Người vợ quê

09:21 08/03/2010
UẤT KIM HƯƠNGHắn là một họa sĩ tài hoa. Khi đang ở tận cùng của khổ cực túng bấn, hắn tặng cho người, cho đời hằng trăm bức tranh sơn dầu với bút pháp lẫn tư duy lạ lẫm, độc đáo.

Ảnh: Internet

Hắn sáng tạo, và chỉ biết mỗi điều là mình đang sáng tạo. Hắn không biết rằng mình đang chôn vùi tài năng ở cái xó xỉnh đìu hiu. Hắn quên đi rằng, người vợ quê mùa mộc mạc của hắn, người thôn nữ một thời làm giao liên cho “ Việt Cộng”, phải chân lấm tay bùn ở ngoài đồng nắng cháy da, lại còn phải tranh thủ lo cơm nước cho hắn yên tâm say sưa với công việc vẽ vời không đẻ ra được một đồng xu cạo gió. Hắn còn quên đi một đứa con dị tật đang thèm khát một miếng bánh ngọt rẻ tiền, khát một ly sữa hạng bét, và chưa hề biết những thứ đồ chơi bằng nhựa mà lũ trẻ ở thành phố quăng lăn lóc ở ngoài sân bụi cỏ.

Say mê theo những đường nét, sắc màu, hắn quên hết. Đến khi hắn buông cọ, rời mắt khỏi giá vẽ, hắn đối diện với sự thật. Sự thật ảm đạm, cay đắng, không như ánh trăng vàng huyền ảo giữa đêm quê bình lặng, không như dòng sông xanh lượn lờ thơ mộng in bóng lũy tre linh động lao xao, cũng như nhành phong lan tươi tắn dưới nắng vàng lung linh ánh... trong tranh của hắn. Hắn thở dài, rồi trốn chạy sự thật bằng cách cắm đầu dán mắt vào giá vẽ. Vẽ. Vẽ. Vẽ. Hắn yêu hội họa yêu tranh, yêu cọ bút, yêu những lọ sơn dầu, yêu giá vẽ là do vậy...

Một hôm, qua những người quen biết cùng làng, hắn được giới thiệu đến đình làng bên kia sông để vẽ những bức phông ở điện thờ, sơn lại các câu đối Hán tự trên những tấm liễn. Thật tình cờ, trong số những vị khách hành hương có mặt tại đình làng hôm ấy, có Xuân Vinh, người bạn thâm giao thời niên thiếu, và là đồng đội của hắn thời nằm vùng tại thôn Đại Điền. Đôi bạn gặp nhau, kẻ đói rách, người cao sang, nhưng cùng một nỗi mừng vui khôn xiết. Hắn kéo bạn về ngôi nhà tranh xiêu vẹo của mình để hàn huyên tâm sự. Xuân Vinh đang là hướng dẫn viên du lịch, và cũng là tay môi giới buôn bán đồ cổ, tranh ảnh có tầm cỡ quốc tế. Gặp lại bạn cũ, gặp lại vợ của bạn là người quen cũ thời nằm gai nếm mật gian nan, Xuân Vinh xúc động lắm. Đau lòng trước hoàn cảnh túng bấn tiêu điều, như pháp thuật của một tay phù thủy lão luyện, Xuân Vinh mang mớ tranh của bạn vẽ đang nằm lăn lóc ở xó nhà, đem về thành phố. Ba ngày sau, số tranh ấy đã biến thành một đống bạc, một đống bạc kếch xù ngoài sức tưởng tượng của vợ chồng họa sĩ nghèo nàn. Và rồi, hắn- họa sĩ tài ba đã theo Xuân Vinh về thành phố, bắt đầu lặn hụp vào dòng sống sôi động

Hắn thuê một căn hộ ở trung tâm thành phố để mở phòng vẽ, và ở luôn nơi đó. Thỉnh thoảng, khoảng nửa tháng, hai mươi ngày hắn phóng xe về thăm vợ con quà cáp, tiền bạc rủng rỉnh, rồi hối hả quay lại thành thị nhốn nháo, chừng như sợ cái thành phố hoa lệ kia sẽ bị ai đó làm biến mất khỏi trần gian.

Hắn đã là một họa sĩ có tiếng tăm. Có nhiều cuộc triển lãm, tranh bán rất chạy. Hắn quen biết nhiều, quen đủ mọi giới, và hình như mọi giới cũng thích quen biết hắn, vì hắn là một người nổi tiếng, một thần tượng, và hắn chơi sộp.

