Trong sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn Tô Hoài giữ một vị trí đặc biệt.
Cảnh trong phim “Vợ chồng A Phủ” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tô Hoài.
Hơn 60 năm cầm bút, gần 200 đầu sách lưu lại cho đời, con số ấy đủ để người ta mến phục sức sáng tạo bền bỉ, hiếm có của một tài năng trọn đời tận hiến cho văn chương. “Vợ chồng A Phủ”, câu chuyện nhói đau về số phận người dân lao động vùng cao Tây Bắc xa xôi mấy mươi năm về trước vẫn luôn ám ảnh người đọc.
Từ bóng tối khổ đau
“Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời” (Nguyễn Kiên). Chứng tích về một thời đau thương dưới sự đè nén của bọn phong kiến chúa đất vùng cao trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 được Tô Hoài ghi lại trong những trang văn thống thiết kể về cuộc đời tủi cực của Mị và A Phủ. Cô gái trẻ yêu đời, chàng trai khỏe mạnh yêu chuộng tự do vùi chôn đời mình trong muôn nghìn cay đắng của phận người nô lệ. Quả là những bất công, ngang trái giữa cuộc đời. Số phận đắng cay, khuất chìm trong bóng tối của Mị khởi đầu từ đêm xuân hứa hẹn.
“Một đêm khuya, Mị nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu. Mị hồi hộp quơ tay lên... Một bàn tay dắt Mị bước ra”. Đó không phải bàn tay yêu thương Mị thao thức đợi chờ, ước mong hạnh phúc. Bàn tay ấy dắt Mị đi từ phương trời tự do đến chốn địa ngục trần gian tù hãm cuộc đời mình. “Sáng hôm sau, Mị mới biết mình đang ngồi trong nhà thống lí Pá Tra. Họ nhốt Mị vào buồng”. Khổ đau, nước mắt khởi đầu từ đây. “Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”. Mị khóc cho thanh xuân chưa nở vội tàn, ước mong làm nương giả nợ thay cha chỉ còn trong hoài vọng xa xôi.
Làm dâu gạt nợ nhà giàu, cuộc đời Mị chông chênh nước mắt. Cô gái trẻ yêu đời tha thiết “uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo” dường như đã chết, tâm hồn nguội lạnh bởi khổ đau với vẻ “mặt buồn rười rượi”. “Cô Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ... Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Kiếp sống nô lệ, lầm lũi như con rùa nơi xó cửa đã lấy đi của Mị tất cả. Ý thức về thời gian, lẽ sống bị vùi lấp, tâm hồn như hóa đá, chai sần vì khổ đau, tủi nhục.
Cuộc đời Mị khổ, song chí ít cô đã xóa sạch cho mẹ cha món nợ ngày nào. A Phủ, chàng trai tự do chỉ bởi đánh con quan bỗng nhiên thành nô lệ. Một trăm đồng bạc trắng, mấy câu “lầm rầm khấn gọi ma về nhận mặt người vay nợ” đã biến cuộc đời tự do thành kẻ đi ở trừ nợ, làm con trâu, con ngựa nhà quan. Ngang trái, đầy rẫy bất công. Biết sao đây phận con sâu cái kiến. Đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ... A Phủ phải làm trả nợ nhà quan. Ấy vậy mà, kết cục bị bắt trói đứng vào một cây cột trong góc nhà đợi chết, thế thôi. Một cuộc đời của thân phận nô lệ dưới bàn tay lũ chúa đất bạo tàn thật khổ.
Viết về những cuộc đời trong bóng tối khổ đau, ngòi bút Tô Hoài ghi lại chứng tích của một thời đã qua. Sứ mệnh người cầm bút “viết văn là quá trình đấu tranh để nói ra sự thật” đã được hoàn thành trọn vẹn. Ẩn sau những trang viết chân thực về những cảnh đời khốn khổ ấy là niềm thương, niềm đau và cả sự căm phẫn tột cùng với bè lũ ác nhân. Chúng đọa đầy, vùi dập người ta trong ê chề, nhục nhã, biến người ta sống chẳng khác nào đã chết, chết khô, chết héo tâm hồn.
Nhà văn Tô Hoài.
Vùng lên tự giải phóng
Thổn thức cùng những cuộc đời khổ đau trong bóng tối, Tô Hoài đâu chỉ chan chứa một niềm thương, nhà văn dường như còn tìm thấy chất thơ vời vợi tỏa ra từ những tâm hồn ngỡ như đã chết. Như hòn than vùi sâu dưới lớp tàn tro, tâm hồn hóa đá bỗng hồi sinh mãnh liệt. Khát vọng sống, lòng yêu đời và xa hơn là ý thức phản kháng nhen lên giữa tận cùng cay đắng. Người đọc mến yêu Mị, cô gái Mèo nơi rẻo cao xa xôi cũng bởi ở con người cô tiềm tàng một sức sống âm thầm, bền bỉ mà mãnh liệt vô cùng. Sức sống ấy sẽ bùng lên trong những hoàn cảnh diệu kì.
