LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Ngã nói cuộc đời vốn dĩ là một bếp than hồng, việc rút bớt những cục than hồng để lại cái tàn tro tắt lịm lạnh lùng giày vò Ngã.
Minh họa: PHAN THANH BÌNH
Vào một buổi chiều giá lạnh năm ấy, Ngã ướm chân lên cánh đồng đông sũng nước có đầy cỏ mật nằm nghiêng. Chân Ngã mọc đầy rêu, gọi mời lũ cá rô đồng đói bụng. Ngã căm ghét mùa đông và rồi dẫm lên mộ địa của loài gió đông hợm hĩnh đương cố tình thả tái tê vào những ý nghĩ mặt trời. Ngã gào rặt cuống họng, cố xóabỏ cái đống bầy nhầy trong một ký ức chàng thanh niên nôn thốc tháo lên ngực người góa phụ hàng xóm năm nào. Một bộ ngực méo mó, nhăn nheo đến thảm hại. Người góa phụ tội nghiệp đã cầu xin Ngã ban cho một lần trở lại đêm xuân. Người đàn bà nóng ran, đôi môi mấp máy luôn miệng cầu xin và bàn tay run run lần mò mở khóa quần. Chân Ngã đứng trên đồng đã tê cứng, lún sâu vào bùn nơi những gốc rạ của vụ trước đã mục đến tận rễ. Ngã ngửa mặt lên trời cố quên đi hình ảnh người góa phụ tội nghiệp rồi vô thức le lưỡi liếm mây chiều đen đặc trên bầu trời. Ẩn sâu trong âm thanh củagió, Ngã còn nghe tiếng trĩu trịt của bờ vai gánh mai về chợ trên con đê làng. Ngã nhìn thấy màu vàng tất tả trong quang gánh, thấy lộc trổ biếc giữa đồng đông hiu quạnh. Những vết mủ thời gian trên hành trình cô độc của Ngã rỉ muôn ngàn giọt máu. Và Ngã cảm giác màu trắng đã buốt buồng tim, giá băng trùm lên hết thảy nhiệt huyết thanh xuân. Cùng lúc, đầu gã trai trẻ giờ này như tổ ong vo ve tiếng chửi của người góa phụ nhịn ân ái hai mươi năm tám tháng mười ba ngày. Ngã tung cửa, ôm bộ mặt đầy gai chạy vào rừng chiều đổ bóng hoang tàn trên đỉnh đồi cô độc. Từ nay, Ngã không chạm vào đàn bà nữa.
*
Ngã quyết chí lang thang trên con đường cái quan, theo mây gió đi khắp bốn bể. Khi Ngã dừng chân đứng lại bên dòng sông xanh biếc, bên kia lầu son gác tía, đền tháp uy nghi lùa cái lạnh lẻ loi vào tận lòng lữ khách phiêu bạt. Ngã đi bộ trên bờ cỏ xanh và lạc vào làng trúc dưới một chân đồi. Ở đó có cô bé thường ôm một con chó xù Nhật nhỏ nhắn, xinh xắn và cái mõm luôn sủa ăng ẳng mỗi khi nhìn thấy ai lạ mặt sấn tới cô chủ cũng nhỏ nhắn, xinh xắn. Nàng thường đứng tựa vào chiếc cọc gỗ sơn nâu nhô ra bên bờ dậu thưa đầy hoa bìm bịp tím. Ánh mắt nàng nhìn về phía hoàng hôn xa, trên đỉnh Kim Phụng, thao thiết cho những áng mây thơ thẩn tìm chốn đáp. Đó là một buổi chiều trôi qua mỗi quầng mắt tím thâm da diết mong chờ cái kết thúc hằng định. Ngã thẫn thờ nhìn nàng.
Nàng đương đợi chờ những người đàn ông bước ra từ sử thi, những kẻ đi kiếm tìm mình trên những con đường vắng bóng thời gian, những kẻ luôn khóc khi biết mình lạc mất đường thư của thượng đế... Nàng uống nước mắt của họ để làm ướt trang nhật ký đời mình. Ôi những kẻ luôn cần được chiều chuộng trong vòng tay đàn bà. Ngã đến bên nàng như một tia nắng rực rỡ giữa đông. Nàng sững sờ ngắm người đàn ông bước ra từ sử thi, tóc dài, da ngăm đồng, thân hình cao lớn, dáng đi cuồn cuộn như hổ. Ngã mỉm cười với nàng, nụ cười lấy đi tất cả sự tỉnh táo của một con tim.
