Người đi dạo

09:15 31/01/2019

RAY BRADBURY

Theo Ray Bradbury, truyện khoa học giả tưởng khác với sự tưởng tượng thuần túy ở chỗ nó là "một dự phóng hợp lý của thực tại". Vì vậy cuộc đi dạo ngắn ngủi này nói lên những gì ông suy nghĩ - hay lo sợ - có thể dễ dàng trở thành một bức tranh thật.

Ảnh: internet

Đi vào trong cõi yên lặng thành phố lúc 8 giờ một tối mù sương tháng 11, đặt chân lên lề đường bê tông nứt nẻ, cất bước trên những bờ cỏ êm, hai tay đút túi, lần dò trong những khoảng yên tĩnh, đấy là những gì ông Leonard Mead vô cùng yêu thích. Ông sẽ đứng trên một góc ngã tư dõi mặt nhìn cả bốn phía những hè phố rộng thênh thang sáng ánh trăng, chọn hướng để đi, nhưng thực sự điều đó chẳng có gì quan trọng; ông đơn độc hay hầu như đơn độc trong thế giới năm 2.131 sau công nguyên; khi đã quyết định, đã chọn một lối đi, ông rảo bước, thở hắt ra làn hơi lạnh giá muôn hình như khói thuốc xì gà.

Đôi lúc ông bước đi hằng giờ đến mấy dặm đường, mãi đến nửa đêm mới quay về nhà. Trên đường đi ông thấy những căn nhà, những nơi trú ngụ với những cửa sổ tối tăm, chẳng khác gì bước qua một nghĩa trang, bởi vì chỉ có ánh sáng chập chờn yếu ớt của đom đóm ẩn hiện sau những cánh cửa sổ đó. Những bóng ma xám ngắt bất chợt hiện ra trên những bức tường phòng trong nơi màn cửa chưa kéo lại trong đêm, hay những tiếng rì rầm, thì thào nơi cửa sổ mở toang của một tòa nhà như hầm mộ.

Ông Leonard Mead thường dừng lại, nghiêng đầu, nghe ngóng rồi đi tiếp, bước chân yên lặng trên vỉa hè gồ ghề. Đã lâu lắm rồi, vỉa hè biến mất dưới những lớp cỏ hoa. Mười năm đi dạo trong đêm hay giữa ban ngày, hết cả ngàn dặm đường, ông chưa hề gặp một khách bộ hành nào - không một ai trong suốt thời gian đó.

Bây giờ khi đi dạo về đêm, ông thường mang giày vải, bởi vì lũ chó, chốc chốc lại rủ nhau hộ tống hành trình của ông với những tiếng sủa vang nếu ông mang giày đế cứng, rồi những ánh đèn bật lên lách cách, những khuôn mặt xuất hiện và cả phố sẽ hoảng lên vì một bóng người đơn độc, người đó chính là ông, lướt qua trong một đêm đầu tháng mười một.

Tối nay ông xuất hành về hướng Tây, đến vùng biển kín. Không gian băng giá như pha lê, lạnh buốt đầu mũi, khiến hai buồng phổi rực sáng lên như một cây thông giáng sinh. Có thể cảm thấy ánh sáng lạnh lẽo tắt đỏ, mọi cành điều phủ một lớp tuyết vô hình. Ông khoan khoái lắng nghe tiếng giày đùa nhẹ đám lá thu vàng, huýt khe khẽ một giai điệu lạnh lẽo giữa kẽ răng, chốc chốc nhặt lên một chiếc lá, xăm xoi xương lá trong ánh đèn chập chờn khi ông vừa bước đi vừa ngửi cái mùi rỉ rét của nó.

- Xin chào người ở trong nhà - ông thì thầm với từng căn nhà hai bên đường khi ông đi qua - Tối nay ở kênh số 4, kênh số 7, kênh số 9 có gì nhỉ? Đám cao bồi phóng ngựa đi đâu, và ta có thấy Kỵ binh Hoa Kỳ bên kia ngọn đồi kế cận đến cứu viện không? Đường phố hun hút, yên tĩnh và trống vắng, chỉ có bóng ông di động như bóng con chim ưng giữa trời thôn dã. Nếu nhắm mắt lại và đứng yên như đóng băng, ông hình dung chính mình giữa một vùng đồng bằng, nơi miền quê Arizona mùa đông lặng gió trong cả ngàn dặm không một mái nhà, chỉ có những dòng sông khô cạn - những đường phố làm bạn.

