PHẠM THỊ PHONG LAN
Anh nhận được email của em khi vừa ở Huế về, rồi gọi điện ngay. Mà hình dung không nổi nên quyết định phải gặp.
Minh họa: Nhím
Sao lại hình dung không nổi? Anh là nhà văn, óc tưởng tượng và trực cảm phải hơn người thường chứ! Anh không sao gắn kết được tiếng cười trong veo như những chiếc ly pha lê chạm vào nhau với giọng văn đáo để của một người... thất tình kinh niên làm một! Anh gặp chỉ vì tò mò thôi chứ gì? Thỏa lòng rồi đó, giờ thì em về. Này nhóc, kiểu giận dỗi trẻ con đó không phải là em đâu...
(Lần đầu gặp mặt, không giống một nhà văn gặp cộng tác viên trao đổi bài vở. Anh làm biên tập ở một tạp chí nổi tiếng về sự kỹ lưỡng, in một bài trên đó coi như được đóng dấu đảm bảo cho chất lượng văn chương, kiêu ngạo cũng là điều dễ hiểu. Anh chủ động hẹn gặp có phải là một hành vi “hạ cố”?)
Em thích ăn tối ở đâu? Ở nhà. Bây giờ cơ. À, vậy đến quán quen của em. Đúng hơn là quán có món quen của em. Cơm gà cary. Anh ăn được không? Hồi ở rừng, anh còn ăn những món cay hơn.
(Một không gian cao nguyên khoáng đạt mở ra trong đôi mắt đầy ngạc nhiên, thích thú. Rừng rậm. Thác ghềnh. Thú dữ. Và hoa). Nhiều nhất là phong lan, đẹp “kinh hoàng”. (Cái cau mày bắt lỗi người đối thoại biến mất. Nỗi tò mò dẫn dụ theo mỗi chặng đời vốn dĩ chỉ thấy qua màn ảnh.) Anh là lính trước khi cầm cây bút nên trang viết không nuột nà trơn tru như thế hệ em.
Uống lipton nhé, gọi cà phê anh sẽ thất vọng đấy. Sao hiểu nhanh quá vậy? Anh ở Tây Nguyên về, uống sao nổi thứ chất lỏng màu cà phê ở đây.
Em chưa ngủ được hả? Anh vẫn thao thức đấy thôi. Cuối tuần em làm gì? Giờ mới là Thứ Hai... ừ nhỉ?
Thứ Ba.
(Họp giao ban. Sếp tổng trong trụ sở chính bay ra, trực tiếp chủ trì buổi party sinh nhật văn phòng phía bắc. Váy áo điệu đà, marcara vuốt làn mi cong vút kiêu kỳ. Đi một mình là một lợi thế kéo theo nhiều phiền phức. Buổi tiệc đứng đầy nghi lễ ngoại giao cứng nhắc: cụng ly, cười, trao đổi danh thiếp... ồn ào mà trống rỗng. Nhân lúc vòng vây của mấy chàng tốt mã loi lỏng, lén xuống sân lấy xe. Phóng ào ào trên phố, thói quen cố hữu mỗi khi rơi tự do trong nỗi buồn. Vô tình lạc vào con phố một chiều).
Phòng anh trên tầng hai, đứng ở cửa sổ còn nhận ra em tô son môi hằng cọ hay bằng ngón tay đấy. Sai hết. Em chỉ dùng nhũ bóng phủ lên màu môi thật của mình. Hóa ra em biết có một người bị dị ứng son màu?
Thứ Tư.
Anh đang ăn trưa, nhưng không phải cơm hộp. Vậy là anh ngồi quán bia với bạn? Sao biết rõ vậy. Anh là nhà văn, thích vạ vật để tìm cảm hứng. Em suốt ngày trong phòng máy lạnh nên viết ra toàn... đồ hộp, không ngán sao, nhóc? Hừ!... Anh uống bao nhiêu rồi mà phán xét người ta quá quắt như vậy.
(Viết để thoát khỏi cái không gian 100 mét vuông chia mười bốn cabin nhốt kín những tham vọng. Để chạm được chân mình xuống mặt đất từ tầng cao nhất của tòa nhà trung tâm. Để nhắc mình đang biến hình thành thứ sản phẩm của thời kỹ thuật số. Viết là lấp đi cái khoảng trống hoác trong lòng. Để thấy mình đang sống).
Nếu em cứ vừa gõ bàn phím vừa đeo phone thì người đọc cũng không nghe được âm thanh dội về từ cuộc sống. Sao anh không nói thẳng văn của em toàn chữ! Đó, em hiểu được rồi cần gì anh phải nói.
Thứ Năm.
Đi thẳng vào cổng, qua cầu thang bên trái, tầng 2, phòng cuối cùng. Tên anh gắn ngay trên cửa, sao còn phải chỉ dẫn kỹ như vậy, em có mù chữ đâu. Nhưng em hay quên. Quên chứ chưa nhầm lẫn bao giờ.
