Người trong cuộc

16:08 09/12/2009
LÊ KHAI           Bút kýAnh đưa tôi một tờ giấy cuộn tròn và nói: Tuần qua tôi đi tìm mộ liệt sĩ ở Truồi (huyện Phú Lộc). Tìm một mộ mà phát hiện ra tám mộ. Buồn! Tôi làm bài thơ. Anh xem và chữa giúp. Cả đời tôi chưa quen làm thơ.  Anh chào tôi rồi vội vã về vì đang có việc cần.

(Ảnh: Internet)

Bài thơ có nhan đề “Nén hương lòng” phản ánh tâm trạng buồn thương, nỗi băn khoăn của anh về những đồng đội đã hy sinh, khái quát “trăm nghìn sinh mạng, muôn trạng vạn hình” đọng chiều sâu nhân văn cầu mong và ước nguyện:

“Lòng thành tưởng mộng đốt nén hương thơm
Đau đáu nguồn cơn nhớ tình đồng đội!”

Tôi không bình cũng không chữa được thơ anh. Nhưng tôi xúc động với nỗi niềm “đau đáu nguồn cơn” ở anh. Đó là tình người lính trong cuộc chiến tranh chống Mỹ - lòng chung thủy với đất nước, với đồng đội cùng vào sinh ra tử.

Anh là Phạm Ngọc Tuấn quê thôn Xuân Úc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Vào bộ đội năm 1960, viết đơn tình nguyện bằng máu của mình xin được vào Nam chiến đấu 1963, bám trụ chiến trường Trị Thiên từ tháng chạp năm ấy cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Anh nghỉ hưu 1986, sinh sống tại Huế. Đến nay, tuổi hưu đã ngang tuổi anh ở chiến trường. Do vậy anh hiểu thấu vùng đất Trị Thiên anh hùng trong và sau chiến tranh sành sỏi không kém người gốc quê sành sỏi. Từ phía nam sông Bến Hải, đến đường 9, đồng bằng Triệu Hải, Phong Quảng Điền, Phú Lộc, đèo Hải Vân... anh đều thành thạo. Các trận đánh địch lớn nhỏ: Lao Bảo, Ba Lòng, A Chùm, Gốc Bai, Kacôva, động Tà Ư, Dốc Chè, đồi 673, A Tây, A Tây luật... (Quảng Trị) đến Khe Tre, Chúc Bao, Bạch Mã, Núi Truồi, núi Bông, núi Nghệ, Cù Mông, Nam Giang, Lương Mai, Sông Bồ, Động Thòa, Mũi Né, đèo Phước Tượng... (Thừa Thiên Huế) v.v..và v.v...

Trăm trận anh đã từng trải qua, vẫn dựng sơ đồ trong trí nhớ. Anh nói với tôi có khi anh ngồi nhắm mắt hàng giờ, hình dung lại đơn vị lúc hành quân, lúc nghỉ ngơi, những ngày gian truân thiếu đói, những trận đánh súng đạn mù trời, tiếng tăng rú, máy bay quần, những luồng sáng chằng chịt dọc ngang như chớp giật, rồi những ai còn, ai mất ở những cánh quân nào,.. Tất cả cứ diễn ra mồn một trước mắt anh. Cũng có lúc bất thần anh nhớ đồi núi thoai thoải của dãy Trường Sơn, nơi có ba cái miếu thờ, ba cây khế cổ thụ sai quả trĩu cành. Đơn vị anh hành quân qua đói lòng, cổ khô vì khát mà không ai dám hái- vì kỷ luật quân đội “Không được đụng đến cái kim sợi chỉ của dân; Phải thật sự tôn trọng phong tục tập quán, và tự do tín ngưỡng”. Bỗng anh nhớ và thương người bạn không còn.

