Mùa Xuân tuổi ngọc

16:43 18/01/2012

ĐÔNG HƯƠNG

Trí nhớ tôi tự dưng quay trở về với tuổi thơ, tuổi ba mẹ vừa cho đi học. Ờ! Lâu quá rồi, cái Tết đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa, trí nhớ lơ mơ trở lại khoảng đời thơ ấu, có lẽ đẹp nhất trong đời của mỗi con người của chúng ta.

 

Ảnh: internet

Đó là khoảng vào năm tôi lên sáu tuổi, cuối những năm bốn mươi thế kỷ trước.

Từ tháng 11, Huế bắt đầu mưa phùn, cái thứ mưa nho nhỏ hạt nhưng thấm lạnh vào tận xương tủy, tuy thế vẫn thấy mùa xuân lãng đãng đâu đó đang về với những chậu mai vàng, chậu bạch đào, lê, mận, táo... đang đầy nụ sắp hé môi cười chào Tết.

Tết! Tôi nghe mệ nói chữ này thường xuyên, nhưng ở tuổi ô mai còn nhảy dây, lò cò, thả khăn, thì tôi chưa hiểu ý nghĩa của chữ Tết.

Chỉ biết bắt đầu tháng Chạp ta, trong nhà rộn hẳn, cô, dì, chú, bác, mệ lăng xăng, mỗi người có phận sự riêng.

Nhà nội rộng ở Bàu Vá, cả chục phòng, thêm vào một dãy nhà ngang bên cạnh. Ôn nuôi một bầy cháu nội có, ngoại có, gần cả hai chục người, trong nhà lúc nào cũng nghe rộn rã tiếng cười từ chập sáng đến tối.

Năm nớ nghe mẹ, con dâu trưởng bàn bạc với các cô nhà sẽ ăn Tết như thế nào, làm chi. Mấy ngày sau, mẹ và các cô dẫn em Joe, em trai tôi và tôi đi chợ Tết sắm quần áo, giày. Lần đầu tiên trong năm mẹ cho phép tôi chọn hàng, chọn màu để may áo, em Joe còn nhỏ, nó cứ đòi mua đồ chơi.

Chợ Tết ở Huế vui chi lạ, đông người. Những gian hàng bán hoa bày đầy luôn lên vỉa hè và trên đường trước cửa chợ Đông Ba, hoa khoe muôn màu sắc từ mai vàng, đào hồng và trắng, mẫu đơn, thược dược, hoa cúc đủ màu. Nói đến hoa cúc, ở Việt Nam là hoa tượng trưng ít nhiều cho Tết, còn nước Pháp tôi đang ở lại là hoa mà ngày lễ Chư thánh (1/11) người ta mua đem vào nghĩa địa đặt trên mộ người thân. Cũng như ngày xưa khi còn ở Đà Lạt, tôi rất ghét hoa Hortensia vì hoa này người ta mua đi viếng mộ, mà ở đây là loại hoa mùa hè và thu.

Trong chợ, những núi dưa hấu cao gần 3 lần tôi. Thấy mẹ và cô lựa mãi, tôi hỏi tại răng? Cô nói phải lựa được trái nào thật nặng nước và cơm thật đỏ thì nguyên năm sẽ thịnh vượng và hạnh phúc. Lại thêm một bài học mới mẹ nhét vào trí nhớ bé tí của tôi.

Vui thật! Tôi chỉ chờ có tháng này để đòi chi được nớ.

Xong thấy mẹ và cô mua thêm đủ thứ nào carotte, bắp su, củ cải trắng, dưa chuột, hành, thịt heo, nếp, đậu xanh cà, riềng, tỏi, củ kiệu tươi, lá chuối, lá đung... Lá chuối để gói bánh tét, lá đung gói bánh chưng, và thêm những củ hành là lạ không giống với hành làm bếp... Tôi hỏi cô tôi mua hành ni làm chi? Cô nói đây là những củ thủy tiên, một loại hoa (!). Rồi nào gừng tươi, bí đao, hạt dưa đỏ, dừa, hạt sen tươi, đường...

