LÊ HUỲNH LÂM
(Đọc tập thơ “Những con chim của bóng tối” của Phạm Tấn Hầu - Nxb Văn học 6/2011)
Tôi một mình, lũ pharixêu múa rối
Sống đến tận cùng, đâu phải chuyện chơi.
Bôrix Patecnax
Có thể giá trị đích thực của thơ là những gì mà tác giả đã cảm nhận qua lăng kính của tri thức và của những cơn đau ẩn mình trong trái tim bé nhỏ. Không giống như những người làm thơ khác thường tự đo đếm sự thành danh của chính mình ở số lượng và trên các mặt báo, Phạm Tấn Hầu đến với thi ca từ cuối những thập niên sáu mươi, một số bài thơ anh đã đăng rải rác trên báo Văn, Khởi Hành, Ý thức, Bách Khoa… nhưng mãi đến năm 1990 tác giả mới ra mắt tập thơ Thế giới anh đã ngỏ lời ở tuổi trên bốn mươi; ở tuổi này anh được một số người trong nghề văn gọi là nhà thơ trẻ. Nhân đây, có đôi lời tản mạn về cách nhìn chủ quan của một lớp người trong xã hội chúng ta (tự cho mình là bề trên), đó là cách nhìn với lăng kính hạn hẹp đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế sự trưởng thành của các thế hệ sau. Hãy nhìn lại quá khứ trong lĩnh vực văn chương, khi một Vũ Trọng Phụng thành danh ở tuổi trẻ trên dưới hai mươi, một Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Phạm Công Thiện,… là những tác giả để lại ấn tượng mạnh ở lứa tuổi như vậy. Thực ra, với thi ca không có ranh giới của tuổi tác, cũng không phân biệt người xuất hiện trước kẻ sau; vấn đề là xuất hiện như thế nào, và càng không có đàn anh đàn em như ở các băng nhóm… Điều trân quý trong mỗi người cầm bút là một tấm lòng! Tất cả những người thơ như đang trôi vào dòng chảy cuồn cuộn của xã hội và những angten cảm thụ cùng với khả năng ngôn từ cứ thế mà trào tuôn. Cũng như Rimbaud, một thi sĩ thấu thị chỉ ở tuổi niên thiếu, nhưng với sự giao cảm cao xa và sự rung động ở tầng thâm sâu của tâm hồn, chàng trai trẻ đó, sau này đã trở thành trung tâm điểm khiến cho thế giới thi ca quay xung quanh tác phẩm mình. Thi ca và khoa học cùng nhìn về một hướng nhưng con đường đến đích là khác nhau, thế giới của các nhà khoa học là thế giới của kinh nghiệm lý trí, thế giới của cái nhìn phóng chiếu ra bên ngoài. Trong khi đó thế giới thi ca vượt qua lý trí để đạt đến thực tại của cá thể qua những cơn xúc cảm và sự tiếp nhận trực diện từ nội tâm và ngoại cảnh.
Chưa bàn đến Quay vòng với bụi xuất hiện năm 1999, thiết nghĩ với Thế giới anh đã ngỏ lời xuất bản năm 1990 là quá đủ và chỉ chừng đó thôi đã hình thành những mảng và khối của một thi sĩ, khi nghe “bản tin về Paxtenắc” bị khai trừ ra khỏi hội, tác giả như đã cảm nhận được một vòng quay của tương lai. Phẩm giá của nghệ thuật nói chung và của thi ca nói riêng trong những xã hội bình thường sẽ tự khẳng định chính nó bởi bản lĩnh của tác giả, không một ma lực nào có thể lay chuyển, uốn cong giá trị nghệ thuật theo ý đồ khác, trừ khi có sự thỏa hiệp của tác giả.
Trong cách nhìn đó, Những con chim của bóng tối lại một lần nữa cho người đọc nhìn rõ hơn gương mặt của thi nhân, khi tác giả đã ngỏ lời với thế giới hơn hai mươi năm qua. Nhưng thế giới vốn như vậy, không bao giờ toàn mỹ vì không có sự hoàn hảo trong mỗi cá thể. Có chăng là sự đổi thay trong cách nhìn và cách thể hiện ngôn từ của nhà thơ. Để rồi bóng tối trở thành nơi trú ngụ của những linh hồn khát bay, khi màu đỏ bầm của máu trộn lẫn với đêm đen, để sự căng thẳng đổ dồn về trái tim cho lũ chim thức trắng:
Đêm hôm trước đỏ bầm
Như máu dồn trong máu
Và lũ chim thức trắng
Vì ngày mai
Là tiếng hát khác
Bi kịch thay khi tương lai của loài chim lại là những chiếc lồng nhỏ bé hơn cùng với sự mục nát.
