Một số hiện tượng lai tạp trong ngôn ngữ văn chương Việt Nam

10:41 25/06/2009
HẢI TRUNGHiện tượng ngôn ngữ lai tạp hay gọi nôm na là tiếng bồi, tiếng lơ lớ (Pidgins và Creoles) được ngành ngôn ngữ học đề cập đến với những đặc trưng gắn liền với xã hội. Nguồn gốc ra đời của loại hình ngôn ngữ này có nhiều nét khác biệt so với ngôn ngữ nói chung. Đây không chỉ là một hiện tượng cá thể của một cộng đồng ngôn ngữ nào, mà nó có thể phát sinh gắn liền với những diễn biến, những thay đổi, sự phát triển của lịch sử, xã hội của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia khác nhau.

Pidgins là một thuật ngữ chỉ một bộ phận ngôn ngữ lai tạp có phạm vi sử dụng hẹp. Pidgins hình thành từ cơ sở thực tiễn xã hội có nhiều xáo trộn về lịch sử như sự xâm chiếm lãnh thổ của các đế quốc thực dân; như sự giao thương giữa các nền kinh tế; sự truyền đạo của các nhà truyền giáo... Trong quá trình giao tiếp với những mục đích khác nhau cũng như nhu cầu hiểu biết lẫn nhau, sự bất đồng ngôn ngữ là nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp hình thành nên hiện tượng Pidgins.

Trong xã hội tồn tại các loại ngôn ngữ khác nhau, giữa các đối tượng giao tiếp, với tất cả khả năng vận dụng, người ta vừa dùng ngôn ngữ này (tiếng này) với ngôn ngữ kia nhằm vào đích sử dụng là tìm tiếng nói chung, cốt để hiểu nhau, bất chấp mọi thuộc tính ngữ pháp của từng ngôn ngữ.

Hoàn cảnh giao tiếp cùng với những diễn tiến xã hội đã quyết định số phận tồn tại và phát triển của Pidgins. Vì vậy chúng ta có thể thấy rõ về hiện tượng tồn tại khá dài của một số Pidgins cũng như thời gian tồn tại rất ngắn của những Pidgins khác.

Không giống như Pidgins, Creoles là một thuật ngữ chỉ một bộ phận ngôn ngữ lai tạp có phạm vi sử dụng rộng, và thực chất có thể hiểu rằng Creoles là Pidgins đã trở thành ngôn ngữ có phạm vi sử dụng rộng; hay Creoles chẳng qua là sự phát triển của Pidgins ở một không gian, môi trường giao tiếp rộng hơn mà thôi. Cũng như có thể hình dung rằng, Pidgins và Creoles là hai giai đoạn trong một quá trình đơn giản của sự phát triển ngôn ngữ.

Có thể hình dung đó là một quá trình vận động của việc sử dụng ngôn ngữ. Khi mới hình thành trong một cộng đồng nói năng, Pidgins được sử dụng trong một phạm vi rất hẹp. Về sau, nhu cầu giao tiếp đã làm tăng lượng người sử dụng, phạm vi giao tiếp của Pidgins được mở rộng, củng cố rồi phát triển rồi trở thành Creoles. Đặc trưng của Pidgins là vốn từ vựng ít ỏi, kết cấu ngữ pháp đơn giản, khi chuyển thành Creoles thì tất nhiên các bình diện từ vựng, ngữ pháp sẽ được mở rộng.

Nhìn chung, Pidgins và Creoles đều là những hiện tượng lai tạp trong ngôn ngữ, chỉ phân biệt nhau ở mức độ và phạm vi sử dụng; ở vốn từ và cấu trúc ngữ pháp; ở đối tượng sử dụng nhiều hay ít...với những đặc trưng ngôn ngữ mang tính xã hội, mà nguyên nhân hình thành và phát triển chính là nhu cầu hiểu nhau trong một cộng đồng nói năng tồn tại nhiều ngôn ngữ ở các đối tượng giao tiếp.

Trong văn chương Việt Nam, hiện tượng ngôn ngữ lai tạp được thể hiện khá đặc trưng với những diễn biến phong phú, làm nên một sắc diện mới mẻ, độc đáo trong ngôn ngữ.

