PHÙNG TẤN ĐÔNG
Nhà báo, học giả Lê Dư, còn có tên Lê Đăng Dư, Lê Kính (1884 - 1967)(1), hiệu Sở Cuồng (người Cuồng nước Sở), sinh quán tại làng Nông Sơn (nay thuộc xã Điện Thọ) huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Nhà biên khảo Lê Dư - Ảnh tư liệu
Thuở nhỏ ông học chữ Hán ở quê nhà. Lê Dư lập gia đình với bà Phan Thị Giệm (1889 - 1936), sinh hạ được năm người con. Con gái lớn là nhà thơ Lê Hằng Phương - vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan, người con gái thứ hai là Lê Hằng Phấn - vợ nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Chí, người con thứ ba là trai - dược sĩ Lê Hoan, người con gái thứ tư là Lê Hằng Huân - vợ tướng Nguyễn Sơn, người con gái thứ năm là Lê Hằng Trang, mất sớm. Các con gái Lê Dư đến nay đều đã mất, chỉ còn người con trai Lê Hoan.
Năm 1900, ông cùng với Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác ra Hà Nội học tiếng Pháp và tham gia công tác tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Hướng ứng phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, năm 1906 ông sang Nhật du học. Năm 1908, phong trào Đông Du bị khủng bố do sức ép của thực dân Pháp, chính phủ Nhật trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam và cả các du học sinh, ông sang Triều Tiên, Trung Quốc đọc sách và du lịch. Lê Dư rất thông thạo tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc. Với “vốn học vấn uyên bác, 14 năm học tập và hoạt động cứu nước ở hải ngoại, chí lớn không thành, ông trở về nước, chuyên khảo cứu và biên khảo lịch sử, văn học mong khơi dậy truyền thống dân tộc”(2). Theo nhà nghiên cứu Trần Hải Yến - Lê Dư bị cụ Phan Bội Châu phê phán “là không trung thành với tổ chức”(3). Thời gian sang Triều Tiên, Trung Quốc chủ yếu ông tích lũy kiến thức về văn hóa - lịch sử các nước và viết nhiều sơ thảo theo dạng bút ký biên khảo. Cũng chính thời kỳ ông đến Cao Ly (Triều Tiên), “ông là người đầu tiên phát hiện ra dòng họ Lý ở đây là hậu duệ của Lý Long Tường - Hoàng tử thứ hai của Lý Anh Tông. Năm 1919, Lê Dư về nước, ông vào làm việc ở Phòng Chính trị Phủ Toàn quyền Bắc Kỳ và ở Trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội. Từ đó ông chuyên tâm cho sự nghiệp văn hóa”.(4)
Công trình của Lê Dư chủ yếu thuộc về nghiên cứu lịch sử và văn chương, hầu hết đăng tải trên các báo như các tờ Nam Phong, Đông Thanh, Đông Tây, Hữu Thanh, tập san Hội Trí Tri… như “Thảo trạch anh hùng” (Anh hùng nơi đầm cỏ), “Lịch sử Bằng Quận công”, “Tây Sơn ngoại sử” (Ngoại sử về Tây Sơn), “Chữ Nôm với chữ Quốc ngữ”, “Quốc âm thi văn tùng thoại” (Tập luận bàn về thơ văn quốc âm), “Nữ lưu văn học sử”, “Ca vũ và âm nhạc nước nhà”, “Việt Nam văn học sử”… Đặc biệt, Lê Dư tổ chức biên sọan tủ sách “Sở Cuồng văn khố Quốc học tùng san” với những ấn phẩm như: “Nam Quốc nữ lưu” (Nữ lưu nước Nam - 1929), “Nữ lưu văn học sử” (Lịch sử văn học của nữ giới - 1929), “Bạch Vân Am thi văn tập” (Tập thơ văn Bạch Vân Am - 1930), “Vị Xuyên thi văn tập” (Tập thơ văn Vị Xuyên Trần Tế Xương - 1931), “Phổ Chiêu Thiền sư thi văn tập” (Tập thơ văn của Phổ Chiêu Thiền sư - Phạm Thái - 1932).
