NGUYỄN HỮU SƠN
Trong giới hạn cụ thể, có thể xác định tương quan phê bình và sáng tác trên địa bàn xứ Huế như một vùng văn hóa và trung tâm phát triển Thơ mới tiêu biểu trong cả nước, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa hoạt động phê bình Thơ mới trên Tràng An báo như một hiện tượng “người đương thời Thơ mới xứ Huế tiếp nhận Thơ mới xứ Huế” (chưa bàn đến các tác giả Thơ mới ở hai miền Bắc và Nam đất nước).
Tràng An Báo 1939 - số 408 - Ảnh: baochi123.info
Ra đời vào giai đoạn báo chí phát triển mạnh mẽ, Tràng An báo (số 1, ra ngày 1/3/1935) - sau này còn được định danh là Tràng An, Tràng An (Tập mới), Tràng An (Bộ mới), Tràng An (Mới) - đã mau chóng nhập cuộc hoạt động truyền thông nói chung cũng như gắn kết chặt chẽ với phong trào Thơ mới. Tòa soạn báo đặt tại Nhà in Đắc Lập, số 43 đường Paul Bert (Huế), từ tháng 7/1942 chuyển về số 2, rue Bobillot. Tràng An báo do doanh nhân Bùi Huy Tín (1876-1963) sáng lập và làm chủ nhiệm (bà Lucie Saillard làm chủ nhiệm từ tháng 7/1942) và nối dài cho đến cuối năm 1945; chủ bút và thư ký tòa soạn là các ông Phan Khôi, Lê Thanh Cảnh, Hoàng Thiếu Sơn, Nguyễn Đức Phiên (Hoài Chân)…
Trước hết, Tràng An báo và Thơ mới trên Tràng An báo xuất hiện sau sự khởi đầu phong trào Thơ mới (tháng 2/1932) chừng ba năm gắn với tên tuổi các tác giả (thống kê theo thời gian xuất hiện): Nam Trân, Bửu Kế, Q.U, D. Loilfinne, Đỗ Huy Nhiệm, Ph., Hạnh Sơn Trần Quốc Trinh, Trà Ngân (Lê Ngọc Vượng), Dương Phủ, Như Thao, Phạm Ngọc Doãn, Hoàng Sơn, Gia Xạ, Kiêm Thu, Nguyễn Hữu Quế, Mộng Huyền, Kim Phượng, Song Nhất Song, Nhạc Lang, Nguyễn Anh, D.V.D, Kỉnh Chi, Hoài Sơn, Dã Hạc, Duy Từ, Đình Quang Hoàng Liệu, T.B, Văn Nghĩa, Vân Khanh, Anh Triệu, Văn Tịnh, Nam Xuyên, Quật Đình, Nhược Thủy Lương Khanh, Triệu Khanh, Như Không, Mộng Di, Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng, Phục Thần U.L, Mme I.M, Bàn Lãnh Phan Thanh Thừa, Hàn Mặc Tử (di cảo), Nguyễn Hạnh Đàn, Tế Hanh, v.v. Có thể thấy hầu hết các tác giả là người xứ Huế, hoặc đã nhập tịch xứ Huế, thành danh trên đất Huế, một số cộng tác viên thuộc các tỉnh miền Trung (Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định…) và số nhỏ thuộc hai đầu đất nước (Hà Nội - Sài Gòn)… Về phía các cây bút phê bình có thể kể đến (xếp theo thời gian xuất hiện): Phan Khôi, Hoài Thanh, Đức Ninh, Lâm Toại, Đại Lượng, Lưu Trọng Lư, Lưu Kỳ Linh, Đức Ninh, Chương Đài, Nguyễn Huy Nhu, Ngô Hữu Thời, Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng, Trần Thanh Mại, Lệ Khanh, Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Địch, Xuân Phương, Thanh Địch, Xuân Tâm, Ứng Sơn, Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Thống, Hà Xuân Tế, Minh Châu, Nguyễn Văn Thư, Bắc Hà, Long Thành, Hương Giang, Phố Xuyên, Ngô Việt, Hoàng Diệp, Vương Lập Nguyên, Tài Xuyên, Bùi Tuân, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Quách Tấn, Bửu Đồng, Đỗ Hữu Phú, v.v.