Sau đó chú Lang và chú Tân đánh xe cho mọi người về nhà.

Bắt đầu hôm sau, ngủ dậy, thấy mọi người lăng xăng dưới bếp, người cắt carotte, bí đao thành từng miếng dài như ngón tay, người xắt dừa lát mỏng, tôi đòi uống nước dừa trong trái vừa đập bể, cô không cho nói là hôi dầu, mặc kệ, cứ uống đại, hơi hăng hăng chút nhưng vẫn ngon. Ôi! tuổi nớ ăn chi, uống chi mà không ngon!

Mấy ông anh họ, cuối tuần là biến mất, khi nhà có việc cần, vẫn trốn đi chơi. Thấy cô tôi ngồi lột hạt sen, tôi sà lại xin giúp; kết quả không ra gì, trái lại còn để ít máu đỏ trên rá, cô biểu thôi đi chơi đi! Tôi sà lại gần mẹ, mẹ đang lột vỏ củ thủy tiên, hỏi mẹ làm gì? Mẹ nói là tỉa cho hoa có hình dạng theo ý thích của mình.

Trong bếp, đã ngửi thấy mùi đường thơm phức trong mỗi chảo riêng cho những miếng bí, dừa, hạt sen, gừng... Phải quậy luôn tay cho khỏi khét, đó là những chảo mứt. Rứa còn carotte, dưa chuột, củ kiệu, bắp su?... Cô tôi đang ngồi thái từng khoanh mỏng chung quanh có khứa cho đẹp. Cắt các thứ xong rồi đem sấy cho khô, mới bỏ vào thẩu đổ có chứa nước mắm đường. Chờ cho thấm vài ngày, gọi là dưa món. Cải bẹ xanh ngâm nước muối cho chua để ăn với thịt kho tàu. Còn riềng thái mỏng để làm tré. Tré ở Huế, đặc biệt là ở thành Mang Cá, rất nổi tiếng (nhắc tới mà phát thèm luôn!). Tôi lí lắc, cái chi cũng ưa hỏi. Phần nhiều người chịu trả lời tôi là Mệ, bà nội thứ hai, vợ sau của ôn. Mệ rất dễ thương, sống dung hòa với bà nội, không ai ganh ai, vì bà có giang sơn riêng của bà. Mệ sống một cõi riêng ở Nguyệt Biều.

Mẹ có phận sự tỉa hoa thủy tiên, củ cải trắng thành những hoa ngọc lan, carotte thành những cành hoa anh trảo (còn có tên y lăng hay hoàng lan). Mẹ rất khéo tay, từ nội trợ đến thêu thùa may vá, hội họa, thơ phú, gần như công dung ngôn hạnh hoàn hảo, mà cũng phải vì bà ngoại tôi rất khó.

Xong mấy chuyện đó, mọi người nghỉ khỏe vài hôm. Cô tôi ra chợ mua hoa, lựa từng cành mai đang còn nụ và làm sao để nở đúng ngày Tết, từng chậu cúc đủ màu; mai vàng đem về chưng trong mấy lọ sứ Tàu của ôn.

Cũng mấy ngày ni, mẹ bắt đầu cắt vải may áo cho tôi.

Các anh và em trai tôi thì bà và mẹ sắm đồ may sẵn. Mẹ may cho tôi chiếc áo đầm trắng có kết ren chung quanh.

Đến còn cỡ mười ngày chót của tháng, trong nhà trở lại rộn rịp; sáng ngủ dậy nghe tiếng heo ụt ịt ngoài vườn, hai con heo lông đen thui đang bị trói trong rọ.

Tôi theo các anh đi học, chiều về, thấy hai chú heo trắng nõn nằm trên bàn dưới bếp.

