Nặng trĩu đời người

16:04 25/09/2009
NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…

(Ảnh: Internet)

Trước mặt Dũng là dòng sông biên giới Việt - Lào đang cuộn chảy, thỉnh thoảng một vài thân cây mục bị giòng nước đục ngầu cuốn trôi lừng lững qua đập vào ghềnh đá bật tung những bọt nước trắng lóa như ánh bạc. Dũng chợt rùng mình, âm thanh dòng chảy cứ rờn rợn, cứ mải miết ầm ầm ào ào không ngớt bên tai anh. Nhưng vẫn không làm Dũng bận tâm. Đôi mắt anh luôn căng luôn nhìn ngược lên phía nguồn sông, điều duy nhất lúc này trong Dũng là sự chờ đợi…

Thời gian càng trôi đi trong đầu Dũng càng nhiều những giả thiết. Rà soát lại những bất trắc có thể đến với người cung cấp hàng, Dũng thấy trong lòng như có lửa đốt. Để trấn tĩnh, Dũng tự đưa ra những luận cứ mang tính tự an ủi: “Tiền đặt cọc lấy hàng mình đã giao đủ. Nước sông có dâng lên cao hơn như thế nào cũng chẳng làm phiền được những người chuyên vận chuyển hàng qua biên giới… chắc tại trời tối cản tầm nhìn nên có chậm đôi chút…”

Và như để lấy thêm tinh thần, Dũng cúi gập ngang người lấy lưng che những hạt nước mưa, lần tay mở chiếc cúc áo cố móc ra gói thuốc lá nằm trong túi áo ngực bên trong. Mặc dù đã cố gắng lau khô một bàn tay bằng vạt áo mặc trong người nhưng điếu thuốc vẫn bị thấm nước. Dũng nhẹ tay rứt cái đót vất xuống đất và móc bật lửa ra mồi thuốc. Những tia lửa phát ra từ chiếc bật lửa ga tóe lên liên hồi trong màn đêm vô tình trở thành ngọn đèn dẫn hướng. Một tiếng hú “hu…hu…” vọng lên từ giữa dòng sông đang chảy xiết.

Dứt điếu thuốc chưa kịp bắt lửa khỏi môi, ném mạnh xuống đất, Dũng bật dậy chạy xuống sát mé sông cất tiếng hú đáp trả, vừa chạy anh vừa quành tay ra sau lưng lấy chiếc đèn pin nhét ở thắt lưng. Dũng huơ tay quét một luồng sáng xuống mặt nước sông. Cách không xa ngược về phía dòng chảy có một con thuyền nhỏ đang lao nhanh theo dòng nước chợt ghì chậm lại. Mũi thuyền khéo léo lách tránh những tảng đá, khúc cây gỗ mục trong ánh sáng mờ mờ của trời đêm rồi được đánh ngoắt vào bờ, đáy thuyền cà vào những viên sỏi kêu xào xạo. Dũng quên cả ướt lạnh, nhanh chóng vươn tay ra bắt mũi thuyền và gò lưng kéo mũi thuyền táp sâu thêm vào bờ. Một phần ba thân thuyền đã nằm ở trên bờ làm cho dòng nước trở nên bất lực và giận dữ vỗ oàm oạp vào mạn thuyền còn ở dưới nước. Trên thuyền, một người thanh niên nhỏ thó mặc trên người bộ quần áo đi mưa xám xịt và đội chiếc mũ cối tùm hụp trên đầu làm cho anh ta gần như bị trộn lẫn vào trong bóng đêm. Chỉ có hàm răng lóe trắng khi anh ta cất giọng khàn khàn chửi đổng:

- Đ.mẹ! Mưa dữ quá, nước sông chảy mạnh. Tôi phải chèo ngược dòng cách đây gần một cây số ở bên bờ bên kia đấy. Sợ trôi mẹ đi đâu mất thì toi.

Dũng cũng định nói đôi lời trách móc nhưng thấy có trách thì công việc cũng không hơn gì, quan trọng là thuyền đã tới, còn kịp thời gian mang hàng về điểm tập kết trước khi trời sáng tỏ nên cười:

- Vậy là may lắm rồi… tôi cứ tưởng chuyến nầy thành công cốc.

