LÊ HÙNG VỌNG
Tặng D.
Minh họa: Bửu Chỉ
I. Tại sao chàng sinh viên bị chém?
Năm 21 tuổi, khi cuộc sống bình thường của tôi đang trôi êm ả như một cỗ xe ngon trớn trên con đường bằng phẳng không có ổ gà, bất chợt, một biến cố xảy đến làm thay đổi cả. Việc ấy đối với tôi quả là ghê gớm, nó làm xoay chuyển cả dòng chảy của cuộc đời, nên tôi gọi nó là biến cố. Cha mẹ tôi ít học, không dùng được từ ấy, bèn gọi nó là tai nạn. Theo ông bố tôi thì tôi bị tai nạn là phải thôi, vì năm ấy tôi bị "hạn" rất nặng, gặp phải sao La hầu chiếu mệnh. Cũng theo lời cha tôi nói về sau này, cho dẫu năng lực trí tuệ có phần nhỉnh hơn những công dân bình thường khác chút đỉnh, đường công danh của tôi, xét theo ngạch trật và bằng cấp, chiếu theo lá số tử vi mà cha tôi đã âm thầm xin được ở một vị thầy tướng số lừng danh, chẳng hề suôn sẻ. Có nghĩa là con đường học vấn của tôi thế nào rồi cũng trắc trở. Lá số tử vi ấy, mãi đến năm 1976, tức là khi tôi đang học năm cuối cùng ở trường đại học, mới thấy ứng nghiệm. Nhưng nếu chỉ xét riêng mấy năm ở đại học, tôi cũng đã thấy cái sự học của mình nó quá chông chênh, hai năm đầu tôi là sinh viên của chế độ cũ, đến năm thứ ba tôi mới được nhà trường xã hội chủ nghĩa gia công thêm để có thể trở thành một con người mới. Thế cho nên vào những giờ học tập chính trị dạo ấy, tôi cứ luôn luôn ở trong trạng thái nhấp nhõm, cứ e rằng với cái quá trình đào tạo đầu Ngô mình Sở, giỏi lắm tôi cũng chỉ được chứng nhận là con-người-mới-một-nửa. Nỗi dằn vặt ấy đã tăng vọt một cách đột biến, trở thành một nỗi kinh hoàng khi tôi dại dột đem nó ra thổ lộ với một ông chú có tư cách cực kỳ đứng đắn vừa mới hồi hương sau hơn 20 năm xa cách. Tôi không nhớ rõ nguyên văn câu hỏi mà tôi đã đặt ra, vì lúc ấy tôi đang phấp phỏng một cảm giác vừa lo sự vừa xấu hổ. Đại khái tôi đã lễ phép hỏi ông chú đứng đắn rằng liệu sau khi hoàn tất học trình 4 năm, có thể nào tôi và những đứa bạn cùng lứa được liệt vào hàng ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa không. Ông chú nghiêm túc chẳng trả lời ngay, bao giờ ông cũng lấy sự thận trọng làm đầu, mà lừ mắt nhìn tôi suốt lượt từ đầu đến chân rồi mới hất hàm hỏi, "Học gì?". Tôi ấp úng trong cái cảm giác của một thằng ăn cắp bị bắt quả tang. "Dạ… học ngoại ngữ". Ông chú bèn gật gù, "À, à... tức là tiếng nước ngoài chứ gì?... Nó thuộc phạm trù khoa học xã hội, (đến đây ông cười khẩy)… Cái anh khoa học xã hội này là chúa rắc rối: hay cãi cọ, biện bác, đặt vấn đề lung tung…" Rồi sực nhớ ra, ông quay nhìn tôi. "Cụ thể học tiếng nước nào? môn gì"? Tôi lại e ngại đáp "Dạ… Văn chương Anh Mỹ". Lập tức ông chú đứng đắn chứng tỏ lập trường giai cấp: "Ái chà chà, các anh học thứ tiếng đế quốc ấy cơ à?... Trí thức gì loại ấy..."
Những sự kiện dồn dập như thế làm cho tôi lo sợ đến thẩn thờ. Tôi đi như người mất hồn. Cho đến một hôm sau giờ học chính trị ở giảng đường lớn trên tầng ba, lúc ra về tôi đã hụt chân ngã ngay ở cầu thang. Cú ngã làm đầu tôi đập mạnh vào bậc tam cấp trước khi lăn mấy vòng rồi mê man bất tỉnh. Mọi chuyện xảy ra chỉ có thế... Sau đó tôi đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Tôi được giải tỏa tất cả những mặc cảm tự ti về một điều gì đó rất mơ hồ, nhưng nỗi lo sợ vẩn vơ cũng không tồn tại trong đầu tôi nữa, chứng chấn thương sọ não đã quét đi tất cả... Tỉnh lại, tôi nhìn quanh và thấy mọi sự hóa ra vui nhộn một cách không phân tích được. Hình như mọi vật đều mang vẻ hoạt kê ấy, cái bàn, chiếc tủ cũng đang trợn mắt, ngoác miệng trêu đùa tôi. Tóm lại là mọi việc chung quanh tôi đều mang một dáng vẻ mặt sưng mày sỉa rất buồn cười. Và tôi cười. Vâng, thì tôi cứ cười suốt ngày như thế.
