui và lạc khoái, giờ lần đầu thấy cảm giác cái gì đó bị bóc ra, rút ra khỏi mình, đau tận cùng…
Mấy hôm sau gặp Mỹ cô mới thủ thỉ, rằng Dương vừa đưa tao đi làm sạch. Đau cũng chẳng gì bằng! Hân nghiệm ra lời thầy giáo năm đầu đại học. Hân và Dương rời nhau, mỗi người mỗi ngả. Hân không cắm hoa hướng dương nữa. Nhưng cô vẫn cắm những đóa hoa mình thích, trừ hướng dương. Chiếc bình Dương mua tặng cũng được thả vào thùng rác. Lách tách vỡ vì va chạm. Không muốn lưu giữ điều gì của người cũ, thế thôi.
Người thứ hai Hân yêu là Quân. Chàng trai bảnh bao thích hồng vàng và phiêu lưu. Điều đó khiến Hân hơi gợn, vì gợi nhớ Dương. Quân thường đón cô bằng xe riêng. Sau cuộc gọi điện của Quân vào những buổi chiều liêu xiêu gió, cô đi từ ký túc xá ra, ô tô đỗ đợi sẵn. Hân guốc cao, váy thơm bước vào. Khác với Dương, Quân trải đời, đàn ông hơn và cũng thực dụng hơn. Yêu Quân, Hân phải xóa nhòa gốc tích mình đi, hay đúng hơn là giấu tiệt vùng quê biển hoang liêu mình được sinh ra. Cô rướn mình lên. Thật chịu chơi. Thật sành điệu. Vùng ký ức tanh nồng thôn dã chỉ giàu có gió và sóng bị cắt lìa. Thành thị, ta thành dân thị chính hãng đây.
4.
Một ngày, Quân bỏ Hân rơi tõm vào hụt hẫng. Không hỏi thăm. Không liên lạc. Sau này nghe đâu Quân là kẻ đào hoa, thích trăng hoa với sinh viên. Gã không yêu ai thật lòng, chỉ hám của lạ. Chiếc bình pha lê Quân mua tặng di cư vào thùng rác nham nhở đen cuối dãy phòng trọ. Cô bỏ không chơi hoa hồng vàng nữa. Rồi cô vấp vào một mối tình khác, nhanh đến nỗi không hiểu nổi mình. Đến nỗi cô tưởng mình chưa từng hụt hẫng vì Quân. Gã tên Khiêm. Khiêm mà chả khiêm. Rất bẻm mép. Hân “chết” vì sự bẻm mép ấy.
Sau những vết thương, ăn ngủ với những kẻ bảnh bao trơn nhẵn, cô đột nhiên mê mệt vẻ xù xì của Khiêm. Đến cái cách nói chuyện sặc mùi xã hội đen, trịch thượng của gã với cô cũng rất nam tính. Cô man mác nghĩ hình như mình đang chinh phục quá nhiều. Cần quá nhiều. Không chỉ là tiền bạc của cánh đàn ông và những bữa ăn chơi.
5.
Gọi xe Grap. Nhanh và rẻ. Hai đứa ùa ra quán rượu quen. Người nọ bảo người kia, con chó, tao với mày hôm nay uống say nhá. Đêm rượu càng làm ngực áo sâu hun hút. Hân nhìn Mỹ, đoán rằng cô nàng cũng chẳng còn muốn lưu giữ chút gì đó của cái miệt biển quê mình. Hai đứa dắt nhau đi thi đại học, yêu tơi bời. Giờ ngồi đây như hai con điên. Haha. Rượu, rót đi, mày nghĩ cái gì mà đực mặt ra, như ngỗng ỉa thế hả Hân? Thằng Đoán hả? Ừ. Đoán.
