“Như vậy đó, hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện lên trước mắt ta, ngồn ngộn sức sống”. Nhà báo, nhà văn Phan Quang đã thốt lên như vậy cách đây gần 40 năm, khi ông lần đầu đặt chân đến vùng đồng bằng châu thổ. Những điều ông viết về ĐBSCL ngày ấy - bây giờ còn tươi mới tính thời sự, lan tỏa và trường tồn với thời gian.
Tác phẩm Đồng bằng sông Cửu Long của tác giả Phan Quang tái bản lần thứ 5 (Nhà Xuất bản Lao Động, 2014) được điều chỉnh, cập nhật, có sức hấp dẫn cả về giá trị nghiên cứu và thực tiễn đời sống, vẫn hiện lên trước mắt ta, ngồn ngộn sức sống, như Phan Quang đã từng nói về vùng châu thổ này.
Trước hết, xin được bày tỏ sự kính trọng, ngưỡng mộ nhà báo, nhà văn Phan Quang, người cầm bút sắc sảo, cần mẫn, lao động nghiêm túc, trách nhiệm xã hội luôn đong đầy, một trong những đại thụ của báo chí Việt Nam đương đại. Đã ở tuổi xưa nay hiếm mà đều đặn mỗi năm ông vẫn cho ra vài ba đầu sách. Ông từng khích lệ bạn bè, đồng nghiệp: “Viết được gì thì cứ viết. Giả dụ viết chưa được hay để cộng đồng, xã hội cùng đọc, thì viết cho bạn bè, người thân, cho chính mình xem”. Khá nhiều đồng nghiệp lớp ít tuổi hơn đã theo gương ông, viết những điều về bạn bè, đồng nghiệp, về đất nước, con người Việt Nam hào khí.
Phan Quang viết khỏe, viết đều như chính cuộc đời ông sinh ra là để viết. Sắp vào tuổi 90, ông vẫn minh mẫn, uyên bác, trí nhớ tuyệt vời. Đồng bằng sông Cửu Long là tập bút ký chuyên về Nam bộ, đến mức cố nhà văn, nhà nghiên cứu Nam bộ Sơn Nam khi được Phan Quang mời đọc bản thảo lần đầu và góp ý điều chỉnh giúp các địa danh Nam bộ cho thật đúng, đã thốt lên: “Phan Quang đã hóa thân công phu, trách nhiệm, thắm nghĩa tình vào từng con chữ về miệt vườn Nam bộ”.
Phan Quang bước vào nghề báo năm 1948 tại báo Cứu Quốc Liên khu IV xuất bản hàng ngày thời kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, năm 1954 ông được điều về báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng. Những năm tháng làm việc ở báo Nhân Dân - Trưởng ban Nông nghiệp và Nông thôn, Trưởng ban Kinh tế, Ủy viên Ban biên tập… Sau đó, ông giữ nhiều trọng trách khác nhau: Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương; Thứ trưởng Bộ Thông tin; Tổng Giám đốc - Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam v.v... Ở cương vị công tác nào, kể cả khi ông làm nhiệm vụ quản lý báo chí và đối ngoại, nhà báo, nhà văn Phan Quang vẫn mải miết đi và viết. Ông thâm nhập cuộc sống, đến với nhân dân, đến với nhiều vùng miền của đất nước, kiên trì đọc - đi - nghĩ - viết, như chính ông hằng tâm sự. Nếu tính từ bài báo đầu tiên in năm 1948, tập truyện ngắn đầu tay do Nhà Xuất bản Minh Đức ấn hành năm 1954, đến nay Phan Quang đã cầm bút liên tục 66 năm, để lại khối lượng gần bốn chục tác phẩm xuất bản và rất nhiều bài báo ngắn, dài. Bộ truyện cổ Ả Rập nổi tiếng Nghìn lẻ một đêm, và 20 năm sau bộ truyện cổ Ba Tư Nghìn lẻ một ngày do ông chuyển ngữ, đến nay đã tái bản 34 lần.