Vậy là giữa năm 21 tuổi, tôi đoạn tuyệt được với sự nghiệp sách vở, đúng y như lá số tử vi mà ông thầy tướng số lừng danh đã chọn. Cha tôi, người đàn ông với một tâm hồn sở dĩ trở thành cứng cỏi là nhờ niềm tin vô lý vào số phận, cũng phải lấy làm đau khổ khi nhìn cậu con trai một của ông lang thang trên đường phố, nhìn 100 vị khách qua đường với những gương mặt méo mó, và cười đúng 100 lần. Ông bố muốn số lần cười của tôi phải ít và đúng lúc hơn, nên đành bấm bụng gửi tôi vào bệnh viện tâm thần.
Vâng, thì đây là nơi vui nhộn nhất trên thế gian này rồi. Cả hàng mấy chục con người mặc đồng phục trắng đón chào tôi như đón chào một vị tướng quân. Họ ngoạc miệng ra cười với tôi và làm đủ trò, có người nhảy múa, có người diễn thuyết, có người móc chân lên cửa sổ chúi đầu xuống đất kéo đàn viôlông... Nhưng ở đó mọi người cùng cười với tôi và tôi thấy yên ổn hơn. Trong phạm vi bốn bức tường quét vôi trắng, tôi cũng cảm thấy tự do hơn. Tôi chẳng còn phải nghe những mệnh lệnh, cũng chẳng phải trông thấy những khuôn mặt người với những hàng lông mày trợn dọc, ậm ọe hò hét những nguyên tắc, qui luật nhằm điều chỉnh hoặc cấm cản một thứ công việc quỷ quái gì đó. Tóm lại ở đây ai ưa làm gì, xin cứ việc. Bệnh nhân A - trước đây có lẽ là bộ đội tình nguyện - cứ việc thực thi chức trách của đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng. Bệnh nhân B - tôi đoán gã này trước kia là huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ - cứ việc cởi quần dài quần đùi cột vào cổ để tiện trồng cây chuối ở giữa sân một cách thoải mái. Còn bệnh nhân thằng tôi, nguyên sinh viên khối khoa học xã hội, có quyền cười cho đến khi nào mỏi nhừ, tê cứng cả quai hàm... Thế giới ấy với tôi lúc bấy giờ như một con thuyền lớn, bến bờ ở đâu tôi chẳng rõ, chỉ có riêng mình cái cảm giác thuận buồm xuôi gió. Không hề tròng trành nghiêng ngửa giữa hai bờ hạnh phúc và khổ ải.
Thế rồi ở đó tôi biết được một con người. Thật ra trong số những khuôn mặt méo mó, xuất hiện hàng ngày giữa khoảng sân khu bệnh viện, khuôn mặt của con người ấy tôi cứ ngờ ngợ là đã gặp ở đâu. Nhưng tài thánh gì mà tôi có thể nhận ra chân dung một con người khi chính tôi còn chẳng nhận ra tôi: Nhưng tôi vẫn cứ quả quyết về điều ấy, rằng khuôn mặt ấy tôi đã từng gặp. Thôi cũng đành chấp nhận cái khoảng sân khu bệnh viện tâm thần này làm điểm gặp thứ hai vậy... Tất nhiên gã tên gì tôi không rõ. Tất nhiên khi trông thấy cái khuôn mặt méo xệch của gã với cặp mắt lừ lừ nhìn tôi - lúc ấy đang ngồi trên chiếc ghế đá dưới gốc cây - là tôi đã không thể ngăn được một tiếng cười cố hữu. Gã vẫn tiếp tục nhìn lừ lừ vào khuôn mặt với nụ cười của tôi, gã tiến sát tôi hơn. Đến khi khuôn mặt méo mó của gã chỉ còn cách cái miệng đang ngoạc ra cười của tôi một khoảng cách độ hai gang tay, thì, đột ngột gã ngừng sự tiếp cận. Đột ngột gã trợn mắt, phùng má gào vào mặt tôi, "To be or not to be?"(1) Tôi cho rằng ấy là gã chào tôi. nên tôi kính cẩn nghiêng mình chào lại, "Mea culpa!"(2). Sau phép xã giao của giai cấp quí tộc ấy, gã ngồi xuống bên tôi trên cùng chiếc ghế đá. Chúng tôi bắt đầu trao đổi, luận bàn về chuyện thế sự, văn chương và những đề tài hết sức uyên bác. Gã nói hùng hồn, tôi cũng chẳng kém phần hùng biện. Chẳng ai nhìn ai, cứ hễ gã nói xong là đến phiên tôi. Gã bắt đầu: "Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi làm sao quên được những cảm giác trong sáng ấy..."(3). Đến chỗ chấm câu, gã vừa nghỉ lấy hơi là tôi đáp lời ngay: "Thân thể người ta có 3 phần: đầu, mình và tứ chi. Đầu ở trên cao, chỉ huy mọi hoạt động của tay chân, còn gọi là thủ..." Đại khái, chúng tôi đã kết thân với nhau qua những buổi đàm đạo văn chương và những đề tài uyên bác như thế. Về sau căn cứ vào chiếc quần được buộc túm bằng dây thun ngang nửa ống chân, chiếc mũ phớt cắm hai cái lông đuôi của một con gà trống bất hạnh và thanh kiếm gỗ lúc lắc bên hông, tôi kính cẩn gọi tên gã là Hâm Liệt(4).