So với hiện tượng lai tạp trong ngôn ngữ giao tiếp, hiện tượng lai tạp trong ngôn ngữ văn chương Việt Nam có nhiều đặc trưng riêng. Lai tạp trong ngôn ngữ văn chương đã tạo nên những hiện tượng lai tạp khá đặc biệt, tạo nên một nét riêng của ngôn ngữ lai tạp được hình thành trong quá trình sử dụng ngôn ngữ từ mục đích giao tiếp đến ý đồ nghệ thuật.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy, vào chế độ quân chủ ở Việt Nam, người Việt sử dụng cả hai hình thức ngôn ngữ tiếng Hán (khi viết) và tiếng Việt (khi nói). Tiếng Việt qua các giai đoạn sau được ghi lại bằng hai hình thức đó là chữ Nôm (theo hệ chữ vuông) và chữ Quốc ngữ (theo hệ La-tinh). Khi sử dụng cả hai loại ngôn ngữ tiếng Hán (khi viết) và tiếng Việt (khi nói) dẫu chẳng cần đến một Pidgins nào để "hiểu nhau" nhưng trong văn chương hiện tượng lai tạp này vẫn diễn ra và trở thành sản phẩm trí tuệ của thời đại này.

Sự lai tạp các yếu tố Hán và Nôm; Nôm và Hán trong những tác phẩm thi ca, câu đối một mặt là sản phẩm của xã hội có song thể ngữ, mặt khác lại là sản phẩm đặc biệt của những cá nhân sử dụng ngôn ngữ với những mục đích rõ ràng. Tuy những hiện tượng lai tạp trong ngôn ngữ văn chương ở giai đoạn này không nhằm mục đích để hình thành Pidgins, nghĩa là không dùng với mục đích giao tế, nhưng tính chất lai tạp thể hiện trong chúng là rất rõ nét với ý thức cụ thể. Hiện tượng lai tạp kiểu này đã trở thành một ý đồ nghệ thuật- nghệ thuật chơi chữ với những cách thức phô diễn trí tuệ qua chữ nghĩa cũng như hướng đến những đích thẩm mỹ nhất định.

Vào thời Nguyễn (1802-1945), ở Huế, có một bài thơ chữ Hán, trong đó, mỗi câu đều có hai chữ Nôm (vốn được truyền là của Chu thần Cao Bá Quát - đọc ghép theo hai câu thực của vua Tự Đức) như sau:

Phiên âm:

Bảo mã tây phong huếch hoác lai
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân thức
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.

Dịch thơ:

Huếch hoác gió phi tiếng ngựa lồng
Huênh hoang người tự bước vào trong
Giữa vườn oanh hót khề khà tiếng
Ngoài ruộng đào bung lấm tấm bông
Lộp bộp sương reo nghe xuân sớm
Bài nhài mưa rụng thấy thu không
Khù khờ tứ cũ thơ quen điệu
Khệnh khạng mai sau hỏi tú công.
                                (Hải Trung dịch)

Ở đây, có các yếu tố huếch hoác; huênh hoang; khề khà; tấm tấm; lộp bộp; bài nhài; khù khờ; khệnh khạng đều là chữ Nôm với nét nghĩa thuần Việt tồn tại đều đặn trong tám câu của một bài thơ chữ Hán thể thất ngôn bát cú Đường luật. Đây là sự lai tạp cố ý với dụng ý nghệ thuật rõ nét, và tất nhiên phải giỏi chữ nghĩa mới có thể tạo lập được dạng văn bản kiểu này.

Đối lập với kiểu lai tạp Hán-Nôm vừa đề cập, hiện tượng lai tạp trong ngôn ngữ Nôm- Hán trong văn học trung đại khá phổ biến với những đặc điểm khá rõ nét là tiếng Việt có một lượng từ gốc Hán khá lớn. Không kể rất nhiều bài thơ có sự lai tạp, hay nói đúng hơn là sử dụng từ Hán Việt một cách tự nhiên theo những kết hợp thường gặp trong tổ chức ngôn ngữ, thì có một số bài sử dụng từ Hán Việt có những đặc trưng rất riêng, rất điển hình với những sắc thái nghĩa rất rõ nét. Có thể xem đây như là một trường hợp lai tạp ngôn ngữ, tuy không nhằm vào đích là tạo Pidgins:

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
                (Bà Huyện Thanh Quan, Thăng Long thành hoài cổ)

