Nghĩ về một bộ tiêu chí cơ bản cho hệ giá trị văn hóa Việt Nam ngày nay

09:08 29/11/2016


LÊ THANH BÌNH

Ảnh: internet

1. Các trường hợp nghiên cứu sau rất đáng chú ý:

a. Nhiều nước phương Tây (đặc biệt là Pháp và Anh) đã đồng hóa mạnh châu Phi: Ngôn ngữ, giáo dục, đô thị hóa, hành chính…Do đó năm 2013, dù tốn kém, bị mất người, bị dân chính quốc phản đối, nước Pháp vẫn phải đưa quân vào Ma Li để can thiệp. Đến các nước như Negieria, Nammibia đặc biệt là Nam Phi, sẽ thấy rất nhiều người da trắng và người lai, dân số châu Phi chỉ còn chừng 50 %. Các đô thị thì chẳng khác châu Âu là bao, nhưng về nông thôn, có lẽ gặp những ngôi nhà tường đất, lợp lá đơn sơ với những nghi lễ văn hóa lạ kỳ thì có cảm tưởng như đang sống thời bộ lạc cách hàng thế kỷ. Rõ ràng học giả phương Tây đến điền dã, nghiên cứu để bảo tồn sự đa dạng văn hóa và về mặt đó các nghi lễ cùng với văn hóa vật thể, phi vật thể đơn giản của vùng quê châu Phi vẫn có giá trị, nhưng hệ giá trị văn hóa đó liệu có được noi theo và có tính khả dụng, phổ quát cao không? Liệu những người ca tụng các hệ giá trị đó ngoài công việc nghiên cứu, giả sử được mời ở lại, có dám ăn đời ở kiếp tại các vùng đó không? Nhiều học giả và chính người châu Phi thẳng thắn nói 3 các đặc trưng giá trị có tính văn hóa người Phi là 3S: Sport, Sing và Sex. Người Phi có thể đánh ngoại xâm nhưng khi được trao trả độc lập, dù chỉ từng phần (hành pháp rồi mới tới các phần khác), hoặc vẫn nằm trong LH Pháp thì họ lại vui vẻ, thậm chí kẻ xâm lược lại viện trợ, ở lại làm ăn… thì vẫn được cám ơn, không đuổi thẳng như dân châu lục khác.

    Sau khi thoát khỏi ách phát xít Đức, nước Pháp đón chính phủ kháng chiến De Gon về và giang tay đón cả những trí thức, doanh nghiệp giầu có lập nghiệp nơi khác về (Trong số đó có cả người nước ngoài). Luật pháp Pháp có thời gian cho phép người nhập cư vào Pháp tương đối dễ và hiện nay chịu hệ lụy nặng, bởi người gốc châu Phi, Arập tuy nhập cư có quốc tịch Pháp nhưng khó hòa nhập về văn hóa với quê hương mới là nước Pháp. Chính vì thế mấy năm gần đây, những kẻ gây khủng bố ở Pháp do nhiều nguyên nhân nhưng có cả lý do chủ yếu là chúng người nhập cư từ văn hóa, tôn giáo khác.

    b. Văn hóa Mỹ là “nồi hầm nhừ” các nền văn hóa nhập cư. Đầu thế kỷ XX, khi châu Âu khủng hoảng, Mỹ là đất hứa. Sau chiến tranh thứ 2, các nước suy sụp, Mỹ trở thành “giấc mơ Mỹ” cho nhiều nơi. Có thể nói là hệ giá trị văn hóa Mỹ thiên về trọng “lòng dũng cảm, tự tin, phiên lưu... sùng bái tự do cá nhân (khẳng định quyền lợi của con người), chủ nghĩa thực dụng, cá nhân phải quyết định lấy số phận của mình. Ai có tài, thành công trong cuộc sống đều được tán đồng”[1]. Tuy còn nhiều mảng tối trong xã hội và thách thức trong xã hội (Ví dụ: năm 2016 vẫn có nhiều vụ khủng bố, dùng súng gây thiệt mạng cho các nạn nhân), nhưng nước Mỹ khuyến khích sáng tạo, cạnh tranh vươn lên thành công; dân chủ kiểu Mỹ có những ưu điểm phù hợp với nước Mỹ (cho nên mới có công dân Mỹ dám làm phim có ý phê Đạo Hồi…). Nước Mỹ sử dụng được các kiểu người tài năng gắn với trách nhiệm xã hội nên về mặt nào đấy thì hút được nhân tài từ các quốc gia khác. Vì thế, cả trong văn hóa nghệ thuật, hướng phát triển lên tinh hoa vẫn có chỗ đứng dù phải qua cọ xát, sàng lọc khắt khe của thị trường. (Có người nói: Hãy đến châu Âu để nghỉ ngơi, sống an nhàn và đến Mỹ để làm việc, sáng tạo). Cần đặt câu hỏi tại sao ngoài văn hóa tinh hoa, văn hóa kiểu đại chúng, nhạc Pop, văn hóa ẩm thực thức ăn nhanh (Bánh McDonan, Bánh mì Le Sunduch- của gia đình gốc Việt ở Mỹ), trang phục quần bò, điện ảnh Holywood; văn hóa tiêu thụ (nếu hàng hóa đạt tiêu chuẩn Mỹ) lại được đông đảo công chúng nhiều nước noi theo?