Đoán là người yêu hiện tại của Hân. Kéo dài từ năm cuối đến giờ. Nhưng cảm xúc yêu đương cứ nhạt dần. Nhạt đến mức không cần nhau nữa. Xa nhau vài ngày không nhớ. Hân đến với Đoán sau khi chia tay anh chàng mập mạp xăm trổ chủ quán karaoke cao to đen hôi, khỏe thì khỏe nhưng không có khả năng sinh con. Lúc ấy Hân đã tính đến chuyện làm vợ. Nhưng hoa nở thì cứ nở. Số phận chưa muốn cô cưới thì phải. Hôm đó ngồi hỏi hoa hồng, tao mua hú họa, nếu đếm toàn bộ số bông trong bình mà lẻ, tao sẽ bỏ Khiêm. Đếm xong, kết quả số lẻ. Vậy là bỏ. Chủ động. Hôm ấy cô nghe một seri bài buồn, rồi gọi điện rủ mấy đứa đi nhậu. Không có Mỹ. Toàn đứa nặc nô. Trẻ. Sexy. Bất cần. Còn sau gặp, Đoán nền nã hơn, không chém gió, nhưng Hân không còn nhiều cảm xúc khi ở bên đàn ông.
Mỹ và Hân không nhớ mình đã bao lần cùng nhau say sưa thế này. Như hai con điên. Nói đấy. Cười đấy. Lúc say thì bầu trời chỉ bằng cái vung nồi. Thế rồi lại đột ngột khóc. Ào ạt. Cả hai đang ngất ngư thì ối, cái Xinh, a cả cái Xuân, khoác vai nhau đi ra. Bọn mày đi đâu đấy? Đi uống rượu chứ đâu, say tuốt tuột rồi. Hân hỏi: Hai con chó, chả thấy liên lạc gì, độ này thế nào? Xinh tru mỏ: Thì mày đang thấy đây, bộ dạng phản ánh đúng hiện trạng, còn hai đứa? Hân giơ chén rượu lên: Cũng “rứa”! Cho tao số đi, tiện tao gọi.
6.
Hai cô gái nhờ gọi ta-xi về. Lúc đó đã hai giờ sáng. Đến nhà Hân là hai rưỡi sáng. Điện bật sáng choang, mỗi người một góc, nằm bệt. Họa mi vẫn ngạo nghễ trên bàn… Chiều hôm sau Mỹ mới về nhà. Sau trận say xỉn, toàn thân cô rã rời. Chồng Mỹ hỏi: Em đi đâu mà đêm qua không về? Mỹ lấy lý do ở với Hân. Cái Hân nó ốm, em ở với nó. Chồng lườm, ở với người ốm mà nồng nặc mùi rượu?! Kìa anh, thì nó buồn, em không để nó uống một mình được.
Chồng Mỹ biết Hân và tính cách hợp với vợ mình. Ương bướng một chín một mười. Chồng Mỹ lườm cái nữa rồi quay đi. Lần nào qua đêm, kể cả khi chán chồng chán con, chạy ra ngoài qua đêm Mỹ cũng nói sang nhà Hân. Đêm. Mỹ bỗng thấy nhớ mẹ kinh khủng. Cô bấm máy nhắn tin cho Hân. Hân vẫn chưa ngủ. Hân nói: “Ừ, thích về thì để tao thu xếp, cùng đi cho vui. Tao cũng nhớ mẹ lắm rồi”.
Mười hai giờ đêm, Hân vẫn ngồi bên họa mi trắng hoa, nghe “My heart will go on”. Nhạc nhẽo hay không chịu được. Giai điệu cứ cào vào lòng người. Hân tự nhủ và cười. Tóc xõa tung. Những bông hoa xòe to xinh xắn. Tắt điện, chui vào chăn, không ngủ được, Hân mở điện thoại. Cô nhớ đến Xinh, cô bạn học cùng lớp, ngồi chung bàn. Nhắn tin thử: Mày ngủ chưa? Trong nháy mắt đã có hồi âm. Ô hay, con hâm chưa ngủ à? Chưa, đang chán, muốn có đứa nào đó. Mày đến với tao được không? Hân nhìn đồng hồ. Muộn rồi. Cô vẫn nhắn, tao cũng đang buồn, mày cho địa chỉ đi. Hân đến với Xinh, nhanh như cơn gió.