Đừng tưởng “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Xuân về Hồng Ngài vạn vật sinh sôi, những chiếc váy hoa đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ. Tiếng sáo, giai điệu mùa xuân vang lên giữa núi rừng lay tỉnh tâm hồn bấy lâu nguội lạnh của Mị. Nhà văn rất dụng công khi miêu tả thanh âm diệu kì này. Từ xa vọng lại gần, ngoại cảnh trở thành tâm cảnh. “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”, gần thêm chút nữa, “tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng, tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường...”. Tiếng sáo vang lên, tâm hồn khổ hồi sinh trở lại. “Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha, bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”. Chắc hẳn phải lâu lắm, Mị chẳng buồn hát. Vui đâu mà hát, có ai hát khi lòng quặn nỗi đau, nước mắt uất nghẹn vào trong.
Ấy vậy mà, giờ đây trong đêm xuân Hồng Ngài, “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự bừng tỉnh của tâm hồn sau bao tháng ngày hóa đá. Mị ý thức về giá trị và hơn hết là nỗi đau của cuộc đời mình. Lạ thay, Mị mong muốn tìm đến cái chết “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Có lẽ, khi ý thức về thân phận trỗi dậy, nỗi đau thêm thấm thía nỗi đau, Mị muốn chết để tự giải thoát khỏi khổ nhục, đắng cay. Sức sống tiềm tàng vươn lên mạnh mẽ, sau đó cả thúng dây đay cột chặt, mái tóc bị A Sử quấn ngược lên, thân xác đau nhức nhưng tâm hồn Mị vẫn bồng bềnh theo tiếng sáo, theo những đám chơi, tâm hồn yêu đời đang hòa nhịp cùng giai điệu mùa xuân.
Đêm xuân Hồng Ngài qua đi chóng vánh, song khoảnh khắc ngắn ngủi ấy trở thành bước đệm cho đêm đông Mị quật sức vùng lên. Ý thức phản kháng, khát vọng giải thoát vùng lên mãnh liệt nhất khi Mị rút con dao nhỏ, cắt đứt dây mây giải cứu A Phủ và cắt luôn sợi dây vô hình trói chặt đời mình. Tài năng, tấm lòng Tô Hoài gửi trọn trong trang văn hay bậc nhất của cả thiên truyện.
Dược chất nào lay tỉnh tâm hồn Mị, làm đổi thay một trái tim thản nhiên, vô cảm, thờ ơ, can đảm cứu người và cả cứu mình? “Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xạm đen lại” của A Phủ trở thành chất xúc tác đặc biệt. Giọt nước mắt yếu đuối của chàng trai dám vung sức đánh con quan, bẫy hổ ngày nào nhen lên sức mạnh của phái yếu. Giọt nước mắt cay cực, bất lực, tuyệt vọng của con người đã xua tan sợ hãi, thắp lửa yêu thương, giúp Mị đủ can đảm để hành động, dứt khoát, dũng cảm.
Khởi đầu là thương người, sau đó là thương mình, Mị nhận thức tội ác kẻ thù, “chúng nó thật độc ác”. Vượt qua nỗi sợ hãi, Mị vùng lên phá củi, sổ lồng giải cứu người, giải thoát cho mình. Con giun xéo lắm phải quằn, Mị không chỉ quằn nát mà còn mạnh dạn bước đi tìm đến tự do. Ở lại sẽ chịu chết, bước đi dù trời tối lắm nhưng cơ hội sống vẫn còn. “Mị đứng lặng trong bóng tối. Rồi Mị vụt chạy ra. Mị vẫn băng đi”. Hành động ấy đưa Mị tìm đến chân trời tự do, nên duyên chồng vợ cùng A Phủ, cùng đánh Pháp bảo vệ quê hương.
Đêm mùa đông Mị cứu A Phủ, hành động tuy tự phát mà hiển hiện sức sống mãnh liệt, sức sống ấy âm thầm chảy mãi khôn nguôi trong một tâm hồn khổ. Đó là bước ngoặt thay đổi cuộc đời. Từ đây, bóng tối bị đẩy lùi, ánh sáng nhen lên, hạnh phúc ươm hình giữa muôn cay nghìn đắng. Đó là hành động phản kháng quyết liệt của một cuộc đời khổ không cam chịu, buông xuôi. Sức sống tiềm tàng của Mị chưa bao giờ tắt hẳn dù cho liên tiếp bị dập vùi trong bóng tối thương đau.
