Ngày mai

10:19 24/05/2010
NGUYỄN SANSinh cố kiềm chế tối đa để khỏi phải văng tục trước thái độ đầy xấc láo, ngạo mạn của ông Đi.

Khi trước đông đủ mọi người ông ta vừa đấm bàn vừa bảo rằng: với cái bề dày công tác từ chống Pháp sang chống Mỹ, rồi gần hai mươi năm giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt, ông ta không thể sai được. Ông cho rằng cái sai thường là do lũ trẻ chưa có kinh nghiệm, chứ còn như ông ta và một số người cùng thời đang nắm giữ những vai trò chủ chốt thì gian khổ đã từng, kinh nghiệm đầy đủ thì sai thế nào được? Ông đã từng bảo rằng, ông có sai thì chỉ sai với cấp trên của ông mà thôi, còn không thể nào sai với lũ chúng nó được vv.vv...

Vậy đấy, hầu hết cán bộ công nhân viên trong cơ quan kẻ thì sợ, kẻ thì ngán, người thì xuê xoa cho qua chuyện.. vì thế cho nên ông vẫn chứng nào tật ấy vẫn tồn tại và có người còn khen ông là vững vàng, là bản lĩnh và cho đến lúc biết rằng sắp về hưu lại càng hung hăng khó tính hơn, nhất là biết Sinh là người có thể thay thế ông, ông lại càng tỏ ra khó chịu, căng thẳng với mọi người nhất là đối với Sinh.

Có người cho biết rằng ông đã thảo sẵn một lá đơn rất dài kể lể công lao, thành tích với những lời hết sức mùi mẫn, năn nỉ với cấp trên cho ông tiếp tục phục vụ vì sự nghiệp còn dài và vì ông còn sức khỏe...

Mà sức khỏe thật, mọi người đều biết rằng trước khi tập kết ông đã có vợ hai con và một người tình lén lút, và vì nghĩ rằng hai năm ông sẽ về và sẽ dàn xếp đâu vào đó, cho nên khi được cho đi học lớp bổ túc công nông, ông chỉ lén lút quan hệ có giới hạn với chị cấp dưỡng ở nhà trường mà những lúc vui vẻ, xởi lởi nhất, ông đã tâm sự rằng đó chỉ là sự trao đổi văn hóa cho vui trên cơ sở của tiêu chuẩn hàng hóa cung cấp mà ông có được...

Rồi Mỹ Diệm xóa bỏ hiệp thương. Chiến tranh kéo dài hai mươi mốt năm ông ta chịu không được, ông ta đã lui tới Ban Thống Nhất nhiều lần với lý do không còn liên lạc được với vợ con ở miền Nam và lại có nguồn tin là đã bị địch giết chết... Thế là cuối cùng ông cũng được phép cưới một cô vợ nhỏ hơn ông mười lăm tuổi nói giọng Bắc miền biển “ông nớn hơn tôi thật nhưng lói lăng nưu noát nại có công ăn việc nàm thuộc noại cán bộ nớn đấy”... Và thế là cứ đẻ xoành xoạch hai năm ba đứa cho đến lúc giải phóng miền Nam, vừa mất vừa còn cũng đã hơn nửa tá, đó là chưa kể những lần ông may mắn thoát hiểm vì tội hủ hóa, hoặc quan hệ bất chính với vợ của những cán bộ chiến sĩ đi B hoặc cùng cơ quan... cho đến lúc không thể từ chối được thì ông cũng đành phải xung phong đi B năm 1973 mà với chức vụ trưởng đoàn của một đoàn cán bộ tăng cường gồm mười nam hai nữ, trong đó có một nữ bác sĩ. Thế là kinh nghiệm và sự nhạy bén của ông đã được thể hiện ở chỗ thu xếp thời gian để tranh thủ riêng với từng cô một, và ông đã đạt được nguyện vọng. Khi với tư cách trưởng đoàn ông đã động viên hai cô phải thấm nhuần tình trạng chiến tranh bom đạn cực kỳ ác liệt do đế quốc Mỹ gây ra, chưa biết phải hy sinh lúc nào và sự hiến thân cao cả...