Nằm bên bạn, tim Hân đập thình thịch. Cô không thể nào chợp mắt khi Xinh choàng tay lên nắn sờ hai bầu ngực mình vốn đã rưng rức và chai sạn. Xinh à, mày làm gì thế? Mày có dừng lại không, tao nhột quá! Hân thấy nhột, cô định vùng dậy, bỏ chạy. Nhưng cô chợt thấy nước mắt từ mắt bạn nhỏ xuống. Rất ấm mà cũng rất lạnh. Cô không đành lòng bỏ bạn. Cô choàng tay ôm chặt lấy Xinh. Cả hai rấm rức khóc…
7.
Sóng biển lại đón Hân như thuở nào. Mẹ vẫn gội tóc ở miền gió quặn ấy. Vườn mẹ trồng mấy khóm hoa hồng. Mùa đông khắc nghiệt mà hoa vẫn đỏ đến quặn thắt. Chuyện chồng con sao rồi? Chị mày lấy chồng về bên kia sông, đã ba đứa rồi đó, còn mày… Mẹ thở dài. Hân thở dài. Cái Mỹ chồng con thế nào mà mẹ nó kêu lắm? Nó có hay tâm sự với mày không Hân? Mà hai cái con trước đây học cùng về chơi cùng mày thế nào, Xuân với Xinh gì đó? Vậy mẹ muốn nghe chuyện nào trước? Thì mày nói chuyện của mày đi. Hân ôm ngang người mẹ, thở hắt, rồi buông một câu bất cần: Con chả lấy chồng đâu. Khổ. Như cái Mỹ, cái Án, cái Trang. Chúng nó bìu ríu, nhọc xác. Thì cũng phải ổn định cuộc sống, đời bạc lắm Hân à. Con biết đời con, mẹ không phải nói nhiều. Ơ cái con này, là mẹ quan tâm nên khuyên, có gì mà cáu! Con nghe đủ rồi. Kìa, đi đâu thế con?
Không khí ảm đạm của vùng quê biển mùa đông khiến Hân trống trải. Sự trống trải đôi khi khiến người ta muốn chối bỏ. Giờ này chắc cái Mỹ đang đổ gục vào lòng mẹ nó mà khóc, hoặc tụ tập với mấy đứa bạn quê đây. Cô ào ra biển. Hân thấy lòng mình sôi lên. Cô với mẹ luôn thế. Xa thì nhớ mà cứ gặp là to tiếng. Quan điểm của mẹ là lúc nào cũng phải ổn định. Ổn định. Ổn định như mấy đứa con gái ở cái vùng này, cưới thằng chồng đánh cá, vai u thịt bắp, rồi đẻ vài đứa con, sau đó làm lụng, lúc nào cũng cắm mặt vào biển khơi, vùi mình vào sự tanh nồng của cá mú. Mẹ còn bảo Hân lấy Dứa. Dứa dân biển chính gốc, lành hiền, chịu khó, đánh cá xa bờ. Ừ thì lành, hiền, giỏi đi biển thì đã sao. Hân nể chứ không yêu. Không thể nào yêu được. Đến giờ cô vẫn chưa nguôi nhớ cha. Dứa là hình mẫu của cha. Cha đã không về sau hơn nửa cuộc đời làm thủy thủ trên tàu viễn dương. Cha đã bị bão tố và biển cả cướp đi mạng sống khi Hân học lớp bảy. Từ đó cô muốn đi xa, khỏi cái miệt này. Cô muốn học. Cô thấy sợ biển và e dè với đàn ông miệt biển. Kể cả với Dứa. Không phải vì họ nghèo hèn, mà công việc luôn đối mặt với tai nạn. Con đường tới cái chết rất gần. Mẹ hiểu điều đó mà. Mẹ hiểu sao vẫn muốn con ở lại biển? Mẹ có biết yêu quê, nhưng con không muốn về?
