Nên bài xích lối văn không thành thực

11:03 09/10/2008
PHAN KHÔILời dẫn Bài mà tôi giới thiệu dưới đây thuộc một giai đoạn làm báo của Phan Khôi còn ít người biết, − giai đoạn ông làm báo trên đất Thần Kinh, tức thành phố Huế ngày nay, những năm 1935-1937; khi ấy Huế đang là kinh đô của triều Nguyễn, của nước Đại Nam, nhưng chỉ là một trung tâm vào loại nhỏ xét về báo chí truyền thông trong toàn cõi Đông Dương thời ấy.

Sau 6 năm viết báo trên đất Sài Gòn, khoảng tháng 3/1933, Phan Khôi trở ra Quảng Nam nghỉ ngơi tại quê nhà ít lâu rồi ra Hà Nội. Ở đây, từ tháng 5 đến tháng 7/1933, dưới bút danh Bướng Nhân ông viết cho Thực nghiệp dân báo trong mục “Bướng Nhân nhật ký”. Sau đó, ông và Tế Xuyên nhận lời với ông bà Nguyễn Văn Đa chủ báo Phụ nữ thời đàm đứng ra đảm nhiệm tờ này, đổi nó từ thể tài nhật báo sang thể tài tuần báo. Phụ nữ thời đàm tập mới đánh số lại từ số 1 (17/9/1933); Phan Khôi có bài đăng liên tục trong 22 số đầu, ký Phan Khôi, C.D., Hồng Ngâm, Tú Xơn; Phan Khôi quen biết Vũ Trọng Phụng có lẽ cũng từ hồi làm tờ báo này (họ Vũ đăng tiểu thuyết Dứt tình và viết phóng sự Vẽ nhọ bôi hề cho tờ này). Đến hết số 26 (5/6/1934) thì tờ này cũng phải đóng cửa, hình như do thua lỗ. Chưa rõ Phan Khôi còn viết cho tờ báo nào ở Hà Nội trong khoảng giữa năm 1934 hay không, nhưng chắc chắn là đầu năm 1935, ông vào Huế làm báo.  

Hai tờ báo mới ra ở Huế từ 1/3/1935 là tờ La Gazette de Hue (chữ Pháp) ra hàng tuần, tờ Tràng an (chữ Việt) ra 2 kỳ/tuần; chủ nhiệm cả hai tờ là Bùi Huy Tín; vai trò chủ bút tờ Tràng an báo được giao cho Phan Khôi. Ngoài các bài xã thuyết về thời sự xã hội ký tên Phan Khôi, ông còn mở nhiều mục cho các loại bài phiếm luận, tạp trở như “Có có không không”, “Nhớ đâu nói đó”, ông viết và ký Tuệ Tinh, C.D., Sao Đuôi…; mở mục “Chuyện rông” cho Hoài Thanh viết dưới bút danh Nhà Quê; rồi mục mở cho ngòi bút của Tiêu Diêu Tử (tức Tiêu Viên Nguyễn Đức Bính), cho Hương Giang Lão Nhân, Hương Giang Thiếu Niên (chưa rõ bút danh của ai), v.v…; quan hệ tốt giữa ông với cây bút trẻ Hoài Thanh từ Nghệ An vào cũng bắt đầu ở tờ báo này; chính tờ báo đã lên tiếng chúc mừng lễ cưới của người trợ bút báo mình là Nguyễn Đức Nguyên (Hoài Thanh) với cô Phan Thị Nga, con gái một y sĩ ở Hội An (Tràng an 30/9/1935); tờ báo trong thời gian Phan Khôi là chủ bút cũng là nơi đăng bài của Hoài Thanh trong cuộc tranh luận “vị nghệ thuật/ vị nhân sinh”; chính báo này đã ra số đặc biệt về ngày thất thủ kinh đô 23 tháng Năm năm Ất Dậu với các bài chủ lực của Phan Khôi và Hoài Thanh (Tràng an, 21/6/1935)…

