Mượn đạo tạo đời

09:34 16/08/2018

DƯƠNG THÀNH VŨ

Tôi lại thất nghiệp.
Thượng Đế vốn nhân từ và công bằng. Ngài ban cho kẻ thừa tiền lắm của những lạc thú trần gian thì cũng ban cho cậu thiếu niên mười sáu tuổi đầu, không nơi nương tựa, sức chịu đựng bền bỉ, trí khôn đối phó với hoàn cảnh và bươn chải với đời.

Minh họa: Nguyễn Trọng Tạo

Ngồi ở vỉa hè mà than thân trách phận hay oán hận cuộc đời không làm cho số kiếp tốt đẹp hơn. Mà bạn thấy đó, cuộc đời vốn cũng nhân hậu và sòng phẳng. Bạn cứ việc có tiền, có địa vị thử xem. Đừng nên phàn nàn món quà số phận: Tự do.

Tôi rút ra được cái hệ luận quí báu ấy khi tóc đã chớm bạc, thầm cảm tạ đấng cao xanh hoặc lòng dạ con người. Và câu chuyện dưới đây, được kể từ góc độ này.

Khi trả đồng bạc cuối cùng đổi lấy gói xôi, tôi nghĩ tốt nhất là tới gõ cửa nhà một người bà con, nổi tiếng là tốt bụng, ăn nhờ ở đậu ít hôm. Đó là bà cô, anh em chú bác ruột với cha tôi. Theo nội tôi kể hồi còn sống, cha tôi từng giúp gia đình cô dượng qua cơn hoạn nạn. Với kỷ niệm tốt đẹp như vậy, ít ra tôi cũng tá túc được mươi hôm để tiếp tục đi xin việc làm.

Cô dượng tiếp tôi khá nồng hậu, nhắc lại cha tôi thuở sinh thời, dúi cho tôi mấy chục bạc để tiêu vặt. Cô còn nói: "Ba mi học thông lắm, nói tiếng Tây ro ro. Mi cố mà lấy cho được cái tú tài".

Nhưng tôi đang gặp vận xui. Mới tá túc nhà cô được năm ngày thì đã sinh chuyện. Tôi làm mất chiếc xe đạp mượn của anh hàng xóm đi lo hồ sơ chuyển trường và xin việc làm. Chiếc xe không đáng giá là bao, nhưng cả tôi và chủ nhân đều là dân đói rách nên nó trở thành vấn đề. Đúng là đã đi "ăn mày còn gặp chó cắn".

Người ta bắt kẻ có tóc không ai bắt đứa trọc đầu. Anh hàng xóm liền tới nằm vạ bắt cô dượng tôi phải bồi thường. Cô tôi làm ơn đâm ra mắc oán. Từng ăn "cơm nếm" nhiều nhà, tôi hiểu rõ giới hạn tình cảm trong quan hệ bà con láng giềng. Đẩy họ qua khỏi giới hạn ấy ai cũng có thể trở thành xấu bụng. Sự đời người nào phận nấy. Ai cũng có con cái, vật sở hữu để chăm sóc bảo vệ; hơi đâu mà lo chuyện bao đồng. Đó là đạo đức của người nguyên thủy lẫn người văn minh. Nếu bạn có một mái ấm như tôi bây giờ, chứ không phải ở vào địa vị cậu thiếu niên gặp rủi ro, bạn mới thông cảm cho nỗi lòng của cô dượng tôi lúc đó. Tôi ôm gói ra khỏi nhà cô sau khi hứa sẽ mang lại gởi cho cô số tiền cô phải xuất ra đền cho người ta. Tất nhiên cả tôi lẫn cô đều không tin vào khả năng thực hiện lời hứa ấy.

