Ngẩng mặt lên trời

17:28 16/04/2008
1. Con đường nhầy nhụa dẫn xuống chân dốc đã được ai đó rắc lên ít cát khô. Trời nắng hay mưa thì con đường vẫn thế. Để đi được vào cái xóm tự lập này không còn con đường nào khác.

Người trong xóm hàng ngày vẫn ra vào. Thản nhiên như không. Cái làm họ khó chịu không phải là con đường. Không ai lại khó chịu với những thứ do chính mình làm ra.
“Quả núi” rác nằm ở phía tây của xóm nhỏ. Không còn hướng nào tốt hơn cho việc định cư. Gió và bão bốn mùa không thể đưa được mùi rác vào trong xóm. Kể cả mùi của mấy cái hồ chứa nước rỉ ra từ núi rác khổng lồ. Một thứ mùi tổng hợp của phố phường. Hình như cộng tất cả những gì thơm tho vào với nhau, kết quả thường tởm lợm? Chẳng biết có nên gọi đó là mùi thành phố hay không? Nhiều người còn lưỡng lự. Hắn thì không!
Về một nghĩa xa xôi nào đó thì hắn biết rõ hơn cả. Mùi của cái xóm nhỏ này là mùi gì? Rác rưởi trong thành phố ngày đêm đổ về mang theo đủ những dấu vết của cần cù, vất vả và đàng điếm, trác táng. Những con người ở đây sống nhờ rác. Lẫn vào với rác. Mỗi người một thân phận. Bị gạt bỏ và tự gạt bỏ. Cũng không ai nghĩ đến chuyện ấy. Xóm nhỏ đầy ắp tiếng cười…

2. Hắn trở về thành phố với một bên chân không lành lặn. Chân trái. Vết tích của một vụ thanh toán đẫm máu trong tù. Còn may mắn hơn đối phương. Hắn đã kịp bẻ ngược con dao trong tay gã bạn tù lúc đã gãy một chân nằm còng queo dưới đất. Lưỡi dao đã tước đi sinh mệnh của bạn tù. Nhưng hắn vô tội. Phòng vệ chính đáng! Nhiều đêm sau trong những giấc mơ ở bệnh viện, hắn vẫn còn cảm thấy vị tanh nồng và hơi ấm của máu phun ra từ bụng người bạn tù đổ sấp trên người hắn. Vô cùng ân hận. Thực ra thì gã bạn tù không có hiềm khích gì với hắn. Chỉ là công cụ của đám “đại bàng” trong phòng giam sai khiến đến cho hắn một trận đòn gọi là thủ tục “chào phòng”. Cú ra đòn bất thần của người bạn tù bằng cạnh ngoài bàn chân làm hắn gãy gối trái ngay lập tức. Ngã sấp mặt xuống sàn xi măng. Hắn không phải tay vừa. Lăn một vòng. Quét nhanh chân phải bằng một miếng võ điệu nghệ. Bạn tù chưng hửng bổ ngửa. Đau thì ít. Uất thì nhiều. Rút dao…
Thành phố là nơi hắn đã sinh ra và lớn lên. Nhưng đã không còn là nơi để trở về. Người anh ruột nghe lời chị dâu đã bán căn nhà cha mẹ để lại. Ôm tiền đi mất hút về phương nam. Hắn thầm thương anh. Câu chuyện cổ tích Cây khế ngày xưa hai anh em từng đọc hoá ra không phải là cổ tích. Chẳng cần có một cây khế nào cả. Cũng không cần đến chim phượng hoàng. Một mét vuông đất ở thành phố đã là bao nhiêu túi vàng rồi?

