Ngô Minh - “Người của công chúng”

09:40 22/05/2009
MAI VĂN HOAN         (Giới thiệu các tác giả thuộc chi hội nhà văn Việt Nam tại Huế)Ngô Minh là một trong những nhà văn Việt Nam ở Huế được Đài truyền hình Cáp Việt Nam chọn giới thiệu tới 45 phút trong chương trình “Người của công chúng”. Tôi cũng được mời nói đôi lời về anh. Với tôi, Ngô Minh là người làm việc “tới số” và chơi cũng... “tới số”!

Nhà thơ Ngô Minh

Ở trong ngành Thương nghiệp hơn hai mươi năm nhưng Ngô Minh chưa bao giờ xem đó là một nghề, mặc dù anh được đào tạo một cách hết sức quy củ ở Trường Đại học Thương Mại. Nghề anh chọn lại là cái nghề mà anh chưa hề được học qua một trường lớp nào. Đó là nghề... viết báo! Có lẽ bố anh - vốn là người “có chữ” ở làng cát Thượng Luật thời ấy, đã tiên cảm phần nào về đứa con trai thứ ba của mình nên đã đặt tên khai sinh cho anh là Ngô Minh Khôi. Thời học cấp III Lệ Thuỷ (Quảng Bình), Ngô Minh được chọn đi thi học sinh giỏi cả văn lẫn toán. Nhưng chính những giờ giảng văn của các thầy Lương Duy Cán (Hà Nhật), Phan Ngọc Thu đã “hớp hồn” anh và chi phối gần như toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của anh.

Ngay thời đang là cậu học sinh trường làng, Ngô Minh đã tập tành “hành nghề” viết báo. Những tin, bài của cậu học trò trường làng lần lượt được đăng trên báo Quảng Bình, báo Trường Sơn (nay là Quân khu Bốn). Ngô Minh kể rằng anh đăng tin bài nhiều đến mức được thưởng bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu. Nhưng mạ anh không cho anh đi nhận thưởng vì lý do dưới các bài báo anh thường kí “Ngô Minh Khôi - dân quân Ngư Thuỷ” mà anh “má còn búng ra sữa”, mạ anh sợ họ sẽ cho là nói dối, họ phạt, nên sai anh trai ra Vinh nhận thay. Đang học đại học Thương Mại, Ngô Minh được tổng động viên vào chiến trường Miền đông Nam Bộ. Trong quân ngũ, anh vẫn tiếp tục “hành nghề” làm báo. Anh viết tin bài cho Trung đoàn, Sư đoàn, báo Quân giải phóng. Khi về nhận công tác ở Ty Thương nghiệp Bình Trị Thiên và sống ở Huế anh vẫn tiếp tục viết báo.

Năm 1987, thời bao cấp mà anh đã có bài viết “Thương mại - Kinh doanh hay phục vụ?” (ký tên ông giám đốc Sở) in hết cả trang báo Nhân Dân, khơi dậy một cuộc trao đổi hết sức sôi nổi cả tháng trời trên báo. Trước thời điểm chia tỉnh Bình Trị Thiên anh đã là người của báo Thương Mại, thường trú ở Huế. Thế là anh nghiễm nhiên trở thành nhà báo “chuyên nghiệp” từ đó. Các bài viết của anh luôn nói về những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Anh dám nói đến những chuyện “động trời” mà không ít những đồng nghiệp của anh vẫn thường né tránh. Với Ngô Minh, viết báo là nghề cao quý, rất cần thiết đối với cuộc sống con người. Anh vô cùng căm ghét những kẻ lấy cái thẻ nhà báo làm cái “mặt nạ” để đi doạ, đi trấn lột làm hại nhân dân. Cho đến nay, Ngô Minh đã viết hơn nghìn bài báo. Có một số bài báo của anh như phóng sự “Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hỡi em” được chọn đưa vào tài liệu tham khảo cho sinh viên khoa Báo chí của Học viện Báo chí Việt Nam.