* * *

"Hết cơn bĩ cực thì tới hồi thái lai" và quả có vậy. Sau ba ngày lang thang, tôi gặp một người bà con bên ngoại. Bà ta dẫn đầu hai chú nhóc cỡ tuổi tôi đang đi "phát hành hương cho nhà chùa". Bà ân cần hỏi thăm tình cảnh của tôi; sau đó cho tôi mấy chục bạc rồi nói: Con ghé vô quán ăn cơm rồi chờ đó, dì bán hết mấy ôm hương rồi trở lui. Về nhà dì chơi ít ngày".

Người tôi gọi bằng dì là chủ một hãng hương, đặt cơ sở sản xuất trong ngôi chùa làng ở ngoại ô. Để tiêu thụ hương với giá cao, bà chủ nghĩ cách mua đứt nhãn hiệu cùng giấy giới thiệu của một khuôn giáo hội; sau đó tuyển mộ những người có bề ngoài mát mắt, chia từng tốp hai ba người, đóng vai phật tử đi phát hành hương gây quĩ cho hoạt động Phật sự. Tóm lại, mượn đầu heo nấu cháo.

Công bằng mà nói, nhờ sáng kiến của bà chủ, hằng trăm người thất cơ lỡ vận hoặc đang rơi xuống bùn đen, có được nghề làm ăn tương đối nhẹ nhàng mà thu nhập lại cao. Hiển nhiên do yêu cầu nghề nghiệp, một số thiếu niên phải tự nguyện cạo đầu làm "chú điệu" phục vụ cho việc kinh doanh. (Toán nào có "chú điệu" dẫn đầu thường thu nhập gấp đôi những toán chỉ đóng vai gia đình Phật tử) - Thấy nghề này thuận tiện cho việc học hành, nhất là khỏi lo nơi ăn chốn ở, tôi gia nhập đạo quân "làm công quả cho nhà chùa".

* * *

Dù cả gan mượn danh cửa Phật đi gạt gẫm những đạo hữu thành tâm, bà chủ hãng hương vẫn là người mê tín. Mỗi sáng trước khi đoàn quân xuất hành, bà đốt một bó hương to tổ bố, van vái đủ mặt trời - phật - thánh - thần - âm binh - thổ địa, bái lạy đủ mười phương bốn hướng, rồi cắm hương từ ngõ vô tới ông thần tài, thần bếp. Xong xuôi, bà lên chùa cầu nguyện chư Phật gia hộ cho mua may bán đắt. Hình như trong thâm tâm, bà ta nghĩ rằng, thờ Phật hưởng lộc Phật là lẽ tự nhiên (bà hay nói: "Cúng thần thần đãi"). Đối với bà, nghi lễ thờ phụng, màu cờ sắc áo, tổ chức giáo hội, ăn chay giữ giới... là toàn bộ nội dung của giáo lý đạo Phật. Cứ ăn chay niệm Phật, giữ giới, nghe theo lời dạy của quí đại đức thượng tọa, xả thân cho đạo pháp khi quí thầy yêu cầu, là có thể đến bờ giải thoát. Những khách hàng "thỉnh" hương giá ủng hộ cho bà cũng tin như thế. Và có lẽ quí thầy sống bằng công quả của tín đồ đóng góp cũng muốn tín hữu giữ mãi lòng tin như thế.

* * *

Tôi được ghép với một chị xấp xỉ ba chục tuổi đã hành nghề này mấy năm, và một nông dân cũng trên dưới ba mươi, thuộc loại lính mới như tôi (có bà con xa với bà chủ, theo thứ bậc họ hàng thì tôi gọi bằng cậu).

Chúng tôi nhận hương của bà chủ với giá người ta bán lẻ ngoài chợ, nghĩa là cao hơn hai mươi phần trăm giá bà chủ bỏ sĩ cho bạn hàng. Bù lại, chúng tôi được bà cho góp gạo ăn chung với bà (rẻ hơn cơm hàng cháo chợ nhiều), được tá túc trong nhà bà, bà còn trang bị mọi phương tiện hành nghề: Từ cái giỏ xách cho đến giấy giới thiệu nhà chùa. Chúng tôi lại khỏi bỏ vốn, cuối ngày bán còn bao nhiêu trả lại cho bà. Mọi chuyện đều sòng phẳng hợp lý theo tập tục và đạo đức kinh doanh.