![]() |
Một số nhân viên trong ban sáng lập Hội Bắc Kỳ Phật Giáo, chụp tại chùa Quán Sứ cũ năm 1936 - Ảnh tư liệu |
Lê Dư - người nghiên cứu đầu tiên về mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản
Các nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường - khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có đề cập đến một tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế về Đô thị cổ Hội An năm 1990(5). Đó là bài tham luận/ bài viết của Giáo sư Kawamoto Kuniye “Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Gaiban tsusho (Ngoại phiên thông thư)” - đây là bài viết bằng tiếng Việt giới thiệu về các bức thư trao đổi giữa Mạc phủ Tokugawa (Nhật Bản) và chúa Trịnh, chúa Nguyễn (Việt Nam). Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường cũng đề cập đến công trình giới thiệu về nhà thơ Nhật Bản Abe no Nakamaro (thế kỷ XIII), bạn thơ của Lý Bạch lưu lạc đến Việt Nam (bài “Một người bạn của Lý Bạch lưu lạc ở Việt Nam” đăng trên “Kiến thức ngày nay” số xuân 1995).
Trong kỷ yếu hội thảo 1990 - tác giả bài viết, GS K. Kuniye nói về “An Nam quốc thư” trong “Ngoại phiên thông thư” gồm những văn thư từ Việt Nam gởi đến cho nhà Mạc Phủ Đức Xuyên và ngược lại, “hoặc văn thư của chính quyền chúa Nguyễn và chúa Trịnh và người đại thần dưới chính quyền chúa Trịnh trao cho các thương gia tàu châu Ấn Nhật. Các văn thư trên có liên quan đến lịch sử của Hội An vào đầu thế kỷ 17, và thực tình là tài liệu quan trọng đối với các học giả Nhật Bản, từ sau thời Minh Trị, muốn nghiên cứu về lịch sử giao dịch thương nghiệp Nhật Bản vào thời kỳ đầu của chính quyền Đức Xuyên. Nhưng với sự hiểu biết của tôi - K. Kuniye - các tư liệu này chưa được các học giả Việt Nam sử dụng”.(6)
Cho đến khi tìm hiểu phần Hán văn trên tạp chí Nam Phong, các nhà nghiên cứu trên ‘mới phát hiện ra là từ gần 100 năm trước, Lê Dư đã nghiên cứu về những chuyện nói trên khá kỹ, chỉ tiếc là ông viết bằng Hán văn, nên ít người chú ý đến”.(7)
Thực tế, năm 1920 Lê Dư cộng tác với Nam Phong tạp chí. Từ số 41 (tháng 11/1920, phần Hán văn) và số 42 (tháng 12/1920, phần Hán văn) tạp chí Nam Phong, ông giới thiệu về các lĩnh vực của Nhật Bản (địa lý, nhân chủng, tính quốc dân, lịch sử, ngôn ngữ, văn tự, văn hóa…). Nam phong tạp chí số 43 (tháng 1/1921, phần Hán văn) ông viết “Ghi chép phong vật các nước, phần 3: Lịch sử ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản thời cổ”. Nam phong tạp chí số 45 (tháng 3/1921, phần Hán văn) ông viết “Ghi chép phong vật các nước, phần 4: Giáo dục Nhật Bản).
Trong hai số Nam phong tạp chí số 54 (tháng 12/1921, Hán văn) và 56 (tháng 2/1922), Lê Dư lần lượt giới thiệu 35 bức thư trao đổi giữa chúa Trịnh, chúa Nguyễn và Mạc phủ Tokugawa in trong tập Ngoại phiên thông thư - An Nam quốc thư: Bài 1: Cổ đại Nam Nhật giao thông khảo 古代南日交通攷, phụ đề: Bản triều tiên đại dữ Nhật Bản giao thông chi văn thư 本 朝先代與日本交通之文書, 25 bức; Bài 2: Cổ đại ngã quốc dữ Nhật Bản chi giao thông (tục) 古代我國 與日本之交通 (續), 10 bức.
