Mười năm đi tìm hai bài thơ “Khuya nặng” và “Xuân tù” của Tố Hữu

15:25 09/12/2008
NHẬT HOA KHANH Mười năm những mấy ngàn ngày... (Tố Hữu: Mười năm )

Năm 1992, lần đầu tiên tôi được nhà văn Nguyễn Đình Thi trả lời phỏng vấn. Cuộc gặp diễn ra tại một căn hộ trên tầng lầu, tôi không nhớ là tầng mấy, của một khu tập thể khá lớn đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP Hồ Chí Minh). Trong cuộc gặp gỡ ấy, nhân nói đến cuộc đổi mới đang diễn ra trong thơ Việt Nam, Nguyễn Đình Thi cho biết: năm 1946, ông có được đọc hai bài thơ Tố Hữu, một làm theo thể tự do với câu mở đầu “Đầu hắn mang mũ sắt” nhưng quên đầu đề và một thuộc thể tám chữ, hình như là Xuân tù nhưng không nhớ đăng trên báo nào.
Sau khi được biết điều này, tôi lần lượt gặp khá nhiều nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo, nhà báo và văn nghệ sĩ thuộc thế hệ cách mạng Tháng Tám để hỏi cho rõ nhưng kết quả vẫn là một số không.
Từ cuối năm 1992 đến cuối năm 1996, trong những chuyến đi nghiên cứu (tự túc kinh phí) tại Cần Thơ, Long An, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Tây Nguyên, v.v..., tôi đều dành thời gian cho việc tìm kiếm “tung tích” hai bài. Tại những địa phương ấy, tôi đã vào các thư viện tỉnh hoặc thành phố nhưng không tìm ra một đầu mối nào.

Chiều tối ngày 26 - 4 - 1997, tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng - Hà Nội, lần đầu tiên tôi được Tố Hữu, dù không khoẻ lắm, tiếp chuyện nồng nhiệt. Cuộc trò chuyện kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ.
Trong cuộc gặp, nhân nhắc đến bài thơ Mười năm mà Tố Hữu quên hẳn chính ông là tác giả, tôi hỏi Tố Hữu về hai bài thơ do Nguyễn Đình Thi kể lại như trên. Tố Hữu trả lời ông chỉ nhớ mang máng một bài tên Xuân tù và bài kia tên Khuya nặng nhưng không rõ lâu nay chúng “lưu lạc” nơi đâu.
Mấy hôm sau, từ Hà Nội, trên đường trở lại TP Hồ Chí Minh, tôi ghé qua Huế một lần nữa. Tại đây, trong một hiệu sách cũ, tôi tình cờ được gặp một cựu chiến binh thời kháng chiến chống Pháp rất yêu những bài thơ Tố Hữu làm từ đầu cuộc kháng chiến toàn quốc (tháng 12 - 1946) trở về trước. Vị cựu chiến binh cho biết ông đã được đọc bài thơ Khuya nặng. Bài này, theo ông nhớ, vẽ lại hình ảnh thảm hại của một tên lính canh là người Pháp hoặc lê dương. Vị cựu chiến binh cũng nói thêm: sổ tay của ông có chép bài này nhưng từ lâu đã bị thất lạc. Còn bài Xuân tù, ông chưa bao giờ được đọc, chưa bao giờ được nghe tên.

Rời Huế, tôi ghé qua Đà Nẵng sau mấy năm xa cách. Tại một số cửa hàng sách cũ của thành phố sông Hàn, tôi tìm những tài liệu liên quan đến thơ Tố Hữu nhưng cũng không được biết gì về Khuya nặngXuân tù.
Giữa tháng 5 - 1997, trở về TP Hồ Chí Minh, tôi đến gặp ngay một trong những chủ tiệm sách báo cũ mà mình quen để hỏi về vấn đề này. Chủ tiệm đã từng tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn từ 1974 (theo lời anh tự giới thiệu với tôi từ khi tôi mới biết tiệm của anh nhiều năm trước). Anh trả lời: gay quá nhưng em sẽ hết sức tìm kiếm hoặc “huy động” các đồng nghiệp giúp bác.
Cuối năm 1998, chủ tiệm nói trên giới thiệu cho tôi một người chuyên buôn bán sách báo cũ về thơ. Người này cho tôi xem mấy bản danh mục thơ Tố Hữu. Tôi xem nhưng không thấy Xuân tùKhuya nặng!
Tháng Giêng - 2001, trong một hội thảo kéo dài suốt một ngày về mấy vấn đề văn hoá dân tộc tổ chức tại tầng hai (tức lầu một) Nhà Khách dinh Thống Nhất (đường Nguyễn Du, TP Hồ Chí Minh), tôi thấy Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi và Huy Cận cùng ngồi trên Đoàn Chủ tịch với một vài người khác. Cả ba nhà thơ đều béo mập hơn những năm trước một chút nhưng bước đi hơi chậm, gương mặt hơi xệ kèm theo nhiều nếp nhăn hiện rõ vẻ già yếu, nhất là Tố Hữu. Tuy nhiên, trên Đoàn Chủ tịch, cả ba ông đều ngồi dự suốt cả hai buổi sáng chiều.

Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân là một trong những khách mời của hội thảo. Anh đưa cho tôi chiếc máy ảnh của anh và nhờ tôi chụp hình anh khi anh đọc tham luận. Tôi đã làm đúng ý của Nguyễn Đắc Xuân.
Tối hôm đó, trong bữa tiệc đứng của hội thảo (vắng mặt Nguyễn Đình Thi và Huy Cận), tôi thấy Tố Hữu, mặc dầu không được khoẻ và mặc dầu đã làm việc suốt sáng và chiều, vẫn có mặt từ đầu đến cuối bữa tiệc.
Vì giờ giải lao buổi sáng, tôi đã chào Tố Hữu và nhắc lại cuộc phỏng vấn của mình tại Hà Nội hồi cuối tháng 4 - 1997 cho nên khi thấy tôi trong phòng tiệc đứng, Tố Hữu ngồi xuống một chiếc ghế nhỏ cách bàn tiệc khoảng hơn một mét và bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế nhỏ bên cạnh.
Khoảng nửa tiếng, vừa ăn qua loa mấy món nhẹ, Tố Hữu vừa thân mật trò chuyện với tôi. Tôi trình bày với nhà thơ mấy vấn đề trong đó có việc tôi viết một cuốn sách nghiên cứu thơ ông và việc lâu nay đi tìm Khuya nặng và Xuân tù nhưng chưa thấy.

Ông bảo: Anh nhiệt tình với thơ tôi quá; bao giờ tìm ra, nhớ cho mình biết. Rồi Tố Hữu nhắc nhở: Hãy cố gắng nghiên cứu nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp theo hướng tôi đã phát biểu với anh năm 1997. Cố gắng nhé! Khó! Khó lắm! Nhưng phải vượt khó! Khi nghiên cứu, cần luôn luôn nhớ rằng: anh Văn là một vẻ đẹp lung linh về tư tưởng, về phẩm chất và về sự nghiệp. Khi nào có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh cứ nói: anh Lành chưa bao giờ hiểu khác về anh Văn dù chỉ một phút giây!
Tôi nhận rõ Tố Hữu có điều gì muốn nhắn gửi tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vừa nói với tôi, Tố Hữu vừa nắm bàn tay phải của tôi bằng bàn tay trái của ông.
Lúc này, một thanh niên từ bên bàn tiệc đến gần Tố Hữu và hỏi về thơ ông. Ông vui vẻ trả lời. Tôi vội đứng lên xin phép nhà thơ cho tôi được nhường chỗ cho người bạn trẻ.