Tiếng nói của anh rất có trọng lượng. Chỉ đơn cử hai trường hợp sau đây. Tôi có đứa cháu ở quê, không may bị xe khách cán chết rồi bỏ chạy. Bà con, họ hàng quê tôi phải vất vả lắm mới bắt được thủ phạm. Nhưng một số cán bộ công an huyện đã cố ý để cho thủ phạm tẩu thoát. Sự việc suýt nữa rơi vào im lặng nếu Ngô Minh không kịp lên tiếng trên những tờ báo có uy tín. Hay cái việc những người đi lĩnh tiền, thường bị các nhân viên bưu điện vặn hỏi: “Ai gửi?”. Nếu không trả lời được hay trả lời sai thì bị họ gây khó dễ một cách hết sức vô lí. Ngô Minh đã phản ánh sự việc đó lên báo. Kể từ khi được nhà báo Ngô Minh góp ý, mỗi lần ra bưu điện, quan sát những người lĩnh tiền, tôi không còn nghe các nhân viên hỏi vặn vẹo “ai gửi” nữa. Vì viết một cách trung thực và thẳng thắn nên có không ít người thù oán anh, hăm doạ anh qua thư, qua điện thoại... Gay cấn nhất là lần mấy vị thương binh, dính chuyện làm ăn phi pháp, kéo đến cắm phập dao găm lên bàn định “làm thịt” anh, chỉ vì anh dám động đến họ trong một bài báo phản ảnh chuyện buôn lậu hàng Trung Quốc làm chìm tàu nhà nước trị giá hơn hai tỷ đồng. Anh đã thuyết phục họ rút lui bằng những lời lẽ hết sức mềm dẻo, có tình, có lí... Chỉ riêng những đóng góp của anh trên lĩnh vực báo chí, Ngô Minh xứng đáng là “Người của công chúng”!

Nhưng viết báo đối với Ngô Minh chỉ là nghề còn làm thơ mới là nghiệp. Anh nói vui viết báo như ăn cơm với vợ còn làm thơ như uống rượu với bạn. Cũng như viết báo, Ngô Minh tập tành làm thơ khi còn là cậu học sinh trường làng. Anh kể rằng, từ xưa họ hàng anh không có ai làm thơ viết văn gì. “Có lẽ mạ tôi là người đầu tiên đưa tôi đến với thơ? Trong tâm trí tôi cho đến tận hôm nay, mạ tôi luôn là người vĩ đại nhất. Tôi không hiểu bà học ở đâu, bao giờ mà thuộc làu rất nhiều các truyện thơ dày cộp như Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Lục Văn Tiên, Truyện Kiều… Mạ còn thuộc nằm lòng hàng ngàn câu hát ru, ca dao, tục ngữ. Mạ có thể ngâm ngợi, hát ru con rồi sau này ru cháu suốt ngày đêm không lặp lại! Nỗi oan mất chồng và lòng thương đàn con sớm mồ côi cha quặn thắt đằng đẵng đã làm cho tiếng ru của mạ tôi không còn là tiếng ru bình thường nữa, mà là tiếng nấc của cõi lòng tan nát, tiếng vọng của kiếp người “(Tự ghi chú về thơ).

Có lần, thời chiến tranh chống Mỹ, khuya nghe Đài Tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ Sao chiến thắng của Chế Lan Viên, anh hì hục viết bài thơ Nghe Sao chiến thắng, đề tặng nhà thơ Chế Lan Viên hẳn hoi. Làm xong anh nhét bản thảo lên mái tranh rồi ngủ quên. Ông anh trai tìm tăm xỉa răng tình cờ phát hiện. Từ đó cả nhà mới biết anh làm thơ. Nhưng khác với viết báo, con đường đến với thơ của Ngô Minh hết sức trầy trật. Một thời gian khá dài anh gửi thơ cho các báo nhưng chỉ thấy có tên ở mục hộp thư. Trong khi đó một số bạn bè cùng lớp với anh đã sớm thành danh như Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng. Vì thế mà khi ra quân từ Sài Gòn về Huế, gửi thơ cho tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên anh lấy bút danh Ngô Minh (bỏ tên thật) nhằm “để thử sức mình và muốn làm cho các bạn bất ngờ”. Hơn nữa anh ngây thơ cho rằng các nhà thơ nổi tiếng đa phần bút danh chỉ có hai chữ như Nguyễn Du, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Bính...! Không gian Huế, sự kết nối bạn bè, niềm đam mê... đã góp phần đánh thức hồn thơ tiềm ẩn trong anh.