Gã thanh niên không trả lời và cũng không lên bờ, gã lúi húi cậy miếng ván giữa lòng thuyền lôi lên một kiện hàng bọc kín trong tấm vải ni lông chuyền qua mạn thuyền, Dũng lội xuống sát mép nước đỡ lấy và vác thẳng lên bờ. Đặt kiện hàng xuống mặt đường, Dũng quay lại mép nước, móc trong túi áo ngực ra một tệp tiền đưa cho hắn. Kẻ đưa người nhận, hai bàn tay đưa đón xương xẩu trắng bợt vì ngâm nước giống như hai đầu con cò lặn lội đêm hôm mớm nhau chú cá tép. Gã thanh niên không cần nhìn xấp tiền Dũng vừa đưa, gã chỉ nhanh tay dúi sâu nó vào những lớp áo đang mặc rồi chống chiếc sào tre đẩy mạnh, chớp mắt con thuyền mất dạng trong màn đêm sũng nước lẫn tiếng ầm ào của dòng sông.

Vác kiện hàng trên vai, Dũng lầm lũi đặt từng bước chân trên con đường mòn cắt ngang thân núi. Thỉnh thoảng Dũng phải gắng gượng bấm chặt mười đầu ngón chân vào giày ba ta để lấy thăng bằng khi lỡ đặt chân vào những tảng đá trơn trượt. Bầu trời lúc nầy đã tang tảng sáng, cơn mưa tầm tã suốt đêm cũng bắt đầu ngớt hạt, đâu đó vọng lên những tiếng gà rừng o…o buồn nản, đơn độc giữa không gian tĩnh lặng hoang sơ của núi rừng.

Món hàng Dũng nhập lần này là thứ hàng độc. Độc bởi ngoài thị trường ở thành phố rất hiếm và đang cần. Để quên trọng lượng kiện hàng mỗi lúc lại nặng thêm trên vai và những bước chân lúc hẫng lúc hụt, Dũng vừa đi vừa suy tính… Chỉ chập tối mai khi xe khách trở lại thành phố, giao hàng xong Dũng sẽ kiếm được một chỉ vàng ngon ơ. Quen hàng, quen mối, quen với đồng tiền lời làm cho Dũng cảm thấy nhàn nhạt khác với mấy chuyến hàng đầu cầm những đồng tiền lời Dũng thấy phấn khích vô cùng. So với hồi còn ở quê, cả nhà Dũng chỉ trông vào mấy sào ruộng cấy lúa cả năm cũng không để dư nổi một chỉ vàng… Nghề buôn lậu không đơn giản như nhiều người quan niệm. Kiếm được đồng tiền cũng phải trầy da tróc vẩy, phải đêm hôm lặn lội chui lủi như những con thú săn đêm và chỉ sơ sẩy một chút là có thể mất cả vốn lẫn lời. Để có chuyến hàng trót lọt ngoài máu liều xanh chín cần phải biết tính toán. Chọn thời điểm hàng hút hay đứng lẫn địa điểm giao hàng thích hợp. Phải nắm được quy luật tuần tra kiểm soát của lực lượng chống buôn lậu, phải dày công gây dựng mối nhập hàng, bán hàng tin cậy… Nghĩ tới chuyến hàng trước Dũng cũng còn thấy kinh hoàng, lần đó Dũng bị bộ đội biên phòng bắt gặp đúng lúc chuẩn bị nhận hàng ở một địa điểm mà Dũng đã bỏ. Con thuyền chở hàng vừa cập bờ bỗng xung quanh Dũng có những ánh đèn pin lóe sáng loang loáng, tiếng quy lát lên đạn lách cách kèm theo tiếng hô: “Đứng im! Đưa hai tay lên trời! Theo bản năng, Dũng dùng hết sức xô mạnh chiếc thuyền ra xa bờ trước khi đưa thẳng hai tay lên đầu, may đoạn sông đó có khúc ngoặt nên chiếc thuyền biến mất trong tích tắc. Còn lại mình Dũng đứng như chôn chân bên bờ sông, với hàng loạt những câu tra vấn vang lên:

- Đi đâu? Làm gì ở đây?

Dũng biết có chối cãi cũng không được, vả lại kinh nghiệm cho Dũng thấy càng loanh quanh càng lắm tội, Dũng thật thà đáp lại như một cái máy:

- Dạ, em là dân đi buôn… Xin các anh tha cho, em có một mình buôn bán nhặt nhạnh kiếm cơm kiếm cháo cho các cháu nhỏ ở nhà.