8.
Đoán đưa Hân đến quán lẩu nướng Hàn Quốc. Xêm xêm đông vui. Đồ ngon. Hân uống hết hai chai bia. Đoán bốn. Nhạc không lời nhẹ. Bàn ăn có bông hồng nhỏ cắm trên cốc thủy tinh, đúng loại chiều Hân mua. Nhìn Đoán và hoa, Hân bớt hiu quạnh. Tối đó Đoán muốn ngủ lại nhà. Đoán hỏi chuyện cưới xin. Một lời đề nghị chân thành, thô nhưng thật: Em làm vợ anh nhé, mẹ anh cũng giục rồi? Câu hỏi chạm vào biết bao nỗi rối bời mà bấy lâu nay Hân chưa gỡ được. Đoán chưa phải là người phá vỡ được bức tường vô cảm, ngại ngùng cản ngăn cô đến với hôn nhân. Hân thoáng rùng mình. Cưới xin có nghĩa là sẽ kèm theo trách nhiệm, sự bó buộc, người vợ phải tuân thủ rất nhiều thứ áp đặt của lễ giáo, những thứ vô hình nhưng rất hữu hình. Mình sẽ vấp phải vết xe đổ của cái Mỹ. Cô phân vân. Cô ước mình cứ như chiếc máy bay siêu khỏe, chở được nhiều người, đi khắp thế gian mà không bao giờ phải dừng lại nạp nhiên liệu.
Đoán là người có điều kiện. Nhưng cưới rồi sẽ chẳng có những đêm nhạc nữa. Thời gian rảnh rang sẽ bị nuốt mất bởi hàng trăm thứ lặt vặt. Nhưng không cưới, sống bạc nhạc thế này, rồi đời mình cũng lẹt xẹt bèo nhèo. Nhiều đứa con gái đã yêu và rất dễ hy vọng nhưng cũng vô cùng dễ nặng bụng. Rốt cục nhận về tổn thương, đau đớn. Hân chợt nhớ đến Mỹ, thủ thỉ một mình, chỉ vẳng lại nỗi hoang liêu. Mỹ ơi, tao với mày chỉ còn một mẹ, mồ côi cha, côi cút ra phố và đôn đáo hy vọng, chờ đợi, rồi mỗi đứa sẽ có một cái kết, nhưng tao chưa biết mình sẽ kết ở đâu.
9.
Đến thời hạn trả lời Đoán. Hân từ chối. Anh thông cảm, đầu năm tới em chưa cưới được. Vì sao em? Vì em chưa cưới được. Năm sau nữa được không anh? Vậy anh già quá, gia đình anh giục rồi. Nhưng em không thể cưới vào đầu năm tới. Hai người ôm nhau trong tiếng bài “Như đã dấu yêu”. Em sẽ cố quên khung trời hoa mộng/ Ngày hè bên anh tình mình đến rất nhanh/ Em sẽ cố quên lần đầu mình đến bên nhau/ Rộn ràng như đã dấu yêu từ thuở nào… Hân đồng ý làm vợ anh đi. Em chưa quyết được, hãy đợi em.
Sau mấy lần say mà không xóa được cô đơn, Hân chủ động gọi điện cho Đoán. Chả phải vì yêu. Chả vì nhớ. Trống vắng, thế thôi. Đoán lại đo lên Hân. Em lấy anh nhé? Đoán hỏi. Hân gật. Không đắn đo. Đoán cũng không vì thế mà hét lên sung sướng, như thể chính anh cũng đã bạc nhược vì cuộc sống này, và sự đồng ý của Hân là hiển nhiên, chẳng sớm thì muộn. Vậy là cưới.
Hân không thể có con. Đó là một kết cục cay đắng. Đoán buồn và thất vọng khủng khiếp. Tất cả áp lực dồn lên vai Hân. Ở bên Đoán, cô phải tắm trong cảm giác nguội lạnh. Cả hai phía. Cô tìm đến Xinh. Từ khi Xuân chuyển về thành phố khác thì Xinh ở một mình, chưa lấy ai.