Nhưng chính bài báo tôi giới thiệu dưới đây lại khiến Phan Khôi phải thôi chân chủ bút Tràng an, để ít lâu sau ra tờ Sông Hương, cũng tại Huế, do chính ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút (ra được 32 số, từ 1/8/1936 đến 27/3/1937; sau đó bán lại tờ báo cho nhóm cộng sản Phan Đăng Lưu). Đó là nói vắn tắt về ba năm (1935-1937) Phan Khôi làm báo ở Huế.
Trở lại với bối cảnh của bài báo sẽ in dưới đây; khoảng cuối năm 1935, trong nội cung triều Huế có sự kiện là đám tang bà nội vua Bảo Đại; nhân đấy giới quan chức Nam triều tôn dâng khá nhiều bài văn phúng viếng. Phan Khôi đã chọn đăng trên báo mình một bài và sau đó đăng bài phê bình của mình, liền hai kỳ, trên số Tràng an cuối cùng của năm 1935 và số đầu tiên của năm 1936. Hẳn là bài báo đã gây phản ứng mạnh trong giới quan chức triều Nguyễn, vì chỉ một tháng sau, Tràng an ngày 4/2/1936 đã thông báo “vì một lẽ riêng, từ nay ông Phan Khôi thôi làm chủ bút bản báo”. Mấy tháng sau, từ 9/6/1936, Hoài Thanh và Phan Thị Nga cũng nói rõ trên tờ này rằng đã không còn làm trong toà soạn Tràng an nữa.

Tư tưởng về sự thành thực trong văn chương mà lâu nay ta chỉ được biết do những người như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều đã thể hiện trong cuộc tranh luận với phái “vị nhân sinh”; nay với việc biết đến bài báo này, cần khẳng định rằng, trong phạm vi văn học sử Việt Nam thế kỷ XX, tư tưởng về sự thành thực trong văn chương có xuất xứ từ Phan Khôi, rằng Phan Khôi mới là người có bản quyền đích thực của tư tưởng ấy.
Về văn bản bài báo, vì số báo này nằm ở cuối bộ sưu tập Tràng an năm 1935 nên phần đầu bài báo (vốn được in ở phần trên của trang cuối) bị rách mất không ít (ước chừng mất 6 dòng, khoảng 40 từ); tên bài báo cũng bị mất, may mà có thể tìm lại ở kỳ đăng thứ hai trong bộ sưu tập Tràng an tiếp theo của năm 1936. Nhân công bố tư liệu này, tôi đề nghị bạn nào có nguồn bổ túc các đoạn còn thiếu ở bài này, xin cho chúng tôi biết.
LẠI NGUYÊN ÂN 
[……………………………………………………………………………………………….………………………………………………………………………………………………..………………………….........................……….] những bài văn không thành thực.

Và văn học là để biểu hiện nhân sanh và phê bình nhân sanh. Một nền văn học có giá trị, chẳng khác gì hơn là sự biểu hiện và sự phê bình của nó được đúng. Mà muốn như thế thì trong văn học phải chuộng sự thành thực làm đầu. Trái lại, không chuộng thành thực thì trong sự biểu hiện và phê bình đều là giả dối sai lầm cả, cái văn học ấy đã đành là không tiến bộ mà cũng trở nên vô giá trị nữa.
Tôi từng quan sát cái hiện trạng văn học xứ ta từ trước đến giờ, thấy được chỗ trở ngại ấy nên đã nhiều lần bàn với anh em làng văn rằng chúng ta cần phải đề xướng cái chủ nghĩa thành thực trong văn học mới được. Trong lúc dự bị làm công việc ấy, tình cờ gặp một dịp tốt khiến tôi có thể đem ý đó phát biểu ra đây.
Trong phụ trương Tràng an số 86 vừa rồi có đăng bài văn tế đức Thánh Cung của ông Nguyễn Mộng Thạch. Các bạn đọc đối với bài văn ấy, những người có óc cũ có lẽ sẽ hoan nghinh, nhưng những người có tư tưởng mới hẳn là không chịu nó cũng như chúng tôi không chịu nó. Đã không chịu nó mà còn đem đăng lên báo, chẳng qua chúng tôi muốn có cớ để phát luận hôm nay.  