Chú Tân biết ý, đã dành lại hai bong bóng còn gân đo đỏ; mấy anh giành nhau để làm bóng đá. Tôi không đụng tới vì thấy dơ. Joe nhỏ nhất, các anh cho nó một cái. Tôi quên nói là Joe rất lo sợ khi nghe bà biểu chú Tân làm thịt hai con heo vì mẹ có nuôi cho nó một con heo nhỏ hơn, nó sợ nhà làm thịt con heo của nó. Thêm vào đó, nó còn có con gà cồ, lúc gà con nhỏ, gà mẹ ghét bỏ, cứ theo cắn đuổi đi. Mẹ tôi thấy tội, bắt vào nuôi, đêm nó ngủ với em Joe trong nôi. Giờ Joe là “vương”, có hai tên “lính hầu” luôn luôn lẽo đẽo theo sau (một heo và một gà).

Nói đến Joe, giờ nghĩ lại thấy thương, tuy giờ này nó cũng già đầu như tôi. Joe luôn luôn bị chị Vân con dì Ba và tôi ăn hiếp. Mỗi năm, mẹ cho mỗi đứa một con heo đất, hễ ai lì xì tiền thì bỏ vào đó, đến cuối năm có quyền đập ra lấy tiền đó muốn mua chi thì mua. Tôi rất khôn, tiền ai cho, lấy ăn hàng gần hết, đến còn hai tháng cuối, tôi nói với Joe là heo mình bị bể, xin hắn cho để tiền chung. Đến Tết, đập heo ra, tôi bắt nó phải chia đôi tiền! (bây giờ mỗi khi tôi kể chuyện xưa, Joe cười nói nó biết nhưng vì thương chị nên để tôi ăn hiếp).

 Ngày 23 Tết, thấy có mâm cơm cúng trong bếp, tôi hỏi dì Ba cúng ai rứa? Dì nói để đưa ông Táo đi chầu Trời, rồi cắt nghĩa cho nghe; rứa mà ngu còn hỏi lại:

- Ủa răng cả năm có thấy ai trong bếp mô nờ? Dì nghe hỏi, cười ngất.

Các cô, dì bắt đầu vút nếp, nấu đậu xanh cà, chặt thịt heo thành từng miếng bằng hai ngón tay, và bắt đầu đem lá chuối, lá đung ra gói bánh, bánh dài là bánh tét, bánh vuông là bánh chưng. Mệ tôi cắt nghĩa tại răng có bánh chưng bánh tét, tượng trưng cho đất và trời. Trong bếp còn có nồi thịt kho tàu thơm lựng.

Còn hai ngày chót, mệ gọi mấy anh em đem lư, chân đèn bằng đồng trên bàn thờ ra chùi cho bóng loáng. Nói đến đây, tôi còn ngửi thấy mùi thuốc chùi đồng trong mũi. Xong lau chùi bàn thờ cho thật sạch.

Đến trưa 29 Tết, bánh gói xong, được bỏ vào trong cái nồi thật lớn, để lên bếp làm bằng 3 cục gạch ngoài vườn ngay sau bếp, nấu bằng củi. Nồi bánh nấu rất lâu chín, nên phải có người canh củi lửa, đó cũng là phận sự của mấy anh em.

Trời Tết tuy lạnh, nhưng ngồi cạnh lửa cũng ấm. Mấy anh kể đủ thứ chuyện, từ mê gái đến bơi lội, đàn mandoline. Hồi đó tôi chỉ thấy có đàn mandoline trong nhà chứ không biết gì hơn ngoài piano ba bắt tôi học. Anh Vang có tài thổi sáo, anh đem ra thổi những bản nhạc tiền chiến Thu vàng, Lá thư, Tà áo xanh... Còn mấy anh khác kháo nhau chuyện theo gái, anh Bích mê chị nào đó, gửi thư tình bị trả lại, buồn xo... Trời bắt đầu tối, mệ gọi vào ăn cơm nhanh để còn canh nồi bánh tiếp.

