TÔ NHUẬN VỸ
Trong số bạn bè thân tình của tôi, Ngô Minh rất “lạ”. Lạ đầu tiên là… nhỏ thó. Người thấp bé, tròn vo, tròn vo từ mấy chục năm ni luôn, chừ lại suốt ngày (e cả suốt đêm) ngồi máy tính viết bài.
Tác giả thăm mộ mẹ Ngô Minh ở làng Thượng Luật
Lạ là không biết lấy mô ra năng lượng, sự thông minh, sức lực để cày mỗi ngày e xong một bài rồi lại se bài, pốt bài. Từ chuyện tổ bố phải bạch hóa tới chuyện con kiến cách làm mắm kiểu Huế. Nên cái bụng đã thành bự chảng, khiến tôi không ít lần cảnh báo kiểu ni Cụ mi sắp đi họp quá! (không biết tự lúc nào, tôi hay kêu Cụ mi với Ngô Minh). Người rứa nhưng cười thì sần sật sần sật, ăn to nói nậy, vang dội, sảng khoái. Nghe giọng cười, tiếng nói biết chắc con người xa lạ với những gì đen tối, khuất tất. Ngô Minh trung thực, phẩm chất mà tôi cho là đáng trọng nhất ở người trí thức, mà trước hết là trung thực với chính mình. Không bao giờ nói trẹo, nói trái với chính lòng mình. Đó cũng là chất hảo hớn cần có của người nghệ sĩ giữa thời buổi đầy chuyện nhiễu nhương, giả trá. Đặc biệt những chuyện vẹn toàn giang sơn Tổ quốc nhức buốt tâm can, chuyện tang thương, oan ức của người dân lầm than, chuyện trí thức, nghệ sĩ bị o ép, dọa nạt… Ngô Minh, trước hết là trên Blogs của mình, luôn là một trong những người phát biểu đầu tiên, không lập lờ chính kiến, mạnh mẽ dứt khoát nhưng lời lẽ không bùn lầy nước đọng. Riêng chuyện cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hết năm này qua năm kia, hết thơ đến văn đến báo chí… Ngô Minh như dồn hết sinh lực, hồn vía, khí phách để viết hàng nghìn trang về vị Thánh vĩ đại của dân tộc và quê hương mình. Nguyễn Khoa Điềm đã nói: Ngô Minh là một nhà báo chính luận xuất sắc. Chính xác. Đã nhiều lần tôi ngồi trước máy định viết “một cái gì” về Ngô Minh, nhưng rồi ớ ra: viết cái chi hè? Bởi cái chi của hắn cũng đáng viết hết. Viết về thơ thì quá nhiều người rành thơ đã viết, mình là dân ngoại đạo đâu dám múa. Tôi tôn trọng tất cả sự tìm tòi, đổi mới, nhưng thích lại là chuyện khác. Thơ văn chi nói tới buồn phải buồn, nói vui phải vui, nói đau đớn phải đau đớn, nói tức giận phải tức giận, chứ đọc năm lần bảy lượt, có khi nghe tác giả giải thích nữa, mà vẫn tịt mít đầu óc, tim gan như đá… thì tìm sách triết học đọc còn hơn. Nên tôi thích loại thơ của Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy…
Tôi tiếp tục chuyện lạ của Ngô Minh. Có thể nói, Ngô Minh bị một thứ bệnh lạ: bệnh mê bạn bè. Riêng cái đám thơ văn ngoài quê, là ngoài miệt Đồng Hới - Lệ Thủy, dễ có tới hàng trăm bài viết giới thiệu của Ngô Minh. Cái “đám” bạn bè đó tôi cũng biết gần hết và từ thời Bình Trị Thiên tôi cũng “lăn lóc” với anh em ngoài đó dữ lắm mà cứ hay bị ớ ra: răng Cụ mi viết tới đứa mô cũng như sắp thành… đại thi hào cả rứa? Ngô Minh sần sật, có răng viết rứa. Ngoài chuyện có đôi mắt có nghề phát hiện