Múa cung đình Huế trên sân khấu Paris

09:27 12/11/2010
VÕ QUANG YẾNĐây không phải là lần đầu tiên có múa cung đình trên sân khấu Paris. Trước đây, chẳng hạn như đầu năm 2004, một đoàn ca múa của Nhà hát Nghệ thuật Cung đình thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã biểu diễn ở trụ sở Unesco trong buổi lễ trao tặng bằng công nhận 28 kiệt tác là di sản phi vật thể thế giới và truyền khẩu nhân loại, trước khi trình bày chúc Tết kiều bào Paris, Lyon, Marseille, Bruxelles.

Ảnh: Internet

Giáo sư Trần Văn Khê từ mười năm trước đã là người tích cực vận động Unesco nhìn nhận nhạc múa cung đình Huế, hoan hỉ thành công “phần hồn” mười năm sau “phần xác” tổng thể di tích Huế. Anh giải thích muốn được vậy, kiệt tác không những phải có giá trị lịch sử và nghệ thuật mà nhà nước sở tại còn phải chứng minh đã nỗ lực bảo tồn và phát huy. Thật vậy, một kiệt tác phi vật thể có nhiều nguy cơ bị hủy hoại và thất truyền, nhất là nhạc múa cung đình ở nước ta ra đời thời lập quốc, từ thuở tiền Lê qua các đời Lý, Trần. Song song với cuộc Nam tiến, ảnh hưởng âm nhạc Chăm bắt đầu thâm nhập cung đình Việt từ đây. Qua đời hậu Lê, Lương Đăng cùng với Nguyễn Trãi định nhã nhạc cho triều đình, sắp đặt Đường thượng chi nhạc giống như dàn nhạc Triều hạ yến hưởng chi nhạc của nhà Minh. Đến thời các chúa Nguyễn, nhờ có Đào Duy Từ tạo tiền đề, lập Hòa Thanh Thự, một hệ thống âm nhạc cung đình Đàng Trong đã được hoàn chỉnh, phong phú với các ban nhạc, đội ca, đội múa đông đảo. Qua triều Tây Sơn tuy ngắn ngủi, cuộc tiếp xúc với triều Thanh đem về cho cung đình nhiều nhạc khí mới: cổ, phách, sáo, hồ cầm, huyền tử, song vận (nguyệt cầm), tỳ bà, tam âm la... vang dậy với liên khúc mười bài ngự Thập thủ liên hoàn nổi tiếng trong nhã nhạc cung đình An Nam quốc nhạc sau đổi thành Việt Nam quốc nhạc và những bản Lưu thủy, Kim tiền trong nhạc thính phòng.

Thời kỳ vàng son nhằm vào thời thịnh triều Nguyễn, với ảnh hưởng Trung Quốc, nhạc cung đình được phục hồi, chấn chỉnh, phát triển mạnh cho đến ngày Thất Thủ Kinh đô Phú Xuân năm 1885. Các loại Giao nhạc, Miếu nhạc, Yến nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc,... giao thoa với những tuồng cổ điển cung đình (thanh nhạc, hát bội), thính phòng dân gian (ca đờn Huế). Vua Minh Mạng cho xây dựng Nhà hát Duyệt Thị Đường, lập đội Nữ nhạc ca với 50 ca sĩ, vũ nữ. Nhã nhạc, hát bội đạt đỉnh tối cao dưới đời Tự Đức đặc biệt được biểu diễn ở Minh Khiêm Đường, nhạc thơ được xướng họa ở Hiệu Thơ Phòng. Nhạc công mặc áo vàng, thắt lưng màu xanh dương, đầu bịt khăn. Vũ sinh mặc áo rộng thêu rồng, thắt lưng màu xanh, đầu bịt khăn, tay cầm quạt xanh. Đến đời Bảo Đại, những đội Đại nhạc, Tiểu nhạc vẫn còn dàn nhạc đa dạng, một đằng kèn trống, bộ gõ (phách tiền, chuông to, chuông nhỏ, đại la, tiểu loa, xập xỏa), một đằng nhạc khí sáo trúc, dùng dây tơ (nhị, nguyệt hai dây, tam ba dây, tỳ bà bốn dây). Bên cạnh lễ Tế Nam Giao ba năm một lần, những đội nhạc múa cung đình còn có nhiệm vụ phục vụ cho vua, hoàng gia, triều thần trong các dịp lễ tế Văn miếu, Thế miếu, Thánh thọ, Vạn thọ, Tịch điền, Thiên thu, Thiên xuân, Hưng quốc khánh niệm, Tứ tuần đại khánh, Ngũ tuần đại khánh, đón tiếp sứ thần, kết hôn hoàng tử, công chúa,...