Chỉ một thời gian rất ngắn, Ngô Minh liên tục cho ra mắt độc giả 13 tập thơ trữ tình: Phía nắng lên (1985), Chân dung tự hoạ (1989), Nước mắt của đá (1991), Chân sóng (1995), Quà tặng xứ mưa (1996), Đứa con của cát (1998), Phù sa biển (2001), Nắng mặn (2001), Huyền thoại Cửa Tùng (2004), Lệ Thuỷ mút mùa (2005), Thơ tặng (2007), Gọi lá (2008)… cùng với hàng trăm bài thơ in rải rác trên hàng trăm tờ báo và tạp chí từ Trung ương đến địa phương. Sức viết, sức sáng tạo của anh thật đáng nể phục. Ngô Minh nhận được rất nhiều giải thưởng có giá trị như: Tặng thưởng thơ hay của báo Nhân dân (1978), tạp chí Văn nghệ Quân đội (1985), tạp chí Sông Hương (1983 - 1988), Giải thưởng Văn học Trung ương Đoàn - Hội Nhà văn Việt Nam (1982), hai lần Giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các HVHNTVN (1985, 2004), 3 lần Giải thưởng Cô Đô (của Thừa Thiên Huế)... Cái may mắn của Ngô Minh là anh xuất hiện đúng vào thời điểm đất nước đang trên đà đổi mới về mọi phương diện trong đó có văn học. Những người “cấp tiến” như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu... đã dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật” để thức tỉnh các nhà văn, nhà thơ sớm chia tay với loại văn chương “minh hoạ”, văn chương “phải đạo”... Đã có một thời chúng ta ngây thơ tin rằng: Trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ; Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ (Việt Phương), Ruộng hợp tác nên người thôi chia cắt (Chế Lan Viên)... Đọc Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận ta chỉ nghe tiếng hát hết sức lạc quan, yêu đời “tiếng hát căng buồm cùng gió khơi”... Ta đâu biết cũng vào thời điểm đó có một người mẹ ở làng Thượng Luật, Ngư Thuỷ, Quảng Bình đang: Nuôi con, thờ chồng oan khuất/ Mạ mót khoai hà cát phơi (Nhớ mạ). Ta đâu biết có những ngư dân: chẳng có bài ca để hát/ đời là vỏ ốc u u... tháng tám khoai non cháy ruột/ biển động chân trời rách tả tơi/ anh bên đàn con nhìn lửa/ lửa cười... (Sẹo biển).

Khi nhà thơ Tố Hữu viết “Miền Bắc thiên đường của các con tôi” thì ở làng Thượng Luật của Ngô Minh: mẹ đi kiếm gạo nuôi tôi/ mẹ nuôi tôi bằng hai bàn tay/ suốt một đời bới vào cát ấy / bàn tay mẹ cát dăm thành vảy/ lớp móng mòn rồi lớp lại thay... (Đứa con của cát). Ngô Minh tâm sự: “Làng tôi từ xưa chưa có thơ nào nói tới. Cái miệt cát ấy ẩn chứa bao điều về số phận con người, về vũ trụ và tâm linh. Thật không dễ dàng chút nào khi phải tạo lập cuộc sống trên cát trắng bỏng rang ấy! Làng tôi nhiều nắng, nhiều lửa, nhiều bão, nhiều sóng, nhiều gió... Nhưng làng tôi cũng thật nhiều cá, nhiều muối, nhiều trăng. Có lẽ đó là biểu tượng hùng tráng, lãng mạn và bi thiết nhất mà những sinh linh khốn khổ và vinh quang là CON NGƯỜI phải chịu đựng để đi tới. Cái mặn xanh mênh mông là biển ấy đã có trong huyết quản con người từ khi chưa lọt lòng. Hạt cát ấy chính là cái dấu chấm lung linh ở tận cùng của thân xác, nơi con người hóa thành bất tử...” Chính vì sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo như thế, trong một gia đình mà người cha từng nuôi cán bộ kháng chiến xã nhà, nuôi cả một trung đội Việt Minh, bỏ tiền mua 2 khẩu súng cối ủng hộ bộ đội cụ Hồ thế mà lại bị quy là địa chủ, bị án tử hình trong CCRĐ: xác quằn quại máu ròng cọc xử bắn, nên Ngô Minh hết sức thương cảm với những số phận bất hạnh. Đó là cảnh mệ già ngồi bên đường chìa mê nón xin đời bố thí/ bốn mùa mệ không đổi dáng ngồi/ như tượng đài thời gian rách nát (Tìm tôi tìm Huế).