3. Bãi rác thành phố nằm ở vùng đồi. Mặt đất toàn sỏi đỏ. Những cây bạch đàn kheo khư đói đất mười năm không lớn. Vả lại có lớn cũng chẳng dùng vào việc gì. Nhiều năm trước người ta trồng cây hình như chỉ để thoả mãn nhu cầu lao động chân tay. Cái mà dân phố luôn thiếu. Cây trồng ra chết đứng chết ngồi bởi những bàn tay không biết gì về trồng trọt. Và thực ra đến tận bây giờ vẫn chưa ngã ngũ việc nên “trồng cây gì nuôi con gì?” Hay có lẽ vì thế nên năm nào cũng có việc làm?
Không trồng được cây, lại ở gần thành phố. Đầu bài quá ngon ăn cho những nhà quy hoạch. Họ đã vẽ ra một viễn cảnh của khu xử lí rác thải theo tiêu chuẩn châu Âu. Nghe nói bên ấy người ta biến tất cả những nơi như nghĩa trang, bãi rác thành ra khu vui chơi giải trí. Nghĩa là “sơn thuỷ hữu tình”. Cho tương lai. Dĩ nhiên rồi. Đến tận bây giờ, tấm biển mô tả chi tiết vùng “sơn thuỷ hữu tình” treo đầu xóm đã mỏi mòn mưa nắng. “Sơn” vẫn là những núi rác khổng lồ hôi thối đậm đặc. Con nhặng đã biến hình to như chú ve sầu. “Thuỷ” vẫn là những hồ nước đen kịt không thể in bóng bất cứ thứ gì ngoài bóng mình. Cung quăng bọ gậy lao nhao mặt nước. Những con chuột cỡ bằng cái phích lít rưỡi đứng ngồi lom khom bên hồ…
Hắn tìm lên bãi rác theo lời giới thiệu của một bạn tù. Lần đầu tiên trong đời hắn cảm thấy lời giới thiệu thực sự có trọng lượng. Không cần bất cứ một thứ giấy tờ, con dấu nào cả. Lại cũng không phải qua cửa nọ cửa kia trình báo mè nheo. Cứ vui chân một mạch vào thẳng ngôi nhà quét vôi trắng xoá ngay đầu xóm. Nhà của Hoan. Là vợ mà cũng không phải là vợ người bạn tù. Con thì có. Một đứa bé gái lên năm.
Mười giờ sáng. Hoan vẫn còn nằm ườn trên chiếc giường rộng ngổn ngang chăn gối. Và một mùi hương đậm đặc của nước hoa khách sạn. Thứ nước hoa rẻ tiền nhưng hiệu quả vô cùng ở những nơi không thể không dùng nước hoa. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Cô chậm chạp gỡ chăn bước ra mở khoá. Ánh nắng mùa đông tinh khôi trắng lọt vào căn phòng. Đậu rung rinh trên bờ vai hờ hững áo…
Anh là Hải? Cứ gọi tôi là “Hải ngáp” cho tiện, trong kia anh em vẫn gọi thế! Gớm, xin bố, gọi thế lại chẳng có ngày mất ngáp?
Cái tên hiệu do bạn tù đặt cho đã theo hắn từ vài năm nay. Chỉ đơn giản bởi hắn có thói quen hay ngáp vặt. Đi làm sớm, ngáp. Nghỉ giải lao uống nước, hút thuốc lào, ngáp. Chiều về tắm giặt, ngáp. Rơi cả bánh xà phòng xuống giếng. Lại phải lặn xuống mò. Trèo lên miệng giếng, vẫn ngáp. Đang đêm say ngủ, bạn tù rũ ra cười. Hắn ngáp cả trong giấc ngủ. Tỉnh dậy lầm bầm, ở tù chỉ khác người chết là vẫn còn đang ngáp!
Nhưng cái tên rất anh chị ấy ở ngoài đời lại không được hiểu đơn giản như vậy. Ít nhất thì nó cũng phải nói lên một điều gì đó hết sức đáng kiêng kị. Nghiện chẳng hạn? Hắn không nghiện. Thậm chí rất ghét những kẻ nghiện ngập. Và cái động từ “ngáp” ấy không chỉ nói lên có mỗi việc nghiện.
Chẳng đợi Hoan mời. Hắn lẳng lặng xách túi quần áo bước vào ném lên mặt chiếc ghế xa lông đệm hoa nhằng nhịt. Cô với tay nhặt chiếc áo khoác dưới chân giường, không phải vì lịch sự đâu nhé, chỉ là lạnh quá thôi! Hắn cười, hàm răng thô đều phát ra những âm thanh chắc nịch, ở đây mọi thứ đều ngược? Ngược xuôi gì thì cũng đều ở gần bãi rác cả thôi, cứ người thật việc thật mà sống! Hắn chợt hoang mang. Những gì dân phố cư xử hàng ngày có bao nhiêu phần trăm thật giả? Nhất là những thứ được cho là nét đẹp. Những chào hỏi nhịn nhường? Những khiêm cung vờ vĩnh? Những tấm lòng từ thiện? Những đạo đức học đường? Những tôn vinh ca ngợi? Và cả những doạ nạt tranh giành đôi khi cũng chỉ để che lấp đi nỗi sợ hãi.
Đúng như người bạn tù miêu tả. Hoan không giống như những người đàn bà lam lũ ở cái xóm nhỏ này. Trong cô có một tài sản mà ít người có được. Sự khao khát. Thật kì lạ là ở những nơi cơm áo chẳng dư thừa. Niềm khao khát dường như cháy bỏng hơn? Những cô gái thị thành từng qua tay hắn cái thời còn xông xênh ngoài xã hội hầu như không có được một chút bản năng nào như vậy. Hay vì họ quá bị phân tán bởi tiền bạc của hắn? Bởi những giao tiếp trưng diện hợm mình? Và có khi là một chút tự tin mù quáng hơn người về nhan sắc?
Hoan không phải là người đẹp. Vùng đất cô sinh ra cũng không phải là nơi có nhiều gái đẹp. Nhưng sự tháo vát trong công việc cộng với bản năng sống đam mê thì ít nơi sánh bằng. Làng cô vì thế những tay chạy chợ, nấu nướng giặt giũ, chăm sóc trẻ, đều là đàn ông cả. Thậm chí cử người đi tham dự cuộc thi “Hát ru toàn quốc” trên tỉnh cũng rặt một bọn đàn ông! Cũng má phấn môi son cắp nón lên sàn diễn mà à ơi ngọt lịm. Trẻ con mang theo ngủ không vẫy tai…
Đêm đầu tiên, Hoan dọn cho con bé một chỗ ngủ xinh xắn trên chiếc đệm ghế ở phòng ngoài. Nó thích chí mang “em” gấu bông ra. Lại cả một chiếc thìa nhựa cắm vào cốc nước. Để đêm cho “em” ăn.
Bờ vai mịn màng, mái tóc dài hư ảo vây phủ gương mặt hừng lên náo nức. Cô đang cố nén lại một tiếng thở dài chực oà vỡ trong giây lát. Một tiếng ngáp rất to. Như cố tình. Từ phía hắn. Tiếng cười trong trẻo cùng với bước chân vội vã của cô mất biến về phía ấy.
Trên vồng ngực săn chắc của hắn, đôi môi cô bị hút vào như có một ma lực. Bắt đầu từ hõm ức. Từ từ tìm xuống những râm ran cát quanh núm vú. Và góc cạnh của những múi cơ bụng bậc thang miệt mài chạy đuổi không ngừng. Cho đến tận rối bời. Thảng thốt. Căng cứng. Cô trùm lên hắn. Dịu dàng, dịu dàng. Hắn đáp trả bằng một cú lật người mềm mại. Chỉ bằng một chân. Và hối hả rướn mình. Như muốn bay lên…
Nếu như không có một tiếng ngáp to của hắn. Ở ngay sát vành tai. Cô vẫn như còn đang chơi vơi giữa một mờ mịt ẩm ướt của mùa đông bên ngoài…