Nguồn thu mua tranh của hắn dường như không bao giờ cạn, đặc biệt là những bức tranh khỏa thân mà đã có người hâm mộ thốt lên trong niềm kính phục: “ Đỉnh cao của nghệ thuật hội họa!”, hoặc như “ Tuyệt tác của những tuyệt tác!”. Vậy nên, cứ hai ngày Xuân Vinh lại đến hối thúc. Đặt hàng nghệ thuật mà cứ như đặt hàng mã cúng cõi âm ty mơ hồ. Hắn cứ thong thả, tà tà, cốt để giữ giá, làm eo làm co. Nhưng khi đã đứng trước giá vẽ và người mẫu thì hắn quên cả trời đất, nhờ vậy mà tranh khỏa thân của hắn có sức mê hoặc đến rợn người, như có phết lớp nam châm hút mắt...

Hắn tậu được một căn nhà riêng ở xóm ven đô. Vậy mà hắn nhất định không đưa vợ con ra khỏi cái thôn xóm buồn hiu kia. Hắn không muốn bị ràng buộc. Hắn muốn tự do với nghệ thuật, và với danh vọng mà hắn đang đeo đuổi bằng sự tự tin, tự mãn.

Hắn bắt đầu thấy chán khi nhận ra mình sống qúa đơn điệu. Cứ quanh đi quẩn lại với cọ bút, bột màu, giá vẽ, vải giấy, người mẫu, tiền bạc, danh lợi... Hắn thấy mình quá nghiêm túc, trong khi chính mình đã sáng tạo ra những cái gì gọi là lãng mạn,là thơ mộng, là ướt át, là quyến rũ hấp dẫn. Và rồi, hắn tự buông thả lúc nào tự hắn cũng không biết nữa. Mỗi ngày, hắn vẽ đến vài ba tranh khỏa thân. Hắn vẽ trong trạng thái hoảng loạn hôn mê. Trước khi vẽ, hắn đều bày trận mây mưa với người mẫu của mình. Hắn không còn kén chọn người mẫu kỹ lưỡng như trước kia. Đụng ả nào hắn cũng rước về được. Hắn ném tiền thù lao hậu hĩnh ra, phái đẹp xiêu lòng ngay, và trao thân cho hắn toàn quyền sử dụng. Người mẫu được thay đổi xoành xoạch. Tranh được vẽ rào rào. Tranh nhiều đến nỗi Xuân Vinh không dám nhận nữa, bán không kịp, nằm chồng lên nhau chờ mối tiêu thụ. Nhưng hắn vẫn vẽ, không nghỉ ngơi. Có điều, trước đây hắn vẽ vì niềm say mê thì bây giờ hắn vẽ do thói quen, quen tay.

Cho đến một hôm Xuân Vinh nói với hắn: không có ai chịu mua tranh nữa. Hắn mới tỉnh hồn. Hắn thức một đêm không ngủ để phán xét bản thân, và chịu nhận mình đã quá sai lầm, nhơ nhớp. Hắn cầm dao phay, chặt một nhát đứt phăng ngón tay út của bàn tay phải nắm cọ. Hắn đốt cả đống tranh khỏa thân ế ẩm ra tro. Hắn bắt đầu vẽ lại nghiêm túc, chọn người mẫu kỹ càng, không còn nôn nóng hối hả. Không mây mưa ong bướm. Không để cho tâm động mảy may trước một thân thể lõa lồ khêu gợi của bất cứ mỹ nhân nào. Mười ngày hắn mới hoàn thành một bức tranh. Nhưng hắn không vừa lòng, vẽ xong lại xé nát, vẽ lại. Một tháng sau hắn mới xong bức thứ hai, lại xé đốt. Phòng tranh của hắn không còn một bức để làm vốn

