Thơ trong đời sống văn học nước nhà có thể nói đang là một “di sản bị mất giá”, hay một món đồ bị lạm phát liên tục, khiến những chân giá trị bị mai một, bên cạnh sự bùng nổ của số lượng nhà thơ thiếu cá tính, ít tài năng song lại thừa điều kiện để tìm kiếm sự lăng xê hay kể cả những “phe nhóm” phê bình “khen ảo”, phần lớn ta sẽ gặp đâu đó trên mạng xã hội. Trong một bối cảnh rối ren, hỗn loạn như thế của đời sống thi ca nói riêng và đời sống văn học nói chung, Nguyễn Đăng Khoa với tôi vẫn như một thanh âm lạ, một đốm sáng le lói hiếm hoi giữa đêm tối như dấu vết của một con đom đóm nhỏ lặng thầm giữa màn đêm. Nguyễn Đăng Khoa sớm khẳng định được tài năng qua một vài giải thưởng thơ ca cũng như nhiều tác phẩm được phổ biến trên các báo giấy, báo mạng. Thơ của Nguyễn Đăng Khoa biết cách tạo riêng cho mình một dấu ấn, một cá tính, một chiều sâu về nhận thức thực tại lẫn tâm hồn. Ví dụ: “Tĩnh lặng đo đạc độ sai của hạnh phúc - Tạm niêm yết giá cơn vui này” (Tĩnh lặng). Tôi hiếm khi đọc thơ, lại càng ít khi nào khen ngợi thơ ai, song có thể nói một cách khiêm tốn rằng, tôi thích thơ Nguyễn Đăng Khoa, từ cách anh xây dựng triết lý lẫn hình thành cấu tứ và kiến tạo nên hình tượng thơ. Dù không bao giờ làm dáng, cố làm ra mình khác lạ, song thơ Nguyễn Đăng Khoa luôn làm tôi ngạc nhiên, sửng sốt, và cuối cùng là sự đồng cảm lẫn vỡ vạc ra một thức nhận mới mẻ nào đó về con người và cuộc đời:
“Sống là để đào thoát khỏi cái bóng
Một cách phiên dịch khác đời mình (…)
Có khi anh thay lễ phục long trọng
Nghiêm trang chờ tiếp đón nỗi buồn (…)
Có khi nào người bưu tá lạ
Chuyển đến em ký ức chúng ta (…)”
(Bưu phẩm)
Những đoạn thơ đầy ẩn dụ, liên tưởng, hoán dụ mới lạ, đầy chất triết lý, suy tư về thời gian, tình yêu và tồn tại như vậy bạn đọc dễ dàng tìm thấy ở mọi thi phẩm của Nguyễn Đăng Khoa. Tập thơ anh mới trình làng Tặng vật từ tĩnh lặng [Nxb. Văn học, năm 2025] cũng không là ngoại lệ.