Trong bài nghiên cứu “Lịch sử giao lưu giữa Nhật Bản và nước ta (Việt Nam) thời xưa” Lê Dư từng đề cập đến việc giao thương giữa các thuyền buôn Nhật Bản với nước ta qua thương cảng Hội An, Lê Dư thuật như sau (trích): “… Năm 1593 (năm Văn Lộc thứ 2 của Nhật), 3 chiếc thuyền từ Kinh đô/ Kyoto 京都, 1 thuyền từ Sakai 堺 (địa danh ở Nhật), 5 chiếc thuyền từ Trường Kỳ/ Nagasaki 長崎 của Nhật tổng cộng là 9 thuyền đi đến các xứ Đông Kinh 東京, Giao Chỉ 交趾, Campuchia để buôn bán làm ăn. Có các thuyền chủ rất nổi tiếng như Giác Thương Dữ Nhất/ Suminokura Yoichi 角倉與一 (của Kinh đô, Trà Ốc Tứ Lang/ Chaya Shirōjirō 茶屋四郎 次郎 (của vùng Sakai 堺, Hoang Mộc Tôn Thái Lang/ Araki Sotaro 荒木尊太郎, Thuyền Bản Di Thất Lang/ Yashichiro 船本弥七郎, Di Tả Vệ Môn/ Yasaemon 彌左衛門 của Trường Kỳ/ Nagasaki… nhiều người đã cư ngụ ở Hội An của Quảng Nam.
Xét thấy ở Hội An có một loại nhà được gọi là nhà của người Nhật Bản, lại có một chiếc cầu gọi là Chùa Cầu. Hiếu Minh hoàng đế triều Nguyễn ta từng ngự đề ba chữ “Lai Viễn Kiều 來 遠橋” treo ở sảnh của cầu đó, đến nay vẫn còn. Chiếc cầu ấy trông rất u nhã, kiến trúc giống với những chiếc cầu cổ xưa của Nhật, đó là thứ mà người Nhật xây dựng khi cư ngụ ở Hội An, đồng thời họ cũng từng xây dựng nhà cửa để ở. Cuối thời Minh, trưng sĩ Chu Thuấn Thủy tiên sinh có làm quyển Cung dịch An Nam ký sự 供 役安南紀事 có ghi rằng: đem cầm bán những thứ trong nhà trả cho Di Tả Vệ Môn/ Yasaemon 彌左 衛門 40 lạng bạc 8 tiền, trả tiền thuê phòng cho chủ nhà trọ Quyền Binh Vệ/ Gonnobyoe 權兵衛 30 lạng. Họ Chu bấy giờ cũng là khách cư ngụ ở Hội An, có thể biết người Nhật ở Hội An từng có nhà cho người ta thuê ở.
Khoảng năm 1600 (thời đại Đức Xuyên của Nhật), nước ta giao thương với nước Nhật rất thịnh, Đà Nẵng và Trường Kỳ/ Nagasaki có đường biển qua lại theo định kỳ. Công văn qua lại rất nhiều. Hiện nước Nhật lưu giữ văn thư của nước ta có đến 36 văn kiện. Năm 1915 (năm Đại Chính thứ 4 của Nhật) số văn kiện này từng được triển lãm tại nhà bảo tàng công viên Thượng Dã/ Ueno ở Đông Kinh, bấy giờ tôi có tham dự nhưng lại không lưu ý sao chép giữ gìn để đến nỗi bây giờ phải hối tiếc.