cái hay trong từng chữ lạ, trong từng hình ảnh thơ độc đáo, tấm lòng luôn thơm thảo với bạn bè… Ngô Minh còn cần mẫn, miệt mài sưu tầm, lưu giữ những tư liệu “thượng vàng hạ cám” của bạn bè anh em. Với tôi cũng vậy: gần như “cái chi chi” của cuộc đời tôi mấy chục năm ni, hắn biết tuốt. Có lần đọc một bài viết của Ngô Minh về tôi, nhà tôi vặn: răng chuyện ni em chưa bao giờ biết mà Ngô Minh biết?! Tôi đẩy qua cho hắn: đi mà hỏi Ngô Minh chớ sao lại hỏi anh? Khỏe! Tư liệu về bạn bè chắc gần bằng cả một thư viện. Mà cái thư viện đặc biệt ấy có lẽ dồn vô hết nơi cái bụng ngày một bự chảng của Ngô Minh chớ không phải nơi mô khác. Ngô Minh trải lòng với bạn bè. Cái nhóm Kỷ Sửu “một lứa bên trời lận đận” Mỹ Dạ, Đỗ Hoàng, Mai Văn Hoan, Hải Kỳ, Ngô Minh mi tau đất cát từ thời còn mặc quần xẻ đáy đến chừ vẫn mi tau đất cát như rứa. Cái tình như rứa đời mô cũng đáng trọng. Ngày Hải Kỳ mất, tôi kêu xe thồ lọ mọ ra bến xe đò phía Bắc thành phố từ bốn rưỡi sáng để đi chuyến đầu ra Đồng Hới, đã thấy Ngô Minh ngồi sẵn trên xe, giọng rầu rĩ cả đêm có chợp mắt được mô bác. Mặc dù Ngô Minh đã ra mấy lần thăm bạn, lần cận nhất cách đó vài ngày. Hải Kỳ sắp chết mà còn ráo hoảnh giao cho Hoàng Vũ Thuật viết điếu văn và cùng Ngô Minh đem tới đọc cho Hải Kỳ… duyệt! Mấy đứa thương bạn đau cả ruột mà cười ra nước mắt. Nghe chuyện, tôi ứa nước mắt với Ngô Minh, sao cụ mi không kêu tớ ra duyệt với! Khi Hải Kỳ vô Huế chữa bệnh, bác sĩ Nguyễn Tích Ý - người bạn thân của nhiều anh em văn nghệ Huế - nói bệnh ni chỉ 9 tháng nữa thôi. Nghe rùng cả mình, lập tức Ngô Minh âm thầm mà hỏa tốc tìm cách làm phim về cuộc đời và sự nghiệp Hải Kỳ (viết kịch bản, vận động VTV Huế lên kế hoạch, tài chính thì qua blogs của mình và blogs Quê choa của Nguyễn Quang Lập vận động bạn bè và xin Hội Nhà văn, lấy nhà mình làm như nhà của Hải Kỳ ngoài quê, chở bạn đi ngoại cảnh…). Hỏa tốc hỏa lôi làm xong phim và vừa vận động vừa thúc VTV Huế, VTV1, VTV3 lần lượt công chiếu phim này. Và Hải Kỳ kịp xem phim này trước lúc ra đi, đúng 9 tháng như anh Ý dự báo, Ngô Minh sướng hơn cả được Giải thưởng Nhà nước nữa!
Rồi Ngô Minh cùng Mai Văn Hoan kỳ công ra cho được Tuyển tập Hải Kỳ kịp ngày giỗ đầu. Thông báo gấp kêu gọi bạn bè trong Nam ngoài Bắc gửi bài vở, tiền bạc. Phải nói là gom từng cắc bạc, từng mẫu tin, từng kỷ niệm, từng bài thơ, kể cả những bài thơ “tuyệt mật” sâu thẳm một thời của bạn. Sách in sang trọng, bề thế, mấy vị “đại lão hòa thượng” của văn chương Việt chưa chắc đã sánh kịp. Rồi lễ ra mắt sách, dĩ nhiên trước đó đem sách lên mộ Hải Kỳ “báo cáo” với bạn, vừa “cụng” ly rượu với bạn vừa đọc những vần thơ trào nước mắt nhớ bạn, ơi hời ơi hỡi răng mi bỏ chúng tau mi đi đành đi đoạn rứa…
Rồi Lê Đình Ty chết vì tai nạn giao thông. Tuyển tập thơ - ảnh Lê Đình Ty… cũng lại tấm lòng bạn bè bao la, thấm đẫm như vậy.