     c. Hàn Quốc những năm 50 còn kém miền Nam nước ta nếu so về phát triển nhưng với những bước đi thích hợp, họ đã tiến hành công nghiệp hóa thành công, trở thành nước có nền kinh tế xếp thứ 10 trên thế giới chỉ sau hơn 30 năm. Về văn hóa, từ khi “Làn sóng văn hóa Hàn Quốc” khởi động từ đầu những năm 1990, ngày càng mạnh và thành công nhất định vì nhiều lý do, trong đó có việc họ hiểu rằng hệ giá trị văn hóa chỉ có ý nghĩa thực sự khi tính đến kết hợp mấy yếu tố căn bản: Củng cố, quảng bá truyền thống văn hóa nổi trội, nhân văn mang tính nền tảng (Background); Địa lý chính trị (Political Geographic) và địa lý văn hóa (Cultural Geographic); Dùng mũi nhọn kinh tế để hỗ tương văn hóa. Ta biết rõ rằng: một quốc gia muốn phát triển thì phải tích cực giao lưu, hội nhập, cạnh tranh và khi đó thì phải chịu sàng lọc của môi trường khách quan và bản thân chủ quan cũng đòi hỏi tự chuẩn chỉnh, tiếp biến, nâng cao…Ví dụ: Hãng Hyndai ngoài sản xuất Tàu biển còn làm ô tô và trong khi về địa chính trị, anh hàng xóm khổng lồ châu Á - Trung Quốc hồi mới mở cửa phải bận nhiều việc chưa đủ điều kiện vào thị trường lớn, Hyndai cùng nhiều hãng khác đã nhắm thị trường Mỹ để xuất ôtô. Tổng GĐ các hãng dặn các nhân viên chào hàng rằng làm sao mỗi người đi Mỹ phải làm cho Mỹ chấp nhận một mặt hàng của hãng. Về ôtô phải đảm bảo tiêu chuẩn Mỹ (có điều nếu định dùng cho các thị trường khác phải chú ý khâu nhiên liệu xăng sao cho tiết kiệm, vì chỉ nước Mỹ giàu mới chưa để ý đến tiết kiệm nhiên liệu). Họ biết nếu thị trường Mỹ chấp nhận thì các thị trường khác cũng chấp nhận. Lẽ đương nhiên sau này nói đến Hàn Quốc bao giờ thường các hãng lớn Hàn Quốc cũng được nêu tên và trở thành một nét của hệ giá trị văn hóa Hàn- làm nên văn hóa thương hiệu quốc gia. Riêng về văn hóa, Hàn tiếp tục củng cố làm lan tỏa hệ giá trị về điện ảnh (kể cả phim lịch sử- dã sử), nhạc Pop (dòng này mới đây xuất hiện hiện tượng Psy vừa mang nét Hàn vừa hội nhập với Pop thế giới), võ Teikondo Hàn cũng là môn được giới trẻ nhiều nước thích và là môn thi đấu của Olimpic.

      d. Nhật Bản là nước có nền văn hoá đã nhanh chóng phát triển ngày một đa dạng, đặc biệt là từ sau Cách mạng Duy Tân Minh trị (1868) đến nay. Điều đáng nói là họ phát triển trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống và tiếp thu những thành quả tiến bộ của văn hoá nước ngoài. (Chủ yếu là tiếp thu tinh hoa văn hóa nói chung, tư tưởng, hệ giá trị văn hóa nói riêng từ Trung Hoa và phương Tây).

Văn hóa Nhật là một nền văn hoá phát triển mang tính hỗn dung, tiếp biến, nâng cao, song quá trình tiếp thu các thành tựu, tinh hoa văn hoá nước ngoài của Nhật Bản lại không phải là sự thu nhận đơn thuần, không vay mượn, sao chép cứng nhắc, mà là quá trình tiếp thu, sáng tạo, nâng tầm lên thành cái riêng của Nhật. Tư tưởng, tôn giáo tín ngưỡng, cách ứng xử, phong cách sống, hệ giá trị văn hóa ngoại quốc… một khi được du nhập vào Nhật Bản đều buộc phải biến đổi mạnh để phù hợp với hệ giá trị văn hoá bản địa và trở thành một bộ phận của văn hóa Nhật, mang tính độc đáo Nhật Bản. Do vậy, đến nay Nhật Bản không chỉ là một cường quốc hàng đầu thế giới về nhiều mặt; là đất nước có nền văn hoá phát triển đa dạng và giàu bản sắc với những hệ giá trị văn hóa được nhiều nước nể, phục. Có những điểm sau thuộc hệ giá trị văn hóa Nhật mà ngày nay người Nhật vẫn tuân thủ: Trọng danh dự; Kỷ luật; Tinh thần tập thể, vì cộng đồng, quốc gia; Hài hòa Thiên, Địa, Nhân; Đề cao sự hợp lý; Hy sinh vì đại nghĩa; Ứng xử theo thứ bậc, trọng Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; Gắn bó với Tổ chức hơn cả gia đình…  

 
2.

 Vậy hệ giá trị văn hóa là gì? Và từ những trường hợp nêu trên, có thể rút ra điều gì?

Có khá nhiều định nghĩa về giá trị: “Giá trị là quan niệm về điều mong muốn đặc trưng hiện hay ẩn cho một cá nhân hay một nhóm và ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương thức, phương tiện hoặc mục tiêu của hành động”[2]. Hay “nói đến giá trị là nói đến những chuẩn mực xã hội mà các dân tộc đã hình thành nên trong quá trình tồn tại và phát triển…Những chuẩn mực đó tạo nên sự liên thông giữa các cá nhân trong một cộng đồng và giữa các thế hệ. Thiếu sự liên thông đó thì xã hội khó mà tồn tại, phát triển”[3]. Hạt nhân của mỗi nền văn hóa là hệ thống giá trị. Giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc gia, dân tộc...) bao giờ cũng tạo nên một hệ thống, với ý nghĩa là các giá trị ấy tồn tại, biến đổi trong sự liên hệ, tác động hữu cơ với nhau. Khi bàn đến khái niệm hệ giá trị (Value System) hay bảng giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng thì thường hàm chứa ý nghĩa : 1) Các giá trị riêng lẻ liên kết nhau tạo nên một hệ thống các giá trị, 2) Có sự sắp đặt trước sau, độ nhấn về tầm quan trọng của từng nhân tố giá trị trong một bảng giá trị.