4. Hôm nay là ngày Hoan biết chắc chủ tịch xã thể nào cũng mò đến. Cứ việc. Có Hải “ngáp” ở đây chẳng cần phải sợ. Mà thực ra cô cũng chưa bao giờ tỏ ra sợ sệt. Ngày mới mua lại căn nhà này của một cư dân bãi rác cũ, chủ tịch cũng lân la mò đến. Mũi gã rất thính mùi vôi vữa. Giữa cơ man nào là các loại mùi phế thải, gã vẫn phát hiện ra có một ngôi nhà trong xóm đang sửa chữa quét vôi. Đã động chạm đến nhà cửa ắt hẳn là phải có sai phạm. Kể cả khi có xin được phép đi chăng nữa. Chẳng có ai xây nhà đúng phép. Sai phép thì phải làm gì? Thực ra thì gã có thể sai mấy cậu địa chính đi kiểm tra là được rồi. Nhưng thời buổi bây giờ đã khác. Mấy tay địa chính lê la nhiều năm đất cát cũng có phần khó bảo. Và lại là lũ rất thuộc bài đục khoét. Sai được nó có khi mình nhịn ăn. Chẳng cứ là ở xã. Cơ quan lớn của nhà nước cũng từ lâu rồi thủ trưởng cao nhất đứng tên chủ tài khoản cho chắc ăn. Nếu chẳng ăn được gì thì cũng không phải bận tâm giải quyết hậu quả của các cấp phó và đám trợ lí háu đói lật lọng thành thần. Họ đưa mình vào tròng như chơi.
Chủ tịch xã không chỉ là kẻ hám lợi. Hoặc có thể trước đây đã từng như vậy. Nhưng bây giờ thì không. Đất đai vùng đồi toàn sỏi đá. Khó lòng trồng được cây gì. Nhưng nếu mang bán cho dân thành phố xây dựng biệt thự thì lại là một mối lợi khổng lồ. Chủ tịch xã chẳng cần phải học hành gì nhiều cho lắm về luật đất đai. Vả lại một bộ luật cồng kềnh bí hiểm như luật đất đai sẽ chẳng bao giờ phổ cập đến được tầm làng xã. Dân phố sẽ dạy cho mà biết đường đi nước bước. Họ có luật của họ. Chủ yếu xây dựng trên nền tảng ăn chia. Khắp lượt. Tuỳ theo tầm quan trọng của những ai tham dự. Trên cao thì bày ra các dự án viển vông. Thực chất là bán đất cho liên doanh. Dưới thấp thì có các dự án giãn dân. Thay đổi mục đích sử dụng đất. Nhưng rất ít người sử dụng. Chủ yếu bán buôn trao tay kiếm lời. Chính quyền xã là nơi chứng nhận cho những việc như vậy. Dù chẳng đủ thẩm quyền theo luật. Và chủ tịch xã giàu lên nhanh chóng. Chỉ bằng con triện “củ khoai”. Trước đút túi quần. Bây giờ để trong cặp khoá số…
Có tiền. Lại được đám nhà giàu trong phố có quan hệ làm ăn dạy cho cách chơi bời sang trọng. Chủ tịch xã có sức tiếp thu đáng khâm phục. Cũng tóc nhuộm đen sì chải gôm bóng loáng. Com-lê, cà-vạt suốt ngày. Điện thoại di động đổ chuông lật bật vài chỗ trong túi cùng lúc. Cũng tác phong ăn nói rề rà. Nhưng biết “lắng nghe”. Để nghe cho rõ số phần trăm mình được hưởng từ một vụ mua bán đất.
Vẫn có một con đường vòng đi từ uỷ ban ra nhà Hoan. Không phải qua bãi rác. Chủ tịch xã vì thế vẫn luôn giữ được phong độ thơm tho khi đến nhà cô.  Đám công dân hạng dưới cùng ngoài bãi rác những tưởng đã nằm ngoài sự quan tâm của gã. Và đúng là gã đã chẳng quan tâm gì đến họ. Trước ngày Hoan đến. Ai chẳng ngại dây vào đám người có rất ít thứ để mất. Nhưng một đêm sau chầu nhậu tuý luý với em út, gã đánh vòng xe qua bãi rác bất chợt bắt gặp ánh mắt của cô. Dịu hiền. Cam chịu. Có một nỗi thèm muốn cồn cào tràn ngập xoá tan hơi men và mùi son phấn rẻ tiền ở cái nơi gã vừa bước chân ra khỏi. Gã vờ dừng xe hỏi chuyện. Cô cũng không bỏ lỡ cơ hội làm quen dù đang rất bận cân phế liệu cho kịp chuyến xe thu mua. Gớm, chủ tịch hôm nay quan tâm đến bà con thế! Ờ, họp về tiện thể ghé qua xem bà con làm ăn thế nào! Mai rỗi mời chủ tịch sang nhà em chơi, bây giờ bận bịu lại bẩn nữa, chủ tịch về nghỉ đi! Gã vờ nghênh ngáo xem xét công việc. Mắt vẫn không rời tấm lưng thon nhỏ mềm mại của cô thoăn thoắt đặt hàng lên bàn cân. Mường tượng ra những xoắn xiết mông lung bền bỉ…
Và gã đến vào sáng hôm sau. Đầy bất ngờ cho cả hai. Gã không thể ngờ những người làm công việc như cô lại có thể tổ chức nơi ăn chốn ở cực kì sạch sẽ ngăn nắp. Cách ăn mặc của cô có thể là còn đẹp gấp mấy lần bà vợ già chỏng lỏn của gã ở nhà. Mùa rét, chẳng biết nghe ai, bà ấy tha về một chiếc áo măng tô dài tha thướt. Mặc vào nom cứng như bù nhìn đuổi chim. Chẳng cứ là chim chóc thông thường. Đà điểu mà trông thấy cũng phải chạy. Lại còn màu đỏ nữa mới lộn ruột. Suốt một ngày ngồi trong trụ sở uỷ ban, màu đỏ của mọi thứ quanh mình đã làm gã mỗi khi bước chân ra khỏi cửa nhìn cái gì cũng thấy xanh biếc như cổ vịt.
Cô cũng không ngờ gã lại sốt sắng như vậy. Và còn lịch sự mang theo cả quà bánh cho trẻ con. Nhưng cử chỉ ân cần ấy của gã, cô dễ dàng đọc ngay ra mục đích. Nó cũng không xa vời với mục đích của cô là bao. Rất nhiều bạn hàng và người làm công đêm đêm của cô cần đến sự giúp đỡ của gã. Bằng cách lờ đi để họ được yên ổn làm ăn. Cả cô cũng vậy.
Và sáng thứ năm hàng tuần. Đều đặn đến mức có thể lên lịch ở uỷ ban. Gã xuất hiện. Trước cửa nhà cô. Với mùi xà phòng tắm không thể hắc hơn. Và cái lối làm tình nửa làng xã nửa công sở của gã luôn làm cô ức chế. Khi thì ngoặt ngoẹo hì hục cho xong việc như mẹ đĩ bố cu ở nhà. Lúc lại bày đặt trước sau như gặp gái nhà hàng…
Gã vừa chớm bước chân vào cửa, Hoan đứng nép về một bên. Nồng nàn mắt. Giọng trang nghiêm pha chút bỡn cợt, mời chủ tịch vào chơi, nhà em mới về! Thoáng giật mình, chủ tịch lấy lại bình tĩnh, phải lên uỷ ban đăng kí tạm trú nhé! Cô cười, sợ chết đi được, có chủ tịch ở đây em báo cáo luôn, nhà em vừa hết hạn cải tạo, giấy tờ ra trại đầy đủ cả đây! Đưa xấp giấy tờ cho chủ tịch, cô ý tứ lui vào buồng trong kín đáo quan sát. Đàn bà gặp nhau trong hoàn cảnh như vậy không trước thì sau cũng dẫn đến đôi co quyết liệt. Đàn ông như thế nào nhỉ? Nhất là khi vị trí xã hội của họ gần như đối lập?
Chủ tịch dè dặt ngồi xuống chiếc ghế đệm cao quen thuộc mọi ngày. Hôm nay thấy cứng đờ như ghế gỗ. Hải điềm nhiên rót nước mời. Không vồn vã. Cũng chẳng hững hờ. Bản lĩnh của một tay cờ bạc bịp đã từng ở tù. Tuổi tác cũng có phần nhỉnh hơn chủ tịch xã, hắn thừa đủ kinh nghiệm xã giao để tiếp xúc với con người này. Chủ tịch xã thì không như vậy. Sau phút giật mình choáng váng đầu tiên, gã biết phải đánh bài chuồn êm là thượng sách. Không những lỗi là ở mình. Tình địch còn là tay anh chị mới ở tù ra. Gượng gạo thăm hỏi bâng quơ mấy câu không đầu đũa, đã toan đứng dậy, chợt thấy Hải ngửa cổ lên giời ngáp một cái rất hào sảng. Hồn vía công chức bay sạch về uỷ ban!

