KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MẤT NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH (1966 - 2016)
MAI VĂN HOAN
Nhà thơ Nguyễn Bính (1918 - 1966) tên thật là Nguyễn Bính Thuyết, quê Thiện Vịnh (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Mẹ ông mất khi “chưa kịp bạc đầu”. Thuở nhỏ, ông không học ở trường mà chỉ học với cha và cậu. 10 tuổi, ông được người anh trai là nhà thơ Trúc Đường sinh sống ở thị xã Hà Đông kèm cặp. 17 tuổi, ông ra mắt tập thơ đầu tay Tâm hồn tôi, đoạt giải thưởng của Tự lực Văn đoàn và bắt đầu nổi tiếng từ đó. Nguyễn Bính là tác giả của hàng trăm thi phẩm được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích. Theo Tô Hoài thì ông là một “tài thơ bẩm sinh”.
Cũng như nhà văn Nguyễn Tuân, thời trai trẻ Nguyễn Bính rất thích xê dịch. Ông từng “lăn lóc có dư mười mấy tỉnh”. Hầu như nơi nào từng đặt chân đến ông đều có thơ để lại. Năm 1940, Nguyễn Bính cùng Tô Hoài và Vũ Trọng Can rủ nhau đi vào Huế theo lời mời của một mạnh thường quân. Tô Hoài chỉ lưu lại Huế trong thời gian ngắn còn Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can thì “bám trụ” ở Cố đô gần nửa năm trời để dàn dựng và công diễn vở kịch thơ Bóng giai nhân (với sự cộng tác đắc lực của thi sĩ Yến Lan). Vị mạnh thường quân tạo điều kiện cho ba thi sĩ công diễn Bóng giai nhân trên một vài sân khấu ở Huế. Tiếc là khán giả ngày một thưa vắng. Ba thi sĩ lâm vào tình cảnh “nợ nần như Chúa Chổm” đành phải ngậm ngùi chia tay với Huế. Yến Lan vào lại Bình Định còn Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can thì trở ra Hà Nội. Nhưng chính nhờ gần nửa năm “nằm mốc” ở Cố đô mà Nguyễn Bính có được một chùm thơ viết về Huế, bài nào cũng đặc sắc, trong đó phải kể đến Xóm Ngự Viên, Giời mưa ở Huế và Một con sông lạnh.
Theo hồi ký của nhà văn Tô Hoài: Lúc mới vào Huế, vị mạnh thường quân sắp xếp cho ba người ở ngôi nhà trọ ngay xóm Ngự Viên (trên trục đường Ngự Viên, thuộc phường Phú Cát bây giờ). Qua sách vở, Nguyễn Bính được biết xóm Ngự Viên trước đây vốn là vườn Thượng Uyển: “Cung tần mỹ nữ ngời son phấn/ Theo gót nhà vua nở gót sen/ Hương đưa bát ngát ngoài trăm dặm/ Cung nữ đa tình vua thiếu niên”. Tác giả đối sánh quá khứ và hiện tại qua nghệ thuật sắp đặt. Quá khứ hết sức tao nhã. Nào là: “ngời son phấn”, “nở gót sen”, “hương đưa bát ngát”… Còn hiện tại thì hết sức tàn tạ với “giậu đổ, dây leo”, “xóm vắng, rêu xanh”, hoa tàn, lá rụng… Cái cảnh “gieo cầu” của các nàng tôn nữ thời xưa ở vườn Thượng Uyển được Nguyễn Bính tái hiện lại rất nên thơ: “Gót sen bước nhẹ lầu tôn nữ/ Ngựa bạch buông chùng áo trạng nguyên/ Đường hoa, má phấn tranh nhau ngó/ Nhạc ngựa vang lừng khắp bốn bên…”. Cảnh tượng thật lãng mạn: “Lòng Trạng lâng lâng màu phú quí/ Quả cầu nho nhỏ bói lương duyên/ Tay ai ấy nhỉ gieo cầu đấy/ Nghiêng cả mùa xuân, Trạng ngước nhìn…”. Thơ Nguyễn Bính vốn bình dị, dân dã nhưng khi cần cũng hết sức quý phái, cao sang. Cái “màu phú quý” và “nghiêng cả mùa xuân” là cách nói khá độc đáo của thi sĩ. Đối lập với quá khứ phồn hoa là một hiện tại hổ lốn, nhếch nhác: “Nhà cửa xúm nhau thành một xóm/ Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men/ Mụ vợ bắc nam người tứ xứ/ Anh chồng tay trắng