Nhóm chúng tôi vừa ra ngõ thì gặp ngay cái đám tang. Đó là điềm may mắn không thể nào chối cãi được (theo lệnh bà chủ, toán nào vừa ra khỏi cổng mà gặp đàn bà có chửa là phải trở vào đốt chổi cùn xả xui mới được đi tiếp). Tin vào điều đó, chúng tôi quyết định bán ngay trong thành phố (Với đám thị dân tinh ranh láu cá này, chỉ có bà chủ hãng mới có đủ nội lực buộc họ "phát nguyện công đức", những nhóm khác thường chọn vùng thôn quê). Chị "lính cũ" đã quen nghề, miệng lưỡi dẻo quẹo, trình độ văn hóa lại hơn hẳn hai chúng tôi nên được ưu tiên khỏi xách giỏ. Bù lại, chị phải có nhiệm vụ "hát bài con cá" để đạo hữu động Phật tâm xùy tiền ra.

Nơi chúng tôi ghé vào đầu tiên là tiệm bánh của một người Tàu. Chúng tôi vừa chấp tay "mô Phật" chưa kịp "hát bài con cá" thì ông chủ (mặc quần xà lỏn, tay phất phẩy quạt giấy dọc theo cái bụng nước lèo. Khuôn mặt nung núc thịt bày tỏ thái độ không mấy thân thiện) khoát tay chận câu "kinh phật tụng" của chị "lính mới" sắp tuôn ra. Ông nói:

- Ngộ piết dồi... lể ngộ mua năm po.

Đúng ra đường gặp đám ma nên me xưa me xớm gặp ngay khách sộp.

Sau câu nói của ông, từ gian nhà sau hơi tối tăm, một người đàn bà Trung Hoa khô đét và lặng lẽ như cái bóng bước ra hỏi chúng tôi:

- Bao nhiêu một po ?

- Thưa bà, bốn chục một bó ạ - Tôi nhanh nhẩu trả lời.

Bà đưa tiền cho chúng tôi, nhận hương rồi quay ngay vào trong mất hút. Tôi liếc nhanh về phía các bàn thờ từ trên cao xuống dưới đất: Không có một ông Phật nào. Tuy thế, chúng tôi vẫn chắp tay "mô Phật" xá mấy xá trước khi thối lui cho xứng với đồng tiền người ta bỏ ra (mua lạy bán dạ mà). Ông người Tàu dửng dưng phe phẩy quạt giấy trước màn trình diễn của chúng tôi.

Ra đường tôi hỏi chị "lính cũ".

- Hình như nhà lão Tàu ấy không thờ Phật ?

- Phần đông người Tàu ở đây không thờ Phật.

- Vậy sao mua cho chùa nguyên năm bó một lúc ?

- Có lẽ họ có cách sống khác với dân mình... Chắc hơn cả là để bọn mình cút cho khuất mắt, không nằn nì lôi thôi.

- Vậy mình nhớ chỗ này lâu lâu ghé một lần.

Đừng hòng ! Mỗi năm lão ấy chỉ mua một vài lần, sau đấy cất một chỗ để trưng ra cho các toán khác mò vào thấy là họ đã mua ủng hộ rồi. Nói chung, những người tha phương cầu thực thường sống khôn khéo.

- Họ không dùng à ?

- Họ chỉ dùng hương của người Tàu sản xuất thôi. - Ngẫm nghĩ một chút chị nói tiếp - Cái nghề làm đĩ bằng lỗ miệng này nhiều khi cũng nhục nhã lắm.

Anh chàng nông dân hình như chỉ quan tâm tới cái bao tử của mình. Anh đề nghị:

- Có tiền rồi, ghé quán mần một tô phở đặc biệt cho sướng cái miệng cái đã rồi đi bán tiếp.