Ngã bế nàng vào nhà như bế một đám mây con. Tay nàng không thả con chó ra và nó thì không ngớt sủa, phả cái hơi chó lủm thủm lên mặt Ngã. Căn phòng của nàng được làm từ đất sét, mộc mạc và đầy mùi đất. Một ô cửa sổ nhỏ có chiếc rèm xanh, chiếc bàn con và vô vàn cuốn sổ đầy chữ, có lẽ chẳng có mục đích gì khác ngoài việc chép chuyện tình. Ngã hỏi nàng làm gì với đống sổ sách vớ vẩn ấy. Nàng bảo, đó là những trang nhật ký đời nàng. Ngã đặt một nụ hôn nhẹ lên môi nàng, nụ hôn như lá mục, từ lâu rồi Ngã chưa hề chạm vào môi ai. Và nàng bảo, nụ hôn như sương trên những bông hoa bìm bịp tím biếc bên bờ giậu. Đôi lúc nàng tự hỏi mình đã hôn bao nhiêu đôi môi của những người đàn ông sử thi. Một năm trời chỉ có mùa mưa, người đàn ông cưỡi ngựa trắng dừng chân trước nhà nàng. Anh là một chiến binh vừa đi chiến trường Nam Vang ra. Có nước nóng cho ta không? Chiến binh nói như thể nàng là vợ của anh. Giọng anh hùng dũng như sấm, chắc khi ra trận kẻ địch sẽ khiếp hãi lắm. Nàng không sợ gì cả, trái lại thích thú vô cùng. Thay vì nước nóng, nàng đã nhảy lên ôm lấy cổ chiến binh và phản ứng tự nhiên, anh đưa hai tay bế nàng như đứa trẻ. Nàng vẫn còn nhớ mùi mưa rừng trên tóc, mùi da thuộc và lông ngựa trên bàn tay và cái mùi mồ hôi mạnh mẽ, đầy kích thích trên cổ chiến binh. Nàng cắn vào môi người chiến binh mê hoặc.
Trong khi đó, Ngã bây giờ cảm thấy thoải mái khi ngả lưng xuống giường, ngắm hàm răng đều như những phím đàn dương cầm. Đường xa, gió bụi, mệt mỏi mang đến cơn mơ cho Ngã khi còn nằm với nàng trên chiếc giường để đếm bao nhiêu nuộc lạt và nghe tiếng thạch sùng tắc lưỡi.
Đi vào giấc mơ lạnh giá của Ngã đêm ấy dưới mái nhà của nàng thôn nữ mộng mị, Ngã thấy mình đối ẩm với ông chú Hoan bên một dòng sông chết. Chú Hoan là một thi sĩ đã bị vùi tên tuổi chôn đâu đó trong những tập thơ bị đốt cháy dưới sân đình ngày đó. Nhưng với những người làng ly xứ, như Ngã, chú vẫn sống theo cách của mình, đến và đi trong những giấc mơ đầy buồn, đầy thơ. Chú Hoan nói: “Ta muốn trở thành thi sĩ ca dao với những nhát cuốc xới tơi ngọn núi”. Và chú kể về những ruộng đồng, sông hồ đã đi qua. Một thanh niên sống già trước tuổi, chán đời trước tuổi, không có gì để theo đuổi, không có gì để học hỏi. Thanh niên có đôi mắt của một vực thẳm đen ngòm, mộng mị ngồi uống rượu bên bến sông. Nước sông là rượu, rượu là nước sông. Thanh niên uống cạn, uống say, ngày như đêm, đêm như ngày. Mưa, mưa từ sông rát buốt mặt mày những gã trai điên loạn. Họ trần truồng tắm trong mưa. Khi cơn say vơi, họ khát nước, những người bạn của chú Hoan dùng tay hứng những giọt nước mưa mát trong như ngọc. Và đêm hiền lành theo mưa về ngủ trong lều cỏ dựng tạm bên bờ thơm. Hôm sau, họ lại uống rượu và một cô gái điên đứng nhìn họ tắm mưa. Chú Hoan lúc đó đủ tỉnh táo để nắm tay cô, dìu cô về mái rạ, cô có một tâm hồn như cánh đồng hoang chưa ai khai khẩn. Mưa đêm đó rơi tí tách, mặt sông buồn thăm thẳm. Vầng trán người trai trẻ cũng mưa, mưa nhăn nếp trán, thả rông nỗi cô đơn giờ đây đã được vuốt ve. Mê đắm. Rã rời.
