Nhà thơ Thanh Hải - Ảnh: internet
THANH HẢI Ngã ba đường 9 Trạm gác ngã ba đường 9, một trạm gác lộng gió. Trạm làm bằng gỗ, vuông vắn, nằm ngay giữa trung tâm của những chuyến đi về, xòe hai cây tre chắn đường ra hai bên như hai cánh tay của cô gái Vân Kiều trong điệu múa dân tộc. Hai cánh tay ấy cử động theo một động tác mộc mạc gần như đơn điệu nhưng chân tình, trìu mến. Cánh tay nằm ngang. Mời các anh dừng lại, đường chưa đi được. Các anh xuống xe, đi bách bộ vài bước cho bớt cái co chân, chật chội trên thùng xe. Kìa cái màu xanh non của đồi gần. Kìa cái màu xanh đậm của núi xa. Bóng mây lởn vởn, chập chùng. Đường lên Lao Bảo đây. Đường về Khe Sanh đấy. Các anh hãy đi trong kỷ niệm và bồi dưỡng. Cánh tay giơ lên. Các anh đi nhé, đường thông rồi. Khói bộc phá tan dần đang ngược lên chiều gió. Người ngồi ở trạm gác điều khiển hai cánh tay ấy là một anh bộ đội cao vừa phải, da sạm đen, có bộ đi nhanh, bao giờ cũng đeo cái còi lủng lẳng ở cổ, cây bút chì trên túi áo. Chiếc còi ấy chỉ lên tiếng khi có một chiếc xe nào đó do “trái tim dưới vòng tay lái” hơi mất bình thường một chút, chạy quá tốc độ khi gần đến ba-ri-e hoặc đỗ sai nơi quy định. Sau khi còi lên tiếng, cây bút chì làm việc: số xe… của… ngày… giờ… Xe chúng tôi đỗ ở ngã ba chờ người trên Lao Bảo về. Khí hậu mùa này ở vùng đường 9 quả thật khó chịu. Nắng lên, nóng. Mây che khuất mặt trời, gió, lạnh. Trời như đang trong cơn sốt thất thường. Tôi đến tránh ở hướng tây khuất sau bức tường gỗ của trạm gác. Ở đây tôi đứng gần như sau lưng anh bộ đội coi trạm. - Xe vào quân khu hả? Xin mời… Anh bộ đội coi trạm không hút thuốc nhưng ngả người ra, mắt lim dim, hễ hả nhìn theo làn bụi cuộn lên đặc quánh, vàng nhợt rồi kéo dài như một làn khói rơm sau đoàn xe. Chúng nó lại vào. Những khuôn mặt trẻ măng gợi nhớ một cái gì, gợi suy nghĩ một điều gì. Cái gợi nhớ lâng lâng, tươi mát; cái suy nghĩ phơi phới, trẻ trung. Ra trận. Đi chiến trường. Như vậy đấy à! Mà mình cũng ở chiến trường đấy chứ. Điều mơ ước, tưởng tượng của anh khi còn ở quê làng, bây giờ hóa bình thường, quá đổi bình thường. Anh đã chuyển cái mơ ước, cái tưởng tượng hào hùng thi vị ấy qua cho người khác, những người khác, những đoàn xe… - Ba hả? Cánh tay giơ lên. Chúng nó đi phép. Nét mặt của những chàng đi phép náo nức lạ. Nếu xe dừng lâu ở ngã ba này anh có thể đọc được tiểu sử sơ lược của những anh chàng ngồi vắt vẻo trên thùng xe qua từng nét mặt. Anh này đăm đăm, lông mày nhíu lại, đôi môi tươi, kín đáo. Anh chàng có vợ, có con và giàu sức tưởng tượng. Ngồi đây mà anh đã mơ về quê nhà. Anh này trẻ nhưng thoáng nét ưu tư. Người yêu có vấn đề gì chăng? Còn mình? Sáu năm hơn rồi đấy nhỉ. Mỗi lần có xe đi phép qua, anh nhìn