Tiến gấp hồ sơ lại. Trước mặt anh, cô y tá trực vẻ mặt đầy lo lắng. Bên ngoài, trời nắng to, gian phòng họ ngồi không có gió nhưng mát lạnh. Bộ phận điều hòa nhiệt độ vẫn làm việc bình thường. Bệnh viện yên tĩnh. Dường như chưa bao giờ yên tĩnh đến thế! Những cây phượng vĩ sau mấy hôm mệt lữ vì gió Lào, giờ đây đứng yên rũ bóng xuống con đường lát đá. Đột nhiên có tiếng thét. Rồi tiếng kêu và sau đó là những lời huyên thuyên. - Chị ta đấy! Giọng nhỏ nhẹ, cô y tá nói. Tiến đứng lên và bước về phía tiếng kêu. Cô y tá đi theo anh. Qua song cửa Tiến nhìn vào buồng bệnh. Người đàn bà bị điên đang nằm sấp, hai tay dập sàn sạt vào thành giường. Thấy Tiến đến chị ta ngẩng mặt lên nhìn. Khuôn mặt hốc hác, phờ phạc. Chị ta cười rú lên. Đôi mắt! Tiến sợ hãi vì đôi mắt quen quen ấy. Như không thể chịu nổi, Tiến vội vã sãi những bước thật dài như chạy trốn… Cô y tá đuổi theo Tiến: - Anh Tiến! Tiến dựa hẳn người vào hành lang nói như ra lệnh: - Cho cô ta ngủ. Tôi cần gặp người nhà của cô ta. Nói đoạn, Tiến trở về phòng. Câu chuyện của họ xảy ra cách đây đã hơn mười năm nhưng Tiến vẫn không sao quên được cô gái thanh niên xung phong đã từng yêu anh chàng ở trạm đường ống đèo 101. Anh ta tên là Nhương, quê ở thị trấn Ba Đồn. Trong hang đá đặt những bể dầu trung chuyển, Tiến và Nhương đã ăn lương khô, uống nước suối Tiên hàng tháng ròng. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ đoạn đường ống từ cây số 38 trở vào. Họ có bốn bể xăng hết đầy lại vơi, hết vơi lại đầy. Tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác họ tiếp nhận và chuyển đi… Hai người trong hang đá, đêm nào cũng kể chuyện cho nhau nghe. Chuyện của họ giống như chuyện ngàn lẻ một đêm. Thường thì không tranh luận. Một người kể, một người nghe. Đêm nay người nầy mai người khác. Tiến nhớ hoàn cảnh của Nhương không khỏi đau lòng. Trong những đêm nằm nghe tiếng chim từ quy gọi, Nhương thường bật dậy ngồi lắng nghe. Đời Nhương cô đơn ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Cậu bé sinh được tròn một ngày thì có tin bố hy sinh ngoài mặt trận… Nhương ở với mẹ hai năm rồi phải về với ông nội. Mẹ Nhương đi lấy chồng. Bố mẹ, ngày xưa gặp nhau đất khách, bây giờ mẹ Nhương đi bước nữa cũng quê người. Nghe nói mẹ Nhương sau này cũng vất vả, lận đận bên một bầy con và người chồng làm chơi ăn thật. Đến nỗi không có tiền về thăm con… Nhương bước vào học cấp ba cũng là năm giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc. Dạo đó nhà trường phải đưa học sinh sơ tán lên rừng. Thương ông bà, Nhương không đành lòng ra đi. Đã một lần cậu bé trốn học trở về nhà… ông nội Nhương khẳng khái bảo đứa cháu: - Ông mệ trốn thằng Mỹ phải ngồi hầm là điều bất đắc dĩ. Tuổi trẻ như cháu mà bỏ học để về ngồi hầm há chẳng phải hổ thẹn ư? Chiến tranh. Nhà nước đưa cháu lên rừng học cũng là sách lược “đánh vẫn đánh, xây vẫn xây” đấy cháu ạ. Tiếng ông rất đỗi ngọt ngào. Ngày hôm sau Nhương lau nước mắt ôm bọc dù đựng áo quần sách vở ngược rừng lên trường… Nhương có ngờ đâu đó là lần cuối cùng cậu bé được sống bên ông bà