Ở đây, không kể đến các yếu tố gốc Hán như tạo hoá, cuộc, hồn, thành, lâu đài, cảnh, thì toàn bộ các từ như hí trường, tinh sương, thu thảo, tịch dương, tuế nguyệt, tang thương, kim cổ, đoạn trường... được phân bố ở cuối các câu đã tạo nên những âm vang, sắc màu cổ kính, phảng phất về dĩ vãng rất phù hợp với tính chất hoài niệm về một Thăng Long thành. Tuy các bộ phận từ Hán Việt được xem như là những từ của tiếng Việt, vay mượn từ tiếng Hán và được phát âm theo cách của người Việt, nhưng quá trình sử dụng và trộn mã (ở đây chỉ xác định trộn mã với tư cách là kết hợp thông thường) của các loại phong cách ngôn ngữ là hoàn toàn khác nhau. Xu hướng của những thể loại thơ hoài cổ thường sử dụng từ Hán Việt với mật độ cao, nhưng kiểu Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan là hoàn toàn khác, không phải là sự trộn mã ngẫu nhiên, thuận theo dòng xúc cảm, mà là sự cố ý lai tạp ngôn ngữ được phân bố thành hai khu vực rất rõ trong một câu: dãy thuần Việt và dãy Hán Việt. Hay ở trường hợp Chiều hôm nhớ nhà, sự kết hợp đồng dạng kiểu này cũng diễn ra tương tự:

Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
                (Bà Huyện Thanh Quan)

Sắc thái biểu cảm đặc trưng của từ Hán Việt là mang sắc màu tĩnh tại, bất động gây ấn tượng nhoè về nghĩa, vang về âm, câu thơ trên không cho chúng ta một bức tranh cụ thể của một ông lão đánh cá, của chú bé chăn trâu trong bối cảnh một khu phố xa, một thôn làng hoang vắng...mà chỉ gợi lên những nét hoạ về các ý niệm ngư ông, mục tử với các tiểu cảnh của viễn phố, cô thôn đã tồn tại sẵn, chìm trong trong tiềm thức Đông phương...

Trong kho tàng văn chương Việt Nam, có rất nhiều câu thơ, câu đối thể hiện sự kết hợp lai tạp giữa các yếu tố Việt và Hán. Đó là những hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa khá thú vị. Trong bài Qua đèo ngang, Bà Huyện Thanh Quan đã viết:      

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(1)

Ở câu này, các yếu tố quốc, gia đồng nghĩa với nước, nhà. Ngoài ra, quốc quốc lại đồng âm với cuốc cuốc (tiếng kêu của con chim cuốc); gia gia đồng âm với da da (một cách gọi khác của chim đa đa). Hay ở câu: Da trắng vỗ bì bạch thì bì bạch ở đây vừa là từ tượng thanh (nếu chỉ xét là một từ thuần Việt) miêu tả bổ sung cho nét nghĩa của vỗ, đồng thời lại có nghĩa là da trắng (nếu xét là từ Hán Việt). Kéo theo câu này là hàng loạt các câu đối lại với tính chất như thế, như: Trời xanh màu thiên thanh, Giếng nhỏ bé tỉnh tinh, Nhà vàng ngồi đàng (đường) hoàng, Tay tơ sờ tí ti...Hay hai câu đối vừa Việt vừa Hán dưới đây có cách tổ chức các đơn vị ngôn ngữ khá rõ trong ý nghĩa lai tạp:     

Bươm bướm đậu cành sen, liên chi hồ điệp
Gà trống mổ hạt thóc, cốc đế hùng kê
(2)

Trong hai câu trên có bốn cặp từ thể hiện hiện tượng đồng nghĩa thuần Việt-Hán Việt: bươm bướm- hồ điệp; cành sen- liên chi; gà trống- hùng kê; thóc- cốc, bên cạnh đó là hiện tượng đa nghĩa ở các từ Hán- Việt: nếu là liên chi (
) nghĩa là liền cành, nếu là liên chi ( ) nghĩa là cành sen; nếu là cốc đế ( ) nghĩa là chim cốc, nếu là cốc đế ( ) nghĩa là già cỗi (3).