Và chiếc lồng nhỏ bé
Hơn cả than giam cầm
Và mục nát
Phơi bày
Việc luận bàn về nghệ thuật ngôn từ có lẽ dành cho những bài chuyên khảo về toàn bộ tác phẩm của tác giả, ở đây chỉ nói đến tiết nhịp và hình ảnh trong Những con chim của bóng tối. Thật ra, ngoài những hình ảnh mới như cái chết của một thi sĩ, những người lính biển đảo, trang giấy lặng im, khoảng trống trên đường phố,… thì một số hình ảnh trong tập thơ này là một sự lặp lại của Thế giới anh đã ngỏ lời, có thể đây là chủ ý của tác giả như muốn nhắn nhủ với người đọc rằng, đã hơn hai mươi năm trôi qua, vẫn là những phận người khổ ải, hình ảnh những con chim thức trắng, không khí của sự im lặng, những khúc hát ru, những khoảng trống, những con đường quê,… có chăng là sự đổi thay về nghệ thuật ngôn từ và tiết nhịp, về những cái nhìn siêu nghiệm vượt qua rào cản duy lý, tạo ra những trường xung động khiến người đọc phải trở trăn trong trường thức của tác giả. Không gian thơ của Phạm Tấn Hầu trở nên thiêng liêng khi anh đã kiến tạo những hình ảnh vượt qua sự thật đớn hèn, để đề cao giá trị của thi ca và tạo ra những vệt loang rộng và sâu hơn trong thế giới thơ của chính mình. Và qua đó, tác giả cho người đọc thấy được gương mặt bao quát của xã hội mà chúng ta đang tồn tại với rất nhiều biểu hiện. Vì vậy khi khẩu độ lăng kính của tác giả càng lớn thì vẻ mặt của tác phẩm càng đa dạng và sâu thẳm, chúng ta hãy cùng tác giả đi qua những “khoảng trống trên đường phố” cùng với đội quân bán rong, những đoàn xiếc đói tuồng và những người cố bơm đầy hơi thành những tượng đài.
Đó là bi kịch của những con người tự túm đầu mình kéo lên mà bên trong chứa đầy những ngôn từ ngụy trá, rỗng tuếch, và có lẽ điều mà tác giả muốn nói còn nhiều hơn những câu chữ đang hiển hiện, khi sự gãy vỡ trở thành điều không thể chối bỏ:
chẳng bao giờ trọn vẹn, tiếng kêu này bị chặn lại
bởi một tiếng kêu khác
những cao ốc hãm hiếp nhau
những người bị nạt nộ
và kẻ thích đi nạt nộ
Sự thất vọng khi đã trở thành nỗi tuyệt vọng, cũng là thời khắc con người đối diện rõ nhất với chính mình, và đó chính là phút giây quyết định một tương lai khác, khi họ mải miết kiếm tìm mà không thể tìm thấy:
một cánh cổng, chiếc vé tàu của mình
cùng tay nải ấm áp
bao bọc mối ước mơ
họ không có câu hỏi nào
cũng chẳng biết trả lời
vì đường phố này thừa thãi
nỗi xa lạ
Thật khủng khiếp khi mỗi con người đang tồn tại trong một xã hội lại không thể tìm ra một cánh cổng, một con đường, và kinh khiếp hơn là sống mà không có câu hỏi nào. Phải chăng khi sự vô cảm đã ngập tràn bởi những kẻ thích đi nạt nộ đã khiến cho không khí sợ hãi trùm vây đến nỗi con người không còn biết hỏi và trả lời. Điều đó hãy để thời gian phán xét. Và rồi, dù biết rằng tất cả sẽ qua đi. Nhưng ở đây, không phải qua bờ bên kia, bờ hy vọng tươi sáng mà là qua những nhập nhoạng ảo mờ, như những thân phận cô quạnh trong mưa gió âm u, để gợi lên trong tâm hồn thi nhân một chút lòng trắc ẩn mà thi sĩ Phạm Tấn Hầu gọi đó là khoảng trống còn lại trong xã hội này, ôi thật trớ trêu khi khoảng trống tội tình kia là nguyên cớ gia tăng nỗi đau cho những tâm hồn còn biết xót thương.
Họ sẽ đi qua hàng cây xẫm tối kia
để trở thành chiếc bóng mờ
để tàn lá mong manh
quyện vào những sợi mưa mát lạnh
vỗ về
tấm lòng trắc ẩn
và đó là khoảng trống
còn lại trên đường phố này
để ta úp mặt
khóc.