5. “Thế gian biến cải vũng nên đồi”. Cổ nhân ta dạy thế. Cổ nhân Tàu dạy “Thương hải tang điền”. Chữ nghĩa điển cố lôi thôi. Nhưng dịch ra cũng đại để năm trăm năm ruộng dâu rồi sẽ đến năm trăm năm bãi biển. Cái vùng đồi bãi rác của dân ngụ cư này cũng chuyển mình theo chu trình của tạo hoá. Xã nhập vào thành phố làm một phường. Huyện thành quận. Chủ tịch xã mấy hôm nay đi họp quận mới đã thấy về thông báo việc tìm kiếm danh nhân xã nhà để đặt tên cho phường. Một việc tưởng như vô vọng. Mấy nghìn năm đồi trọc không tên. Lấy đâu ra danh nhân bây giờ? Hoan bảo, chủ tịch là người có công lao nhất vùng, cứ lấy tên chủ tịch mà đặt? Cả xóm cười bò. Chủ tịch tên là Điếm!
Nhưng chuyện đặt tên không quan trọng bằng những việc khác. Có thu nhập cao. Ấy là chuyện thành phố quyết định di rời bãi rác. Không ai lại để bãi rác ở chỗ bây giờ đã là nội thành. Nghe rất hợp lòng dân. Lòng quan lại càng hợp hơn. Bởi lẽ bãi rác chuyển đi đồng nghĩa với việc một quỹ đất dôi ra. Lại bán mua đổi chác. Và đền bù rối rắm nhiều kẽ hở. Và con triện “củ khoai” của chủ tịch xã lại phải một phen vất vả. Tuy nhiên, đó là sự vất vả của cô bé “lọ lem”  vào cái đêm hôm cưới hoàng tử.
Đám người ngụ cư bãi rác vắng mặt ban ngày tưởng như rất hiền lành cam chịu. Nhưng không hẳn. Nhất là từ khi Hải “ngáp” xuất hiện. Đẩy được họ đi không phải chuyện dễ. Chủ tịch biết vậy. Hải còn biết hơn. Hắn tham mưu cho chủ tịch, dùng áp lực của những người ngụ cư mà đòi nhà nước đền bù, có ăn đấy! Đúng là mánh khoé táo tợn của một con bạc. Chủ tịch thầm phục hắn. Và cũng thừa biết hắn luôn đứng về phía dân bãi rác mà ra giá mặc cả với chính quyền. Lựa chọn tốt nhất của chủ tịch lúc này là hợp tác thân thiện.
Không thể xà xẻo được tiền đền bù của đám dân bãi rác. Thất học nhưng liều. Lại có “quân sư” Hải “ngáp”. Không những chỉ là quân sư thông thường. Gần hai năm về xóm bãi rác, hắn đã tự biến mình thành một “chính quyền”. Triều đình thì đúng hơn. Bốn cô gái không chồng trong xóm lần lượt cho ra đời ba trai một gái. Con hắn. Họ không hề tị hiềm thắc mắc. Cái xóm nhỏ toàn dân ngụ cư rất nhiều xuất xứ là nỗi lo ngại của chính quyền. Nếu không có Hoan, chủ tịch xã chắc chẳng bao giờ bén mảng đến. Nhưng với Hải, mọi chuyện sắp đặt của hắn thật dễ dàng. Ai biết việc người ấy. Làm lụng, ăn chia sòng phẳng. Nghiêm cấm việc tranh giành tị nạnh. Thật lạ là những luật lệ bất thành văn ở đây được thực hiện rất nghiêm túc. Chẳng cần phải họp hành. Không có văn bản nghị quyết nào cả. Hoan cũng biết phận mình phải dựa dẫm hơi anh chị của hắn mà làm ăn. Cô vẫn tỏ ra chiều chuộng hắn hết mực. Điều đó làm chủ tịch xã phẫn uất. Đúng là nhà hàng thiếu gì gái đẹp. Chủ tịch cũng chẳng thiếu tiền. Nhưng vẫn không thể nào quên được những ban mai nóng bỏng bên Hoan. Nghe mấy tay đối tác ở thành phố lên ve vuốt khen, hoa hậu đồng rừng đấy, thành phố cũng không kiếm ra! Chủ tịch càng nôn nao sấp ngửa. Nhưng Hải “ngáp” luôn kè kè bên cạnh. Dù có tin tưởng Hoan bao nhiêu, chủ tịch cũng không dám chắc cô không thổ lộ với Hải chuyện ấy.
Hải đã biết rõ mọi chuyện ngay từ khi mới đặt chân về. Hắn im lặng. Trong đầu phác ra một kế hoạch rất nhanh. Chẳng cần phải mất nhiều công sức, chủ tịch sẽ hoàn toàn bị thao túng. Thỉnh thoảng hắn vờ vắng nhà. Vào sáng thứ năm. Có hôm còn dắt theo cả con bé. Lại cố ý dùng dằng vỗng vễnh qua trước cổng uỷ ban. Chủ tịch đang mơ màng bên đống giấy tờ ngồn ngộn ngược xuôi trước mắt, nhưng cái dáng đi dị tật như sắp đá ai của hắn đã làm chủ tịch sực tỉnh. Đút vội con dấu vào túi quần. Theo con đường từ uỷ ban tắt sang nhà Hoan. Bước thấp bước cao. Tim đập loạn. Nhưng trong quần thấy vương vướng. Không chỉ một con “triện củ khoai” làm nên chuyện ấy!
Và một cánh cửa khép hờ như mời mọc. Lại như hờn dỗi. Và thân hình tròn trịa co xiết của Hoan. Phải cố gắng kìm chế lắm, chủ tịch mới kéo dài thời gian hoan lạc được chừng năm phút. Đầu óc hoang mang. Vì sao thế nhỉ? Đám gái tơ xinh như mộng ở các nhà hàng quen thuộc trong vùng có thừa khả năng chiều chuộng? Nhưng rất khó khăn để tìm cảm hứng. Dù bao giờ các em cũng tận tình “a lô” cả nửa tiếng đồng hồ.