lẫn tay đen”. Đạo đức suy thoái một cách trầm trọng: Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa. Những nàng tôn nữ đài các ngày xưa bây giờ ngồi cặm cụi đan từng chiếc áo. Văn hóa cung đình đã trở nên bát nháo; “khúc Hậu đình hoa” sang trọng như thế giờ đem “hát tự nhiên”. Tiếng “nhạc ngựa vang lừng” không còn nữa, chỉ còn lại “nhọc nhằn tiếng cú trong thanh vắng”. Nghe và thấu hiểu được tiếng cú “nhọc nhằn” thì quả là chỉ có tài thơ như Nguyễn Bính. Bằng trí tưởng tượng vô cùng phong phú, thi sĩ đã làm sống lại những nét văn hóa cung đình tôn nghiêm, trang nhã của đất Cố đô vốn đã bị mai một theo thời cuộc và thời gian. Ở bài thơ Xóm Ngự Viên, có tiếc nuối nhưng không hẳn là hoài cổ mà chủ yếu là “nỗi đau đớn lòng” trước cảnh “bãi bể nương dâu”. Bởi vậy, chúng ta hiểu vì sao tác giả đang ở ngay xóm Ngự Viên mà lại “nhớ Ngự Viên”! Ngự Viên chỉ là cái cớ để tác giả bày tỏ nỗi “đau đớn lòng” của mình trước tình cảnh đất nước. Đây là trường hợp hiếm hoi trong phong cách thơ Nguyễn Bính: chất trữ - tình - thế - sự lấn át chất trữ - tình - riêng - tư. Xóm Ngự Viên cũng là một trong những bài thơ hiếm hoi được viết theo lối độc vận và cái tôi được ẩn vào nhân vật “du khách”. Mặc dù vậy, người đọc vẫn dễ dàng nhận ra vị du khách mang “nỗi buồn sông núi” đó không ai khác mà chính là thi sĩ Nguyễn Bính.
Cũng viết theo lối độc vận nhưng so với Xóm Ngự Viên thì bài Giời mưa ở Huế ra đời muộn hơn. Đó là thời điểm tác giả rời xa Hà Nội “bốn tháng hình như kém mấy ngày”. Nếu Xóm Ngự Viên Nguyễn Bính ẩn mình qua nhân vật du khách thì Giời mưa ở Huế tác giả không chỉ bộc lộ tâm trạng của mình mà còn nói hộ nỗi lòng cho cả người bạn đang “nằm mốc” ở Huế cùng với mình. Huế nổi tiếng với núi Ngự, sông Hương, với những đền đài, lăng tẩm. Huế còn nổi tiếng về mưa. Cả nước ai cũng biết mưa Huế. Người Huế quá thấm thía cái mùa mưa của xứ sở mình. Nguyễn Bính sống ở Huế vào đúng mấy tháng mùa mưa. Điệp khúc “Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày” láy đi láy lại đã phần nào diễn tả được những cơn mưa triền miên, dai dẳng, lê thê của Huế. Điệp khúc ấy tạo nên âm hưởng thật đặc biệt. Cảm giác tụ đọng, quanh quẩn, ẩm ướt, chán ngán cũng bắt đầu từ điệp khúc ấy. Trên cái nền mưa triền miên, dai dẳng, lê thê rả rích... là tâm trạng tha hương của thi sĩ. Còn nhớ, lúc tôi đang trú trên căn phòng “như tổ chim treo” ở trường Đồng Khánh, khi hơi men đã ngấm, tôi rưng rưng đọc Giời mưa ở Huế, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Hải Kỳ cùng đọc theo như một dàn đồng ca. Rồi những chiều Bến Ngự sầu nghiêng mái quán mưa tong tả, đã biết bao lần chúng tôi: “Tỉ tê gợi tới niềm tâm sự/ Cúi mặt soi gương chén rượu đầy/ Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ/ Đôi lòng hòa một vị chua cay…”. Những câu thơ như thế chỉ cần đọc lên là đã nổi da gà. Nó ngấm vào lòng, vào tim, vào gan như những li rượu mạnh. Thi sĩ “Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh/ Để rồi nằm mốc ở nơi đây...”. Chỉ xét về phương diện sử dụng từ ngữ thì Nguyễn Bính cũng rất xứng đáng bậc thầy. Phải là người “đi khắp thiên hạ mòn gót giày, gãy bánh xe”; phải “giang hồ quen thói vẫy vùng” như Nguyễn Bính mới cảm thấy như mình đang bị mốc meo trong sự bủa vây dai dẳng của mưa Huế. Nguyễn Bính khi buồn chán thường giải khuây bằng thuốc lào. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương kể lại chuyến lên Bắc Giang gặp Bàng Bá Lân: “Chủ mời khách cùng ra đường đi dạo một lát cho tiêu cơm, đến cầu sông Thương sẽ quay về ngủ còn sớm chán. Chàng Tô (Tô Hoài) thì mãn ý quá, nhà văn thư sinh này chỉ phiêu lưu theo kiểu Dế Mèn. Còn Nguyễn Bính thì hận lắm. Đi khắp thiên hạ để tìm tri kỷ mà tri kỷ lại bảo dạo phố rồi về ngủ sớm hỏi có ức không? Thế rồi lỉnh kỉnh suốt đêm ấy, Bính cứ ngồi hút thuốc lào hoài”. Giờ đây, “nằm mốc” ở Huế trong sự bủa vây của những cơn mưa triền miên thi sĩ lại tìm đến với điếu cày: Thuốc lào hút mãi người ra khói! Hút thuốc lào đến mức “người ra khói”, tôi chưa từng nghe ai nói như thế cả! Thế mà Trường Tiền vẫn “vắng ngắt người qua lại”, Đập Đá vẫn “mênh mang bến nước đầy...”. Một chút tơ vương với cô hàng xóm cũng không thể làm cho thi sĩ khuây khỏa nỗi niềm chán ngán của mình: “Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ!/ Đành phụ nhau thôi kẻo đến ngày/ Khăn gói gió đưa sang xứ lạ/ Ai cười cho được lúc chia tay?” Quá khứ nặng nề, u ám hiện ra trước mắt thi sĩ: gia đình ly tán, anh em phiêu dạt, người cũ thì “vung vãi ân tình khắp đó đây”. Thi sĩ cay đắng nhìn lại quãng đời vừa qua của mình và chua chát rút ra kết luận “sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây!” Hiếm có bài thơ nào của Nguyễn Bính giúp chúng ta hiểu về tính cách, cảnh ngộ, thân phận... của nhà thơ như Giời mưa ở Huế. Mưa Huế đã gợi lên bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm trạng. Giời mưa ở Huế là lời tự thú hết sức thành thực của thi sĩ. Nguyễn Bính chinh phục và tìm được sự đồng cảm rộng rãi đối với độc giả các thế hệ không chỉ bằng cái biệt tài trời phú mà còn ở sự chân thành rất mực của mình.
Cũng làm theo thể thất ngôn trường thiên nhưng ở bài thơ Một con sông lạnh Nguyễn Bính không viết theo lối độc vận như hai bài thơ trên. Đây là bài thơ ông sáng tác trước khi chia tay với Huế: Khoan đàn em hãy gắng say/ Một đêm, còn một đêm nay thôi mà... Một cuộc hội ngộ, giao lưu giữa tài tử với giai nhân. Cảnh và tình hòa quyện vào nhau chẳng khác gì Bạch Cự Dị nghe đàn tỳ bà trên bến Tầm Dương. Nhưng Bạch Cư Dị thì tỉnh để chia sẻ, để cảm thông, để đồng cảm với người phụ nữ gảy đàn, còn Nguyễn Bính thì say với tiếng đàn, với giọng ca của nàng kỹ nữ. Thi sĩ nhìn ánh nến thấy “ánh nến hoen vàng”, thi sĩ nghe tiếng đàn mà ngỡ như đang nghe tiếng vó ngựa dồn dập của quân Phiên, thi sĩ lẫn lộn giữa người thực và người trong tưởng tượng: “Ồ nàng không phải là em!” Rồi “Đừng em, quên đấy thôi nàng... Thi sĩ đắm mình trong cái trạng thái “chập chờn cơn tỉnh, cơn mê” nửa hư, nửa thực. Cho đến khi: “Đêm tàn chẳng có chiêm bao/ Đêm tàn có mấy chòm sao cũng tàn/ Chén sầu đổ ướt tràng giang/ Canh gà bên ấy giăng sang bên này”, thi sĩ ao ước: “Lạy giời đừng sáng đêm nay/ Thuyền không cập bến tôi say suốt đời”. Tác giả bỏ lửng với câu kết: “Chiêu Quân lên ngựa mất rồi!” gợi bao nỗi bâng khuâng, luyến tiếc. Bài thơ đã kết thúc nhưng chàng thi sĩ của chúng ta thì dường như vẫn chưa hề tỉnh. Vẻ đẹp Huế, con người Huế làm thi sĩ không muốn rời xa.