Ngô Minh tâm sự: hình ảnh của mệ ngồi ăn xin trên dốc Bến Ngự làm anh nhớ đến cảnh mạ anh xưa, hàng ngày cắp chiếc rổ rách đi dọc bờ biển gió nắng xin từng con cá vụn mang về nuôi bốn đứa con nhỏ dại. Trong tập Thơ tặng mới xuất bản gần đây những bài cảm động nhất là những bài anh viết về những số phận long đong, những con người chịu nhiều oan khuất. Đó là nhà thơ Tôn Phong thời còn bán chè chén ở sân ga: vợ chồng lạnh hiên hàng xóm/ còi tàu thổi tắt ái ân... Đó là căn lều ở nơi hẻm nhỏ của vợ chồng nhà thơ Tạ Vũ: chia mưa với đất với người/ đâu đó trên đời mái dột/ ướt mềm giấc ngủ anh đây; đó là bản lý lịch “trích ngang” của Phùng Quán: 30 năm/ cá trộm,/ văn chui,/ rượu chịu... đó là Phương Xích Lô: đi ăn mày rượu nuôi thơ... Không chỉ vẽ chân dung bằng thơ, Ngô Minh còn vẽ chân dung bằng văn xuôi. Báo Tiền Phong cuối tuần, Tuổi Trẻ cuối tuần mấy năm gần đây liên tục đăng những bài viết về chân dung văn học của anh. Nhà xuất bản Văn nghệ chuẩn bị xuất bản tập Người đồng hành cô độc (gồm 32 chân dung văn nghệ sĩ). Anh có lối viết hết sức lôi cuốn, hấp dẫn bằng việc khai thác những chi tiết đời thường ít người biết của những nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Hầu hết những nhà văn nhà thơ mà anh chọn viết chân dung cũng đều là những người có số phận long đong hay chịu nhiều oan khuất như Phùng Quán, Phùng Cung, Trần Vàng Sao, Lâm Thị Mỹ Dạ, Tuân Nguyễn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Hoàng Cát... Chỉ tiếc là do sơ suất nên anh đưa vào bài viết của mình một vài chi tiết chưa thật chính xác (đã được bạn đọc góp ý) như nhà thơ Trần Vàng Sao có đến 3 đứa con, mà thực tế chỉ có hai. Chị Hay, vợ nhà thơ Trần Vàng Sao cười vui: “Nhờ Ngô Minh tôi mới biết anh Đính có một đứa con nữa, bây giờ không biết nó ở mô mà tìm?”...

Ngoài thơ, Ngô Minh đã lần lượt cho ra mắt các gần 10 tập ký, báo chí chọn lọc và sách biên soạn như Văn hoá kinh doanh thời mở cửa, Chuyện làng thơ, Đất thiêng, Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh, sưu tầm tuyển chọn, biên soạn và tổ chức bản thảo các tập Nhớ Phùng Quán, Phùng Quán còn đây, Phùng Quán - Ba phút sự thật... Bạn bè nhà văn trong Nam ngoài Bắc thường gọi Ngô Minh là “chuyên gia về Phùng Quán” quả không ngoa. Điều đó càng chứng minh sức lao đông không biết mệt mỏi của anh. Đỗ Hoàng vẽ chân dung Ngô Minh “đọc đọc và viết viết” là chính vì thế.