Từ xưa đến nay, những người còn lương tri đã sống và giữ được phẩm hạnh cuộc đời, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, mỗi người cầm bút như phải mang vác một sứ mệnh mà bằng cách này hoặc cách khác như một nghiệp dĩ phải đi cùng với những hoạt cảnh mà buộc người cầm bút phải tham dự, nhưng, như đã nói trên, bản lĩnh của người nghệ sĩ thể hiện chính trong những hoàn cảnh như vậy, đó là điều giúp cho mỗi chúng ta trưởng thành hơn trước mọi cám dỗ và sự sợ hãi đang bủa vây. Vì thế, để ghi nhận và đánh giá chính xác một nghệ sĩ là đánh giá vào những thời khắc cao trào của lịch sử và hãy nhìn xuyên suốt vào tác phẩm của họ. Bây giờ, chúng ta cùng “ru khúc Hoàng Sa” với nhà thơ Phạm Tấn Hầu để tưởng niệm những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Ta tự Hoàng Sa mới thổi về
Mấy hồn lính thú thác xa quê
Không đảo không nhà không mộ chí
Theo sóng làm ma để thét gào
Người ở phương Nam ta phương Bắc
Tìm nhau qua tiếng hịch thiêng liêng
Gọi mỏm đá kia là Tổ quốc
Biết bao lần đem máu tưới lên
Hỡi “những con chim của bóng tối” hãy kiên nhẫn “chờ đợi sự im lặng”, dù biết rằng sự im lặng cuối cùng cũng bị nuốt chửng: “và những con đường luôn khép lại/ cây cũng tụm lại/ tắt luôn tiếng rì rào/ tựa như đang chờ đợi/ để nuốt chửng thêm sự im lặng/ của chúng ta”. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, chúng ta hãy băng qua khu “rừng Juliet” để cùng “thắp sáng rừng tình nhân” và chứng thực một “sự dâng tặng” đầy thi vị đã thúc giục niềm khô khát bên trong trái tim người thơ:
những trái cây thật tròn đầy
rụng quanh niềm khao khát. Hỡi em
ta muốn một thế giới
chuyển động theo ý nghĩ
về em.
Như một cảm nghiệm về thế giới, cuối cùng là một sự lặng im bao trùm khi mà cái chết là điều tất yếu và hư vô luôn ngự trị trong mỗi chúng ta, dù trong “cái chết của một thi sĩ” như một tiên nghiệm của trực giác về sống chết, nhưng tác giả như đang nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi thời khắc trôi qua, chúng ta đang nhích dần về phía lặng im vĩnh cửu:
Hãy im lặng
để nghe nỗi cô đơn đang xua đi
tất cả hình thái, tư duy, chữ nghĩa
ra khỏi phút dây hiện hữu này
và nghe mình trôi đi, chìm sâu
Và chính trong sự im lặng đó, mỗi chúng ta hãy bình thản ngắm nhìn chiếc áo quen thuộc như trở thành một với chúng ta lần cuối cùng để bước vào một thế giới khác:
Trần trụi và đơn độc
ta muốn ngắm mình
thật kỹ
trước khi phó mặc
cho sự khâm liệm
của hư vô.
Chúng ta có thể tìm thấy “những con chim của bóng tối” đang ẩn núp đâu đó xung quanh ta và có thể ngay bên trong mỗi chúng ta đều có những khát vọng được bay đang nằm im trong thẳm sâu để đợi chờ ngày tung cánh. Tôi tin rằng ngày đó sẽ đến dù sớm hay muộn gì, vì khát vọng bay là khát vọng của cả một dân tộc nói riêng và của loài người nói chung. Vì thế những chiếc lồng bé nhỏ, chật chội và mục ruổng kia sẽ không giam cầm được khát vọng lớn lao của cả nhân loại. Hỡi “những con chim của bóng tối” hãy đợi chờ ngày tung cánh.
L.H.L
(SH279/5-12)
HỒ HUY SƠN
Năm 2019, văn đàn Việt chứng kiến một cuộc chuyển giao trong đời sống văn học trẻ nước nhà. Thế hệ 8X vẫn cần mẫn viết nhưng có xu hướng trở nên lặng lẽ hơn; trong khi đó, thế hệ 9X lại đang có một sức bật không kém phần táo bạo, bất ngờ. Bài viết dưới đây nằm trong sự quan sát mang tính cá nhân, với mong muốn đưa đến người đọc những nét nổi bật trong năm qua của văn chương trẻ.
PHẠM PHÚ PHONG
Trong mấy thập niên gần đây, cái tên Nguyễn Thị Thanh Xuân không còn xa lạ với độc giả trong cả nước.