Tài năng tấm lòng nhà văn
“Vợ chồng A Phủ” chắc hẳn là áng văn để đời vang danh tên tuổi Tô Hoài trên văn đàn dân tộc. Truyện ngắn kết đọng, phát sáng tài năng văn chương của cây bút duyên nợ với mảnh đất miền Tây Bắc. Mấy mươi năm qua rồi, tìm hiểu thiên truyện, người đọc phục tài phân tích, miêu tả tinh tế diễn biến đầy mâu thuẫn của nội tâm nhân vật. Ngòi bút tả cảnh, tả người của ông mang đến cho mỗi người hiểu biết về hương sắc lạ kì của núi rừng Tây Bắc. Giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế đậm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa tạo hình vừa giàu chất thơ. Câu chuyện về Mị, A Phủ bộc lộ tài năng nghệ thuật truyện ngắn bậc thầy của Tô Hoài.
Văn chương là câu chuyện của tấm lòng, dù cho trình độ nghệ thuật có kì tài, lạ hóa bao nhiêu thì tấm lòng muôn năm không bao giờ cũ. Đằm sâu trong mỗi trang viết về những cuộc đời từ bóng tối khổ đau vùng lên tự giải phóng là ân tình người nghệ sĩ. Đau những nỗi đau của người bao nhiêu, Tô Hoài căm phẫn, tố cáo mãnh liệt những kẻ đọa đầy người ta trong đau khổ bấy nhiêu. Đâu chỉ có vậy, trái tim nhân đạo của ông khám phá, ngợi ca nét đẹp đáng quý tỏa ra từ tâm hồn người lao động. Trong bóng tối họ vẫn khát khao đi tìm ánh sáng, trong thương đau vẫn vùng dậy vươn lên bởi sức sống và tinh thần phản kháng quyết liệt. Đặc biệt, ngòi bút nhà văn đã mở ra con đường đến với cuộc đời mới cho những phận người lao khổ.
“Nghệ thuật thì dài, cuộc đời lại ngắn”, nhiều khi người nghệ sĩ sáng tạo đã trở thành thiên cổ nhưng tác phẩm họ để lại vẫn tỏa rộng, vang xa khắp chốn muôn nơi. Kể từ khi Tô Hoài kết duyên cùng Tây Bắc, mảnh đất để nhớ để thương và cho ra đời câu chuyện về Mị, A Phủ đến nay đã ngót bảy mươi năm. Ấy vậy mà, đọc trang văn ông viết, trong ta vẫn ám ảnh khôn nguôi áng văn về phận người trong bóng tối khổ đau vùng dậy vươn lên giải cứu cuộc đời mình. Có áp bức, tất yếu có đấu tranh, tức nước ắt vỡ bờ. Có lẽ, văn phẩm xúc động này luôn cần cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau.
Theo Nguyễn Văn Luyện (Giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 4 – Thanh Hóa) - GD&TĐ
Nhà văn Linda Lê được xem như một trong những hiện tượng sáng chói của văn chương người Việt ở nước ngoài viết bằng tiếng Pháp. Nhiều tác phẩm của bà đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, gần nhất là “Vượt sóng” (Phạm Duy Thiện dịch, Công ty Tao Đàn & NXB Hội Nhà văn, 2018), cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã chất chứa rất nhiều những trầm tư sống động của một nhà văn về công việc/hành vi viết, mục đích và ý nghĩa của nó.
“Có hai ông sui gia nhậu với nhau, trên bàn có một dĩa lòng vịt xào với hành nho nhỏ. Ông sui gia tính ham ăn, liền thò đũa lòn nguyên dĩa gắp lên rồi giũ giũ vờ như muốn cho nó rớt xuống. Nhìn thấy vậy, ông sui kia nóng ruột nói: Anh lấy giò đạp xuống thử coi nó xuống không?”.
Cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy vừa được Tạp chí Môi trường và đô thị phối hợp với NXB Thông tin và truyền thông ra mắt độc giả tại Hà Nội.
Trong lịch sử Hà Nội hiện đại, có nhiều hạng người. Có công dân hạng một, hạng hai, hạng ba... cho đến lớp người bần hàn. Họ đi qua lịch sử với nhiều tư thế: "Chân ta bước, lòng ung dung tự hào", "vừa đi vừa cúi đầu ngẫm nghĩ", "sấp mặt xuống để tồn tại", cho đến cả tư thế "bò người ra để mà sống"...