Nhưng Ngô Minh không chỉ làm việc “tới số” mà anh còn là người chơi cũng “tới số”. Đỗ Hoàng viết: Ngô Minh ngày ba cuộc rượu/ Bạn bè thường hay tới lui”. Hầu như không có cuộc rượu nào của nhóm thi sĩ lang thang chúng tôi (thời còn chung tỉnh Bình Trị Thiên) mà không có mặt Ngô Minh. Thời đó anh là cán bộ tổ chức của Sở Thương nghiệp. Cửa sổ phòng làm việc của anh gần sát đường. Tôi, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng... đứng ngoài cửa sổ đưa tay ra hiệu. Thế là Ngô Minh kiếm cớ đánh bài chuồn. Đi muộn về sớm, lại hay rượu, nên Ngô Minh thường xuyên bị phê bình và xếp lao động loại B, mặc dù hiệu suất công việc của anh không thua kém ai cả. Chúng tôi: lơ ngơ như thế suốt mùa đông, bên nhau trong mưa dầm, mang thơ đến những căn phòng bé nhỏ, nơi ánh đèn không đủ sáng để nhận ra nét gầy guộc bạn bè... Ngô Minh uống với bạn thơ đến từ chóp mũi Cà Mau: Tuổi tên danh phận như đùa/ rượu vơi lưng nậm/ chuông chùa cầm canh. Ngô Minh uống với Nhất Lâm trong đêm trắng ở làng Thượng Luật: Trăng khuya cạn chén biển buồn/ thấy mình cùng lũ dã tràng/ xe trăng. Ngô Minh uống với bạn bè Đồng Hới: Rượu nhấm ớt tươi dấm dấm thời gian đêm Hải Thành lặng ngồi bên sóng... Trăm cây số về đây tìm lại tuổi mình, rượu không say bằng ánh mắt em - Chén rượu biển ngả nghiêng đầu mùa bão... Ngô Minh uống tiễn Nguyễn Khắc Thạch đi học trường Nguyễn Du: bạn ơi, bạn ơi rượu hay nước mắt/ cạn túi mươi đồng cạn cốc tiễn nhau/ cay đắng trong veo nồng nàn cũng trong veo/ trong veo câu thơ thương người biết khóc... Trong một cuộc rượu ở nhà Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh say đến mức mấy người bạn “lực sĩ” đã khiêng anh lên xe xích lô, ôm thật chặt rồi mà anh vẫn còn quậy... Uống ở trụ sở Hội Văn nghệ (26 Lê Lợi) hay trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam Ngô Minh say thản nhiên “tè” ướt dầm cả cầu thang. Uống ở nhà bạn trở về, ngang qua trường Quốc Học, trăng thanh gió mát, anh gối đầu lên xe đạp và ngủ lúc nào không biết. Khi dân phòng đập dậy, anh phóng xe quay lại nhà bạn mà cứ tưởng về nhà của mình... Giai thoại về những cuộc say của Ngô Minh kể suốt cả ngày không hết. Có một số chuyện anh em văn nghệ “bịa như thật” để trêu đùa anh. Chẳng hạn thời bao cấp, nhà nào cũng nuôi lợn, nên Nguyễn Trọng Tạo mới bịa chuyện Ngô Minh uống say về chui vào ngủ với lợn nái trong chuồng lợn... Nghe bạn bè kể chuyện trêu, anh vẫn cười hề hề, không giận ai bao giờ.