Hệ giá trị của một nền văn hóa phải dựa trên nền tảng những căn tính, tính cách dân tộc, truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, tầm vóc văn hóa của dân tộc đó. Hệ giá trị văn hóa gắn bó mật thiết với văn hóa chính trị quốc gia, tập quán kinh tế, lối ứng xử văn hóa trong xã hội; lý tưởng sống, nhân sinh quan, thế giới quan của tầng lớp có vị thế xã hội, đảm nhận chức năng dẫn đạo trong xã hội. Nó cũng liên quan đến luân lý, đạo đức nhà nước và gia đình, mà như Hêghen từng quan niệm: Nếu luân lý nhà nước, luân lý gia đình bị xuống cấp thì xã hội đang suy thoái. Hệ giá trị văn hóa có thể biến đổi do thời thế, xã hội thay đổi, nhưng thời nào mà các tiêu chí tốt đẹp của hệ giá trị nào được tôn trọng, làm lẽ sống của mọi người từ lãnh đạo đến công dân thường thì chắc thời đó là thịnh trị. Ngược lại, nếu người ta thay các tiêu chí tốt, đúng của hệ giá trị cũ bằng tiêu chí mới nhưng không khả dụng (chưa nói là sai, không dẫn đạo xã hội) thì thời đó đang có vấn đề hoặc gặp thách thức phải giải quyết sớm… Ví dụ tiêu chí cao thượng, trọng danh dự, kỷ luật cao trong hệ giá trị văn hóa võ sĩ đạo - Samurai Nhật hiện vẫn được nước Nhật, xã hội tôn sùng là một trong những kinh nghiệm cần học tập trong việc duy trì các tiêu chí hay của hệ giá trị văn hóa cũ. Một số tiêu chí của hệ giá trị văn hóa Nho giáo được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất ưa chuộng. Trong 5 tiêu chí: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, được ông cải biến thành Nhân, Nghĩa, Dũng, Liêm và nêu thành yêu cầu rèn luyện của cán bộ. Như vậy, các yếu tố ảnh hưởng lớn nhất trong việc làm cơ sở xây dựng, củng cố, phát triển hệ giá trị văn hóa một quốc gia bao gồm: Truyền thống văn hóa tích hợp qua thời gian rất lâu dài; tính cách dân tộc; tầm vóc văn hóa; nền tảng kinh tế- xã hội; sự giao lưu, giao thoa, tiếp thu tinh hoa văn hóa phù hợp từ nước ngoài; chính sách phát triển văn hóa đúng đắn. Tại sao, đã có chính sách đường lối, các văn bản liên quan hệ giá trị văn hóa từ Nhà nước, cơ quan đoàn thể được phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, Hồ Chủ tịch vẫn quan tâm đến các tiêu chí của phương Đông, của truyền thống dân tộc? Bởi vì các tiêu chí đó tồn tại hàng ngàn năm, qua nhiều thử thách, cọ xát vẫn khả dụng, vẫn có nhiều người chân chính noi theo rèn luyện, ứng xử…và nhất định có tác dụng hỗ trợ tích cực cho đường lối chính sách hôm nay.

Đã có rất nhiều học giả trong, ngoài nước bàn về các vấn đề liên quan với hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Nhà văn hóa Đào Duy Anh trong “Việt Nam văn hóa sử cươngtừng nói đến 7 đặc tính cơ bản của người Việt, mà chúng tôi cho là nên tham chiếu để làm căn cứ để xây dựng các tiêu chí cho hệ giá trị văn hóa Việt. Đó là, người Việt có:Sức ký ức (trí nhớ) tốt, thiên về nghệ thuật và trực giác; Ham học, thích văn chương; Ít mộng tưởng (thiết thực); Sức làm việc khó nhọc (cần cù) ở mức độ ít dân tộc bì kịp; Giỏi chịu đựng gian khổ và hay nhẫn nhục; Chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa; Khả năng bắt chước, thích ứng và dung hòa rất tài. Còn sử gia Trần Văn Giàu trong cuốn “Giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam” cũng nêu lên 7 đặc tính lớn đặc thù cho người Việt Nam là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa.