6. Hải dẫn con bé về theo con đường chủ tịch xã thường đi. Ở cái xóm này có lẽ duy nhất mình hắn dám đường hoàng bước đi trên con đường ấy. Bà con thường đi bằng con đường lầy lội khuất nẻo sau núi rác. Chẳng ai muốn chường mặt ra với chính quyền. Không phải vì sợ. Chỉ là ngại gặp các quan xã. Lại phải dạ vâng sớm mai mất vía làm ăn.
Con bé tung tăng chạy trước ríu rít nói cười. Nó chỉ tay lên trời, bố Hải cho con lên đỉnh núi bắt mây! Bất giác nhìn theo tay nó, Hải chợt nghĩ, đã từ lâu lắm không ngẩng mặt lên nhìn trời? Thượng đế hẹp hòi thường chỉ cho con người ngẩng mặt lên nhìn trời vào những lúc đắc ý hoặc bi phẫn thì phải. Đám “điêu dân” bãi rác dĩ nhiên là những kẻ ít nhìn lên trời. Ban ngày ngủ li bì trong nhà. Đêm đến cúi mặt trên những đống rác mà tìm kiếm. Chủ tịch xã cũng ít khi nhìn lên trời. Chẳng phải vì bận bịu gì nhưng đã làm lãnh đạo dù là cấp nhỏ nhất cũng phải tập cho mình thói quen nhìn xuống. Để phòng khi thăng quan tiến chức?             
Nhìn theo con bé lên đỉnh núi mờ trong mây, chợt hắn có cảm giác gì đó tựa như xa xỉ. Nắng sớm chứa chan trên những ngọn đồi bạch đàn phơ phất lá. Ngọn núi mờ xa như một nét bút lông huyền hoặc lưng trời. Và gió âm u mang cái lạnh khít khao từ phương bắc về len lỏi quanh những thung lũng vắng.
Đúng như những gì hắn dự liệu. Gần về đến nhà đã thấy chủ tịch xã xốc xếch bước ra khỏi cửa. Vẻ mặt còn ngơ ngác vì mãn nguyện chợt nguội ngắt khi  nhìn thấy hắn. Cười nhạt, hắn chào, chủ tịch đi đâu vội thế, vào nhà làm ấm trà, tôi có chuyện muốn bàn? Đã toan tránh đường cáo bận. Nhưng muộn mất rồi! Cái dáng đi ngật ngưỡng cùng với cẳng chân trái thẳng tưng đã chắn ngang giữa lối. Và một cái ngáp. Rất mông lung. Đầy ẩn ý…
Nằm ở buồng trong, Hoan tấm tức khóc. Câu chuyện thầm thì của hai người đàn ông ở phòng ngoài cô đã biết nội dung từ trước khi nó xảy ra. Và cô chính là một phần của câu chuyện ấy theo mệnh lệnh của hắn. Nhưng đã không thể kìm được nước mắt. Cuối cùng thì đàn ông quanh mình cũng chẳng khác gì những đàn ông ở làng. Đều dùng đàn bà vào những việc đáng ra họ phải gánh vác. Chỉ khác nhau ở chỗ đểu cáng và tàn bạo hơn mà thôi!

