Một vùng non nước Chân Mây

09:24 16/03/2023


HỮU THU - QUANG HÀ
           
                         Tùy bút

Mênh mông - Ảnh ĐÀO HOA NỮ

Vẫn chóp núi mù sương với 16 cây số đường đèo ngoạn mục ấy. Vẫn lớp lớp sóng xô trắng xóa đập vào vách núi ngày đêm với những tảng đá nhấp nhô trên mặt nước đầy gợi cảm ấy. Vẫn là vùng Chân Mây bình lặng mỗi bình minh thuyền về cập bến, vợ và con họ ùa ra đón những khoang cá không lấy gì làm đầy... Cho đến tận hôm nay cũng chưa có gì thay đổi cả, nhưng sao đi qua vùng non nước này lòng cứ xôn xao. Xôn xao của một nỗi niềm mà cánh tay đưa ra đã chạm vào tương lai.

Một ngày không xa, thành phố du lịch thương mại Chân Mây vụt xuất hiện và góp mặt với đời, thì lúc ấy nhìn lại hôm nay đây đã thành cổ tích. Như hôm nay đây chúng ta nhìn ngày hôm qua kháng chiến trường kỳ đã thành ngày xưa.

Thành phố tương lai đang lấp lánh ảo ảnh trong không gian. Còn ký ức thì đang nóng hổi.

Cổng Hải Vân Quan đang lặng lẽ còn đó như nhân chứng của một thời nghiệt ngã. Cái thời hai chữ "ĐỘC LẬP" như ngọn lửa thần kỳ bập bùng cháy trong lòng. Nghe đâu đây tiếng súng thực dân Pháp bắn vào Thuận An, tiếng gươm khua chặt đầu Thái Phiên, Trần Cao Vân. Và rồi đoàn quân rùng rùng qua đèo Hải Vân Nam tiến. Rồi tiếng quân reo cướp súng giặc ga Hói Mít, tiếng mìn Trịnh Tố Tâm cùng đồng đội mình nối tiếp nhau nổ dọc đường đèo báo hiệu trước cho kẻ thù nỗi kinh hoàng.

Qua vũng Chân Mây lại nhớ những đêm ôm súng từ chiến khu đóng bên kia dãy Răng Cưa trở về đồng bằng bằng lối đèo Phước Tượng. Từ đây anh em chia nhau về Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh. Người đi vận động xây dựng phong trào. Người họp bàn kế hoạch tác chiến với du kích mật bên trong. Người lầm lũi vào từng nhà mua gạo mua muối đưa lên chiến khu dự trữ cho mỗi mùa chiến dịch. Vùng núi Rẫm phía tây Chân Mây này, suốt 30 năm chiến tranh là vùng giải phóng. Những hang sâu trong núi với những đường xuyên ngóc ngách trời cho là thiên la địa võng bất khả xâm phạm. Những đêm địch phong tỏa chặn đường, không về thôn ấp được, bộ đội và du kích ra bờ biển câu cua, cua biển nhiều vô kể. Đến nỗi câu được cua chỉ bẻ lấy đôi càng, còn con cua lại thả ra biển. Cái thú của căn cứ Rẫm là những ngày gió lặng, trời trong, ngồi trên ghềnh đá cao ngắm biển, ngắm vườn chim cò trắng xóa phía bên trong mũi Chân Mây tây. Nhìn đàn chim tung cánh, sà xuống ven biển kiếm ăn, những người lính khát khao tự do, khát khao sự bình yên đến cháy lòng.

Hòa bình, có Độc lập, Tự do rồi, nhưng chưa được no cơm ấm áo. Chân Mây lần nẻo tìm đường. Thử làm muối, không thành, xây đập Chu mới làm lúa, thất bại. Muốn ra khơi xa, không có thuyền lớn. Muốn dãn dân về phía Tây, gặp đất Savan, loại đất chua phèn chỉ thích hợp với loại cây nắp ấm. Cây tràm hoa vàng có khả năng mở ra một phương thức canh tác mới, song đang trong quá trình thử nghiệm.

Bãi biển vũng Chân Mây, một bãi tắm đẹp. Xưa Bảo Đại có xây một nhà nghỉ mát. Chiến tranh đã san bằng trụi. Chưa ai dám nghĩ xa hơn cho một cái mầm tương lai. Đã hai chục năm đất nước hòa bình, ngư dân Chân Mây vẫn nghèo.

Bây giờ đã nói tới cụm từ rất mới "Thành phố Chân Mây". Chữ nghĩa đang ngỡ ngàng như một giấc mơ.