Năm 1627 (năm Khoan Vĩnh thứ 4 của Nhật), nước ta đưa thư sang Nhật xin thông thương.”(8)
Như vậy Lê Dư là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Từ năm 1919 ông hoàn thành hàng chục công trình biên khảo bằng Hán văn như “Liệt quốc thái phong ký” (ghi chép chọn lọc về phong tục, lịch sử, địa lý các nước quanh ta như Nhật, Thái Lan, Cao Miên…), “Việt Đông phong thổ ký” (phong tục thổ nghi Quảng Đông) và nhiều bài viết bằng quốc văn về văn học sử và lịch sử Việt Nam…
![]() |
Về những đóng góp của nhà báo, học giả Lê Dư cho văn hóa
Trong hành trạng của mình - việc cụ Phan Bội Châu đánh giá về ông trong tác phẩm “Tự Phán” đã được lớp hậu sinh “chiêu thuyết”. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cho rằng “Như Phan Bội Châu viết “Tự Phán” thì hoạt động của Lê Dư ở Nhật Bản và Trung Quốc khá phức tạp, có lẽ nhà cách mạng Việt Nam giai đoạn này không hiểu rõ chủ trương công việc của Lê Dư nên gán cho ông nhiều thông tin bất lợi. Chúng tôi qua khảo sát các công trình nghiên cứu bằng Hán văn của ông, thấy rằng ông hầu như đã dành hết thời giờ vào việc đọc các tân thư, cổ thư Nhật Bản và Trung Quốc để trích thải các tài liệu liên quan đến lịch sử nước nhà, có phải vì thế mà ông đã lơ là công tác chính trị theo chủ trương chung của tổ chức?”(9) Lê Dư viết du ký rất hay, miêu thuật rất tỉ mỉ luôn thiên về truyền bá tri thức, kiến thức hơn là kiến giải, luân lý học thuật kiểu nghiên cứu chuyên sâu. Ngày nay đọc những bài viết của ông như trong sách “Dấu tích Thăng Long”(10) gồm “Hà Thành kim tích khảo” và “Di Cổ Loa thành ký”. “Hà Thành kim tích khảo” là thiên khảo cứu về thành phố Hà Nội xưa và nay. Ông đã ghi chép tổng quan về di tích, thắng cảnh và sự thay đổi thành quách, cung thất, phố phường Thăng Long - Hà Nội qua các đời với gần một trăm danh thắng, 3 bức địa đồ mà ông tự vẽ với hệ thống địa danh chữ Hán. Thiên khảo cứu này có thể cho ta một cái nhìn toàn cảnh về Hà Nội vào thời điểm đầu thế kỷ XX, đồng thời cũng giúp bổ sung nhiều chi tiết cho việc nghiên cứu về lịch sử, địa dư thủ đô Hà Nội hiện nay, (nguyên văn chữ Hán đăng trên Nam Phong tạp chí số 80 và 81). “Di Cổ Loa thành ký” là bài du ký ghi lại cuộc du ngoạn của ông cùng hai người bạn là Mã Dã Phong Tam Lang (Nhật Bản) và Cao Kiều Đôn (Trung Hoa) - những người bạn cùng làm việc ở Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân có nhận định về mảng bút ký của ông như sau: “Là người đi nhiều, đọc nhiều và viết khỏe, riêng về mảng bút ký, hầu như mỗi nơi ông đặt chân đến đều có thu hoạch đáng kể, bút ký biên khảo của Lê Dư đầy ắp sử liệu lại đậm đà chất văn, tản mác trong các thiên là sự ẩn chứa nỗi niềm hoài cổ, thời oai hùng của dân tộc, hoặc ghi chép cái hay ở xứ người mà luôn chạnh nỗi yếu dở của nước nhà, xót cho dân khí hèn, dân trí thấp…”(11). Về các tác phẩm biên khảo trong tủ sách Quốc văn của ông - nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương đánh giá trong lời cám ơn khi khảo, cứu hiệu chú cuốn sách “Phạm Thái toàn tập” (Sở Cuồng Lê Dư phiên chú): “Đặc biệt cám ơn học giả Sở Cuồng Lê Dư - người đầu tiên giới thiệu Phạm