Nhìn chung, là sản phẩm của lịch sử, do trước đây, người Việt sử dụng cả hai hình thức ngôn ngữ tiếng Hán (khi viết) và tiếng Việt (khi nói) và sau này có sự ra đời của chữ Nôm, việc lai tạp các yếu tố khác mã trong ngôn ngữ trong cùng một văn bản nghệ thuật đã tạo nên hiện tượng lai tạp ngôn ngữ khá đặc sắc. Hơn nữa, do đặc điểm tiếng Việt vốn có hai loại từ cơ sở là thuần Việt và Hán Việt nên việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tế cũng như nghệ thuật có sự trộn mã một cách tự nhiên, không một chút khiên cưỡng, nếu vận dụng lựa chọn, kết hợp khéo léo sẽ tạo ra những hiệu quả thẩm mỹ cao. Đó là một quá trình lai tạp rất đặc biệt, trở thành sản phẩm trí tuệ của những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Sự phát triển và tồn tại của Pidgins liên quan chặt chẽ với những diễn tiến xã hội, gắn liền với những môi trường, bối cảnh và mục đích giao tiếp. Ở Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ XIX đến khoảng những năm 1950 của thế kỷ XX, ngót nghét 80 năm, Pidgins Việt- Pháp đã tồn tại ở Việt Nam(4) cùng với chế độ thực dân. Tiếp theo là 20 năm Pidgins Việt -Anh ở miền Nam Việt Nam cùng với sự tồn tại của chế độ Mỹ Ngụy. Chính sự tồn tại của những hình thức Pidgins này cũng tạo cơ sở cho thể loại thơ ca dân gian phát triển với tính chất trào lộng, trở thành những nét đặc sắc trong mảng thơ ca trào phúng giai đoạn này. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của Pidgins Việt- Pháp, hàng loạt bài thơ trào phúng đã ra đời.

Đặc điểm của loại hình thi ca này là sử dụng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp trong cùng mạch diễn đạt, cách đọc tiếng Pháp cũng không đúng với âm chuẩn, ép ngữ âm tiếng Pháp nhằm phù hợp với nguyên tắc hiệp vần của thể lục bát. Chẳng hạn:  

Sao toa vội gót trở Ăng-phoong
Bạc bẽo làm chi hỡi đi- đoòng
Chắp cánh bay cao lòng cá-nác
Dừng chân đứng lại phận cô-soong
Sụt sùi moa những nhìn la-pốt
Năn nỉ sừ ơi nỗi lạc-gioòng
Một tiếng ô-voa không kể xiết
Xa người xa cả cán ba-toong.
(5)

Đó không đơn thuần chỉ là lối chơi chữ mang màu sắc hình thức, bài thơ đã thể hiện lối lai tạp đặc trưng. Ngoài cách kết cấu nhịp nhàng, được phát triển từ cơ sở Pidgins Việt- Pháp, nội dung bài thơ mang nội dung xã hội sâu sắc: mỉa mai thói tật ở đời, thật sự có tác động thẩm mỹ đến người đọc; và hình thức vẫn đảm bảo được tính chất đối ngẫu của một bài Đường luật.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, sự phát triển của hiện tượng Pidgins Việt- Pháp đã trở nên mạnh mẽ trước nhu cầu giao tiếp của xã hội. Một bộ phận lao động trong xã hội đã sáng tạo ra một lối “tam thiên tự” mới vận dụng để học tiếng Pháp lúc bấy giờ.

Khi học tiếng Hán, trước đây đã có tam thiên tự với lối đọc có vần điệu nhịp nhàng như: thiên trời, địa đất, tử mất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước... Đến giờ người ta cũng sáng tạo ra lối nói vần vè kiểu này, nhưng bằng thể lục bát, để học nhanh tiếng Pháp với đặc tính là dễ nhớ, lâu quên:Đit mười, oong một, xăng trăm/ Toa ba, huýt tám, xanh năm, min nghìn/ Vạn thời tiếng gọi đit-min... (6)

Đả kích vào những cô gái Việt Nam lấy người Tây, một hiện tượng bị lên án gay gắt vào thời bấy giờ, thơ trào phúng Pidgins Việt- Pháp có rất nhiều bài. Phổ biến vẫn là lối lai tạp ngôn ngữ sử dụng các lối kết hợp theo tập quán của ngữ pháp, của cách tổ chức ngôn ngữ thơ Việt Nam. Có thể kể ra hàng loạt bài hình thành theo lối này (lúc chia xa nhân vật trong bài thơ vẫn vọng tưởng không nguôi thương nhớ đến người xưa, thổn thức trong niềm đơn côi đến chán chường):

Dê-cờ-ri tình thơ uynh-lét
Để cho mình con-nét mông-cơ
Từ khi mình kit-tê-dơ
Bon-nơ cũng lắm, ma-lơ cũng nhiều
...(7)

Hay là:    

Moa kit-tê vu mạch-tớ-nằng
(...) Mặc ai cẩm-lách với a-măng
(8)

Theo quan điểm của David Crystal trong Bách khoa ngôn ngữ học thì trên thế giới có 100 Pidgins và Creoles. Trong đó, Việt Nam có hai Pidgins: một được xây dựng trên cơ sở tiếng Pháp, được dùng rộng rãi ở Việt Nam trong thời kỳ thuộc Pháp, bây giờ không còn tồn tại nữa; một được xây dựng trên cơ sở tiếng Anh, được sử dụng ở Việt Nam giữa người dân bản địa với các nhân viên người Mỹ, hiện nay cũng không còn tồn tại nữa (9).