Theo lối văn chương cũ mà nói thì bài văn tế đức Thánh Cung của ông Nguyễn Mộng Thạch đó không phải là hay nhưng cũng không đến nỗi dở. Nó là một bài văn sàng sàng, “vô cửu vô dự”. Nhưng khi phê bình nó ở đây, chúng tôi không kể đến sự hay dở mà chỉ kể đến chỗ nó có đứng được hay không đứng được mà thôi. Nghĩa là chúng tôi không nói đến phương diện nghệ thuật của nó mà chỉ nói đến cái tánh chất của bài văn.
Làm một cái kết luận sớm ở đây, tôi muốn nói ngay rằng bài văn của ông Nguyễn Mộng Thạch không đứng được, vì nó đeo một cái tánh chất hư ngụy, không thành thực.
Ở thế gian này bất kỳ cái gì giả dối đều không đứng được thì bài văn giả dối tất nhiên cũng không đứng được. Phận sự nhà văn chúng ta là phải hết sức bài xích những bài văn như thế, đừng cho nó lưu truyền ra trong văn giới.                

Thế nào là gọi bài văn ấy là không thành thực?
Trước hết nói về cách dùng chữ. Trong bài văn ấy tác giả chỉ dùng những chữ cho đẹp cho kêu chớ không cốt ở nghĩa lý có đúng cùng chăng. Đại khái như câu mở: Lầu phụng mưa chan, đài loan tuyết ủ, thì lầu phụng là lầu gì và đài loan là đài gì? Đã đành rằng phụng đối với loan thì đẹp và cân lắm nhưng còn nghĩa nó thì sao? Huống chi xứ ta từ xưa đến nay chưa hề có tuyết thì làm sao lại nói được rằng “tuyết ủ”? Tuy vậy những câu ấy chưa đáng tội gì mấy. Tác giả vì ham những chữ cho đẹp, đối nhau cho cân mà đã đặt ra những câu phạm tội nặng hơn, tức là cái tội vô nghĩa. Ấy là như câu “bể ái lưng vơi thành sầu xô đổ” thì còn có nghĩa gì? Xét lại bản ý của tác giả là cốt đem hai cái thành ngữ “bể ái” và “thành sầu” để đối với nhau nghe cho rột rạt mà thôi.

Thứ đến những chỗ kể đức tánh của đức Thánh Cung, nghe ra cũng vô vị nữa. Có lẽ tác giả tự cho rằng ca tụng một bà vua như vậy là đắc thể, nhưng theo chúng tôi tưởng thì thật chẳng có chút giá trị nào. Như những câu: “Nết đất từ hiền, tư trời nhân hậu… Vẻ đoan trang ít kẻ dám tày, gương trinh liệt lâu ngày còn rõ” thì dùng mà hình dung cái đức tánh của bà vua nào chẳng được, hà tất đức Thánh Cung?
Theo cái quan niệm về văn nghệ của chúng tôi, khi muốn biểu hiện cái đức tánh bình sanh của một người nào thì phải lấy những cái đặc tánh của người ấy mà biểu hiện. Khi nhận thấy người ấy không có cái đặc tánh gì hoặc có mà mình không nhận thấy được thì thà đừng biểu hiện còn hơn. Như thế, sự biểu hiện của văn nghệ mới có giá trị.
Còn tác giả đây hình như không nghĩ như chúng tôi vậy. Tác giả không cần nhận thấy đức Thánh Cung có đặc tánh gì cả, khi cầm bút tán dương ngài thì cứ khuân bao nhiêu những hình dung từ tốt cho đàn bà mà để vào đấy thôi. Bởi vậy những chữ “hiền từ, nhân hậu, đoan trang, trinh liệt” mới rủ nhau ra đứng sắp hàng trên mặt giấy! Như thế là lạm dụng. Khi một nhà văn đã lạm dụng những hình dung từ như thế thì thường thường phạm phải điều lỗi bởi sự bất ngờ. Tức như hai chữ “trinh liệt” ở đây là một cái lỗi lớn không tày đình cũng tày líp!

“Trinh liệt” là chữ để hình dung người đàn bà hay thủ tiết, thường khi là hy sinh tánh mạng để phản kháng sự cường bạo hoặc để tỏ lòng mình, như bà Nguyễn Thị Kim trầm mình, bà mẹ ông Bố Cao cắt vú mới đáng gọi là trinh liệt. Vậy thì đức Thánh Cung, theo cái địa vị của ngài và cái hoàn cảnh của ngài, làm thế nào cho ngài có cái đức “trinh liệt” ấy được ư? Cái đức ngài không thể có mà nhà văn trở đem gán cho ngài, điều ấy chẳng những là không thực mà người ta còn có thể gọi là “hót nhảm” được nữa!
Ông Nguyễn Mộng Thạch hẳn là một nhà nho, ông đã nhiễm cái thói ca tụng đế vương trong kinh điển. Kinh Thư ca tụng vua Nghiêu không còn sót một cái đức tốt nào là không có: khâm, minh, văn, tứ, doãn, cung, khắc nhương, rồi sau đến nải thánh, nải thần, nải võ, nải văn. Cũng bới những sự không thành thực ấy tràn ngập trong tư triều văn học nước ta, thành thử từ xưa đến nay các nhà văn đều mắc trong vòng giả dối mà không tự biết và cũng không tự thoát ra được. Kỳ thực, vua Nghiêu dù là người tốt cũng không có thể gồm đủ cả các tánh tốt của loài người như Kinh Thư nói; đức Thánh Cung dù có đức tánh hơn người cũng không phải là mọi nết mọi hay và hay đến cả cái không thể có được như ông Nguyễn Mộng Thạch tán dương đâu.

Thứ đến những chỗ kể công nghiệp của đức Thánh Cung, khiến kẻ đọc, ai có lương tâm, đọc đến đều phải lấy làm hổ thẹn, vì theo người quân tử, điều không có mà mạo nhận là có, chẳng gì đáng ngượng bằng.
Trong cả bài duy có câu này là dài hơi, dào ý, đối lại chỉnh nữa, có lẽ là câu tác giả dụng lực hơn hết, mà cũng duy có câu này là câu không thành thực hơn hết:
“Đoan đích Tiên triều noi dấu, lúc ở Tôn lăng lúc về cẩm điện, mực thước rõ ràng vẻ ngọc, cửa cung vi bền vững đến ngày nay;
Gian nan đại nghiệp dựng gầy, khi giao quý quốc khi ngự nội đình, phép khuôn đứng đắn lời tơ, nền khổn phạm giữ gìn theo lối cũ”.
Vế trên cũng cho được, thôi chẳng nói làm chi; duy vế dưới là đáng trách, mà đáng trách nhất là những chữ “gian nan đại nghiệp dựng gầy”.
Vả đức Thánh Cung được tuyển vào cung làm chánh phi triều Đồng Khánh, sau khi vua Cảnh Tôn băng, đáng lẽ con ngài là đức Khải Định được nối ngôi, mà đức Khải Định đã không được nối ngôi, thì đức Thánh Cung cũng phải về ở theo Tôn lăng. Đến ngày vua Duy Tân bị phế, đức Khải Định lập lên, bấy giờ đức Thánh Cung mới được lại vào ở trong Đại nội. Thế thì đừng nói việc lớn lao làm chi, cho đến việc được ở trong Đại nội hay bị ra là việc nhỏ mọn mà đức Thánh Cung cũng không tự chủ được, phải theo chồng theo con như một người đàn bà thường khác. Người đàn bà ấy, lạ thay, sao tác giả lại phóng đại cho bằng những chữ “gian nan đại nghiệp dựng gầy”?

Đại nghiệp tức là ngôi vua chớ gì? Đức Thánh Cung đã hề gầy dựng cái đại nghiệp ấy lúc nào? Kể một đời ngài: khi chồng làm vua thì ở chốn cung vi, khi con không được làm vua thì lui về nơi lăng tẩm, đến khi con được làm vua kế tới cháu thì ngài lại vào ở chốn cung vi rồi qua đời tại đó, nhưng cái ngôi vua ấy có phải chính tay ngài đã sáng tạo ra cho con cháu ngài đâu? Sự gầy dựng đã không, tự nhiên cũng chẳng có gì là gian nan nữa hết.  
Bốn chữ “khi giao quý quốc” cũng to quá. Quý quốc chẳng là nước Pháp. Đức Thánh Cung có khi nào đứng ra giao hảo với nước Pháp đâu? Các quan Toàn quyền, Khâm sứ đôi khi vào yết kiến ngài, những khi ấy ngoài sự giao tế cá nhân hẳn có đại biểu cho cả một nước Pháp chăng nữa, là cũng không được nhân đó mà nói rằng đức Thánh Cung giao với nước Pháp.

