Người Bồ Đào Nha với sự ra đời chữ Quốc ngữ ở Việt Nam

14:36 01/07/2021


MAI VĂN ĐƯỢC

Ảnh: internet

LGT: Vào thời điểm trước khi chữ Quốc ngữ ra đời ở Việt Nam, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến chuyển; nổi bật lên và có tác động đến sự ra đời của chữ Quốc ngữ là vấn đề thương mại, truyền giáo. Sang thế kỷ XVII, quá trình Latin hóa tiếng Việt diễn ra mạnh mẽ và chữ Quốc ngữ chính thức ra đời. Trong quá trình đó, các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha đóng một vai trò quan trọng, công lao nổi bật nhất thuộc về giáo sĩ Francisco de Pina (1585 - 1625), Gaspar de Amaral (1594 - 1645) và Antonio Barbosa (1594 - 1647). Bên cạnh đó, các yếu tố thương mại, truyền giáo của người Bồ và chữ Bồ Đào Nha cũng góp phần cho việc ra đời chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.


1. Chữ Quốc ngữ ra đời trong thời kỳ lịch sử nhiều biến động


Quá trình truyền giáo tại Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XVI mà mốc khởi điểm được cho là năm 1523 khi Duarte Coelho (người Bồ Đào Nha) đến Cù Lao Chàm và để lại ở gần làng chài Tân Hiệp một cây thập tự cùng một tảng đá có khắc tên. Năm 1533, giáo sĩ Ignatio đến Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ (Nam Định) truyền giáo. Sau đó có một số giáo sĩ Dòng Đa Minh (Dominicain), Dòng Phanxicô (Francisco) đến truyền giáo. Tuy vậy, phải đến thế kỷ XVII, khi giáo sĩ Dòng Tên đến thì sự thâm nhập của đức tin Kitô tại Việt Nam mới diễn ra nhanh hơn.

Tình hình chính trị Việt Nam vào cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII diễn biến phức tạp. Chính quyền trung ương tập quyền tan rã, hình thành ba thế lực nắm quyền là chúa Nguyễn (Đàng Trong), vua Lê - chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và nhà Mạc (Cao Bằng); trong đó Đàng Trong và Đàng Ngoài là hai vùng quan trọng trong hoạt động thương mại và truyền giáo. Nhằm tăng cường khả năng quân sự và phát triển kinh tế đất nước, cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều tiếp nhận trao đổi buôn bán với thương gia phương Tây. Tuy nhiên, để có cơ hội buôn bán với thương nhân nước ngoài thì họ buộc phải “làm ngơ” cho các giáo sĩ truyền giáo. Điều này tạo nên sự truyền giáo mạnh mẽ vào Đàng Trong, tiếp đó là Đàng Ngoài, mà người Bồ Đào Nha chiếm đa số.

Trong quá trình truyền giáo tại Việt Nam, vấn đề khách quan đặt ra là các giáo sĩ phải biết tiếng Việt hoặc chữ Hán. Trong lúc đó, chữ Hán được đánh giá là khó học và mất nhiều thời gian. Như vậy, một con đường khác mà các giáo sĩ Dòng Tên trong buổi đầu có mặt ở Việt Nam phải làm là học tiếng Việt. Trong quá trình đó, họ đã Latin hóa tiếng Việt.

Việc Latin hóa tiếng Việt đã sẵn có các tiền đề. Thời bấy giờ, ở phương Tây đang diễn ra một “thời đại” các quốc gia tự khẳng định tiếng nói của dân tộc mình để loại bỏ sự thống trị của tiếng Latin. Các nhà ngữ pháp và chính tả Bồ Đào Nha ở thế kỷ XVI, như João de Barros, Péro de Maglhães de Gândavo hay Duarte Nunes do Leão, đã giúp cho tiếng nói dân gian trở thành một phương tiện chuyển tải tư tưởng. Muốn như thế, cần phải làm một số việc, trong đó có việc phân tích tỉ mỉ và tìm chữ viết cho tiếng nói này. Việc viết tiếng Việt theo mẫu tự Latin nối tiếp đường hướng đó1.

Vào nửa sau thế kỷ XVI đến trước khi giáo sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong (năm 1615), việc Latin hóa tiếng Việt đã bắt đầu manh nha qua việc người Bồ Đào Nha và người Tây Ban Nha Latin hóa các địa danh của Việt Nam, nhất là các địa danh được người Bồ Đào Nha ghi lên bản đồ hàng hải của mình2.