7. Hắn được bà con bầu vào chức vụ trưởng xóm. Vẫn những cư dân cũ từ bãi rác cũ chuyển lên. Có bầu hay không thì chức vụ của hắn vẫn là như vậy. Mà còn quyền hành hơn thế rất nhiều. Có lẽ hắn là trưởng thôn duy nhất trên cả nước được phép đến ngủ ở nhà bất kì cô gái nào trong xóm mà hắn muốn. Có điều lạ là các cô cũng muốn như thế. Chỉ không dám tranh giành.
Vùng đồi núi cách xa thành phố nơi hắn và bà con nhận đất dãn dân cũng nằm trong quy hoạch một bãi rác mới. Không khác gì nơi cũ. Giống nhau đến cả từ tấm biển sắt vẽ bức tranh thơ mộng về một nơi chốn như thiên đường. Hình như những tấm biển quy hoạch như vậy được sản xuất hàng loạt. Vô thưởng vô phạt. Chỉ để treo thôi thì cũng là đẹp hơn mức cần thiết!
Và rác cũng nhanh chóng được chuyển lên. Cứ như thể sợ bà con đến nơi ở mới không có công ăn việc làm sinh hư. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau ùn ùn đổ bộ lên mênh mông dải thung lũng vừa chặt hạ những cây bạch đàn vô duyên. Tiếng máy xe xé tan màn đêm yên ả. Những con cò trắng giật mình thảng thốt bay tan tác trong chập chờn ánh đèn pha chói gắt. Tiếng kêu khàn đục của chúng mất hút vào màn đêm chân núi đằng xa. Chúng đã không thể biết rằng chẳng bao lâu nữa nơi ấy cũng sẽ là thành phố…