Nửa tiếng sau, khoảng 20 giờ rưỡi, cuối bữa tiệc đứng, Tố Hữu ra về. Tác giả Nước non ngàn dặm đi chầm chậm. Tôi và mấy người nữa cùng tiễn chân ông tới chiếc ô tô đen đậu sẵn ngoài sân. Một người nào đó mở cửa xe. Nhà thơ lên xe, giơ tay vẫy chào tạm biệt. Chiếc ô tô hướng ra cổng, phía đường Nguyễn Du, từ từ chuyển bánh...
Hơn một năm sau buổi tối đầu năm 2001 đó, năm 2002, anh Lành mãi mãi ra đi! Đó là lần cuối cùng tôi được gặp Tố Hữu!
Cuối năm 2001, tại TP Hồ Chí Minh, tôi đến gặp anh chủ tiệm nói trên và hỏi về việc tìm kiếm hai bài thơ. Anh lắc đầu: em vẫn chưa giải quyết được yêu cầu quá cao của bác!
Chính hôm ấy, tôi có cuộc phỏng vấn một cựu chiến binh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vị lão tướng cựu chiến binh cho biết: ông còn giữ một cuốn sổ tay ghi thơ của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Tố Hữu, Đoàn Phú Tứ cùng một số bài hát của Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Dương Thiệu Tước, Hùng Lân và một số văn nghệ sĩ khác. Cuốn sổ, theo lời ông, ghi trong thời gian từ tháng 8 - 1945 đến cuối 1947. Vị tướng vào buồng trong, tự tay khênh ra một thùng thiếc nhỏ và lấy ra cuốn sổ (tuy cũ nhưng không trang nào bị rách). Ông cho tôi xem những trang chép Khuya nặngXuân tù. Nét mực nói chung đã phai mờ nhiều, hầu hết các dòng không đọc được. Thật đáng tiếc!!!
Vị lão tướng nói: tôi chép hai bài thơ này từ mấy số báo Quyết Thắng nhưng không nhớ là số nào, chỉ nhớ là Quyết Thắng năm 1946, thế thôi.
Rồi ông tiếp tục phát biểu cảm nghĩ của mình về Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Hôm sau, tôi đến gặp ngay chủ tiệm, nhờ anh tìm giúp báo Quyết Thắng 1946.
Sau đó mấy ngày, một buổi sáng đầu tháng Giêng - 2002, tôi lại đến cửa hàng. Chủ tiệm nhào tới siết chặt tay tôi và nói: đây, đây, Xuân tù và Khuya nặng!!!

Đi rất nhanh về phía cuối căn buồng toàn sách báo cũ, anh lấy ra cho tôi mấy trang phô-tô-cóp-py hai bài thơ đó kèm theo một tập Quyết Thắng đóng bìa cứng.
Tôi sung sướng nhìn rõ: Xuân tù in cuối trang 3 và trang 4 số Tết Bính Tuất 1946 báo Quyết Thắng (cơ quan của Việt Minh Trung Bộ). Còn Khuya nặng in đầu trang nhất Quyết Thắng, năm thứ hai, số 51, ra ngày 22-6-1946.
Tôi điện thoại luôn cho vị lão tướng nói trên. Ông chúc mừng tôi liên tiếp năm lần.
Nhớ tới lần phỏng vấn Nguyễn Đình Thi năm 1992, mười năm về trước, tôi lập tức điện thoại cho tác giả Con nai đen theo số điện thoại 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Đầu dây bên kia trả lời: bác Thi tuần này đi công tác vắng.
Buổi tối cùng ngày, tôi bấm số điện thoại của Tố Hữu nhiều lần nhưng lần nào cũng chỉ thấy vọng về những tiếng chuông reo.

Tràn đầy hào hứng, hôm sau, tôi và anh chủ tiệm tận tình, mỗi người một xe gắn máy, bay tới Nhà ăn Công đoàn TP Hồ Chí Minh (đường Bùi Thị Xuân, quận 1), một nhà ăn vừa ngon vừa không đắt.
Tôi chưa kịp gửi Xuân tùKhuya nặng tới Tố Hữu thì năm 2002, ông đột ngột qua đời!
Anh Lành thân mến, Mười năm những mấy ngàn ngày...
Sau mấy ngàn ngày, tôi đã tìm thấy Xuân tùKhuya nặng của anh...
TP Hồ Chí Minh, Xuân Quý Mùi 2003
Cố đô Thăng Long, Xuân Bính Tuất 2006

 N.H.K

TỐ HỮU

Xuân tù

Mời các bạn vui một ngày trọn vẹn,
Đây đến rồi, xuân tết của thiên nhiên,
Ngoài sân lao, trời đã thí nắng hiền,
Ra sưởi chút cho máu chuyền mạch nóng!

ờ ngộ quá! Hôm nay trong mả sống,
Những đoàn ma trọc lóc cũng vui xuân,
Khoác vai nhau lững thững bước quanh sân,
Môi cũng nở một hoa cười xanh rợn!
Sang trọng lắm, những con ma bé lớn
Hôm nay đều lễ phục đúng thời trang:
áo chàm phai, thẳng nếp, cánh hai gang,
Quần đóng hộp, đàng hoàng chuôi quá gối.