Sau năm 1975, non sông thu về một mối, ngòi bút Phan Quang thỏa sức tung hoành khắp Bắc - Trung - Nam. Những bút ký báo chí thấm đậm chất văn học của ông, khi ở Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, lúc ở Đà Lạt - Lâm Đồng, Tây Ninh, khi ở TPHCM, vùng ĐBSCL… Phan Quang dành nhiều tâm huyết cho quê hương Quảng Trị, vùng đất khói lửa, nghèo khó nhưng rất đỗi kiên trung. Tấm lòng sâu nặng với quê hương, nhiều bài viết về miền quê Quảng Trị da diết, thấm đậm tình người, tình quê, giàu chất thơ ca.
Một số lần đến nhà riêng của ông ở quận Đống Đa, Hà Nội, ngắm nhìn những tủ sách của ông, xem cung cách ông làm tư liệu báo chí, tôi và nhiều đồng nghiệp hậu sinh tâm phục, nể trọng về sức làm việc, trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Ông làm tư liệu công phu, tỉ mỉ, khoa học. Cần bất cứ tài liệu gì, chỉ trong vòng dăm ba phút, ông đã tìm được ngay từ đống hồ sơ lưu giữ. Tôi hỏi ông, cuốn sách Đồng bằng sông Cửu Long giàu tư liệu, ngồn ngộn thông tin, bằng cách nào trong một thời gian ngắn, ông đã có những tư liệu đó. Ông trả lời: “Đọc, đi, nghĩ, viết”. Có vấn đề gì đó chưa tỏ ngọn ngành, tôi vào thư viện lục tìm, khảo cứu từ sách báo nước ngoài, hỏi han các lão nông tri điền bản địa. Biết mười viết một. Cái gì chưa nắm chắc, dứt khoát không viết”.
Chắc chắn những ai cần tìm hiểu đất và người vùng đồng bằng Nam bộ, không thể không đọc “Đồng bằng sông Cửu Long” của nhà báo, nhà văn Phan Quang. Ngòi bút của Phan Quang miêu tả sống động vùng đất mới, giàu tiềm năng: Đồng bằng sông Cửu Long. Những bài viết đặc sắc, giàu thông tin, tự nó đã khẳng định sự phong phú, đa dạng của tập bút ký tràn đầy hơi thở cuộc sống: Dải đất đa dạng ẩn giấu nhiều bí tàng của trời đất; Cửu Long sông Mẹ và những tặng phẩm của thiên nhiên; Vùng lúa hình thành qua nước mắt và mồ hôi; Ruộng và người làm ruộng; Trong cảnh lúa đầy đồng, cá đầy ruộng; Một vùng đầy trái ngược; Qua những tên đất, tên sông; Nghĩ về tính cách con người… Tập bút ký Đồng bằng sông Cửu Long dày gần 500 trang là một công trình lao động nghiêm túc, đầy trách nhiệm, rất tân văn mà cũng rất văn học. Trái tim Phan Quang, tình yêu của Phan Quang về vùng đồng bằng châu thổ hiện hữu trong từng con chữ. Miêu tả kết hợp với tư liệu khảo cứu, những số liệu cần thiết xác đáng làm cho những bài bút ký của ông luôn giàu thông tin. Ông miêu tả kênh rạch, cảnh trời mây nước miệt vườn - đặc trưng đồng bằng châu thổ không thể trộn lẫn. Đó là khoảng không gian hào hùng của lịch sử thời mở cõi, truyền thống anh hùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, nền văn hóa bản địa, phong tục, tập quán, cốt cách con người Nam bộ, để từ đó ông khái quát thành điểm nhấn về dải đất đa dạng, đan xen quá khứ - hiện tại - tương lai, từ chiều sâu nhân cách, từ cội rễ ngọn nguồn: “Suốt mấy nghìn năm kể từ ngày dựng nước, ông cha ta đã bám chắc mảnh đất quê hương, khai phá ruộng đất, cải tạo thiên nhiên để nuôi sống mình và qua đó từng bước mở mang bờ cõi, xây dựng cơ đồ để lại cho con cháu muôn đời về sau. Một tay cầm chiếc cuốc vỡ hoang, một tay nắm thanh gươm giữ nước, không có hình ảnh nào diễn tả chân xác lịch sử hơn” (Trang 141).
