Nhà thơ và cuộc “lưu đày” xứ mộng

09:34 11/03/2010
VÕ TẤN CƯỜNGLịch sử văn minh của nhân loại đã trải qua những phát kiến, khám phá vĩ đại về khoa học kỹ thuật và vũ trụ nhưng sự bí ẩn của tâm linh con người thì vẫn luôn là thách thức chưa thể giải mã.

Nhà thơ Võ Tấn Cường - Ảnh: votancuong.vnweblogs.com

Khám phá bí mật sự xung động quá trình sáng tạo của nhà thơ cũng chính là lạc vào thánh đường hun hút của tâm linh con người. Hành trình của nhà thơ đi từ nỗi ám ảnh của vô thức đến sự ra đời hoàn chỉnh của bài thơ trên trang giấy dài thăm thẳm và là cuộc “lưu đày” bất tận vào xứ mộng. Cuộc “lưu đày” vào xứ mộng diễn ra trong từng khoảnh khắc sáng tạo và cả cuộc đời của nhà thơ. Người ta có thể đếm được xác phù du gục chết dưới chân sau khi lao vào xứ sở của ánh sáng nhưng lại chẳng thể biết được có bao nhiêu nhà thơ giữa cuộc lưu đày vào xứ mộng đã vĩnh viễn đem theo xuống mồ nỗi hoài vọng về cái đẹp và sự khát khao hòa điệu với sự sống.

Nhà thơ chính là kẻ “lưu đày” âm thầm, tự nguyện vào xứ ở của sự cô đơn và cõi mộng. trên đường hướng về xứ mộng, nhà thơ phải xa lánh mọi vinh hoa và phú quý, tống tiễn mọi cám dỗ của trần thế để lựa chọn sự dấn thân bất chấp hiểm nguy nhằm cứu chuộc cái đẹp trong bản ngã chính mình và vũ trụ. Xứ mộng là vương quốc bao la, là xứ sở của sự an nhiên và tự tại, là nơi hội tụ của mọi thái cực như hạnh phúc và bất hạnh, ảo và thực, ánh sáng và bóng tối… Xứ mộng không ở đâu xa, nó thấp thoáng đâu đây, nó ẩn sâu trong bản ngã nhưng chúng ta không nhìn thấy nó chính là do chúng ta bị những “thị dục” của trần thế lôi cuốn và che lấp. Mộng và thực, hư ảo và trần thế là hai cõi đi về của nhà thơ trong quá trình sáng tạo. Nhà thơ chính là gạch nối kỳ diệu giữa mộng và thực, thiên đàng và địa ngục, thế giới ngày nay và sự sống ngày mai…

Nhà thơ tự “thôi miên” chính mình và bạn đọc bằng linh cảm về sự du dương của nhạc điệu và sự liên tưởng cùng những hình ảnh huyền ảo, quyến rũ, bất ngờ. Nhà thơ sáng tạo thế giới thi ca chính là tạo dựng một thế giới mộng mơ. Thế giới mộng mơ liên hệ với thế giới loài người đang sống như hai chiếc bình thông nhau trong thế giới ngôn từ thi ca. Trong quá trình sáng tạo nhà thơ tri giác và suy tưởng không hướng về thực tại mà “siêu thoát” về thế giới kỳ ảo, huyền diệu của mộng mơ. Thi ca dù sáng tác theo trường phái lãng mạn hay hiện thực, ấn tượng hay tượng trưng cũng đều hướng về sự mơ hồ, lung linh hình ảnh, ý nghĩa và sự gợi cảm, tạo hình của ngôn từ, tạo vật. Thi hào Tagore từng viết: “Tình yêu là sự ảo hóa”! Vâng chính sự ảo hóa đã làm cho tình yêu thêm kỳ diệu và là chất men khiến tình yêu thêm sinh sôi, tràn đầy sức sống. Không gian vũ trụ và tâm tưởng của các cuộc gặp gỡ giữa Romêo và Julliett, giữa Trần Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh, giữa Kim Trọng và Thúy Kiều, giữa Chí Phèo và Thị Nở đều tràn đầy sự mơ mộng, lung linh và huyền ảo. Thi ca cũng vậy. Chính sự ảo hóa đã khiến thi ca còn cần thiết với tâm linh con người. Thi ca là sự ảo hóa và nhà thơ thường sáng tạo trong sự ảo hóa của tâm linh và sự vật. Không hiếm những bài thơ tuyệt tác đã ra đời trong cơn mơ hoặc giữa sự chập chờn của lý trí và cảm xúc, giữa mộng và thực. Thi sĩ Coleridge sau một cơn say á phiện, trong giấc ngủ mơ màng đã sáng tạo nên một bài thơ bất hủ nhan đề “Hốt Tất Liệt Hán”. Thi sĩ Tô Đông Pha cũng viết về sự liên hệ, hòa nhập giữa mộng và thực tùy thuộc vào khoảng cách của “tầm nhìn” tâm linh con người:

Khói ngút non lô sóng Triết Giang
Khi chưa đến đó luống mơ màng
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non lô sóng Triết Giang

Nếu con người là “cây sậy biết tư duy” thì nhà thơ phải là người biết mộng mơ và có khả năng biểu hiện nỗi mộng mơ của mình lên trang giấy. Đừng xem thường giấc mộng. Giấc mộng là một nửa cuộc đời của một con người nhưng lại là cả cuộc đời của nhà thơ. Một mùi hương xa xôi thoang thoảng có thể gợi nhớ lâu dài và bền vững hơn cả lâu đài thành quách hàng triệu năm. Một giấc mộng cũng có thể làm biến đổi cuộc đời một con người hơn cả một giáo lý, một tư tưởng triết học. Khả năng mộng mơ phần nào bộc lộ phẩm hạnh thi ca của nhà thơ. Những nhà thơ nào mà tâm hồn cạn kiệt nguồn suối mộng mơ thì có thể xem như thi ca của họ đã giãy chết. Đã có thời người ta cho rằng cõi mộng là sự thoát tục, đối lập với thực tế. Thực ra lý luận về phản ánh hiện thực đối với quá trình sáng tạo thi ca của nhà thơ thật chẳng khác gì việc nhốt gió, mây, trăng, sao vào chiếc rọ chật hẹp tù hãm. Lịch sử thi ca đã minh chứng rằng tất cả các trường phái ấn tượng, siêu thực, tượng trưng, lãng mạn và hiện thực cũng chỉ là “bước quá độ” của hành trình thi ca hướng về xứ mộng với nguồn thơ tràn đầy năng lượng tâm linh, ẩn chứa cả cái mộng và cái thực, vén mở và hòa nhập với cõi uyên nguyên bí ẩn của vũ trụ.

Sự sáng tạo của nhà thơ trên hành trình đi đến xứ mộng chính là sự “vượt thoát” của bản ngã qua mọi rào cản, ranh giới và hố thẳm để hòa nhập với hồn của tạo vật và vũ trụ. Nhà thơ nhắp cho chiếc lá, hòn đá và cánh chim hơi ấm của linh hồn vừa như một sự ân sủng vừa như một sự trả ơn. Thi hào Puskin và Victo Hugo từng bị lưu đày theo đúng nghĩa đen nhưng hai ông vẫn “vượt thoát” khỏi chốn tăm tối của tù ngục để hướng về cõi mộng mơ thẳm sâu của tâm hồn, vũ trụ và đã để lại cho hậu thế những bài thơ bất hủ. Đấy chính là một trong vô vàn biểu hiện về sự “lưu đày” xứ mộng của nhà thơ vào sâu thẳm tâm linh và tạo vật…

Ngôn ngữ thi ca của nhà thơ hàm chứa sự bí ẩn với những hình ảnh như trong một giấc mơ, được sắp xếp, liên hệ với nhau theo một cơ cấu riêng mà lý trí thường không thể giải mã nổi. Trong quá trình tiếp nhận, ngôn ngữ và hình tượng thi ca sẽ “phát sáng” trong trường mộng mơ của tâm hồn bạn đọc. Nó sẽ chìm sâu vào tiềm thức và khuấy động tất cả những gì thẳm sâu nhất của tâm hồn. Khi ấy xứ mộng của nhà thơ lại hồi sinh và giao hòa với cõi mộng của tâm linh con người.

Mỹ Tho, tháng 7-97
V.T.C
(132/02-2000)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VĂN HÙNG

    VĂN HỌC VIỆT NAM 30 NĂM ĐỔI MỚI (1986 - 2016)

  • LGT: Bài viết tóm tắt những yếu tố và tiến trình tạo thành thơ Tân hình thức Việt, qua sự đối chiếu giữa các thang giá trị, thơ Việt và thơ Anh Mỹ. Vì vậy, tuy không thể tránh những từ chuyên môn về luật tắc thơ, nhưng chúng tôi cố gắng viết rõ ràng từng chi tiết, để người đọc dễ nắm bắt. Thơ Tân hình thức Việt đơn giản, dễ hiểu, nhờ sự tham khảo những nguồn thơ khó, điều này cũng tự nhiên, như Pop Art (bình dân) phản ứng lại hội họa Trừu tượng Biểu hiện (cao cấp). “Nghĩ về cách làm thơ”, cần đọc chậm rãi, trầm tư, và nhiều lần, nếu người đọc thật sự muốn tìm hiểu dòng thơ này.

  • ĐẶNG ANH ĐÀO

    Có thể nói rằng Những thiên đường mù là một câu chuyện dệt bằng những mảnh ký ức trên nền hiện tại.

  • NGUYỄN VĂN THUẤN

    Diễn ngôn tâm thần phân lập (discours schizophrénique) là thuật ngữ do hai triết gia và nhà nghiên cứu văn học người Pháp là G.Deleuze và F.Guattari đề xuất trong công trình viết năm 1972, Chủ nghĩa tư bản và bệnh tâm thần phân lập: Chống Oedipe (Capitalisme et Schizophrénie I. L’Anti-Œdipe).