Chú ngước mắt lên nhìn Ngã: “Hãy ngồi xuống và suy nghĩ nhiều!”. Chú nói tiếp: “Cháu phải đi vào với trái tim và linh hồn - và kiểm soát để lại quần áo của bạn bên ngoài. Henry Miller đã nói như thế. Ha ha...”.
Một cơn mưa buồn trút xuống. Chú Hoan lột tấm áo chúng rách nát ra, trần truồng bước vào điệu nhảy với cơn mưa. Chú nhìn lên trời, ngửa mặt, hét to. Rồi chú ngâm nga:
em chèn giấc mơ phía sau núi đồi khuyết tuổi
mọc ngược vầngdương rớt xuốngđồng khô
những con ngựa đôi chân dài nghìn dặm
cất vó buồn bát ngát cỏ hoang
dăm ngôi nhà biết đi bằng đôi chân
khẳng khiu vẹt gỗ
chiếc áo khô mấy xuân tàn
Đất đai bao năm tháng trên người chú trôi hết và Ngã tin rằng một phần bản thể của chú ấy cũng trôi theo cơn mưa buồn. Nhưng Ngã biết chắc, chú đã mơ giấc mơ về cô gái lạ đêm ấy, dưới mái rạ, để chú làm thơ.
*
Ngã mở mắt, nàng vẫn kề bên, mắt tròn xoe nhìn Ngã. Anh đang mơ à? Anh có một giấc mơ. Những người đàn ông bước ra từ sử thi đều có những giấc mơ đẹp, giấc mơ thơ. Mùa thu năm đó, lá đổ xuống đường như than khóc cho một cuộc chia ly vĩnh cửu. Và lá đã lộ rõ ý đồ của nó khi biến thành một thảm nệm cho đám người cầm cờ đi qua và nằm dài trên đó bởi làn đạn từ những kẻ mang súng. Người còn sót lại của thảm cảnh năm ấy đang bọc lại những giọt nước mắt oán hờn của đám người tội lỗi. Người còn sót lại nhẹ nhàng lau đống hồi tưởng của mình khi đặt nó lên một tảng đá lớn cạnh dòng sông. Khi đó, những kẻ mang súng xuất hiện trên bề mặt của đống hồi tưởng, chúng cười nhăn nhó như bầy linh cẩu sắp vồ mồi. Người còn sót lại run lập cập trước những tiếng siết cò. Người còn sót lại đã đọc thơ, những lời thơ bẻ cong súng đạn. Nàng chứng kiến tất cả và dĩ nhiên sẽ nấu nước nóng, làm cỗ thật ngon mời người hùng bước ra từ sử thi. Anh ta đã đọc bài gì nhỉ? Phải lục nhật ký thôi nhưng không phải bây giờ.
Hay là anh làm thơ tặng em đi, nàng nói. Tiếc là Ngã chẳng làm được thơ như chú Hoan. Ngã ậm ừ. Nàng đi nhóm lửa, và họ có bữa tối ngon miệng. Trong lúc ăn, hình ảnh người đàn bà góa phụ năm nào chợt lởn vởn trong đầu. Ngã đã nuốt rất khó khăn những hạt lạc rang chưa bóc vỏ, quăn queo như nhũ hoa lạnh của người đàn bà tội nghiệp.
Cho đến khi tay Ngã lần cởi tấm váy áo trắng tinh của nàng và nhẹ nhàng vắt qua một bên thành giường, nàng nằm đó mỉm cười nhìn Ngã và con chó xù Nhật oái oăm kia cũng nhìn Ngã. Chó rên ư ử. Con chó sẽ không bao giờ biết đến lời thề không chạm đàn bà của Ngã. Nó được đặt ngồi trên bờ vai nàng và chút nữa thôi khi Ngã úp người xuống, nó sẽ hôn Ngã, một cái hôn của chó, đầy nước dãi và cái mùi thum thủm vô cùng bội ước kia. Ngã có ý muốn nàng đổi thế, xoay qua bên này nhé.
Quần áo Ngã đã cởi bừa xuống nền đất, Ngã cúi xuống rồi lại ngước lên nhìn nàng. Nàng thật đẹp. Làn da không một tì vết, thơm như mật ong rừng. Nàng đối lập hoàn toàn với người góa phụ tội nghiệp. Cái cho đi của Ngã về sau trở thành một ký ức đẹp hay là sự bố thí của tấm lòng lành tuổi trẻ mà người đàn bà tội nghiệp kia sẽ nâng niu trong phần đời còn lại.