Sau giải phóng ông trở về thăm người vợ cũ với hai đứa con một mất và một còn nhưng tàn tật do chiến tranh. Người vợ đầu tiên của ông, chị Xoang, sau hai mươi mốt năm gian khổ thủy chung son sắt đượi chờ nay tóc đã bạc, nhan sắc tàn phai dù chỉ mới hơn bốn mươi ba tuổi làm cho ông đã phải tuyệt vọng về cái khoảng “gặp lại người xưa, nửa đêm tái ngộ nghe mưa cuối trời” của Huy Cận. Bù lại ông dã phải chú ý đến căn nhà và khoảng tài sản mà chị đã chắt góp, bòn tro đãi sạn, buôn thúng bán bưng trong hai mươi năm được đâu khoảng gần tám cây vàng... Do vậy ông vẫn tỏ ra nhẹ nhàng khôn khéo an ủi và giải thích với chị Xoang cùng bà con thân thiết bằng lời lẽ có vẻ chân tình nửa bí mật nửa công khai rằng: đánh xong thằng Mỹ, thống nhất đất nước rồi thì ta chỉ xây dựng năm mười năm nữa là thành công chủ nghĩa xã hội thôi, cho nên vàng không nên để làm gì, thứ ấy là sản phẩm của bọn tư sản mại bản, rồi đây Nhà nước sẽ đóng dấu kiểm kê và quản lý hết, hễ ai còn giữ vàng là sai quan điểm... Cái cần thiết bây giờ là lúa gạo, thịt thà, nhu yếu phẩm sẽ được xét bán theo tiêu chuẩn kể cả “ lông sản phụ” (nói theo giọng của cô vợ miền Bắc)... và thế là chị Xoang đành thu gom nhắm mắt trao hết cho chàng sau một đêm mà chàng cũng nhắm mắt phát huy hết nội lực công đồn một lượt sau hai mươi mốt năm xa cách cố tìm lại chút hương xưa... Và đấy cũng là lần cuối cùng chị được gặp anh sau hai mươi mốt năm xa cách với lời ví von trêu chọc chị vẫn còn văng vẳng bên tai ngày chị chia tay anh trong nước mắt “ anh đi chắc hẳn anh đi thẳng...” và anh đã đi thẳng thật, lần đi này không phải như lần đi của năm một ngàn chín trăm năm tư, với lời hẹn ước non sông, với lời nguyền sẽ về với mẹ, với em trong ngày kháng chiến thành công đâu. Cùng bao người ra đi anh đã cùng trở về thật nhưng anh đã giải quyết vẫn đề thống nhất với gia đình một cách ngoạn mục với tiền vợ Bắc, vững chắc đi lên... Ông đã chuẩn bị một chuyến về Bắc với hai ba lô, bốn túi xách có phẹc ma tuya to chứa đầy vải vóc, quà bánh, áo quần lớn có, bé có, khăn voan, áo len, búp bê kể cả kem đánh răng Hynos có hình anh chàng da đen, bạn của những người bị áp bức trên toàn thế giới, rất ấn tượng, được mang cho cô vợ trẻ và bầy con sáu đứa cùng bà con xóm giềng hoàn toàn choáng ngợp trước một miền Nam chiến tranh tàn khốc, bị xâm lược dã man, bị dìm vào biển máu mà đồ dùng toàn xa xỉ phẩm lạ mắt, thơm tho cái mùi... như mùi tư sản mà chính ông đã từng ngây ngất nhưng phải bịt mũi lại, vừa khạc nhổ vừa phát biểu đầy lập trường trong những ngày mới tiếp thu Hà Nội và cải tạo tư sản...

Sáng nay, do chủ quan và cũng vì cánh cửa phòng Giám đốc của ông Đi mở hé sẵn, Sinh đã bước thẳng vào không gõ cửa, không ngạc nhiên lắm nhưng quả thật Sinh không ngờ, ông giám đốc đã sinh hoạt riêng sớm quá, công khai và cũng đầy chủ quan ngay tại cơ quan giữa ban ngày, ban mặt với một nàng khá mập mạp và cũng thường tới công ty để trao đổi hàng hóa với ông giám đốc nhiều lần nên Sinh cũng thấy quen mặt, hiện trường quá rõ ràng, không chối cãi vào đâu được. Nhưng chỉ qua một phút ngượng ngùng ban đầu, ông Đi đã lấy lại bình tĩnh và tác phong giám đốc lên giọng quở trách Sinh tại sao không gõ cửa trước khi vào!!! và vào có việc gì? Sinh đã xin lỗi nhưng ông Đi vẫn cho là anh sai phạm khi vào phòng người khác không gõ cửa và tỏ ra căng thẳng. Sinh đã phản ứng lại là chính ông Đi mới sai khi dám sinh hoạt nam nữ ngay tại cơ quan và vội quá quên khép cả cửa. Lời qua tiếng lại, căng thẳng và cuối cùng Sinh đã bị ông đuổi ra khỏi phòng, từ chối việc xác nhận cho những người đã phục vụ ngành và hy sinh trong ngày còn chiến tranh ở căn cứ mà nay thân nhân họ cần chứng nhận để xin giải quyết chính sách.