Trong chiếc thuyền Nôê bốn bề tường vôi trắng xóa, dập dềnh một thứ tình cảm hỗ lốn không ai hiểu được giữa hai kẻ đồng bệnh là tôi và gã Hâm-Liệt ấy. Phải nói rằng những buổi đàm đạo văn chương đã tạo ra mối liên hệ thân thiết giữa tôi và gã. Nhưng rồi đâu có hay rằng cũng chỉ tại vì chuyện văn chương, vì một câu thơ ngớ ngẩn của tôi mà gã đã nổi trận lôi đình. Và trời ơi! Gã đã chém như muốn bổ đôi tôi ra bằng thanh kiếm gỗ.
Như thường lệ, chuyện của tôi và gã bắt đầu vào buổi sáng, trên chiếc ghế đá ấy. Hôm ấy gã nai nịt thật gọn gàng và đến bên tôi nhẹ nhàng như một cánh bướm. Gã vỗ vai tôi một cách trịch thượng rồi bắt đầu ngâm ngợi:
Though nothing can bring back
The hours of Splendor in the grass, glory in the flowers
We Will Grieve not
Rather find Strength in What behind…(5)
Gã Hâm Liệt vừa dứt câu là tôi đã tiếp lời, tôi đã có ngay bản dịch của khổ thơ trên, đời nào tôi chịu thua sút gã. Tôi cũng cất giọng ngân nga đọc, à không, ngâm đàng hoàng chứ. "Vầng trán em vương trời quê hương. Mắt em dìu dịu buồn tây phương..."(6). Giọng tôi ngân nga nhè nhẹ. Gã Hâm Liệt ngả người trên ghế, lim dim đôi mắt thưởng thức tài nghệ dịch thuật thơ ca của tôi. "Tôi thấy Xứ Đoài mây trắng lắm…" tôi còn đang "hơ... hơ..." đưa giọng sau câu thứ ba này thì gã Hâm Liệt đã nhảy bật lên. Gã đứng ngay trước mặt tôi, mắt long lên sòng sọc. Một tay gã chống nạnh vào chỗ đàng chuôi kiếm, tay kia gã chỉ vào mặt tôi, giọng sang sảng, "Hả… Xứ Đoài hả? Xứ Đoài ở đâu? ở đâu nói ngay…" Tôi bị choáng trước thái độ hung dữ của gã, trước tới giờ có khi nào gã lên cơn lạ lùng như thế đâu. Tôi chưa kịp nói năng gì thì gã đã quát, "Xứ Đoài đâu? Chỉ cho ta xem... À, thằng này láo toét. Mày dám lừa ta hả? Ta cho mày chết..." Vừa dứt lời gã lôi tuột thanh kiếm ra. Đưa thanh kiếm lên bằng cả hai tay, gã nghiến răng trợn mắt rồi lấy hết sức lực bổ dọc thanh kiếm vào giữa đỉnh đầu của tôi. Thao tác xử trảm của gã cực kỳ nhanh nhẹn, tôi không kịp né tránh, chỉ nghe một tiếng "cốp" lộng óc, trước mắt tôi tóe ra ba vạn sáu ngàn ông sao... Thanh kiếm của Hâm Liệt kém xa thanh kiếm Hạp Lư, không làm tròn nhiệm vụ. Nó gãy tận chuôi, rớt nằm buồn tênh trên ghế đá. Tôi ôm lấy cục u tóe máu giữa đỉnh đầu rên rĩ. Gã Hâm Liệt sững sờ trong chốc lát rồi buông chuôi kiếm, ngồi xuống ghế đá bưng mặt khóc...
Sau đó cả hai chúng tôi vụt bừng tỉnh. Riêng tôi cảm thấy như có ai vừa dựng dậy trong mình cái ký ức mịt mù lau lách mà tôi những tưởng đã xóa mờ hết từ sau biến cố ở cầu thang trường đại học. Và trong mớ ký ức vừa mới gượng dậy, còn mờ mịt và rối rắm kia, thấp thoáng một bóng người. Tôi bị buộc phải nhìn nhận với chính tôi rằng cái khuôn mặt méo mó của gã Hâm Liệt ấy, trước đây tôi đã có ít ra là một lần gặp gỡ, ừ thì thôi, cứ xem như đây là lần thứ hai tôi gặp gã trong cuộc đời này vậy, có sao đâu, như hai đường thẳng bất kỳ có hai điểm gặp nhau trong không gian vô cùng tận. Có sao đâu, không ảnh hưởng chi đến hòa bình thế giới... Nhưng tôi hoàn toàn không rõ rồi ra giữa tôi và gã Hâm Liệt ấy, ai là kẻ mang ơn, ai là người cứu rỗi. Gã phải chịu ơn câu thơ ngớ ngẩn của tôi như chịu ơn một liều thuốc mạnh kích thích cái trung khu thần kinh đã hầu như tê liệt, để cho gã tỉnh mộng đi tìm người đẹp, hay chính tôi phải chịu ơn cú chém bổ dọc của thanh kiếm gỗ Hạp Lư vào chính giữa đỉnh đầu đã làm tôi lai tỉnh. Có lúc tôi ngỡ rằng sự hoài nghi này chẳng qua là một thứ ảo giác tạo ra từ một chứng quáng sắc. Nhưng rồi không phải thế, cả gã Hâm Liệt và cả tôi đây nữa đều không thiếu vitamin A đến nỗi mắc chứng mù màu. Và như thế hóa ra trong sự trôi nổi dập dềnh của cảm giác ở những người sống trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, nửa thực nửa hư, cũng đã có sự nhập nhằng.