Xuân Vinh để ý, theo dõi. biết chuyện và một lần nữa muốn kéo bạn ra khỏi cơn khủng hoảng tinh thần. Gặp được một mối mới, khách đặt ba bức tranh khỏa thân khổ lớn, Xuân Vinh báo tin và động viên bạn. Hắn ăn chay ba ngày, tắm rửa sạch sẽ trước khi bước lại đứng trưóc giá vẽ, và bắt đầu trút hết tâm lực lẫn bút lực để sáng tạo. Bức thứ nhất, hắn vẽ trong ba ngày, người mẫu là một nữ tiếp viên nhà hàng, có gương mặt đẹp mê hồn, thân hình bốc lửa có thể đốt cháy chục tá đàn ông. Hắn vẽ xong, ngắm tranh, thấy được chất lửa phực phực trên đôi gò bồng đảo của mỹ nhân, lửa tuồng như làm nóng ran cả một tòa thiên nhiên nổi bật trên nền xanh lơ. Bức thứ hai, hai ngày hoàn tất, người mẫu là cô nhân tình một thời buông thả của hắn, rất thon thả, trắng trẻo như bông bưởi, gợi cảm. Hắn ngắm tranh, ngửi được mùi của nụ hôn đắm đuối hôm nào, lại phảng phất hương hoa giả tạo của loại dầu thơm đắt tiền. Bức thứ ba, người mẫu là một vũ nữ, hắn ngửi thấy được mùi son phấn ngột ngạt. Ba bức được Xuân Vinh mang đi, lại mang về, kèm theo lời khách chê: “ Tục, không thanh thoát”. Hắn đốt liền ba bức tranh trước mặt bạn. Khi bạn vừa bước ra khỏi phòng tranh, hắn ôm mặt khóc tức tưởi. Hắn khóc như một đứa trẻ. Hắn bứt tóc, day đầu mình, bẻ gãy đôi mấy cây cọ, đá văng những lọ bột màu, đập vỡ tan những hũ mực, rồi lại úp mặt vào gối, nằm dài trên giường mà khóc suốt đêm...

Nửa đêm, hắn giật mình tỉnh dậy, bần thần rã rượi, nhìn quanh căn phòng trống vắng. Hắn cảm thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. Hắn chợt nhớ đến vợ con, nhớ căn nhà tranh hiền hòa ở giữa vườn cây sum suê cành lá. Hắn nhớ đến khát khô họng, nhớ kỳ lạ. Và chán ngán đến tận óc cảnh vật quanh mình. Cơn chán ngán trào lên thành nỗi sợ hãi. Hắn vùng dậy, và phóng xe đi giữa đêm trường tĩnh mịch. Vượt gần hai mươi cây số, chỉ với hình ảnh vợ con mang theo trong đầu, hắn đến nhà. Bỗng hắn hiểu ra một điều đơn giản: đây mới là nhà của mình!

... Hắn được hưởng hạnh phúc đầu ấp tay gối với người vợ quê mùa mà hắn đã lãng quên, cố tình lãng quên suốt thời gian qua. Thật lạ lùng, lần ái ân này, hắn tìm được cảm giác ngỡ ngàng, thẹn thùng y như đêm động phòng hoa chúc xa xưa. Hắn cảm thấy mình bé bỏng lại, bởi hắn đang là người có tội và ăn năn hối lỗi, còn vợ mình thì như một dòng sông lượn lờ mang theo làn nước ấm áp, trong veo. Hắn được tắm trong dòng sông ấy. Tắm xong thì khuây khỏa, nhẹ tênh cả tâm hồn lẫn thể xác. Sau giờ phút yêu đương cuồng nhiệt hiếm hoi ấy, người vợ chất quê mùa của hắn đã chìm vào một giấc ngủ ngon. Còn hắn, hắn nằm vắt tay lên trán suy nghĩ mông lung. Đêm miền quê im vắng. Bên giường ở góc nhà, đứa con tật nguyền của hắn hình như cũng mơ thấy những ông tiên, bà tiên hiền lành. Qua ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, bất chợt hắn giật mình khi nhìn thân hình của vợ. Một hình ảnh thân quen, âm thầm mà sinh động, lõa lồ mà mộc mạc, không bốc lửa mà lại rực sáng lên như một thứ ánh sáng huyền diệu, không chút bụi bẩn, đang ở trước mặt hắn. Hắn bàng hoàng. Hắn rung động. Hắn bị mê hoặc đến đờ đẫn, không chớp mắt, và không dám thở. Hắn ngồi bất động thật lâu, nhìn chăm chăm vợ mình đang say giấc nồng. Rồi rất khẽ khàng, hắn bước về phía góc nhà tối tăm, lục lọi tìm kiếm trong đống đồ đạc cũ kỹ, đã được người vợ thu dọn, giữ gìn cẩn thận từ khi hắn về thành phố làm việc. Hắn tìm được các thứ cần tìm: vải, cọ, bột màu, giá vẽ... những thứ gắn bó với hắn một thời túng bấn thê lương. Thật chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng chính xác, hắn đã chuẩn bị xong mọi việc để bắt đầu vẽ. Hắn vẽ vợ mình. Vẽ qua ánh sáng yếu ớt nhợt nhạt của ngọn đèn dầu miền ngoại ô thanh vắng. Hắn quên tất cả mọi thứ trên đời. Hắn quên rằng mình đang tồng ngông như nhộng, cứ đứng kề bên giường vợ đang nằm, cho cây cọ nẩy ngang quét dọc, lượn lờ trên khung vải trước mắt...

