Ngày giải phóng Huế và chút kỷ niệm với “Thi nhân Việt Nam”

14:46 01/06/2009
ĐỖ KIM CUÔNGNăm cuối cùng của bậc học phổ thông, tôi được học 2 tiết văn giới thiệu về "Dòng văn học lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945". Cũng không có tác phẩm thơ hoặc văn xuôi được tuyển chọn để phân tích, bình giảng như bây giờ. Ngày ấy - những năm chống Mỹ cứu nước, thơ văn lãng mạn được xem là điều cấm kỵ.

Thầy giáo dạy văn lớp tôi là nhà giáo Nguyên Hồng, người quê xứ Nghệ. Dạy văn giỏi có tiếng. Tôi không hiểu bằng cách nào mà thầy Nguyên Hồng có được một bản in rô nê ô, chữ đã mờ cũ cuốn "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân. Hai tiết học giảng về dòng văn học lãng mạn, thầy giáo dạy văn đầy hứng khởi phân tích những câu thơ hay của các nhà thơ lãng mạn. Hình ảnh cô độc của một con hổ trong bài "Nhớ rừng" của Thế Lữ, nỗi buồn vạn cổ trong thơ Huy Cận, những câu thơ tình yêu của Xuân Diệu, nỗi niềm xa xót của một người dân mất nước trong thơ Chế Lan Viên... Những câu thơ lần đầu tiên chúng tôi mới được nghe thầy đọc bị khoả lấp đi trong tiếng máy bay F4, F105 của Mỹ bay xoẹt ngang trên đầu. Bom nổ rung chuyển cả bên Nam Định, tiếng đạn cao xạ nở lụp bụp trên trời.

Qua người em rể của thầy Nguyên Hồng tập in rô nê ô "Thi nhân Việt Nam" cũng đến được tay chúng tôi. Đám trẻ chúng tôi vốn ghét nhất giờ tập làm văn nhưng lại hay tò mò chép những bài thơ tình và đọc lén tiểu thuyết trong giờ học. Có được cuốn sách quý trong tay, thâu đêm suốt sáng, trong ánh đèn dầu chúng tôi chép từng bài thơ trong tập sách. Lần đầu tiên mới được đọc trọn vẹn bài viết của Hoài Thành - Hoài Chân: "Một thời đại trong thi ca", với những câu văn thật mượt mà, sáng lạ. "Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình của Lưu Trọng Lư..." Cùng với giọng văn ấy, ẩn hiện sau từng con chữ là hình bóng những "ông đồ già", là những cảnh chợ Tết, vốn đã bị khoả lấp trong ký ức trẻ thơ của tôi bởi những năm chiến tranh, giặc giã...

Trong đáy ba lô của đám học trò chúng tôi đi bộ đội năm ấy, nhiều đứa đã mang theo bản viết tay những bài thơ tình lãng mạn của Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... Nhưng rồi chả ai giữ lại được sau những tháng hành quân cuốc bộ dọc theo dãy Trường Sơn. Hoặc là mưa thấm ướt. Hoặc là qua những cuộc kiểm tra quân trang. Người lính bộ binh mỗi ngày phải đeo 30 kg trên vai đi bộ, leo núi buộc phải vất bỏ đi những cái gì là không cần thiết để mang theo đạn và gạo...

Bởi vậy, ngày thành phố Huế giải phóng, lần đầu tiên khi đứng trước những đường phố dọc theo hai bờ sông Hương, nhìn những cửa hàng cửa hiệu hầu như còn nguyên vẹn, sáng choang ánh điện nê ông tôi ngỡ ngàng. Thành phố còn ngổn ngang sau cuộc tháo chạy hoảng loạn của hàng chục vạn quân ngụy. Chặng đường 10 cây số xuống cửa biển Thuận An xe pháo ngụy, áo mũ, ba lô, xe dân sự vất bỏ ngổn ngang. Các sư đoàn lính ngụy đã phải bắn giết, triệt hạ nhau để cướp tàu chạy vô Đà Nẵng. Ngay ở khuôn viên trường đại học sư phạm súng đạn, khí tài quân ngụy vứt lại giống như một kho vũ khí. Nhưng tôi không chú ý nhiều tới chuyện đó. Tôi ngơ ngẩn trước sông Hương nhìn hàng trăm con thuyền dày đặc như lá tre trên bến Đông Ba, An Cựu. Đâu đâu cũng rợp một màu cờ xanh đỏ.