      Nói đến Việt Nam nhiều người nhấn mạnh ngay đến các giá trị xoay quanh việc lớn “Dựng nước và chống ngoại xâm giữ nước”. Hai việc đó luôn gắn bó với nhau suốt nhiều thế kỷ. Về địa chính trị ta ở cạnh những láng giềng lớn, từng xâm lấn ta nhiều lần và gây khó khănnhiều mặt cho nước ta. Về truyền thống văn hóa ta có nhiều điểm sáng như yêu nước thương nòi, uyển chuyển, nhưng cũng có nhiều hạn chế do phương thức sản xuất tiểu nông chi phối và các lý do khác nên còn rơi rớt các biểu hiện: thích sĩ diện, đố kị, ưa bình quân chủ nghĩa kiểu “xấu đều hơn tốt lỏi”, các mẹo vặt cầu lợi trong ứng xử kiểu “gắp lửa bỏ tay người”, “qua cầu rút nhịp”…Về kinh tế, do chiến tranh liên miên, người Việt không có truyền thống trọng thương nên ta chưa thành công trong việc xây dựng được các mũi nhọn kinh tế mạnh có thể chi viện cho văn hóa nói chung và hệ giá trị văn hóa nói riêng. Trên thực tế, do mấy chục năm đất nước ta trải qua chiến tranh, mọi nhân tài, vật lực chủ yếu tập trung cho tiền tuyến để giải phóng đất nước, nên việc xây dựng bài bản, chính thức về các tiêu chí cho hệ giá trị văn hóa Việt Nam, đưa vào đời sống ở nước ta chưa được đầu tư đúng mức. Sau chiến tranh, hơn30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, chúng ta thu được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, nhưng nếu nhìn thẳng vào thực tế thì đất nước đang gặp không ít thách thức và khó khăn. Ở đây,nếu chỉ xét về văn hóa và tiêu chí hệ giá trị cũng thấy nổi lên khá nhiều mặt tiêu cực đang được xã hội quan tâm mạnh mẽ. Nhiều vụ việc con người bị tha hóa, chạy theo lối sống buông thả, hưởng thụ vô văn hóa; luân thường đạo lý bị xúc phạm; các biểu hiện tham nhũng, chạy chức quyền, mua bằng cấp tràn lan…chính là văn hóa cơ chế, hệ giá trị văn hóa không chuẩn mực, đáng báo động. Có người sẽ hỏi: Các điều khoản luật pháp, Quy ước, dư luận báo chí và dư luận cộng đồng có thay cho Tiêu chí của Hệ giá trị văn hóa không? Vì luật pháp có thể chế tài, còn dư luận thì ai chẳng sợ mang tiếng xấu? Xin thưa; Chẳc chắn là không thay thế được. Bởi vì,chỉ khi con người tự giác, coi trọng văn hóa; văn hóa và các giá trị văn hóa đã thấm sâu vào suy nghĩ, hành xử thì họ mới tuân theo các tiêu chí giá trị đúng đắn một cách tự nhiên, không ép buộc (có người có học vấn, bằng cấp cao, có người chức lớn chưa hẳn là có văn hóa cao: ví dụ vua quan nhà Nguyễn thời Tự Đức cắt đất hàng Pháp là không có văn hóa trọng danh dự, không yêu nước). Trong giáo dục để cung cấp tri thức, tạo nền tảng văn hóa cho con người cũng vậy.

      Nhà khoa học, nhà cải cách giáo dục Đức Wihelm von Humboldt (1767-1835) ngay từ thế kỷ XIX đã cho rằng: Yếu tố trung tâm trong triết lý giáo dục là việc đào luyện nhân cách một cách toàn diện và khuyến khích phát triển cá tính thông qua việc đào tạo văn hóa tổng quát. Cần xây dựng Đại học- văn hóa với người thầy như là nhà văn hóa, khai mở, truyền thụ để cho học trò trở thành người có văn hóa tự khắc họ sẽ yêu nước, hành xử đúng đắn. Nhà cải cách cho rằng không nên quá quan trọng hóa môn Triết và môn Luật (như thời trước đó) mà cần chú trọng môn văn học để con người hướng tới cảm thụ văn hóa, bồi dưỡng tính nhân văn…Người có học hành tử tế từ nhỏ đến lớn sẽ dễ hình thành lối sống nhân văn, chính đạo hơn những kẻ học hành ngang tắt, kiến thức lồi lõm, chụp giật, có bằng cấp nhưng không có thực lực vì kiếm được bằng không phải bằng con đường chân chính và thường dùng bằng cấp vào mục đích vụ lợi bất chính.

      Ngay thời phong kiến ở phương Đông nói chung và nước ta nói riêng, trừ những kẻ thất phu, tiểu nhân, còn ai cũng noi theo các tiêu chí: Uy vũ bất năng khuất; Phú quý bất năng dâm; Bần tiện bất năng di. Và xã hội rất tôn sùng 5 tiêu chí coi là điều thường nhật, chuyện “bình thường, tự nhiên” của xã hội, đó là “Ngũ thường” (Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Đã là người nam nhi tử tế thì “Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”. Ai cũng giữ nếp nhà, sống ngay thẳng, dù gặp khó khăn: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, giữ khí tiết vì cho rằng: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng; Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Dĩ nhiên là hạng đạo đức hèn kém trong xã hội thì có triết lý khác về hệ giá trị văn hóa, họ cho rằng: “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn” hoặc trong khi nhiều kẻ trí giả mong học hành mở mang trí tuệ để “giúp nước cứu đời”, chú ý mọi nơi, mọi lúc rèn mình suốt quá trình “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” thì  rất đông sĩ tử thời xưa tâm niệm “Học” để đỗ đạt “làm quan để có mũ cao áo dài, vinh thân, phì gia, thoát ly các hoạt động thực tiễn; coi nhẹ kinh doanh, công thương, sản xuất lưu thông….”[4].Ngay tại thời điểm 2016 này, những người yêu quý nước Việt, trăn trở với tương lai phát triển Việt Nam đều không khỏi lo lắng, bức xúc bởi việc thất thoát từ các đại án kinh tế mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo phải xử lý dứt điểm.

 Tại diễn đàn Quốc hội và báo chí, nhiều người đã thẳng thắn đặt các câu hỏi liên quan đến danh dự, trách nhiệm, quyền lợi quốc gia và văn hóa ứng xử, văn hóa cơ chế, quan niệm lệch lạc về giá trị văn hóa có thể có ở một số cá nhân từ cơ quan chức năng nước ta đã góp phần gây nên hệ lụy từ các vụ án nêu trên hay từ các vụ cấp phép đầu tư nước ngoài sai dẫn đến nhiều tệ hại mà chắc chắn sự khắc phục phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc, khôi phục lòng tin của người dân…

     Từ năm 1975 đến nay, đất nước ta đã thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đang từng bước tham gia hội nhập quốc tế. Bối cảnh quốc tế đãng có nhiều biến chuyển quan trọng: Toàn cầu hóa kinh tế đã lan sang các lĩnh vực khác, trong đó có văn hóa, nhiều hiện tượng như giao lưu hợp tác văn hóa; tiếp biến, hỗn dung văn hóa; xâm lăng văn hóa; chiếm đoạt thị trường văn hóa; đồng hóa văn hóa; giao thoa văn hóa… xảy ra phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội các quốc gia, khu vực. Trong đó “Quá trình giao thoa văn hóa là một quá trình học tập và tiếp biến các giá trị văn hóa. Mỗi nền văn hóa đều những có giá trị đặc sắc riêng. Với các nước nhỏ và chậm phát triển, muốn theo kịp trào lưu phát triển của thời đại để không tụt hậu, không có một con đường nào khác là phải sử dụng tối ưu phép lợi thế của nước đi sau”[5].