Ăn xong, trở ra, trời tối mịt. Tôi đã bắt đầu sợ ma, chui vô ngồi giữa mấy anh, sau đó chú Lang cũng theo ra ngồi hút thuốc, kháo chuyện. Mấy anh nhao nhao đòi chú kể chuyện ma, chú biết rất nhiều, từ ma rà, ma trơi, ma hời, ma cà rồng... Lúc đầu ai cũng loi nhoi, sau dần dần nín thinh, im bặt và ngồi sát lại nhau. Mắt người nào cũng dòm chừng sau lưng mình.

Qua chiều 30 Tết, tôi lại thấy có mâm cỗ khác với nhiều món ăn hơn. Đây là mâm cơm cúng ông bà và rước thần Táo mới về nhà.

Mẹ bưng lên đặt trên mấy bàn thờ nào bánh trái, hoa quả, dưa hấu, mứt, dưa món. Bàn thờ được chưng mai, thủy tiên, cúc... thật khéo. Tôi đã nhận ra mấy chậu thủy tiên mẹ tỉa cách mấy tuần trước thật công phu. Tuy tuổi nhỏ, nhưng vẫn thấy cái đẹp của những giò thủy tiên. Sau đó mệ bắt mấy anh em lên lạy trước từng bàn thờ, Joe và tôi không hiểu chi nhưng cũng bắt chước lạy theo.

Cúng xong, cỗ được bưng xuống, gia đình bắt đầu dùng cơm, bữa cơm này gọi là bữa cơm tất niên.

Xong cả đám được thả đi chơi, đi ra ngoài vườn đốt pháo, đến 12h đêm pháo nổ đì đùng làm mấy chú chó hoảng hồn sủa vang từ đầu xóm đến cuối xóm. Tôi rất sợ pháo, cứ lấy tay bịt tai. Đến đây, lại nhớ chú Đát. Ở nhà hồi nớ ôn có nuôi một con lừa, tối nớ chơi ác, chú cột một viên pháo tống vô đuôi nó, đốt nổ ầm như tiếng đại bác, con lừa lăn ra giẫy chết. Chú bị ôn đánh cho một trận ngay ngày mồng một Tết. Ở nhà, ôn rất nghiêm và khó, con cháu ai cũng sợ, lén gọi ôn là B52, lúc nớ tôi không hiểu. Sau này, mới hiểu ra, đó là bom B 52 của Mỹ.

*

Trở lại chuyện Tết Huế xưa. Qua sáng mồng một, mọi người dậy, mặc quần áo mới để đi mừng tuổi ôn bà, mệ. Tôi được diện áo đầm mẹ may, mang vớ mỏng trắng và giày màu đen, các anh và Joe bận sơ mi mới, quần đen lên mừng tuổi ôn bà, mỗi đứa được lì xì một phong bao đỏ có viết ba chữ Phước - Lộc - Thọ bằng chữ Tàu. Xong cả bầy lại đi qua mừng tuổi ba mẹ, chú, cô, dì... lại được từ mỗi người một phong bao khác; mở ra toàn giấy tiền mới toanh!

Mọi người chờ nhau xem ai đi xông đất nhà ai trước, phần nhiều là ôn đi trước vì ôn là người quan trọng trong xóm.

Người ta rất kỵ bị xông đất những người đang có tang, hay mấy bà sắp có con, sợ “rông” cả năm.

Mấy ngày liên tiếp, cả bọn xúm lại đổ xăm hường, không biết bài này chỉ có ở Huế hay các nơi cũng có? Bộ bài gồm có những thẻ được vót bằng tre: nhứt, nhị, tam, tứ hường, trạng anh, trạng em... (tôi không nhớ rõ lắm) và đổ bằng mấy con đê.

Lúc đó, ở nhà mẹ có nuôi người con nuôi tên Hiếu, anh rất mê chơi bài này. Sáng mồng một mẹ gọi Hiếu ơi Hiếu hỡi cũng chả thấy đâu. Mệ đi tìm, nghe ở dãy nhà ngang có tiếng đê lẻng xẻng trong đọi, mẹ trờ tới (ở nhà, ôn và bà có để sẵn hai quan tài sơn son thiếp vàng đợi ngày về với đất), anh đang chui trốn nằm trong đó đổ xăm hường một mình. Mẹ lôi anh ra, thấy mặt anh xanh vì sợ bị đòn, mẹ cười xòa, không mắng vì tội nghiệp anh, sợ anh xui cả năm.