Ngô Minh tự phong cho vợ mình (Minh Tâm) là “hoa hậu”: Hôm nay hoa hậu muộn về/ bố con thi sĩ cơm khê, lửa cười... Nhưng thi sĩ vốn là nòi đa tình đa cảm nên không thể tránh khỏi những phút giây “ngoài chồng ngoài vợ”. Đó là một cách nuôi nguồn cảm hứng. Những giây phút lãng mạn đã giúp Ngô Minh có được những câu thơ tình rất hay, như: Thơ Lầu Ngắm Sóng cầm lên/ tóc vương như sợi rét mềm buộc nhau/ một lời thưa với mai sau/ chút tình đơn lẻ cũng giàu ngày đông (Hà Nội mùa đông); em mặc áo đỏ xa tôi nhớ/ như đêm thao thao thức nhớ mặt trời/ bây giờ màu áo thành bếp lửa/ sưởi ấm tâm tư ấm quãng đời (Bên bến đò Chèn); Hai giờ chiều mai! Lạ quá/ Thời gian tuổi đá im lìm/ Rơi vào trong lời em hẹn/ Thành thơ, thành lửa và. .. anh... (Hai giờ chiều mai); Lặng lẽ cây buồm/ lặng lẽ khơi/ trút áo thiên thu lặng lẽ ngồi/ cát phơi lặng lẽ mùa da thịt/ em chín bao giờ/ lặng lẽ... rơi... (Lặng lẽ Nha Trang), hay hai câu thơ được Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam Nguyên tiêu 2008 ở Hà Nội chọn thả lên trời Khuya nghe lục bát gọi đôi/ Một anh một bóng một người một không (Lục bát gọi đôi) v.v..

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Tổ quốc, Ngô Minh khẳng định: Nếu được “tự thú”, tôi xin thành thật nhận rằng mình vẫn là một người lính đang xông xáo trên mặt trận văn chương, báo chí. Ngô Minh đi bộ đội 4 năm vào tận Miền đông Nam Bộ - Sài Gòn, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975 lịch sử với vai trò một “nhà báo” Sư đoàn. Cái chất lính ấy vẫn cháy trong anh cho tới bây giờ. “Người lính” Ngô Minh đang cần mẫn dùng ngòi bút của mình để tôn vinh cái đẹp; phê phán, lên án cái xấu; đấu tranh cho tự do, cho sự công bằng xã hội. Là “người của công chúng”, là “đứa con của cát”: mắt quen mở ngang tầm gió sắc, tôi tin Ngô Minh sẽ còn cho ra đời nhiều bài báo mạnh mẽ hơn, nhiều câu thơ gan ruột hơn, nhiều chân dung văn học sinh động và hấp dẫn hơn. Tất cả đang ở phía trước: con tàu thơ không có ga dừng!

M.V.H


NGÔ MINH

Lục bát gọi đôi

khuya anh Hà Nội mù say
nằm nghe thơ trở gió lay sang mùa
câu lục vừa mới chớm thu
chưa sang câu bát đã  mù rét giăng

xếp hàng ăn phở Bát Đàn
chật người mình vẫn hoang mang một mình
một mình câu lục lặng thinh
thương câu bát tận cuối miền  phù sa

trôi cùng Hoàng Cát  ta bà
nói cười nâng chén như là một hai
chợt nghe câu lục thở dài
đi tìm câu bát tận ngoài nỗi mong...

một đời có có không không
đều về với cỏ phiêu bồng người ơi
khuya nghe lục bát gọi đôi
một anh một bóng một người một không
...
            Hà Nội-Huế, 6-11-2007

Uống với mũi Cà Mau

ừ thì dzô ly nữa
không say răng đành
câu vọng cổ rất mùi và đất mặn như môi
mồi khô thòi lòi bén lắm

dzô ly nữa, ly nữa
xin say cùng Đất Mũi ngàn lần
mắm ba khía, cá ba đời
rượu Đất Mũi long lanh mắt gọi
bí thư chủ tịch Đất Mũi nói:
- 
chúng tôi là đầu binh cuối cán chốn tận cùng
không vì dân nghe dân sẽ bị quăng ra biển

ôi, dễ thương dễ thương sao
không say răng đành

ngả nghiêng đước
ngả nghiêng mắm
ngả nghiêng sóng
ngả nghiêng em
dang tay đo ngọn triều Cửa Lớn
ngước Hòn Khoai lại muốn bay lên...

một lần say Đất Mũi
một lần mình được hết mình
..
                       Đất Mũi,10- 8-2008

(242/04-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN TRỌNG TẠOCó người làm thơ dễ dàng như suối nguồn tuôn chảy không bao giờ vơi cạn. Có người làm thơ khó khăn như đàn bà vượt cạn trong cơn đau sinh nở. Có người không đầy cảm xúc cũng làm được ra thơ. Có người cảm xúc dâng tràn mà trước thơ ngồi cắn bút. Thơ hay, thơ dở, thơ dở dở ương ương tràn ngập chợ thơ như trên trời dưới đất chỉ có thơ. Thơ nhiều đến ngạt thở chứ thơ chẳng còn tự nhiên như hơi thở mà ta vẫn hoài vọng một thời.