Nghĩ về tính cách con người (Nam bộ), Phan Quang khảo cứu, sử dụng cứ liệu lịch sử, đặc điểm cư dân, xuất phát từ điều kiện tự nhiên - xã hội - điều kiện lịch sử một cách biện chứng, từ đó qua phân tích và cảm nhận của mình vẽ nên tính cách - chân dung con người vùng châu thổ có chiều sâu. Năm đặc điểm nổi bật trong tính cách của người nông dân Nam bộ, theo Phan Quang là: “Lòng yêu nước nồng nàn và kiên định; Dũng cảm, ngang tàng, phóng khoáng; Hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài; Sẵn sàng tiếp thu cái mới; Bộc trực, ăn nói thẳng thắn, ít khi văn hoa, rào đón” (Trang 463 - 477).
Không tính về văn học, ông đã in một số tập truyện ngắn, truyện vừa, phóng tác… Về báo chí, Phan Quang viết đủ thể loại. Thế mạnh hơn cả ở ông là bút ký. Báo Tuổi Trẻ (số ra ngày 6-11-1980) nhận định: “Ta thường đọc ký văn học của Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, ký chính luận của Thép Mới, ký mang tính triết lý của Chế Lan Viên…, khoảng mấy năm gần đây đã xuất hiện thêm một loại ký khá đặc biệt, ký nghiêng về các chủ đề kinh tế (mà Đồng bằng sông Cửu Long là tác phẩm tiêu biểu). Người viết: Phan Quang”.
Những năm tháng làm công tác quản lý và đối ngoại, kết hợp những chuyến đi công tác nước ngoài, Phan Quang viết nhiều bút ký lữ hành (du ký), tập hợp tại mấy tập: Thơ thẩn Paris, Bên mộ vua Tần, Chia tay trên sông… Về già, hoài niệm bạn bè, ông lại viết bút ký chân dung: Những người tôi quý mến, Thương nhớ vẫn còn.
Xin được chúc mừng nhà báo, nhà văn Phan Quang, tuổi cao nhưng sức viết vẫn dồi dào, bầu máu nóng từ con tim yêu nghề - say nghề vẫn như ngày nào. Huỳnh Hùng Lý, một đồng nghiệp cùng thời với ông ở Báo Nhân Dân, có lần tâm sự với Phan Quang: Chúng ta đang rượt đuổi thời gian. Phan Quang khiêm nhường đáp lời người bạn già: “Tôi tự dặn phải cố gắng. Cố gắng nhiều hơn nữa, may ra mới không phụ lòng những tấm lòng tri ngộ. Tiếc thay, quỹ thời gian của tôi không còn. Lực bất tòng tâm, quy luật tự nhiên càng không cho phép. Chỉ còn cách cúi đầu tri ân”. “Lão tướng” Phan Quang trong làng báo, làng văn là vậy. Phía trước nhà báo, nhà văn Phan Quang còn bao dự định ấp ủ đang… rượt đuổi thời gian.
Nguồn: PHẠM QUỐC TOÀN - SGGP
PHẠM ĐỨC DƯƠNG
GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Tổng biên tập 2 tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam Đông Nam Á; Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Phương Đông...
CAO QUẢNG VĂN
“Bồng bềnh xanh mãi bao niềm nhớ:
Huế ở trong lòng người phương xa…”
TRỊNH SƠN
Có những người, hiếm thôi, khi đã gặp tôi thầm ước giá như mình được gặp sớm hơn. Như một pho sách hay thường chậm ra đời.
HÀ KHÁNH LINH
Người xưa nói: Cung kiếm là tâm, là cánh tay vươn dài của võ sĩ; Bút là tâm nối dài của Văn Sĩ. Khi đọc tập truyện ngắn UẨN KHUẤT của Kim Quý, tôi nghĩ phải chăng khi không thể tiếp tục hóa thân thành những nhân vật trên sân khấu, nghệ sĩ ưu tú Kim Quý đã cầm bút để tiếp tục thể hiện những khát vọng cao đẹp của mình.
BÙI VĂN NAM SƠN
Trong “Bùi Giáng, sơ thảo tiểu truyện”(1), nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhận định có tính tổng kết về văn nghiệp Bùi Giáng như sau: “Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ”.