Nguyễn Bính đã thành người thiên cổ cách đây đúng 50 năm nhưng những vần thơ của ông viết tại Huế như vẫn còn văng vẳng đâu đây. Mỗi lần đọc lại Xóm Ngự Viên, Giời mưa ở Huế, Một con sông lạnh, tôi cứ hình dung Nguyễn Bính đang đứng trầm tư, suy ngẫm trên đường Ngự Viên, đang cùng bạn chạm cốc bên Bến Ngự và đang nâng ly rượu mời người đẹp trong con thuyền trôi lơ lửng trên dòng Hương… Xứ Huế đã gợi cho thi sĩ bao nhiêu thi tứ. Đi sâu tìm hiểu chùm thơ Nguyễn Bính viết tại Huế chúng ta không chỉ hiểu thêm tài năng thi ca, thân phận, nỗi niềm… mà còn hiểu đầy đủ hơn tình cảm sâu nặng của ông đối với đất nước, đối với xứ Huế mộng mơ.
Huế, tháng 6/2016
M.V.H
(TCSH330/08-2016)
LÝ HẠNHAi trong đời chẳng đã một lần làm thơ. Dù làm thơ để giải trí hay sẻ chia thì những trang thơ ấy cũng là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn.
LTS: Có một chuyện ít người biết là các nhà văn Tô Hoài, Xuân Diệu, Huy Cận không nhớ ngày sinh của mình. Xuân Diệu, con nhà Nho, thì biết mình sinh giờ Thìn, ngày Thìn, tháng Thìn, năm Thìn, nhưng không biết dương lịch ngày nào. Nhà văn Tô Hoài cũng vậy, nhưng nhớ Bà Cụ cho biết sinh ông đêm rằm Trung Thu. Sau này, sang Nga, bạn người Nga hỏi, mới tra ra ngày Tây là 27-9-1920. Do đó trên các tư liệu, thường thấy ghi ngày sinh: 07-9-1920, và nhà văn cũng không buồn đính chính. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, Sông Hương nhận được bài viết của nhà văn Đặng Tiến cùng thông tin về ngày sinh Tô Hoài nói trên. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
HOÀNG DŨNGKhông phải ngẫu nhiên khi ta nói vũ trụ, thế giới thì vũ, giới là không gian, mà trụ, thế là thời gian. Ngay trong những khái niệm tưởng chỉ là không gian, cũng đã có thời gian quấn quýt ở đấy.
LTS: Trong các ngày 7-9/9/2010 sắp đến, Ủy ban Văn hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Huế sẽ tổ chức Hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Léopold Cadière (1869-1955), Nhà nghiên cứu về Huế và Việt Nam học, chủ bút của tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H), một trong số các tờ báo hay nhất ở Đông Dương thuở trước. Hội thảo sẽ có một số nội dung liên quan đến văn hóa Huế như Văn hóa Huế, Mỹ thuật Huế, Cổ vật Huế dưới con mắt của L. Cadière... Nhân dịp này, Tạp chí Sông Hương đăng bài viết của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, chuyển tải vài nét về hoạt động văn hóa của Léopold Cadière. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.S.H
NGUYỄN THỊ HÒA Không cần phải bàn cãi, Từ điển tiếng Huế của Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Đức là một tác phẩm Từ điển. Một quyển từ điển về phương ngữ địa phương Huế mà dày dặn, công phu, với 2050 trang, thể hiện công sức nghiên cứu miệt mài của một vị bác sĩ - nghiệp dư với nghề ngôn ngữ, nhưng đầy nhiệt tình và khá chuyên nghiệp trong nghiên cứu.