nội. Bữa hay tin bom đánh trúng nhà - một loạt bom tọa độ, Nhương chạy về. Lần đầu tiên trong đời Nhương thấm thía trọn nghĩa hai chữ tang tóc. Nhà đã tan rồi! Ông mệ sống chung hầm chết chung mồ. Nhương quyết tâm bỏ học. Lá đơn bằng máu thay cho một bài tập làm văn chạy suốt quyển vở dày đã làm chấn động ban giám hiệu nhà trường. Không ai cầm lòng giữ Nhương lại, đành cho cậu lên đường nhập ngũ. Thế rồi Nhương được về đèo quyết tử - tên gọi đèo 101 dạo đó, thay thế cho một chiến sĩ vừa hy sinh. Một tổ thanh niên xung phong được điều đến hỗ trợ cho việc mở đường ống mới và đưa bốn bể xăng vào hang. Trong những ngày thi công Tiến được chứng kiến một tình yêu. Nhương đã chiếm được trái tim của cô gái thanh niên xung phong nổi tiếng về sắc đẹp và có giọng hát tuyệt vời. Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, cuộc họp mặt giữa hai thứ quân được tổ chức tại hang đá. Mọi người ăn lương khô hút thuốc lá và hát… đêm đó Hiền hát một bài dân ca quen thuộc: Người ơi người ở đừng về. Nhương ngồi trên phiến đá, cặp mắt cứ nhìn Hiền không động đậy. Hiền cũng vậy, cứ nhìn vào Nhương. Cuộc vui đến hai giờ sáng thì mọi người lăn ra ngủ. Đêm, bên ngoài cửa hang ánh trăng chiếu sáng vằng vặc. Núi rừng như được một lớp thủy ngân bao phủ. Thỉnh thoảng có một đợt gió ào qua, lùa vào hang như nàng tiên dưới suối mang hơi nước đến. Trong tiếng gió ấy vẳng lại tiếng người… Tiến mở mắt nhìn sang chỗ Nhương. Chiếc màn dạt về một phía, không thấy Nhương đâu cả. Có lẽ có một đám mây vừa lướt qua. Ánh trăng đột nhiên mờ ảo. - Đừng… em van… Tiếng người con gái yếu ớt như đang rạn ra từng mảnh. - Anh thề… Người con trai nói, giọng quả quyết. Tiến khẽ mỉm cười. Anh xoay người nằm nghiêng và ấn tai vào chiếc gối. Một cánh tay Tiến đưa lên bịt nốt tai còn lại. Chẳng biết thằng Nhương đang thề cái gì? Chuyện ấy sớm được lãng quên. Hiền ra lại đường mười, tiếp tục phá đá mở đường. Thỉnh thoảng Hiền lại lên hang. Hiền lên một mình, khi về đã có Nhương bên cạnh. Những lúc ấy, Tiến thường vác súng đi kiểm tra đường ống… Một bữa Tiến quay về, gặp Hiền vừa đi ngược lại vừa khóc. Tiến xộc vào hang, Nhương giật mình ngẩng đầu lên. Tiến không nhận ra Nhương nữa. - Sao cậu như ma chết trôi thế kia? Tiến thốt lên. Hai người ngồi đối diện nhau. Nhương nhìn Tiến và lập tức quay mặt để tránh cái nhìn ngược lại. Một lúc sau, Nhương khẽ nói giọng đượm buồn: - Tiến thông cảm cho… mình bồng bột… - Chuyện gì mới được chứ? Nhương cúi đầu, ngón chân dí trên mặt đất. Tiến thấy khuôn mặt Nhương như biến sắc. Một chuyện rất quan trọng. Tiến chuyển sang ngồi gần Nhương hơn. Sau những phút im lặng, Nhương bỗng nói: - Tiến ạ, điều kiện này không thể để Hiền sinh nở được. Đành phải … - Sao? Cậu bàn với Hiền phá thai à? Tiến hỏi như đánh trả lại những tiếng nói rất rõ ràng của Nhương. - Ừ! Nhương nói thêm - Tôi xin chịu kỷ luật! Tiến nổi cáu: - Kỷ luật… con khỉ! Kỷ luật rồi cậu liệu có cứu được đứa bé kia không? Đằng nào cũng phải mẹ tròn con vuông cái đã… Để xoa dịu thần kinh đang căng như dây đàn. Tiến xách súng đứng