Đây một lũ quây tròn quanh gốc gội
Như đàn con sum họp một gia đình,
Những chàng trai nhí nhảnh nghịch như...tinh
Chắp tay vái các bố già chúc...thọ!
Và các bố nheo mắt cười, nhún cổ,
Vuốt râu vàng, mừng tuổi lũ con...yêu

ở đàng kia, trơ tráo một phường chèo,
Mặt rằn rện những lọ nồi, son đá,
Hoa tay múa, đi một bài "tẩu mã",
Xoe mắt rồng giả một tướng Phiên bang,
Hét "ba quân" tưởng tượng ra sa tràng
Tay giục trống trên một...thùng gỗ rỗng!
Có thằng nhỏ, một mình đi bước mộng
Làm thi nhân theo hái một vần thơ,
Cảm vui xuân trong nắng mới, chim tơ
Dừng chân lại, ngâm một bài "xuân ý".
1940
(Báo Quyết Thắng, cơ quan của Việt Minh Trung Bộ, số Xuân Bính Tuất 1946,  trang 3 và trang 4)

Khuya nặng
                                   
Tặng người tri kỷ

Đầu hắn mang mũ sắt,
Vai hắn vác liên thanh,
Sỏi lăn từng cục trong mí mắt,
Mệt. Ngó dài ghê một phút canh!
Trong bóng cây khuya nặng,
Đít dựa lan can.
Hắn buồn tình, tréo cẳng,
Đứng lặng, nhìn sang
                                    Một thiên đàng
                                                Ôi Chúa!
Nhạc hồng nổi dậy trong nghiêng ngửa,
Những cánh tay diu, trịu ái ân.
Tóc xoã mây vàng mơn cổ sữa,
Bạc viền lấp lánh vai tướng quân...
                        Ai đó say đêm xuân
                                    Rượu tràn cốc.
                                    Môi tràn tình:
Đây một mình ai, đứng lặng thinh,
Trong bóng cây khuya nặng,
Nghe gan ứa lên một dòng mật đắng,
                        Và lửa gì
            Đốt cháy cả đôi mi,
            Tim, một cục chì...
Đêm 30-5-1946
(Báo Quyết Thắng, cơ quan của Việt Minh Trung Bộ, năm thứ hai, số 51, ra ngày 22-6-1946, trang nhất)


 

(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Sông Hương xứ Huế đã bao đời miệt mài làm nên những nét tinh tế và độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đó là dòng chảy giao hòa và dung hợp của nét văn hóa truyền thống dân gian với văn hóa cung đình với những con người Huế với những nét đặc trưng không lẫn với bất cứ nơi nào về giọng nói, tiếng cười, điệu hò và những món ăn Huế hấp dẫn.

     

  • ILIA ÊRENBUA
            Trích hồi ký

    Tôi đã viết, tôi đón đợi đại hội các nhà văn Xô-viết hệt như một cô gái đón đợi buổi vũ hội đầu tiên trong cuộc đời. Nhiều trong số những niềm hy vọng ngây thơ của tôi, có thể đã không được thực hiện, nhưng đại hội vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi như một ngày hội lớn, kỳ lạ.

  • HOÀNG LONG 

    Đây là một tiểu thuyết cực tiểu, gồm năm thiên. Và không có tên. Cũng như mọi thứ trên đời này đều như vậy. Tự thân không có tên. Chúng ta đặt tên cho chúng và ban cho vạn vật một ý nghĩa nào đó với chúng ta. Tất cả là do tâm tạo tác. Cái vọng tưởng đó của ta chẳng liên quan gì đến thế giới. Vì thế giới vận hành trong sự không tên.

  • NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27/7/2013

    HỒNG NHU
              Bút ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                            

    Vừa mới hôm nào nhận thư Phong Sơn báo tin năm nay sẽ được mùa lớn. Lúa phơi màu rất đẹp.

  • VÕ NGỌC LAN

    Đi trong thành phố xanh này, ở đâu cũng thấy một màu xanh dịu mát. Có lẽ nhờ thế mà mưa nắng cứ đến rồi đi, cỏ hoa cứ bốn mùa làm xanh thêm cuộc hành trình mưa nắng.

  • BẢO CƯỜNG 

    Tiếng sáo làm bạn với con người ngay từ tuổi ấu thơ. Tiếng sáo gợi hồn quê hương dân tộc. Chỉ với một ống trúc giản dị, mục đồng đã chế tạo thành một ống sáo để thổi. Những ngày lùa trâu ra đồng các em ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo nghe réo rắt, vang xa đến tận cuối làng.