Ngã như đứng trước núi đồi nhô cao vững chãi và những cánh rừng ngờm ngợp buốt mắt khi ngồi uống rượu với chú Hoan trong chiều năm đó. Ngã leo lên giường, nàng âu yếm nhìn Ngã, con chó cũng ư ử nhìn Ngã. Chút nữa thôi, Ngã sẽ tìm ra được những dòng tinh khiết của suối nguồn, và những sử thi sẽ ra đời man dại, người ta sẽ đánh trống, thổi kèn để ngợi ca. Những con chim họa mi sẽ hót bên bờ giậu đầy hoa bìm bịp để vỗ về cho những thăng hoa khoảnh khắc. Chúng đã hót véo von, bên bờ giậu với những cao độ đầy thúc giục làm Ngã phấn chấn lên. Ngã gồng mình chồm tới nàng cháy khát. Lời thề năm xưa có còn giá trị không? Đàn bà, ôi đàn bà, nghìn năm trước vẫn vậy, nghìn năm sau vẫn thế. Nàng hỏi, mây có bay về trời không anh nhỉ? Những anh hùng có phải bị thời gian cầm tù hết cả rồi không? Con chó xù Nhật phun nước dãi nhễu thành vệt xuống lông lá và tấm nệm trắng của nàng. Nó bắt đầu sủa khó chịu. Lúc đó một câu thơ gợi lên trong đầu và Ngã nhả chữ: “nỗi cô đơn khoét vách đi hoang”. Nàng cười điên dại. Thật tuyệt. Ta đã đi hoang như hồi có thể. Biền biệt bao năm rồi khuất dạng, như bức tường câm trước mặt, trong bóng tối chẳng bao giờ soi được hình dạng mình.
Ngã khựng lại, cảm thấy ngộp thở. Sự chao đảo của những bến bờ rơi xuống, lụi đi. Rồi nàng bắt đầu khóc, những giọt nước ẩm mốc len lỏi phủ xuống khóe mắt, hai bên má, qua vành tai, xuống cổ rồi lênh láng cả khuôn mặt điên dại của nàng. Những giọt nước mắt ẩm mốc khó chịu xộc lên mũi Ngã. Ngã bàng hoàng đứng nhìn nàng. Con chó xù Nhật sủa inh ỏi khắp căn phòng và những cánh chim run rẩy bay lên bầu trời mới chớm đầy xám xịt. Ngã rướn mắt ngắm thân hình nàng cong cớn mà lạnh lẽo trong giây phút ấy. Giọng chú Hoan mênh mang:
“Nhưng mà Ngã à, đừng như chú. Cháu phải biết rằng trong thân ta chứa đầy những đồ bất tịnh là đàm, mật, máu, mủ, mồ hôi, nước tiểu, phân, lông, da,... những đồ bất tịnh trên cái thân này được bao bọc bởi một lớp da. Cả nam lẫn nữ đều vậy. Cho nên Phật dạy thân này làm bằng xương, quét tô bằng thịt máu… Đàn bà con gái cũng thế, chẳng khác hơn. Rồi thân này, sẽ nằm dài trên đất, bị vứt bỏ vô thức, như khúc cây vô dụng.”
Nàng không nói một lời nào nữa, ánh mắt nhìn về phương Tây mịt mù. Rồi cái thân thể tuyệt đẹp ấy tan ra thành nước, thoáng chốc bốc hơi đi đâu mất. Chân tay và làn datrắng mịn hóa hơi lả rả thoát khỏi tấm nệm trắng. Những núi đồi và khu rừng mênh mông cũng từ giã Ngã đi. Khuôn mặt, những dải tóc bốc hơi cuối cùng hòa vào bầu trời xám xịt, lạnh lùng. Ngã mềm oặt đứng đó, bất lực trước sự ra đi như sương của nàng. Phải rồi người nàng được làm bằng xương, quét tô bằng thịt máu, mà không nàng là nước, nước bao dung, nước thật thà.