- Bây giờ là chương trình gì? - Ông hỏi những ngôi nhà vừa nhìn đồng hồ đeo tay - 8g30 tối. Giờ dành cho những vụ án mạng đủ loại? hay một cuộc thi? Kịch vui? hay một diễn viên hài giã từ sân khấu?

Có ai cười khẽ từ trong ngôi nhà sáng - ánh - trăng kia? Ông ngập ngừng rồi bước tiếp khi không có gì xảy ra nữa. Ông vấp chân vào một mô đất quá cao trên lề đường khi ông đến một ngã tư xếp chồng như cỏ ba lá nằm lặng lẽ nơi hai đường phố chính băng qua thành phố. Ở đây ban ngày xe cộ chạy ầm ầm với những trạm xăng mở cửa, đó là cả một con bọ to lớn đập cánh vù vù và luôn luôn vội vã giành chỗ nhau như loài bọ hung, ống khói tỏa mùi hương dìu dịu, đang lao vội về nhà ở tận chân trời xa tít. Nhưng bây giờ ngay cả những xa lộ này cũng như những dòng sông mùa khô, phơi toàn đá giữa lòng sông đầy ánh trăng.

Ông trở về theo một con đường nhỏ chạy vòng đến nhà. Chỉ còn độ một dãy phố nữa thì chiếc xe tuần cảnh bỗng nhiên quẹo qua ngã rẽ và một ánh sáng trắng dữ dội tỏa ra hình nón chiếu thẳng về phía ông. Ông đứng sững lại, chẳng khác gì một con bướm đêm, lảo đảo vì ánh đèn và bị cuốn hút về phía đó.

Một giọng lanh lảnh vang lên:

- Đứng yên. Không được nhúc nhích.

Ông đứng lại.

- Đưa tay lên.

- Nhưng... - Ông nói.

- Đưa tay lên không thì bắn!

Cảnh sát. Dĩ nhiên. Nhưng điều nầy thật hiếm hoi đến khó tin, trong một thành phố ba triệu dân, chỉ còn có một xe tuần cảnh. Cách đây một năm, 2130, năm Tổng tuyển cử, lực lượng cảnh sát giảm xuống từ 3 chiếc xe còn 1 chiếc. Tội phạm ngày một giảm; bây giờ chẳng cần cảnh sát, ngoại trừ chiếc xe tuần cảnh này lang thang giữa những phố vắng.

- Tên gì?

Chiếc xe tuần cảnh nói nhỏ bằng giọng kim. Vì chói mắt, ông không thấy người ngồi trong xe.

- Leonard Mead - ông đáp.

- Nói lớn lên!

- Leonard Mead!

- Kinh doanh hay làm nghề chuyên môn?

- Ông có thể gọi tôi là một người viết văn.

- Đấy không phải là nghề - Chiếc xe tuần cảnh đáp như cho chính nó nghe. Ánh sáng từ trong xe giữ chặt ông như một mẫu vật trong viện bảo tàng bị kim găm qua ngực.

- Có thể như vậy - Ông Mead nói. Mấy năm nay ông không viết lách gì. Sách báo không bán được nữa. Bây giờ, ông tiếp tục suy nghĩ, ban đêm mọi chuyện đều diễn ra trong những ngôi nhà như hầm mộ. Những ngôi mộ không đủ ánh sáng bởi màn ảnh truyền hình, nơi người ta ngồi như những kẻ đã chết, ánh sáng xám xịt hoặc nhiều màu chạm vào những khuôn mặt vô hồn nhưng thực sự chẳng bao giờ chạm được chúng.

- Đấy không phải là nghề - Giọng nói như tiếng máy thì thào - ông làm gì ngoài này?

- Đi dạo - ông Leonard Mead đáp.

- Đi dạo!

- Chỉ đi dạo mà thôi - ông nói, ngắn gọn, nhưng mặt ông bỗng lạnh đi.

- Đi dạo, chỉ đi dạo thôi ư?

- Vâng, thưa ông.

- Đi đâu? Để làm gì?

- Để hít thở và nhìn cảnh vật.

- Địa chỉ của ông?

- Số mười một phố South Saint James.

- Trong nhà ông cũng có không khí, ông có máy điều hòa không khí chứ, ông Mead?

- Có.

- Và ở nhà ông cũng có màn hình để nhìn cảnh vật?

- Không.

- Không à?

Một sự yên lặng khô khốc, trong đó có lời buộc tội.