Hắn đã vẽ xong bức tranh khỏa thân mà người mẫu là vợ hắn. Hắn ngửi được hương bồ kết tinh khiết từ mái tóc trong tranh. Hắn ngửi được mùi mồ hôi, mùi nắng, mùi bùn sình lầy lội, mùi hương đồng cỏ nội từ bức tranh thiếu phụ lõa thể trước mắt. Hắn còn nghe được mùi của những củ khoai mì được lùi vào lửa tro, những củ khoai thời xa vắng đã từng được cô thôn nữ giao liên e lệ trao cho ăn ấm lòng. Hắn còn nghe được mùi khói thuốc rê mà ngày xưa hắn cùng Xuân Vinh ngồi hút, tận hưởng món quà nhỏ nhoi của cô gái nhà quê gởi tặng. Từng mùi phảng phất. Từng hương thoảng lại. Rồi hòa quyện vào nhau, trở thành một mùi hương thân quen, thật đặc biệt, thơm ngát, nồng nàn, gây cảm giác lâng lâng sảng khoái. Hắn bước lùi ra sau ngắm nghía: Hắn mỉm cười sung sướng. Hắn biết trước mắt hắn là một tuyệt tác đắc ý nhất trong chuỗi thời gian cầm cọ của mình. Không chút tục tằn. Không bụi bẩn. Tuyệt nhiên thánh thiện. Thánh thiện đến mức hắn không dám bước lại gần, không dám đưa tay sờ sẫm vào tranh.

Hắn khẽ bước lại giường, đắp chăn cho vợ. Rồi hắn ngồi xuống cạnh bên. Hắn khóc. Khóc không thành tiếng, nhưng nước mắt thì cứ chảy ròng ròng. Hắn thấy nước mắt của chính mình tựa như một dòng sông đang gột rửa, cuốn đi mọi thứ nhơ nhớp đeo bám trên thân thể, và cả trong tâm hồn hắn. Và cứ thế, hắn thích ngồi khóc thật lâu. Thật lâu, một mình, trước bức tranh khỏa thân thánh thiện tuyệt mỹ. Đêm thật dài. Và đêm rồi cũng qua. Gà gọi sáng. Hắn thấy mình vừa hồi sinh.

N.T.H.P
(132/02-2000)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Đợt rét đậm cuối năm không ngăn được cây lá quanh vườn nhú mầm non và hai cây mít bên cổng lại nẩy những “dái” mít được bao bọc bởi lớp nhụy vàng mềm mại, trông dễ thương và ngon lành, đến mức muốn… cắn một miếng như hồi nhỏ ở quê. Bên đường Lê Lợi dọc sông Hương, những tờ lịch năm 2014 khoe màu rực rỡ, tươi rói đã lại giăng giăng khắp các cửa hàng…

  • NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

    Công chúa Ngọc Anh bước ra khỏi cổng chùa Thiên Mụ thì dừng bước. Gót hài hoa di nhẹ lên bậc đá dẫn xuống đường. Nàng thẫn thờ nhìn dòng Hương xanh ngăn ngắt phía dưới đang lững lờ trôi. Giây lát, đôi mắt trong veo lại hướng lên phía dãy núi điệp trùng.

  • TRẦN HẠ THÁP

    1.
    Nguyên Biệt nhô đầu lên khỏi lèn đá thì sự cố xảy ra. Gã đang mang bầu nước lấy ở suối về. Một vệt màu sậm hình vòng cung bay ra như ánh chớp.

  • THÁI NGỌC SAN

    Cách đây mười lăm năm tôi có viết một truyện ngắn về vợ chồng ông Lâm. Truyện ấy sau khi đăng trên một tờ báo văn nghệ Sài Gòn tôi liền nhận được một lá thư của ông. Lá thư vỏn vẹn chỉ có một câu như sau: "Cậu là một thằng mất dạy!".

  • HOÀNG THU HÀ

    Không biết ai đã đặt tên cho cái hồ này như thế. Hồ nằm cách xa thành phố khoảng chín mươi cây số, dưới thung lũng của đồi núi mọc đầy cây dương liễu. Bấy giờ đang là mùa hè phương nam, gió thoáng đãng và ẩm ướt thổi từ đại dương vào khiến sự hoang vu của hồ càng xao động hơn.