Ánh đèn pin lia từ đầu tới chân Dũng lộ ra bộ dạng thảm hại quen thuộc của những kẻ lấy đêm làm ngày như Dũng, mấy người lính biên phòng hạ giọng:

- Có thật dân buôn không… vậy hàng đâu?

Dũng lắp bắp:

- Dạ… dạ họ thấy có động nên không dám chuyển hàng… em nói thật xin các anh tha cho.

Một người lính khá lớn tuổi tiến đến sát Dũng rồi lần tay khám xét từ đầu tới chân Dũng và nói:

- Thôi được, tha cho lần này, lần sau tái phạm là chết đó.

Đội tuần tra đi khỏi một lúc mà Dũng chưa hết bàng hoàng sợ hãi. Về đến nhà trọ Dũng nằm nửa ngày trong phòng. Làm cửu vạn phải thật dè sẻn mới có dư ra được ít tiền gửi về cho vợ con. Không dễ gì gây dựng được mối mua bán hàng. Dũng không muốn vợ con mình sống nheo nhóc. Người ta nói có nhiều cách làm ăn kiếm tiền, nhưng Dũng có biết gì đâu ngoài làm cửu vạn và giờ thì tập tành đi hàng. Dũng muốn kiếm một số vốn kha khá đủ để tạo dựng một công việc gì đó ổn định ở quê thì Dũng sẽ bỏ nghề buôn lậu này. Cái nghề đã biến cuộc sống của cá nhân Dũng như một con chuột sống chui lủi trong các xó xỉnh. Cực chẳng đã Dũng lại tặc lưỡi tiếp tục lao vào màn đêm với những chuyến hàng.

Thời gian gần đây lực lượng chống buôn lậu cũng đã nới tay cho dân đi buôn. Phần vì hàng hóa trên thị trường đã tràn ngập. Lãi suất không còn được như xưa. Người đi buôn mỗi ngày một nhiều. Lực lượng chống buôn lậu lại mỏng không làm sao kiểm soát hết được các ngả đường nhập lậu hàng hóa.

Vào những buổi ngày, trong khi chờ đợi giao hàng Dũng hay la cà ở quán cà phê để nghe ngóng tình hình. Có lần Dũng nghe được ở bàn bên có mấy người kháo nhau:

- Được khỉ gì. Lớ ngớ bị bắt mất hàng thì sạt nghiệp.

- Mấy khi bị bắt. Bắt hết hàng lậu thì còn ai dám đi buôn, ai nuôi người làm công vụ. Họ vẫn đi đầy ra kia kìa.

Lối buôn bán như Dũng chỉ là cò con. Nhiều đại gia tổ chức cả một mạng lưới buôn bán lớn. Họ có nhiều vốn, họ biết đường đi lối lại, họ có cả một lực lượng cửu vạn trung thành chuyên đi bốc vác hàng lên tới hàng chục người. Mỗi chuyến hàng của họ tiền lời lên đến hàng tỷ. Họ chỉ ngồi một chỗ cầm điện thoại điều khiển mạng lưới. Dũng không bao giờ dám mơ mình trở thành ông chủ như thế. Dũng chỉ mong tự mình bỏ công sức làm những chuyến hàng nhỏ nhỏ, kiếm được đồng nào giữ chắc đồng đó. Bản tính của người xuất thân từ làm nông không cho phép Dũng dám mạo hiểm. Vả lại nhỡ có làm sao sẽ làm khổ vợ con ở nhà.