Thái và các tác phẩm của ông đến với độc giả trong chương trình xây dựng tủ sách quốc văn nhằm hướng đến một nền quốc học. Nhờ có Lê Dư mà Phạm Thái trở thành tác gia nổi tiếng, ông được Khái Hưng viết cuốn “Tiêu Sơn tráng sĩ”, được Phan Khắc Khoan viết kịch thơ “Phạm Thái”. Đến nửa sau thế kỷ XX, các tác phẩm của ông (Phạm Thái) được đưa vào Từ điển văn học, và một số giáo trình môn học ở cấp đại học và phổ thông. Cũng nhờ có công phiên âm quốc ngữ của Lê Dư mà chúng tôi mới có thể biên soạn cuốn sách này”.(12)
Cả một đời làm báo, biên khảo sách lịch sử, sách văn học Lê Dư thực sự đã làm hết sức mình cho mục đích” bàn giao cái vốn liếng tinh thần của tiền nhân để lại cho lớp sau đang thiếu Hán ngữ”. (13) Tinh thần yêu nước của nhà chí sĩ Lê Dư được biểu hiện trong nhiều việc làm. Trong bài diễn văn tại Hội Trí Tri Hà Nội ngày 25/11/1933, ông đã nói “Nước ta thu nạp ba nguồn văn học ở nước ngoài đến là Hán học, Phật học và Tây học, làm cho dân trí của ta ngày được mở mang, thật là một sự rất may. Nhưng vì ba cái học đó đều là ta học mượn của người cho nên gây ra một cái học phong sai lầm, chúng ta là người Việt Nam mà đi học những chuyện đâu đâu, hỏi đến chuyện nước Nam thì như ở trong vòng sương mù đến mấy dặm; học mà không biết đến nước là một cái học không có căn bản; thua kém các nước là tại chỗ đó. Vậy nên tuy đã có tiến hóa mà vẫn không phải có cái nguồn gốc thật”(14). Lê Dư dường đã làm xong nhiệm vụ của một trí thức cựu học và cả nhiệm vụ của một trí thức có trải nghiệm tân học trong buổi giao thời - “thời Nho học suy tàn, Tây học mới nảy”(15). Công việc của ông là “truyền bá Đông Tây học thuật” mà việc cốt lõi là cần phải trau dồi Việt ngữ. Ông đã góp phần vào việc cải biến câu văn Quốc ngữ thoát khỏi lối văn biền ngẫu, “thứ chữ Quốc ngữ nặng từ Hán Việt” kiểu Phạm Quỳnh và một số nhà báo cộng tác với Nam phong.
P.T.Đ
(SHSDB42/09-2021)
----------------------------
(1) Về năm sinh và năm mất của học giả Lê Dư trước đây còn nhiều vấn đề tồn nghi. Về năm sinh, nhiều công trình nghiên cứu để khuyết - nhất là những công trình có tính học thuật như “Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam” (Nguyễn Q Thắng, Nguyến Bá Thế - Nxb. Tổng hợp TP HCM (Bộ mới) 2006, tr. 445) ghi “Lê Dư - Sở Cuồng - (Ất Dậu 1885? - Đinh Dậu 1967); Từ điển văn học bộ mới – Nxb. Thế giới 2004 tr. 818 ghi “Lê Dư - (?-31-VIII 1967); Phạm Hoàng Quân trong bài “Bút ký biên khảo đậm chất văn của học giả Lê Dư” ghi “Học giả Lê Dư (1885? - 1957); Đoàn Lê Giang - Lê Quang Trường trong bài “Sở Cuồng Lê Dư - học giả tiên phong trong việc nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản” ghi “Sở Cuồng Lê Dư (? - 1967); tác giả Trần Trọng Dương trong “Phạm Thái toàn tập” cũng ghi “Lê Dư (? - 1967)…
Chúng tôi chọn ghi theo tác phẩm “Chuyện Hà Nội (Vũ Ngọc Phan), khảo cứu Hà Thành xưa và nay” (Lê Dư)” Nxb. Văn học, H. 2019, phần tiểu sử của Lê Dư do cháu ngoại ông - GS-TS Vũ Tuyên Hoàng biên soạn (người ghi chép lại) ngày 29/3/1998.
(2) Lê Dư (2019) - Khảo cứu Hà Thành xưa và nay - Sơ lược tiểu sử học giả Lê Dư - Nxb. Văn học, Hà Nội 2019 tr. 176.