    3.Là nước đi sau, chúng ta hiện đi theo con đường kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.Kinh tế thị trường có nhiều mặt tích cực nhưng rất nhiều tiêu cực ảnh hưởng tới giá trị văn hóa. Làm thế nào để khắc phục được các tiêu cực đó? Làm thế nào để người lãnh đạo và người dân nước ta đồng thuận, niềm tin ngày một củng cố? Làm thế nào để mọi người cùng thống nhất cơ bản, tự giác hướng theo những giá trị văn hóa tốt đẹp, khả thi, bền vững, hợp quy luật? Muốn vậy, trước hết cần đặt vấn đề rõ ràng về việc Xây dựng hệ giá trị văn hóa mới. Đó là việc làm cần thiết, mang tính thời sự.

     Theo tôi có thể xây dựng một bộ tiêu chí của hệ giá trị vừa kế thừa được các tiêu chí trước đây, vừa phù hợp điều kiện đất nước hôm nay và phù hợp với xu thế của thế giới, thời đại.

Thứ nhất,  bộ tiêu chí hệ giá trị văn hóa phổ quát chung cho toàn xã hội, mọi người cần hướng đến, tâm niệm, thực hiện. Đó là:

Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng, Liêm, Khiêm;

 Kết hợp cùng các tiêu chí khác hỗ trợ như: Tâm chính, ý thành, chí kiên, sự cẩn, lịch thiệp, hài hòa, nhân văn, trí tuệ, tiến bộ,.

Thứ hai, Đối với phái nữ thì các tiêu chí là:

Công, dung, ngôn, hạnh, tinh tế, duyên dáng, nhu thuận, đảm đang, bình đẳng, tiến bộ.

Thứ ba, Đối với những người có vị trí lãnh đạo thì ngoài hệ tiêu chí phổ quát cần thêm:

Tâm đẹp, tuệ sáng, tài cao, trách nhiệm, vì dân vì nước, trình độ văn hóa quốc tế

Với tiêu chí đặc thù là:Trọng danh dự, chí khí, cao thượng; Lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ.

       Nghiên cứu để xây dựng tiêu chí hệ giá trị văn hóa Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh mẽ và sau khi được cơ quan chức năng thống nhất, ban hành rồi phải có biện pháp quảng bá trong, ngoài nước để mọi người Việt Nam hưởng ứng, thực hiện. Phải coi đây là việc làm của cả hệ thống chính trị, làm sao để dần dần, mọi thành viên xã hội noi theo, coi là tiêu chí đánh giá đúng sai, thiện ác, hay dở, tốt kém của mỗi cá nhân và thấm sâu thành nhận thức và tư duy, hành động tự giác của các công dân. Nếu làm đúng, bài bản và lâu dài thì quá trình này sẽ có tác dụng góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy nền văn hóa Việt Nam phát triển lành mạnh, phản kháng hiệu quả sự xâm lăng văn hóa từ ngoại bang, bảo vệ và thúc đẩy đất nước phát triển bền vững./.

Nguồn: Lê Thanh Bình - VHNA

-------------------
Tài liệu tham khảo

1) Lê Thanh Bình, Một số vấn đề QLNN Kinh tế, văn hóa, giáo dục trên thế giới và Việt Nam, Nxb. Chính trị QG, Hà Nội 2009, tr. 327;

2) Từ điển xã hội học, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2002, tr.156;

3) Giáo trình Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng CSVN, Nxb. Chính trị-hành chính, H.2010, tr.13;

4) Lê Thanh Bình (CB), Giao thoa văn hóa và chính sách ngaọi giao văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị QG, H. 2012; tr. 45- 46.



[1] Lê Thanh Bình, Một số vấn đề QLNN Kinh tế, văn hóa, giáo dục trên thế giới và Việt Nam, Nxb. Chính trị QG, Hà Nội 2009, tr. 327.

[2] Từ điển xã hội học, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2002, tr.156.

[3] Giáo trình Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng CSVN, Nxb. Chính trị-hành chính, H.2010, tr.13.

[4]Lê Thanh Bình, Một số vấn đề QLNN Kinh tế, văn hóa, giáo dục trên thế giới và Việt Nam, Nxb. Chính trị QG, Hà Nội 2009, tr. 340.

[5] Lê Thanh Bình (CB), Giao thoa văn hóa và chính sách ngaọi giao văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị QG, H. 2012; tr. 45- 46.

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • 1. Trung tâm văn hóa tôi muốn đề cập ở đây là thành phố Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đã là một Trung tâm văn hóa thì bao giờ cũng quy tụ nhiều nhân tài lớn, trên nhiều lĩnh vực, từ mọi miền đất nước, thậm chí từ cả ngoài nước, trải qua nhiều thế hệ, nhiều thử thách khó khăn mới vun đắp lên nổi một truyền thống, mà có được truyền thống văn hóa lại càng khó khăn hơn. Trong bài viết này tôi chưa đề cập tới những nhà khoa học, những nhà văn hóa và văn nghệ sĩ xuất sắc đang sống và hoạt động tại Thừa Thiên Huế, mà tôi chỉ muốn nói tới chủ yếu các vị đã qua đời nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm, lâu dài cho mảnh đất này, góp phần quan trọng hình thành nên truyền thống văn hóa Huế.