ngang, nhìn ngửa, bắt gặp một nét mặt quen, anh reo lên và trong gió đường 9 anh chạy theo gửi một lá thư. Lâu lâu những đứa đồng hương đi phép vào, dừng xe lại năm ba phút, trao anh một lá thư, một bao thuốc, một gói quà, một mớ tin tức bề bộn, cái sau thành cái trước, cái vừa qua thành cái đã qua. Rồi xe đi… - Anh, vợ con anh đấy à? - A… đồng chí! Anh bộ đội coi trạm gác định nổi nóng với tôi nhưng lại thôi, không nói nữa. Một tấm ảnh cỡ 9x12 để trước mặt. Trong ảnh, một người mẹ uốn tóc dài trùm lấy khuôn mặt xinh xắn đứng cạnh đứa con gái lên năm, lên sáu. Hai mẹ con nói gì qua cái nhìn tươi tắn, thăm thẳm ấy, cái nhìn của ngàn tiếng nói, của trăm lá thư. Anh ạ, em với con đấy. Anh đi được năm tháng thì em sinh. Bây giờ con đi mẫu giáo rồi. Thùy Dương ngoan lắm! Hôm anh Định về phép qua nhà Thùy Dương cứ hỏi mãi… Đôi mắt anh từng hôn lên đó nhòe đi, ươn ướt. Đừng yếu đuối vậy em ạ. Bao nhiêu lá thư về anh đã viết: đất nước còn bóng giặc. Bao nhiêu lá thư gửi vào em đã viết: anh yên tâm. Lại một đoàn xe nữa vào quân khu. Anh bộ đội coi trạm gác vội vàng kéo cây tre lên. - Đi nhé! Tuấn, mày không nhận ra tao à? Chuyến này tao đi xa đây… *** Tiếng còi ô tô gọi liên hồi. Xe trong ra. Ngoài này còi cũng gọi liên hồi. Xe ngoài vào đông hơn, tiếng còi lạ tai hơn. Không phải tiếng khét, chói tai của Din430. Cũng không phải tiếng ồm ồm, giọng trầm của anh chàng ba cầu. Nó như đánh nhịp, bông đùa. Một anh lái nào vui tính, bốc đồng chăng? Anh bộ đội coi trạm gác thổi còi cho chiếc xe trong ra dừng lại. DD 3402. Xe đi phép. Mời các vị bớt hồi hộp một chút, nhường đường cho người vào chiến trường. Anh DD 3402 đỗ sịch một bên đường. Chiến sĩ trên xe phóc xuống, uốn người, nhảy nhảy. Một anh bộ đội chậm chạp xuống sau, khẽ đặt giò phong lan xuống thềm xe. Một con két lông xanh mịn đậu trên vai anh nhúc nha nhúc nhích. Quà chiến trường cho con bé đây. Anh đủng đỉnh đi đến bên ba-ri-e. Cây tre chắn ngang đường sương gió mài nhẵn lì. Những bàn tay chờ đợi vuốt lên đó, ánh lên một màu vàng óng. Thời gian đợi chờ soi lóng lánh trong cái màu vàng quen thuộc đó. Tự nhiên anh bộ đội đưa tay mình cầm lấy cây tre. Bụi đất đường 9 theo bánh xe lăn cũng chia vòng theo hai ngả. Gió đẩy bụi chạy vào, tung lên, bốc theo ít lá xào xạc, chạy, cuồn cuộn chạy lên rồi vượt hẳn qua những đồi sim, me, tranh lẫn lộn. Mấy bụi cây cao ở góc đường nằm ngoài tầm gió khẽ đung đưa tàn lá. Dưới gốc cây, mấy viên đá tròn nhẵn bắt làm bếp vẫn ở thế cũ, xa xôi, bâng khuâng. Đôi cột trụ treo võng bám hờ hững ở hai gốc cây đàng xa. Vết lì trên thân cây ôm tròn sinh động nghe có tiếng võng của một đêm rừng. Anh bộ đội đi về phía lùm cây bất chợt hất lên một tờ giấy trắng ngả màu: Một chiếc