(3) Trần Hải Yến (2004) - mục từ “Lê Dư” - Từ điển văn học bộ mới - Nxb. Thế giới H. 2004 tr. 818 - 819.
(4) Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường (2014) - Sở Cuồng Lê Dư - học giả tiên phong trong việc nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Nhật Bản - Tạp chí Nghiên cứu văn học - Viện Văn học, Hà Nội số 7/2014.
(5) Đoàn Lê Giang… (2014) - Tạp chí Nghiên cứu văn học đã dẫn.
(6) Kawamoto Kuniye (1991) Ủy ban Quốc gia Hội thảo Quốc tế về Đô thị cổ Hội An 1991) - Kỷ yếu Hội Thảo - Nxb. KHXH H. 1991 tr. 169-178.
(7) Đoàn Lê Giang… (2014) - Tạp chí Nghiên cứu văn học đã dẫn.
(8) Đoàn Lê Giang…(2014)-Tạp chí Nghiên cứu văn học đã dẫn.
(9) Phạm Hoàng Quân - “Bút ký biên khảo đậm chất văn của học giả Lê Dư”.
(10) Sở Cuồng Lê Dư (2014) - Dấu tích Thăng Long (Hồ Viên dịch) - Nxb. Lao Động H. 2014.
(11) Phạm Hoàng Quân - nguồn đã dẫn.
(12) Trần Trọng Dương (2019) - Phạm Thái toàn tập - Nxb. Văn học, H. 2019 tr. 9.
(13) Võ Phiến (1999) - Đố kỵ cái trừu tượng - nguồn diendantheky.net
(14) Lê Dư (2019) - Khảo cứu Hà Thành xưa và nay - sách đã dẫn… tr. 177.
(15) Võ Phiến (1999) - Bài đã dẫn.
NGUYỄN THỊ XUÂN YẾNLà một nội dung mở, tín hiệu thẩm mỹ (THTM) đã và đang được nhiều nhà nghiên cứu khoa học quan tâm, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn học đã bàn luận khá rộng.
ĐẶNG VIỆT BÍCHTrong mười hai con giáp, từ lâu, người ta đã nhận thấy chỉ có mười một con là động vật có thật, được nuôi trong gia đình, là gia cầm (như gà - dậu), là gia súc (trâu - ngưu) hoặc động vật hoang dã (như hổ - dần)... Còn con Rồng - Thìn thì hoàn toàn là động vật thần thoại.
Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Dịch thuật Giới thiệu Văn học Việt Nam ra thế giới, quy tụ trên một trăm dịch giả trong và ngoài nước đến từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như Pháp, Mỹ, Đông Âu, Trung Quốc... Đây được xem là bước khởi đầu cho việc quảng bá tốt nhất văn học Việt ra thế giới.
NGUYỄN THANH HÙNGTiếp nhận văn học thực sự diễn ra dưới ảnh hưởng của đặc điểm cuộc sống trong cộng đồng lý giải tác phẩm. Có được ý nghĩa phong phú của văn bản nghệ thuật là nhờ sự tiếp nhận của các thành viên độc giả tạo ra. Chính những ý nghĩa ấy chứ không phải bản thân văn bản, thậm chí không phải cả dụng ý của tác giả là điểm khởi đầu cho "chiều dài thương lượng" về giá trị của tác phẩm văn học trong lịch sử.
HỮU ĐẠTKhi giảng dạy thơ ca của bất cứ nhà thơ nào, ngoài những bài được đưa vào sách giáo khoa việc giới thiệu thêm những bài thơ khác trong sự nghiệp sáng tác của tác giả là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi giới thiệu cần có những cách phân tích và đánh giá đúng đắn mới phát huy được việc mở rộng kiến thức cho học trò. Nếu không sẽ gây ra những tác dụng ngược lại.
HOÀNG TẤT THẮNG (Vì sự trong sáng tiếng Việt)
ĐẶNG MẬU TỰU- PHAN THANH BÌNH5 năm hoạt động mỹ thuật sôi nổi, đầy trăn trở và suy nghĩ đã trôi qua, Phân- Chi hội mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã có nhiều cơ hội để nhìn lại đánh giá những gì mà mình đã làm được.