  • Trên thế giới có nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong mỗi nước, ngoài mẫu số chung về nền văn hóa của cả dân tộc, còn có văn hóa vùng miền được phân định căn cứ vào đặc điểm nhân văn riêng của từng nơi. Nơi nào có được tính cách nhân văn đặc thù thì nơi ấy có văn hóa địa phương hay văn hóa bản địa. Một từ mà các nhà văn hóa học năng sử dụng khi đề cập đến lĩnh vực này là “bản sắc”. Nếu dùng từ bản sắc làm tiêu chí để nhận diện văn hóa thì Việt Nam có nền văn hóa riêng của mình, trong đó có văn hóa Huế.

  • Tôi quê Hà Tĩnh, nhưng lại sinh ra ở Huế, khi ông cụ tôi ngồi ghế Phủ Doãn, tức là “sếp” cái cơ quan đóng bên bờ sông Hương ở giữa Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Hai Bà Trưng - Đồng Khánh xưa, nay đang được xây dựng to đẹp đàng hoàng gấp nhiều lần ngày trước. (Thời Nguyễn phong kiến lạc hậu, nhưng lại có quy chế chỉ những người đậu đạt cao và thường là người ngoại tỉnh mới được ngồi ghế Phủ Doãn để vừa có uy tín, học thức đối thoại được với quan chức trong Triều, vừa tránh tệ bênh che hay cho người bà con họ hàng chiếm giữ những chức vụ béo bở. Nói dài dòng một chút như thế vì nhiều bạn trẻ thời nay không biết “Phủ Doãn” là chức gì; gọi là “Tỉnh trưởng” cũng không thật đúng vì chức Phủ Doãn “oai” hơn, do Huế là kinh đô, tuy quyền hành thực sự người Pháp nắm hầu hết).

  • *Từ tâm thức kính sợ trời đất đến lễ tế Giao: Từ buổi bình minh của nhân loại, thiên nhiên hoang sơ rộng lớn và đầy bất trắc, với những hiện tượng lạ kỳ mưa gió, lũ lụt, sấm chớp, bão tố... đã gieo vào lòng người nhiều ấn tượng hãi hùng, lo sợ. Bắt nguồn từ đó, dần dần trong lịch sử đã hình thành tập tục thờ trời, thờ đất, thờ thần linh ma quỷ. Đó là nơi trú ẩn tạo cảm giác an toàn cho con người thuở sơ khai. Ở phương Đông, tập tục thờ cúng trời đất, thần linh gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, phổ biến từ trong gia đình đến thôn xóm, làng xã. Khi chế độ quân chủ hình thành, một số triều đình đã xây dựng những “điển lệ” quy định việc thờ cúng trời đất, thần linh, với những nghi thức trang trọng, vừa biểu thị quyền uy tối thượng của nhà vua, vừa thể hiện khát vọng mong cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, phong hoà vũ thuận của muôn dân.

  • Sông Hương thuộc loại nhỏ của Việt Nam, nhưng với Thừa Thiên Huế có thể nói là “tất cả”. Hệ thống sông Hương cung cấp nước, tạo môi trường để phát triển gần như toàn bộ nền kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế, đặc biệt sông Hương còn là biểu tượng của Huế, hai bên bờ mang nặng di sản văn hoá nhân loại. Nhưng đồng thời nó cũng đưa lại những trận lụt lớn vào mùa mưa, nhiễm mặn vào mùa hè...

  • Huế được Chính phủ xác định là một trong 5 thành phố cấp quốc gia, nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của miền Trung, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ du lịch. Quá trình phát triển đô thị, Huế đồng thời cũng đứng trước những thử thách mới, còn nhiều bất cập nhưng Huế vẫn giữ được nét kiến trúc riêng. Hình ảnh một thành phố mà kiến trúc và thiên nhiên hoà quyện, phải chăng đó là bản sắc Huế, khó trộn lẫn với bất kỳ một đô thị nào khác trong cả nước.

  • I. Toàn cầu hóa và lý luận văn học: I.1. “Toàn cầu hóa” làm cho “thế giới trở nên phẳng” (Thomas F.Fredman). Lý luận văn học là một lĩnh vực khoa học nhằm cắt nghĩa, lý giải, khái quát văn chương, đặt trong khung cảnh đó, nó cũng được “thế giới hóa”, tính toàn cầu hóa này tạo nên một mặt bằng chung, hình thành một ngôn ngữ chung. Từ đó mới có sự đối thoại, tiếp biến học hỏi lẫn nhau giữa các nền lý luận của các châu lục, quốc gia tạo nên một thể thống nhất trong đa dạng.

  • Đêm Nguyên tiêu 15 tháng giêng Quý Mùi 2003, thực hiện chủ trương của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TTH đã tổ chức trên sông Hương một đêm thơ rất tuyệt vời. Ban tổ chức cho biết Hội Nhà văn Việt Nam đã được phép quyết định kể từ năm nay lấy ngày 15 tháng giêng âm lịch hằng năm làm Ngày Thơ Việt Nam. Quyết định ấy lay động tâm trí tôi vốn đang ưu tư với Huế Thành phố Festival, thay vì đọc thơ, trong đêm Nguyên tiêu ấy tôi đã phác họa sơ lược về một Festival thơ. Không ngờ ý kiến của tôi được Đêm thơ Nguyên tiêu hưởng ứng và các nhà thơ đã đề nghị tôi nên thực hiện một Hồ sơ cho Festival Thơ.