Theo thời gian, Nam Trân (1907-1967), quê gốc Quảng Nam, trong khoảng thời gian 1930-1945 từng giữ chức Tham tá tòa Khâm sứ, Tá lý và Thị lang Bộ Lại tại Huế, ngay khi Tràng An báo ra số đầu tiên đã có thơ và xuất hiện liên tục với các bài Trước chùa Thiên Mụ, Huế, mùa hạ I, Chôn hoa, Khóa xuân, Hái hoa hồng, Cảnh quê,… tạo nên một cơn “sốt thơ”. Độc giả đương thời thực sự hứng khởi, say mê lối thơ trữ tình tân kỳ của ông. Khả năng chinh phục và sức cuốn hút của thơ Nam Trân mạnh mẽ đến mức tòa soạn hoan hỷ quảng bá trên nhiều kỳ báo: “Sau này bản báo sẽ mở một cuộc thi lớn mà trong đó có một đầu đề thi quan hệ về thơ Nam Trân. Vậy, ai muốn dự cuộc thi ấy nên cắt bài thơ Nam Trân trong mỗi số mà giữ lại, phòng khi sẽ phải gửi những mảnh báo có thơ Nam Trân ấy cho Bản báo mới được dự cuộc thi ấy chăng”(1).
Đương thời thơ Nam Trân đã được nhà khai sáng phong trào Thơ mới Phan Khôi (Ngọa Du Nhân) chào đón, bình điểm trên báo Sông Hương (1936), kịp đến khi xuất bản thành tập Huế, Đẹp và Thơ (1939) lại tiếp tục được Tản Đà nhận xét, góp ý và ngay sau đó được Trần Đằng tổng thuật, xác định: “Tập Huế, Đẹp và Thơ của Nam Trân trước khi ra đời đã được văn sĩ Phan Khôi chú trọng. Năm 1936, trên tờ báo Sông Hương, chúng ta đã được thấy bài phê bình của ông Phan. Kịp đến lúc tập thơ ấy xuất bản, ông Tản Đà cũng góp lời phê phán. Điều đáng chú ý là hai bực cự nho đều đồng thanh khen ngợi thơ Nam Trân về nhạc điệu và cũng đều đồng thanh trách ông Nam Trân “chưa dụng công về vần”. Dưới đây, chúng tôi xin đăng hai bài của hai ông Nguyễn Khắc Hiếu và Phan Khôi và nhắc lại lời của ông Nam Trân thay lời kết luận (…). Kết luận - Lời của ông Nam Trân: Trong một buổi nói chuyện với ông Nam Trân, chúng tôi có hỏi ý kiến ông về “Vần”. Tươi cười ông nói rằng: “Ông Chương Dân và ông Tản Đà trách tôi không dụng tâm về vần, lời trách ấy thật xác đáng. Nhưng xin thú thật, đối với thơ, tôi trọng nhất là nhạc điệu, thứ hai là ý tưởng, thứ ba là vần. Có lẽ vì thế mà tôi không phải là một thi gia, nhất là một thi gia theo luật thơ chuyên chế đời Đường”(2)… Ngay sau đó, bình giả Ứng Sơn giới thiệu và đánh giá cao tập thơ trước hết ở sự gắn bó với xứ Huế: “Bây giờ tôi lại được đọc tập Huế, Đẹp và Thơ của Nam Trân thi sĩ vừa mới xuất bản. Từ Cô gái Kim Luông cho đến Trên Núi Ngự, đem hết vẻ đẹp của Huế miêu tả ra một bức thiên nhiên tuyệt diệu, khiến người đọc đến mà tưởng tượng được cảnh vật Đế đô thanh kỳ yểu điệu đến thế nào… Nam Trân đã cho ta thấy cái tuyệt mỹ của Huế, đã đánh thức tâm hồn ta và đưa ta vào cái cảnh đẹp như mơ ấy một cách nhẹ nhàng êm ái, và hơn thế nữa, Nam Trân đã họa một bức tranh 100% Huế. Tôi còn biết nói gì về bài thơ này nữa. Tôi chỉ nói một tiếng, một tiếng mà thôi: Tuyệt!”; đồng thời với việc nhấn mạnh sắc thái thẩm mỹ và chất trữ tình: “Đọc qua các đoạn trên ta đã biết thi tài của nhà thi sĩ ấy rồi, cái thi tài ấy đã đưa Nam Trân vào một địa vị khả quan trong thi giới mà tập Huế, Đẹp và Thơ quả là một bức tranh gồm có những “cảnh đẹp như mơ” của Huế. Bây giờ, nếu cần phải hạ một lời phê bình vô tư, thì tôi không còn ngần ngại gì mà nói rằng: “Nam Trân là một thi sĩ chuyên về lối tả cảnh, tả cảnh một cách tuyệt mỹ”(3)… Tiếp đó Từ Lâm (Nguyễn Xuân Nghị) trong tư cách bạn bè thêm một lần tỏ lòng mến mộ, bình giảng cái hay cái đẹp của thơ Nam Trân và gợi nhớ, so sánh với nguồn thơ Mạnh Hạo Nhiên (689-740) và Alphonse de Lamartine (1790-1869)(4).