Trời! Mấy lát bánh tét mềm, vừa dẻo vừa bùi ngon làm sao! Có thể ăn kèm với thịt kho tàu, dưa món hay với mật mía, hoặc chiên giòn. Năm tôi lên mười, bà nói mẹ may cho tôi bộ áo dài để bà dẫn tôi vào mừng tuổi Đức Nam Phương Hoàng Hậu. Sở dĩ bà nội vô Tử Cấm Thành mừng tuổi Hoàng Hậu là bởi ôn nội tôi trước là Thượng Thư Bộ Lễ rồi Thượng Thư Bộ Công Tôn Thất Quảng, từng nhiều khi đứng ra tổ chức Lễ tế Đàn Nam Giao.

Đó là chiếc áo dài đầu tiên may bằng gấm đỏ, quần xa tanh trắng, đầu chải găm hai chiếc kẹp bằng bạc hình con bướm, mang đôi guốc sơn đen có vẽ hình nhành mai và lá xanh, quai nhung đen.

Lần đầu tiên trong đời, bận mấy thứ luộm thuộm đó, tôi lọng cọng, mang guốc không quen, đi trợt lên, trợt xuống, tay cứ xoắn lấy vạt áo bị mẹ la sợ nhăn, coi thất lễ. Rồi bà lại còn dạy cách đi đứng, ăn nói, trả lời với Hoàng hậu.

Hoàng hậu đẹp chi lạ, ăn nói từ tốn, dịu dàng, ân cần hỏi tôi nên tôi cũng bớt sợ, còn cười duyên với Hoàng hậu. Hoàng hậu lại lì xì cho tôi phong bao đỏ đầy giấy tiền.

Sau này nghĩ lại mới biết đó là một ân huệ được đi mừng tuổi bà Hoàng, vì dễ gì mấy ai đã có diễm phúc đó!

*

Bao nhiêu năm xa nhà, xa quê, ngay từ lúc ba mẹ đổi vào Nam, tôi mới vừa mười ba tuổi, nhưng Tết đến, tôi không còn vui như ngày ở Huế, có thể Sài Gòn quá rộng chăng, thành ra không khí Tết bị loãng đi, tuy chợ hoa Nguyễn Huệ thật lớn, lớn hơn chợ hoa Huế nhiều.

Có lẽ không còn mảnh vườn tuổi thơ, ngôi nhà tuổi thơ, ôn, bà, các anh ra đại học, mỗi người một ngả... Giờ trên mảnh đất xa trời quê hương, tôi sống ở một tỉnh nhỏ thuộc Pháp không người Việt, tôi quên dần mùa xuân, quên dần tục lệ. Hơn nữa, từ ngày mẹ qua đời, không còn ai cúng quảy, tôi quên luôn ngày đưa ông Táo, ngày rước ông bà, đi chùa hái lộc mừng tuổi Phật...

Đã không có Tết, không có mùa xuân, chỉ nghe tiếng: on est au printemps, nhưng chẳng thấy chim én biểu hiệu cho mùa xuân vì trời lạnh quá. Đã không có mùa xuân thì làm chi có mai vàng; làm gì có cúc, có thược dược; làm chi có bánh tét, bánh chưng, bánh tổ... Có thể chỉ thấy trong giấc mơ.

Hôm nay đọc được“mùa xuân bên ấy”, kỷ niệm cứ theo về như nước lũ, và lần đầu tiên tôi cảm thấy trong tim mình đang có lại mùa xuân.

Đ.H
(SH276/2-12)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN QUANG HÀ                        Truyện kýHoà thượng Thích Đôn Hậu gọi đại đức Thích Trí Diệm lên phòng riêng:- Ta đang mắc công chuyện không thể xa Huế được trong thời gian này, nên ta cử thầy vào chùa Hải Đức, Nha Trang tham gia cuộc thuyết pháp quan trọng tại đó. Thầy đi được chớ?Đại đức Thích Trí Diệm cúi đầu thưa:- Dạ, được ạ.

