Một thời ở Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên

09:41 09/02/2023

HỒ THANH THOAN

Đã gần 34 năm nay chúng ta không còn nghe đến tên Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên nữa, chuyện đã trở về dĩ vãng của một thời vàng son. 

Cảnh trong vở "Trên mảnh đất người đời", kịch bản Liên Xô do Đoàn biểu diễn - Ảnh: Hồ Thị Thanh Thoan

Từ 40 cán bộ diễn viên được tuyển chọn ở Đoàn kịch nói Quảng Bình, văn công Vĩnh Linh, văn công Khu ủy Trị Thiên và một số thanh niên có năng khiếu ở thành phố Huế, Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên được hình thành từ ngày hợp nhất tỉnh (1976).

Tính đến tháng 7 năm 1989, Đoàn tồn tại được 13 năm, trải qua bốn đời trưởng đoàn để cùng hoạt động và phát triển với 4 đơn vị khác của tỉnh: Ca kịch Huế, ca múa nhạc, nghệ thuật truyền thống và cải lương Sông Hương. Trong suốt thời gian đó, Đoàn đã dàn dựng và công diễn được 14 vở kịch dài: “Mặt phẳng, Gia đình má Bảy, Platôn Kretrêt, Chiều sông Hương, Âm mưu và tình yêu, Làng bên, Bão tố ngoài khơi, Ngọc, Trên mảnh đất người đời, Tình yêu và tên cướp, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tiếng hát, Đôi dòng sữa mẹ, Cha con người hát rong”, và 10 kịch ngắn: “Em bé giao liên, Khúc nhạc mở đầu, Tình ca, Ngọn lửa, Mặt trời, Ông già và người lính, Ai là thủ phạm, Một lần quá chén, Biệt thự hoang tàn, Hoa Xiêm gai trắng”. Ngoài những tác phẩm trên, Đoàn còn phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xây dựng loại hình sân khấu thể nghiệm đầu tiên của cả nước. Năm 1986 đã cho ra mắt vở diễn Một mình với tất cả của Liên Xô, đạo diễn Xuân Đàm dàn dựng. Chương trình chỉ có 2 nhân vật được tổ chức biểu diễn ở các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và đã gây ấn tượng nhiều với công chúng. Năm 1988 Đoàn tiếp tục dàn dựng vở diễn tiếp theo: Mùa hạ cay đắng của tác giả Nguyễn Quang Lập và cũng do NSƯT Xuân Đàm đạo diễn để phục vụ Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên và sau đó tổ chức phục vụ rộng rãi khán giả trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là vở diễn cuối cùng trước khi tách tỉnh (năm 1989).

Giai đoạn đó, địa bàn hoạt động của Đoàn khá rộng trên khắp mọi miền đất nước, luôn được đánh giá là ngọn cờ đầu của sân khấu Bình Trị Thiên về chính trị, tổ chức và nghệ thuật, hàng năm đều hoàn thành xuất sắc những chỉ tiêu Nhà nước đã tin tưởng giao phó. Các đơn vị nghệ thuật được phân bố rất cụ thể về biên chế, doanh thu, đêm diễn, địa bàn phục vụ và dàn dựng tiết mục. Chúng tôi theo Đoàn lưu diễn khắp nơi trong suốt thời gian mùa khô, nắng ráo. Chỉ đến những lúc mưa gió và rét mướt thì ở nhà làm chương trình mới chuẩn bị cho năm sau.

Tôi về công tác ở Đoàn sau 3 năm thành lập, công việc cứ quay theo quy trình đêm biểu diễn phục vụ khán giả, ban ngày nghỉ ngơi, giặt giũ phục trang, họp hành hoặc làm các công việc chuẩn bị cho địa bàn mới, tu sửa cảnh trí, phông màn, đạo cụ… Những lúc rảnh rỗi lại ngồi cùng nhau kể chuyện gia đình, làm ăn, cuộc sống rất tình cảm. Bên cạnh luôn có nhiều câu chuyện tiếu lâm hết sức vui vẻ, sảng khoái để quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ chồng con cái.

Những giai thoại ngày đó đã in đậm trong tôi suốt 11 năm gắn bó cùng Đoàn, xin ghi  lại một số chuyện để nhớ về thời quá khứ mà chẳng bao giờ được lặp lại.