“Tôi rất vui, vì bây giờ gia đình và bạn bè ở Việt Nam có thể đọc được tác phẩm của tôi. Giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật”. Đó là chia sẻ của tác giả Angie Chau (thuộc thế hệ nhà văn Việt Nam thứ hai tại Hoa Kỳ) khi tập truyện ngắn Những người thầm lặng vừa được NXB Tổng hợp giới thiệu đến độc giả trong nước.
Đã thành truyền thống, 5 năm một lần, Bộ Quốc phòng tiến hành xét, trao Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Trong số hàng trăm tác giả tham dự xét giải ở chuyên ngành văn học lần này (từ năm 2014 đến 2019), đáng chú ý là sự xuất hiện của các cây bút thuộc “thế hệ 7x, 8x” - những người được sinh ra và trưởng thành trong thời bình.
Chiều 24-2, tại Nhà hát Quân đội phía Nam, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật, Báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014 - 2019) của Bộ Quốc phòng khu vực phía Nam.
Sáng 21-2, tại Hà Nội, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014-2019) của Bộ Quốc phòng.
Khi dòng sách tản văn, tùy bút, tiểu thuyết ngôn tình thiên về yếu tố thị trường đang có xu hướng chững lại thì thời gian gần đây, một số đơn vị xuất bản trong nước đã bắt đầu mở rộng cửa cho những tác giả trẻ đi theo lối viết chính thống, có nhiều thể nghiệm sáng tạo.
Nguyễn Thị Kim Hòa (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) không còn là cái tên xa lạ trong làng văn chương nước nhà. Bởi những năm gần đây, Hòa liên tục gây ấn tượng bằng những tác phẩm đậm chất sáng tạo, và là chủ nhân của nhiều giải thưởng văn chương uy tín. Và khi nhắc đến văn chương của Nguyễn Thị Kim Hòa, phải đề cập ngay đến thể loại văn học thiếu nhi.
“Nhắc đến Phan Quang, chúng ta vẫn hình dung ông là nhà báo lớn, nhà hoạt động xã hội xuất sắc, quên mất Phan Quang còn là nhà văn...".
Sau 2 cuốn sách Sài Gòn dòng sông tuổi thơ và Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, nhà văn Lê Văn Nghĩa ở tuổi 67 tiếp tục ra mắt tạp bút Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đầu xuân Canh Tý. Hơn 400 trang sách là những ký ức vừa rộn ràng vừa xôn xao về đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam.
“Linh điểu” là tiểu thuyết thứ 10 của Nguyễn Văn Học, vừa được NXB Dân trí và Công ty sách Trí thức Việt phát hành, quý I/2020.
Hay tin nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương vừa trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), rất nhiều văn nghệ sĩ đã bày tỏ sự thương tiếc. Bởi một lẽ, hiếm hoi có một người cần mẫn với chữ nghĩa, với văn chương như ông.
Trong phong trào Thơ mới, có nhiều thi sĩ làm thơ với đề tài mùa xuân và để lại những thi phẩm lừng danh.
Năm mới Canh Tý 2020, nhà thơ Hoài Vũ đón mùa xuân thứ 85 trong cuộc đời nhiều thăng trầm. Các tuyển tập thơ, truyện ngắn và văn học dịch của Hoài Vũ sẽ lần lượt ra mắt bạn đọc, được chọn lọc từ những tác phẩm đã xuất bản.
Sau 1986, nền văn học bước vào thời kì đổi mới, hoà nhịp với công cuộc đổi mới mạnh mẽ và toàn diện trên đất nước ta. Lê Minh Khuê là nhà văn đã trưởng thành từ văn học chống Mĩ. Trước yêu cầu mới, chị đã có nhiều cố gắng, thể hiện những nỗ lực sáng tạo của một cây bút nữ. Trong đó, phải kể đến những đổi mới về bút pháp truyện ngắn.
Đây là tập thơ của tác giả Hồ Quang Toản, vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành. “Đời muối” với 72 bài thơ chở nặng những ký ức đẹp về mẹ và quê hương, là khúc tình ca tác giả chọn để thủ thỉ với tình yêu, với những khảo nghiệm đã thành tên in dấu cung đường anh đã đi qua.
Sáng 6-1, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học, nghệ thuật năm 2019, triển khai công tác năm 2020 và trao giải thưởng văn học nghệ thuật 2019.
Ngày 26-12, chương trình giới thiệu các ấn phẩm đạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) TPHCM 5 năm lần II (2012 - 2017) đã diễn ra tại TPHCM, nhiều tác phẩm có giá trị đã được xướng tên, có điều, với việc được dán nhãn “sách không bán”, chưa biết tác phẩm sẽ đến với độc giả như thế nào?