YẾN THANH
(Đọc Thi pháp tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng của Nguyễn Thành)
PHAN NAM SINH
(bàn thêm với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)
Sau 2 công trình nghiên cứu đồ sộ, biên soạn công phu “Thưởng ngoạn Đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn (1082 - 1945)” và “Đồ sứ kí kiểu Việt Nam thời Lê Trịnh (1533 - 1788)”, NXB Văn Nghệ 2008 và 2010, vào đầu tháng 3.2014, bộ sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945 (khổ lớn 27x27 cm, NXB Hồng Đức), do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn biên soạn đã được ra mắt tại Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM.
NGUYỄN NHÃ TIÊN
Có một con đường mà tôi đi hoài không hết Hội An. Dường như cái phố cổ ấy luôn thường hằng phát đi một tín hiệu: nhớ. Lại thường chọn rất đúng cái khoảnh khắc con người ta nhớ mà rót cái tín hiệu ấy tới.
LTS: Tiểu thuyết "Huế mùa mai đỏ", tập I, của Xuân Thiều đề cập đến một thời điểm lịch sử của chiến trường Trị Thiên cũ trong chiến dịch Mậu Thân.
ĐẶNG TIẾN
Nhà thơ Phạm Thiên Thư là một tác gia dồi dào, đã in ra hằng vài ba trăm ngàn câu thơ, có lẽ là kỷ lục về số lượng trong nền văn chương tiếng Việt, vượt xa Bùi Giáng.
VÕ TẤN CƯỜNG
Đinh Hùng - một hồn thơ kỳ ảo với vũ trụ thơ thuần khiết, song hành với thực tại là hiện tượng thi ca đầy phức tạp và bí ẩn. Số phận cuộc đời của Đinh Hùng và thi ca của ông chịu nhiều oan trái, bị chìm khuất dưới những dòng xoáy của thời cuộc cùng với những định kiến và quan niệm hẹp hòi về nghệ thuật…
TÔ NHUẬN VỸ
(Nhân tiểu thuyết Đời du học vừa ra mắt bạn đọc)
Tôi thích gọi Hiệu (Lê Thị Hiệu) hơn là Hiệu Constant, nhất là sau khi đọc, gặp gỡ và trò chuyện với Hiệu.
PHẠM PHÚ PHONG
Từ khi có báo chí hiện đại phát triển, nhất là báo in, văn chương và báo chí có quan hệ hết sức mật thiết. Nhiều nhà báo trở thành nhà văn và hầu hết các nhà văn đều có tác phẩm in báo.
NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP
Anh không thấy thời gian trôi...
Ám ảnh về cái chết có lẽ là ám ảnh lớn nhất mỗi đời người vì mỗi phút trôi qua là một bước con người xích lại gần hơn với cái chết. Sống gửi thác về...
BÙI VIỆT THẮNG
(Phác vẽ quang cảnh truyện ngắn năm 2013)
Bỗng dưng trời chuyển mát, như thế một mùa thu hiếm hoi nào bất ngờ đột nhập vào giữa những ngày hè chói chang của Huế. Chiếc xe đạp già nua, bướng bỉnh của tôi xem ra có vẻ nhạy cảm với thời tiết nên đã chịu khó tăng tốc, giúp tôi kịp đến tòa soạn Tạp chí Sông Hương đúng giờ hẹn. Cuộc tọa đàm thân mật với tác giả trẻ Nguyễn Quang Lập.
THIẾU SƠN
* Vĩnh Quyền sinh năm 1951 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và cử nhân Văn khoa Huế 1974.
MAI VĂN HOAN
Không hiểu sao nghĩ về Hoàng Vũ Thuật tôi lại nhớ đến Những bông hoa trên cát; mặc dù anh đã có thêm Thơ viết từ mùa hạ và Gửi những ngọn sóng.
LTS: Tháng 9 vừa qua, tại Huế, người cháu ruột gọi Bà Hoàng Thị Kim Cúc bằng Cô là Hoàng Thị Quỳnh Hoa đã xuất bản và giới thiệu cuốn “LÁ TRÚC CHE NGANG - CHUYỆN TÌNH CỦA CÔ TÔI”. Cuốn sách đã trưng dẫn ra nhiều tư liệu trung thực về sự thật chuyện tình giữa Hàn Mặc tử và Hoàng Thị Kim Cúc mà lâu nay trên văn đàn có nhiều thêu dệt khác nhau.