Anh tên Nguyễn Thanh Đọc, quê Bắc Ninh, hiền từ, đẹp trai, làm nhiệm vụ nuôi quân. Chỉ vì hái sáu bắp ngô ở rẫy sát đường rừng để làm món canh cho đơn vị sau buổi hành quân nắng gắt mà phải làm bản kiểm điểm. Ngẫm ra anh thấy có cái gì cứng nhắc trong vận dụng điều luật. Nhưng ngẫm lại cũng có cái hay. Thời ấy mà lơi lỏng, sinh động một chút cũng dễ dẫn đến buông thả. Anh thích thú vấn đề này lắm. Anh cho sự thành công lớn nhất trong quân đội ta là kỷ luật nghiêm khó nơi đâu sánh kịp. Nó làm cho quân đội ta giác ngộ ngày càng cao, càng tự giác, đoàn kết, thương yêu nhau gắn bó, ý chí chiến đấu thật cừ, tình quân dân như cá với nước. Theo anh, nhờ vậy mà con người càng sinh tình, càng nhiều sáng tạo. Không ai thương yêu, đùm bọc, săn sóc, lo lắng, động viên cổ vũ nhau bằng tình đồng đội, bốn bể mà như một nhà. Ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em, tình ruột thịt, dù thương nhau đến mấy cũng không sánh được. Đã nhiều lần tôi vểnh tai nghe anh nói về những người bộ đội, cán bộ, dân quân, công an viên, biệt động thành ở chiến trường Trị Thiên. Nào anh Thầm quê Quảng Ninh, hành quân trong đêm qua sông Kê Vạn bị chìm mà im lặng, không một tiếng kêu la để bảo đảm bí mật an toàn cho đơn vị trên đường vào trận. Nào cô Thơm công an viên xã Lộc An luôn xung phong dẫn đường cho các hoạt động phục kích địch đúng nơi, đúng hẹn. Nào liệt sĩ Phan Cảnh Kế biệt động nội thành Huế, người chỉ huy đạo quân tóc dài bắt liên lạc với các đầu mối cơ sở. Ông như một hiệp sĩ oai hùng, râu đen rậm và dài, đội nón dứa, mang áo chùng đen, thắt lưng vải đỏ, dùng đèn ba pin sáng quắc, ẩn hiện như xuất quỷ nhập thần. Mậu Thân 68, đúng giờ “G” ông là người đã mở cửa Chánh Tây cho quân ta nhập thành nội Huế.

Với anh có thể nơi đâu, thời điểm nào cũng đầy kỷ niệm thời chinh chiến. Nhân chuyện lụt bão, anh nhớ đêm mưa, kiểu mưa dầm như Huế. Đơn vị anh được lệnh đi nhận hai chục bao gạo ở phía Cầu Hai. Đấy là những ngày sau Mậu Thân gian nan, đói thiếu. Ba chục anh em vượt suối, băng rừng, đến nơi chỉ nhận được năm bao. Trên đường bị địch phục kích chết và bị thương quá nửa. Có anh em chết, mắt cứ mở trừng trừng! Bên xác bạn, anh khấn nhỏ vì đất nước, tình đồng đội, nghĩa đồng bào rồi giơ bàn tay vuốt nhẹ lên mặt, đôi mắt bạn từ từ khép lại. Sao mà lòng đau quặn thắt! Đến xem triển lãm của Bảo tàng kháng chiến Thừa Thiên- Huế anh nói với bạn bè về di tích Động So (A Lưới). Nơi ấy có mười hai hang đá lớn nhỏ. Hang nào chứa một tiểu đoàn, hang nào chứa vũ khí, đạn dược, hang nào quân khu làm bản doanh và nơi nào đã bị đá sập, lấy kín 6 chiến sĩ pháo cối đến nay vẫn chưa lấy ra được. Anh chỉ tay lên một vùng xanh trên bản đồ
Trị Thiên. Đó là thung lũng, nơi dùng làm bãi dấu xe tăng. Bên phải là Động So, bên trái Động Tà Ư.