Dũng đặt kiện hàng xuống vệ đường và ngồi bệt lên một tảng đá. Mồ hôi trên người Dũng vã ra như tắm. Những giọt mồ hôi gợi lại cho Dũng nhớ về những buổi trưa dầm mình trong nắng gắt để cố cày xong thửa ruộng. Những giọt mồ hôi khi đó cũng thấm đượm sức vận động của cơ thể trước những thao tác lao động chân tay như bây giờ, nhưng nó không mặn mòi bởi những toan tính, lo âu, sợ hãi như bây giờ. Giá như ở quê Dũng ngoài ruộng đồng có thêm một loại hình công việc gì đó ổn định thì Dũng đâu có vất vả như bây giờ. Dũng rất chịu khó chăm bẵm những thửa ruộng được hợp tác xã giao khoán nhưng chẳng bao giờ trong nhà Dũng có nổi vài trăm ngàn đồng. Túng thiếu luôn làm cho con người ta mất khôn. Những trận cãi vã với vợ thường xảy ra chỉ vì những lý do đơn giản. Thiếu tiền đóng học phí cho con cũng cãi nhau. Không mua được cân đường để đi ăn đám giỗ trong họ tộc vợ chồng cũng dằn vặt nhau. Đủ các lý do để vợ Dũng đi xem bói tin lời thầy nói là tuổi vợ chồng xung khắc với nhau. Khi đã quá chán cái cảnh túng thiếu thì Dũng hú họa vớ được cái cọc để bám. Mấy người làng rủ nhau tới thị trấn vùng biên này làm cửu vạn. Làm cửu vạn cũng chua sanh chua tử. Len được vào băng cửu vạn không đơn giản. Trên một bến ô tô thôi mà có đến mấy địa giới phân vùng những băng nhóm cửu vạn khác nhau. Tiền công kiếm được còn phải trích ra đóng cho người bảo kê. Được cái Dũng tinh nhanh, trong những lần gò lưng bốc vác hàng thuê Dũng nghe lỏm được rất nhiều mánh lới và cách thức buôn bán. Nhìn những món hàng trao tay đã có lời, Dũng nuôi ý chí đổi nghề. Sáu tháng Dũng mất tích đối với vợ con ở nhà. Dũng bóp mồm bóp miệng tích cóp từng đồng để làm vốn.

Chuyến hàng đầu tiên trót lọt, tiền lời kiếm được bằng cả một tháng thu nhập của nghề bốc vác. Vốn tích vốn, dần dà Dũng có một lượng vốn kha khá. Dũng khéo léo cân đối một khoản nhất định dành cho việc mua và bán, còn dư Dũng gửi hết về cho vợ.

Dũng rất ít về thăm nhà. Những chuyến hàng ăn khách, những đồng tiền kiếm được tiếp nối nhau làm Dũng thấy ham. Thoảng có người làng về thăm quê lên lại cho Dũng biết ở nhà vợ đã sửa được mái nhà bị giột, sắm được cái ti vi, những đứa con học lên lớp đều đều làm Dũng thấy yên tâm và không ngừng cố gắng.

Cứ cố, cố hết chuyến này đến chuyến khác. Có những lúc nhớ vợ, Dũng cũng dám bỏ ra vài trăm ngàn vào nhà hàng bia ôm, nhưng sau mỗi lần như vậy Dũng thấy tiếc tiền. Tiếc bởi đồng tiền Dũng kiếm được đâu có đơn giản. Nhiều lúc đang vác hàng Dũng phát hiện thấy đội chống buôn lậu tổ chức phục kích là phải co giò ba chân bốn cẳng chạy bất kể đá cắt, gai cào. Mà thật lạ, kiện hàng trên vai nặng như thế mà vẫn chạy được rất nhanh. Cũng phải thôi, không chạy nhanh mà bị bắt thì xem như hết vốn thậm chí hết cả đời. Cũng không ít lần bị trượt chân ngã sóng soài làm văng cả hàng. Nhìn xuống dưới chân thấy đầu gối bật máu, chân cẳng rách nát cũng phải cắn răng quên đau đứng dậy xốc hàng lên vai và chạy tiếp. Sau những chuyến chạy hàng như vậy vết thương thường sưng tấy đau nhức không tả xiết. Đó là những lúc Dũng phải nằm chẹp bẹp ở phòng trọ năm ba ngày, có khi cả nửa tháng trời. Chui lủi mang vác hàng trong rừng đã vất vả rồi nhưng không cực bằng phải nằm dưỡng bệnh một mình không có người thân bên cạnh. Ngày cứ dài như bất tận…

Ngôi làng Dũng vẫn quen gửi hàng thấp thoáng trước mặt trong màn hơi nước nặng chình chịch. Trong sương sớm lờ nhờ những ngôi nhà nằm rải rác ven con lộ liên huyện trông giống như những chiếc nấm mọc bên thân cây gỗ mục. Những con chó lài ở vùng này vẫn còn ngủ vùi, thường thì ở khoảng cách vài trăm mét là chúng đã bắt được hơi và cất tiếng sủa dữ dằn như muốn xé nát con mồi, thường đưa được hàng vào gửi là Dũng có thể tạm yên tâm. Nhận tiền thù lao, chủ nhà có trách nhiệm cất giấu hàng thật kỹ, khó có ai phát hiện. Khu vực này chưa bị đội chống buôn lậu đưa vào tầm ngắm. Họ còn đang tập trung giải quyết ở những điểm nóng.