B.52 và một dãy bom đang rơi. Mấy con cu ngói bay vút lên trời, màu lông óng ả. Chúng không bay thẳng mà lượn một vòng, sà theo gió, rồi chập chờn đậu xuống lùm cây xa. Đoàn xe vào đến ba-ri-e. Anh bộ đội coi trạm gác lóng ngóng, lóng ngóng thật sự. Anh định kéo cây tre lên, rồi lại thôi. Anh ra cửa, lại vào. Chiến sĩ đi phép dàn cả lên mặt đường. - Văn công! Văn công! - Cho anh em bắt tay đi! Những mái tóc tết đuôi sam. Những mái tóc uốn dài vòng quanh những cái cổ thon. Nụ cười trắng nõn, hàng mi cong chớp chớp. Chiếc mũi dọc dừa, đôi má đỏ ửng. Cặp mắt đen láy, ướt át. Khoảng khắc vẻ đẹp văn công đã hiện cả ra ngoài khung cửa. Một diễn viên - có lẽ là diễn viên xiếc - uốn mình một cái trên xe, nhẹ nhàng rơi xuống mặt đường làm mọi người cười rộ lên. - Đạt! Đừng tếu đấy, còn để sức… Tiếng nói từ trong xe vọng ra, làm vẻ già trước tuổi, đứng đắn, tỉnh táo. - Có chị mới cần giữ sức… Những tiếng cười con trai nổi lên. Cây tre chắn ngang đường vẫn nằm vậy không sốt ruột, cũng không mời mọc. Anh ta nằm im, vô tư, lơ đãng. Anh bộ đội ban nãy đứng bên lùm cây nhẹ nhàng đi về phía văn công. Tiếng nói trong thùng xe làm anh giật mình. Hai chân kéo anh đi. Anh đi bồn chồn, rất nhẹ, rất nhẹ sợ tan vỡ một cái gì đó đang hình thành. - Huệ! Một cái đầu trong thùng xe nghiêng ra, ngỡ ngàng, rồi… - Anh Hanh! Ôi, anh… Anh bộ đội coi trạm gác kéo cây tre lên rồi thả xuống. Anh chồm người nhìn ra khung cửa. Chị diễn viên đã nằm trong vòng tay người chồng. - Con đâu? - Em đi chiến trường… Anh… - Anh về phép. Hai dòng thương nhớ từ từ lăn trên má người vợ. Người chồng mím môi lại, cố hỏi thêm, nhưng tất cả đều tan biến. Năm năm rồi. Bé nga lên bốn. Mặt mũi nó thế nào? Nó ở nhà với bà ngoại. Nó có giống nét mặt nhòa nhòa trước mặt anh không? Đôi mắt ấy. Làn tóc ấy. Năm năm thương nhớ gửi về bây giờ là đây. Em có khác đi đấy chứ. Nào cái bàn tay đánh đàn của người nghệ sĩ nhân dân đã từng ra Cồn Cỏ… Xe hai đầu ba-ri-e ùn lại, ùn lại. Mấy anh lái xe nóng tính bóp còi inh ỏi. Cây tre chắn đường vẫn làm ngơ. Trên trời một đám mây trắng trôi nhẹ, lơ lững, sà xuống một đỉnh núi xa. Ánh nắng xuyên qua mây, chiếu xuống màu xanh cây rừng, ngời lên sắc nõn ngỡ ngàng, tươi mịn. Lan trên đồi nở hoa màu trắng đục, nhấp nhô, nhấp nhô, bát ngát, vô tận. Đàng xa, màu hoa lẫn trong màu khói bộc phá làm đường nổ lên hàng loạt. Anh bộ đội coi trạm gác lơ đãng nhìn mây, tay gõ gõ tấm ảnh xuống mặt bàn. Người mẹ trong ảnh tách ra, đi xa dần. Bé Thùy Dương rung rung mái tóc lớn lên, lớn lên. Anh ngồi bên con. Vợ anh ở đâu về, đôi má hồng hào… Ra đi. Sum họp. Sum họp. Ra đi. Điều mong ước và điều phải làm cho điều mong ước. Trong ấy, trong xa ấy còn bao nhiêu điều mong ước, hai mươi