Bước chân vào nhà sách Ưng Hạ, ở Huế lần đầu tiên tôi đã nhìn thấy cuốn "Thi nhân Việt Nam", trên bìa ghi rõ tên 2 tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân, sách do Nhà xuất bản Hoa Tiên ấn hành. Bìa sách màu xanh da trời, rất đẹp. Thấy tôi hỏi mua sách, anh chủ tiệm vui vẻ và ngạc nhiên thấy một anh giải phóng đi mua "sách ngụy"!. Giá một cuốn sách là 10 đồng. Trong khi chỉ cần có 40 đồng là mua được một lượng vàng lá Kim Thành. Tôi mua 3 cuốn, với một ý định rõ ràng sau này có dịp về quê sẽ tặng lại cho thầy Nguyên Hồng - gọi là chút kỷ niệm của một học trò cũ.

Tôi gói kỹ 3 cuốn Thi nhân Việt Nam vừa mừng, vừa đói. Bát cơm tiêu chuẩn buổi sáng đã hết veo. Đúng khoảng gần trưa, một tiếng nổ long trời lở đất - như một trái bom phát hoả. Phía Nam sông Hương, trong khuôn viên của Trường đại học Sư phạm Huế khói bụi mù trời. Thì ra đám đại pháo, lựu đạn của tụi ngụy vất lại, một ai đó vô ý làm cho phát nổ. Tôi nằm ở vườn hoa phía Bắc sông, úp mặt xuống cỏ ôm chặt 3 cuốn sách vào bụng vẫn còn nghe tiếng mảnh đạn bay ràn rạt trên đầu, chém xuống nước. Khối đạn nổ đã đủ sức phá sập một góc cầu thang ngôi nhà chữ Y của Trường đại học Sư phạm Huế.

Ít năm sau, về học ở trường, thỉnh thoảng tôi và đám bạn vẫn hay ra ngồi ở trên đống gạch đổ nát nơi cầu thang gãy gập của ngôi nhà chữ Y ôn bài thi và ném lũ chuột cống chạy chui lủi trong đám cỏ rậm. Thỉnh thoảng chúng tôi còn lượm được những trái đạn cối cá nhân M72, vàng choé.

Tôi không ngờ 3 cuốn Thi nhân Việt Nam lại là một nguyên cớ để khiến tôi phiền lòng. Anh chính trị viên của đại đội tôi tên K. Hình như mới học xong cấp 2, có ông bố là cán bộ của huyện, nên anh chàng không phải đi bộ đội. K ở nhà làm ruộng và lấy vợ. Thời buổi chiến tranh, thanh niên trai tráng quý như vàng. K được bà con bầu vào Ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, được kết nạp Đảng. Dùi đăng mãi tới năm 71, K mới phải nhập ngũ, là đảng viên anh chàng được đi học sĩ quan 9 tháng, bổ sung vào trung đoàn huấn luyện, dẫn quân đi B. Ra Bắc vào Nam vài chuyến, mãi tới năm 1973, khi đưa quân vào chiến trường Trị Thiên, cán bộ thiếu, người ta giữ lại khung cán bộ đại đội, trung đội... K phải ở lại làm anh lính mặc quần đùi. Nhưng cái tính hay so đo, láu cá vặt của một anh đội trưởng đội sản xuất quen chia lúa, chia khoai chia rơm nhận phần hơn vẫn ẩn khuất trong K.