(Chậu hồng quế khô cong, cành lá sắt lại cằn cỗi. Cửa sổ bám một lớp bụi mờ. Những cuốn sách ngả ngốn trên giá. Gạt tàn vun đầy đầu lọc. Và Romance...).
Anh trồng cây mà không tưới thì đừng trồng nữa. Cây sống với anh cũng phải biết cách chịu khổ, không chờ được anh về tưới nước thì cứ việc... chết khô. Rồi anh sẽ bị quả báo vì cái tính ác đó! Anh chỉ chết khô khi nào không còn một cô nàng đanh đá mắng mỏ mình nữa.
(Từng thớ đất khô nẻ reo lên đón ly nước mát. Vòng tròn đồng tâm ẩm ướt loang rộng trên ô cửa kính, một mảng trời trong veo hiện ra. Những con chữ rúc rích một hồi rồi cũng xếp được thành hàng ngay ngắn cạnh nhau. Chỉ Romance vẫn dìu dặt vang lên...).
Em có mệt vì một gã độc thân lộn xộn không? Thú vui của em là làm sạch và thu xếp mọi thứ trở về trật tự. Chỉ là thú vui?
Thứ Sáu.
Sao em không nghe máy?
Em làm gì mà không trả lời tin nhắn?
Em đi đâu cả ngày không online?
Bây giờ là nửa đêm...
Này nhóc, anh không chịu nổi kiểu im lặng của em nữa đâu!
Thứ Bảy.
(Hoa hồng vàng rực cắm trong lọ gốm nâu. Chân dung âm bản của Che Guevara lồng vào khung gỗ có đế đặt trên bàn viết. Đống thiếp mời lưu cữu trong hộc tủ được cắt tỉa thành từng cái book-mark thắt nơ xinh xắn. Và... túi nilon đựng rác cẩn thận đặt sẵn trong sọt).
Em muốn ăn tối ở nhà. Nhưng chỉ còn bánh ngọt và nước suối. Anh cứ việc ra phố ăn một mình. Một mình làm sao anh nuốt trôi? Vậy phải nghĩ ra cách nào đó chứ!
(Đã lâu lắm những chiếc đũa mới được sóng đôi trong vũ điệu hân hoan. Bát đĩa ngoác những cái miệng tròn xoe rộn lên bản đồng ca náo nức. Rượu ấm rực thành ly. Nến lấp lánh sau ánh mắt cười.)
Anh luôn sợ phải trở về trước mỗi chuyến đi. Mà những chuyến đi thì cứ nối nhau thành một vòng vô hạn tuần hoàn. Tại anh chưa tìm ra người mong đợi mình sớm trở về. Chờ đợi là một điều khủng khiếp! Nhưng còn khủng khiếp hơn là chẳng có gì để mà đợi...
Chủ Nhật.
Sao em lại khóc?
Nhìn anh này, anh vẫn đang ôm em đây thôi.
Đừng làm tim anh vỡ nát ra!
(Anh không hiểu gì thật sao! Vừa có một trận lốc xoáy quét đi tất cả lòng kiêu ngạo. Một cánh cửa bí mật vừa mở toang dưới ánh sáng mặt trời. Một thành trì lạnh lùng vừa sụp đổ giữa thảo nguyên bạt ngàn hoa cỏ... Chỉ còn lại mình em, nguyên sơ và nhỏ bé. Cần chở che. Cần yêu thương. Cần anh).
P.T.P.L
(TCSH349/03-2018)
QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.
ĐÀO DUY HIỆPNgày xưa có một chàng trai rất lịch sự. Anh thường có nhiều khách đến nhà chơi.
TRẦN THỊ TRƯỜNGCái tin đám ma ông S chỉ có chiếc quan tài rỗng dù dấu kín đến mấy cũng cứ lan đi. Mấy "nhà báo trẻ" cứ nhớn nha nhớn nhác muốn gặp thân nhân phỏng vấn, ghi hình nhưng nhìn thấy cái vẻ lãnh đạm của H. bác sĩ quân y, con trai ông, liền co cả lại.
NGUYỄN HỮU THÔNGChao ơi? Xin chào Thầy, lâu ngày ghê.Tôi lúng túng một hồi mới nhận ra cô Sen. Trước mắt tôi bây giờ là một thiếu phụ với nụ cười tươi, rạng rỡ, nhưng vẫn không làm phai đi trên khuôn mặt gầy những vết hằn khốn khó.
ĐOÀN LÊ Tặng anh tôi Anh làm khoa học, tôi là diễn viên nhà hát. Riêng điều đó đã không hợp nhau. Nhưng tuổi trẻ không chịu nghĩ chín chắn, chúng tôi cứ yêu nhau bất chấp mọi giông bão ở cả hai phía gia đình.
NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.
LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.
NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.
ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.
HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.
TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.
THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn” Trịnh Công Sơn
THÁI KIM LAN(tiếp theo)
NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...
VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.
I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.
Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...
Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.
Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.
Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.