Ngồi bên khung cửa sổ mùa xuân, là mùa thứ ba sau khi cưới Đoán. Hân nhọc lòng nghĩ về mình và những đứa con cái như Xinh mà trào nước mắt. Sau ngần ấy năm ra phố, ăn học, yêu đương rốt cục trở thành thứ gì thế không biết. Còn Đoán nữa. Giờ chẳng mấy khi ở nhà. Nghe đâu anh có con với một người khác, đang tất bật chăm cho mẹ con cô ấy. Hân thành người thừa. Hân chịu tìm đến Xinh hơn. Đó là định mệnh? Mà là định mệnh thì mình đã vùng vẫy quẫy đạp rồi, nhưng nào đã thoát được. Hân hiểu, cuộc sống này có những khoảng trống không thể lấp đầy.
N.V.H
(TCSH353/07-2018)
NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.
ĐỖ KIM CUÔNGNấn ná mãi tôi mới quyết định đi thăm Hiền. Quãng đường hơn trăm cây số, vượt qua đèo Cả không có gì đáng ngại. Chỉ hơn ba giờ đồng hồ ngồi xe đò và hơn một giờ nữa trên chếc xe ngựa của ông Sáu cụt chân là tôi đã có thể tới làng Vĩnh Hiệp Nam, về ghềnh Đá Đỏ. Nhà cô giáo Hiền ở đó.
LÊ MAICơn mưa chiều sầm sập kéo tới, mưa đổ bì bộp xuống mái nhà; hạt mưa nặng đến nỗi Hoàng tưởng như những tấm tôn phải oằn rướn lên chống đỡ; nước từ các máng xối tuôn ra ào ạt kéo theo hàng đụn lá khô, cỏ rác tràn đầy cống ngoài đường. Mới có năm giờ chiều mà như tám giờ tối.
HƯỚNG DƯƠNGTruyện ngắnMùa đông năm ấy tôi phải đi công tác tại một thành phố nhỏ ven biển. Khách sạn tôi trú chân nằm trên một ngọn đồi, nó không sang trọng, bề thế như nhiều khách sạn khác. Nhưng bù lại, nó hướng mặt về phía đại dương. Địa điểm này thật sự lý tưởng cho khách du lịch vào mùa hè, còn mùa đông thì chỉ có những người đặc biệt hay những công việc đặc biệt người ta mới tìm đến đây nghỉ lại. Một người bạn thân đã cho tôi địa chỉ của nó. Tôi khá hài lòng nếu như bạn hàng của tôi không bắt tôi chờ bão tan rồi mới đáp máy bay đến ký hợp đồng.
THANH QUẾ(Chùm truyện mini)
TRẦN HẠ THÁP(thân tặng Ng.X.Hoàng)
TRẦN HẠ THÁP (tiếp theo)
VÕ THỊ ÁNH HỒNGTôi vừa chạy vừa gọi chị trong tiếng sóng rì rào và tiếng lao xao của dãy phi lao. Như không nghe thấy tiếng tôi, chị vẫn thẫn thờ nhìn về xa xăm, chờ đợi...
PHẠM NGỌC TÚYĐó là một cặp vợ chồng trông rất đẹp đôi và hạnh phúc. Chàng cao lớn, mặt vuông. Nàng mảnh khảnh, xinh xắn. Khi lấy nhau, họ ở nhà tập thể của cơ quan. Sau khi cơ quan dời đi chỗ khác, người được phân đất, kẻ được chia nhà, lần lượt dọn đi. Chỉ trừ chàng. Chàng vì cô mà ở lại.
PHẠM XUÂN PHỤNGXưa có một người nông dân chất phác cần cù, nhà ở gần bìa rừng, làm lụng đầu tắt mặt tối bao năm mới dựng được ngôi nhà tranh ba gian hai chái. Trước nhà có cái sân rộng dùng để phơi lạc, loại nông sản chuyên canh của dân trong vùng. Hai vợ chồng có mỗi mụn con trai nên thường chăm bẵm, những mong sau này có được dâu hiền, phúc nhà đến độ, may chăng cháu chắt đầy nhà là mãn nguyện.