Thấy tôi đêm nào cũng ngồi đọc sách, lại hay hí húi ghi chép quá cả giờ báo ngủ của đại đội, K khó chịu. Nhưng không tiện hỏi. Dù sao tôi cũng là người đồng cấp với K. Rồi chuyện cũng đến tai tiểu đoàn. Một đêm, anh chính trị viên tiểu đoàn ghé thăm tôi. Sau một chén trà, anh chính trị viên tiểu đoàn nửa đùa, nửa thật hỏi: "Này, nghe anh em bảo ông hay đọc sách "ngụy" lắm phải không? Đọc chi dậy?". Tôi đang đóng quân tại một nhà dân ở ấp Xuân Hoà - Kim Long gia đình có mấy người đi dạy học, và đang học đại học văn khoa, khoa học Huế. Nghe anh ta hỏi vậy tôi đã hơi bực mình và biết là phải cần làm cho rõ. Tôi bước lại một giá sách rút ra mấy cuốn. Anh chính trị viên tiểu đoàn tròn mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy "Truyện Kiều", "Chiến tranh và hoà bình", "Những người khốn khổ", "Người xa lạ" (Anbe Camuys)... Anh chính trị viên tiểu đoàn tỏ ra là người hiểu biết. "Hoá ra trong này họ cũng in cả sách này à?". "Họ in cả Tư bản luận Mác - Ăngghen, cả JăngPônXác, cả Bôrits Patécnác...". "Vậy mà...."

Khuất sau hàng chè gai, tôi thoáng thấy bóng K. Tôi lờ như không biết. Và cũng lờ luôn cả chuyện bữa đánh chiếm làng Phú Lương B, khi mà tôi và hai trung đội đang bị cả một tiểu đoàn ngụy vây ép. Nhà cháy. Bộ đội hy sinh. Bộ đội phải đánh trả cả chục lần, địch tấn công vào làng, K và một trung đội nằm ém quân bên kia sông không chịu sang chi viện. Ôi! chuyện chiến tranh... Ít tháng sau, tôi rời quân ngũ để trở về với sách vở và học đường. Từ ấy đến nay tôi không còn có dịp nào để gặp lại K và anh chính trị viên tiểu đoàn nữa.

Cứ mỗi lần ra cửa hàng sách, nhìn thấy cuốn Thi nhân Việt Nam tái bản, dù bất cứ của NXB nào, bao giờ tôi cũng mua một cuốn. Xêri sách "Thi nhân Việt Nam" của tôi mỗi ngày một nhiều thêm. Đầu bảng vẫn là cuốn Thi nhân Việt Nam tôi mua được ở Huế ngày giải phóng. Âu cũng là một thú chơi sách. Để nhớ lấy một thời.

Đ.K.C
(174/08-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VIỆT HÙNG

    “Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu, anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao...”*- Câu hát từ thời chống Mỹ, đã trở nên xa xăm, song giờ đây, thỉnh thoảng nó vẫn vang lên trên các sóng phát thanh...

  • ÐÔNG HÀ

    Tôi là người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng những bài học lịch sử. Thế hệ chúng tôi yêu Tổ quốc theo những bài học ông cha để lại qua những trang sách cộng thêm chút tính cách riêng của chính bản thân mỗi người. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu đó khác nhau.

  • CHẾ LAN VIÊN

    Hồi ký về Đoàn Nghệ thuật Xây dựng (Huế 1946)

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                              (Bút ký)

    Ông Lê nguyên giám đốc sở Văn hoá Bình Trị Thiên, một lần về Thủy Dương lấy  tài liệu viết tuyên truyền cho vụ lúa mùa, đã cụng đầu với ông bí thư xã.

  • TẠ QUANG BỬU
                    (Hồi ký)

    Tôi đã học ở trường Quốc Học bốn năm từ năm 1922 đến 1926, cách đây đúng 60 năm.
     

  • TRỊNH BỬU HOÀI

    Đất trời đang mặc chiếc áo mới cho trần gian. Con người cũng thay chiếc áo mới cho mình. Chiếc áo khoác trên đôi vai sau một năm oằn gánh công việc. Chiếc áo phủ lên tâm hồn ít nhiều khói bụi thế nhân.

  • NHỤY NGUYÊN

    Một câu trong Kinh Cựu ước: Khởi thủy là lời. Tôi không dám khoác thêm bộ cánh mới, mà chỉ muốn tìm cho nó một mỹ từ gần gũi: Khởi thủy là mùa Xuân.