Con chó xù Nhật vẫn ngồi đó, buồn bã nhìn theo dáng hình sương khói của cô chủ. Nó đứng dậy chồm lên cửa sổ bằng hai chân trước tru những tiếng cuối cùng đau đớn. Ngã nhặt quần áo, mặc vào người rồi bước ra đường. Bờ giậu đầy hoa bìm bịp tím đã đổ tự lúc nào, chỉ còn chiếc cột gỗ đứng chỏng chơ giữa bốn bề hiu quạnh. Trời nổi giông và mưa xối xả đổ lên đầu Ngã. Những hạt mưa có mùi ẩm mốc. Cảnh tượng chẳng khác hôm nào đứng trên đồng khô làm hiến vật cho người góa phụ. Ngã nghĩ thế và chiếc lưỡi khua lên xoắn xít những giọt nước mưa giá lạnh. Ngã nhìn lên bầu trời và thấy nàng nhìn mình từ một đám mây, y như trong căn phòng đất sét. Ngã muốn hét lên, muốn bay lên để không bao giờ phải rời xa nàng trong bẽ bàng như thế này nữa. Ngã cúi xuống soi bóng mình trong vũng nước mưa, đích thị là một gương mặt nửa mùa xanh lá cỏ.
Trời nổi sấm, mưa dày hơn. Ngã bước đi dưới mưa. Trong cơn mưa tù mù, Ngã thoáng thấy hình bóng của một người đàn bà trần truồng dầm mình trong mưa. Ngã đứng im ngắm kiệt tác hoang dã của mưa. Người đàn bà vừa tắm vừa cười hơ hớ một mình, vừa quẩy tay, bắn dòng nước tung tóe bốn bề, tóc tai xõa xượi. Một cánh hoa trắng bám trên ngực. Ngã quét mắt khắp cơ thể mộng mị ấy không rời. Lần đầu tiên, Ngã chạm được vào nỗi đam mê sâu kín. Bản năng ngủ yên, chỉ có cái đẹp hoang dại kia bung vỡ. Đám mây con tròn trịa rơi xuống, mờ xóa người đàn bà trong làn trắng. Chỉ còn nghe tiếng hát trong trẻo dội lại cùng tiếng mưa:
“Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bângkhuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên”.
Ngã đã chạm được một bến bờ của sử thi. Tối hôm ấy, Ngã làm thơ rồi đánh một giấc rất trong, chấm dứt những tháng ngày phiêu bạt. Tự hứa khi tỉnh giấc, Ngã sẽ gánh đầy hai thùng nước của dòng sử thi mang về làng và kể lại các câu chuyện từ những giọt nước hóa thân người tình.
L.V.T.G
(TCSH49SDB/06-2023)
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA
Công chúa Ngọc Anh bước ra khỏi cổng chùa Thiên Mụ thì dừng bước. Gót hài hoa di nhẹ lên bậc đá dẫn xuống đường. Nàng thẫn thờ nhìn dòng Hương xanh ngăn ngắt phía dưới đang lững lờ trôi. Giây lát, đôi mắt trong veo lại hướng lên phía dãy núi điệp trùng.
TRẦN HẠ THÁP
1.
Nguyên Biệt nhô đầu lên khỏi lèn đá thì sự cố xảy ra. Gã đang mang bầu nước lấy ở suối về. Một vệt màu sậm hình vòng cung bay ra như ánh chớp.
THÁI NGỌC SAN
Cách đây mười lăm năm tôi có viết một truyện ngắn về vợ chồng ông Lâm. Truyện ấy sau khi đăng trên một tờ báo văn nghệ Sài Gòn tôi liền nhận được một lá thư của ông. Lá thư vỏn vẹn chỉ có một câu như sau: "Cậu là một thằng mất dạy!".
HOÀNG THU HÀ
Không biết ai đã đặt tên cho cái hồ này như thế. Hồ nằm cách xa thành phố khoảng chín mươi cây số, dưới thung lũng của đồi núi mọc đầy cây dương liễu. Bấy giờ đang là mùa hè phương nam, gió thoáng đãng và ẩm ướt thổi từ đại dương vào khiến sự hoang vu của hồ càng xao động hơn.
HOÀNG LONG
LTS: Tác giả Hoàng Trọng Định (Hoàng Nguyệt Xứ, sinh 1959) là một nhà văn xứ Huế ít người biết đến đã vĩnh viễn ra đi từ hai năm trước, sau khi chọn cho mình một lối sống cô độc và chết trong im lặng, với một cái tên ẩn dật trong giới cầm bút. Truyện ngắn của Hoàng Trọng Định có cách tổ chức hình tượng nghệ thuật độc đáo và khác biệt. Tác phẩm của anh là kiểu dạng của một truyện ngắn ý niệm được chuyên chở bằng lớp ngôn ngữ đẫm chất triết học.