Nhà thơ Phan Văn Dật (1907-1987) sinh tại phủ An Thường công chúa, xóm Xuân An, làng Phú Xuân (nay thuộc phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế; quê gốc tỉnh Quảng Trị), sau khi in tập thơ Bâng khuâng (1936) đã được nhà phê bình Hoài Thanh phân tích, bình giảng kỹ lưỡng, ghi nhận những mặt mạnh về cảm xúc, tứ thơ, hình ảnh thi vị: “Ông Phan Văn Dật cách đây không lâu có ra một quyển truyện đề là Diễm Dương trang. Tôi đã có dịp nói ý kiến của tôi về quyển truyện ấy. Vừa rồi lại được xem quyển Bâng khuâng, một tập thơ ông mới xuất bản. Xin nói ngay rằng quyển Bâng khuâng có giá trị hơn quyển Diễm Dương trang nhiều, mặc dầu một tập thơ và một quyển truyện không thể so sánh với nhau được… Trong làng văn, ông Dật thuộc về phái thanh niên. Nhưng có lẽ ông chỉ thanh niên vì tuổi ông. Còn thơ của ông thực không thanh niên một tí nào. Trong lúc một luồng không khí trẻ trung thúc giục người ta hăng hái thoát ly ra ngoài sự ràng buộc của gia đình, ông Dật đã dám ca tụng cái tình cha con, anh em; sách của ông, ông đề tặng song thân, tưởng ngày nay cũng là một điều ít có. Những điều ông mơ ước cũng giống hệt những điều mơ ước của các cụ ta ngày xưa: một cuộc đời bình dị và chất phác ở nơi thôn dã”; đồng thời cân bằng góp ý với những giới hạn, sự đơn giản, yếu kém: “Thơ của ông có giọng buồn, chán, ghét thị thành, ghét cả cuộc đời hoạt động (…). Ông Phan Văn Dật đã tránh được sự lố lăng. Thơ của ông có vẻ tự nhiên. Được thế cũng vì ông khéo chọn những đề phần nhiều chung cho xưa nay, khéo suy diễn những thường tình trong lòng người: tình đối với cuộc đời, với núi non hoa cỏ, tình yêu người đàn bà đẹp, tình thương kẻ đau khổ, kẻ nghèo nàn. Thơ của ông không rực rỡ, không réo rắt, không hùng tráng; ông chỉ tả những mối tình nhẹ nhàng, kín đáo, âm thầm và tả khéo. Ông say sưa vì vẻ đẹp thoáng qua trước mắt. Tập thơ của ông cũng là một hòn ngọc có vết, có nhiều vết... Ông dễ tính quá. Chỗ này là chỗ tôi trách ông. Hình như ông Dật không chịu trau dồi gọt dũa câu thơ của mình. Có khi ta đọc cả đoạn thơ đương hay bỗng vấp phải một câu một chữ không sao đọc đi được. Xem thơ gặp những lúc ấy thật bực mình. Tưởng ông nên bỏ bớt, nên sửa lại thì hơn”(5). Những nội dung này sau được Hoài Thanh toát yếu đưa vào sách Thi nhân Việt Nam, 1932-1941 (1942)…
Trong bài viết có tính tổng hợp thơ xuân, nhà phê bình Trần Thanh Địch quê Huế bình điểm thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp và thơ Phan Văn Dật:
“Đi cạnh Xuân Diệu, ta hãy nghe Phan Văn Dật bâng khuâng với những nỗi buồn xuân tha thiết:
Vừa mới đông qua, xuân mới về,
Nắng hè gay gắt đuổi xuân đi!