Còn cách khoảng ba trăm mét, Dũng dừng chân bước đổi vai kiện hàng. Xoay đến lưng cổ thì Dũng nghe thấy có một cái gì đó đau buốt như một luồng điện chạy giần giật từ cổ xuống sống lưng. Kiện hàng rời khỏi tay giữ…

Tỉnh dậy trên giường bệnh trong bệnh viện. Dũng thấy cơ thể mình bất động. Hơi nghển đầu nhìn xuống, nửa thân người Dũng chỉ thấy trắng toát một màu. Dũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình, ý nghĩ đầu tiên trong Dũng là kiện hàng chưa được cất giấu, chưa được giao cho khách hàng, lưng vốn Dũng bỏ vào kiện hàng đó. Dũng thấy lo cháy ruột định chồm dậy nhưng không được. Vừa lúc đó một người mặc áo blu trắng đi tới, Dũng cất tiếng hỏi bằng âm giọng khẩn khoản:

- Bác sĩ ơi! Em bị làm sao thế?

Người mà Dũng gọi là bác sĩ nhìn vẻ mặt Dũng bằng ánh mắt ái ngại:

- Cậu gặp may đấy. Nhờ mấy con chó phát hiện ra cậu nằm bất động nên sủa gọi người tới đưa đi cấp cứu kịp thời. Cậu bị dập đĩa đệm cột sống…

Dũng ngắt ngang lời của người bác sĩ:

- Vậy… vậy kiện hàng của em…

Cô y tá đang đứng chỉnh ống chuyền bình đạm phía đầu giường bỗng ngoa nguýt:

- Chưa bị liệt suốt đời là may mắn lắm rồi… còn hàng họ gì nữa chứ.

Những lời nói của cô y tá như những vết dao xoáy sâu vào lòng. Dũng nấc lên một tiếng thảm thiết. Người bác sĩ quay lại nhìn và bắt gặp trong đáy mắt đầy tuyệt vọng của bệnh nhân ứa ra những giọt nước mắt.

Huế 10/2008
N.H.K
(247/09-09)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN CHINH VŨTầu về đến ga vào lúc ba giờ sáng. Anh như người chợt tỉnh sau một giấc ngủ chập chờn. Suốt ba mươi tiếng đồng hồ ngồi ròng rã trên tàu, trong một khoảng không gian dài hẹp, cùng với mọi tiếng động ầm ĩ.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚKhông ai biết tung tích lão Ngư. Nghe đồn rằng: một sớm nọ, ông bõ già của nhà thờ xứ làng vạn chài ra mở cửa thì nghe tiếng trẻ con khóc oa oa từ chiếc thúng đặt ở bậc tam cấp lên xuống của nhà thờ.

  • NGUYỄN SANSinh cố kiềm chế tối đa để khỏi phải văng tục trước thái độ đầy xấc láo, ngạo mạn của ông Đi.

  • NGUYỄN THANH HIỆNNgày nay, mỗi lần nhắc đến hát bội, dân làng Lâm Thượng lại nhớ chuyện ông hương cống Duật, người soạn tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân, nổi tiếng một thời.

  • NHƯ BÌNHCây gạo cụt đầu làng chết câm bao năm. Thân cổ thụ xù xì hóa đá đứng lù lù trước cổng làng, lặng lẽ không đếm xỉa đến thời gian. Mùa xuân năm đó bỗng dưng bật trồi lên ba cái nhánh. Ba nhánh gạo đâm tõe lên trời rùng mình thản nhiên xòe ra những chấm lá xanh.

  • HOÀNG THÁI SƠNTổng Giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp cao su Nam Mê Công xiết chặt tay Long:- Hẳn anh không ngờ có cuộc hội ngộ này?

  • KIM NHẤTĐám ma bà Gái thật là buồn! Ngoài một số bà con trong xóm nghèo cùng mấy đứa nhóc lượm nhôm nhựa với bà thì chẳng có ai là họ hàng thân thích.