“Nền khổn phạm giữ gìn theo lối cũ”
, tác giả đã biết nói như vậy thì hẳn cũng biết cái lối cũ ấy nó là thế nào chớ. Theo Lễ, “lời nói ở trong chẳng ra đến ngoài”; theo Xuân Thu, “đàn bà không được giao với ngoại quốc”, vậy mà tác giả bảo đức Thánh Cung giao với nước Pháp, chẳng là vứt đi đâu mất cái lối cũ ấy còn gì?
Cái nghề hễ nói dóc quá rồi không tài nào giữ được, có khi chính mình lại mâu thuẫn với mình. Ở đây tác giả là ông Nguyễn Mộng Thạch chính đã phạm vào sự đáng kiêng kỵ ấy.  
Tiếp một câu nữa cũng kể công nghiệp đức Thánh Cung mà cũng không đúng lấy một chút nào:
“Từ năm trước ngự du ngoại quốc, khéo léo thay quyền nội trị, lời êm lẽ thuận, đình thần ai nấy khâm tuân;
Đến lúc nay giá phản bản triều, vững vàng đáng vị mẫu nghi, đức thấm ơn nhuần, thiên hạ thảy đều từ mộ”.                    

Đức Khải Định cùng đức Bảo Đại đều có ngự du ngoại quốc, nhưng đây chắc là nói về đức Bảo Đại. Theo thực sự, khi đức Bảo Đại ở bên Tây bảy tám năm, đức Thánh Cung ở nhà chẳng hề có khi nào “thay quyền nội trị” hết. Vì bản triều từ xưa có điều răn: “Mẫu hậu không được lâm triều thính chánh”, điều răn ấy lợi cho người ta thì bao giờ người ta cũng giữ. Huống chi gần nửa thế kỷ nay, quyền nội trị của nước Đại Nam là xứ Trung Kỳ này dần dần nắm cả trong tay chánh phủ bảo hộ; lúc Hoàng thượng ở bên Pháp, ở triều tuy có đặt thêm ông Thân thần nhiếp chánh, kỳ thực ông ấy chẳng có quyền gì hết mà quyền về Toà Khâm. Rất đỗi người đàn ông có danh phận đường đường đó mà còn chẳng thay quyền nội trị được thay, có đâu đến người đàn bà bệnh hoạn, nằm chờ số mạng ở chốn thâm cung?
Đến như “đức thấm ơn nhuần, thiên hạ thảy đề từ mộ”, − sự ấy, muốn kiếm lấy một vài điều để chứng thực, e cũng kiếm không ra.  

Cái sự nhà vua làm cho dân cảm ơn và ái mộ, chỉ duy có khi nào đủ quyền làm những việc như đại xá, giảm thuế, tha xâu là việc các vua ta hay làm từ triều Tự Đức trở về trước. Chứ còn hiện nay, chính Hoàng thượng cũng không có quyền làm những việc ấy; đến một bà mẫu hậu lại càng không có quyền làm, thì chẳng biết lấy gì mà đức thấm ơn nhuần? Chúng tôi vẫn biết mỗi khi tấn tôn huy hiệu đức Thánh Cung, đều có ban ân chiếu; những cái ân chiếu ấy muốn kể là đức là ơn cũng được. Nhưng khắp mười hai tỉnh chỉ có một số rất ít người, hoặc cha mẹ già của các ấn quan, hoặc người già, mụ goá được phong được thưởng, thì làm sao lại nói “thiên hạ thảy đều từ mộ” được, cho dù chữ “thiên hạ” ấy là khép nhỏ lại nội một nước Nam?