  • MAI VĂN HOAN

    Nhà thơ Hồ Chí Minh từng viết: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên thiên đẹp). Có thể nói thiên nhiên tràn ngập trong thơ xưa - đặc biệt là mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông… Riêng về cỏ, các nhà thơ xưa rất ít nhắc đến.

  • NGUYỄN KIM CƯƠNG  

    Những ngày đầu Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta tấn công và nổi dậy khắp các thành thị miền Nam, buộc lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn phải phân tán đối phó.

  • CÁI NẾT  

    Trên cánh đồng lúa Mụ Dâu ngút ngàn, lạ thay, người ta không thấy màu xanh non của mạ, chỉ thấy một rừng hoa dài đến tận chân trời…

  • NGUYỄN THỊ THÁI  

    Bao lâu rồi dã quỳ nồng nhiệt, dã quỳ rủ rê, dã quỳ khắc khoải, dã quỳ đớn đau. Tây Nguyên thấp thỏm màu vàng, mỗi người có một lần đợi mong, người thiếu phụ mang trong ngực tháng mười mơ ước, nhập vào sắc hoa hoang dại mênh mang thương và nhớ.

  • NGUYỄN DƯ

    Đi đâu mà vội mà vàng
    Mà vướng phải hố, mà quàng phải xe

    Ngày nay, nhiều người sợ đi ngoài đường. Khác ngày xưa…

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI

    Chiều hôm ấy mưa to lắm…
    Được cô cho nghỉ sớm, tôi rời lớp học thêm vật lý và đi dạo cùng đứa bạn thân. Thấy lề đường ướt sũng mà trái tim tôi cũng ướt theo. Nhìn qua thấy đứa bạn đang nói chuyện điện thoại với cha của nó… thì ra, hơn nửa tuổi thơ này… tôi đã không có cha! Trời hôm nay thật lạnh nhưng chỉ lạnh bằng một góc nào thật nhỏ của tháng ngày trước, cái ngày mà cha tôi ra đi… nỡ để lại trước mắt đứa con gái bé nhỏ của ông một cái xác không hồn…

  • HOÀNG HỮU CÁC

    Tiếng chân giày của trung tá Nguyễn Đình Sơn bước bồn chồn trên nền đất ẩm của căn hầm kiên cố dùng làm sở chỉ huy của đoàn B15 bộ binh là âm thanh duy nhất tôi nghe được ở đây trong chiều hôm nay.

  • THÁI KIM LAN

    Con thương yêu,
    Mẹ đang ở Huế, ngồi trong nhà của ngoại viết thư cho con. Con ơi, rời mùa Thu Munich về đây, lại thấy Huế cũng Thu.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
                  bút ký

    Hồ Tịnh Tâm lại đã đến mùa sen nở. Những cánh sen trắng khiêm tốn lấp ló giữa bạt ngàn lá xanh dịu. Mới đó, năm ngoái, sau cơn bão số 8, ngôi nhà lục bát trên hòn đảo giữa hồ bị đổ nát, cảnh hồ thật tiều tụy. Quy luật xoay vần của thiên nhiên quả là kỳ diệu.

  • TỐNG TRẦN TÙNG

    Xin được giải thích ngay cụm từ “đi mót” ở đây. Theo từ điển tiếng Việt thì nghĩa thứ hai của từ mót là “nhặt nhạnh của để rơi vãi hoặc bỏ sót”.  Tuy vậy, ở quê tôi, khi nói đến đi mót thì người ta nghĩ ngay đến đi mót ngày mùa, mùa gặt lúa, mùa cày khoai, mùa nhổ lạc…

  • THÍCH CHƠN THIỆN
                            Tùy bút

    Kinh Pháp Cú (Dhammapada), một bản kinh phổ biến nhất trong các nước Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền (Phật giáo thế giới) ghi: “Những người có đủ 36 dòng ái dục, họ mạnh mẽ rong ruỗi theo dục cảnh, người có tâm tà kiến hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài”. (câu 339)

  • NGUYỄN KHẮC THẠCH  

    Trên bàn tay Phật pháp vô biên hẳn còn nhiều hướng đi khác tích cực hơn và Tạ Thị Ngọc Thảo đã chọn phương pháp Vòng Thời Gian (hay Đạo pháp Calachakra) trong Mật giáo.

  • VIỆT HÙNG

    “Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu, anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao...”*- Câu hát từ thời chống Mỹ, đã trở nên xa xăm, song giờ đây, thỉnh thoảng nó vẫn vang lên trên các sóng phát thanh...