Đại gia đình Ngô Minh lắm nỗi cay đắng, tang thương nhưng tôi chưa bao giờ bắt gặp nét hận thù nơi Ngô Minh. Căm giận thì có nhưng không hận thù. Nên mới có, mới giữ được tấm lòng yêu người, yêu bạn như hơi thở vào ra như thế. Nhớ đêm đọc bản thảo hồi ức Một trăm ngày vượt Trường Sơn của Ngô Minh, tôi không cầm được nước mắt, chờ trời sáng chạy xuống gõ cửa nhà Ngô Minh để lên cúi đầu thắp một nén nhang trên bàn thờ bà cụ. Thương và quá chừng kính nể người mẹ cơ khổ và lớn lao của anh em nhà Ngô Minh. Bố Ngô Minh là một ngư dân có đầu óc, có ít học hành của làng biển Thượng Luật, nên làm ăn nên nổi, có thuyền có lưới, có nhà cửa khang trang và con cái được học chữ, là nhà “trí thức nhất làng”. Ông cũng bỏ tiền mua súng ống cho du kích kháng chiến. Rứa mà vụ Cải cách ruộng đất chụp cho ông cái mũ địa chủ cường hào, tịch thu sạch bách nhà cửa, thuyền lưới, cướp đến từng hột gạo cho tới thúng mủng rách. Và xử bắn! Thật oái oăm: hôm trước vụ xử bắn đã có lệnh dừng vụ xử bắn Ông Cụ, nhưng trời mưa nên sáng hôm sau tay giao liên mới đưa lệnh về làng thì, ôi thôi rồi! Cụ ra đi, để lại một vạt con 5 đứa cho Mệ, đứa nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi, Ngô Minh áp chót, 7 tuổi, với gia tài sạch bách, chỉ còn đúng hai bàn tay trắng. Rứa mà Mệ, gạt nước mắt khóc chồng chưa khô, ngày ngày đôi quang gióng trên vai gánh đủ thứ rau, chè, mắm ruốc, cá khô… từ làng cát chang chang nắng đi một bước lùi hai bước, lên về Đồng Hới - chợ huyện bòn từng cắc bạc để nuôi đàn con lít nhít! Ôi chao là Mệ, tôi cúi đầu lạy Mệ mà thương không biết để mô cho hết. Con cái Mệ vẫn lớn lên hùng dũng, kiêu hãnh. Anh Ninh là quan trắc viên, là đôi mắt sáng ngời cho đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng nhìn rõ tàu chiến Mỹ mà bắn. Ngô Minh là người lính cộng sản đi hết cuộc chiến tranh và máu xương đồng đội máu xương của bà con Quảng Bình, Ngư Thủy, trong đó có cả máu của người cha thân yêu… đã hun đúc nên hồn của nhà thơ Ngô Minh với biết bao bài thơ tình yêu Tổ quốc, quê hương, tình yêu con người sâu đậm, là niềm tự hào lớn lao của cả làng biển nghèo mà ngạo nghễ.
Trở lại chuyện bệnh mê bạn bè của Ngô Minh. Dĩ nhiên là mê thơ bạn bè. Hễ cứ có bài thơ hay, có tập thơ hay, thậm chí có câu thơ hay… của ai đó, không cứ là nhà hay không nhà, nhà nổi tiếng hay nhà mãi không chịu nổi tiếng, Ngô Minh viết bài khen đã, có lúc khen say sưa, mê đắm cứ như đang khúc khích tâm sự với người tình. Tất nhiên không phải viết gấp gửi báo kiếm tiền, mà đưa ngay lên blogs của mình, để cho bạn sướng và mình sướng đã. Gần như cứ vài ngày lại có một nhà thơ nào đó gửi bài cho Blogs Ngô Minh hoặc Ngô Minh viết cơn sướng thơ bạn bè của mình. Ngay lúc tôi viết tới dòng này, thử mở blogs Ngô Minh ra để tự kiểm tra lại nhận định của mình, y như rằng, Ngô Minh đăng chùm thơ của Nguyễn Hưng Hải từ Đền Hùng gửi về, với lời giới thiệu: “Bài nào tác giả cũng ghi địa chỉ nàng thơ mà mình tặng, ghi ngày giờ ngày tháng làm bài thơ. Ấy là đang yêu đấy. Thơ của người đang yêu mà, mời bạn yêu thơ cùng chia xẻ”.