Thôi còn đâu cảnh xuân êm dịu,
Hoa nở, trời trong, bao vẻ thi?...
(Buồn xuân)
Mùa xuân với Phan Văn Dật là cuộc ái ân phơi phới đầu mùa của một đôi nhân tình đang tha thiết yêu nhau. Trong lúc say sưa với tình yêu, không ai có thể cứ thản nhiên trọn hưởng tình yêu hiện tại. Bao giờ trong óc mỗi người cũng còn nghĩ đến một giờ phân ly sẽ ngẫu nhiên xảy đến. Hơn nữa, người ta cứ luôn luôn sợ hãi cái “rồi đây”.
Cũng như tuổi trẻ, trẻ để có già; xuân đến, đến để có đi. Buồn xuân, cũng như những thơ khác của thi sĩ, ta thấy đầy rẫy những tình cảm mến tiếc, những bâng khuâng luyến ái, chập chờn lẩn quất trong ý, trong câu. Đọc văn thơ của các thi sĩ, có khi ta buồn chết dạ, có khi buồn tê tái, có khi buồn rười rượi, có khi buồn man mác, có khi buồn bâng khuâng. Phan Văn Dật đã làm lòng ta lảo đảo theo thứ buồn mơn trớn sau cùng ấy. Hai câu đầu tiên của Buồn xuân đọc đang xuôi, đệm ngay liều xuống: “Thôi còn đâu cảnh xuân êm dịu./ Hoa nở, trời trong, bao vẻ thi?” làm thấm vào lòng người đọc một ý mến tiếc buồn rầu. Với ý mến tiếc buồn rầu ấy, Phan Văn Dật cảm xuân đã tả những nét uyển chuyển, nhẹ nhàng, dễ thương quá. Người ta có cái cảm tưởng kính trọng, chỉ muốn nâng niu lên đôi tay như một viên ngọc quí”(6).
Đương thời các tác giả Thúc Tề (1916-1946), quê ở làng Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang; Nguyễn Đình Thư (1917-?), quê làng Phước Yên (nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền), in thơ trên nhiều báo khác (Công luận, Ngày nay, Hà Nội báo, Văn học tạp chí, Mai, Dân quyền, Đông Dương) nhưng không thấy in thơ và cũng không được nhắc đến trên Tràng An báo(7)…
Riêng Mộng Huyền - Ngụy Mộng Huyền (1919-1997), quê ở thành phố Huế, trong thời gian 1936-1945 có in chí ít 8 bài thơ (Tôi muốn thấy, Hãy trông, Đọc “Khói lam chiều”, Bóng cây dâm mát, Vì thế, Ngẩn ngơ sầu, Tỉnh ngộ, Trở về vườn cũ) nhưng không thấy ai viết bài phê bình, giới thiệu. Khác biệt hơn, Tôn Nữ Thu Hồng (1922-1948), quê làng Thần Phù (nay thuộc phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy), có xuất bản tập thơ Sóng thơ (1940) và in thơ trên báo Thanh niên (1944) nhưng đã sớm được H.X.G giới thiệu trên Tràng An báo:
“Tôi xin thú thật rằng đối với những tập thơ mới xuất bản của nhiều thi sĩ thanh niên ta ngày nay, ngoài một vài người tôi đã quen làm bạn, như ông Thế Lữ, ông Lưu Trọng Lư, ông Xuân Diệu, ông Huy Thông, ông Thái Can, ông Huy Cận, v.v, tôi thấy tôi lo sợ mỗi khi tôi cầm một tập thơ mà xem. Lo sợ mà lại thấy lạnh lùng nữa. Không phải là tôi thờ ơ với thi ca mới cũng không phải là tôi yên trí rằng nhiều thi sĩ thanh niên ngày nay không có biệt tài trong sự làm thơ (…). Đối với quyển Sóng thơ mới ra đời, trước hết tôi cũng lạnh lùng như vậy. Tôi cầm tập thơ nhỏ xinh kia, lật những trang giấy nhanh chóng, rồi tự nói: Lại một tập thơ mới. Lại thi sĩ nữa ra đời. Mà là một nữ thi sĩ, ở Đế Đô, một người trong Hoàng phái... Rồi tôi xem qua cũng nhanh chóng như thế thấy câu hay, câu không hay; nhưng không để ý lắm. Chẳng khác lúc đi qua một vườn hoa của người xa lạ nhìn vào để ngắm cảnh rồi thản nhiên trong giây lát đã bước qua vườn hoa ấy, và đôi mắt đã đưa nhìn khúc đường xa lạ khác (…).