năm nay vẫn còn là điều mong ước. Ai chỉ nghĩ đến cái mong ước của mình mà quên điều mong ước lớn nhất của đất nước, người ấy … Không! Đất nước chưa yên, quân thù còn đó. Sao lại lo vun quén, suy nghĩ, chăm chút cho hạnh phúc riêng mình? Một anh lái xe, mặt đỏ bừng, vùng vằng chạy lại. - Ngủ gật à? Anh bộ đội coi trạm gác không nói, đưa mắt về phía Huệ và Hanh. Anh lái xe, ngoái lại, sững sàng, giọng thấp hẳn đi, hối hận. - Họ gặp nhau! Mây đường 9 sà thấp, ấm áp, trắng nõn. Gió thổi lên cao, lên cao theo những sườn đồi xanh mát. Tiếng đoàn xe nổ máy… Tháng 12-1973. T.H. (3/10-83) |
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Đợt rét đậm cuối năm không ngăn được cây lá quanh vườn nhú mầm non và hai cây mít bên cổng lại nẩy những “dái” mít được bao bọc bởi lớp nhụy vàng mềm mại, trông dễ thương và ngon lành, đến mức muốn… cắn một miếng như hồi nhỏ ở quê. Bên đường Lê Lợi dọc sông Hương, những tờ lịch năm 2014 khoe màu rực rỡ, tươi rói đã lại giăng giăng khắp các cửa hàng…
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA
Công chúa Ngọc Anh bước ra khỏi cổng chùa Thiên Mụ thì dừng bước. Gót hài hoa di nhẹ lên bậc đá dẫn xuống đường. Nàng thẫn thờ nhìn dòng Hương xanh ngăn ngắt phía dưới đang lững lờ trôi. Giây lát, đôi mắt trong veo lại hướng lên phía dãy núi điệp trùng.
TRẦN HẠ THÁP
1.
Nguyên Biệt nhô đầu lên khỏi lèn đá thì sự cố xảy ra. Gã đang mang bầu nước lấy ở suối về. Một vệt màu sậm hình vòng cung bay ra như ánh chớp.
THÁI NGỌC SAN
Cách đây mười lăm năm tôi có viết một truyện ngắn về vợ chồng ông Lâm. Truyện ấy sau khi đăng trên một tờ báo văn nghệ Sài Gòn tôi liền nhận được một lá thư của ông. Lá thư vỏn vẹn chỉ có một câu như sau: "Cậu là một thằng mất dạy!".
HOÀNG THU HÀ
Không biết ai đã đặt tên cho cái hồ này như thế. Hồ nằm cách xa thành phố khoảng chín mươi cây số, dưới thung lũng của đồi núi mọc đầy cây dương liễu. Bấy giờ đang là mùa hè phương nam, gió thoáng đãng và ẩm ướt thổi từ đại dương vào khiến sự hoang vu của hồ càng xao động hơn.
HOÀNG LONG
LTS: Tác giả Hoàng Trọng Định (Hoàng Nguyệt Xứ, sinh 1959) là một nhà văn xứ Huế ít người biết đến đã vĩnh viễn ra đi từ hai năm trước, sau khi chọn cho mình một lối sống cô độc và chết trong im lặng, với một cái tên ẩn dật trong giới cầm bút. Truyện ngắn của Hoàng Trọng Định có cách tổ chức hình tượng nghệ thuật độc đáo và khác biệt. Tác phẩm của anh là kiểu dạng của một truyện ngắn ý niệm được chuyên chở bằng lớp ngôn ngữ đẫm chất triết học.
THÁI BÁ TÂN
Các bạn thử hình dung một chuyện thế này: Có đôi trai gái yêu nhau, rất yêu nhau. Cưới xong được ít hôm thì chàng trai lên đường ra trận, để lại người vợ trẻ ở nhà một mình vừa làm lụng vất vả, vừa mỏi mòn chờ đợi.