8. Chủ tịch xã bị cách chức sau vụ khai khống đất đai nhận tiền đền bù. Không phải vì gã làm việc sơ hở. Trong trường hợp khác có thể còn được phong “anh hùng”. Đất đai xã nhà sau đợt thanh kiểm tra của cấp trên bỗng chốc nở phình ra thêm mấy hecta. Xã bên cũng nở ra như vậy. Chỉ là do lần này gã không đủ tiền để bịt mắt cấp trên. Vài hecta đất nở thấm tháp gì so với mấy chục triệu cây số vuông cả nước. Mà cũng làm gì có ai biết được diện tích chính xác của nước mình là bao nhiêu? Cũng đều căn cứ vào báo cáo của dưới mà tổng hợp.  Nhưng ở trên chán vạn kẻ tinh tường. Chẳng thể che giấu được bằng cách nào khác ngoài tiền. Phải ăn chia lép vế với Hải nhằm giữ kín cái chuyện mà gã tưởng như chỉ có ba người biết.
Một ngày mùa đông ảm đạm, chủ tịch dắt theo bà vợ mặc áo măng tô đỏ và đàn con khăn gói lên xóm mới. Cái màu đỏ trên áo bà ấy như một đốm lửa nhức nhối trong mắt gã. Dấu vết cuối cùng của một thời vàng son gặt hái. Bây giờ đã không cần và không thể thay đổi được nữa rồi. Cũng còn may gã đã gặp nạn đúng lúc. Nếu không, giờ này bà ấy đã đang theo học lớp dạy nhảy đầm cấp tốc. Lại dở dang ra! Gã ngẩng mặt lên nhìn trời. Những cụm mây xám bạc vu vơ trôi về chân núi xa. Nơi có xóm bãi rác. Mờ mịt cánh cò.
Hằng đêm trên bãi rác, công việc vẫn diễn ra như đã từng diễn ra từ rất lâu rồi. Chỉ có một khác lạ. Trong đám đông cắm cúi cặm cụi kiếm tìm đào bới, có một người chốc chốc lại ngẩng mặt lên trời…
                                                        
1-2008

ĐỖ PHẤN
(nguồn TCSH số 230 - 04- 2008)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • VIỆT HÙNGGa H. một đêm mưa phùn ảm đạm.Khách chờ tàu nằm la liệt dọc các hành lang.Tôi bước vào phòng đợi, trong tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn. Tìm một chỗ ngồi bất kỳ…

  • TRẦN KIÊM ĐOÀN Ngôi nhà một thời là tổ ấm trên đồi bỗng trở thành rộng gấp đôi, gấp ba và vắng vẻ như một tòa lâu đài cổ từ khi Bé Út dọn ra khỏi nhà để lên miền Bắc học. Đứa con 18 tuổi trên đất Mỹ nầy rời nhà đi học xa thường có nghĩa là đang bước vào đời, ra khỏi vòng tay cha mẹ, thật khó lòng về lại. Những bước tiếp nối là học ra trường, kiếm việc làm, chọn nhiệm sở như cánh buồm đưa tuổi trẻ ra khơi. Bất cứ nơi nào có thể an cư lạc nghiệp trên 50 tiểu bang sẽ là nơi đất lành chim đậu. Tuổi thành niên tiêu biểu của văn hóa Âu Mỹ là tự lập, gắn liền với  vai trò chuyên môn và xã hội chứ không phải quanh quẩn với đời sống gia đình.

  • ĐỖ PHẤNĐêm rất khuya dưới chân núi H. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một con đò bằng tôn móp méo xác xơ. Chẳng hiểu ban ngày trông nó thế nào. Có lẽ đây là chiếc đò bị cấm lưu hành? Không thể có mặt ở bến vào ban ngày. Cũng là cấm làm phép. Dòng suối không có chỗ nào đủ sâu để có thể chết đuối.

  • ĐỖ KIM CUÔNGBây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.

  • VŨ NAM TRỰC           Truyện ngắn

  • TRẦM NGUYÊN Ý ANHÔng Nhâm bước chầm chậm theo con đường tráng xi-măng ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ. Căn nhà ông ở cuối xóm, một trệt, một lầu... mới tinh. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Ông ngồi bệt xuống nền xi-măng vì chân ông đã mỏi. Lẽ ra, khi mấy đứa con ông chưa bàn nhau cất lại căn nhà, ông đã có thể đẩy cánh cửa rào bằng tre và đàng hoàng bước vào nhà mình.