Sự tan tác không phải tấm lòng của cô; chỉ là bao mộng đẹp mà thôi. Khối tình cô khéo đa mang, chỉ là “Cái tình vô hạn”, một mối tình mênh mông bát ngát, nó không chung đúc vào một người, một vật nào, có thể làm đau đớn gắt gao được.
Vì vậy cho nên một tấm yêu,
Lui không nẻo bước, tới cam liều.
Khi yêu nào nghĩ xa xôi nữa,
Mà khổ tình thêm cũng rất nhiều!
Đối với ái tình, xem bốn câu thơ nầy, chúng ta thấy nữ sĩ Thu Hồng, vẫn dùng lời êm dịu mà phân giải, mà nghị luận. Chúng ta có thể nói rằng “thi cảm” của cô không phải là của người mê say; nó còn ở trong vòng khuôn của lý trí nhiều hơn của tình cảm. Sự giản dị, một sự giản dị mà chúng ta có thể gọi là tầm thường, cái “nên thơ” trong mỗi ý nghĩ hằng ngày trong mỗi câu nói đầu lưỡi, trong mỗi cử chỉ xung quanh ta, trong mỗi tư tưởng thông thường, ấy là chốn nữ sĩ Thu Hồng đã khéo đi lượm những vần thơ, đi hái cho ta những cành hoa thơm đẹp. Đó là các đặc điểm, tôi sơ lược theo ý kiến riêng của tôi viết ra sau khi đọc xong tập Sóng thơ của nữ sĩ Tôn Nữ Thu Hồng. Tập thơ in đẹp, có tựa của Đạm Phương nữ sĩ, và tranh vẽ bìa của nữ họa sĩ Mộng Hoa. Chúng tôi xin giới thiệu quyển Sóng thơ với độc giả”(8).
Trong tương quan với Tràng An báo, có thể thấy trong số sáu thi sĩ xứ Huế thành danh được Hoài Thanh - Hoài Chân ghi nhận trong sách Thi nhân Việt Nam, 1932-1941 (1942) có hai người không có mối liên hệ (Thúc Tề, Nguyễn Đình Thư), một người in thơ nhưng chưa thấy bài giới thiệu (Mộng Huyền), hai người in thơ nơi khác vẫn được báo ghi nhận (Phan Văn Dật, Tôn Nữ Thu Hồng), riêng Nam Trân vừa có in thơ với số lượng lớn vừa được Tràng An báo đón chào, giới thiệu trang trọng, góp phần thúc đẩy Thơ mới xứ Huế phát triển sâu rộng.
N.H.S
(TCSH401/07-2022)
----------------------------
(1) Lương An (1941), “Lửa thiêng với Huy Cận” (4 kỳ). Tràng An báo, số 694, ra ngày 11/3, tr.2; số 695, ra ngày 12/3, tr.2; số 696, ra ngày 13/3, tr.2; số 698, ra ngày 15/3, tr.2.
(2) Trần Đằng (1939), “Hai ông Nguyễn Khắc Hiếu và Phan Khôi đã gặp nhau trong Huế, Đẹp và Thơ”, Tràng An, số 408, ra ngày 31/3, tr.1+3.
(3) Ứng Sơn (1939), “Đọc Huế, Đẹp và Thơ của Nam Trân”, Tràng An, số 410, ra ngày 7/4, tr.1+3; số 412, ra ngày 18/4, tr.2.
(4) Từ Lâm (1939), “Đọc Huế, Đẹp và Thơ”, Tràng An báo, số 438, ra ngày 20/7, tr.1+3.
(5) Hoài Thanh (1936), “Nhân xem tập thơ của ông Phan Văn Dật: Những câu thơ dễ thương”, Tràng An, số 188, ra ngày 31/12, tr.2.
(6) Trần Thanh Địch (1938), “Thi sĩ với ngày xuân”, Tràng An báo, số 292, ra ngày 25/1, tr.1+7.