dậy. Anh bảo Nhương: - Chuyện đó, tính sau. Đã đến giờ tuần tra! Thực tình Tiến muốn Nhương gặp lại Hiền. Chắc chắn trên một đoạn đường ống nào đó, Hiền đang ngồi để đợi phiên gác của Nhương. Câu chuyện vừa rồi đang dở dang… Cái gì dở dang là không ổn. Một cô gái lâm vào hoàn cảnh như Hiền thì không thể đưa đôi mắt đỏ hoe về đơn vị. Sau khi Nhương ra khỏi hang, Tiến bắt đầu lần mò kiểm tra hệ thống bể chứa. Chợt Tiến sững lại, trước chiếc đồng hồ báo áp suất bơm… Áp suất bị tụt xuống quá mức quy định. Nguy rồi! Có một đoạn ống bị vỡ. Tiến vội vàng quay máy nói, báo về Tổng kho. Van bể được mở ra: van đường ống được đóng lại. Tiến ra khỏi hang và đi ngược lên phía trước. Khẩu súng vang lên những tiếng nổ cấp báo. Từ bên kia đèo có những tiếng nổ khác đáp lại. Nhương đã có mặt chỗ đường ống bị vỡ! Hẳn cậu ta đang tìm cách bịt chặt đường ống và đợi Tiến đến. Chợt Tiến đứng sững lại. Máy bay! Rầm rầm… một loạt bom tọa độ đánh xuống bên kia đèo. Những cột khói khổng lồ trùm lên và mảnh bom rơi lộp độp. Lá cây lả tả bay. Tiến nhoài người, nâng khẩu súng bắn tiếp một loạt đạn nữa. Không gian im lặng đến cháy lòng. Nhương không trả lời, có nghĩa là … Mới thoáng nghĩ đến đó, Tiến thấy mọi vật xung quanh quay cuồng, chao đảo. Mặc dù lấy hết sức bình sinh vượt lên đèo, Tiến vẫn nghe hai bàn chân nặng trịch. Con đường ống như cứ dài ra trước mắt anh… Đêm đó thi hài Nhương được đưa về hang đá. Trên một tấm đá bằng phẳng, Nhương nằm như đang ngủ đầu quay về phía đông. Đồng chí chỉ huy trưởng rút một lá cờ đỏ phủ lên mặt anh. Mọi người không ai cầm nổi nước mắt khi nghe Tiến đọc lời vĩnh biệt. Lễ mai táng bắt đầu… Một tổ thanh niên xung phong đứng thành từng những bậc thang lấy đất dưới cửa hang đắp cho Nhương một ngôi mộ nổi. Ngôi mộ nằm sau một ụ đá nhỏ cao vừa đầu người. Ụ đá như một tấm bia. Mấy hôm sau, Tiến dùng con dao găm “năm tác dụng” đẽo gọt ụ đá thành hình người. Phải mất một thời gian khá dài, Tiến mới hoàn thành được đài kỷ niệm ấy. Từ ngày Nhương hy sinh, Hiền vẫn lên hang đá đều đặn. Buổi sáng, cô ngắt những bông hoa rừng tươi mát nhất đem đến cắm bên chân tượng đài. Những hôm trời mưa, Hiền vẫn tần tảo kiếm bằng được những loài hoa ấy … Bên mộ Nhương, Hiền như cánh bướm tìm được nguồn mật dâng lên từ lòng đất. Chính trong những phút giây đó trái tim cô gái được an ủi bởi hình ảnh Nhương đang thật sự sống dậy trong cô. Hiền quyết định giữ lấy giọt máu của Nhương. Thế rồi trong một buổi chiều mở tuyến, Hiền đã sinh… Thông cảm hoàn cảnh của cô, ban chỉ huy tuyến giải quyết cho về địa phương với đầy đủ các giấy tờ. Trong đó, Hiền được cấp một tờ giấy đăng ký kết hôn với người đã khuất. Tờ giấy không có chữ ký của người chồng…