Riêng về múa cung đình, một di sản đặc sắc của văn hóa cố đô, nghệ thuật rất phong phú nên có nhiều điệu, màu sắc phong cách khác nhau: Tế giao (Tế ở đàn Nam Giao), Tứ linh (bốn con thú thiêng liêng: long, ly, quy, phụng), Song phụng (hạnh phúc đôi lứa), Long hổ (rồng chân lý, chính nghĩa, cọp bất nghĩa, phi nhân), Phiến vũ (nhân dịp yến tiệc, múa quạt, mười nữ vũ), Mã vũ (nhân dịp lễ Hưng quốc khánh niệm, múa người và ngựa), Tam tinh chúc thọ (Phúc Lộc Thọ, hiện thân ba cụ già), Nữ tướng xuất quân (Hai Bà Trưng), Bát tiên hiến thọ (nhân dịp lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ, tám vị tiên dâng trái cây và thuốc làm tăng tuổi thọ), Đấu chiến thắng Phật, Trình tường lập khánh (múa Liễn, nhân dịp lễ Tứ tuần, Ngũ tuần đại khánh của nhà vua, bốn tứ trụ thiên thần xuống chúc thọ), Lân mẫu xuất lân nhi (múa đẻ lân, phân đoạn bốn cảnh),...

Lân mẫu xuất lân nhi - Ảnh: vietnamcayda.com


Trong số các điệu múa cung đình, Bát dật là điệu quan trọng nhất trong di sản nghệ thuật, được biểu diễn nhân dịp lễ tế tại đàn Nam Giao do vua đích thân chủ trì. Đội hình gồm có 64 vũ sinh, chia làm hai ban múa võ và múa văn, mỗi ban có người cầm cờ điều khiển, bên võ hiệu cờ tinh, bên văn hiệu cờ mao. Vũ sinh võ đầu đội mũ khắc thiên, mặc áo song khai chàm lục, chân mang hia. Vũ sinh văn đầu đội mũ tú tài, mặc áo giao lĩnh màu xanh, chân mang hia. Vũ sinh đứng hai phía đông, tây đối diện nhau. Khi nghe xướng Sơ hiến lễ, chuông đánh ba tiếng, phường bát âm nổi nhạc, người điều khiển phất cờ làm hiệu, tức thì các vũ sinh võ, tay trái cầm mộc, tay mặt cầm phủ việt, vào dàn hai bên tả hữu ngoài thềm dối diện nhau mà múa. Ba tiếng khánh kết thúc điệu múa, vũ sinh trở về vị trí cũ. Một lần khác, khi nghe xướng Á hiến lễ và ba tiếng chuông, đến lượt vũ sinh văn vào múa, tay trái cầm thược (ống sáo sơn son, bảy lỗ), tay mặt cầm vũ (gỗ đầu có sọ con vật thần thoại gọi là thiên hình, có ba lông gà). Sau nầy còn có Tuần hiến lễ, Chung hiến lễ, cũng biểu diễn như vậy. Hình tượng múa gợi lên hình bát quái.