Bề nào thì sau hôm ấy cả gã Hâm Liệt và tôi đều đã lai tỉnh. Nhưng có lẽ gã tỉnh táo hơn tôi, gã tỉnh táo đến mức có thể kể cho tôi nghe hết về chuyện tình của gã, rồi sau đó không chịu báo trước cho tôi hay, gã đột ngột bỏ trốn bệnh viện, ra đi theo hướng đời của gã. Nhưng thôi, hãy để yên gã Hâm Liệt với Xứ Đoài của gã, hãy để tôi kể tiếp câu chuyện đời của gã Hâm Liệt ấy.
II. Lý do gì khiến gã Hâm Liệt phải vào bệnh viện tâm thần?
Trước kia gã Hâm Liệt này đã từng có một thời oanh liệt ở tận nước Anh xa xôi. Vốn xuất thân từ một gia đình ở nông thôn, sau khi đậu hạng ưu trong kỳ thi Tú tài II, gã nhận học bổng của Nữ hoàng Anh và sang nước người du học. Sau sáu bảy năm gì đó làm kẻ tha hương, gã đã nổi đình nổi đám ở trường đại học Oxford. Đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn chương với đề tài "Dấu ấn của Shakespeare trên nền văn minh châu Á" thì đột ngột gã đổi tính. Không phải thời tiết xứ Luân Đôn có ảnh hưởng chi đến tâm tính gã, cũng chẳng phải ở tại quê nhà mồ mả tổ tiên ông bà của gã có điều chi bất trắc, gã Hâm Liệt quyết định bỏ ngang công việc đệ trình luận án và lập tức xin hồi hương, ấy là do tiếng gọi của Hội đồng hương đã làm cho gã bất chợt quay quắt nhớ đến lũy tre làng. (Tôi thì cho rằng gã làm như thế là tại vì đến lúc ấy gã mới phát hiện được rằng những năm ở nước Anh chỉ làm gã tăng trọng được gần chục ký lô, trong lúc chiều cao của gã thì vẫn đứng sững ở một mét năm mươi lăm)... Dẫu sao đi nữa thì gã cũng đã hớn hở xách va ly lên tàu trước những cặp mắt ngạc nhiên vừa thán phục của bọn cảnh sát Scotland Yard.
Đất nước được giải phóng, gã Hâm Liệt cảm thấy như được mọc cánh, bay cao. Gã hòa mình vào cái đám đông hàng vạn người đang rùng rùng chuyển động... Nhưng rồi một hôm gã bỗng nhận thấy rằng hình như người ta không mời gã tham dự một buổi họp gì đó. Họ quên gã rồi chăng? Gã tự hỏi. Một lần, hai lần, đến lần thứ ba khi không tìm thấy tên mình trên bảng phân công giảng dạy ở trường đại học nơi gã đã làm việc từ khi trở lại quê hương thì trong lòng gã bỗng đâu trào lên một nỗi xót xa. Thôi rồi, gã hiểu ra rồi... Một tuần sau đó người ta không còn trông thấy bóng dáng của gã Hâm Liệt với cặp kính dày cộp lấp lánh ánh mặt trời trong khuôn viên trường đại học ấy nữa. Bản chất nông dân cá thể cọng với tính kiêu kỳ tiểu tư sản đã lái cuộc đời gã vào một hướng đi chẳng hứa hẹn gì tươi đẹp.
Gã bỏ trường đại học, bỏ cả thành phố về với cái làng quê đã nuôi gã một thuở thiếu thời. Buổi sáng tháng chạp trời lạnh, đã nửa buổi mà người cha của gã còn ngồi nán lại bên ấm trà, chưa muốn ra đồng. Gã Hâm Liệt bỗng tung mền ra khỏi giường. Đến bên cha trên bộ phản, gã lên tiếng, "Cha già rồi. Để tui ra đồng thay cha". Ông bố vẫn nhìn ra sân, chậm rãi đáp, "Ruộng nhà có 3 mẫu từ thời ông cố mi để lại. Nay vô hợp tác cả rồi... Mi sức nghỉn không được bao lăm, trộm cắp mánh mung chưa rành, thì làm răng làm hợp tác cho được... Thôi! Không làm cách mạng được thì ở yên đó, hai vợ chồng già ni đi làm về nuôi". Gã Hâm Liệt không cãi nổi ông già, nhảy lên giường trùm mền lại. Một tuần sau gã lại đến bên người cha, "Cha, cái rẫy còn không?" Ông già chậm rãi đáp, "Rẫy thì còn nhưng chỉ trồng được khoai sắn. Đất cứng, chó không thèm ỉa, chắc chữ nghĩa của mi cũng không mọc được". Hâm Liệt quả quyết, "Tui làm được. Mai tui vô đó ở. Cha cho tui vay 5 thúng lúa". Ông già lại đáp chậm rãi, mặt tỉnh bơ, "Tao xay cho mi 10 thúng, cho hẳn"... Một mình gã Hâm Liệt vào ở trong rẫy thật. Khu rẫy nầy nguyên là một bãi đất hoang trên một ngọn đồi tiếp giáp với vùng núi. Thời chiến tranh đây là khu giáp ranh, từ đây đến khu dân cư đi bộ phải mất nửa ngày đường. Làm xong túp lều, Hâm Liệt bỏ công chuyển cả gia tài của gã gồm mấy bộ áo quần, một cái giá đầy sách, một ít dụng cụ sản xuất do ông già chi viện cùng các thứ khác lên rẫy. Đúng nửa tháng sau, không thấy Hâm Liệt về nhà, bà mẹ bèn sai đứa con gái mang ít thức ăn lên rẫy thăm anh. Cô em gái nhìn người anh chưa từng nặng nhọc đang ra sức bổ từng nhát cuốc, thương tình nói, "Mạ nhắn anh dọn đồ về. Ở đây một mình vắng huơ vắng hoắc thế ni anh không sợ à?". "Sợ chi?", ông anh nói. "Ma chớ chi!", cô em chỉ tay qua khu đồi bên cạnh, "Năm 73, giao liên đưa hai cô sinh viên lên rừng, mới ngang qua đây thì lọt ổ phục kích, mìn lê mo nổ rền trời... Chừ còn hai cái mả lùm lùm bên đồi bên tê". Cô em nói xong rùng mình. Gã Hâm Liệt tỉnh bơ, "Ma không đáng sợ, nó không biết mánh mung, không ăn gian nói dối. Người sống mới dễ sợ, người sống mới bày đặt thuyết lý dài dòng rồi ăn cướp của nhau, đâm chém nhau không thương tiếc". Gã Hâm Liệt nói vậy rồi lại cắm đầu cuốc. Cô em gái đặt mấy gói thức ăn trên bàn ghép bằng mấy thanh tre rồi tính chuyện ra về. Khi cô cắp nón ra khỏi lều, ông anh Hâm Liệt ngẩng đầu nói với theo, "Lần sau có vô mua giúp tao dăm thẻ hương với mấy lít dầu lửa". Cô em gái thắc mắc, dầu lửa thì dùng chong đèn đọc sách, còn mấy thẻ hương không biết ông để làm chi.