Phải nói rằng, là một người dõi theo khá sát những động hướng sáng tạo của Nguyễn Đăng Khoa trong vài năm gần đây, từ tập thơ đầu tay của anh với tựa đề Con đường tự trôi (Nxb. Văn học, Hà Nội, năm 2015) vinh dự đạt giải Nhì (không có giải Nhất) Cuộc thi thơ “Tác phẩm đầu tay” của Du Tử Lê Foundation tổ chức năm 2014, có thể khẳng định rằng Nguyễn Đăng Khoa có sở trường trong thơ lục bát. Ở lục bát, những suy nghiệm, triết lý lẫn hệ thống hình tượng thơ của Nguyễn Đăng Khoa được biểu đạt trọn vẹn, sâu sắc nhất. Thể thơ rất truyền thống, song tư duy thơ ca của Nguyễn Đăng Khoa lại rất mới mẻ, hoàn toàn mang dấu ấn của tư duy nghệ thuật hậu hiện đại. Nhìn nhận như vậy để thấy, tập thơ mới xuất bản Tặng vật từ tĩnh lặng là một nỗ lực làm mới mình, di chuyển ra những vùng không an toàn, thử thách bản thân trong những thể thơ mới mẻ hơn lục bát. Bạn đọc khi tiếp nhận thi phẩm Tặng vật từ tĩnh lặng sẽ vẫn bắt gặp một chân dung thơ, phong cách thơ Nguyễn Đăng Khoa quen thuộc trong một vài thi phẩm lục bát rất hay, ví dụ:
“Có lần tôi với thời gian
Cãi nhau về việc tôi đang phải già
Hôm đó, dưới mặt trời nhòa
Tôi không có khóc, chỉ tà dương thôi (…)
Có lần tôi với sông sâu
Cùng cạn ở cuối dòng châu mắt buồn”
(Có lần)
Hay một ví dụ khác:
“Thuê một xạ thủ cao cường
Ám sát lập tức nỗi buồn trong anh
Đặc điểm: nỗi buồn da xanh
Tham lam, nóng nảy, tinh ranh, rất già (…)
Tin về một buổi đông xanh
Xạ thủ ám sát bất thành
- Tại sao
- Nỗi buồn đẹp
- Đẹp thế nào
- Đến mức không biết làm sao bóp cò”
(Chat với xạ thủ)
Những thi phẩm thú vị này tôi rất thích, thậm chí thuộc lòng, song xét trên phương diện tư duy và tiến trình phát triển của thi ca Nguyễn Đăng Khoa, thì quả nhiên nó không hề có gì mới mẻ. Ngay trong tập thơ đầu tay Con đường tự trôi, tác giả Nguyễn Đăng Khoa đã sớm xác lập cho mình một phong cách thơ lục bát đầy mới mẻ, thú vị và bông đùa cay đắng như vậy. Thơ lục bát Nguyễn Đăng Khoa đầy hơi thở đương đại, anh luôn nỗ lực soi chiếu hiện thực từ một góc nhìn của cái khác. Nguyễn Đăng Khoa có một năng lực đặc biệt trong thơ (lục bát), đó là khả năng liên tưởng, ẩn dụ, hoán dụ mạnh mẽ những phạm trù tưởng chừng như tách biệt, không có mối liên hệ nào với nhau. Anh là nhà thơ có khả năng cắt nghĩa những vấn đề muôn thuở của tồn sinh kiếp người như ý niệm thời gian, truy tầm bản thể, bản chất tình yêu, hoài nhớ quá khứ… dưới hệ thống hình tượng mới mẻ, bất tương xứng, bất tương hợp như: ngôn ngữ mạng, hệ thống thuật ngữ điện ảnh, kinh tế, mạng internet, thể thao, hình sự, trinh thám… “Giống như cầm lưỡi của dao - Bốc thăm xem giọt máu nào sẽ rơi… - Những dòng sông chảy vì nhau - Cứ cho rằng chúng không đau và buồn” [Những phỏng đoán nhỏ trong một thành phố]. Tuy nhiên, điểm tôi muốn nhấn mạnh với bạn đọc đó là, tập thơ mới ấn hành Tặng vật từ tĩnh lặng không còn thuần túy là tập thơ lục bát như Con đường tự trôi. Thậm chí, bạn đọc đam mê với thơ lục bát Nguyễn Đăng Khoa sẽ sớm thất vọng, bởi mặc dù điểm xuyết đôi bài lục bát theo phong cách truyền thống, thì có thể nói Tặng vật từ tĩnh lặng là một tập thơ tự do đúng nghĩa.