  • ĐỖ QUYÊN   

    “Hãy đánh chết nó đi, nhà phê bình văn học - cái thằng khốn!”
                                                (J.W. Goethe)

  • Từ năm 1972 cho tới nay đã có nhiều học giả, qua tập Yên thiều bút lục mới sưu tầm và vài nguồn tư liệu khác, đưa ra nhận định: Câu đối “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của tri phủ Ngải Tuấn Mỹ người Hoa tặng phó sứ Nguyễn Tư Giản khi sứ bộ Việt Nam ghé lại địa phương này chứ không phải của Cao Bá Quát.

  • PHẠM TẤN XUÂN CAO

    Tính khả hữu từ sự xuất hiện của đối tượng trong các chiểu sự là hình thái của đối tượng.(1) (Wittgenstein, Tractatus, 2.0141)  
    Khi một điều gì đó trở nên đúng trong hư cấu thì ở đó không còn sự phân biệt khác nhau về mặt hữu thể học và nhận thức luận.”(2) (Gregory Currie) 

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH

    Hài hước: cơn say của tính tương đối nhân thế, niềm vui thú kỳ lạ nảy sinh từ niềm tin chắc rằng chẳng có sự tin chắc nào cả. (Milan Kundera)

  • NGUYỄN THANH TÂM

    Đạo đức (ethic, morality), luân lý (moral), theo Edgar Morin, hai khái niệm này không tách rời nhau, đôi khi chồng lấn và có thể sử dụng bất cứ từ nào(1).

  • NGUYỄN QUANG HUY

    - Để tìm hiểu không gian xã hội của những người sản xuất văn hóa, cần phải tư duy theo mô hình quan hệ.
    - Sự việc, hiện tượng bản thân nó không quan trọng, mà chính quan hệ giữa chúng mới có ý nghĩa.
                            (Pierre Bourdieu)

  • KHẾ IÊM

    Viết hy vọng có thể giúp người đọc tự đánh giá thơ, theo đúng tiêu chuẩn của dòng thơ này, và những nhà thơ Tân hình thức Việt, trong việc thực hành, có thể điều chỉnh những sáng tác của mình, đi xa hơn, và làm nổi bật sự khác biệt giữa các thể loại thơ, tự do và vần điệu.

  • PHẠM THỊ HOÀI

    Tôi không nói tới việc viết văn thuần túy vì mục đích kiếm sống, dù đấy là điều rất đáng bàn, và hơn nữa, sự nghèo túng của những người cầm bút ở xứ sở này đã trở thành truyền thống; cũng không nói đến việc viết văn để kiếm chác một vài thứ khác ít đáng bàn hơn, như danh vị hay thứ đặc quyền xã hội nào đó.

  • LỮ PHƯƠNG

    Sau khi Sông Hương 36, 1989 xuất hiện, cũng đã xuất hiện một số bài báo phản ứng, trong đó có hai bài nhắc đến bài viết của tôi (1) - bài ký tên Trần Phú Lộc: “Ðôi lời nhân đọc Sông Hương số 36”, Văn nghệ số 21, 27-5-1989 và bài ký tên Văn Nguyên: “Báo động thật hay giả”, Nhân dân 20.5.1989.

  • MAI ANH TUẤN

    Cụm từ “văn chương Nguyễn Huy Thiệp” không chỉ được tạo ra bởi và thuộc về giai đoạn văn học Đổi mới (1986) mà giờ đây, rộng rãi và phức tạp hơn rất nhiều, đã có mặt trong nhiều nghiên cứu Việt Nam (Việt học) đương đại, từ văn hóa văn chương đến chính trị - xã hội.

  • ĐỖ ĐỨC HIỂU

    14 tháng bảy 1789, nhân dân Pari chiếm và phá ngục Bastille, biểu trưng của chế độ phong kiến đã tồn tại ở Pháp hàng chục thế kỷ. Nó là một "đại hồng thủy" cuốn sạch một thế giới cũ và mở đầu một thế giới mới ở Pháp, ở Châu Âu và vang dội trên toàn thế giới.

  • TRẦN HOÀI ANH

    1.
    Nói đến triết học phương Tây, không thể không nói đến chủ nghĩa hiện sinh, một trào lưu tư tưởng chủ yếu trong trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi duy lý của triết học phương Tây hiện đại.

  • JOSEPH EPSTEIN

    Có một số thứ ở đó sự tầm thường là không thể được dung thứ: thơ, nhạc, họa, hùng biện.
                                    (La Bruyère).

  • LÊ THÀNH NGHỊ

    Văn học nghệ thuật có sứ mệnh phản ảnh sự thật cuộc sống qua đó rút ra bài học ý nghĩa đối với con người. Nguyên lý này không có gì mới mẻ. Lịch sử văn học nghệ thuật cũng chứng minh rằng, gắn bó với hiện thực, phản ảnh chân thực hiện thực là thước đo giá trị của tác phẩm. Điều này cũng không còn xa lạ với mọi người.