Việc làm này của các giáo sĩ phù hợp với chủ trương chung của Giáo hội ở Rome. Đoạn trích sau từ chỉ thị của Giám mục Francesco Ingoli - thư ký của Thánh bộ Truyền giáo ở Rome sẽ minh chứng cho điều đó: “[Cha tìm hiểu] về ngôn ngữ mà các dân tộc ấy dùng để nói; nếu có nhiều ngôn ngữ, thì hãy đặc biệt ghi lại ngôn ngữ nào được sử dụng nhiều nhất... Cha tìm hiểu về chữ mà họ dùng để viết; về các chữ này, cha tìm cách hỏi những văn sĩ ưu tú mà cha gặp được, để ghi lại một bảng chữ cái, kể cả những dấu nối và dấu phân câu mà họ dùng; cha cũng chú ý ghi lại bằng mẫu tự La Tinh tương ứng, với cách phát âm, để ta có thể so sánh…”3.

Trong bối cảnh đó, các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha đã đi tiên phong trong việc Latin hóa Tiếng Việt, hình thành nên chữ Quốc ngữ ở Việt Nam vào thế kỷ XVII.

2. Người Bồ Đào Nha với sự ra đời chữ Quốc ngữ ở Việt Nam

Bồ Đào Nha là nước phương Tây đến buôn bán, truyền giáo ở Đàng Trong sớm và mạnh nhất. Chính sự bảo trợ của Bồ Đào Nha trong truyền giáo, lợi ích từ thương mại và nhu cầu trao đổi hàng hóa (đặc biệt là vũ khí) từ Bồ Đào Nha của cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đã tạo điều kiện cho các giáo sĩ Dòng Tên có khoảng thời gian dài ở Việt Nam để truyền đạo cũng như học tập, trau dồi vốn từ vựng, ngữ pháp tiếng Việt; từ đó sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Hay nói cách khác, thương mại và truyền giáo là con đường đưa tới sự hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam mà người Bồ Đào Nha đóng vai trò chủ đạo. Cũng nhờ quá trình truyền giáo và thương mại có phần ổn định mà “công cuộc” Latin hóa tiếng Việt thành công.

2.2. Những đóng góp từ các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha

Những giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha là những người đi tiên phong trong lĩnh việc sáng tạo chữ Quốc ngữ ở Việt Nam mà người đặt nền móng đầu tiên là giáo sĩ Francisco de Pina (1585 - 1625).

Francisco de Pina sinh năm 1585 ở Guarda, Beira Alta (Bồ), gia nhập Dòng Tên năm 1605. Năm 1608, ông được chỉ định sang Nhật truyền giáo, rồi học thần học ở Macao (năm 1615 - 1616). Ông được thụ phong linh mục năm 1616 tại Malacca. Sang năm 1617, ông đến Đàng Trong và hoạt động tại đây cho đến khi mất vào ngày 15/12/1625.

Trong khoảng thời gian ở Đàng Trong, ông học tiếng Việt; sau đó trở thành giáo sĩ giỏi tiếng Việt nhất vào thời điểm bấy giờ và góp công đầu trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. Dấu mốc quan trọng nhất là vào năm 1618, Francisco de Pina và một thanh niên học thức Việt Nam dịch ra tiếng Việt cuốn Kinh Lạy Cha cùng với một số kinh căn bản khác trong giáo lý Công giáo. Điều đáng tiếc là không bản dịch nào của các kinh ấy đến tay chúng ta, ngoại trừ đoạn dịch sáu từ đầu tiên của Kinh Lạy Cha được ghi ra như một ví dụ văn phạm trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes. Tuy vậy, Kinh Lạy Cha được sao lại vào năm 1632 trong tài liệu ngôn ngữ học Nhật - Hoa - Việt, tại Áo Môn. Trong phần chuyên khảo về Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, GS. Roland Jacques đã có dịp giới thiệu tư liệu này và kèm theo phụ trương văn bản tiếng Việt “Le Pater Noster” (Kinh Lạy Cha). Đây là tư liệu rất quý giá, cho thấy sự bắt đầu chữ Quốc ngữ là năm 1618, sớm hơn 2 năm so với quan điểm của Đỗ Quang Chính (1620). Đồng thời khẳng định công lao to lớn của Francisco de Pina và cả một số người Việt (tiếc là không được đề cập tên cụ thể).

Một đoạn Kinh Lạy Cha được in trong phụ trương V của cuốn Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
(Nguồn: Roland Jacques (2004), Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, quyển 1, Định Hướng tùng thư, tr. 331-332).