(Bài vở cứ “gửi” ngay cho blogs của mình cho bạn sướng, xã hội sướng, mình sướng đã thì gửi lại các báo để có nhuận bút dĩ nhiên là… toi. Nên thu nhập của người viết nhiều bài báo như Ngô Minh không ăn nhằm chi so với nhiều cây bút ở Huế vì họ trước hết gửi báo viết kiếm tiền đã rồi lốc liếc sau. Ít người biết rằng, Ngô Minh có một ao ước là có một mảnh đất không quá chật hẹp để xây một cái nhà thoáng rộng, có cảnh quan không mê ly như làng biển Thượng Luật thì cũng vừa để đón tiếp bạn bè trong Nam ngoài Bắc hay lui tới cụng ly, đàm đạo văn chương và nhân tình thế thái. Nhưng gần cuối đời rồi vẫn chỉ “ở nhờ” trên miếng đất gần chợ Bến Ngự mà vợ được chia từ thời còn bán ở cửa hàng gần đó).
![]() |
Trao tặng thưởng bên mộ Phùng Quán (từ trái qua: Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khoa Điềm, Đặng Mậu Tựu, Ngô Minh, Tô Nhuận Vỹ, Nhất Lâm, Nguyễn Khắc Phê). |
Chuyện mê bạn bè, miệt mài nhất, cần mẫn nhất, tiêu biểu nhất suốt gần 30 năm qua là cái tình với người bạn, người anh vong niên Phùng Quán. Chuyện ăn nhậu, cụng ly, say mê đọc thơ cùng Phùng Quán… đã có quá nhiều người “hồi ký” rồi, Ngô Minh cũng vô vàn chuyện kể đó, bởi nhà Ngô Minh gần như là nơi tạm trú thường trực mỗi lần Phùng Quán vô Huế. Nhưng trong hàng trăm người có “hồi ký” đó, không có ai như Ngô Minh lo cho Phùng Quán “từ A đến Z” sau khi Phùng Quán mất. Không có ai như rứa. Tập sách trứ danh Phùng Quán - Ba phút sự thật. Đưa Phùng Quán về làng quê Thủy Dương và kêu gọi, huy động đóng góp của trí thức, văn nghệ sĩ trong nước ngoài nước để xây dựng khu lăng mộ Phùng Quán bề thế, tuyệt đẹp ngay trên con đường Phùng Quán mà Tỉnh vừa đặt tên. Chăm sóc chị Trâm những ngày đau ốm và khi chị mất đã tổ chức đưa chị về nằm cạnh anh. Những ngày Huế có bão, đêm nằm không yên, sợ mấy cây bạch đàn quanh mộ bị gãy đập xuống phá hỏng lăng. Mà lần đó nó gãy thiệt, nhưng ơn Trời, nó đổ xuống ngay khu mộ mà răng các cành xum xuê không cành nào làm xước đau mộ và lăng cả! Ngô Minh hô chúng tôi cùng chạy lên khu mộ, chặt cành, đốn gốc cây đổ, dọn sạch khu mộ sau bão rồi anh em đem chai rượu Thủy Dương ra khà khà cùng hồn thiêng anh Phùng Quán - chị Trâm chắc chắn đang về trên vùng đồi lộng gió. Rồi chuyện lo cho người con trai của Phùng Quán bị sa sẩy trong cuộc đời như lo cho con cháu cật ruột. Ngày cháu ra tù, Ngô Minh thuê xe ra tận cổng trại giam thật sớm để đón, sợ chậm chân thì biết đâu bọn bạn chơi bời vốn lôi kéo cháu vô con đường ê ẩm “hớt tay trên” rồi lôi cháu đi đâu nữa thì đại nguy!... Ngô Minh như rứa đó. Rồi chắt bóp, tiết kiệm từ tiền còn dư sau khi xây xong khu lăng mộ để lập ra Quỹ Phùng Quán. Khi mới ra đời, Quỹ chỉ mới tặng học bổng cho các học sinh xuất sắc của xã Thủy Dương đạt giải thưởng cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Dù chỉ 500 ngàn/một suất học bổng nhưng các trò được nhận học bổng Phùng Quán thì sung sướng, hãnh diện lắm, trong