Chị "lính cũ" lắc đầu:

- Đang lúc đi bán không được lê la quán xá, mất uy tín thì có nước xách hương về. Đạo hữu họ cúng đáo để lắm, ngoài mặt thì hỷ xả vậy chứ chăm chăm dò xét từng li từng tí. Thành thử hai người đang tư tình hoặc hai vợ chồng cùng đi một nhóm, ăn uống nói năng bừa bãi là bể mánh ngay. Muốn ăn uống chi về nhà hẵng hay. Tôi dặn lại một lần nữa, vào nhà người ta không được tò mò ngó liên ngó láo.

Anh nông dân băn khoăn:

- Vậy lỡ bán quá trưa cũng đành nhịn đói à ?

- Phải chịu khó vậy thôi.

Tôi hỏi:

- Vậy lỡ đi bán xa thì trưa giải quyết ra sao ?

- Tốt nhất là kiếm một nhà đạo hữu mộ đạo, cứ nhìn cách thờ cúng trong nhà là đoán ra ngay, đưa tiền nhờ họ nấu giúp bữa cơm chay. Dứt khoát là phải ăn đồ chay trong lúc đi bán. Đôi nhà ủng hộ luôn bữa cơm cho người đi làm công quả cho chùa.

Ở đây chị là chỉ huy nên không ai dám cãi lời. Anh nông dân cố vớt vát:

- Thôi không ăn cũng được, nhưng ghé quán nước mía mần một ly cho đỡ mỏi chân. Sáng mai tui không ăn bánh mì nữa, phải ních một bụng cơm mới được.

* * *

Cuộc đời anh nông dân, cậu bà con với tôi, không có gì đặc biệt. Sinh ra và lớn lên trong lũy tre làng, giữa thời tao loạn; anh không mơ ước gì hơn sau một ngày làm ăn túi tăm mặt mũi được về yên ổn hú hí bên vợ con, mồng năm ngày Tết có bữa rượu ván bài, thỉnh thoảng diện bộ đồ vía đi ăn giỗ ăn cưới. Nhưng chiến tranh đâu có miễn trừ cho hạng dân đen. Để gần gũi với vợ con, có bị giết cũng được chết ở làng, anh lo lót vào lính dân vệ của xã; đêm đêm vác súng trường ra vòng rào ấp chiến lược và nguyện cầu trời đất đừng xui mấy ông "Vi xi mò về hoạt động". Sự đời, choảng nhau chó chết mèo cũng le lưỡi, chỉ có những thằng cha đứng ngoài vỗ tay là khoái.

Sinh đứa con thứ năm được mấy tháng, anh bị súng đạn cướp mất "bộ đồ nghề" trời dành cho đấng mày râu. Ai cũng cho là may vì nhờ vậy mà được giải ngũ. Cách ngày tôi bước chân vào hãng hương một tháng, làng anh (tức quê ngoại của tôi) biến thành bãi chiến trường. Anh bồng bế vợ con lên lánh nạn ở đây. Vợ con thì xe hương hoặc phục vụ những công việc lặt vặt, anh thì xách giỏ theo đoàn người "hành đạo".

Quen ăn cục nói hòn anh khó có thể nhập thân vào vai diễn trong tấn tuồng bà chủ đạo diễn.

Số phận chị "lính cũ" đa đoan hơn. Đoạn trường "hồng nhan đa truân" của chị khởi đầu từ lúc đôi mắt lá răm lẳng lơ đa tình trên khuôn mặt xinh tươi của cô nữ sinh lớp đệ nhất ban văn chương, lọt vào "mắt xanh” của tay giáo sư Việt văn, đẹp trai, thông thái và vô đạo đức. Sau đó là mang bầu, bị gia đình ruồng bỏ, phá thai, rơi vào tay bọn ma cô trí thức lẫn thất học, cuối cùng là làm đĩ.