Vào một buổi sáng, sau một thời gian xa vắng Hiền bồng con lên thăm mộ Nhương. Vừa bước vào cửa hang Hiền nhận ra sự vắng mặt của Tiến. Hang đá lạnh lẽo và lặng ngắt. Bốn bể xăng nhô lên hình bán nguyệt, bụi bám một lớp dày. Một bầy dơi nghe động hốt hoảng bay vào ngách đá. Treo mình trên ấy, chúng bật lên những tiếng kêu như cố tình dọa dẫm hai mẹ con người đàn bà lạ. Hiền đứng nhìn quanh và chợt hiểu vì sao chiếc đồng hồ áp suất không báo. Bếp lửa trong ngách đá kia thôi không reo. Mọi vật trong hang núi như đang đóng thành băng… Đi thêm mấy bước, mắt Hiền như bị thôi miên trước một con người đứng im, chiếc mũ cứng đội trên đầu và băng đạn đeo kín ngực. Chỗ này trước kia là “tượng đài” kỷ niệm của Tiến kia mà? Hiền cố ghìm chân để đứng thêm một lúc và quả quyết bước tới. Mộ Nhương và “tượng đài” vẫn đó. Đồng đội của anh trước lúc ra đi đã gửi gắm nơi anh hình ảnh người lính gác mãi mãi canh giữ cho cuộc đời… *** Sau hiệp định ngừng bắn năm 1973. Tiến rời Trường Sơn. Ngày chưa nhập ngũ, Tiến có giấy gọi vào trường y. Bây giờ Tiến lại tiếp tục bước vào giảng đường sau những năm lăn lộn trên chiến trường. Suốt trong quãng thời gian hơn mười năm anh không hề gặp lại Hiền. Tuy vậy, qua những người thân quen, anh được biết vài nét sơ lược về người phụ nữ ấy. Hôm nay bỗng nhiên gặp lại Hiền, Tiến không còn tự chủ được lòng mình. Anh đã từng tiếp xúc rất nhiều bệnh nhân tâm thần - kể cả những cô gái rất trẻ, nhưng chưa bao giờ họ làm cho lòng anh phải run lên. Với tư cách người thầy thuốc, lẽ ra phải ngồi lại thì anh bước vội về phòng mình, bước như chạy… Không! Có lẽ nào Hiền lại điên? Một con người đứng trước mộ Nhương. Mắt ráo hoảnh răng cắn chặt vào môi lại có thể loạn trí? Bao nhiêu năm trôi qua, vết thương lòng đang được cô gái hàn gắn bằng hạnh phúc thực tại, với ba đứa con, một ngôi nhà ấm cúng. Thế thì sao Hiền lại điên? Câu hỏi lặp lại không biết bao lần trong đầu óc Tiến. Anh nhớ ngày trước, mỗi lần bức xúc, Hiền thường chạy xuống rửa mặt ở suối Tiên… Những lần như vậy, Nhương thường phàn nàn: người mà chi lạ, giận là bỏ đi. Không biết câu chuyện ngày xưa ấy có quan hệ gì đến bệnh trạng hiện nay của Hiền? Tiến tự hỏi lòng. Bất giác, anh quay sang người chồng đang đứng tựa lưng vào cửa sổ. Liệu anh ta có biết hay đó là chuyện riêng của Hiền? Đã là chuyện riêng thì mình cũng phải tôn trọng… Tiến nghĩ vậy và hỏi khéo: - Hình như anh và chị ấy vừa qua có sự xung đột phải không? - Không! Thưa bác sĩ hoàn toàn không… Chúng tôi sống rất hạnh phúc. - Nghĩa là cơn điên của chị ấy bộc phát. - Vâng! Anh ta trả lời xong, vẻ mặt trở nên bối rối. Tiến nhận ra điều đó và khẽ thở dài: - Căn bệnh gì cũng có nguyên nhân của nó. Tìm được nguyên nhân mới hy vọng cứu chữa… Câu nói của Tiến như kéo những nếp nhăn trên vầng trán của anh ta giãn ra. Môi anh ta mấp máy, hai khóe miệng giật liên hồi. Nhưng rồi tiếng kêu thét của người vợ đang vọng lên kịp ngăn anh ta lại. - Cô ta gọi gì vậy? Tiến hỏi và im lặng lắng tai nghe. - Một người không quen biết! Người chồng trả lời và mở cửa bước ra ngoài. Cô y tá chạy xộc vào, vừa thấy Tiến cô ta nói ngay: - Chị ấy lại lên cơn… Anh Tiến! Kỳ lạ vô cùng. Cô ta lắc chiếc cằm ngắn và đầu hơi động đậy: - Không gọi chồng cũng chẳng gọi con. Suốt thời gian lên cơn cứ kêu tên một người không có trong gia phả. Tiến như bật dậy: - Ai thế? Người ấy tên gì? - Nhương! Anh nghe không, chữ Nhường bỏ dấu huyền… Tiến ngồi phịch xuống ghế hai tay ôm lấy thái dương, miệng Tiến lắp bắp: - Hóa ra… - Anh Tiến! Anh làm sao thế? Cô y tá hỏi dồn dập. Tiến lắc đầu: - Không! Tôi hơi choáng… Đêm hôm đó, Tiến không tài nào chợp được mắt. Anh nghĩ về người đồng chí của mình. Nhương ơi! Cậu hãy yên nghỉ đừng khuấy động thần kinh người con gái ấy. Cô ta bây giờ là bệnh nhân của mình… Cô ta đang vật vã, đang gọi cậu đấy! Cậu có nghe không? Tiến chợt nghe bên ngoài đang có ai đi đến. Ai thế nhỉ? Hay là Hiền lại lên cơn, lại kêu gào và lại khóc. - Bác sĩ! Bác sĩ Tiến… có tiếng người khe khẽ gọi. - Ai đấy? - Tôi! Tiến bật công tắc. Ánh sáng trong căn phòng bừng lên. Chồng của Hiền bước vào. - Xin lỗi bác sĩ, tôi có câu chuyện riêng. Lại chuyện riêng của người chồng, Tiến thầm kêu lên. Mỗi người đều mang cái riêng ấy thì không thể gọi là hạnh phúc! - Bác sĩ ơi, tôi có một câu chuyện này… Tôi làm nghề thợ rừng. À, bác sĩ có biết cây số 38 không? - Đường mười hả? - Phải! Anh ta kể lại rằng chuyến đi rừng vừa rồi, anh ta đã đặt chân lên đèo 101. Trong khi hạ thủ một gốc cây, anh ta phát hiện chiếc hang đá và bốn bể xăng. Bốn bể xăng tuy đã vơi cạn, nhưng giữa lúc nhiên liệu hiếm hoi này thì giá cả của bốn “đáy” bể ấy không phải là nhỏ. Người thợ rừng xem đó là của trời cho và tính chuyện làm giàu. Anh ta nghĩ cách làm ăn nhỏ giọt và lâu dài. Cứ mỗi chuyến đi, mang theo một chiếc can sắt đựng hai mươi lít… Anh ta đã làm được mấy chuyến liền. - Xăng đâu mà anh bán cho xe khách tư nhân nhiều thế? Hiền lo lắng hỏi chồng, khi thấy anh đếm tiền. - Xăng trên rừng… - Của ai vậy? Người ta không bảo vệ à? Hiền vẫn hoàn toàn vô tình trong câu chuyện. Người thợ rừng lắc đầu: - Không! Một lát sau, anh lại nói: - Sao lại không? Có một người gác đã hóa đá… Anh ta cũng đội mũ, cũng quàng súng nhưng chỉ là bức tượng đá. - Trời ơi! Hiền kêu lên. Chuyện đơn giản thế thôi - Người thợ rừng tiếp tục, nhưng suốt đêm hôm đó vợ anh luôn giật mình. Cô ta ngồi dậy nhìn anh rồi lại nằm xuống không biết bao nhiêu lần, tâm thần cô ta hoảng loạn. Kêu rằng lửa cháy ở trong lòng; lửa nung thịt da từng mảng. Có lúc cô ta kêu: Đừng anh… rồi lại khóc. Tiếng khóc nghe ai oán và ngậm ngùi. Cặp mắt cô gái chứa đầy sự sợ hãi. Đang ngồi đột nhiên cô ta giơ hai tay lên trời: Anh Nhương, đừng bắn em! Em không có tội. Em bị oan… Nhưng cũng có những giây phút cô ta tỉnh táo. Những giây phút đó đáng sợ hơn hàng trăm lần cô ta điên. Những thứ mà anh chồng vừa sắm được bằng tiền bán xăng, cô ta dùng hết sức lực đẩy ra khỏi nhà. Anh ta kể như những lời thú tội. Tiến đã hiểu tất cả… - Vợ anh điên nhưng rồi sẽ tỉnh; Còn anh - anh là một kẻ điên… Tiến nhìn thẳng vào mặt anh ta với một vẻ lạnh lùng. - Thưa bác sĩ.. Một câu chuyện đơn giản chỉ có thế thì làm sao mà vợ tôi điên được? Tiến cau mày giọng hạ xuống: - Không đơn giản như anh lầm tưởng đâu. Máu và nước mắt anh hiểu không? Chẳng lẽ anh lại không hiểu một chút gì về chuyện riêng của cô ấy? - Cô ta đã một đời chồng! Anh ta hy sinh rồi. Thưa bác sĩ. - Anh đã thấy anh ta sao lại bảo anh