Tôi đánh giá cao ý thức làm mới mình của Nguyễn Đăng Khoa trên hành trình sáng tạo. Anh hoàn toàn có thể ngủ quên trong những thành tựu cũ, bằng cách tiếp tục xuất bản thêm một tập thơ lục bát nữa, song nếu vậy, Nguyễn Đăng Khoa sẽ chỉ biết đi vòng tròn trong hành trình sáng tạo thi ca. Nói như vậy để thấy, với tập thơ mới mẻ Tặng vật từ tĩnh lặng, Nguyễn Đăng Khoa đã chấp nhận thể nghiệm, chấp nhận thử sai với một thể thơ mới mẻ, song hiện đại hơn nhiều so với thơ lục bát: thể thơ tự do. Tôi vẫn cho rằng, đó là một dấn thân đúng đắn và xứng đáng, dù có thể anh không đạt ngay những thành công hay tiếng vang mà thể thơ cũ (lục bát) đã đạt được. Bởi dẫu có nỗ lực cách tân ra sao, thì lục bát vẫn quá quen thuộc, dù dễ đi vào lòng người, dễ dàng tiếp nhận bởi sự quen thuộc, nhưng lục bát bị đóng đinh trong một khuôn khổ câu 6 và câu 8 không thể nào phá bỏ.
Thơ tự do thì gian nan hơn trong sáng tạo, buộc Nguyễn Đăng Khoa phải mạnh dạn vất bỏ tuyệt chiêu vần vè quen thuộc, anh không còn nhạc tính để nương vào trong sáng tạo thi ca như ngày trước. Thơ tự do buộc người làm thơ lý tính hơn, thi sĩ phải thực sự nhấn mạnh vào tính triết lý, tứ thơ và tư tưởng. Thơ tự do cũng rõ ràng khó đọc, khó thuộc, khó nhớ hơn rất nhiều nếu như so với thơ lục bát. Song dẫu thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn đánh giá Nguyễn Đăng Khoa đã có một lựa chọn đúng đắn khi dấn thân vào thể thơ tự do trong thi phẩm Tặng vật từ tĩnh lặng. Bởi tôi tin rằng, Nguyễn Đăng Khoa là nhà thơ có tư tưởng, có khả năng tìm ra chiều sâu triết lý từ những tồn tại nhỏ nhặt nhất trong đời sống thường nhật của những cá nhân bé mọn. Hành trình tất yếu trong con đường sáng tạo của mỗi thi sĩ tôi tin rằng luôn là hành trình từ chỗ tập gieo vần cho đến chỗ phá bỏ và bất chấp vần điệu. Từ kinh nghiệm sáng tạo cá nhân, đó có thể xem là quá trình từ chỗ triết lý trong vần điệu đi đến chỗ triết lý ngoài vần điệu. Ở những bài thơ tự do, thậm chí nhiều chỗ là thơ văn xuôi không có vần điệu, thi phẩm Tặng vật từ tĩnh lặng của Nguyễn Đăng Khoa vẫn trình hiện cho chúng ta những câu thơ hay, những so sánh, liên tưởng, ẩn dụ bất ngờ, những triết lý bề sâu đáng trăn trở và chú ý:
“Anh có thời gian thêu lên tóc mỗi ngày
Anh có những chấn thương làm con tin
Một mùi hương cam đoan quay trở lại
Anh có nắng tương lai treo lên mây
Anh giữ chìa khóa của một ngày quên lãng”
(Gia sản)
“Giá mà tiệm bánh xưa còn mở cơ thể
Để anh được nếm ngọt ngào của chúng ta
Một lần nữa
Giá mà bàn tay anh chưa từng vuốt giọt nước mắt em
Lạnh như là tương lai
Giá mà hoàng hôn ngày ấy
Chưa từng vỡ tan một lần nào”
(Ngày ấy là một cơn mưa)
Có thể là cảm nhận chủ quan (dẫu mọi cảm nhận thi ca đều mang tính chủ quan), song tôi vẫn cho rằng, thơ Nguyễn Đăng Khoa trong Tặng vật từ tĩnh lặng chín chắn hơn, tính triết lý sâu, bởi nỗi đau được chưng cất cẩn thận hơn như một mẻ rượu ngon qua thời gian ủ chượp. Anh không còn sự tuôn trào xối chảy của cảm xúc như trong thơ lục bát, mà đã có một sự gián cách về thời gian khiến nỗi đau êm dịu đi, song cũng là vì thế, mà trở nên khắc khoải, bất khả giải:
“Rất nhiều lần trong thế kỷ này
Người ta đã bắt nhốt những mùi thơ của ký ức
Người ta đã sa thải những tàn tro của nụ cười thuần khiết
Người ta đã chào bán những quán cà phê
Những quán cà phê hung ác từ kỷ niệm”
(Mênh mông)
Nếu như trong tập thơ đầu tay Nguyễn Đăng Khoa gần như chỉ quanh quẩn trong phạm vi của nỗi đau (hoặc hạnh phúc, kỷ niệm) về tình yêu, thì bạn đọc có thể thấy rõ ràng trong thi phẩm mới xuất bản Tặng vật từ tĩnh lặng, tác giả đã mở rộng trường quan tâm, phản ánh ra những vấn đề của xã hội, của thời sự thế giới. Dưới góc nhìn đời tư thế sự, thơ Nguyễn Đăng Khoa dần gắn bó với những vấn đề quan thiết của con người đương đại, hơn là những nỗi buồn và kỷ niệm tình yêu cá nhân. Những suy tư về hiện tồn, về bản thể, về thời gian, về ký ức… có thể nói đã nâng tầm thơ Nguyễn Đăng Khoa lên một trình độ mới.
“Ngày xưa ở nhà ngày mai
Mặt trăng ở với một, hai mặt trời
Gần gũi ở ghép xa xôi
Tôi ở lại chỗ không tôi làm gì
Một nỗi buồn bé tí ti
Không còn hộ khẩu đang đi giữa trời”
(Tạm trú)
“Cuối năm người về không người đón
Sân ga con tàu đi, vẫn đi
Có khi vô cảm là hạnh phúc
Như một người không hiểu chia ly”
(Tiêu khúc cho ngày cuối năm)
Nỗi buồn tình yêu cá nhân/đôi lứa vẫn bàng bạc trong mọi tác phẩm thi ca của thi sĩ Đăng Khoa, song nó không còn là trung tâm của mọi cội nguồn sáng tạo ở tập thơ Tặng vật từ tĩnh lặng. Nguyễn Đăng Khoa cho thấy, viết là một sự trưởng thành, nhằm vượt qua chính mình lẫn vượt thoát vết thương tình ái. Thi ca trong tình huống này, là một sự chữa lành hiệu nghiệm. Nhưng khốn thay, từ chỗ đau tình, thi sĩ đa mang lại chuyển qua những nỗi đau đời, đau thế sự: “Muốn thử xuống trần gian chơi - Coi triệu vở kịch không lời không vui - Muốn coi tuồng cải lương mùi - Theo câu vọng cổ ngùi ngùi bay lên” (Một chuyến xe mưa); “Anh dắt ước mơ - Đi mua bảo hiểm - Anh bán thanh lý - Kiếm và súng trường - Anh xây thành quách - Cho mội mùi hương - Hủy hẹn cơn stress - Hủy hẹn mùa đông - Order kẻ ác - Một suất lòng lành” (Ngày nghỉ). Chỉ với hai ví dụ trên, có lẽ bạn đọc cũng phần nào nhận ra những vấn đề đương đại rất thời sự hiện nay. Nguyễn Đăng Khoa luôn phát huy được năng lực liên hệ, liên tưởng bất tương xứng đầy bất ngờ giữa những trạng huống tinh thần, cung bậc cảm xúc cá nhân với hệ thống hình tượng thiên nhiên, chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế, tôn giáo… Chính điều này làm nên phong cách và giá trị nghệ thuật của thơ Nguyễn Đăng Khoa. Có thể nói, năng lực liên tưởng, liên hệ ấy chính là “con mắt thơ” của thi sĩ Nguyễn Đăng Khoa. Anh không cao đàm khoát luận trong thơ, cũng không hướng sáng tạo thơ ca của mình theo những lối vô tăm tích, kén người đọc. Xin đơn cử một số ví dụ tiêu biểu trong thi phẩm Tặng vật từ tĩnh lặng có lối tư duy đặc thù/ biệt này:
“Đóng gói những giọt mưa
Thành container lớn
Gửi đi đâu cũng được
Để địa cầu thôi khóc”
(Không có em ở đó)
“Mãi mà không ai đến chuộc
Mùa thu đăng báo bán mối tình xưa
Giá giảm một nửa, lá hết tiền mua
Tội nghiệp mối tình đang bị mùa thu giam giữ
Tôi đi rút sổ tiết kiệm
Tiền lãi là mưa rơi”
(Tôi nằm mơ trong một mùa thu)
Chuyện đưa hình tượng mùa thu hay mưa gió vào trong thơ tình yêu không mới, thậm chí là rất cũ kỹ. Từ thời phong trào Thơ mới, hay thậm chí từ thời thơ Đường, đây đã là hệ thống hình tượng (thiên nhiên) mang tính cổ điển biểu đạt tâm trạng con người, đặc biệt phản ánh nỗi buồn trong tình yêu. Song gắn đóng gói mưa vào những container lớn thì chỉ có thể nghĩ ra trong một thế giới hậu hiện đại, nơi toàn cầu hóa và ngành Logistics phát triển vượt bậc. Mùa thu cũng quá ư cũ kỹ trong thơ, song gắn mùa thu với hệ thống ngôn ngữ/hình tượng mang đậm chất kinh tế, hình sự, trinh thám và tội phạm như: chuộc, giam giữ, sổ tiết kiệm, bán, tiền lãi… thì lại tỏ ra rất mới mẻ, rất nhiều âm hưởng đương đại. Sự thú vị và mới mẻ của thơ Nguyễn Đăng Khoa có thể nói được kiến tạo nên từ những cặp đối lập thú vị, đầy bất ngờ giữa cũ và mới, cổ điển và hiện đại, cảm xúc cá nhân với trạng huống xã hội… Thơ Nguyễn Đăng Khoa chính vì thế, luôn lạ mà quen, cũ mà mới, cảm xúc mà triết lý: “Mối tình đẹp giống hoàng hôn - Chiều chiều ánh sáng đi chôn mối tình” (Triết về tình xưa).
Tuy có nhiều nét nổi bật đáng ghi nhận, song thú thực rằng tôi vẫn trông chờ ở Nguyễn Đăng Khoa nhiều hơn trong thi phẩm mới Tặng vật từ tĩnh lặng. Bên cạnh những bài thơ tự do mới mẻ, có tính đời tư thế sự, có thể thấy anh vẫn còn vương vấn, ám ảnh với hệ thống hào quang cũ - thơ lục bát tình yêu. Sự đổi mới thi ca đối với Nguyễn Đăng Khoa do đó, chưa triệt để và dứt khoát. Một số bài thơ vẫn nặng về cảm xúc mà yếu đi về mặt tư tưởng và triết lý. Song dẫu sao, thơ ca là một hành trình sống trải, nên tôi vẫn tin anh sẽ có những bước tiến mới trong những thi phẩm mới trong tương lai.
Y.T
(TCSH433/03-2025)
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Trên Tạp chí Sông Hương số 379 (9/2020) và Báo Thừa Thiên Huế, tôi đã có giới thiệu lại cuốn “Truyện Kiều, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, lưu trữ tại thư viện Anh quốc” do Nguyễn Khắc Bảo công bố (Nxb. Lao động ấn hành, 2017).
NGUYỄN THANH TÂM
Trương Đăng Dung làm thơ từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Thầm lặng, con người thi ca ấy ẩn khuất sau dáng vẻ của một nhà lý luận, để hơn 30 năm sau, cựa mình trỗi dậy.
HOÀNG THỊ THU THỦY
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (04/10/1920 - 04/10/2020)
LÊ TUẤN LỘC
MAI VĂN HOAN
Trải qua hàng nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, họ tìm mọi cách đồng hóa dân tộc ta nhưng bất thành. Chúng ta có chịu ảnh hưởng về tư tưởng, về giáo dục, về văn hóa, nghệ thuật… của họ nhưng dứt khoát không bị đồng hóa.