Rõ ràng những dẫn chứng qua các tác phẩm văn chương bình dân vừa đề cập là những minh chứng khá thuyết phục cho sự tồn tại của hình thức Pidgins Việt-Pháp. Việc sử dụng khá rộng rãi của hình thức Pidgins này đã làm hình thành nhiều hiện tượng ngôn ngữ thể hiện ở nhiều dạng phong cách ngôn ngữ khác nhau. Điều đặc biệt đó là sự tồn tại của Pidgins trong phong cách ngôn ngữ văn chương, một hiện tượng rất hiếm trong các loại ngôn ngữ khác trên thế giới.

Pidgins với tất cả những đặc trưng của nó thật sự đã trở thành một bộ phận ngôn ngữ mang những yếu tố xã hội rất cao. Sự tồn tại của nó gắn chặt với sự tồn tại của những bối cảnh xã hội, những như cầu bức bách trong quá trình giao tiếp.

Xuất hiện với tư cách là ngôn ngữ bình dân, là sản phẩm của một bộ phận giao tiếp trong xã hội nhưng lại được sử dụng trong ý nghĩa là phương tiện biểu đạt văn chương đã thể hiện rõ khả năng của Pidgins. Điều này cũng cho thấy quá trình tiếp xúc ngôn ngữ trong tiếng Việt. Từ sự kết hợp của các yếu tố thuần Việt (thông qua sự ghi lại của các hình vị Nôm) với các yếu tố tiếng Hán đến sự kết hợp của tiếng Việt (thông qua sự ghi lại của các hình vị la-tinh) với các yếu tố tiếng Pháp đều có thể cho phép chúng ta nghĩ rằng, với đặc trưng ngôn ngữ của mình, tiếng Việt có khả năng và xu hướng có thể kết hợp với các yếu tố lai tạp rất cao, đặc biệt trong nghệ thuật. Qua đó, cũng phần nào thấy được bức tranh xã hội của Việt Nam vào những giai đoạn lịch sử khác nhau, đặc biệt là tâm hồn của người Việt, trong phạm vi ngôn ngữ nào đều cũng để lại những sản phẩm văn chương thú vị, góp phần làm giàu kho tàng tiếng Việt.

H.T
(178/12-03)

-----------------------
(1) Có tài liệu ghi là con cuốc cuốc... cái da da (H.T).
Câu này dẫn theo PGs Hồ Lê, Ts Lê Trung Hoa, Sử dụng từ ngữ trong tiếng Việt (Thú chơi chữ), Nxb KHXH, Hà Nội, 2002, trang 142.
(2) Dẫn theo PGs Hồ Lê, Ts Lê Trung Hoa, như trên, trang 146.
(3) Liên chi hồ điệp: có thể hiểu theo các nghĩa: Bươm bướm (đậu) cành sen; cành sen, bươm bướm; liên tiếp nhau (nghĩa thoát). Cốc đế hùng kê: có thể hiểu theo các nghĩa: gà trống già cốc đế (khú đế); chim cốc, gà trống.
(4) Theo quan điểm của Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội-những vấn đề cơ bản, Nxb KHXH, 1999, trang 77.
(5) Ăng-phoong (en France): về Pháp; đi-đoòng (dis-donc): vậy, hãy nói đi; cá-nác (canard): con vịt; cô-soong (cochon): con lợn; la-pốt (la poche): cái túi, cái ví; lạc-gioòng (l'argent): tiền bạc; ô-voa (au revoir): tạm biệt; ba-toong (bâton): cây ba-toong.
(6) Đit (dix):10; oong (un):1; xăng (cent): 100; toa (trois): 3; huýt (huit):8; xanh (cinq):5; min (mille): nghìn; đit-min (dix-mille): một vạn.
(7) Dê-cờ-ri (J'écris): tôi viết; uynh-lét (une lettre): một bức thư; con-nét mông-cơ (connaitre mon coeur): hiểu lòng tôi; kit-tê-dơ (đáng lẽ phải là je te quitte): ý là chia tay; Bon-nơ (bonheur): hạnh phúc; ma-lơ (malheur): bất hạnh.
(8) Moa kit-tê vu mạch-tớ-nằng (Moi quitter vous maintenant): bây giờ tôi phải xa anh, đúng ngữ pháp và kết cấu tiếng Pháp là moi, je vous quitte; cẩm lách (camarade): bạn; a-măng (amant): người tình.
(9) Dẫn theo Nguyễn Văn Khang, sách đã dẫn, trang 76.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM PHÚ PHONG"Tôi ngồi nhớ lại tất cả nỗi trầm tư dài bên cạnh mớ hài cốt khô khốc của anh Hoàng. Trước mắt tôi, tất cả cuộc sống đầy những hùng tráng và bi thương vốn đã từng tồn tại trên mảnh đất rừng này, giờ đã bị xoá sạch dấu tích trong sự câm nín của lau lách. Như thế đấy có những con đường không còn ai đi nữa, những năm tháng không còn ai biết nữa, và những con người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa...