  • LTS: Tác giả Hoàng Trọng Định (Hoàng Nguyệt Xứ, sinh 1959) là một nhà văn xứ Huế ít người biết đến đã vĩnh viễn ra đi từ hai năm trước, sau khi chọn cho mình một lối sống cô độc và chết trong im lặng, với một cái tên ẩn dật trong giới cầm bút. Truyện ngắn của Hoàng Trọng Định có cách tổ chức hình tượng nghệ thuật độc đáo và khác biệt. Tác phẩm của anh là kiểu dạng của một truyện ngắn ý niệm được chuyên chở bằng lớp ngôn ngữ đẫm chất triết học.

  • THÁI BÁ TÂN

    Các bạn thử hình dung một chuyện thế này: Có đôi trai gái yêu nhau, rất yêu nhau. Cưới xong được ít hôm thì chàng trai lên đường ra trận, để lại người vợ trẻ ở nhà một mình vừa làm lụng vất vả, vừa mỏi mòn chờ đợi.

  • HỒNG NHU

    Mỗi lần không vừa ý tới điều gì đó, với ai đó trong nhà hay nói rộng ra là trong thiên hạ, cha tôi thường buột ra một câu nói mà nếu không phải là người làng thì không thể nào hiểu được: "Cứ như là thằng Đô"!

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Khi chàng ngồi dậy giữa bãi chiến trường ngổn ngang xác người, chàng không còn nhìn thấy gì cả ngoài một vùng đêm tối tăm nhờ nhợ. Cái thứ đen đặc rộng lớn đó đã nuốt vào trong lòng nó những tiếng giục la, tiếng hét thất thanh, rên xiết giã từ sự sống, và cả nỗi đau khốn cùng của những kẻ bị thương, vô vàn sự tiếc nuối trong cuộc tử sinh vô nghĩa.

  • Trên mặt đất, trong bầu trời - Trái tim xôn xao

  • LÊ ANH HOÀI

    Cùng với tiếng loảng xoảng của cái gáo tôn trên nền xi măng khu vệ sinh, tiếng lệt xệt dép nhựa là tiếng khan khan của cô Đ “Mày dậy chưa? Gớm, con gái con lứa gì mà ngủ ngáy ghê thế. Hôm qua mày lại mơ cái gì mà tao thấy mày cứ nghiến răng kèn kẹt. Khiếp quá, đêm nằm cứ nghiến răng thế sau này chồng nào chịu nổi?”

  • MAI NINH

    Ông ta bị giục lên xe lúc 2 giờ chiều, không kịp nói. Người đàn bà leo sau chắn ngang cửa, che mất cô gái đứng dưới đường. Giọng cô lẫn giữa tiếng người gọi nhau và trong gió lùa dưới mấy tấm tôn đập mải miết:
    - Ông nhớ nằm nghỉ và thưởng thức trà nhà vua đấy.

  • NGUYÊN QUÂN  

    Lão Đạo vẫn ngồi chò hỏ, kiểu ngồi đặc trưng đôi chân trần dính kết bùn đất trên giường ruộng của nền văn minh lúa nước. Hai khuỷu tay lòi cục, trơ xương, chống tựa lên hai đầu gối cũng lòi cục trơ xương. Bốn khớp linh động tỳ lên nhau, trở thành bất động.

  • ĐỖ NGỌC THẠCH

    Hứa Tam Giang là dòng dõi Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Giang.

  • NGUYỄN THỊ MINH DẬU

    Thực ra mà nói, cái bức tường ngăn ấy nó chẳng có tội tình gì! Nhưng dưới con mắt của tôi thì nó lại là nguồn gốc của nỗi bất hạnh.

  • ĐOÀN LÊ

    Cơn mưa, sầm sập đổ hồi suốt buổi chiều đó, nàng ngồi cạnh cửa sổ ngắm mưa qua làn kính. Tôi ngồi chếch phía sau ngắm nàng.

  • ĐẶNG NGUYÊN SƠN

    Cây Đời. Cây là họ. Đời là tên. Cũng như bao loại Cây khác của dòng dõi nhà Cây trong cánh rừng nhiệt đới.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Cô ngồi trước ba máy đánh chữ, cái trước mặt màu kem đã sờn, hai cái xanh ngọc hai bên còn mới. Bàn làm việc hướng vào vách, bên phải là cửa sổ nhìn ra con đường tráng xi măng cũ gần bến đò.

  • VỊ TĨNH

    Ngày xưa mái tóc mẹ xanh, bay trong gió làm vướng chân bao gã si tình. Mắt mẹ là một vườn quả chín, và đôi môi đỏ dù mím lại vẫn không giấu được men say chực trào ra làm chao đảo cả những trái tim sắt đá. Mẹ đã từng tự hào vì điều đó biết bao.