PHAN TRỌNG HOÀNG LINH
Trong một tiểu luận bàn về Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại, học giả Trần Đình Sử xem “ngoại biên hóa chủ yếu là phương thức tồn tại thông thường của văn học”.
HỒ THẾ HÀ
Mấy mươi năm cầm bút đi kháng chiến, Hải Bằng chỉ vỏn vẹn có 1 tập thơ in chung Hát về ngọn lửa (1980) ra mắt bạn đọc.
LÝ HOÀI THU
Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi.
LÝ HOÀI THU
Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi.
PHAN TRỌNG HOÀNG LINH
Trong thế hệ những nhà văn tuổi Canh Tý đương thời (sinh năm 1960), Hồ Anh Thái chiếm lĩnh một vị trí nổi bật. Càng đặc biệt hơn khi hình ảnh con chuột từng trở thành biểu tượng trung tâm trong văn chương ông. Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (2020), hãy cùng nhìn lại cuốn tiểu thuyết được ông viết cách đây gần một thập kỷ.
NGUYỄN TRỌNG TẠO
• Để chọn được những áng thơ hay, những người thơ có tài, người ta thường mở các cuộc thi, và cuối cùng là giải thưởng được trao.
PHẠM XUÂN DŨNG
Nhà thơ Tố Hữu là người xứ Huế nhưng lại có nhiều duyên nợ với Quảng Trị, nhất là đoạn đời trai trẻ, đặc biệt là với địa danh Lao Bảo.
TRẦN THÙY MAI
Đọc tập sách của Nguyễn Khoa Diệu Hà, với hơn 30 tản văn, tôi có cái cảm giác như đang ngồi trên tấm thảm thần Aladin bay về một miền mà không có xe tàu nào đưa ta đến được một miền thương nhớ đặc biệt “Ở xứ mưa không buồn”!
NGUYỄN QUANG THIỀU
Có không ít các nhà thơ lâu nay coi sứ mệnh của thơ ca không phải là viết trực diện về những gì đang xẩy ra trong đời sống con người.
VŨ VĂN
Một mùa xuân nữa lại về, mùa xuân của hòa bình, của ấm no và những đổi thay của đất nước. Nhưng đã có thời kỳ, những mùa xuân của dân tộc đến vào những lúc chiến tranh vô cùng gian khổ, trong lòng nhiều người từng sống qua những năm tháng ấy lại dâng lên niềm thương nhớ Bác, nhớ giọng nói của Người, nhớ những lời chúc Tết của Người vang lên trên loa phát thanh mỗi đêm Giao thừa.
ĐỖ QUYÊN
1.
Du Tử Lê thường được xem là một trong bảy nhà thơ hàng đầu của nền văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975, cùng với Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Đinh Hùng, và Nguyên Sa. Cây thơ cuối cùng ấy đã hết còn lá xanh giữa mùa thu này.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Nhân đọc các tập truyện của Trần Bảo Định vừa được xuất bản)
LƯU KHÁNH THƠ
Giai đoạn giao thời ba mươi năm đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự thay đổi vị trí xã hội của người phụ nữ. Từ “chốn phòng the”, một số người phụ nữ có tri thức và tư tưởng tiến bộ đã mạnh dạn vươn ra ngoài xã hội, bộc lộ suy nghĩ, chủ kiến riêng và thể hiện con người cá nhân của mình.
PHẠM PHÚ PHONG
Trong vô tận (Nxb. Trẻ, 2019) là cuốn sách thứ mười ba và là tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Vĩnh Quyền.
HOÀNG THỤY ANH
“Đá”(1) là tập thơ thứ 5 của tác giả Đỗ Thành Đồng. Điểm xuyết, vấn vương một chút dáng dấp của “Rác”, “Rỗng”, “Xác”(2), nhưng thần thái của “Đá” đã khác.
ĐÔNG HÀ
Mỗi dân tộc có một số phận lịch sử. Và lịch sử chưa bao giờ công bằng với dân tộc Việt chúng ta, khi trải qua hơn bốn ngàn năm, luôn phải đặt số phận con dân dưới cuộc chiến. Vì vậy, để viết nên trang sử nước nhà, không chỉ những chính sử gia, mà các nhà văn, nhà thơ, người cầm bút, không tránh chạm ngòi bút của mình vào nỗi đau của dân tộc.
NGUYỄN QUANG THIỀU
Khi đọc xong bản thảo trường ca Nàng, quả thực trước đó tôi không hình dung có một trường ca như vậy được viết trong thời đại hiện nay.