Sinh nói, việc tôi sai hay ông sai xin để một bên, còn trước mắt đề nghị ông hãy ký xác nhận cho những đồng chí và những người thân của họ trước đã.

- Không thể ký bây giờ được.

- Tại sao?

- Cần phải nghiên cứu lại.

- Nghiên cứu cái gì nữa?

- Nghiên cứu lại có trường hợp chưa đúng.

- Sao lại chưa đúng được, danh sách bao nhiêu người đã hy sinh thuộc ngành, bao nhiêu thân nhân được hưởng chế độ, văn bản cơ quan chính sách đã hướng dẫn cụ thể, danh sách lập đi lập lại đã được chốt kỹ, tập thể cơ quan đã họp bàn, ông đã duyệt, sao bây giờ lại còn nghiên cứu gì nữa?

- Đấy là trách nhiệm và quyền hạn của tôi, đồng chí hiểu chưa?

- A! Trách nhiệm à! quyền hạn à!

- Trách nhiệm của ông có phải là muốn kéo dài thời gian ngâm cứu để đùn đẩy cho người kế nhiệm khi ông có quyết định hưu à! Còn quyền hạn ông có phải là cái quyền muốn phủ nhận quá khứ, công lao của người khác không? Tôi nói cho ông nghe! Người ta nói kẻ nào bắn vào quá khứ của người khác cũng như của mình một phát súng lục thì tương lai sẽ bắn vào chúng một phát đại bác đấy. Ông hiểu chưa? không giải quyết thì thôi để mọi người, để lịch sử và tương lai sẽ phán xét ông! Tôi về...

- Này, này, này anh dạy khôn cho tôi đấy ư! Tôi nói cho anh nghe đây! Ở chế độ ta không bao giờ chấp nhận một thằng mới ngoi lên chuyên viên một lại dám điều khiển, dám qua mặt, dám lên lớp cho một thằng chuyên viên tám như tôi đâu nhé! Đó là chưa kể đến tuổi tác và quá trình cũng như chức vụ của tôi trong Đảng bộ và Công ty, còn bắn súng lục quá khứ, bắn đại bác tương lai ư! đừng có mà mơ hão. Tôi nói cho anh biết tương lai luôn thuộc về ta, tương lai là của ta... còn súng lục cũng như đại bác, cũng như các loại chất nổ là thuộc quốc phòng và ta đã quản lý chặt chẽ, anh lấy gì mà bắn? Anh nên nhớ rằng ta chứ không phải như đế quốc Mỹ mà súng đạn bán mua bừa bãi để đến nỗi trẻ con cũng trở thành sát nhân đâu nhé!...

Sinh há hốc mồm muốn cười nhưng miệng anh đã méo và đành chịu thua bước ra khỏi phòng của giám đốc Đi với cái tương lai thuộc về ta của lão...

Quảng Ngãi, 15/ 7/ 2000
N.S
(140/10-00)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN THÙY MAIỞ tuổi bốn mươi da mặt nàng vẫn trắng hồng, chưa thoáng một nếp nhăn. Ai nhìn kỹ lắm mới thấy những vết hằn bắt đầu hiện ra quanh cổ, thường được che rất khéo bởi những chuỗi hạt trang nhã. Mà đâu ai nhìn kỹ làm gì. Đứng trước một người đàn bà, dại gì không dán mắt vào vẻ đẹp mà lại đi săm soi tìm khuyết điểm.

  • NHẤT LÂMKinh thành Huế năm Bính Thìn, thiên hạ xôn xao vì một vụ án đại hình gây bất bình trong cả nước, và để lại cho hậu thế một nỗi tiếc thương khôn nguôi cho hai nhà chí sĩ.

  • XUÂN ĐÀILàng Tân Mỹ Đông nằm dưới chân núi Tịnh Hồng, trước năm 1975 là vùng của quốc gia, nói cho ngay ban ngày quốc gia điều khiển về hành chính, ban đêm “việt cộng” kiểm soát mọi mặt. Trong làng nhiều người đi lính hai phía, phía nào cũng có sĩ quan cấp tá, cấp úy và binh nhất, binh nhì…

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Xuống tới biền, Lê và tôi thấy chú Phip và hai con bò đứng bên giàn cày. Chẳng chào hỏi, chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi tiếp tục đắp bờ mương ngăn đất trồng rau với cái tum đổ nước vào sông Dakbla, còn Lê lo chỉ việc cho chú ấy.