Chính từ đây bốn chục xe tăng đã rầm rầm xuất phát vang động núi rừng, đi về Nam Đông theo đường 14 qua Na Sơn vào Đà Nẵng trong chiến dịch Mùa Xuân 1975. Nhiều người đứng quanh anh, khen anh tài nhớ, nhớ lâu và nhớ kỹ. Tôi lại nghĩ về anh có tấm lòng yêu thương da diết mảnh đất con người. Ý nghĩ ấy trong tôi chẳng phải bất chợt. Tôi biết anh, thân anh rồi ngưỡng mộ anh đâu chỉ qua những chuyện kể? Cũng chẳng phải vì anh là đại úy, tiểu đoàn trưởng về hưu, có danh hiệu dũng sĩ, được tặng nhiều huân chương huy chương, được tặng huy hiệu Bác Hồ, là thành viên trong đoàn dũng sĩ diệt Mỹ ở miền Nam được ra thăm miền Bắc, thăm Bác Hồ năm 1969. Hay anh là một trong những người hùng đã kéo cờ giải phóng lên kỳ đài Ngọ Môn Huế trong chiến thắng Mậu Thân 1968- người chiến sĩ trong đơn vị quân giải phóng thành phố Huế trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Điều cuốn hút sự ngưỡng mộ của tôi về anh là trong bối cảnh hòa bình anh vẫn giữ vững và phát huy truyền thống quân đội bằng những hành động đầy nhiệt tình và nhẫn nại. Mười hai năm nay anh đã phát hiện 574 liệt sĩ, con em của 27 tỉnh thành trên chiến trường Trị Thiên. Có tỉnh 1,2,3,4,5 người. Có tỉnh 17,20 người. Cũng có tỉnh 30 người như Hà Tây, Hà Tĩnh, 40 như Hưng Yên, Nghệ An, 50 như Hà Nội, 60 như Hải Dương, Thanh Hóa, 70 như Hải Phòng và 90 như Thái Bình. Trong số liệt sĩ ấy, anh đã trực tiếp cất bốc cho các gia đình thân nhân đem về quê ở các tỉnh miền Bắc là 50 liệt sĩ. Còn 524 liệt sĩ là ở các nghĩa trang Lộc Bổn, Lộc Điền, Xuân Lộc, Lộc An, Hương Thọ, Hương Vân, Bình Điền, Phong Sơn của các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền, A Lưới, Nam Đông và nghĩa trang thành phố Huế.

Anh còn thường xuyên thư từ, thăm viếng, bạn bè đồng đội. Qua họ anh xác minh thêm các liệt sĩ còn ẩn tích và cuộc sống gia đình họ. Những ai đã được chính sách ưu đãi, ai chưa? gia đình nào đã khá lên, ai còn khó khăn chật vật. Anh đã giúp được gia đình liệt sĩ Chu Văn Dần quê Bắc Thái, Hoàng Công Liên quê Phú Thọ, Hà Thiện Tế ở Nam Định, Nguyễn Công Tuấn ở Hải Phòng có đủ minh chứng làm hồ sơ chính sách liệt sĩ. Những công việc trên cuốn hút anh không hề ngưng nghỉ. Cũng có người không hiểu anh, họ nói trách: Tay ấy chẳng biết chăm lo việc nhà- gia đình thì túng thiếu, chỗ ở thì chật chội chỉ 12 thước vuông. Mà ngày này qua tháng khác đi lông bông tìm mộ liệt sĩ! Có người lại bảo: Anh ta đâu có dại khờ! Thời buổi này việc gì chẳng có giá! Việc ấy giá càng cao, biết đâu nay mai anh sẽ xây lầu, ta sao biết được!

Họ đâu có hiểu ngoài đồng lương hưu của hai vợ chồng vỏn vẹn sáu trăm nghìn, vợ anh nuôi heo, kèm theo cái tủ nhỏ đặt dọc đường bán vặt vài chai bia vài bao thuốc lá. Anh thì tranh thủ thời gian rảnh rỗi đẩy xe chở hàng thuê. Khi thì phụ việc quản lý trật tự chợ Đông Ba. Khi thì giữ vật liệu cho công trình tu bổ cầu Trường Tiền v.v.. Cái giá tìm mộ liệt sĩ của anh cao thật, cao về lương tri, đạo nghĩa, chứ đâu có giá cao của thị trường thương mại! Anh chỉ nhận những gì theo chính sách, chế độ nhà nước quy định, may lắm là đủ chi tiêu trong các cuộc đi và trà nước tiếp khách các nơi về. Nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ biếu tặng anh tiền, anh đâu có nhận. Từng đi theo họ để tìm kiếm, viếng thăm, cất bốc, anh hiểu rõ một chuyến đi chỉ bốn người, với độ đường vài trăm cây số, tiền ăn, tàu xe cả đi về, thời gian năm ngày, tằn tiện hết mức cũng đã tốn bốn triệu. Người giàu có thì không lo. Nhưng gia đình nghèo mà sự giúp đỡ của địa phương hạn hẹp thì với họ tình thương cọng thêm vào nỗi khổ. Chồng thư của bao người tỏ lòng biết ơn anh càng sáng tỏ điều đó.