Phước đức chị còn dày nên trời xui đất khiến bà chủ quyết tâm dấn thân vào xóm nhà thổ ấy để "hành đạo". Cuộc hội ngộ định mệnh đã xảy ra. Bà chủ nhận ra ngay khả năng trở thành một người "bán hương cho chùa" rất tuyệt vời ở nơi chị. Chị thì vẫn chờ cơ hội để làm lại cuộc đời. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, hai người tâm đắc với nhau ngay. Với tài thuyết phục trời cho, bà chủ hãng hương đã khiến cho bọn tú bà ma cô côn đồ tin rằng trong họ vẫn chứa đựng Phật tâm vì nghiệp chướng nặng nề mà phải chịu đọa đày, bà khuyên họ phát khởi tâm lành thì sẽ được Đức Phật độ trì. Sau đó bà xin chuộc chị ta về nhà chùa để nấu nướng cho quí thầy. Bà nói hay quá khiến cả bọn người cặn bã đều rưng rưng xúc động, đồng ý phóng thích chị mà không nhận một đồng xu "của nhà chùa" (tất nhiên nếu bà phải chi tiền ra thì sau này chị ta phải trả lại).

Bước ra khỏi nhà thổ, cảm thấy mình đang bước vào một thế giới tràn ngập ánh đạo vàng. Một bầu trời trong sạch và xao xuyến mở ra trong tâm hồn của cô cựu nữ sinh lớp đệ nhất ban văn chương, đã ê chề dày dạn phấn son.

Khi biết thực chất của bà chủ hãng hương, chị vỡ mộng. Té ra trong xã hội có quá nhiều thứ nhà thổ. Nhưng dù sao cuộc sống cũng đã dạy cho chị những bài học cay đắng nên chị đủ khôn ngoan để chấp nhận thực tế phũ phàng, ứng phó với hoàn cảnh để tìm ra lối thoát tốt nhất.

Sau một thời gian đi bán hương đã dành dụm một số tiền kha khá gởi ngân hàng để phòng thân, chị xin phép bà chủ cho chị được lên chùa để nấu nướng phục vụ cho quí chú quí thầy tu học, theo ý nguyện đầu tiên của chị khi gặp bà. Bà chủ bằng lòng ngay, lại còn dẫn chị tới một ngôi chùa giới thiệu trực tiếp với thầy trụ trì. Bà căn dặn chị trước, khi đưa chị lên chùa: "Em đã phát nguyện thì phải làm kẻo mang tội. Nhưng khi nào em thấy không muốn ở chùa nữa thì cứ quay về ở với chị, kiếm số vốn kha khá rồi kiếm tấm chồng". Ở chùa chưa được ba bảy hăm mốt ngày, chị ôm gói về lại hãng hương. Bà chủ hỏi lý do, chị đỏ mặt không trả lời.

Có lần chị nói với tôi: "Chị thấy em cũng có tâm hồn lãng mạn... Sống có ước mơ có khát vọng đẹp khổ tâm lắm. Ngay cả Đức Phật đại bi đại trí đại giác cũng chỉ tự giải thoát được cho chính bản thân, và rồi, những kẻ lợi dụng lòng tin vào đạo pháp đã mượn oai danh của Ngài để trục lợi và làm băng hoại đức tin của con người vào chân - thiện - mỹ. Nhưng quả là khủng khiếp khi chúng ta không còn khả năng lãng mạn..." Có lẽ lòng chị đang rối bời nên chị diễn đạt ý nghĩ của mình không mạch lạc.

* * *

Sau mươi ngày kèm cặp bày vẽ cho tôi nghệ thuật chào mời khách mua hương, chị giao cho tôi dẫn anh nông dân đi bán, còn chị thì qua tốp khác huấn luyện cho lính mới.