Sống trong căn lều xa xôi như một hoang đảo ấy gã Hâm Liệt lấy làm thú vị, chẳng ai quấy rầy chi gã. Nhưng rồi một đêm vào nửa khuya gã bỗng có cảm giác rằng có kẻ lạ đã đột nhập vào nhà gã. Trong trạng thái mơ mơ màng màng, gã cố mở mắt ra nhìn, mặc dầu cái đầu của gã vẫn còn gối lên trang sách để trên bàn, gã thấy rõ ràng một cô gái tóc xõa, mặt trắng, từ sau kệ sách của gã tha thướt bước ra. Gã cố trấn tỉnh để nhìn cho rõ, đúng là phụ nữ, mình hạc xương mai thế kia. Lại có cả mùi hương, điều này khẳng định thêm cho gã rằng mắt gã đã nhìn rất chính xác. Gã Hâm Liệt trân trân nhìn vị khách lạ, cái nhìn của gã vừa có vẻ thăm dò vừa mang vẻ chiêm ngưỡng. Người thiếu nữ đứng cách gã đâu có mấy sải tay, cô nàng cúi đầu mân mê tà áo, chốc chốc mới dám ngước nhìn gã. Thời gian cứ thế mà trôi, gã Hâm Liệt không thể mở miệng nói một câu nào, mãi sau cô thiếu nữ phải lên tiếng trước.
- Chàng không nhận ra em à?
Lúc ấy gã Hâm Liệt mới thấy oán giận cái trí nhớ tồi tệ của mình, gã đã nhận ra ở người thiếu nữ một dáng dấp quen thuộc. Gã ấp úng:
- Có... tôi lấy làm tiếc.
- Ôi! anh thật là kẻ bạc tình.
Sau khi đã nhận ra nhau và trở thành quen thuộc, hai người bắt đầu đàm đạo văn chương. Đúng ngón sở trường, gã Hâm Liệt thao thao bất tuyệt, gã nói đủ chuyện đời xưa đời nay. Cô gái dè dặt, ít nói hơn, nhưng ý kiến của nàng về mỗi vấn đề mới chính xác và sâu sắc biết bao, gã Hâm Liệt phải khâm phục cái kiến thức uyên bác của người bạn gái. Gã thầm đánh giá rằng cô gái ấy phải xuất thân từ một gia đình uyên thâm và nề nếp. Thế cho nên gã sực nhớ đến phép lịch sự, vội cáo xuống bếp đun nước pha trà đãi khách. Buồn thay, khi gã bưng trà lên thì khách đã kiếu lui từ lúc nào. Hâm Liệt cảm thấy tiếc nuối, gã đứng yên hít lấy hít để cái mùi hương mà cô gái còn để lại thoang thoảng trong túp lều tranh. Về sau, do ngưỡng mộ người đẹp, gã Hâm Liệt đã cố lục lọi trong trí nhớ, ghi lại tất cả những gì cô gái đã trao đổi với gã tối hôm đó.