- Ông có gia đình không, ông Mead?

- Không.

- Không có gia đình.

Giọng cảnh sát vang lên đằng sau ánh sáng rực lửa. Trăng lên cao vằng vặc giữa những vì sao và những ngôi nhà lặng lẽ xám ngắt.

- Chẳng ai cần đến tôi - ông Leonard mỉm cười.

- Khi nào hỏi mới được nói!

Ông Leonard Mead chờ đợi trong đêm lạnh.

- Chỉ đi dạo thôi hả, ông Mead?

- Vâng.

- Nhưng ông chưa giải thích vì sao ông đi dạo.

- Tôi giải thích rồi, để hít thở khí trời và nhìn cảnh vật và được đi bộ.

- Ông thường hay đi dạo như thế này?

- Đêm nào cũng đi, đã mấy năm nay.

Chiếc xe tuần cảnh đứng giữa đường. Chiếc loa vô tuyến rì rầm nho nhỏ.

- Được rồi, ông Mead.

- Chỉ có thế thôi?

- Vâng, xin mời ông - Có tiếng thở ra. Cửa sau chiếc xe tuần cảnh xịch mở. Mời ông vào.

- Khoan đã, tôi có làm gì đâu!

- Mời ông vào.

- Tôi phản đối!

- Ông Mead.

Ông bước đi như một kẻ bỗng dưng say rượu. Khi ngang qua cửa trước chiếc xe, ông nhìn vào. Như ông đã nghĩ, chẳng có ai ở ghế trước, chẳng có ai trong xe cả.

- Mời ông vào.

Ông đặt tay lên cửa nhìn vào hàng ghế sau, thực ra là một cái xà lim, một nhà tù chật hẹp đen ngòm có chấn song. Mùi thép đóng đinh tán tỏa lên cùng với mùi thuốc khử trùng nồng nặc; nó quá sạch sẽ và cứng cỏi như kim loại. Chẳng có gì mềm mại ở đó.

- Nếu ông có vợ để làm chứng vắng mặt ở nơi xảy ra sự việc - Giọng nói trong xe cứng rắn vang lên - Nhưng...

- Ông đưa tôi đi đâu?

Chiếc xe ngập ngừng, đúng hơn là nó đang phát ra tiếng lách cách khe khẽ như thử từ nơi nào đó chỉ thị được đưa vào bằng những phiếu đục lỗ dưới những con mắt điện tử - Đến trung tâm khảo cứu Tâm Bệnh học thoái hóa.

Ông bước vào xe. Cửa đóng nhẹ nhàng. Chiếc xe tuần cảnh lăn bánh qua những đại lộ về đêm, nhấp nháy ánh đèn mờ mờ phía trước.

Hoàng Nguyên dịch.
(TCSH44/01-1991)


 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Salman Rushdie (1947), nhà văn và người viết tiểu luận, gốc Ấn, hiện sống tại Mỹ, là tác giả của nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang, như Những đứa con của nửa đêm, được trao giải Booker, năm 1981, và cả những tiểu thuyết gây tranh cãi như Những vần thơ của Satan, 1988. Văn phong Rushdie thâm trầm, khoáng lộng, hài hước và tươi mới.

  • FRANK O’CONNOR  

    Khi tôi tỉnh giấc, tôi nghe có tiếng mẹ ho ở nhà bếp. Mẹ bị ho đã nhiều ngày nhưng tôi không để ý. Chúng tôi sống ở Old Youghal Road, nơi mà vào lúc đó, có một con đường nhiều đồi dốc dẫn tới East Cork.


  • E. RUXACỐP (Nga)

  • ABDULRAZAK GURNAH    

    Tôi nghĩ anh ta đã nhìn thấy tôi đang tiến lại gần, nhưng vì lý do riêng nào đấy nên anh ta vẫn không có dấu hiệu gì.

  • Maurice Druon, sinh năm 1918, theo học Đại học Luật Paris. Trong chiến tranh thế giới ln thứ hai, ông tham gia lực lượng kháng chiến Pháp chng phát xít Đức, là thông tin viên Đài Phát thanh Kháng Chiến. Giải Goncourt 1948 với tác phm "Đại Gia đình" (Les Grandes Familles). Các tác phm đậm chất trữ tình của nhà văn: "Kết thúc đời người" (La Fin des Hommes), "Hẹn gặp tại Địa ngục" (Rendez-vous aux enfers) phản ánh một thiên hướng theo trường phái Balzac.
    Ông đồng thời là tác giả một số tiểu thuyết lịch sử.