  • VĨNH NGUYÊN                Truyện kýSau “vụ” gặp em, tôi băn khoăn lắm lắm. Là bởi trước đó - trước quả rốc-két mà chiếc F4H phóng xuống và em bị thương dưới đùi, em đang chờ tháo dây thuyền ở hốc đá, còn tôi thì giữ lấy ống ti-dô cho nước vào hai cái thùng phuy trên thuyền cho em. Hai chiếc thùng phuy 400 lít nước sắp tràn đầy. Như vậy là quá đủ thời gian cho chúng ta có thể hiểu biết về nhau, tên tuổi, quê hương bản quán.

  • ĐẶNG VĂN SỞ          Ghi chépKhông hiểu sao tôi lại đi tìm anh - anh Nguyễn Đức Thuận - người anh chú bác ruột cùng chung sống dưới một mái nhà với tôi. Tôi chỉ nhớ là hồi đó chồng của cô tôi nằm mơ thấy anh, và bác vào tận Nha Trang để đi tìm anh Mậu, người đồng đội và là người chứng kiến lúc chôn cất anh.

  • NGUYỄN QUANG HÀMột buổi sáng vợ chồng anh Thảo, chị Ái đang đèo nhau, phóng xe Honda trên đường Nguyễn Trãi, một con đường lớn của thành phố Huế, bỗng có một người lao thẳng vào xe anh Thảo. Nhờ tay lái thiện nghệ, nên anh Thảo đã phanh xe kịp. Hai vợ chồng dựng xe, ra đỡ nạn nhân dậy.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGBút kýAnh đã xứng đáng với danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" của nhà nước ta phong tặng. Riêng Hội Nghệ sĩ điện ảnh Nhật Bản đã tặng cho anh giải thưởng vẻ vang dành cho người nghệ sĩ thuật lại sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh...

  • ĐÀO XUÂN QUÝĐã lâu lắm, có đến hơn hai năm, kể từ khi bị tai nạn ở chân tôi chưa đi vào các hiệu sách, kể cả các hiệu sách ở Nha Trang. Đi tới các hiệu sách thì xa quá, đi bộ thì không đi nổi, mệt và nóng lắm, mà đi xe thuê thì cũng khó, vì họ không phải chỉ đưa mình tới nơi mà còn phải đợi hàng giờ khi mình phải tìm chọn sách nơi này nơi nọ, quầy này quầy khác v.v...

  • NGUYỄN THANH CHÍHai mươi tám tuổi, nó không biết chữ và không quen đi dép, mặc áo quần dài; lầm lũi, ít nói nhưng rất khoẻ mạnh... Với nó rừng là nhà, các lối mòn trong rừng thì thuộc như lòng bàn tay... Đó là Trương Ngọc Hoàng, sinh năm 1977.

  • NGUYỄN TRỌNG BÍNHMọi chuyện xẩy ra suốt 55 ngày đêm ở đơn vị trong cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi đều nhớ như in. Thế mà, lạ lùng thay, suốt thời gian đó, hàng ngày mình ăn thế nào, lại không nhớ nổi. Chỉ nhớ mang máng có lúc ăn cơm nắm, ăn lương khô. Về giấc ngủ, có thể là tranh thủ nửa ngủ nửa thức giữa 2 trận đánh hoặc lúc ngồi trên xe trong đội hình hành tiến. Cố hình dung, tôi nhớ được bữa cơm chiều ở dinh Độc Lập, hôm 30-4-1975.

  • NGÔ MINHỞ CỬA NGÕ XUÂN LỘCSư Đoàn 7 thuộc Quân Đoàn 4 của chúng tôi hành quân từ Bảo Lộc về ém quân trong một rừng chuối mênh mông, chuẩn bị tấn công cứ điểm Xuân Lộc, cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, đúng đêm 1-4-1975.