LƯỜNG TÚ TUẤN
“Thì đem vàng đá mà liều với thân” - Nguyễn Du
Kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765 - 2020), 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du (16/9/1820 - 16/9/2020)
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
ĐỖ LAI THÚY
Trong mọi địa hạt, sự đắc thắng của cuộc sống là sáng tạo
H. Bergson
BỬU Ý
Nguyễn Đức Sơn sinh 18/11/1937 tại làng Dư Khánh (Thanh Hải) gần bên bờ biển Ninh Chữ tỉnh Ninh Thuận.
LÊ THÀNH NGHỊ
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX, khi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt trên cả hai miền đất nước. Quảng Bình, quê hương của Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những vùng đất bom đạn tàn khốc nhất.
NGUYỄN HỮU QUÝ
Biển. Những con sóng. Những con sóng làm nên biển cả mênh mang. Hay diễn đạt cách khác, biển bắt đầu từ sóng.
LÝ HOÀI THU
Lưu Quang Vũ mở đầu sự nghiệp cầm bút bằng thơ. Đó là phần Hương cây trong tập Hương cây - Bếp lửa in chung với Bằng Việt.
THÁI HẠO
Tặng Mẹ và Em!
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng - Tuệ Sỹ
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nguyễn Thị Lê Na không thuộc lớp “cây bút trẻ” (chị sinh đúng vào năm đất nước thống nhất - 1975), lại phải gánh nhiệm vụ quản lý một tạp chí văn nghệ, nên sau “Bến Mê”, đến nay chị mới xuất bản “Đắng ngọt đàn bà”(*) (ĐNĐB).
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Một ngày giáp Tết Canh Tý, Từ Hoài Tấn* mời bạn bè đến quán cà phê nhìn sang Vương Cung Thánh Đường dự ra mắt tập thơ tuyển của ông (Thơ Từ Hoài Tấn, Nxb. Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2020).
NGỌC BÍCH
(Đọc "Thơ Ngô Kha"*)
Bây giờ là năm 1992. Anh hy sinh đã gần 20 năm. Tập thơ của anh đã xuất bản được một năm nhờ những bạn bè thân quen và những người yêu mến thơ anh. Tôi là người đến muộn. Nhưng như người ta vẫn nói "dẫu muộn còn hơn không". Nhất là ở đây lại đến với MỘT CON NGƯỜI.
PHẠM XUÂN DŨNG
(Nhân đọc tập tản văn Ngoại ô thương nhớ của Phi Tân, Nxb. Trẻ, 2020)
HỒ THẾ HÀ
Lê Văn Ngăn, sinh ngày 15 tháng 01 năm 1944, tại Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Học, trưởng thành và tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Huế (1965 - 1975). Là phóng viên Đài Phát thanh Huế (1975 - 1978).
PHẠM TRƯỜNG THI
Trong số các nhà thơ thời tiền chiến người quê gốc Nam Định, có ba nhà thơ mặc dù khác nhau là không được sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng một miền đất nhưng họ lại rất giống nhau là đều khóc tiếng khóc chào đời nơi vùng đồng chiêm trũng, nghĩa là nơi được xem là những cái rốn nước của tỉnh Nam Định.
HỒ HUY SƠN
Năm 2019, văn đàn Việt chứng kiến một cuộc chuyển giao trong đời sống văn học trẻ nước nhà. Thế hệ 8X vẫn cần mẫn viết nhưng có xu hướng trở nên lặng lẽ hơn; trong khi đó, thế hệ 9X lại đang có một sức bật không kém phần táo bạo, bất ngờ. Bài viết dưới đây nằm trong sự quan sát mang tính cá nhân, với mong muốn đưa đến người đọc những nét nổi bật trong năm qua của văn chương trẻ.