các cuộc lễ do xã tổ chức rất long trọng (đến nay cũng đã phát được hơn 50 suất). Từ năm 2012, Quỹ quyết định tặng thưởng cho những tác phẩm văn học xuất sắc, “viết theo khí phách Phùng Quán”, của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiểu thuyết Vùng sâu của tôi “trúng” ngay lần đầu tặng thưởng của Quỹ. “Quỹ Phùng Quán tặng thưởng nhà văn Tô Nhuận Vỹ, sinh năm 1941, với tiểu thuyết Vùng sâu, Nxb. Hội Nhà văn, hấp dẫn và sâu sắc, phản ánh trung thực nỗi đau nhân tâm thời hậu chiến ở Huế”. Ở góc cao Bằng chứng nhận là chân dung Phùng Quán tóc râu bạc phơ như Tiên ông giáng trần, và bên dưới là khuôn dấu Quỹ Phùng Quán và chữ ký Ngô Minh rất oách. Buổi trao thưởng được tổ chức ngay khu mộ Phùng Quán (cùng với anh Nhất Lâm với tiểu thuyết Xa Hà Nội. Năm 2013 là trường ca Đi tìm xác đồng đội của Trần Vàng Sao và năm 2014 là Nghiên cứu Truyện Kiều của Mai Văn Hoan). Đây là giải thưởng ý nghĩa nhất trong đời tôi. Bây giờ trong nhà, tôi có trưng hai bức ảnh để “khoe” với ai đến chơi: bức nhận tặng thưởng bên mộ Phùng Quán và bức ảnh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT, cũng năm 2012, tại Nhà hát lớn Hà Nội cho bộ tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng và tiểu thuyết Ngoại ô.
Để tạm kết thúc bài này, cho tôi nói một điều mà có thể có người không đồng ý. Làm thơ tình nhiều và thơ tình bạo liệt, ở Huế bây giờ ngoài Mai Văn Hoan chắc chỉ có Ngô Minh. Nhiều nhà thơ quá dễ xúc động trước phái đẹp, mới có chuyện bài thơ tặng em này lại “để dành” tặng cho em khác sau đó, có khi tặng đi tặng lại hàng chục lần! Có lần tôi nói với Ngô Minh, cụ mi đừng lảy lảy, đừng chụp giựt trong tình yêu nghe, chuyện đó ghê ghê thế nào… Ngô Minh chỉ sần sật sần sật. Nhưng rồi tôi biết, có một bóng hồng mà cuộc đời cũng lắm đa đoan, đã in bóng sâu đậm trong tâm hồn Ngô Minh bao năm nay và biết bao bài thơ da diết đã ra đời. Nhưng gần như họ không bao giờ gặp nhau từ ngày nàng đã có một cuộc sống ổn định. Ngô Minh giữ yên khoảng lặng sâu thẳm đó cho em. Và cho Mình. Tôi quý Ngô Minh hơn cũng vì thế. Và còn quý một người hơn cả Ngô Minh trong chuyện này, là “hoa hậu nhà tôi” Minh Tâm, vợ Ngô Minh. Người nào lấy nhà thơ làm chồng là cả gan lắm rồi. Mà lại năm này qua năm khác, dài dằng dặc cuộc đời, vẫn âm thầm chia xẻ với tính khí thường ngất ngưởng ta bà của chồng, với triền miên các cuộc rượu lúc hẻo lúc ê hề với bạn chồng… mà riêng tôi thì chưa thấy khi nào Tâm vắng nụ cười. Thấy nụ cười đó, tôi hiểu vì sao những cuộc “mưa đám mây”, những lần sét đánh trong cuộc đời Ngô Minh để có những vần thơ da diết, sâu lắng tình yêu không để lại dấu vết trong tâm hồn Tâm, trong nụ cười nhân hậu hỉ xả đó. Đọc mấy câu Ngô Minh tặng Tâm gần đây nhất, quá thương đôi vợ chồng ni. Nhâm Thìn ơi, Nhâm Thìn em/ cho anh nương tựa nhớ quên tít mù/ rượu be thơ túi ngất ngư/ một mình em gánh cơ đồ xông pha… Đó là hạnh phúc chớ chi nữa Ngô Minh?