  • NGUYỄN QUỐC ANHNgày ngày cuốc đất, gánh phân, cào cỏ. Ngày ngày đã diễn ra như thế, đơn điệu và buồn tẻ. Buổi tối, những đồi chè từ màu xanh chuyển sang màu xanh thẩm, những đêm đông thì đen đặc mông lung, vô tận.

  • HỒNG NHU1.Ngài thủy tổ khai canh dòng họ Âu ở Tường Niêm xuất thân là một người lính trong đạo quân Trung Nghĩa của Chúa Nguyễn Hoàng khi Chúa vào trấn thủ Thuận Quảng.

  • NGUYỄN VIỆT HÀCô đến và vẫn như mọi khi, anh đang vẽ. Trời xam xám mầu của gió mùa Đông Bắc những đợt vớt vát cuối.

  • PHAN VĂN LỢINhững ngày cuối năm 1970. Hướng chiến dịch của mùa khô mới đã được xác định. Địch sẽ huy động một lực lượng lớn các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ phối hợp với quân ngụy Lào, có sự chi viện tối đa hỏa lực pháo binh và không quân Mỹ để tiến hành một cuộc hành quân quy mô dọc đường Chín nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển chiến lược của ta, sau đó sẽ nống ra đánh phá đường giao thông và các kho tàng hậu cần của tuyến đường Trường Sơn vùng Trung - Nam Lào.

  • THẠCH QUỲ1.Ở góc đường phố Lê Ngọa Triều có một quán rượu nép dưới bóng cây ngô đồng xum xuê như chiếc lọng xanh. Bên cạnh quán rượu là dãy hàng hoa. Hoa hồng, hoa cúc, hoa mi-mô-da cắm đầy trong các xô nhựa.

  • NGUYỄN NGỌC LỢIBóng chiều phủ xuống núi rừng một màu xám ảo mờ. Đã hết một ngày quần quật của đám phu đãi vàng. Lúc này trên xà lan đang diễn ra bữa cơm chiều. Đám phu ngồi bệt trên mảnh sàn nhớp nhúa, bưởng trưởng cách đó một đoạn có mâm có chiếu.

  • LÝ BIÊN CƯƠNGNgười đàn bà ấy sợ bóng tối, sợ đêm về.

  • NGUYỄN THIÊN VIỆTSau khi tốt ngiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà nội, tôi được phân làm biên tập viên của một tờ báo địa phương. Thế rồi khát vọng bay nhẩy và mong muốn kiếm ít vốn đã đưa tôi sang Liên Xô hợp tác lao động.

  • NGUYÊN QUÂNTheo chân những con người một thời bỏ chạy mất dép, giờ lũ lượt quay trở về với nhãn mác sang trọng Việt Kiều yêu nước và cùng lúc với sự khai mở cánh cửa hướng ra bên ngoài của nền kinh tế vốn rất cạn kiệt, trì trệ sau cuộc chiến tranh dai dẳng.

  • TÔN NỮ THANH TỊNHAnh nhìn đầu tiên của cô gái làm tôi xao xuyến. Đôi mắt long lanh, trên khuôn mặt trái xoan điểm nụ cười duyên, mái tóc đen mượt phủ ngang vai. Dáng nhẹ nhàng, thanh thoát trông như một nhành lan.

  • NGUYỄN HOÀNG ĐỨCA, không biết có phải cậu ta không, trông oách quá. Chợt cái thân hình mập ú xúng xính trong chiếc Veston ngoại lượn xoáy một vòng rất kiểu cách trên đôi giày bóng như quang dầu nơi khúc quặt góc hồ.

  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBỏ dép, tôi thả bộ trên cát ướt. Bàn chân chạm lên những xác cua còng, vỏ sò... có hơi kến một chút nhưng tôi được tiếp nhận sức sống dồi dào từ lòng đại dương thấm vào da thịt. Lâu lắm tôi mới lại đi trên bãi biển như thế này và hơn thế lại với một người đàn ông.

  • NGUYÊN QUÂNGã vẫn lầm bầm, cái điệu nói nuốt âm trong cổ họng càng làm tôi điên tiết. "Mẹ kiếp! đồ cơ hội!". Tôi chợt khoái trá, dù tôi biết chắc chắn rằng cái khoái trá ấy chẳng lọt đến đôi tai vểnh ngược rất khó ưa của gã nhà đò.