Năm 1620 các giáo sĩ Dòng Tên tại Hội An soạn thảo một sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong”, tức là chữ Nôm. Tác giả Đỗ Quang Chính đưa ra phỏng đoán rằng: “Nhưng chúng tôi tưởng cuốn này cũng được viết bằng chữ Việt mới nữa (chữ Quốc ngữ ngày nay), mà người có công soạn thảo là Linh mục Francisco Pina vì lúc đó chỉ có ông là người Âu châu thạo tiếng Việt nhất4. Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể minh chứng cho giả thiết này. Nhưng có một điều có thể khẳng định là Francisco de Pina có tham gia vào quá trình soạn thảo hoặc góp ý cho sách giáo lý bằng chữ Nôm này, vì ông là người giỏi tiếng Việt nhất và là linh mục khá được trọng vọng trong giới giáo sĩ ở Hội An thời điểm đó.

Khoảng thời gian năm 1622 - 1623 đánh một dấu mốc quan trọng nữa trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ. Trong thư Francisco de Pina viết vào thời gian này đã nhắc đến việc ông soạn sách chữ Quốc ngữ: “Phần con, đã soạn thành một tập nhỏ về chính tả và các dấu thinh của tiếng này [Việt], và con đang bắt tay vào việc soạn ngữ pháp. Dù con đã thu thập được nhiều truyện thuộc các loại khác nhau giúp cho những trích dẫn thêm giá trị, hầu xác quyết được ý nghĩa của từ ngữ và quy luật ngữ pháp5. Như thế, ông đã soạn chính tả và cả ngữ pháp chữ Quốc ngữ. Tuy tài liệu này hiện không còn nhưng đã được Alexandre de Rhodes kế thừa trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La vào năm 1651.

Ngoài ra, Francisco de Pina còn dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes. Thư của Gabriel de Matos viết vào năm 1626 đã cho thấy điều đó: “Cư sở thứ ba tại ‘thủ phủ’ quan ‘trấn thủ’, nơi mà lúc này tôi [đang tạm trú], có ba Linh mục định cư: L.m. Francisco de Pina biết tiếng [Việt] khá lắm, làm bề trên và là giáo sư [dạy tiếng Việt], và các L.m. Đắc Lộ cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên6.

Với những công lao to lớn đó, Francisco de Pina xứng đáng được chúng ta tôn vinh là người đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

Sau những nỗ lực của Francisco de Pina, nhiều giáo sĩ Dòng Tên khác cũng đã ghi tên mình vào quá trình Latin hóa tiếng Việt và sáng tạo chữ Quốc ngữ. Có thể kể đến là các giáo sĩ Gaspar Luis, Francesco Buzomi, Antonio de Fontes, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa, Girolanno Maiorica, Cristoforo Borri, Onofre Borges, Alexandre de Rhodes,… Trong đó, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha có một vai trò quan trọng. Những đóng góp của họ được thể hiện trên hai phương diện: (1) viết một số chữ Quốc ngữ trong các bức thư hay bản tường trình gửi về Tòa thánh, Cha bề trên; (2) soạn từ điển tiếng Việt.

Như vậy, các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha có những đóng góp tiên phong rất lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Đáng tiếc là phần lớn những di sản của họ hiện nay không còn nhiều, một số trong đó được chúng ta biết đến gián tiếp thông qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Tuy vậy vẫn có thể khẳng định một cách chắc chắn công lao to lớn của họ.