* * *

Thế giới đang đổi thay. Đất nước đang đổi thay. Vùng biển Chân Mây được nghĩ tới trong bối cảnh ấy.

Bối cảnh của khu vực châu Á sẽ trở thành một vùng kinh tế lớn nhất vào thế kỷ 21. Điều đó sẽ làm cho vùng trở thành một trung tâm sản xuất và thị trường tiêu thụ lớn nhất. Nền kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ giữ vị trí đàng hoàng trong khuôn khổ một nền kinh tế chuyển đổi nhanh của khu vực châu Á, và như vậy sự phát triển kinh tế xã hội của miền Trung sẽ giữ vị trí xứng đáng trong nền kinh tế cả nước.

Nhìn gần hơn, trong tương lai sự tham gia của Lào và Căm-pu-chia vào khối Asean sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành một Hành lang Thương mại Tự do Quốc tế trong vùng Mekong lớn. Chân Mây là một mắt xích trong cung đường xuyên lục địa ấy.

Trong vòng mấy năm nay đất nước đang thực hiện chính sách mở cửa đi lên.

Thành phố Hồ Chí Minh ở phía Nam, Hà Nội ở phía Bắc đang giàu lên từng ngày. Đất nước sẽ như thế nào nếu miền Trung sẽ vẫn là còn chậm phát triển về kinh tế như một khu vực tách biệt. Nếu sự thể khi khoảng cách kinh tế ngày càng doãng ra, điều đó sẽ làm nguy hại đến kinh tế cả nước. Vì lẽ đó miền Trung phải được thực hiện tăng tốc phát triển kinh tế xã hội như vai trò của một đơn vị như miền Nam và miền Bắc. Trong bối cảnh đó sự phát triển kinh tế xã hội miền Trung là đặc biệt quan trọng, như một yếu tố không thể thiếu được trong tầm nhìn chiến lược.

Góp phần làm nên kinh tế miền Trung, một loạt các hải cảng đã hình thành: Dung Quất, Liên Chiểu, Cửa Việt, Chân Mây. Cửa Việt là cảng địa phương, nhưng một siêu thị thương mại và buôn bán quốc tế sẽ hình thành ở Đông Hà. Cảng Dung Quất là cảng công nghiệp, được coi là một trung tâm phát triển kinh tế xã hội miền Trung theo hướng khai thác tổng hợp. Hiện tại cảng Đà Nẵng đảm nhận chức năng thương mại và công nghiệp của vùng miền Trung. Vũng Chân Mây sẽ được xây dựng cảng nước sâu phục vụ như một cảng thương mại lớn và là đầu mối vận chuyển hàng hóa trung chuyển qua hành lang thương mại Đông - Tây nối với khu vực lớn là sông Mêkông.

Dừng lại vị thế của các hải cảng, đã thấy tư thế đứng dậy của một miền Trung cần lao. Nhất là khi hình thành được một trung tâm đô thị ở miền Trung, lấy Huế và Đà Nẵng làm nên khái niệm thành phố sinh đôi ở miền Trung này.

Một nhà khoa học đã nhìn nhận: "Trung tâm đô thị sẽ ra đời cùng với việc hình thành trung tâm tiêu thụ ở các khu tập trung đông dân nhằm thỏa mãn nhu cầu không chỉ cho ngành sản xuất mà còn cả cho ngành phục vụ. Khái niệm Trung tâm Huế - Đà Nẵng sẽ trở thành hiện thực khi liên kết chặt chẽ hai thành phố đó với đầy đủ ý nghĩa để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xe lửa, đường cao tốc chất lượng cao xuyên qua đèo Hải Vân bằng các tuyến Tuy-nen..."

Vậy là con đường cao tốc xuyên Hải Vân sẽ ra đời. 16 cây số đường đèo không còn là cản trở nữa. Nó sẽ trở thành một hùng quan Hải Vân như một tác phẩm nghệ thuật thời thượng đầy hấp dẫn cho khách viễn du bốn phương muốn biết thế nào là biển mây giữa trần gian.

* * *

Thành phố cảng thương mại và du lịch Chân Mây với 15 vạn dân sẽ ra đời trong bối cảnh đầy tính khả thi ấy.

Mặt nước vũng Chân Mây rộng 20km2. Cửa vịnh rộng 7km, có độ nước sâu 9 đến 14 mét. Khu vực đất liền tiếp giáp với vũng Chân Mây rộng tới 42km2.

Thành phố Chân Mây sẽ hình thành 5 khu vực chính: khu cảng nước sâu, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị, khu các công trình cơ sở hạ tầng, khu thực nghiệm nông học, sinh học.