Cảnh trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ do Đoàn biểu diễn - Ảnh: Hồ Thị Thanh Thoan


Những lần về biểu diễn ở nông thôn thì chủ yếu là ngoài trời, mùa hè thường có gió Lào thổi mạnh. Ngày đó chưa có micro sans fil nên phải dùng loại treo lủng lẳng nhiều cái để diễn viên ở hướng nào cũng nói rõ được cho khán giả nghe. Lúc gió lớn thì micro lại đung đưa, chỉ huy biểu diễn ra lệnh phải bám micro thì anh diễn viên vừa diễn vừa lắc người theo gió, vậy là khán giả được trận cười thoải mái.

Trong những vở diễn của Đoàn, có nhiều kịch bản nước ngoài, chủ yếu là Liên Xô và Đức, diễn viên phải hóa thân theo nhân vật, khuôn mặt phải trang điểm theo màu da của người xứ sở đó, mũi phải cao, trang phục được may theo mẫu của từng thời kỳ và tất nhiên lời lẽ cũng theo kịch bản nhưng ngôn ngữ chỉ là dùng tiếng Việt. Một hôm Đoàn đang diễn vở Âm mưu và tình yêu của Sile, nhà soạn kịch người Đức, do đạo diễn Xuân Đàm dàn dựng, đến đoạn Ferdinan dùng cây kiếm chống xuống đất xong đưa lên trời thề nguyền, kiếm được làm bằng nhôm dẻo nên khi chống xuống mạnh tay quá, lúc đưa lên bị cong mà diễn viên chẳng hề biết. Khán giả cười ầm! Cũng vở diễn nước ngoài, Platôn Kretrêt của nhà soạn kịch Nga Kornaytrue, do đạo diễn Xuân Đàm dàn dựng. Một vai chính diễn viên nam khuôn mặt thì giống Tây nhưng anh ta phải dùng loại cao dẻo để đắp tạo cho mũi cao như người nước ngoài, lúc diễn hăng say quá nên vung tay đụng vào mũi. Vậy là trở thành nhân vật bị thương tật quá nhanh. Điều tối kỵ là không được dừng lại để sửa mũi, vậy là khán giả được một trận cười.

Năm 1982, Đoàn vinh dự được điều động ra Hà Nội biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V với vở Bão tố ngoài khơi của tác giả Lê Bá Sinh do đạo diễn Xuân Đàm dàn dựng, thiết kế sân khấu khá mới mẻ; dùng 3 dây thừng cỡ lớn quấn lưới đánh cá quàng qua sân khấu, lúc kéo lên cao và lúc hạ xuống thấp để các diễn viên bám theo biểu diễn. Những lúc thực hiện trong Nhà hát hoặc hội trường thì không có gió nên chẳng cần chằng các cánh gà, nhưng lúc diễn ngoài trời phải chằng cẩn thận để khỏi tung bay vướng diễn viên và người phục vụ. Những vật chằng này thường dùng thanh đường ray xe lửa cắt khoảng 25cm, hàn thêm quai xách là tiện lợi nhất vì có trọng lượng khá nặng.

Một hôm đang diễn ngoài trời, lúc kéo lưới lên cao lại vướng theo vật chằng này lơ lửng trên không mà diễn viên không hề hay biết, lớp diễn cứ thản nhiên đối thoại bình thường, lúc đó trưởng đoàn và những người phục vụ xung quanh nín thở, bởi nếu không may rơi xuống sân khấu thì rất nguy. May mắn là trong khoảng 10 phút không có việc gì xảy ra, cả đoàn thở phào nhẹ nhõm.

Trong thời gian biểu diễn, không phải lúc nào cũng thông suốt về đối thoại của diễn viên, có những lúc quên lời hoặc líu giọng, những lúc đó phải nhanh nhạy tìm câu từ hợp lý để thay thế, không để ngắt quãng làm ảnh hưởng đến các vai khác. Trường hợp này dễ gây cười cho bạn diễn, nhiều lúc không kiềm chế được tiếng cười của mình. Vậy là bạn diễn phải tìm cách đánh mạnh hoặc véo đau để được trở lại trạng thái bình thường, đó là cách xử lý nhanh của những diễn viên dày dạn kinh nghiệm trong quá trình làm nghề.