HỒNG NHU
Mỗi lần không vừa ý tới điều gì đó, với ai đó trong nhà hay nói rộng ra là trong thiên hạ, cha tôi thường buột ra một câu nói mà nếu không phải là người làng thì không thể nào hiểu được: "Cứ như là thằng Đô"!
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Khi chàng ngồi dậy giữa bãi chiến trường ngổn ngang xác người, chàng không còn nhìn thấy gì cả ngoài một vùng đêm tối tăm nhờ nhợ. Cái thứ đen đặc rộng lớn đó đã nuốt vào trong lòng nó những tiếng giục la, tiếng hét thất thanh, rên xiết giã từ sự sống, và cả nỗi đau khốn cùng của những kẻ bị thương, vô vàn sự tiếc nuối trong cuộc tử sinh vô nghĩa.
Trên mặt đất, trong bầu trời - Trái tim xôn xao
LÊ ANH HOÀI
Cùng với tiếng loảng xoảng của cái gáo tôn trên nền xi măng khu vệ sinh, tiếng lệt xệt dép nhựa là tiếng khan khan của cô Đ “Mày dậy chưa? Gớm, con gái con lứa gì mà ngủ ngáy ghê thế. Hôm qua mày lại mơ cái gì mà tao thấy mày cứ nghiến răng kèn kẹt. Khiếp quá, đêm nằm cứ nghiến răng thế sau này chồng nào chịu nổi?”
MAI NINH
Ông ta bị giục lên xe lúc 2 giờ chiều, không kịp nói. Người đàn bà leo sau chắn ngang cửa, che mất cô gái đứng dưới đường. Giọng cô lẫn giữa tiếng người gọi nhau và trong gió lùa dưới mấy tấm tôn đập mải miết:
- Ông nhớ nằm nghỉ và thưởng thức trà nhà vua đấy.
NGUYÊN QUÂN
Lão Đạo vẫn ngồi chò hỏ, kiểu ngồi đặc trưng đôi chân trần dính kết bùn đất trên giường ruộng của nền văn minh lúa nước. Hai khuỷu tay lòi cục, trơ xương, chống tựa lên hai đầu gối cũng lòi cục trơ xương. Bốn khớp linh động tỳ lên nhau, trở thành bất động.
ĐỖ NGỌC THẠCH
Hứa Tam Giang là dòng dõi Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh ở làng Vọng Nguyệt (làng Ngọt) xã Tam Giang, huyện Yên Phong tỉnh Bắc Giang.
NGUYỄN THỊ MINH DẬU
Thực ra mà nói, cái bức tường ngăn ấy nó chẳng có tội tình gì! Nhưng dưới con mắt của tôi thì nó lại là nguồn gốc của nỗi bất hạnh.
ĐOÀN LÊ
Cơn mưa, sầm sập đổ hồi suốt buổi chiều đó, nàng ngồi cạnh cửa sổ ngắm mưa qua làn kính. Tôi ngồi chếch phía sau ngắm nàng.
ĐẶNG NGUYÊN SƠN
Cây Đời. Cây là họ. Đời là tên. Cũng như bao loại Cây khác của dòng dõi nhà Cây trong cánh rừng nhiệt đới.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Cô ngồi trước ba máy đánh chữ, cái trước mặt màu kem đã sờn, hai cái xanh ngọc hai bên còn mới. Bàn làm việc hướng vào vách, bên phải là cửa sổ nhìn ra con đường tráng xi măng cũ gần bến đò.
VỊ TĨNH
Ngày xưa mái tóc mẹ xanh, bay trong gió làm vướng chân bao gã si tình. Mắt mẹ là một vườn quả chín, và đôi môi đỏ dù mím lại vẫn không giấu được men say chực trào ra làm chao đảo cả những trái tim sắt đá. Mẹ đã từng tự hào vì điều đó biết bao.