  • THẠCH QUỲSuốt đời cần mẫn với công việc, luôn mang tấm lòng canh cánh với thơ, vì thế, ngoài tập “Giọng Nghệ” in riêng và bao lần in chung, nay Ngô Đức Tiến lại cho ra tập thơ này.

  • Trong đội ngũ những người hoạt động văn nghệ tại Thừa Thiên Huế, bên cạnh các Hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc…) có một tổ chức gọi là “Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế”(CHNV).

  • Hà Khánh Linh xuất thân trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở Huế. Tên khai sinh của chị là Nguyễn Khoa Như Ý. Năm 20 tuổi, đang học dở dự bị đại học Khoa Học Sài Gòn thì chị quyết định bỏ học để gia nhập quân Giải phóng. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu chị đã từng đi dạy, làm phóng viên Đài phát thanh Giải phóng, Đài phát thanh Bình Trị Thiên, làm biên tập, Thư ký Tòa soạn rồi Phó tổng biên tập Tạp chí Sông Hương. Chị quen biết và giao tiếp khá rộng từ các vị quan chức đến các vị đại đức, linh mục, trí thức... cùng những năm tháng gian khổ ở chiến trường Trị Thiên, những chuyến đi thực tế ở Căm pu chia... đã giúp chị có một vốn sống hết sức phong phú.

  • Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra và lớn lên bên bờ sông Kiến Giang thơ mộng. Nhưng tuổi thơ của chị chứa đầy buồn đau và nước mắt: Mẹ không có cửa nhà/  Em đứa trẻ vắng cha/ Như mầm cây trên đá/ Biết khi nào nở hoa? Nỗi tuyệt vọng cứ ám ảnh suốt cả tuổi thơ của chị. Trong một bài thơ đầu tay chị viết: Tuổi thơ tôi như ráng chiều đỏ lựng/ Hắt máu xuống dòng sông đen.

  • Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi chị đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng (1975). Tốt nghiệp vào loại xuất sắc, chị được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở trường đại học Sư phạm Huế. Dạy ở trường đại học Sư phạm Huế được một vài năm, chị chuyển sang làm công tác biên tập ở nhà xuất bản Thuận Hóa. Đây là một quyết định khá táo bạo và sáng suốt. Làm việc ở nhà xuất bản, chị có điều kiện viết lách hơn.

  • LÊ HUỲNH LÂM                 (Đọc Viết bên Hộ Thành hào - thơ Nguyên Quân -, Nxb Thuận Hoá, 2009)Giữa những đổ nát hoang tàn quá khứ và hiện tại, khi mà thang giá trị bị đảo lộn, những mảnh vỡ đang vung vãi mọi nơi, tác giả lại tìm đến Hộ Thành hào để nhìn ngắm cõi lòng đang hỗn hênh mọi thứ và như chợt nhận ra niềm hy vọng mỏng mảnh, anh đã Viết bên Hộ Thành hào.

  • HOÀNG DIỆP LẠCBất chợt giữa một ngày mưa gió, nhìn những hạt nước toé lên từ mặt đất như những đoá hoa mưa. Một loài hoa của ảo giác. Có thể trong tâm trạng như vậy, Lê Tấn Quỳnh chợt hỏi:Hoa vông vangCó hay không

  • ĐINH NAM KHƯƠNG(Thơ Tuyết Nga - NXB Hội Nhà văn 2002)

  • NGUYỄN VĂN HOA1. Cuối thế kỷ 20, tôi làm cuốn sách “Tuyển tập thơ văn xuôi Việt Nam và thế giới” cùng tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thiện (Viện Văn học Việt Nam), trong tập sách này gồm phần học thuật và phần tuyển thơ Việt Nam và Thế giới. Phần thơ Việt có nhiều tác giả sinh sống ở Huế, ngẫu nhiên-tình cờ có hai nhà thơ có thơ trong tập này, đó là Hải Bằng và Hải Trung.