  • ĐÔNG HƯƠNG

    Trí nhớ tôi tự dưng quay trở về với tuổi thơ, tuổi ba mẹ vừa cho đi học. Ờ! Lâu quá rồi, cái Tết đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa, trí nhớ lơ mơ trở lại khoảng đời thơ ấu, có lẽ đẹp nhất trong đời của mỗi con người của chúng ta.

     

  • TRẦN HỮU LỤC (Tùy bút)

    Tháng Chạp ở quê tôi là tháng của hoa mai. Dường như màu của hoàng mai tươi thắm khắp mọi nẻo đường. Những chậu mai kiểng, vườn mai chùa, vườn mai nhà, đường phố mai, công viên mai, những thung lũng mai núi… đến thì lại nở đẹp một màu vàng mỏng nhẹ trong sương sớm.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU (Bút ký lịch sử)

    Nhiều năm men theo dấu chân của nàng Huyền Trân, công chúa nhà Trần mở đất Ô, Lý, hễ có dịp là tôi lại hành hương đất Bắc. Viếng đền thờ các vua nhà Trần ở làng Tức Mặc - nơi ấy nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

  • HÀ THÚC HOAN

    Những ai đã từng là học sinh trường Quốc Học - Huế đều có Một thời Quốc Học(1). Thời Quốc Học của tác giả bài viết này là ba năm học tập ở các lớp đệ tam (lớp 10), đệ nhị (lớp 11) và đệ nhất (lớp 12), từ năm 1956 đến năm 1959.

  • TRẦN HUY MINH PHƯƠNG (Tùy bút)

    Thoáng một cái, xài hết ba trăm sáu mươi lăm ngày mà hổng biết. Bao dự tính giằng co rồi dang dở, chưa kịp nghĩ thấu, chưa xiết làm xong, phân vân nhiều nốt lặng, yêu người chưa sâu nặng, nợ người chưa trả xong… ngày giũ vội qua đi. Ngẩn ngơ, mùa về!

  • THIẾU HOA Hắn! Một vị khách không mời mà đến. Hắn đến viếng nhà tôi trong một đêm mưa to gió lớn. Cả nhà ai cũng biết sự có mặt của Hắn. Đêm đầu tiên cứ nghĩ Hắn chỉ trốn mưa tạm thời rồi hôm sau sẽ đi. Nhưng đến nay đã qua một mùa xuân, Hắn vẫn còn ung dung tự tại ở trong nhà, lại ở đúng trong phòng của tôi như một thành viên chính thức trong gia đình.

  • PHAN QUANG                Trích hồi ký ... Đến thị xã Sơn La chiều hôm trước, sáng hôm sau trong khi chờ đến giờ sang làm việc với Khu ủy Tây Bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - mà các đồng chí gần gũi đều quen gọi bằng tên thân mật: anh Thao - cho mời chủ nhiệm nhà khách của khu tới.

  • VÂN NGUYỄN                 Tùy bút “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...” (Trịnh Công Sơn)

  • PHAN THỊ THU QUỲ Ba tôi - liệt sĩ Phan Tấn Huyên, Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Thừa Thiên - thường dặn tôi mấy điều: dù khó khăn đến mấy cũng không được ngừng nghỉ phấn đấu học hành bởi tri thức là sức mạnh; dù như thế nào đi nữa cũng phải giữ cho được bản sắc văn hóa Huế rất đỗi tự hào của mình...

  • TẤN HOÀI Một khung trời mây Một dải gương lung linh cuộn quanh hoàng thành cổ kính. Trầm mặc và ưu tư. Tưởng chừng như thế!...

  • XUÂN HOÀNG Tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi thăm hai nước Ru-ma-ni và Bun-ga-ri đúng vào những ngày đầu xuân Mậu Thân, sôi động.

  • HỮU THU & BẢO HÂN                                     Ký   Đến bây giờ nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh hãi hùng mà cơn bão mang tên Cecil tàn phá vào cuối tháng 10 của năm 1985 ở miệt phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

  • PHẠM THỊ CÚC Thầy dạy lớp Nhì Thầy dạy lớp Nhì tên Thanh. Người thầy roi roi, hơi thấp và nhỏ con. Bù lại, thầy rất nhanh nhẹn và vui vẻ, hoạt bát, nụ cười luôn nở trên môi.