Người nào đã có cái kiến giải thành thực như chúng tôi vừa nói trên đó mà đọc đến những câu: “Hạc đã về nơi hoa biểu, để dân đen con đỏ luống trông… Nhớ nghĩa chung thiên, người ai chẳng đem lòng quyến chú?” thì cũng phải thẹn thầm, vì thấy mình cũng là dân đen con đỏ đây, cũng là người nước Nam đây mà chẳng hề có cái cảm tưởng thiết tha như tác giả nói, trong khi nghe tin đức Khôn Nguyên Thái hoàng Thái hậu thăng hà!
Thật, chúng tôi là người làm báo ở dưới chân liễn cốc mà cũng duy đến sau lúc được tin buồn ấy mới nghe người ta kể đến cái nhân cách của đức Thánh Cung ra sao. Người ta nói ngài có biết chữ Hán ít nhiều, thông hiểu việc bản triều lắm, và mỗi khi có ban phán điều gì, lời lẽ rất là đứng đắn. Cái nhân cách ấy vẫn đủ sanh lòng khâm kính của chúng tôi cũng như chúng tôi khâm kính một người khác có cái nhân cách ấy… 

Theo như lời những người đi coi đám từ trong Nội ra nói những lúc tế điện, lễ thần, xướng cử ai, Hoàng thượng đều không hề khóc. Có kẻ bảo như thế là nguội lạnh quá và trái lễ. Nhưng chúng tôi cho Hoàng thượng làm vậy là theo tánh tự nhiên của loài người. Chúng tôi chắc Hoàng thượng có lòng thương bà nội cũng như mọi người. Có điều đã già mà chết là sự thường, cái chết không có tức tối gì mà làm cho phải khóc thì không khóc được. Con nhà nho gặp đại tang, mỗi lúc xướng cử ai thì phải chiếu lệ ô hô hay hu hu ba tiếng, ấy là sự giả dối, chứ lễ gì? Nhắc câu chuyện này vào cho biết chỗ chí thân mà còn không khóc được thay, huống chi thần dân là người ngoài mà cho có được sự từ mộ ai bi như tác giả nói: “Muôn dặm non sầu, ngoài bể bạc tiếng đờn câm vỗ”?

Cả bài văn đều là không thành thực. Nó không đứng được. Làm văn như thế thà đừng làm còn hơn.
Nhân đây tôi sẽ viết thêm nhiều bài nữa để cổ động cái chủ nghĩa thành thực trong văn học.
P.K

(nguồn: TCSH số 223 - 09 - 2007)

 



---------------------
Nguồn :
Tràng an,  Huế, s. 88 (31/12/1935); s. 89 (7/1/1936)
Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ANNIE FINCH  

    Chúng tôi khát khao cái đẹp thi ca, và chúng tôi không e dè né tránh những nguồn mạch nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng với chủ nghĩa Toàn thể hình thức (omniformalism), cho một thi pháp phong phú và mở rộng, giải phóng khỏi những doanh trại của những cuộc chiến thi ca đã chết rấp.

  • Chuyên luận THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC (Nxb. Hội Nhà văn - Song Thuy bookstore, 2012, 458tr) gồm ba phần: Phần một: THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC, Phần hai: CHÂN TRẦN ĐẾN CÁI KHÁC, Phần ba: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA CÁI KHÁC.

  • NGUYỄN QUANG HUY

    (Khảo sát qua trường hợp "Người sông mê" qua cái nhìn của lí thuyết Cổ mẫu)

  • NGUYỄN HỮU TẤN

    Trong buổi lễ mừng thọ thất tuần, Sigmun Freud đã từng phát biểu: “Trước tôi, các thi sĩ và triết gia đã sớm phát hiện ra vô thức, còn tôi chẳng qua cũng chỉ khám phá ra những phương pháp khoa học để nghiên cứu vô thức mà thôi”.

  • Tóm lược bài nói chuyện trao đổi một số vấn đề về tình hình văn học Xô viết những năm 80, đặc biệt là sau Đại hội 27 của GSTS V. Xmirnốp trong chuyến thăm Huế với Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên của đoàn cán bộ Học viện văn học Gorki (Liên Xô cũ) do nhà thơ Valentin Xôrôkin, phó Giám đốc Học viện và GSTS Vladimia Xmirnốp đã sang Việt Nam giảng dạy tại trường Viết văn Nguyễn Du năm 1987.

  • Tỳ kheo THÍCH CHƠN THIỆN

    Theo Spaulding - The “New Rationlism”, New York, Henry Holt and Conpany, 1918, pp. 106 - 107 -, Aristotle nêu lên ba nguyên lý cơ bản của tư duy:

  • TRẦN NGUYÊN HÀO

    Năm 1987, tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hiệp quốc, UNESCO trong cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 24 (tại Paris từ 20/10 đến 20/11) đã ra Nghị quyết phong tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh danh hiệu kép: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”.