2.3. Chữ Bồ Đào Nha với sự ra đời chữ Quốc ngữ

Khi nói đến vấn đề này, cần phải bàn đến hai khía cạnh. Thứ nhất là các giáo sĩ (cũng chính là nhà ngôn ngữ học) dùng âm vị và quy tắc của tiếng Bồ Đào Nha để góp phần hình thành nên chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Điều này đã được GS. Roland Jacques khẳng định rất rõ trong công trình Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam của mình. Ông cho biết: “Muốn dựa trên ngữ âm Lantin để viết ba ngôn ngữ nêu trên (Hoa, Nhật và Việt), các nhà biên soạn xác định rằng mình tuân theo những quy tắc chính tả của tiếng Ý. Chỉ cần xem xét tài liệu thì sẽ thấy ngay rằng cách làm ấy là một cách làm bất thường, chỉ vì muốn chiều theo nhân cách của người nhận thôi: rất nhiều nét sửa chữa và nhiều điều bất hợp lý cho thấy rằng các quy tắc của Bồ Đào Nha là những quy tắc duy nhất mà người ta thường tuân theo7. Hay: “Có 23 âm đầu khác nhau trong các từ đơn âm tiếng Việt, được ghi lại trong văn bản này [tài liệu ngôn ngữ học đối chiếu Nhật - Hoa - Việt được biên soạn tại Áo Môn năm 1632] bằng những ký hiệu khác nhau; vì vậy, dù cho có vài sai sót trong phân tích, quả thật các âm ấy đã tương ứng với 25 âm đầu mà ta tìm thấy trong cuốn Từ điển 1651 [Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes] cho cùng số từ vựng ấy. Qua sự tương ứng đó, ta có thể đánh giá được ưu điểm là đã chọn chính tả Bồ Đào Nha làm hệ thống chính yếu cho cách viết tiếng Việt bằng chữ cái, vì xét về âm vị thì tiếng Bồ phong phú hơn nhiều so với tiếng Castillan (Tây Ban Nha) hay tiếng Ý8. Ở đây, việc Latin hóa tiếng Nhật chịu ảnh hưởng của tiếng Bồ Đào Nha nhiều hơn vì cách phát âm của tiếng Nhật có ít nhiều nét giống với tiếng Bồ.

Khía cạnh thứ hai là tiếng Bồ Đào Nha thời bấy giờ có một vị thế quan trọng ở nhiều nơi. Bởi vì từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII, Bồ Đào Nha có vai trò chính trị, thương mại tại Brazil, Ấn Độ, Mã Lai, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản. Từ cuối thế kỷ XVI sang đầu thế kỷ XVII, tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng ở những nơi trên do đoàn thương gia Bồ Đào Nha và giáo sĩ phương Tây. Các nhà truyền giáo dù là người Đức, Ý, Pháp, đã đến Việt Nam, Áo Môn, Nhật Bản… vào thế kỷ XVII thì cũng phải biết tiếng Bồ Đào Nha9. Do đó mà ba cuốn từ điển do Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes soạn đều có mục tiếng Bồ Đào Nha.

Như thế, tiếng Bồ Đào Nha là tiền đề, là nhân tố quan trọng trong sự ra đời chữ Quốc ngữ.

3. Những lời kết

Trong công cuộc Latin hóa tiếng Việt để hình thành nên chữ Quốc ngữ, những giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha là những người đi tiên phong và có nhiều đóng góp to lớn. Đặc biệt là Francisco de Pina - người đặt nền móng đầu tiên cho công trình chữ Quốc ngữ và Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa đã tiếp nối công việc đó. Các công trình đó tuy hiện nay không còn sự hiện hữu nhiều nhưng đã được Alexandre de Rhodes kế thừa một cách xuất sắc. Nhìn một cách tổng quát và khách quan thì không thể đánh giá người khởi đầu (Francisco de Pina) có vai trò quan trọng hơn người kế thừa, tổng hợp (Alexandre de Rhodes). Như trước đây nhiều tác giả đề cao Alexandre de Rhodes quá mức cũng không phù hợp. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp Alexandre de Rhodes mà đề cao quá mức Francisco de Pina, mà chúng ta cần nhìn nhận đúng vai trò của Francisco de Pina - một người ghi dấu ấn khởi đầu của chữ Quốc ngữ từ năm 1618.

Lâu nay trong giới học giả Việt Nam chưa đánh giá, nhìn nhận đúng vị trí của chữ Bồ Đào Nha đối với sự xuất hiện chữ Quốc ngữ. Do đó mà cũng cần nhìn nhận cho thật chính xác các yếu tố tích cực trong tiếng Bồ Đào Nha được thể hiện trong chữ Quốc ngữ và vị thế của chữ này có tác động nhất định đối với sự ra đời chữ Quốc ngữ.

Chữ Quốc ngữ ra đời ở Việt Nam xuất phát từ bối cảnh lịch sử đặc biệt và sự nỗ lực của các giáo sĩ Dòng Tên. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, chữ Quốc ngữ ra đời ở Việt Nam ban đầu là để phục vụ cho mục đích riêng của các giáo sĩ Dòng Tên chứ không phải để thay thế một thứ chữ đã ăn sâu bén rễ từ rất lâu ở Việt Nam (chữ Hán - Nôm). Và có muốn thay đổi đi nữa thì họ cũng không đủ sức để làm việc đó vì họ chỉ là những nhà truyền giáo, đem đức tin Kitô giáo đến với người Việt Nam chứ không phải là những người điều hành đất nước. Ban đầu, chữ Quốc ngữ chỉ tồn tại hạn chế trong giới Công giáo. Phải đến cuối thế kỷ XIX và sang nửa đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ trở nên phổ biến và phát triển mạnh trong bối cảnh lịch sử mới của Việt Nam.