Ta sẽ gặp ở đây một tổng quan phong phú: cảng biển nước sâu tàu 70.000 tấn có thể ra vào thường xuyên, công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, điện tử, khu du lịch cao cấp Cảnh Dương, khu thể thao dưới nước đầm Lập An... Có thể nói đây là một thành phố mới mẻ, thỏa mãn khát vọng bay lượn của con người. Tên làng tên xã sẽ được thay thế vào đó một nội dung hoàn toàn mới mẻ mà bây giờ đây ta sẽ rất ngơ ngác khi nghĩ đến điều tưởng như xa lạ ấy.

Song nếu nói Chân Mây là thành phố du lịch thì rất dễ dàng hình thành trong ý tưởng. Con đường cao tốc xuyên Hải Vân sẽ nối gần lại những địa danh nằm lòng.

Kia là khu tháp Chàm Mỹ Sơn. Hơn một trăm ngọn tháp vẫn bền gan với thời gian, ghi lại dấu ấn một thời vàng son xứ sở Chiêm Thành. Kia là cảng cổ Hội An. Còn đó dãy phố nhỏ như những ngôi nhà trong cổ tích đã một thời buôn bán, nhập xuất rất thịnh hành. Và kia Ngũ Hành Sơn uy nghi trầm mặc trong từng nếp đá. Một thắng cảnh không thể thiếu được trong tổng thể văn hóa Quảng Nam.

Và đây là cố đô Huế. Một kinh thành với 700 công trình kiến trúc của triều đại vua chúa cuối cùng trên đất Việt Nam này. Còn đó cung điện lầu các vàng son. Còn đó lăng tẩm trầm mặc, như thì thầm một cõi xa xưa với thế hệ trẻ trung bây giờ. Và đây một Bạch Mã Sơn, cao sừng sững 1480 mét so với mặt nước biển. Ở đó cho đến năm 1945 người Pháp đã cho xây dựng 138 biệt thự du lịch, xã Bạch Mã đã ra đời từ thời ấy. Một ốc đảo ôn đới đứng kề ngay bên biển đông giữa một vùng đất gió mùa nhiệt đới thất thường. Người Pháp gọi đây là Pa-ri ở Đông Dương... Xa hơn chút nữa du khách có thể tới thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn, địa đạo Vĩnh Mốc và cả động Phong Nha, một động đá được coi là ngoạn mục nhất của xứ sở này.

Thành phố Chân Mây xứng đáng là một giấc mơ lấp lánh hào quang.

* * *

Rồi đây đường cao tốc sẽ nối liền Bắc Nam. Rồi đây trung tâm kinh tế miền Trung Huế - Đà Nẵng sẽ ra đời. Rồi đây siêu thị Đông Hà sẽ mở cửa... Rõ ràng kinh tế miền Trung đã hình thành với vóc dáng riêng của nó xứng đáng là một mắt xích quan trọng trong kinh tế cả nước. Đến lúc đó ta thấy rõ Chân Mây sẽ có sự đóng góp xứng đáng vào sự phát triển khu kinh tế trọng điểm miền Trung cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong thời kỳ mới. Các khu Chân Mây - Liên Chiểu - Dung Quất sẽ trở thành cửa ngõ lớn của đất nước và khu vực. Nó sẽ đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21 này.

Có một nhà thơ viết:

"Cứ đi, cứ đi, có lắm âm thanh mới lạ".

Ông viết về những âm thanh thời chiến tranh. Vậy mà bây giờ đọc lên, câu thơ ấy bỗng mới mẻ như đang lắng nghe những âm thanh bây giờ.

Tôi là người của cả hôm qua và hôm nay nên nghe rõ cả tiếng mìn Trịnh Tố Tâm, tiếng hò reo cướp súng địch ở Hói Mít, tiếng máy khoan đá đào hầm Tuy-nen mở đường hầm Hải Vân. Tôi nghe rõ cả bước chân thì thầm gõ cửa nhà cơ sở của du kích, lại cũng nghe tiếng máy đào đất đắp đê tạo nên một vòng cung chắn sóng từ Chân Mây Đông sang Chân Mây Tây. Thời gian hôm qua và hôm nay đang xích lại gần nhau, dồn sức cho nhau thành mơ ước.