(7) Nguyễn Hữu Sơn (2012), “Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Nguyễn Đình Thư”, Sông Hương, số 283, tháng 9, tr.81-84.
(8) H.X.G (1940), “Nữ sĩ Thu Hồng, tác giả Sóng thơ”. Tràng An báo, số 494, ra ngày 15/3, tr.1+3.
LÊ QUANG TRANG
YẾN THANH
Mất gần sáu năm, từ khi còn đang là một nhà phê bình trẻ đầy xông xáo trên văn đàn, cho đến khi trở thành một người có thẩm quyền và uy tín trong lĩnh vực của mình, bạn đọc yêu mến nhà phê bình Đoàn Ánh Dương mới lại được hội ngộ anh qua một chuyên luận nghiên cứu văn học.
NGUYỄN QUANG HUY
NGUYỄN MẠNH TIẾN
PHƯỚC CHÂU
Phan Du không chỉ là cây bút truyện ngắn thời danh ở các đô thị miền Nam trước năm 1975, mà còn là nhà biên khảo lịch sử thông qua cảm quan của một nhà văn, được bạn đọc một thời yêu thích.
ĐINH THỊ TRANG
Trâu là một trong những vật nuôi gần gũi với con người. Chúng được thuần hóa rất sớm (cách nay khoảng 6.000 năm). Trâu hiện diện trong đời sống lao động vật chất cho đến đời sống tinh thần của người dân. Tùy theo các nền văn hóa mà chúng có sự ưu ái và địa vị khác nhau.
PHAN VĂN VĨNH
Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật hiện đại thế kỷ XX. Ông tên thật là Phan Ngọc Hoan (ghi trong gia phả là Phan Ngọc Hoan Châu), sinh năm 1920. Quê làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; ngày xưa làng An Xuân thuộc tổng An Lạc, huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong.
HỒ THẾ HÀ
Từ những năm 30 của thế kỷ XX, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn (1908 - 1954) được xem là nhà báo, nhà lý luận phê bình văn học tiên phong và xuất sắc.
ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
Tương thông trực tiếp với thế giới phương Tây, văn học ở Nam Việt Nam có sự gắn bó chặt chẽ với những biến chuyển của văn hóa và văn học Âu Mỹ.
TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT
VŨ HIỆP
Quá trình di cư và định cư, sự thích ứng với thổ nhưỡng và môi trường sinh thái, những biến cố và lựa chọn lịch sử, di truyền sinh học và văn hóa... đã tạo nên những đặc tính nghệ thuật khác nhau được lưu truyền ở các dân tộc. Hiện tượng đó có thể gọi là Mã gien nghệ thuật.
HỒ THẾ HÀ
Yến Lan là nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới (1932 - 1945). Ông sinh ra, lớn lên, học tập và làm thơ trên vùng đất cũ thành Đồ Bàn, thuộc làng An Ngãi, phủ An Nhơn. Ông là một trong những thành viên nòng cốt của nhóm thơ Bình Định.
PHẠM PHÚ PHONG
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh là vị thầy khả kính của nhiều thế hệ học trò, trong đó có tôi. Ông là nhà giáo, nhà lý luận, phê bình nổi tiếng, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu được bạn đọc cả nước chú ý.
PHẠM XUÂN PHỤNG
Trong một lần gặp mặt toàn thể hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, nhà giáo - nhà văn - dịch giả Bửu Ý có nêu một gợi ý: Từ điển Tiếng Huế thì bác sĩ Bùi Minh Đức đã thực hiện.
PHONG LÊ
Lý luận văn học mác xít xác định mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống trong mối quan hệ giữa ý thức và vật chất, xem văn học là tấm gương phản ánh đời sống; có đời sống mới có văn học.
NGUYỄN DƯ
Trong kho tàng thi ca Việt Nam chỉ thấy độc nhất một bài tả Hội Tây thời Pháp thuộc. Đó là bài Hội Tây của Nguyễn Khuyến.
THÁI PHAN VÀNG ANH
Trong tiểu thuyết Khải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà từng giễu kiểu người sính chức danh với cacvidit dài dằng dặc những nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhà nghệ thuật học…, rằng: “nhiều nhà như thế đáng nhẽ phải gọi là phố”.