Huế 27/10/2014
T.N.V
(SH310/12-14)
NGUYỄN THỤY KHATôi bắt đầu những dòng này về Thanh khó khăn như chính thời gian dằng dặc Thanh đã đi và sống để tìm đến những thời điểm bấm máy "độc nhất vô nhị", nhưng "khoảnh khắc vàng" mà đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh không phải ai cũng có cơ may.
NGÔ MINHTrong đội ngũ các nhà thơ Việt hiện đại thế kỷ 20 đang sống ở Huế, có một nữ nhà thơ nổi tiếng thơ hay từ khi mới tuổi hai mươi, suốt mấy chục năm qua luôn được độc giả thơ cả nước ái mộ.
THANH THẢONgười dịch Marquez ấy chưa một lần gặp Marquez, dù anh đã từng sang tận xứ quê hương văn hào này.
SƠN TÙNGTôi đến sứ quán Việt Nam ở đợi vé máy bay về Bắc Kinh. Phu nhân đại biện lâm thời Tôn Quang Đẩu là bà Hải Ninh phụ trách lưu học sinh sinh viên Việt Nam tại Liên Xô, tôi là đại biểu sinh viên thuộc sự quản lý của bà khi lưu lại Mátxcơva. Cho nên được bà Hải Ninh giúp đỡ tôi như chị gái săn sóc em vậy.
VŨ HUẾGiải phóng đã tới năm 78, ba năm sau miền Nam nói chung và thành thị nói riêng, hàng hóa chẳng còn thứ gì “giá rẻ như bèo” (kể cả là nhà, đất). Huống gì tôi không phải hạng có tiền rủng rỉnh (ngoài lương), thành có muốn cái gì cũng khó.
PHONG LÊTết Dần năm 1998, vào tuổi 80, bác Kế yếu đi nhiều lắm. Sự thay đổi quá chóng khiến tôi bất ngờ.
HOÀNG MINH NHÂNNăm 1992, nhà thơ Lưu Trọng Lư cùng vợ là bà Tôn Lệ Minh vào Đà Nẵng thăm chơi, tôi có gặp. Lúc ấy tôi đang sưu tầm tư liệu về nhà thơ Phạm Hầu. Biết thời còn học ở Quốc Học Huế, nhà thơ Phạm Hầu rất ngưỡng mộ bà Minh, và đã làm nhiều bài thơ tình đặc sắc tặng bà.
TRẦN CÔNG TẤNCách nay vừa tròn 47 năm, Lê Minh Ngọc cùng chúng tôi ở chung đơn vị. Sau đó, tôi đi Mặt trận Lào. Minh Ngọc về làm hậu cần rồi đi Bắc Kinh học ngoại ngữ.
PHONG LÊTôi được một "cú phôn" mời dự cuộc gặp mặt của một nhóm anh em nhân ngày 20-11 và nhân 40 năm Ủy ban khoa học nhà nước.
TRẦN KIÊM ĐOÀNMùa Hè năm 2007, từ Huế chúng tôi chuẩn bị ra thăm Hà Nội lần đầu. Trên ga Huế, chờ chuyến Tàu Đỏ xuyên Việt buổi chiều, nghe một người bạn chưa bao giờ gặp là anh Văn Thành nói trong điện thoại: “Cậu hên quá! Hà Nội đang nắng gắt bỗng dưng hôm qua lại có gió mùa Đông Bắc. Bây giờ Hà Nội như mùa Thu”.
NGUYỄN HÀO HẢII. Người tình thứ ba của họa sĩ lớn nhất thế kỷVừa qua ở Paris đã tổ chức cuộc triển lãm bán đấu giá toàn bộ bộ sưu tập Picasso của Dora Maar gây ra một sự huyên náo trong đời sống nghệ thuật ở thành phố họa lệ này sau những tháng ngày im lìm buồn tẻ do ảnh hưởng của những cuộc khủng hoảng toàn cầu triền miên. Cuộc triển lãm này đã làm người ta nhớ lại người đàn bà thứ ba của hoạ sĩ lớn nhất thế kỷ.