Tôi hăng hái đâu được vài tháng, sau đó dần dà cảm thấy cực hình khi hàng ngày phải hát bài ca con cá. Thêm vào đó số người hiểu rõ bộ mặt thật của chúng tôi càng ngày càng đông. Có người còn e dè bảo: "Kệ, ai làm quấy người ấy mang tội với Trời Phật", người khác thì xầm xì bàn tán khi chúng tôi vừa quay lưng đi. Nhưng có người thì khinh bỉ chúng tôi ra mặt. Họ gọi chúng tôi là bọn "bán Phật mà ăn".

Tôi càng quyết tâm kiếm nghề khác làm ăn khi tiếp xúc với những cụ già, người tàn tật tay run run trút hầu bao "cúng" cho chúng tôi như để gởi gắm niềm tin sau cùng của đời mình trong cõi ta bà phiền trược này.

Đôi khi tôi thoáng nghĩ: "Mình không làm chuyện này thì người khác cũng làm, mình chấm dứt "ca bài con cá" thì cũng không vì thế mà nghề này dẹp tiệm. Chi bằng như bà chủ nói "núp bóng Phật hưởng chút lộc của Ngài" để theo đuổi việc học hành. Nhưng rồi tôi nghĩ lại: "Một việc làm xấu xa thì biện bạch cách nào nó cũng không giảm phần xấu xa. Chi bằng kiếm cái nghề khác cho khỏi bứt rứt trong lòng".

Nhưng phải nói nhờ may mắn (hay là duyên nghiệp ?) tôi mới rút chân ra khỏi cái nghề quỉ quái ấy.

* * *

Anh nông dân sau một thời gian xách giỏ hành nghề bán hương, tự thấy mình không phù hợp với nghề này nên được bà chủ hãng cho đi làm công việc khác. Và sau một quá trình được đô thị hóa, anh không trở về quê nữa, dù làng ngoại tôi đã được "bình định". Cả sau ngày hòa bình lập lại anh vẫn cố bám trụ chốn thị tứ. Anh bảo: "Dân quê ba mươi đời đều khổ. Không phải chỉ khổ vì công việc làm ăn mà còn với bọn cường hào ác bá".

Chị "lính cũ" càng ngày tâm hồn càng ít lãng mạn và càng nhiều tinh ranh. Chị không còn phẫn nộ trước thói đời bạc ác (ngoại trừ lúc đóng kịch) mà triệt để khai thác những điểm yếu con người để trục lợi. Bây giờ chị đã có chồng con, đã trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm bà chủ cũ. Những điều ngày xưa chị kinh tởm bây giờ biến thành mánh khóe làm ăn nơi chị.

Còn tôi như bạn thấy đó, cho đến bây giờ vẫn là cái gỗ vô tích sự. Ngay cả việc trả lại cho cô tôi món tiền cô đã bồi thường chiếc xe đạp do tôi làm mất, tôi cũng tảng lờ và cô cũng không thèm nhắc dù nhiều lần tôi ghé lại nhà cô. Tôi có học hành được vài ba chữ nhưng điều ấy xét ra cũng chẳng lợi ích cho ai.

Tôi đang loay hoay chưa biết kết thúc cái truyện này như thế nào, thì có một nhóm ba người đi bán hương "công quả cho chùa" đến gõ cửa thiện tâm gia đình tôi. Thật bất ngờ ba người ấy cũng có chàng lớ ngớ quê mùa, cười bẽn lẽn như lần đầu trong đời đứng trước ống kính chụp hình; cô thiếu nữ đôi mắt lá răm sắc sảo, điệu bộ miệng mồm như diễn viên xuất sắc; anh thanh niên ra dáng phong trần bụi bặm, ném cho tôi một cái nhìn rực lửa như muốn thiêu cháy mọi phù phiếm cõi trần.

Có lẽ khi chúng tôi xách giỏ "hành nghề đạo pháp” thì những người này chưa sinh ra trên đời. Lẽ nào những bước chân của tôi đã góp phần làm nên nghiệp chướng của họ ? Lẽ nào số phận con người được đặt định theo lời sấm truyền nào đó ?