Rồi lại đến một đêm khi nỗi mong chờ người đẹp chỉ còn là niềm hy vọng mong manh, khi cánh cửa túp lều được gã Hâm Liệt mở toang mỗi đêm chỉ để đón những cơn gió rừng lạnh lẽo, gã vừa mới thiêm thiếp trên giường thì người đẹp lại đến. Nàng đến thật nhẹ nhàng, chỉ nhoáng một cái bỗng thấy người thiếu nữ tóc xõa, mặt trắng từ sau kệ sách bước ra. Nỗi nhớ nhung làm cho gã Hâm Liệt muốn vùng ngay dậy chào hỏi người xưa cho thỏa lòng. Nhưng chân tay gã đàn ông hầu như bất lực, chúng cứng đờ và nặng tựa như đeo đá, không thể nào cựa quậy được; cả cái miệng của gã cũng cứng đờ, bao nhiêu lời hay ý đẹp bấy lâu ấp ủ bây giờ gã không thể nào diễn tả được. Chỉ còn lại duy nhất trên khuôn mặt gã một cái nhìn đắm đuối lặng câm... Hình như người đẹp đã hiểu lòng gã, nên nàng cũng nhìn gã một cách trìu mến - rồi nàng nói lời tạ lỗi: "Bấy lâu bận kế sinh nhai, không lui tới thăm viếng, mong chàng bỏ lỗi". Gã Hâm Liệt cảm thấy như mở cờ trong bụng bèn vồn vã: "Nàng đi biệt, ta thương nhớ xiết bao…". Như thế là tấc lòng đã cởi. Phút chốc mà hai tâm hồn đó trở thành cố tri. Nàng ngồi xuống bên cạnh gã Hâm Liệt để cùng gã đàm đạo văn chương kim cổ. Gã Hâm Liệt cảm thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp của tâm hồn nàng. Và cả mùi hương từ cơ thể nàng cũng làm gã ngây ngất. Bỗng đâu cánh cửa sịch mở, một ngọn gió lùa vào thổi tắt ngọn đèn dầu leo lét. Quên hết ngại ngùng, gã Hâm Liệt quờ tay tìm bàn tay mát lạnh của người đẹp. Người con gái ngại ngùng, run rẩy. Sau đó nàng bạo dạn hơn, vụt ôm ghì lấy gã, rồi phủ cả cơ thể non tơ của mình trên thân thể người đàn ông... Phút chốc gã Hâm Liệt cảm thấy như thể người đẹp đang dìu chàng lên cao, cao nữa... Gã đê mê chẳng còn hay biết trời trăng gì nữa...
Đến khi trời sáng rực, gã Hâm Liệt tỉnh dậy thì người đẹp lại đã ra đi. Vụt nhớ lại cảm giác của đêm hôm trước, gã đưa tay sờ soạng. Giấc mơ đêm qua đã làm cho gã ướt sũng cả nửa con người.
Sau đó đêm nào người đẹp cũng đến cùng gã, mỗi đêm họ lại nói chuyện văn chương và rồi gã Hâm Liệt lại có cảm giác cùng nàng lên cõi tiên... Nhưng rồi một hôm gã Hâm Liệt bỗng cảm thấy rụng rời cả tay chân khi người đẹp vừa khóc vừa báo tin cho gã hay rằng đã đến lúc cuộc tình của họ tan vỡ. Nàng nói trong tiếng khóc, "Thiếp sắp phải xa chàng. Người ta sắp sửa phá nhà thiếp, đuổi thiếp đi nơi khác". Gã Hâm Liệt khi ấy mới gầm lên, "Ai? Ai phá nhà nàng? Ai làm cho đôi ta tan đàn sẻ nghé?". Người đẹp lại thổn thức, "Thôi! chàng biết mà làm chi. Sức lực chàng non kém, làm sao cứu thiếp nổi... Thôi! Tạm biệt chàng! Thiếp xin đi". Trước nỗi chia lìa, gã Hâm Liệt mới sực nhớ một điều hệ trọng, gã vội vàng níu áo người đẹp, "Hãy khoan, nàng chưa nói cho ta rõ, quê quán nàng ở đâu, để ta còn tìm kiếm". Nàng chẳng nói chẳng rằng, vừa khóc, vừa gỡ tay gã. Ngoài kia sao khuya đã mọc, gà rừng eo óc gáy. Thoắt một cái người đẹp đã vuột khỏi tay gã Hâm Liệt rồi bước đi như bay ra khỏi cửa, gã chỉ còn nghe tiếng nàng nói vọng lại, khẽ khàng như tiếng gió lay mấy cây bạch đàn sau nhà, "...Xứ Đoài... tận Xứ Đoài. Xa lắm làm sao chàng tới được!".
Mấy hôm sau thì gã Hâm Liệt trở bệnh. Trông gã bấy giờ khác lắm, thân hình gầy nhom, hai gò má nhô cao trên hai hốc mắt trõm lơ. Chứng mộng tinh trong mấy tháng liền còn để lại cho gã một làn da xanh tái của người mất máu. Gã chỉ còn là một cái xác chết biết đi. còn màng chi đến việc cuốc cày nương rẫy. Suốt ngày gã vác cái mặt thất thần ấy đi lang thang từ đồi này sang đồi khác, vừa đi vừa lảm nhảm nói một mình.
Nhưng đáng ra bệnh tình của gã Hâm Liệt không trầm trọng đến mức ấy nếu gã không bị thêm một cú sốc chí mạng. Người ta bắt đầu sinh nghi về hành tung của gã. Điều nghi ngờ ấy của những người có chức trách về trật tự trị an cũng có cơ sở của nó, làng trên xã dưới, mà có lẽ khắp cả huyện nữa, chưa thấy ai có cuộc sống kỳ dị như gã Hâm Liệt này. Cho nên có một hôm, cả khu đồi hoang bỗng rầm rập bước chân. Công an, xã đội và cả một vài viên chức ở huyện đã bất thần ập đến kiểm tra nhà gã. Cuộc lục soát được tiến hành trong khoảng thời gian hai tiếng rưỡi đồng hồ. Kết quả, theo như tờ biên bản do tay ủy viên thư ký xã ghi lại, nhà gã Hâm Liệt không chứa vũ khí, không có tài liệu chống phá cách mạng, nhưng "đương sự" - tức gã Hâm Liệt - đã phạm tội tàng trữ sách báo đồi trụy, phản động. Sau khi hội ý khẩn cấp, đoàn kiểm tra đã quyết định "tạm giữ" toàn bộ sách báo phản động đồi trụy in bằng tiếng nước ngoài, trong đó có cả bộ Bách khoa toàn thư. Số sách này được cho vào bao bố và được sáu người dân quân vận chuyển về huyện, để ở đó có các chuyên viên nghiên cứu, xác minh lại. Còn gã Hâm Liệt, do tình trạng sức khỏe không bình thường, được chiếu cố cho ở nhà điều trị. Sau đó hai tuần thì gã Hâm Liệt được hai ông bà già xốc nách, áp giải vô Bệnh viện tâm thần.