Quan trọng bậc nhì là Lục cúng hoa đăng, còn gọi tắt Lục cúng, biểu diễn hôm Đêm Sen, một điệu múa bắt nguồn từ Phật giáo, do các vị sư Ấn Độ truyền qua, sau nầy được sửa chữa dưới thời Minh Mạng để biểu diễn trong mấy ngày lễ. Như tên gọi, nội dung điệu múa gồm có sáu phần tượng trưng cho sáu lần dâng cúng Phật. Các lễ vật là hương, hoa, đèn, trà, quả và oản. Mỗi phần có một kiểu bước khác nhau: kiểu chữ Nhật, kiểu chữ A, kiểu chữ Thủy, kiểu chữ Vạn, kiểu cữ Điền, kiểu hoa hồi bốn cánh. Mỗi phần có một khúc nhạc khác nhau, lời Hán Việt, toàn bộ mang âm hưởng điệu tán trong âm nhạc Phật giáo: tán hoa đăng, tán hương phù, tán hoa quả, tán trí đăng, tán Phật điện, tán khế thủ... khúc nào cũng bắt đầu bằng một câu khởi xướng và vũ sinh vừa múa vừa hát. Vì là dâng cúng Phật, cách hát phải ngân nga, trầm bổng, điệu múa phải dịu dàng, khoan thai. Sau mỗi khúc, nhạc công gõ não bạt, đánh trống đổ hồi. Về trang phục, trên vai áo của các vũ sinh có năm tua vải, tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Họ mặc áo mã tiền, trong áo lót màu lục, xiêm trường, quần giáp, giải quần màu hồng, chân quấn xà cạp, mang tất trắng, đầu đội mũ vàng tượng trưng cho nhụy sen. Ở Huế đội múa có 48 vũ sinh, mỗi vũ sinh cầm trên hai tay cây đèn hình hoa sen biểu hiện sự thanh cao, tinh khiết và là cũng nơi đức Phật tọa thiền. Đó là điểm độc đáo, đẹp mắt của điệu múa vì trong suốt thời gian biểu diễn những ngọn đèn luôn tỏa sáng lung linh gây ra một cảnh tượng huyền ảo. Ngoài ra, điệu múa còn được dàn dựng công phu, đầy tính sáng tạo, hình tướng khác nhau với phương pháp chồng người. Chẳng hạn, trong cảnh Cổ la liệt, ba nam vũ sinh dàn hàng ngang gác tay lên vai nhau và dang tay ở hai đầu hàng ngang; người đứng giữa làm trụ cõng người thứ tư lên vai, hai người thứ năm và thứ sáu ngồi trên những cánh tay gác lên vai của những người đứng dưới. Trong cảnh Cổ giá hoàng, người thứ tư đứng thẳng trên vai người đứng giữa làm trụ. Còn trong cảnh Cổ tướng hào, ba người đứng thành hàng ngang và ba người khác đứng trên vai ba người nầy... Hiện nay, múa cung đình đang được trình diễn thường xuyên tại nhà Duyệt Thị Đường trong Thành Nội và Minh Khiêm Đường ở Khiêm Lăng, để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tối hôm chủ nhật 25.10.2009, Trung tâm Văn hóa Việt Nam phối hợp với cơ quan Hàng không Vietnam Airlines đã tổ chức ở Paris một đêm văn nghệ ca nhạc cận đại và điệu múa Việt Nam mang tên Đêm Sen. Trong buổi trình diễn nầy, số vũ sinh múa cung đình chỉ giới hạn lại còn chín người nhưng bản chất điệu múa đã được diễn tả. Dù biểu diễn với một phong cách mới, cận đại hơn, trong điệu Lục cúng hoa đăng cũng như trong các điệu múa khác, những nghệ sĩ trẻ đã tỏ ra thiết thân với nghệ thuật múa nói chung, múa cung đình Huế nói riêng. Khi tìm về truyền thống dân tộc, bản sắc văn hóa cội nguồn, các nghệ nhân cũng như những nhà trách nhiệm, nghệ sĩ ưu tú Trưởng đoàn Trần Bình hay nghệ sĩ ưu tú Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình La Thị Cẩm Vân, đã đóng góp tích cực vào cuộc bảo tồn một di sản văn hóa trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam và viết vào lịch sử nhạc múa nước nhà những trang sử quí giá.