Sinh ngày 6-2-41 tại Huế. Hy sinh ngày 11-10-68 tại vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, nguyên quán làng Bát Tràng tỉnh Bắc Ninh. Học sinh cũ Trường Quốc Học, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ban Việt văn. Tên thật và bút hiệu công khai, chính thức: Trần Quang Long. Các bút hiệu khác: Thảo Nguyên, Chánh Sử, Trần Hoàng Phong.
TRẦN HỮU LỤCỞ tuổi 20, hành trình sáng tác của Nhóm Việt gắn liền với những biến cố lịch sử ở miền Nam (1965-1975). Những cây bút trẻ của Nhóm Việt đã bày tỏ một thái độ dấn thân ngày càng sâu sắc, vừa trên bình diện ý thức công dân, vừa trên bình diện ý thức nghệ sĩ.
PHONG LÊ(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Tuân 10-7-1910 – 28-7-1987)
NGUYÊN QUÂN Phía đằng sau những con chữ bình dị như một chốn quê nhà chưa bị ô nhiễm cơn đau phố bụi, một ngôi làng yên bình vẫn luôn hằng hiện trong mỗi hơi thở, mỗi bước gian truân của tác giả là sự chân thật đến nao lòng.
LÝ HOÀI THU Những câu thơ đầu tay của Hữu Thỉnh cất lên từ những cánh rừng Trường Sơn được anh gọi là “Tiếng hát trong rừng”. Anh viết về đồng đội, về cơn sốt rét rừng, về những trận bom và vết hằn xe xích, về mây, suối, dốc, thác Trường Sơn.
THÁI DOÃN HIỂU…Khi sự vong ân bội nghĩa của người đời đang diễn ra ở khắp đó đây thì Hoàng Trần Cương là người sống bằng ân sâu nghĩa cả. Với anh, ân nghĩa là một gánh nặng phải gánh. Anh nói về ân nghĩa như là một thứ trí nhớ của lương tri, một món nợ không bao giờ trả xong…
VŨ DUY THÔNG (Thơ - Nghiêm Huyền Vũ, Nxb Trẻ 2000)Khác với bên ngoài, Nghiêm Huyền Vũ trong thơ là người trầm tư, cái trầm tư nhuốm vị triết học.Vây bọc quanh anh là không gian, thứ không gian cô liêu.
TRẦN QUỐC THỰCÍt người chịu đi tìm tiếng nói riêng khi đọc một tập thơ, một chặng thơ của một người. Qua từng chặng thơ, tiếng nói riêng ấy sẽ trở thành một cách thơ riêng biệt. Và đó là điều đáng mừng cho đội ngũ sáng tác.
NGUYỄN THANH TÚ (Phác thảo chân dung nhà văn Nguyễn Bảo)
LGT: Cuốn tiển thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê vừa xuất bản được xem là tác phẩm thành công nhất của ông, cũng là cuốn tiểu thuyết viết kỹ lưỡng nhất, lâu nhất. Cuốn tiểu thuyết này hiện nay nằm trong danh sách những cuốn vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Sông Hương xin giới thiệu những ý kiến nhận định rất chân thành của Giáo sư Trần Đình Sử, nhà văn Ma Văn Kháng và nhà nghiên cứu phê bình Từ Sơn.
FAN ANHCon người khác con vật không chỉ ở đặc điểm con người có một bản ngã, một cái tôi luôn biến động, mấu chốt nằm ở chỗ, con người có thể có nhiều bản ngã khác nhau, tồn tại một cách âm thầm trong những thế giới mà nhiều khi ngay bản thân mỗi cá nhân chúng ta cũng không thể am tường hết.
VĂN CẦM HẢI(Nhân đọc “Giọng nói mơ hồ” - Nguyễn Hữu Hồng Minh. Nxb trẻ 1999)
ĐỖ NGỌC YÊNHồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử có thật. Hơn nữa ông đã từng làm đến chức quan Thái sư dưới thời nhà Trần khoảng từ năm 1370 - 1400, và lập nên nhà Hồ từ năm 1400 - 1407.
Phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Việt - chuyên viên Hiệp hội CLB UNESCO Việt Nam – nhân cuộc triển lãm thư pháp thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế 8-2000
LÊ HUY QUANGVào ngày 19/5/2010 này, cả nước ta sẽ tưng bừng Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới, nhà thơ Hồ Chí Minh, một người Việt Nam đẹp nhất.