Tiếng cô thiếu nữ vang lên trong cái nhìn cháy bỏng của chàng thanh niên; vẻ mặt bối rối của chàng trai chưa quen trò lừa mị; mùi nhang trầm được đốt lên để chào hàng:

- Mời chú thỉnh giúp cho vài bó, trước làm công quả cho chùa tạo phước đức cho con cháu, sau có hương thơm và tinh khiết để dùng...

Viết xong tại Vỹ Dạ ngày 3 tháng 6/90
D.T.V
(TCSH44/01-1991)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • KIỀU VƯỢNGĐêm giữa thu. Hà Nội se lạnh. Sao chới với nhưng mây vẫn vũ làm nền trời như khô khốc, nhạt nhòa. Một hồi còi tàu rú dài như thả thêm vào đêm luồng khí lạnh. Quang nhìn đồng hồ sân ga dã quá mười hai giờ khuya.

  • CAO HẠNHTôi sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Tôi là hạt máu đỏ rơi xuống bùn đất mọc lên một thằng người cùng với ngọn cỏ lá rau, cây lúa và những sinh linh khác. Tôi cùng chịu đựng chia xẻ với chúng ngọn gió Lào cát trắng và những trận mưa dầm dề của xứ miền Trung khắc nghiệt.

  • HỒ ANH THÁI Tác giả thấy cần phải tóm tắt chuyện cô bé quàng khăn đỏ trước, rồi mới kể tiếp phần hậu cô bé quàng khăn đỏ. Con sói đến lừa bà cô bé, nuốt sống bà, rồi mặc váy áo của bà, trùm khăn giả vờ làm bà. Cô bé về nhà, thấy bà rởm mà không biết, cứ hỏi vớ hỏi vẩn sao tai bà to thế, sao mắt bà to thế, sao mồm bà to thế. Sốt ruột. Con sói bèn nuốt chửng luôn cô bé. Nhưng rồi quần chúng tiến bộ tập hợp lại đấu tranh, con sói phải nôn cả bà lẫn cháu ra, hứa cải tà quy chính. Từ đây bắt đầu phần hậu cô bé quàng khăn đỏ…

  • PHẠM XUÂN PHỤNGHọ như không còn trẻ. Người lớn tuổi hơn có khuôn mặt thanh thản vì đã giãn mềm những nếp nhăn. Người trẻ tuổi khuôn mặt nhuốm già bởi màu từng trải và những nét khắc chán chường.

  • MAI HUY THUẬTNằm cuộn tròn trong cái rọ lợn Cuội mới có thì giờ ngẫm nghĩ về cái thân phận của mình. Cả cuộc đời dối trá, lừa gạt bây giờ bị tù hãm sau mấy cái nan tre tưởng như mong manh thế mà càng cựa quậy càng trầy da rách áo, không thể nào thoát được.

  • NGUYỄN VĂN VINH Thường thường, mỗi sớm tôi và các bạn gặp nhau ở quán cà phê vỉa hè. Ngồi vệ đường, không tiếng nhạc quấy phá phút tĩnh tâm để ngẫm ngợi sự đời, quả thú vị! Tôi biết các loại quán đều tiêu phí thời giờ của mình, nhưng quán cà phê ít tốn, ít nguy hiểm hơn quán bia ôm và các toan tính, bon chen trong vòng danh lợi gươm đao nên tôi không bỏ uống cà phê buổi sáng, ngày mình giết một tí, lại được chuyện vãn với nhau: nào thời sự, tin tức trên trời dưới biển, cũng vui!