  • QUỲNH VÂN"Lục bình vừa trôi vừa trổ bôngLục bình không kịp dừng để tím..."

  • TRÚC PHƯƠNGÔng già ngồi trên chiếc ghế bố làm bằng manh bao phía dưới bóng cây đa lão – trụ sở của Hội những người bán máu kia, sinh năm 1919, tròn 82 tuổi.

  • NGUYỄN THỊ THÁI Ngoài vườn có tiếng đánh sạt. Lại một chiếc tàu cau rơi. Con Vàng buồn bã đứng dậy, thất thểu đi ra. Hình như tiếng rơi khiến nó đau lòng.

  • HÀ KHÁNH LINH "Con gái PhổỞ lỗ trèo cau"

  • TÔ VĨNH HÀChỉ còn ít phút nữa, cái công việc căng thẳng, vừa đơn điệu vừa nặng nề của chúng tôi sẽ kết thúc: Buổi chấm thi sau cùng của một mùa tuyển sinh đầy sóng gió…

  • TRẦN DUY PHIÊN - Cắp vở qua bên chú Kỳ nhờ chú chỉ cho mà học! - Mẹ tôi nói. Tôi vẫn giả bộ không nghe. Những con tò he bằng đất do tôi nặn lấy chưa khô. Tôi mà bỏ đi có người phá - Nói thế mà không thủng tai ư? - Mẹ đảo mắt tìm một vật gì đó làm roi.

  • HOÀNG THÁI SƠN Dì Ty khép cửa rồi ngồi vào góc giường lôi tiền dưới gối ra đếm. Hai tờ hai mươi ngàn, một mới, một cũ gấp đôi gần đứt rời; hai tờ mười ngàn, một mới, một cũ dính vẩy cá; một tờ năm ngàn quăn góc; hai tờ một ngàn dính mực và âm ẩm. Sáu mươi bảy ngàn cả thảy. Đếm lần nữa: sáu mươi bảy ngàn. Rồi dì mở rương, xếp tiền vào từng ô.

  • NGUYỄN THANH VĂN"Làm sao em biết bia đá không đau…"

  • PHẠM NGỌC TUÝTất cả chỉ vì con nhỏ đó: Nó tên thật là gì, tôi không rõ. Tú gọi nó là nhỏ Mai, nó gầy và xinh. Nói rằng nó xinh, e chưa đủ. Nó ngầu, nó phá, nó là con bé nghịch như quỷ.

  • MẠC DO HÙNGBố nhắn tôi mời Sĩ về làng tu sửa bức tượng Thành Hoàng. Sĩ nghe tôi nói, trầm ngâm: "Cho mình thời gian suy nghĩ, Bỏ nghề lâu quá rồi, không hiểu đôi tay có còn cảm giác!"

  • TRÚC PHƯƠNGDừng lại nghỉ chân, chị Dần tựa lưng vào gốc cây cơm nguội râm bóng bên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên dốc Lưng Mây. Mấy cô gái Stiêng quảy gùi đi ngược ra phố trấn chốc chốc gởi lại nụ cười tự nhiên như hoa cỏ cho người phụ nữ miền xuôi đi thăm người nhà trong trại.

  • LÊ GIA NINHMột danh nhân nào đó đã nói rằng: "Người đàn bà có hai lần dễ thương. Một lần trên giường cưới và một lần trên giường chết". Riêng tôi, tôi thấy mỗi tháng người đàn bà có thêm một lần dễ thương nữa. Đó là kỳ nhận lương của chồng.

  • QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.

  • ĐÀO DUY HIỆPNgày xưa có một chàng trai rất lịch sự. Anh thường có nhiều khách đến nhà chơi.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNGCái tin đám ma ông S chỉ có chiếc quan tài rỗng dù dấu kín đến mấy cũng cứ lan đi. Mấy "nhà báo trẻ" cứ nhớn nha nhớn nhác muốn gặp thân nhân phỏng vấn, ghi hình nhưng nhìn thấy cái vẻ lãnh đạm của H. bác sĩ quân y, con trai ông, liền co cả lại.

  • NGUYỄN HỮU THÔNGChao ơi? Xin chào Thầy, lâu ngày ghê.Tôi lúng túng một hồi mới nhận ra cô Sen. Trước mắt tôi bây giờ là một thiếu phụ với nụ cười tươi, rạng rỡ, nhưng vẫn không làm phai đi trên khuôn mặt gầy những vết hằn khốn khó.