VŨ ĐỨC PHÚCChữ Hán trong hàng chục thế kỷ là chữ dùng chính thức của quốc gia Việt . Trong các thế kỷ ấy văn thơ chữ Hán khi thì là văn thơ duy nhất, khi thì là bộ phận chủ yếu hoặc quan trọng, không thể thiếu, của lịch sử văn học Việt bên cạnh văn thơ chữ Nôm.
PHẠM QUANG TRUNGHội Nhà văn Việt Nam, bên cạnh tính chính trị- xã hội, trước hết là một tổ chức nghề nghiệp. Muốn có sức mạnh, cơ cấu và hoạt động của Hội phải tương thích với đặc thù nghề viết văn.
NGUYỄN VĂN HOASuốt những năm phổ thông, do phải kiểm tra hoặc phải thi cử nên bắt buộc tôi phải thuộc các bài thơ có vần trong sách giáo khoa. Trên ba mươi năm rồi tôi vẫn thuộc những bài thơ đó. Mặt khác thời tôi học phổ thông ở vùng Kinh Bắc hiệu sách có rất ít sách thơ bán và lúc đó cũng không có tiền để mua. Nguồn duy nhất là sách giáo khoa.
VÕ TẤN CƯỜNGLịch sử văn minh của nhân loại đã trải qua những phát kiến, khám phá vĩ đại về khoa học kỹ thuật và vũ trụ nhưng sự bí ẩn của tâm linh con người thì vẫn luôn là thách thức chưa thể giải mã.
Mối quan hệ của Chủ nghĩa Siêu thực với hội họa vẫn là một câu hỏi chưa được sáng tỏ, vấn đề khó khăn này đã được các nhà lịch sử mỹ thuật hé mở hơn khi chú ý ở khía cạnh hình tượng xảy ra trong các giấc mơ và coi đó là một hành vi đặc biệt của “phong cách” nghệ thuật hiện đại.
Cách đây vài hôm, tôi nói chuyện với một vị nữ tiến sỹ ở Viện nghiên cứu văn hoá nghệ thuật. Bà là một trưởng phòng nghiên cứu có thâm niên, rất thông thái về văn hoá. Trong lúc vui chuyện tôi nói rằng mình có ý định tìm hiểu về mối quan hệ giữa văn hoá và ngôn ngữ. Bà bảo không thể đặt vấn đề như vậy, vì ngôn ngữ là một thành tố của văn hoá.
TRẦN HUYỀN SÂMVăn học là dòng sông chở đầy dư vị của cuộc đời, mà văn hóa là một trong những yếu tố kết tinh nên hương sắc ấy.
LÊ ĐẠTTình không lời xông đất để sang xuânTrước hết xin giải quyết cho xong một vấn đề đã được giải quyết từ rất lâu tại các nhà nước văn hóa phát triển.
HỮU ĐẠTMột trong những đặc điểm dễ nhận thấy về phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều chính là tính sáng tạo qua việc dùng từ. Có thể bàn đến nhiều trường hợp khác nhau, trong đó chữ Xuân là một ví dụ khá điển hình.
NGUYỄN THANH HÙNGLý do để có thể còn viết được những cái như là hiển nhiên rồi, thật ra có nhiều. Nói về văn thơ tức là nói về cuộc đời, về sự sống dù chỉ nói được một phần rất nhỏ của cả một vũ trụ đang trong cơn say biến đổi, mà đã thấy choáng ngợp lắm rồi.
THANH THẢOThơ như những ngọn đèn thuyền câu mực trong biển đêm. Lấp lóe, âm thầm, kiên nhẫn, vô định.
ĐÔNG LA. (Tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, Nxb Văn Học")
NguyỄn Thu TrangNghệ thuật ẩm thực của người Việt đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt . Bàn về ẩm thực và những gì liên quan thì quá rộng, thế nên ở đây chúng tôi chỉ mạn phép bàn đến một khía cạnh nhỏ của nó mà thôi.