  • HUỲNH KIM PHONG(Chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền , thống nhất đất nước 30.4.1975 - 30.4.2005)

  • LÊ HOÀNG HẢICon người từ khi cảm nhận thế giới xung quanh là lúc cảm được sự xa vắng, ly biệt... Nhớ hồi thơ dại, đứng trên bến sông trước nhà nhìn sang Cồn Hến thấy sông rộng lắm cứ nghĩ khó mà bơi sang sông được. Mỗi lần đi bộ từ nhà lên cầu Gia Hội dù chỉ vài trăm mét nhưng lại cảm thấy rất xa. Càng lớn khôn cảm nhận về khoảng cách được rút ngắn. Nhưng lạ thay khoa học ngày càng khám phá không gian, vũ trụ thì chạm đến cõi vô cùng.

  • HỒ NGỌC PHÚTôi về lại Huế sau trận lụt tuy muộn nhưng khá lớn vào gần cuối tháng 12 năm 2004. Ngồi ở quán cà phê Sơn bên bờ chân cầu Trường Tiền, nhìn sông Hương vào lúc sáng sớm sao thấy khang khác, trong có vẻ như sáng hơn ngày thường.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGĐã lâu tôi không hề nhắc đến hoa, và tôi cảm thấy tôi đã có lỗi đối với những người bạn tâm tình ấy dọc suốt một quãng đời chìm đắm trong khói lửa. Thật ra, những cánh hoa nhỏ bé và mong manh ấy đã viền con đường tuổi trẻ đầy kham khổ của tôi. Chiến chinh qua rồi có nhiều cái tôi đã quên, nhưng những cánh hoa dại dọc đường không hiểu sao tôi vẫn nhớ như in, như thể chúng đã được ấn vào trí nhớ của tôi thành những vết sẹo.

  • NGUYỄN THẾ QUANG(Chuyện tình chưa kể của nhà thơ Hoàng Cầm)

  • VÕ NGỌC LANTôi sinh ra và lớn lên tại vùng Kim Long, một làng nhỏ thuộc vùng cận sơn, không xa Huế là bao. Bởi thuở nhỏ chỉ loanh quanh trong nhà, trong làng ít khi được “đi phố” nên đối với tôi, Huế là một cái gì thật xa cách, thật lạ lùng. Đến nỗi tôi có ý nghĩ buồn cười: “Huế là của người ta, của ai đó, chứ không phải là Huế của tôi”, ngôi chợ mái trường, một khoảng sông xanh ngắt và tiếng chuông chùa Linh Mụ... mấy thứ ấy mới là của tôi.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhân một lần ghé ngang Paris , võ sư người Huế Nguyễn Văn Dũng đã đi thăm sông Seine. Đứng lặng lẽ bên dòng sông thơ mộng bậc nhất nước Pháp, bỗng lòng ông nhớ sông Hương quá trời. Về lại Việt , ngồi bên bờ sông Hương, ông vẫn hãy còn thấy nhớ cồn cào cái dòng chảy thầm thì trong sương mù như một nhát cắt ngọt ngào giữa trái tim đa cảm.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGTôi rẽ vào nhà Thiệp để đưa bé Miên Thảo đi học. Cô bé hét vang nhà để bắt tìm cho ra chiếc dép đi trời mưa lạc nơi đâu không biết. Miên Thảo mặc chiếc quần Jean xanh và khoác áo len đỏ, choàng một chiếc phu la cổ màu đen trông thật đỏm dáng.

  • NGUYỄN QUANG HÀSông Bồ là con sông không dài, nhưng đẹp ở về phía Bắc Huế. Phía tả ngạn, hữu ngạn vùng thượng lưu sông là hai huyện Phong Điền và Hương Trà, vùng hạ lưu sông chảy qua Quảng Điền rồi đổ vào phá Tam Giang. Làng xóm hai bên bờ sông khá trù mật.

  • MINH CHUYÊN (Tiếp Sông Hương số 12-2008)

  • MINH CHUYÊN (Tiếp theo và hết)