  • NGA LINH NGA1. Xuất bản mười hai tập thơ, mười hai tập văn xuôi, một tập nhạc; viết mười hai kịch bản phim chân dung, hai mươi lời bình cho các phim khác, biên soạn hai mươi tập nhạc... điều thật khó tin ở một người nổi tiếng rong chơi, thích cao đàm khái luận, thường không mấy khi vắng mặt nơi những cuộc rượu của đám văn nghệ Hà Thành như Nguyễn Thụy Kha.

  • L.T.S: Trong vài năm lại đây, ở Huế, chưa có tập sách nào ra đời lại gây được “hiệu ứng ngạc nhiên” cho bạn đọc như một hiện tượng ngoài tập Thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa ấn hành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Huế và Đà Nẵng vừa qua. Ngoài các bài viết giới thiệu, phê bình in trên nhiều tờ báo trung ương và địa phương, Sông Hương vẫn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến cảm thụ về tập thơ này.Xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNG           (Đọc tập thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)

  • YÊN CHÂU          (Đọc Thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)Giống như những cây xanh bói muộn bất ngờ cho một mùa hoa trái, thơ Nguyễn Xuân Hoa xuất hiện đột ngột như vậy. Anh không cho in rải rác đâu đó, cũng không đọc thơ ở những cuộc gặp gỡ bạn bè. Im lặng, đùng một cái cho ra hẳn một tập thơ. Thơ Trà My của nguyễn Xuân Hoa đã đến với bạn bè như vậy.

  • BÙI ĐỨC VINH            (Nhân đọc tập thơ “Cho người tôi thương nhớ”-NXB Hội Nhà văn 2004)Có một chàng thi sĩ phong tình đi lang thang vô định trên nẻo đường mưa bay gió tạt, chợt lơ đãng nhận ra mình là kẻ bị tình yêu truy nã trong bài thơ “Nhận diện” anh đã tự thú với trái tim thổn thức của mình.

  • INRASARA           (Đọc Mang, tập thơ của Phan Trung Thành, Nxb, Trẻ TP.Hồ Chí Minh, 2004.)Dòng Seine và cầu Mirabeau, cuộc tình với người tình. Sông đi và cầu ở lại, cuộc tình tan nhưng người tình thì ở lại. Mãi mãi ở lại, cùng nỗi buồn ở lại.                Con sông nào đã xa nguồn                Thì con sông đó sẽ buồn với tôi                                                (Thơ Hoài Khanh)

  • THANH THIỆNBốn mùa yêu là tập thơ tình mang ý nghĩa "vật chứng" cho một biệt lập tâm hồn có tên là Lưu Ly. Người thơ này dường như luôn đắm mình trong giai điệu tình yêu muôn thuở giữa ba ngôi Trao - Nhận - Trả và đã chọn cách trả sòng phẳng nhất cho sự nhận của mình là trả vào thơ.

  • NGUYỄN VĂN HOA(Nhân đọc Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường)Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi cũng đã gặp ông trực tiếp đôi ba lần ở Huế và Hà Nội. Nhưng ấn tượng nhất là buổi hội ngộ của gia đình tôi với ông ở nhà nhà thơ Ngô Minh ở dốc Bến Ngự Huế.

  • HOÀNG VŨ THUẬT         (Thơ Chất trụ của Nguyễn Hữu Hồng Minh- Nxb Thuận Hoá 2002)Nguyễn Hữu Hồng Minh không làm cái phép phù thuỷ đưa độc giả tới một không gian rắc rối. Quan niệm về thơ của anh được trình bày rất nghiêm túc qua bài “Chất trụ”, lấy tên cho tập thơ. Tôi rất đồng tình quan niệm này, không mới, nhưng không dễ làm người ta chấp nhận.

  • HOÀNG NGỌC HIẾN(Đọc Dòng sông Mía của Đào Thắng)