  • Trí thức trong bất cứ thời đại nào và ở đâu cũng là một nguồn lực quan trọng, là sức mạnh tinh thần nối kết truyền thống của dân tộc với thành tựu trí tuệ của thời đại. Khi nguồn lực trí tuệ của đội ngũ trí thức gắn kết được với sức mạnh cộng đồng thì xã hội sẽ có những chuyển biến tích cực. Ngược lại, nguồn lực trí tuệ không được phát huy thì năng lực phát triển của xã hội sẽ bị suy thoái. Thừa Thiên Huế có một thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Đàng Trong và trở thành kinh đô của cả nước. Vì thế Huế đã từng là nơi hội tụ nhiều thế hệ trí thức tinh hoa của đất nuớc. Lớp trí thức lớn lên tại Thừa Thiên Huế có điều kiện tiếp cận với những thiết chế và sinh hoạt văn hoá, học thuật có tầm cở quốc gia (Quốc Tử Giám, Quốc Sử Quán, Hàn Lâm Viện, Thái Y Viện. Khâm Thiên Giám.. ), năng lực trí tuệ của trí thức ở kinh kỳ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, cả trên lĩnh vực tư duy sáng tạo và quản lý, thực hành.

  • I. Sự hình thành và phát triển hệ thống đường phố ở Huế: Trước khi Huế được chọn để xây dựng kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, đất Phú Xuân - Huế kể từ năm 1738 đã là nơi đóng đô thành văn vật của xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Rồi Phú Xuân lại trở thành kinh đô Đại Việt của nhà Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh toàn thắng quân Tây Sơn; từ Thăng Long ông trở về Phú Xuân, chọn lại đất ấy, lấy ngày lành, lên ngôi vua, xưng hiệu là Gia Long. Tháng 5 năm 1803, nhà vua sai người ra ngoài bốn mặt thành Phú Xuân, xem xét thực địa, định giới hạn để xây dựng kinh thành mới. Trên cơ sở mặt bằng thành Phú Xuân cũ, lấy thêm phần đất của 8 làng cổ lân cận, mở rộng diện tích để xây dựng nên một kinh thành rộng lớn hơn trước. Cùng với việc xây dựng thành quách, cung điện, nha lại, sở ty... thì đường sá trong kinh thành cũng được thiết lập.

  • Thừa Thiên Huế là thủ phủ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, là kinh đô của cả nước dưới thời Tây Sơn và triều Nguyễn, nay là cố đô, một trong những trung tâm văn hoá và du lịch quan trọng của Việt Nam , trải qua quá trình đô thị hoá, vừa mang dấu ấn của một đô thị cổ phương Đông, vừa có đặc trưng của một đô thị mới. Để góp phần định hướng phát triển và tổ chức quản lý vùng đất nầy, một trong những việc cần làm là nên soát xét lại kết quả của quá trình đô thị hóa để lựa chọn những giải pháp quản lý phù hợp.

  • Trong quá khứ, mảnh đất Phú Xuân - Huế đã được chọn để đóng đô thành của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi đến kinh đô Đại Việt của nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, sau nữa là kinh đô Việt Nam thống nhất dưới thời họ Nguyễn Phúc trị vì và cuối cùng trở thành cố đô từ sau Cách mạng Tháng 8.1945. Huế đã và đang là thành phố Festival - một thành phố lễ hội mang nhiều thành tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam theo một quy chế đặc biệt. Để có cái nhìn khách quan về lịch sử, thiết nghĩ, chúng ta hãy điểm lại vài nét quá trình đi lên của thành phố Huế để trở thành đô thị loại I - đô thị đặc biệt hôm nay.

  • Hội nghị cán bộ Việt Minh mở rộng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/1945 diễn ra trên đầm Cầu Hai đề ra chủ trương lớn để phát triển phong trào cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, chuẩn bị cùng cả nước khởi nghĩa cướp chính quyền khi có thời cơ. Sau hội nghị, phong trào cách mạng phát triển đều khắp trong toàn tỉnh. Đầu tháng 8, được tin quân đội Nhật bị quân đồng minh đánh bại ở nhiều nơi, nhất là ở Mãn Châu Trung Quốc, Thường vụ Việt Minh dự đoán ngày Nhật theo chân phát xít Đức bị đánh bại không còn xa, đã quyết định đẩy mạnh chuẩn bị khởi nghĩa. Giữa tháng 8 được tin Nhật Hoàng sẵn sàng đầu hàng, Thường vụ Việt Minh chỉ đạo các huyện khởi nghĩa. Sau khi tất cả các huyện phụ cận Huế khởi nghĩa thành công, ngày 20/8 Thường vụ Việt Minh triệu tập 6 huyện bàn quyết định chọn ngày 23.8.1945 là ngày khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng ngay chiều ngày 20.8.1945 phái đoàn Trung ương có cụ Hồ Tùng Mậu, anh Nguyễn Duy Trinh và anh Tố Hữu đã đến Huế, vì Huế là thủ đô của chính quyền bù nhìn lúc bấy giờ. Khởi nghĩa ở Huế mang sắc thái đặc biệt có tính chất quốc gia. Ta giành lại chính quyền không phải từ tay một tỉnh trưởng mà là từ triều đình nhà Nguyễn - Bảo Đại ông vua cuối cùng, bên cạnh Bảo Đại lại có cả bộ máy chính quyền Trần Trọng Kim do Nhật lập ra. May mắn thay đoàn phái bộ Trung ương vào kịp thời nên vẫn giữ nguyên ngày khởi nghĩa (23.8.1945). Đêm 20.8.1945 cuộc họp của phái đoàn Trung ương và Thường vụ Tỉnh ủy thông qua kế hoạch khởi nghĩa của tỉnh và cử ra Ủy ban khởi nghĩa gồm có: anh Tố hữu là Chủ tịch đại diện cho Trung ương, tôi làm Phó Chủ tịch (PCT) đại diện cho Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh địa phương cùng một số ủy viên: Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn...