  • JENNIFER WALKUP   

    Tôi sẽ không nói với ai về việc chẩn đoán.
    Không hé răng với mẹ hay em gái tôi. Chắc chắn không phải Jake và có lẽ với Steve cũng không hề.

  • GRAHAM GREEN

    Cái chết đến kề như một nỗi nghiệt ngã day dứt mà ta hổ thẹn không dám thổ lộ với bạn bè hoặc đồng nghiệp.

  • ELISABETH SILANCE BALLARD

    Một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò. Truyện khiến người đọc có thể nghĩ chuyện xảy ra hôm nay, không phải cách đây hơn bốn mươi năm.

  • Tác giả tên đầy đủ là Heinrich Theodor Böll (1917 - 1985). Ông được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của Đức thời hậu chiến. Năm 1972 ông được nhận giải Nobel Văn học. Tác phẩm và quan điểm chính trị của Böll thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn. Các tiểu thuyết tiêu biểu của ông: “Thiên thần im lặng”, “Và tôi đã không nói một lời duy nhất”, “Nhà không có người che chở”, “Qua con mắt của chú hề”, “Bức chân dung tập thể với một quý bà”…

  • KATE CHOPIN

    Catherine O’ Flaherty sinh năm 1850 tại Saint Louis, Missouri, bố gốc người Ái Nhĩ Lan, mẹ gốc Pháp, lớn lên trong môi trường đa văn hóa, từ nhỏ đã nói tiếng Pháp đồng thời với tiếng Anh.

  • Nhà văn, nhà thơ, triết gia, họa sỹ, dịch giả Ấn Độ Rabindranath Tagore sinh năm 1861 tại Calcutta, Ấn Độ và mất năm 1941. Ông để lại một di sản văn học - nghệ thuật đồ sộ với hàng ngàn tác phẩm đủ các thể loại. Tagore còn là nhà yêu nước, đòi giải phóng Ấn Độ khỏi sự cai trị của Anh. Ông được trao giải Nobel văn học năm 1913.

  • O’Neil De Noux sinh ngày 29/11/1950 tại New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ. Ông là một nhà văn Hoa Kỳ có sức sáng tác mãnh liệt với nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn, đã có 42 đầu sách được xuất bản. Phần lớn sáng tác của ông là truyện trinh thám hình sự, tuy nhiên ông cũng viết nhiều thể loại khác như tiểu thuyết lịch sử, truyện dành cho trẻ em, truyện khoa học viễn tưởng, kinh dị, tình cảm, v.v.

  • JASON HELMANDOLLAR

    Jason Helmandollar là một nhà văn người Mỹ, tác giả của nhiều truyện ngắn nổi tiếng được đăng trên các báo, tạp chí đang thịnh hành lúc bấy giờ như Encounters Magazine, Bartleby Snopes, Title Goes Here, Sideshow Fables. “The Backward Fall” là một trong những truyện ngắn hay và hấp dẫn của ông.

  • TIMUR JONATHAN KARACA

    Timur Jonathan Karaca được sinh ra ở San Francisco. Ông là bác sĩ y khoa khoa gây mê tại UCSF. Ông sống ở Oakland, nơi ông hành nghề. Karaca theo học sáng tác tại Studio Hi Nhà văn San Francisco.

  • Naguib Mahfouz (1911 - 2006) sinh ra trong một gia đình nghèo tại Cairo. Ông học triết học tại Đại học Cairo và làm công chức cho tới khi về hưu năm 1971. Mahfouz là nhà văn lớn của Arab và của thế giới. Ông có 35 tiểu thuyết, 14 tập truyện ngắn và nhiều tác phẩm kịch. Tác phẩm của ông rất phổ biến ở phương Tây. Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.
    Truyện ngắn dưới đây diễn tả bi kịch của cá nhân khi bị phụ thuộc vào kẻ khác. Tuy nhiên, như rất nhiều tác phẩm khác của văn học Arab, nó còn mang tính ẩn dụ và nghĩa hàm ẩn.

  • ALBERT LAMORISSE (Pháp)

    Albert Lamorisse là một nghệ sĩ đa tài của nước Pháp. Ông vừa viết văn, làm thơ, vừa biên kịch và đạo diễn điện ảnh. Truyện "Quả bóng đỏ" (Le Ballon Rouge) này đã được chính Albert Lamorisse dựng thành phim, rất nhiều người hâm mộ.