Lập thân, lập nghiệp ở Pháp nhưng Tiến sĩ Thu Trang vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc. Hơn 10 năm nay bà dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu tiềm năng du lịch Việt Nam, viết sách về du lịch, tham gia giảng dạy ở nhiều lớp đào tạo cán bộ du lịch và ở khoa du lịch của một số trường đại học trong nước. Là một cộng tác viên thân thiết, tên tuổi bà đã thân thuộc với độc giả Tạp chí Sông Hương, thế nhưng ít người đọc được biết người trí thức Việt kiều yêu nước này từng là Hoa hậu Sài Gòn 1955.
VÕ MẠNH LẬPÔng Nguyễn Văn Thương xa quê hương làng Vân Thê, Hương Thủy TT.Huế từ hồi còn trẻ. Ông cũng như mọi con người khác, xa quê, thương cha nhớ mẹ. Xa quê là nhớ quê, đậm nét tình bờ dậu, gốc tre làng, hương hoa của đất phảng phất theo suốt chặng đường xa.
HOÀNG QUỐC HẢITình cờ và cũng là may mắn nữa, vào Sài Gòn lần này tôi được gặp bà góa phụ Vũ Hoàng Chương, tức bà Thục Oanh ở nhà ông Trần Mai Châu, nơi đường Tự Đức cũ. Nhà ở xế ngôi trường Trần Văn Ơn vài chục mét.
LTS: Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân là một trong những người cầm bút từ Trường Sơn về đã lao vào việc nghiên cứu lịch sử văn hoá Huế và đã đạt được một số kết quả. Trong số những gì đã đạt được anh thú vị nhất là Chuyên đề Bác Hồ, thời niên thiếu ở núi Ngự sông Hương.
HOÀNG CẦMThư gửi người âm (nhớ thi sĩ Đặng Đình Hưng)
NGUYỄN KHẮC THẠCHCơn cuồng lũ đã chìm về thủy phủ hơn chục ngày rồi mà những nơi nó đi qua vẫn ngổn ngang, bơ phờ xác họa. Huế vốn là một thành phố sạch đẹp với sương khói mờ nhân ảnh, thế mà giờ đây lại phải thay vào đó bằng rác rưởi, bụi bặm. Khắp phố phường ai nấy đều khẩn trương thu dọn, xử lý nhưng sức người không thể làm kịp cái khối lượng khổng lồ hậu quả thiên tai để lại.
HOÀNG PHƯỚCTrận lũ lịch sử đầu tháng 11 vừa qua, Thừa Thiên Huế là tỉnh bị thiệt hại rất nặng cả về người và của cải. Anh em Văn nghệ sĩ may mắn không ai mất mạng, nhưng cũng đã có trên 300 người nhà bị ngập nước, bị sập, bị tốc mái... Một số lớn những kinh sách, thư tịch, sách cổ, tranh ảnh nghệ thuật, hoành phi đối liễn, từ điển các loại, đồ sứ men lam, đàn dương cầm, nhạc cụ dân tộc, phim, máy ảnh, máy ghi hình, bản thảo, tài liệu gốc có giá trị văn hóa lịch sử, hư hỏng ẩm ướt, hoặc bị bùn đất vùi lấp, bị trôi, thiệt hại không thể tính được.
HOÀNG MINH TƯỜNGĐi Bình Trị Thiên hè này, tôi có hạnh phúc được hầu chuyện quá nhiều văn nhân nổi tiếng.Nhà văn Nguyễn Quang Hà, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, ngay khi vừa đi phá Tam Giang tìm bối cảnh cho bộ phim truyền hình nhiều tập, về đến thành phố, đã tìm đến khách sạn, giao cho hai bố con tôi chiếc honda 86 và hai mũ bảo hiểm. Xăng đầy bình rồi. Cứ thế mà đi. Ông cười hiền từ chỉ hướng cho hai bố con lên đàn Nam Giao và khu đền thờ Huyền Trân Công Chúa vừa mới khánh thành.
TÔ HOÀNGBạn chắc không thể không biết đến đến hai tên tuổi này: Brigitte Bardot và Francoise Sagan. Vẫn mãi còn đó những hình tượng khó quên mà Brigitte Bardot dành cho màn ảnh, những trang sách khó quên mà Francoise Sagan dành cho văn học. Hai người sinh ra cùng thời, nhưng với tháng Chín năm 2004 này nếu chúng ta chúc mừng Brigitte tròn 70 tuổi, thì lại đau đớn, nuối tiếc vĩnh biệt Francoise Sagan ra đi ở tuổi 69...