  • Ba mươi năm trước, cùng với lực lượng cách mạng, những người làm Báo Cờ Giải Phóng của Đảng bộ Thừa Thiên Huế sôi nổi chuẩn bị số báo đặc biệt và có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng quê hương. Tháng 10/1974, chúng tôi được tham gia hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn về đẩy mạnh nhiệm vụ đánh kế hoạch bình định, mở rộng vùng giải phóng nông thôn đồng bằng, phối hợp có hiệu quả với các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Báo Cờ Giải Phóng ra số báo đặc biệt, nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn để chuyển tải khí thế cách mạng miền Nam và trong tỉnh, đưa mệnh lệnh, lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thừa Thiên Huế và các chính sách của Mặt trận đối với vùng giải phóng.

  • Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, lực lượng an ninh huyện Phú Vang đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với 95 thương binh, 135 liệt sĩ và không có một cán bộ, chiến sĩ nào đầu hàng phản bội, lực lượng an ninh huyện Phú Vang và 4 cán bộ an ninh huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

  • Trong mọi thời đại Hoàng đế và kẻ sĩ có mối quan hệ đặc biệt. Đó là mối quan hệ giữa người cầm quyền và người trí thức có nhân cách và tài năng. Khi Hoàng đế là minh quân thì thu phục được nhiều kẻ sĩ, khi Hoàng đế là hôn quân thì chỉ có bọn xu nịnh bất tài trục lợi bên mình còn kẻ sĩ bị gạt ra ngoài thậm chí có khi bị giết hại. Lịch sử bao triều đại đã chứng minh điều đó. Mối quan hệ giữa Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ và La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp của thế kỷ XVIII là cuộc hội ngộ lớn, mang đến nhiều lợi ích cho quốc gia và có ý nghĩa cho muôn đời. Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp đều sống trong bối cảnh triều Lê suy tàn, chúa Trịnh lộng hành, chúa Nguyễn mới nổi dậy. Sau gần 300 năm hết nội chiến Lê Mạc đến Trịnh Nguyễn phân tranh đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ. Trong bối cảnh đó Nguyễn Huệ cùng anh là Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Thiếp cáo quan về ở ẩn.

  • Năm 2008 là một năm khá kỳ lạ và đặc biệt của loài người. Nửa năm đầu, cả nhân loại thăng hoa với các chỉ số chi tiêu mà ngay cả các chiến lược gia kinh tế cũng phải bàng hoàng. Nửa năm cuối, quả bóng phát triển, ổn định bị lưỡi dao oan nghiệt của khủng hoảng đâm thủng nhanh đến nỗi hàng ngàn đại gia bị phá sản rồi, vẫn chưa lý giải nổi hai chữ “tại sao”. Bất ổn và đổi thay còn chóng mặt hơn cả sự thay đổi của những đám mây. Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật lại chọn từ “thay đổi” (kanji) là từ của năm, vì B. Obama đã chiến thắng đối thủ bằng chính từ này (change)...

  • Bạn đọc thân mến! Hiệp hội Đo lường Thời gian quốc tế đã quyết định kéo dài thời gian của năm 2008 thêm 1 giây, và chúng ta đã chờ thêm 1 giây để đón chào năm mới. Sau thời khắc 23 giờ 59 phút 59 giây của ngày 31.12.2008, không phải là giây đầu tiên của năm mới mà phải sau thời khắc 23 giờ 59 phút 60 giây cùng ngày, năm 2009 - năm lẻ cuối cùng của thế kỷ 21, mới chính thức bắt đầu. Nhân loại đã có thêm một giây để nhìn lại năm cũ và bước sang năm mới. Và trong một giây thiêng liêng ấy, chắc chắn nhiều ý tưởng sáng tạo đã xuất hiện, nhiều tác phẩm nghệ thuật vừa hoàn tất, âm tiết cuối của câu thơ cuối một bài thơ vừa được nhà thơ viết xong và buông bút mãn nguyện. Cùng với ly rượu vang sóng sánh chúc mừng năm mới được nâng lên, cái đẹp, cái cao cả tiếp tục xuất hiện để phụng sự nhân loại và chắc chắn, những nụ hôn của tình yêu thương đã kéo dài thêm một giây đầy thiêng liêng để dư vị hạnh phúc còn vương mãi trên môi người.

  • Tham luận tại cuộc tọa đàm “Văn học trẻ Huế- nhìn lại và phát triển” của nhà thơ trẻ Lê Vĩnh Thái: "một lần ngồi uống cà phê tôi được một nhà thơ, người anh trong Hội thống kê về đội ngũ sáng tác trẻ nữ của cố đô Huế chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 5 người mà tuổi đã ngoài 30, còn tuổi từ 20, 25 đến 30 thì không thấy!?... "

  • Từ cuối tháng 6. 2008, trên mạng Internet, cùng lúc có những bài viết về nhiều nhà văn, nhà thơ ở Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ và ở Quảng Trị, Quảng Bình. Các bài viết được đăng tải trên các báo điện tử nước ngoài (hoặc sách in ra được các tờ báo đó đưa lên mạng), cả trên tờ báo của một tổ chức chống nhà nước Việt Nam cực đoan nhất, và trên blogs của một số nhà văn trong nước (được một số báo điện tử nước ngoài nối mạng sau đó). Mục đích khác nhau nhưng các bài đó, tạm xếp vào hai loại, có một điểm giống nhau: DỰNG ĐỨNG những sự kiện của cuộc đời và hoạt động của các nhà văn nhà thơ này.