Từ xưa Huế nổi tiếng là một thành phố tiêu thụ. Đến nay dấu tích đang còn đó. Gạo miền Nam chuyển ra. Trái cây Đồng Nai, Khánh Hòa đưa tới. Đến như hoa và rau ăn cũng phải mang từ Đà Lạt về. Chưa nói tới hàng công nghiệp. Riêng sinh hoạt, đã là thành phố phụ thuộc gần như hoàn toàn.

Hai chục năm nay cố đô có chuyển mình. Trước giải phóng, Huế chỉ có 3 nhà máy: nhà máy vôi, nhà máy nước, nhà máy đèn. Từ sau giải phóng đến nay, một loạt xí nghiệp đã ra đời: xí nghiệp sợi, bia, xi măng, dệt... chiếm tới 40 phần trăm tổng thu nhập xã hội.

Tuy vậy, đánh giá của tỉnh về công nghiệp địa phương đang khá gay go: "Sản xuất công nghiệp chuyển biến chưa đồng đều, chỉ tập trung vào số ít xí nghiệp quốc doanh được đầu tư mới với công nghệ khá tiên tiến, các xí nghiệp còn lại do công nghệ lạc hậu, vốn ít, không có thị trường nên gặp nhiều khó khăn". Trong hoàn cảnh ấy, một thành phố thương mại du lịch Chân Mây có ý nghĩa biết bao nhiêu. Lao động dư thừa sẽ có việc làm. Nguyên liệu địa phương sẽ thành hàng hóa. Cánh cửa giao lưu buôn bán sẽ mở toang ra ngoài. Một loạt ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến xuất hiện... góp phần tạo nên bước ngoặt không những chỉ của Huế, mà của cả miền Trung.

Đi trên đường quanh khúc khuỷu Hải Vân, thả bước trên bãi cát bên bờ Chân Mây, chúng tôi thả hồn nghĩ tới một ngày mai sẽ khác, một chân trời mới lạ.

Có một nhà khoa học cũng đã nói tới một cách rất văn chương rằng: "Miền Trung có Dung Quất, Chân Mây như hai cánh đại bàng".

Còn phó tiến sĩ Trương Đình Hiển, người chủ đề tài nghiên cứu, khảo sát lập dự án cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Chân Mây thì đã tức cảnh thành thơ:

"Chân Mây Tây nhìn Chân Mây Đông
Bao thế hệ cùng chung Bạch Mã
Giờ mở cửa nước nhà rộn rã
Lên ngựa thôi, tất cả từ đây"

Con ngựa trắng ngàn năm trên đỉnh Bạch Mã sẽ ngỡ ngàng trong nhịp bay đôi cánh đại bàng miền Trung.

H.T - Q.H
(TCSH88/06-1996)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN NHÃ TIÊN                         Bút ký"Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ. Hưng tộ diên trường ức vạn xuân". Nghĩa là: đất nước Hồng Lam sau ta năm trăm năm sẽ là một thời kỳ hưng thịnh vạn mùa xuân.Không hiểu những tương truyền về "sấm ký" Trạng Trình "ứng nghiệm" đến dường nào, đâu là nguyên bản và thực hư ra sao? Có điều, chúng tôi đang viếng thăm làng quê Trung Am xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo - quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đúng vào cái khoảng thời gian "sau năm trăm năm" ấy, và nhất là vào giữa cái kỳ gian mà đất nước đang từng ngày" Hưng tộ diên trường ức vạn xuân".

  • TRẦN HOÀNGTrong tiếng Việt, từ "Văn vật" là một từ thuộc nhóm từ gốc Hán và cùng tồn tại song song với các từ: Văn hoá, Văn hiến, Văn minh. Người xưa thường dùng từ này để nói, viết về truyền thống văn hoá của một vùng đất, hoặc của một địa phương. Chẳng hạn, lâu nay, cư dân đồng bằng Bắc bộ đã có câu: "Thăng Long là đất ngàn năm văn vật". Song có lẽ từ "Văn vật" xuất hiện nhiều nhất trong các cụm từ "làng văn vật", "danh hương văn vật". Điều này cho thấy từ xa xưa, tổ tiên ta đã rất quan tâm đến "văn hoá làng" và "làng văn hoá".

  • TÔ VĨNH HÀTrong lịch sử loài người, có những bức tranh, những pho tượng lấp lánh toả ánh hào quang lặng im của chúng trong sự lâu bền của năm tháng. Có những ký ức có thể thi gan cùng vĩnh cửu. Nhưng có lẽ, ngôn từ có sức mạnh riêng mà không một thách thức nào, dù là của không gian hay thời gian có thể làm nhạt nhoà những âm vang của nó. Tất nhiên, một khi nó đã đi vào trái tim và khối óc của con người. 1034 chữ của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một trong những áng ngôn từ có sức sống bền vững với thời gian như thế.