Bà Ngô Thị Hòe 74 tuổi ở tỉnh Phú Thọ viết: “Tôi đã đi nhiều nơi tìm mộ con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọ. Đến đây mới thực yên lòng được đem con về. Ở đâu tôi cũng được cơ quan và nhân dân giúp đỡ, song người tận tình và tốt như bác Tuấn thật hiếm có". Ông Nguyễn Tấn, thiếu tướng nguyên Phó tư lệnh bộ đội biên phòng quê tỉnh Thanh hóa viết thư cho cơ quan đương sự ở Huế có đoạn: “Đồng chí Tuấn đã trực tiếp bốc mộ em trai tôi về quê. Gia đình tôi chân thành cám ơn phường Thuận Thành đã có người cựu chiến binh có tâm và công lao lớn trong việc tìm kiếm mộ liệt sĩ. Đề nghị các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình đồng chí Tuấn theo chính sách thật xứng đáng”. Những dòng thư đầy tình nghĩa ấy ngày một nhiều thêm trong tủ anh.

Anh nói với tôi, lo đủ ăn cho cả nhà, hai đứa con vào được đại học, một đứa đang cấp 3 đã “bở hơi tai” có dư ngàn nào đâu mà tích lũy. Rồi nhìn tôi, anh quắc đôi mắt tinh anh, lộ hai gò má nhô cao, vừng trán rộng và nói: Ai chẳng muốn giàu! nhưng khả năng mình mới đến vậy! Rồi như niềm tâm sự riêng anh dịu giọng: Cuộc sống rút cuộc là tình đời. Tôi cũng có thể dồn sức làm nhiều việc kiếm tiền, chưa hẳn giàu được như ai cũng có thể khá hơn. Hiềm một nỗi tâm tư tôi không sao quên nghĩa tình đồng đội, sống chết có nhau. Nhiều bà con xa xôi nghìn dặm, họ hy sinh công của đi tìm mộ thân nhân, mình sao nỡ tiếc thời gian mà quên tình đồng đội! Mình may mắn được sống, dù sao vẫn hạnh phúc hơn bao đồng đội đã chết. Anh cười, nụ cười vui hết cỡ.

Thì ra nỗi “đau đáu” về tình đồng đội dồn nén trong anh suốt thời gian về hưu, nay thành thơ là vậy. Thơ lòng của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong chống Mỹ cứu nước. Người trong cuộc đã và đang phát huy truyền thống cha ông, dân tộc. Truyền thống của ý chí tình yêu tổ quốc, của đạo lý con người.

Tháng 11-98
L.K.
(125/07-99)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VIỆT HÙNG

    “Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu, anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao...”*- Câu hát từ thời chống Mỹ, đã trở nên xa xăm, song giờ đây, thỉnh thoảng nó vẫn vang lên trên các sóng phát thanh...

  • ÐÔNG HÀ

    Tôi là người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng những bài học lịch sử. Thế hệ chúng tôi yêu Tổ quốc theo những bài học ông cha để lại qua những trang sách cộng thêm chút tính cách riêng của chính bản thân mỗi người. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu đó khác nhau.

  • CHẾ LAN VIÊN

    Hồi ký về Đoàn Nghệ thuật Xây dựng (Huế 1946)

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                              (Bút ký)

    Ông Lê nguyên giám đốc sở Văn hoá Bình Trị Thiên, một lần về Thủy Dương lấy  tài liệu viết tuyên truyền cho vụ lúa mùa, đã cụng đầu với ông bí thư xã.

  • TẠ QUANG BỬU
                    (Hồi ký)

    Tôi đã học ở trường Quốc Học bốn năm từ năm 1922 đến 1926, cách đây đúng 60 năm.
     

  • TRỊNH BỬU HOÀI

    Đất trời đang mặc chiếc áo mới cho trần gian. Con người cũng thay chiếc áo mới cho mình. Chiếc áo khoác trên đôi vai sau một năm oằn gánh công việc. Chiếc áo phủ lên tâm hồn ít nhiều khói bụi thế nhân.

  • NHỤY NGUYÊN

    Một câu trong Kinh Cựu ước: Khởi thủy là lời. Tôi không dám khoác thêm bộ cánh mới, mà chỉ muốn tìm cho nó một mỹ từ gần gũi: Khởi thủy là mùa Xuân.