  • ĐỖ HẢI NINH

    Quan sát hành trình Thơ mới, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vào đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Thơ mới bắt đầu có dấu hiệu chững lại, thậm chí khủng hoảng về cảm hứng và thi pháp.

  • JU. LOTMAN

    Từ “biểu tượng” (symbol, còn được dịch là tượng trưng, biểu trưng, phù hiệu, kí hiệu) là một trong những từ nhiều nghĩa nhất trong hệ thống các khoa học về kí hiệu(1).

  • PHẠM TẤN HẦU

    Trong bản tham luận về mảng thơ trên trang viết đầu tay của Tạp chí Sông Hương do anh Hoàng Dũng trình bày tôi thấy có chủ ý nói đến tính khuynh hướng. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đặt ra một cách chặt chẽ, sâu sắc. Theo tôi, nếu hướng cuộc thảo luận đến một vấn đề như vậy chắc sẽ đem đến cho những người viết trẻ nhiều điều bổ ích hơn.

  • ĐỖ VĂN HIỂU

    Tóm tắt
    Trước tình trạng môi trường toàn cầu đang ngày một xấu đi, giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 Phê bình sinh thái đã ra đời với sứ mệnh cao cả là phân tích chỉ ra căn nguyên văn hóa tư tưởng dẫn đến nguy cơ sinh thái, nghiên cứu quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên.

  • LƯỜNG TÚ TUẤN

    Việc lý luận văn học thống nhất coi “ngôn ngữ là chất liệu của văn học” đã không vì thế mà dành cho cái chất liệu ấy một vị trí xứng đáng trong những luận thuyết và “diễn giải” của mình.

  • PHAN TUẤN ANH

    “Chẳng ai đi dưới bóng hàng cọ mà lại không hề hấn gì”… Ở đời, trong cuộc chơi, cả hai bên đều phải đi qua dưới bóng hàng cọ”.
                   (Nguyễn Xuân Khánh) [2,806]

  • TRẦN THIỆN KHANH

    “Mai kia, những cái tầm thường, mực thước sẽ mất đi, còn lại chút gì đáng kể của thời này, đó là Hàn Mạc Tử.”
                                (Chế Lan Viên)

  • CARSON MCCULLERS

    Khi tôi là một đứa bé chừng bốn tuổi, tôi cùng người bảo mẫu của mình đi ngang qua một tu viện.

  • MANU JOSEPH

    Xét về quan điểm và màu tóc của 50 nhà văn được lắp ghép cho một hội nghị kì quặc ở Edinburgh, thì cái giáo đoàn đó có thể gọi là “50 Sắc Xám.”  Tuy nhiên trong suốt năm ngày hội nghị, khởi đầu từ ngày 17 tháng Tám, hầu hết các nhà văn nhìn nhận rằng họ bị đẩy lui bởi loại sách kém học thức, loại sách bán chạy hơn tất cả các công trình của họ cộng lại.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN  

    …Minh triết là sự làm sáng tỏ một cách khôn khéo những chuyện trong trời đất có liên quan đến cuộc sống vật chất và tinh thần của con người trong xã hội một cách chân thực, rộng rãi, sâu sắc và nó có những năng lượng tiềm tàng rất quý giá đối với sự phát triển tâm đức và trí tuệ con người…

  • WALTER BENJAMIN 

    (Trích trong tác phẩm Illuminations do Hannah Arendt biên tập và đề tựa, 1968, bản dịch từ tiếng Đức của Harry Zohn)

  • NGUYỄN HỮU QUÝ 

    1.
    Tôi luôn tin rằng các nhà thơ đích thực là những người rất lương thiện. Bởi ngọn bút của họ (bây giờ có thể là bàn phím) hướng về tình thương yêu và sự cao đẹp của con người.

  • ĐOÀN HUYỀN

    Xuất hiện ở Việt Nam đã gần một thế kỉ, đến thời điểm này chủ nghĩa hiện thực tuy không còn giữ địa vị của một khuynh hướng sáng tác thống soái nhưng điều đó không có nghĩa những người cầm bút Việt Nam đã thực sự thoát khỏi từ trường của khuynh hướng sáng tác này.