III. Lời bàn của tác giả:
Trên đây là câu chuyện mà mới gần đây tác giả đã nghe một thanh niên trạc hơn 30 tuổi kể lại trong một quán cà phê đầu ngã tư. Nhưng cách đây một năm tám tháng, tại một quán nước đông khách ở một thành phố phía nam cách nơi này hơn nghìn cây số, cũng chính tác giả đã tình cờ nghe kể câu chuyện này với sự trùng lặp từng câu từng chữ, và người kể chuyện cũng chính là người thanh niên này, với thái độ dáo dác, luôn luôn nhìn ra đường, như tìm kiếm một khuôn mặt nào đó. Nhận thấy câu chuyện kể cũng ly kỳ, hấp dẫn, tác giả bèn ghi lại với một ý định là sẽ cắt bỏ vài chi tiết kém phần hiện thực, gia giảm chút đỉnh, rồi gởi về Sở Văn hóa thông tin, đặng tham gia kỳ thi viết về đề tài chống mê tín dị đoan. Chỉ có một điều không tiện ghi lại, ấy là sau khi kể xong, bao giờ người thanh niên cũng nhìn chằm chặp vào mặt người nghe rồi hỏi, "Ông có gặp gã Hâm Liệt ấy đâu không? Gặp không? Ông làm ơn chỉ dùm tôi". Theo suy nghĩ của tác giả, như thế tất nhiên từ khi ra khỏi bệnh viện tâm thần cho đến nay, sau khi đã đi từ nam ra bắc, anh thanh niên kia vẫn chưa tìm ra được người bạn đời Hâm Liệt. Và có một điều mà tác giả không thể nào tin được, cho dẫu đã cố thuyết phục bản thân mình rất nhiều lần, ấy là nghe đâu anh thanh niên còn chịu khó tốn cả tiền đăng báo trên mục "Tìm người", rằng anh ta sẽ "Suốt đời nhớ ơn và xin HẬU TẠ cho người nào giúp tôi tìm được tông tích gã đàn ông chiều cao vào khoảng một mét năm mươi lăm, mặc quần cột dây thun ngang nửa ống chân và đội cái mũ phớt phất phơ hai chiếc lông gà".
L.H.V
(Tháng chín tám chín)
(TCSH41/02&03-1990)
------------------
(1) Câu nói lừng danh trong "Hamlet" của Shakespeare. Nghĩa: "Tồn tại hay không tồn tại?"
(2) Tiếng La tinh, nghĩa: "Lỗi tại tôi!"
(3) Thanh Tịnh (Quê mẹ) - Giảng văn lớp 6.
(4) Phiên âm của chữ Hamlet, nhân vật chính trong "Hamlet" của Shakespeare.
(5) Thơ của William Wordsworth (1770-1850), nhà thơ Anh,
Tạm dịch:
Cho dẫu không gì mang lại được
Những giờ phút rực rỡ trong cỏ xanh,
giây phút huy hoàng trong muôn hoa
Chúng ta sẽ không sầu khổ
Mà tìm sức mạnh ở những gì đàng sau.
(6) Thơ Quang Dũng.
KIỀU VƯỢNGĐêm giữa thu. Hà Nội se lạnh. Sao chới với nhưng mây vẫn vũ làm nền trời như khô khốc, nhạt nhòa. Một hồi còi tàu rú dài như thả thêm vào đêm luồng khí lạnh. Quang nhìn đồng hồ sân ga dã quá mười hai giờ khuya.
CAO HẠNHTôi sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Tôi là hạt máu đỏ rơi xuống bùn đất mọc lên một thằng người cùng với ngọn cỏ lá rau, cây lúa và những sinh linh khác. Tôi cùng chịu đựng chia xẻ với chúng ngọn gió Lào cát trắng và những trận mưa dầm dề của xứ miền Trung khắc nghiệt.
HỒ ANH THÁI Tác giả thấy cần phải tóm tắt chuyện cô bé quàng khăn đỏ trước, rồi mới kể tiếp phần hậu cô bé quàng khăn đỏ. Con sói đến lừa bà cô bé, nuốt sống bà, rồi mặc váy áo của bà, trùm khăn giả vờ làm bà. Cô bé về nhà, thấy bà rởm mà không biết, cứ hỏi vớ hỏi vẩn sao tai bà to thế, sao mắt bà to thế, sao mồm bà to thế. Sốt ruột. Con sói bèn nuốt chửng luôn cô bé. Nhưng rồi quần chúng tiến bộ tập hợp lại đấu tranh, con sói phải nôn cả bà lẫn cháu ra, hứa cải tà quy chính. Từ đây bắt đầu phần hậu cô bé quàng khăn đỏ…
PHẠM XUÂN PHỤNGHọ như không còn trẻ. Người lớn tuổi hơn có khuôn mặt thanh thản vì đã giãn mềm những nếp nhăn. Người trẻ tuổi khuôn mặt nhuốm già bởi màu từng trải và những nét khắc chán chường.