Năm 1982 sau khi biểu diễn từ Hà Nội về, Đoàn lưu diễn trên địa bàn tỉnh Nghệ Tĩnh, ở các nông trường sau đêm diễn thường vắng vẻ, lại chẳng có quán xá mở cửa nên số diễn viên nam luôn soạn bài xì lác ra đánh cho đỡ buồn. Trưởng đoàn không muốn mất sức của anh em, đồng thời tránh chuyện sát phạt lẫn nhau gây tiếng xấu trong quần chúng. Sau nhiều lần được nhắc nhở mà vẫn không hiệu quả, trưởng đoàn phải truy tìm để bắt quả tang, anh em lại chọn nơi kín đáo để hoạt động. Nhờ có tình báo nội bộ nên khó mà thoát khỏi. Khi ông đến nơi thì cả hội chạy tán loạn, người leo lên đu bám trần nhà, kẻ nấp kín dưới bục bệ, số khác giả vờ đang nằm ngủ. Đó là kỷ niệm khó quên của một thời trai trẻ. Hôm sau xe ca của Đoàn đi cổ động thông báo cho đêm diễn kế tiếp mà vô ý quên lấy đôi giống sắt xếp trên trần xe, khi qua đường có dây điện trần quá thấp nên đã quệt phải gây nên chập điện cháy cả dãy nhà tranh tập thể, gặp lúc mùa hè gió khá lớn nên ngọn lửa lan đi rất nhanh. Chúng tôi có mặt ở gần đó nhưng chỉ cứu được vài va ly của công nhân nông trường, lúc này đang còn trong giờ làm việc nên mọi người đều không có ở nhà. Thật tội nghiệp cho những thanh niên ăn ở tập thể! !!!

Chẳng hiểu thế nào mà cứ mỗi lần tham dự hội diễn hoặc đi phục vụ sự kiện lớn thì xe Đoàn đều bị tai nạn nhưng may mắn là không thiệt hại về người, mặc dù trưởng đoàn và anh chị em lúc nào cũng luôn cầu an và tâm nguyện xin mọi sự tốt lành và an toàn trước lúc xuất phát. Năm 1982, xuất quân đi Hà Nội phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, lúc đến km 17 (Thị xã Hương Trà bây giờ) thì xe ca chở cán bộ diễn viên bị cháy, do đưa bình xăng lên trần để tiếp nhiên liệu, anh em trong xe muốn thoát ra ngoài mà cứ chen chúc nhau rất khó, cuối cùng cũng leo trèo qua cửa được, tôi chạy nhanh về phía trước chụp ảnh sự kiện này đã bị trưởng đoàn mắng cho một trận vì không chịu lo cứu chữa tài sản, nhưng sau này lại khen vì đã có tư liệu làm kỷ niệm.

Đoàn đi phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội năm 1982, lúc đến km 17 xe bị cháy đang được cứu chữa - Ảnh: Hồ Thị Thanh Thoan


Vào cuối năm 1984, Đoàn được điều ra Hà Nội phục vụ lễ kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/1984). Sau khi xong lễ, Đoàn đã lưu diễn rất nhiều địa phương ở ngoại thành và một số tỉnh lân cận. Chuyến đi thành công tốt đẹp nhưng lúc trở về, đi qua khỏi Hà Nội 30 km (gần Ga Tía), trời mưa phùn và đường trơn, xe ca chở người, kéo theo máy phát điện 35KW đi trước, xe tải kéo theo rơ moóc chở hàng hóa và trang thiết bị đi sau, bất ngờ xe tải đâm mạnh vào máy phát điện bẹp dúm rồi tự lật nhào lên đường tàu nằm bên đường bộ, xăng dầu chở theo trên xe chảy ra lênh láng. Rất may là lúc đó người dân địa phương nắm rõ thời gian của tàu sắp đến nên đã nhờ xe khác chạy nhanh về phía trước báo hiệu cho đoàn tàu kịp thời dừng lại, phải mất gần 4 giờ đồng hồ để tìm thuê xe cẩu kéo lên, rất may là ngành Đường sắt không phạt vì đã làm chậm tiến độ của nhiều chuyến tàu. Đêm hôm đó, cả đoàn phải ngủ lại bên vệ đường của một thị trấn cách Hà Nội khoảng 60km, rất may là trời không mưa. Đúng là quá khổ, chuyến đi đáng nhớ.