THÁI BÁ TÂN
Các bạn thử hình dung một chuyện thế này: Có đôi trai gái yêu nhau, rất yêu nhau. Cưới xong được ít hôm thì chàng trai lên đường ra trận, để lại người vợ trẻ ở nhà một mình vừa làm lụng vất vả, vừa mỏi mòn chờ đợi.
HỒNG NHU
Mỗi lần không vừa ý tới điều gì đó, với ai đó trong nhà hay nói rộng ra là trong thiên hạ, cha tôi thường buột ra một câu nói mà nếu không phải là người làng thì không thể nào hiểu được: "Cứ như là thằng Đô"!
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Khi chàng ngồi dậy giữa bãi chiến trường ngổn ngang xác người, chàng không còn nhìn thấy gì cả ngoài một vùng đêm tối tăm nhờ nhợ. Cái thứ đen đặc rộng lớn đó đã nuốt vào trong lòng nó những tiếng giục la, tiếng hét thất thanh, rên xiết giã từ sự sống, và cả nỗi đau khốn cùng của những kẻ bị thương, vô vàn sự tiếc nuối trong cuộc tử sinh vô nghĩa.
Trên mặt đất, trong bầu trời - Trái tim xôn xao
LÊ ANH HOÀI
Cùng với tiếng loảng xoảng của cái gáo tôn trên nền xi măng khu vệ sinh, tiếng lệt xệt dép nhựa là tiếng khan khan của cô Đ “Mày dậy chưa? Gớm, con gái con lứa gì mà ngủ ngáy ghê thế. Hôm qua mày lại mơ cái gì mà tao thấy mày cứ nghiến răng kèn kẹt. Khiếp quá, đêm nằm cứ nghiến răng thế sau này chồng nào chịu nổi?”
MAI NINH
Ông ta bị giục lên xe lúc 2 giờ chiều, không kịp nói. Người đàn bà leo sau chắn ngang cửa, che mất cô gái đứng dưới đường. Giọng cô lẫn giữa tiếng người gọi nhau và trong gió lùa dưới mấy tấm tôn đập mải miết:
- Ông nhớ nằm nghỉ và thưởng thức trà nhà vua đấy.
NGUYÊN QUÂN
Lão Đạo vẫn ngồi chò hỏ, kiểu ngồi đặc trưng đôi chân trần dính kết bùn đất trên giường ruộng của nền văn minh lúa nước. Hai khuỷu tay lòi cục, trơ xương, chống tựa lên hai đầu gối cũng lòi cục trơ xương. Bốn khớp linh động tỳ lên nhau, trở thành bất động.
ĐỖ NGỌC THẠCH
Hứa Tam Giang là dòng dõi Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Giang.
NGUYỄN THỊ MINH DẬU
Thực ra mà nói, cái bức tường ngăn ấy nó chẳng có tội tình gì! Nhưng dưới con mắt của tôi thì nó lại là nguồn gốc của nỗi bất hạnh.
ĐOÀN LÊ
Cơn mưa, sầm sập đổ hồi suốt buổi chiều đó, nàng ngồi cạnh cửa sổ ngắm mưa qua làn kính. Tôi ngồi chếch phía sau ngắm nàng.
ĐẶNG NGUYÊN SƠN
Cây Đời. Cây là họ. Đời là tên. Cũng như bao loại Cây khác của dòng dõi nhà Cây trong cánh rừng nhiệt đới.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Cô ngồi trước ba máy đánh chữ, cái trước mặt màu kem đã sờn, hai cái xanh ngọc hai bên còn mới. Bàn làm việc hướng vào vách, bên phải là cửa sổ nhìn ra con đường tráng xi măng cũ gần bến đò.
VỊ TĨNH
Ngày xưa mái tóc mẹ xanh, bay trong gió làm vướng chân bao gã si tình. Mắt mẹ là một vườn quả chín, và đôi môi đỏ dù mím lại vẫn không giấu được men say chực trào ra làm chao đảo cả những trái tim sắt đá. Mẹ đã từng tự hào vì điều đó biết bao.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Nó bảo, mày và tao chơi trò âm dương cách biệt đi. Tao âm, mày dương.
Anh hỏi, để làm gì?
Thì là trò chơi, thử cho biết. Mày đeo cái mặt nạ này vào.