M.V.Đ
(SHSDB41/06-2021)

---------------------
1. Roland Jacques (2004), Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha  và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Quyển 1, Định Hướng Tùng thư, tr. 235.
2. Xem thêm: Nguyễn Thị Vân Anh (2017), “Quá trình Latin  hóa tiếng Việt và hình thành chữ Quốc ngữ thời kì đầu đến sách sổ sang chép các việc của Philiphê Bỉnh”, trong Chữ Quốc ngữ sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 21.
3. Roland Jacques (2004), Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha  và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Quyển 1, Sđd, tr. 195-196.
4. Đỗ Quang Chính (2008), Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 -  1659, Sđd, tr. 28.
5. Dẫn theo Đỗ Quang Chính (2008), Dòng Tên trong xã hội  Đại Việt 1615 - 1773, Sđd, tr. 45-46.
6. Thư của Gabriel de Matos, giám sát các tu sĩ Dòng Tên ở  Đàng Trong, viết tại Đàng Trong vào ngày 05/7/1626 gửi Linh mục Bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã, viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, ARSI, JS. 68, f. 17r. (Dẫn theo Đỗ Quang Chính (2008), Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659, Sđd, tr. 44-45).
7. Roland Jacques (2004), Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha  và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Quyển 1, Sđd, tr. 203.
8. Roland Jacques (2004), Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha  và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Quyển 1, Sđd, tr. 219 - 221.
9. Đỗ Quang Chính (2008), Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 -  1659, Sđd, tr. 115-116.




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN HOÀI ANH              1. Phân tâm học là lý thuyết có nguồn gốc từ y học, do S.Freud (1856-1939) một bác sĩ người Áo gốc Do Thái sáng lập. Đây là học thuyết không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực y học mà còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực nghệ thuật.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔN   Từ lâu, Bản thể con người đã trở thành vấn đề cơ bản và sâu sắc nhất của mối quan hệ giữa văn học với hiện thực. Trong mối quan hệ đó, hiện thực với tư cách là đối tượng khám phá và trình diễn của văn học không còn và không phải chỉ là hiện thực cuộc sống như là dành cho các khoa học nhân văn và các nghệ thuật khác nữa.

  • LÝ VIỆT DŨNGThiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Theo tôi, cho đến nay, chúng ta chưa có những đánh giá xác đáng về hiện tượng Xuân Thu nhã tập: Cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác. Có phải là nguyên do, nhóm này đã bị khoanh vào hai chữ “BÍ HIỂM”?

  • PHI HÙNGĐỗ Lai Thuý đã từng nói ở đâu đó rằng, anh đến với phê bình (bài in đầu tiên 1986) như một con trâu chậm (hẳn sinh năm Kỷ Sửu?).Vậy mà đến nay (2002), anh đã có 4 đầu sách: Con mắt thơ (Phê bình phong cách thơ mới, 1992, 1994, 1998, 2000 - đổi tên Mắt thơ), Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực (Nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương từ tín ngưỡng phồn thực, 1999), Từ cái nhìn văn hoá (Tập tiểu luận, 2000), Chân trời có người bay (Chân dung các nhà nghiên cứu, 2002), ngoài ra còn một số sách biên soạn, giới thiệu, biên dịch...

  • TRẦN ĐỨC ANH SƠNCuối tuần rảnh rỗi, tôi rủ mấy người bạn về nhà làm một độ nhậu cuối tuần. Rượu vào lời ra, mọi người say sưa bàn đủ mọi chuyện trên đời, đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng bỏng như: sự sa sút của giáo dục; nạn “học giả bằng thật”; nạn tham nhũng...

  • HỒ VIẾT TƯSau buổi bình thơ của liên lớp cuối cấp III Trường Bổ túc công nông Bình Trị Thiên, dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Văn Châu dạy văn, hồi đó (1980) thầy mượn được máy thu băng, có giọng ngâm của các nghệ sĩ là oai và khí thế lắm. Khi bình bài Giải đi sớm.