Đầu năm 1985, Đoàn đi dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại thành  phố Quy Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình. Lúc qua đèo Phú Gia ở huyện Phú Lộc thì xe tải kéo theo rơ moóc bị lật nhào, tất cả đồ đạc và trang thiết bị hư hỏng toàn bộ, lúc đó xe ca chở người đi trước dừng đợi tại thị trấn Lăng Cô. Thời kỳ này chưa có điện thoại di động nên phải chờ nhau để đi cùng lúc, bỗng nhiên có xe khách dừng lại và báo rằng xe Đoàn bị tai nạn ở phía sau, vậy là phải quay lui. Cả đoàn hết sức buồn bã, chán nản, phó đoàn ngồi khóc nhưng trưởng đoàn rất bình tĩnh. Đoàn quyết định thuê xe khác chở đồ đạc vào và sửa chữa ngay tại nơi hội diễn, riêng đèn lúp chiếu sáng sân khấu loại 1.000kw là xin hỗ trợ từ các đoàn bạn, mỗi đơn vị một cái. Cuối cùng chuyến đi cũng thành công mỹ mãn.

Cuối năm đó, Đoàn tiếp tục lưu diễn ở các tỉnh phía Bắc đã gặt hái được nhiều thắng lợi, đặc biệt là tại Hải Phòng suốt gần nửa tháng, phải diễn 3 suất/ngày, khán giả mua vé phải đăng ký trước và chỉ được giải quyết 50%. Doanh thu quá cao nên thủ quỹ Đoàn báo lãnh đạo thùng đựng tiền đã đầy không còn chỗ chứa. Đang đà thắng lợi thì cơn bão lớn hoành hành ở khu vực Bình Trị Thiên, một số anh chị em đã đề nghị cho quay về nhà. Cũng đúng vào thời điểm này việc cải cách tiền lương và sự kiện “đổi tiền mới” diễn ra lúc Đoàn đang công tác trên đường.

Đã gần 34 năm qua vắng bóng tên tuổi của một số đoàn nghệ thuật ở Huế, trong đó có Đoàn ca múa nhạc, Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên và Đoàn cải lương Sông Hương. Hai Đoàn còn lại đã thay tên đổi chủ. Anh chị em của Đoàn bây giờ người còn người mất, họ đã già đi theo năm tháng, bởi thời gian cứ trôi qua mà không bao giờ trở lại. Năm 1999, nhân kỷ niệm 10 năm xa Đoàn, anh chị em tổ chức gặp mặt lần thứ nhất tại Đông Hà, lúc đó vẫn còn nguyên vẹn đội ngũ. Lần thứ hai vào năm 2017 tại thành phố Huế (ngay trụ sở của Đoàn ngày xưa nhưng bây giờ là Nhà hát Ca kịch Huế làm việc), cán bộ diễn viên đã mất mát đi một số.

Đến thời điểm này, theo nguyện vọng của anh chị em muốn tổ chức ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nhưng NSND Xuân Đàm, trưởng đoàn ngày đó nay tuổi đã cao, sức đã yếu (91 tuổi) nên quyết định tổ chức tại thành phố Đông Hà lần thứ ba, vào ngày 29 - 30/10/2022.

Những bước chân, giọng nói, tiếng cười sẽ không còn nguyên vẹn như thời trai trẻ nhưng cuộc gặp sẽ có nhiều tiếng khóc, vừa mừng, vừa tủi. Anh chị em sẽ được hàn huyên tâm sự rồi chưa biết lúc nào được gặp lại nhau. Kỷ niệm về một quãng đời quá khứ rất đẹp, rất tình cảm và đầy yêu thương hơn bao giờ hết, nhưng tiếc rằng, thời gian không bao giờ quay ngược lại với mỗi một chúng ta.

Tháng 10 năm 2022
H.T.T
(TCSH47SDB/12-2022)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BỬU Ý

    Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.

  • LÊ QUANG KẾT
                   

    Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).

  • VŨ THU TRANG

    Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.

  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ

    Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.

  • HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
                                      Đoản văn

    Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!

  • LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ

  • BÙI KIM CHI

    Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.

  • KIM THOA

    Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên        
          
                       (Hàn Mạc Tử)

  • NGUYỄN VĂN UÔNG

    Hôm nay có một người du khách
    Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên         
     

    (Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY

    Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.

  • LÊ QUANG KẾT                
                      Tùy bút

    Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.

  • TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.

  • LÊ QUANG KẾT

    Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.

  • HUY PHƯƠNG

    Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
    Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên         
                          
                                              (Tố Hữu)

  • PHAN THUẬN AN

    Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.

  • MAI KIM NGỌC

    Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.

  • HOÀNG HUẾ

    …Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…

  • QUẾ HƯƠNG

    Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.

  • THU TRANG

    Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.

  • TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ

    Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.