MAI HUY THUẬTNằm cuộn tròn trong cái rọ lợn Cuội mới có thì giờ ngẫm nghĩ về cái thân phận của mình. Cả cuộc đời dối trá, lừa gạt bây giờ bị tù hãm sau mấy cái nan tre tưởng như mong manh thế mà càng cựa quậy càng trầy da rách áo, không thể nào thoát được.
NGUYỄN VĂN VINH Thường thường, mỗi sớm tôi và các bạn gặp nhau ở quán cà phê vỉa hè. Ngồi vệ đường, không tiếng nhạc quấy phá phút tĩnh tâm để ngẫm ngợi sự đời, quả thú vị! Tôi biết các loại quán đều tiêu phí thời giờ của mình, nhưng quán cà phê ít tốn, ít nguy hiểm hơn quán bia ôm và các toan tính, bon chen trong vòng danh lợi gươm đao nên tôi không bỏ uống cà phê buổi sáng, ngày mình giết một tí, lại được chuyện vãn với nhau: nào thời sự, tin tức trên trời dưới biển, cũng vui!
LINH CHIKhi chỉ mới là giọt máu, sự kết hợp của hai nhiễm sắc thể XY bám vào dạ con của mẹ, nó đã không được công nhận. Chào đời, mẹ con nó ở với ông bà ngoại cùng các cậu, các dì cho đến năm nó tròn bảy tuổi. Nhà ngoại nó ở ven triền núi của vùng đồi miền trung du hẻo lánh độ chừng vài ba chục nóc nhà rải rác trên mấy quả đồi đầy hoa sim, hoa mua tím. Chiều chiều nó thường hay tha thẩn trước sân nhà ngắm nhìn những đàn chim bay về tổ, thả hồn theo những đám mây màu cánh vạc đùn lên phía sau dãy núi đối diện nhà ngoại và tưởng tượng, ước ao…
TRẦN CHINH VŨAnh nghĩ là mình có thể ngủ được trong đêm nay - ngủ ngon là khác nữa - Đêm qua anh đã ít ngủ rồi - Hơn nữa, cùng với cậu em trai anh lại vừa có cuộc đi chơi đêm ở công viên Đầm Sen, đến muộn mới về. Vậy mà cho đến lúc này, đã qua nửa đêm được ít phút, mắt anh vẫn cứ trơ ra, cứ như thể nó chưa biết khép lại bao giờ.
ĐÔNG TRIỀUMười hai giờ đêm.Tôi bước ra khỏi rào lưới sắt còn ngoảnh lại nhìn căn trọ, nơi cửa sổ vẫn phụt ra luồng sáng trắng bởi đèn điện. Tất cả đã im lặng. Tiếng cót két của đôi cánh cửa gỗ mà người thiếu phụ vừa khép lại hòa vào nhịp rơi lộp độp của những giọt sương trên lá, tiếng côn trùng trỗi lên cùng thanh âm mà con chim cú đâu đây vẫn bỏ tiếng rúc đều đều nghe rợn người.
PHẠM NGỌC TÚY“Ngày...tháng...nămDòng nhắn tin trên báo cho em biết rằng em đã tìm thấy anh. Cuối cùng thì chúng mình cũng nhận ra nhau. Anh thân yêu. Hôm nay trời không mưa và không nắng. Từ cửa phòng em nhòm ra có một cây trạng nguyên. Cây này nhô lên cao giữa khoảng trời xanh hiếm hoi. Những chiếc lá đến mùa, đỏ thắm màu xác pháo. Nó là cây hoa độc nhất ngoài cửa phòng em.
NGUYỄN BẢNHắn đến tôi, mặt thẫn thờ ngơ ngác như người vừa mất của. Tôi hỏi ngay:- Có chuyện gì vậy?- Không, không có chuyện gì.
ĐÔNG LA Sài Gòn mùa mưa, trời lúc nào cũng âm u. Những tán cây sẫm hơn, không khí nóng rát của những tháng cuối mùa khô đã được làm nguội lại, dịu mát. Mấy ngôi nhà cao lênh khênh dường như chỉ cần kiễng chân lên một chút là có thể gội đầu được trong những đám mây sũng nước, là là bay trên đầu.
ĐÀO PHONG LAN Tôi là đứa con gái duy nhất của cha mẹ, và trời cũng ban cho tôi một nỗi bất hạnh để tương xứng với niềm hạnh phúc của một đứa con chắc chắn được cưng chiều: Tôi bị liệt hai chân từ bé.
MAI HUY THUẬTCon tàu Thống nhất nhả Văn xuống ga Huế vào một trưa mưa tầm tã khiến Văn chợt thấm thía một câu thơ Tố Hữu:...“ Nỗi niềm chi rứa Huế ơiMà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?”...
NGUYỄN VĂN THANHSau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi không ngờ được Ngọ hỏi làm vợ. Không giống như những cô dâu khác, ngày tôi về nhà chồng có dắt theo một đứa con riêng. Tên nó là Hòa. Ngọ rất thương yêu hai mẹ con tôi. Không có gì đáng trách anh ấy dù cuộc hôn nhân của chúng tôi không bình thường.
NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.
NGUYỄN HÙNG SƠN Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.
LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.
HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.
Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.