  • PHAN TRỌNG THƯỞNGLTS: Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2006, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc. Trên 150 nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đã tham dự và trình bày các tham luận có giá trị; đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực của đời sống lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện đại ở nước ta, trong đối sánh với những thành tựu của lý luận – phê bình văn học nghệ thuật thế giới.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO1. Con người không có thơ thì chỉ là một cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có thơ thì chỉ là một cái nhà hoang. Octavio Paz cho rằng: “Nếu thiếu thơ thì đến cả nói năng cũng trở nên ú ớ”.

  • PHẠM PHÚ PHONGTri thức được coi thực sự là tri thức khi đó là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ.                       L.Tonstoi

  • TRẦN THANH HÀTrong giới học thuật, Trương Đăng Dung được biết đến như một người làm lý luận thuần tuý. Bằng lao động âm thầm, cần mẫn Trương Đăng Dung đã đóng góp cho nền lý luận văn học hiện đại Việt đổi mới và bắt kịp nền lý luận văn học trên thế giới.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG Chu Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Riêng hai quẻ Bát Thuần Càn và Bát Thuần Khôn, mỗi quẻ có thêm một hào.

  • NGÔ ĐỨC TIẾNPhan Đăng Dư, thân phụ nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là người họ Mạc, gốc Hải Dương. Đời Mạc Mậu Giang, con vua Mạc Phúc Nguyên lánh nạn vào Tràng Thành (nay là Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) sinh cơ lập nghiệp ở đó, Phan Đăng Dư là hậu duệ đời thứ 14.

  • HỒ THẾ HÀLTS: Văn học Việt về đề tài chiến tranh là chủ đề của cuộc Toạ đàm văn học do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 20 tháng 12 năm 2005. Tuy tự giới hạn ở tính chất và phạm vi hẹp, nhưng Toạ đàm đã thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, nhà giáo, trí thức ở Huế tham gia, đặc biệt là những nhà văn từng mặc áo lính ở chiến trường. Gần 20 tham luận gửi đến và hơn 10 ý kiến thảo luận, phát biểu trực tiếp ở Toạ đàm đã làm cho không khí học thuật và những vấn đề thực tiễn của sáng tạo văn học về đề tài chiến tranh trở nên cấp thiết và có ý nghĩa. Sông Hương trân trọng giới thiệu bài Tổng lược và 02 bài Tham luận đã trình bày ở cuộc Toạ đàm.

  • TRẦN HUYỀN SÂM1. Tại diễn đàn Nobel năm 2005, Harold Pinter đã dành gần trọn bài viết của mình cho vấn đề chiến tranh. Ông cho rằng, nghĩa vụ hàng đầu của một nghệ sĩ chân chính là góp phần làm rõ sự thật về chiến tranh: “Cái nghĩa vụ công dân cốt yếu nhất mà tất cả chúng ta đều phải thi hành là... quyết tâm dũng mãnh để xác định cho được sự thật thực tại...

  • NGUYỄN HỒNG DŨNG"HỘI CHỨNG VIỆT NAM"Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là "Hội chứng Việt Nam".

  • BÍCH THUNăm 2005, GS. Phong Lê vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học với cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (Nxb ĐHQG, H, 2001, 540 trang); Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt hiện đại (Nxb GD, H, 2001, 450 trang); Văn học Việt hiện đại - lịch sử và lý luận (Nxb KHXH. H, 2003, 780 trang). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học say mê, tâm huyết và cũng đầy khổ công, vất vả của một người sống tận tụy với nghề.

  • THÁI DOÃN HIỂU Trong hôn nhân, đàn bà lấy chồng là để vào đời, còn đàn ông cưới vợ là để thoát ra khỏi cuộc đời. Hôn nhân tốt đẹp tạo nên hạnh phúc thiên đường, còn hôn nhân trắc trở, đổ vỡ, gia đình thành bãi chiến trường. Tình yêu chân chính thanh hóa những tâm hồn hư hỏng và tình yêu xấu làm hư hỏng những linh hồn trinh trắng.

  • NGUYỄN THỊ MỸ LỘCLà người biết yêu và có chút văn hóa không ai không biết Romeo and Juliet của Shakespeare, vở kịch được sáng tác cách ngày nay vừa tròn 410 năm (1595 - 2005). Ngót bốn thế kỷ nay Romeo and Juliet được coi là biểu tượng của tình yêu. Ý nghĩa xã hội của tác phẩm đã được thừa nhận, giá trị thẩm mĩ đã được khám phá, hiệu ứng bi kịch đã được nghiền ngẫm... Liệu còn có gì để khám phá?