Trong Đêm Sen, chương trình rất phong phú, ngoài múa cung đình, còn gồm có hòa nhạc truyền thống, những vũ khúc cận đại Múa Sen, Mưa hè, Ru con, Mùa gặt, Thương nhớ Quê hương, Tiếng vọng Núi rừng, Bình minh trên sông Hương, xen lẫn với những màn dân tộc Hoa Champa, Mưa trên Tháp cũ, Lửa tình Tây Nguyên, một vở cổ kính tôn sùng đức Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, một bản huyền diệu đã từng làm xiêu lòng những chuyên gia Nhật Bản đài NHK khi ghi hình ở Huế là điệu múa cổ điển cung đình Lục cúng hoa đăng. Tất cả những vũ sinh đều rất vui tươi, thân mình nở nang, tứ chi vạm vỡ, nhảy múa uyển chuyển. Hai cô vũ sinh chuyên về ca hát mặt mày duyên dáng, cô đảm nhiệm giới thiệu lại còn hoạt bát, hóm hỉnh không kém anh bạn có phận sự trình bày bằng Pháp ngữ. Áo quần các cô tùy theo màn là truyền thống hay cận đại, y phục nào cũng thấy đẹp mắt, chứng tỏ với một cơ thể cân đối thì ăn mặc thế nào cũng có phần hấp dẫn. Những chiếc áo dài đỏ, vàng, trắng xóa tha thướt tận chân trông như bướm lượn trên sông. Những áo ngắn Chăm để lộ những cặp đùi cân đối cứng cáp của vũ nữ chuyên nghiệp. Nam vũ sinh là những chàng trai lực lưỡng, dân nông áo nâu mạnh mẽ, gởi về quá khứ hình ảnh những thư sinh mảnh khảnh hồi trước, khăn đen áo dài, dù sao một thời đã làm rung động tâm hồn phụ nữ dễ cảm xúc với văn thơ. Những bản nhạc phần lớn mới nhưng tràn đầy âm hưởng bài hát ba miền, điệu ca sắc tộc. Cũng dễ hiểu vì những nhạc khí đều quen thuộc như trống, đàn tam, đàn nhị, đàn trưng, đàn bầu, đàn môi, tỳ bà, khi thì đàn đệm, khi thì hòa nhạc, có khi độc tấu tỏ ra nhạc công đã đạt đến một mức chơi điêu luyện ít thấy. Những điệu múa tuy biểu diễn với phong cách cận đại cũng phản ánh cảnh tượng đất nước, đồng quê.

Sen là một bông hoa Việt quý trọng đã đành mà còn là tượng trưng cho hãng Hàng không Việt Nam. Được biết đoàn ca múa, trong khuôn khổ hoạt động văn hóa ở nước ngoài nhắm hướng lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trên đường đi trình diễn ở London, được mời ra mắt khán giả ở Pháp một đêm độc nhất. Dịp hiếm có lại được xem không mua vé giải thích Nhà hát Gymnase - Marie Bell đông nghịt khán giả, phần lớn dễ hiểu là người Việt.

Xô thành xuân Canh Dần 2010
V.Q.Y
(260/10-10)



-----------------------
Tham khảo

- Võ Quê, Nghệ thuật múa cung đình Huế, tieulun.hopto.org
- Trọng Bình, Múa cung đình Huế - Một giá trị nghệ thuật, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, nhanhac.com.vn
- Lê Tấn Quỳnh, Múa cung đình Huế - Một cánh cửa ra thế giới, Việt Báo 21.07.2007.
- Hoàng Chương, Về nhã nhạc cung đình Huế - Di sản phi vật thể và truyền khẩu nhân loại, www.cpv.org.vn 30.10.2009
- Hữu Thái - Tuyết Hoa, Nhạc cung đình Huế diễn ở Unesco, Tuổi trẻ Online 30.10.2009
- Trần Văn khê, Giá trị của nhạc cung đình Huế, tapchisonghuong.com.vn 01.11.2009






Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • ĐỖ AN TIÊMLần đầu tiên tôi biết Vân Khanh qua tiết mục Tiếng Thơ của Đài T.N.V.N. Chất giọng mượt mà, trữ tình của Vân Khanh đã làm tôi xúc động, mặc dù bài thơ hôm đó anh ngâm tôi đã thuộc và nghe diễn ngâm nhiều lần từ thuở niên thiếu. Tôi ngờ ngợ đây là một tài năng. Song, cái tính xấu cố hữu hay nghi ngờ đã ngăn tôi lại. “Biết đâu đấy. Có khi chỉ là một mảnh sao băng”. Và tôi hình dung Vân Khanh còn trẻ, quá trẻ nữa. Một Vân Khanh rất “nghệ sĩ” theo cái nghĩa nhiều người hiểu chưa đúng về nghệ sĩ.

  • NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀNTôi vừa làm một cuộc du lịch đầy thú vị. Ấy là cuộc du lịch lướt nhanh ngược dòng Sông Hương, về tận ngọn nguồn. Tôi gặp lại biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, bao nhiêu khuôn mặt thân yêu, thân quen, và cả những điều kỳ thú, mới lạ. Hai mươi năm, những khuôn mặt nào đã soi xuống dòng sông, những kỷ niệm nào còn đọng mãi trong ta...?

  • LÊ KHÁNH MAI          (Nhà thơ - Tổng Biên tập tạp chí Nha Trang)Đến từ Nha Trang - Khánh Hoà, vùng đất cực Nam Trung Bộ, tôi không có mong muốn gì hơn là được chúc mừng Sông Hương tròn 20 tuổi, được học tập những kinh nghiệm và thành công của một tờ tạp chí văn nghệ địa phương đã từ lâu đứng ở vị trí đàn anh ở miền Trung và cả nước.

  • BẢO HÂNTại Festival Huế 2008, bên cạnh hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày diễn ra trên khắp các đường phố, nhà triển lãm với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng; một phòng tranh nhỏ nhắn, ý nhị nằm trong con kiệt nhỏ đường Lê Thánh Tôn của Nội thành Huế. “Về lại” tên của phòng tranh, là tình cảm của những người Huế xa quê góp tiếng lòng của mình bằng những gam màu hoài hương.

  • VÕ QUANG YẾNBùi ngùi nhớ mẹ thuở xưa,Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.                                                                Ca dao

  • Nhà văn Trần Hữu Lục, - Sinh tại Huế. Thành viên nòng cốt của nhóm Việt. Chủ bút báo Sinh viên Huế (1968). Phụ trách văn nghệ trên Nguyệt san Đối diện (từ 1972 đến 1975). Viết văn trên các báo và tạp chí: Việt, Đất Nước, Ý Thức, Sinh Viên Huế, Đối Diện…

  • Tạp chí Sông Hương đang đứng trước ngưỡng cửa của tuổi 20 trai tráng và đầy ắp hoài bão. Sông Hương đã vượt ra khỏi phạm vi của một tờ báo văn nghệ tỉnh để trở thành một địa chỉ gửi gắm những tin yêu và tín nhiệm của bạn đọc gần xa trong cả nước và cả ở nước ngoài về món ăn tinh thần văn học. Không hẹn mà gặp, các cộng tác viên và bạn đọc Sông Hương ở Hà Nội và các tỉnh đã tâm tình rất thật tình và thật lòng để khích lệ và nhắn nhủ Sông Hương.

  • Dường như có dòng sông Hương vẫn chảy âm thầm ở bên ngoài Tổ quốc. Đấy là khi tôi đọc được những trang viết đầy ắp phong vị, nồng ấm hương đất quê nhà của những người Huế đang định cư ở nước ngoài. Họ đã tìm thấy tín hiệu giao cảm với xứ Huế thông qua “chiếc cầu nối” của Tủ sách Nhớ Huế.

  • Vậy là hôm nay Huế - một thành phố cố đô ở miền Trung đã làm một việc đầy ý nghĩa và đẹp đẽ đặt tên đường cho các danh nhân văn hóa : Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Hải Triều... trong đó có Nguyễn Tuân nhà văn lớn cho các phố phường và các làng thôn được đô thị hóa sau thời kỳ mở cửa của đất nước.