  • ĐÔNG HƯƠNG

    Trí nhớ tôi tự dưng quay trở về với tuổi thơ, tuổi ba mẹ vừa cho đi học. Ờ! Lâu quá rồi, cái Tết đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa, trí nhớ lơ mơ trở lại khoảng đời thơ ấu, có lẽ đẹp nhất trong đời của mỗi con người của chúng ta.

     

  • TRẦN HỮU LỤC (Tùy bút)

    Tháng Chạp ở quê tôi là tháng của hoa mai. Dường như màu của hoàng mai tươi thắm khắp mọi nẻo đường. Những chậu mai kiểng, vườn mai chùa, vườn mai nhà, đường phố mai, công viên mai, những thung lũng mai núi… đến thì lại nở đẹp một màu vàng mỏng nhẹ trong sương sớm.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU (Bút ký lịch sử)

    Nhiều năm men theo dấu chân của nàng Huyền Trân, công chúa nhà Trần mở đất Ô, Lý, hễ có dịp là tôi lại hành hương đất Bắc. Viếng đền thờ các vua nhà Trần ở làng Tức Mặc - nơi ấy nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

  • HÀ THÚC HOAN

    Những ai đã từng là học sinh trường Quốc Học - Huế đều có Một thời Quốc Học(1). Thời Quốc Học của tác giả bài viết này là ba năm học tập ở các lớp đệ tam (lớp 10), đệ nhị (lớp 11) và đệ nhất (lớp 12), từ năm 1956 đến năm 1959.

  • TRẦN HUY MINH PHƯƠNG (Tùy bút)

    Thoáng một cái, xài hết ba trăm sáu mươi lăm ngày mà hổng biết. Bao dự tính giằng co rồi dang dở, chưa kịp nghĩ thấu, chưa xiết làm xong, phân vân nhiều nốt lặng, yêu người chưa sâu nặng, nợ người chưa trả xong… ngày giũ vội qua đi. Ngẩn ngơ, mùa về!

  • THIẾU HOA Hắn! Một vị khách không mời mà đến. Hắn đến viếng nhà tôi trong một đêm mưa to gió lớn. Cả nhà ai cũng biết sự có mặt của Hắn. Đêm đầu tiên cứ nghĩ Hắn chỉ trốn mưa tạm thời rồi hôm sau sẽ đi. Nhưng đến nay đã qua một mùa xuân, Hắn vẫn còn ung dung tự tại ở trong nhà, lại ở đúng trong phòng của tôi như một thành viên chính thức trong gia đình.

  • PHAN QUANG                Trích hồi ký ... Đến thị xã Sơn La chiều hôm trước, sáng hôm sau trong khi chờ đến giờ sang làm việc với Khu ủy Tây Bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - mà các đồng chí gần gũi đều quen gọi bằng tên thân mật: anh Thao - cho mời chủ nhiệm nhà khách của khu tới.

  • VÂN NGUYỄN                 Tùy bút “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...” (Trịnh Công Sơn)

  • PHAN THỊ THU QUỲ Ba tôi - liệt sĩ Phan Tấn Huyên, Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Thừa Thiên - thường dặn tôi mấy điều: dù khó khăn đến mấy cũng không được ngừng nghỉ phấn đấu học hành bởi tri thức là sức mạnh; dù như thế nào đi nữa cũng phải giữ cho được bản sắc văn hóa Huế rất đỗi tự hào của mình...

  • TẤN HOÀI Một khung trời mây Một dải gương lung linh cuộn quanh hoàng thành cổ kính. Trầm mặc và ưu tư. Tưởng chừng như thế!...

  • XUÂN HOÀNG Tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi thăm hai nước Ru-ma-ni và Bun-ga-ri đúng vào những ngày đầu xuân Mậu Thân, sôi động.

  • HỮU THU & BẢO HÂN                                     Ký   Đến bây giờ nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh hãi hùng mà cơn bão mang tên Cecil tàn phá vào cuối tháng 10 của năm 1985 ở miệt phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

  • PHẠM THỊ CÚC Thầy dạy lớp Nhì Thầy dạy lớp Nhì tên Thanh. Người thầy roi roi, hơi thấp và nhỏ con. Bù lại, thầy rất nhanh nhẹn và vui vẻ, hoạt bát, nụ cười luôn nở trên môi.