ta đã hy sinh? Tiến nói, mắt nhìn lên bóng mình in trên tường. Người chồng ngạc nhiên hỏi lại: - Ai kia? - Người gác kho xăng ấy. Anh ta là một người lính sau chiến tranh chưa trở về. Người thợ rừng kêu lên: - Bác sĩ, bác sĩ… Như một thân cây bị bật rễ, anh ta gục mặt trên bàn. Tiến nhìn anh ta và như nói với người bạn cũ: Anh ta bắt đầu lên cơn điên rồi đấy. Cái mà anh ta gọi giản đơn chính là cái mầm của tội ác. Bỏ mặc anh ta trong phòng, Tiến bước ra hành lang mở phanh cúc áo ngực. Anh nghe trong lòng mát rượi. Một cảm giác hoàn toàn êm dịu đang dâng lên… *** Vào một ngày đầu thu, sau khi ra bệnh viện Hiền và Tiến lên thăm hang đá cũ. Hiền ôm trong cánh tay một bó hoa lớn, đủ màu sắc, Tiến cầm hương. Đi giữa hai người là một đứa bé mặc đồng phục màu xanh. Lên đến cửa hang họ dừng lại. - Ai? Có tiếng người quát hỏi. Một đồng chí bộ đội hiện ra trước cửa hang. Tiến khẽ chào và nói: - Báo cáo anh, chúng tôi lên thăm mộ… Anh bộ đội dẫn hai người vào hang. Chiếc hang như mở rộng cửa đón họ. Hiền và Tiến cùng đứng sững lại trước bức tượng. - Anh Nhương đấy! Hiền thì thầm. - Cậu ta vẫn gác. Tiến đưa tay lần theo từng đường nét anh tạo dựng hồi nào và khẽ thốt lên. Anh bộ đội nhìn Hiền đang cúi xuống trước ngôi mộ. Hiền đặt bó hoa xòe như cánh quạt. Vẫn những cánh hoa tươi mát như ngày nào… Đồn 119 tháng 6-1983. Đ.D.T (3/10-83) |
QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.
ĐÀO DUY HIỆPNgày xưa có một chàng trai rất lịch sự. Anh thường có nhiều khách đến nhà chơi.
TRẦN THỊ TRƯỜNGCái tin đám ma ông S chỉ có chiếc quan tài rỗng dù dấu kín đến mấy cũng cứ lan đi. Mấy "nhà báo trẻ" cứ nhớn nha nhớn nhác muốn gặp thân nhân phỏng vấn, ghi hình nhưng nhìn thấy cái vẻ lãnh đạm của H. bác sĩ quân y, con trai ông, liền co cả lại.
NGUYỄN HỮU THÔNGChao ơi? Xin chào Thầy, lâu ngày ghê.Tôi lúng túng một hồi mới nhận ra cô Sen. Trước mắt tôi bây giờ là một thiếu phụ với nụ cười tươi, rạng rỡ, nhưng vẫn không làm phai đi trên khuôn mặt gầy những vết hằn khốn khó.
ĐOÀN LÊ Tặng anh tôi Anh làm khoa học, tôi là diễn viên nhà hát. Riêng điều đó đã không hợp nhau. Nhưng tuổi trẻ không chịu nghĩ chín chắn, chúng tôi cứ yêu nhau bất chấp mọi giông bão ở cả hai phía gia đình.
NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.
LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.
NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.
ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.
HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.
TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.
THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn” Trịnh Công Sơn
THÁI KIM LAN(tiếp theo)
NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...
VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.
I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.
Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...
Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.
Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.
Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.