  • XUÂN CHUẨNĐể rồi tôi kể cho ông nghe về lai lịch cái quạt, để ông ông khỏi coi tôi là Thằng Bờm có cái quạt mo. Cái thời quạt điện quạt đá, máy lạnh mà cứ bo bo cái quạt kè, thỉnh thoảng lại đạp phành phạch như mẹ hàng cá thách lên giữa chợ. Cũng chẳng có gì li kỳ, hay mùi mẫn rơi lệ, chỉ là chuyện đời tầm phào.Hai ông trải chiếu ngồi giữa sân, nhâm nhi chén trà, ông Thân nói với đại tá Tiến về hưu như vậy khi đại tá ngỏ ý thích cái quạt kè của ông.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNG  Bim chào đời vào lúc kém 19 phút. Trăng hạ tuần phun nhẹ màu đục của sữa vào bầu trời. Hôm sau trời lất phất mưa. Bố nói với bà ngoại trước khi đi làm: "Nếu không thấy con về thì bà giúp con cùng nhà con nuôi cháu". Câu nói ám ảnh làm trí tưởng tượng của bà ngoại nhiều lần thắt lại. Sau này nhiều khi bà ngoại sợ cả cái bóng của mình.

  • NAM TRUNG Ông Hãnh cứ đi tới đi lui trong phòng khách nhà ông, vừa đi vừa quạu cọ lẩm bẩm: thằng Hùng nó nói vậy là nó có ý coi thường mình, nó dám trứng khôn hơn vịt. Rồi mày sẽ biết tay ông. Ông sẽ cho mày còn lâu mới được vào Đảng, ông sẽ bác tất cả những đề xuất về mày...

  • HOÀNG THÁI SƠNKhi tôi lớn lên thì nội tôi đã mất từ lâu nhưng thỉnh thoảng dân làng vẫn nhắc đến người với niềm cảm mến về những chuyện không ít ly kỳ. Ông tôi rất khoẻ, người tròn vo, đen như sừng, tục danh Cu Trắt - phương ngữ vùng quê tôi nghĩa là nhỏ và rắn chắc. Ông ham mê võ thuật, thạo côn quyền, thuở trai thường đóng vai ông địa trong đám múa lân. Đám múa năm nào hễ thiếu ông là coi như nhạt trò, dân làng chẳng ai buồn xem. Người ta đồn ông tôi tài ba lỗi lạc, như có thể đi trên lửa, nhảy qua nóc nhà, còn những thứ chui vào hậu cung đình làng mà không cần dở ngói là xoàng... Kho chuyện về ông ngày càng dày do mồm miệng dân gian thêu dệt thêm, tuy nhiên trong đó nhiều chuyện là có thật.

  • PHAN XUÂN HẬUTôi trở về quê sau mười năm xa cách. Quê tôi nằm cuối con sông Vẹn, con sông này là nhánh của sông Dinh, bắt nguồn từ dãy núi Gám, chảy qua bến Dền. Nơi đây xưa kia là kinh đô của vua Dền. Vua Dền tụ tập lực lượng chống lại nhà Trần khi đó đang trấn áp nhà Lý. Vua Dền là hậu duệ của Lý Thái Tổ, ông không chịu sự chuyên quyền của vua tôi Trần Thủ Độ bèn lập căn cứ ở miền Tây Yên Thành, tức quê tôi, và Dền là kinh thành của ông, dân quen gọi ông là vua Dền.

  • NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.

  • CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.

  • NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.

  • LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.

  • NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.

  • PHẠM THỊ CÚCTừ những ngày thơ bé còn cắp sách đến trường cho đến khi đã bước vào đời, con cái đã khôn lớn và trưởng thành, trong ký ức của tôi vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh sinh động và kỳ diệu của hàng ngàn con cò trắng rợp cả cánh đồng bát ngát, những cánh rừng và vườn cây trĩu nặng vô vàn chim chóc, hình ảnh chim cò thân thiết đậu cả trên vai người, trên đầu người, quẩn dưới chân người... là chuyện của Vùng Đồng tháp Mười qua những trang viết hấp dẫn của các nhà văn Sơn Nam và Đoàn Giỏi.

  • MAI NINHTrong khoảng giữa buổi chiều thăm viếng cơ sở và dạ tiệc, tôi chạy về nhà thay quần áo. Dưới vòi nước ấm, tôi nao nao xúc động nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè. Ngoài một hai người thỉnh thoảng gặp nhau nhờ ở lại nơi này sau khi tốt nghiệp, còn hầu hết thì sau một phần tư thế kỷ đã qua đi, bây giờ mới tái ngộ. Làm sao không ngẩn người trước những tên bạn ngày xưa mặt mũi căng hồng tí tửng nhố nhăng, giờ đây làn da gấp nếp, râu ria đạo mạo, ra dáng sếp lớn sếp nhỏ cả rồi. Và dấu chân chim của thời gian càng rõ rệt hơn nữa, nơi những cô đầm bạn gái của tôi.

  • MAI NINH- Rối, Rối ơi! Dậy đi nào. - Nằm mãi đây cũng đừng hòng có ai lượm xác đem chôn. - Dậy đi! Rối ơi.

  • ANH DƯƠNGCòn sống đến nay, ông tôi phải hơn trăm tuổi. Trước ngày chết, ông kể cho tôi câu chuyện thương tâm này.