  • LINH CHIKhi chỉ mới là giọt máu, sự kết hợp của hai nhiễm sắc thể XY bám vào dạ con của mẹ, nó đã không được công nhận. Chào đời, mẹ con nó ở với ông bà ngoại cùng các cậu, các dì cho đến năm nó tròn bảy tuổi. Nhà ngoại nó ở ven triền núi của vùng đồi miền trung du hẻo lánh độ chừng vài ba chục nóc nhà rải rác trên mấy quả đồi đầy hoa sim, hoa mua tím. Chiều chiều nó thường hay tha thẩn trước sân nhà ngắm nhìn những đàn chim bay về tổ, thả hồn theo những đám mây màu cánh vạc đùn lên phía sau dãy núi đối diện nhà ngoại và tưởng tượng, ước ao…

  • TRẦN CHINH VŨAnh nghĩ là mình có thể ngủ được trong đêm nay - ngủ ngon là khác nữa - Đêm qua anh đã ít ngủ rồi - Hơn nữa, cùng với cậu em trai anh lại vừa có cuộc đi chơi đêm ở công viên Đầm Sen, đến muộn mới về. Vậy mà cho đến lúc này, đã qua nửa đêm được ít phút, mắt anh vẫn cứ trơ ra, cứ như thể nó chưa biết khép lại bao giờ.

  • ĐÔNG TRIỀUMười hai giờ đêm.Tôi bước ra khỏi rào lưới sắt còn ngoảnh lại nhìn căn trọ, nơi cửa sổ vẫn phụt ra luồng sáng trắng bởi đèn điện. Tất cả đã im lặng. Tiếng cót két của đôi cánh cửa gỗ mà người thiếu phụ vừa khép lại hòa vào nhịp rơi lộp độp của những giọt sương trên lá, tiếng côn trùng trỗi lên cùng thanh âm mà con chim cú đâu đây vẫn bỏ tiếng rúc đều đều nghe rợn người.

  • PHẠM NGỌC TÚY“Ngày...tháng...nămDòng nhắn tin trên báo cho em biết rằng em đã tìm thấy anh. Cuối cùng thì chúng mình cũng nhận ra nhau. Anh thân yêu. Hôm nay trời không mưa và không nắng. Từ cửa phòng em nhòm ra có một cây trạng nguyên. Cây này nhô lên cao giữa khoảng trời xanh hiếm hoi. Những chiếc lá đến mùa, đỏ thắm màu xác pháo. Nó là cây hoa độc nhất ngoài cửa phòng em.

  • NGUYỄN BẢNHắn đến tôi, mặt thẫn thờ ngơ ngác như người vừa mất của. Tôi hỏi ngay:- Có chuyện gì vậy?- Không, không có chuyện gì.

  • ĐÔNG LA       Sài Gòn mùa mưa, trời lúc nào cũng âm u. Những tán cây sẫm hơn, không khí nóng rát của những tháng cuối mùa khô đã được làm nguội lại, dịu mát. Mấy ngôi nhà cao lênh khênh dường như chỉ cần kiễng chân lên một chút là có thể gội đầu được trong những đám mây sũng nước, là là bay trên đầu.

  • ĐÀO PHONG LAN         Tôi là đứa con gái duy nhất của cha mẹ, và trời cũng ban cho tôi một nỗi bất hạnh để tương xứng với niềm hạnh phúc của một đứa con chắc chắn được cưng chiều: Tôi bị liệt hai chân từ bé.

  • MAI HUY THUẬTCon tàu Thống nhất nhả Văn xuống ga Huế vào một trưa mưa tầm tã khiến Văn chợt thấm thía một câu thơ Tố Hữu:...“ Nỗi niềm chi rứa Huế ơiMà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?”...

  • NGUYỄN VĂN THANHSau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi không ngờ được Ngọ hỏi làm vợ. Không giống như những cô dâu khác, ngày tôi về nhà chồng có dắt theo một đứa con riêng. Tên nó là Hòa. Ngọ rất thương yêu hai mẹ con tôi. Không có gì đáng trách anh ấy dù cuộc hôn nhân của chúng tôi không bình thường.

  • NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.

  • NGUYỄN HÙNG SƠN          Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.

  • LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.

  • HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.

  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.