  • TRẦN QUỐC TOẢN Tôi sinh ra và lớn lên giữa làng Hến bé nhỏ bên bờ sông La xã Đức Tân (tức Trường Sơn ngày nay) huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh. Qua sự nhọc nhằn của cha, vất vả của mẹ đã đút mớm cho tôi từng thìa nước hến, bát cháo hến để rồi tôi lớn dần lên.

  • HỒ TƯNằm trên dải cát ven phá Tam Giang, từ xưa làng tôi cũng đã có một ngôi đình. Đến năm 1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Chính quyền cách mạng đã vận động nhân dân triệt phá ngôi đình để tránh cho Tây khỏi làm nơi trú đóng.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Đất nước ta, miền Bắc và miền nối liền nhau bằng một dải đất dài và hẹp gọi là miền Trung. Dãy Trường Sơn chạy dọc biên giới phía Tây như một cột sống vươn những chi nhánh dài ra tận biển Đông, làm thành những đèo, trong đó hiểm trở là đèo Hải Vân.

  • PHẠM TIẾN DUẬT1.Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, khi nghiên cứu về dân tộc học, có luận điểm cho rằng, trong quá trình định cư dần dà từ Bắc vào Nam, các cộng đồng, một cách tự nhiên, hình thành từng vùng thổ âm khác nhau.

  • PHAN THUẬN AN.Nhiều người từng đến Lăng Cô hoặc nghe nói đến địa danh Lăng Cô, nhưng ít ai biết rằng vua Khải Định là người phát hiện ra khu du lịch nghỉ mát này.Có thể nói vua Khải Định là ông vua thích du lịch nhất trong số 13 vị vua triều Nguyễn (1802- 1945). Trong đời mình, nhà vua đã đi du lịch nhiều nơi tring nước và cả nước ngoài nữa.

  • Thiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.

  • Anh tôi đang giàu lên với nghề nuôi rắn độc, bị con hổ mang hỏi thăm vào tay. Mấy tiếng đồng hồ cáng tắt qua các cánh rừng đến bệnh viện huyện được cứu sống, nhưng vết thương bị hoại tử, hơn tháng sau mới xuất viện, tiêu tốn hơn chục triệu. Năm sau anh tôi lại bị chính con hổ mang ấy hỏi thăm ở tay kia. Lần này thì tôi đánh xe đi mời thầy thuốc rắn bản Lúng.

  • Đó là làng Lệ Mật thuộc xã Việt Hưng, (thị trấn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Làng này có nghề nuôi bắt rắn, tới nay đã qua 900 năm.

  • Các hoàng đế nước Việt xưa phần lớn giỏi chữ Hán, biết thơ văn, trải Lý, Trần, Lê, Nguyễn đời nào cũng có các tác phẩm ngự chế quý giá. Nhưng tất cả các tác phẩm ấy đều nằm trong quỹ đạo Nho Giáo, dùng chữ Hán và chữ Nôm để diễn đạt cảm xúc về tư tưởng của mình.

  • "Sang Xuân ta sẽ ăn Tết khai hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng".     Vì sao vua Quang Trung dám tuyên bố cả quyết như trên trước mặt ba quân? Tất cả bí mật của cuộc hành binh khôi phục Thăng Long đều được "gói trọn" trong một chiếc bánh chưng.

  • LGT: Nhà văn Thái Vũ với những cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng như Cờ nghĩa Ba Đình, Biến động - Giặc Chày Vôi, Huế 1885... nay đã gần 80. Tuổi già sức yếu song ông đã hoàn thành tập Hồi ức, gồm 4 phần dày dặn. Trong đấy phần II: HUẾ - QUẢNG NGÃI VÀ LK5 là những trang hồi ức đầy “xốn xang” trước và sau CM tháng Tám.Sông Hương xin trích đăng một phần nhỏ gửi tới bạn đọc nhân kỷ niệm ngày CM tháng Tám thành công và Quốc khánh 2 – 9. 

  • Nếu kể cả những công trình nghiên cứu văn hóa, địa lý, lịch sử có đề cập đến các địa danh ở các tỉnh Trung Trung Bộ thì xưa nhất phải kể đến “ Ô Châu cận lục” của Dương Văn An đời Mạc chép về sông núi, thành trì, phong tục của  xứ Thuận Quảng, từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Kế đến là “ Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn tập hợp những tài liệu về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa trong thời gian làm đô đốc xứ Thuận Hóa cuối thế kỷ 18.