NGUYỄN NGỌC LỢICây mai dáng trực đặt nơi khoảng sân lát gạch đỏ của toà nhà ấy đã làm xôn xao cả phố. Gốc cây mai to gộc, u bạnh của nó bám đầy địa y mốc xanh mốc trắng.
TRẦN THÙY MAIThấp thoáng trong văn Trần Thùy Mai là sự phô phang hình hài của linh tự. Những linh tự tủi buồn bởi hết thảy chúng đều được hoài thai từ “độ chênh” của những mối tình khó lần ra hồi kết. Điều đó khiến mỗi truyện ngắn của Mai như là một miếng hồng trần nhỏ nhắn - chị lặng lẽ vấy vá bằng sợi tầm ma trước mỗi rạng đông...
QUẾ HƯƠNGTôi băng qua đường để lên cầu Trường Tiền. Thằng Tí kéo tay tôi lại: “Cậu qua đường mần chi, xe cán chừ!”. Tôi cứ qua. Đám trẻ con đang chơi ở công viên trước mặt ném đá vào tôi. Tôi chạy lên cầu. Đám trẻ réo: “Ông điên! Ông điên!”. Tí chạy theo, vừa thở, vừa nắm tay tôi: “Ai bảo cậu qua bên ni, dắt cậu thiệt mệt!”.
NGUYỄN NGUYÊN PHƯỚC Vào một buổi tối mùa thu, Đinh Hoài Viễn, một nhà văn trẻ tuổi, một người hoàn toàn vô danh trong văn giới, trong khi bóc phong thư mới nhận được vào buổi sáng ngày hôm đó, đã phát hiện ra ở mặt sau cái phong bì rỗng ấy một văn bản kỳ lạ trong hình thức của một truyện ngắn không đề tên tác giả.
ĐỖ KIM CUÔNGQuán cà phê cây sứ của vợ chồng Tư Hiền nằm ngay mặt tiền con đường nhỏ dẫn ra biển. Quán không trang hoàng đèn xanh đèn đỏ, không quầy két, không người chạy bàn, chỉ dăm ba bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền.
HƯƠNG LANNàng sống trong một ngôi nhà xưa, được xây cất từ đời ông cố của nàng, tính ngót nghét nó cũng hơn trăm tuổi. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn mênh mông.
LƯƠNG VĂN CHILGT: Nhà tù, nơi chưa mảy may cải hóa được người đàn ông từng trác táng trên nền đạo đức xã hội, nhưng... Truyện được thắt nút khi Thuần “lột trần” vẻ đẹp phồn sinh xuân thì để minh chứng cho những ham muốn nguyên khai của con người là có giới hạn. Không khiên cưỡng ở nhiều chi tiết nhạy cảm, không tục trần trên từng đường cong mỹ diệu... Kịch độc đã thật sự “tiêm” những rung cảm lạ lùng vào miền hoang mê của lương tri đồng loại.
GIAO CHỈ Bão tố thường nổi dậy từ biển khơi hùng vĩ và kể cả. Những hút gió sấn sổ táp xuống mặt đất bao la quăng dội, tàn sát điên cuồng cho hả những cơn giận dồn góp lâu dài.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Những người thắt đáy lưng ongVừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con (Tục ngữ)
TRẦN THÙY MAIỞ tuổi bốn mươi da mặt nàng vẫn trắng hồng, chưa thoáng một nếp nhăn. Ai nhìn kỹ lắm mới thấy những vết hằn bắt đầu hiện ra quanh cổ, thường được che rất khéo bởi những chuỗi hạt trang nhã. Mà đâu ai nhìn kỹ làm gì. Đứng trước một người đàn bà, dại gì không dán mắt vào vẻ đẹp mà lại đi săm soi tìm khuyết điểm.