  • LÊ THỊ HƯỜNG1. Yêu con người Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thơ, quý con người Hoàng Phủ trong văn, tôi đã nhiều lần trăn trở tìm một từ, một khái niệm thật chính xác để đặt tên cho phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường.

  • TRẦN THÙY MAICó lần anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói: tính chất của người quân tử là phải "văn chất bân bân". Văn là vẻ đẹp phát tiết ra bên ngoài, chất là sức mạnh tiềm tàng từ bên trong. Khi đọc lại những bài nghiên cứu về văn hóa – lịch sử của anh Tường, tôi lại nhớ đến ý nghĩ ấy. Nếu "văn" ở đây là nét tài hoa duyên dáng trong từng câu từng chữ đem lại cho người đọc sự hứng thú và rung cảm, thì "chất" chính là sức mạnh của vốn sống, vốn kiến thức rất quảng bác, làm giàu thêm rất nhiều cho sự hiểu biết của người đọc.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCXuất thân từ một gia đình hoàng tộc, cử nhân Hán học, giỏi chữ Hán, thông thạo chữ  Pháp, từng làm quan dưới thời Nam triều, nhưng Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhân cách độc đáo.

  • HỮU VINH Chúng ta đã thưởng thức thơ, ca Huế, ca trù, hò, tuồng của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhà thơ lừng lẫy của miền sông Hương núi Ngự. Nhưng nói đến sự nghiệp văn chương của thi ông mà không nói đến thơ chữ Hán của thi ông là một điều thiếu sót lớn.

  • ĐỖ LAI THÚYQuang Dũng nói nhiều đến mây, đặc biệt là mây trời Sơn Tây, Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm! Mây là biểu tượng của tự do, của lãng du. Mây trắng là xứ sở của tiêu dao trường cửu. Chất mây lãng tử ở Quang Dũng, một phần do thổ ngơi xứ Đoài, phần kia do văn học lãng mạn.

  • CAO XUÂN HẠOĐọc bài Nỗi đau của tiếng Việt của Hữu Đạt (H.Đ) trong tuần báo Văn nghệ số 9 (2-3-2002), tôi kinh ngạc đến nỗi không còn hiểu tại sao lại có người thấy mình có thể ngồi viết ra một bài như thế. Tôi cố sức bới óc ra nghĩ cho ra người viết là ai, tại sao mà viết, và viết để làm gì. Rõ ràng đây không phải là một người hoàn toàn không biết gì về giới ngôn ngữ học Việt . Nhưng hầu hết những điều người ấy viết ra lại hoàn toàn ngược với sự thật.

  • MAI VĂN HOAN.Tôi biết Nguyễn Duy qua bài thơ “Tre Việt ” in trên báo Văn Nghệ. Từ đó, tôi luôn theo sát thơ anh. Mở trang báo mới thấy tên anh là tôi đọc đầu tiên. Với tôi, anh là một trong những người hiếm hoi giữ được độ bền của tài năng.

  • THỦY TRIỀU SUNG HUYỀN"Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử đã từng có nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau. Đành rằng ngôn ngữ thơ ca thường hàm súc, cô đọng, đa nghĩa do đó có thể có nhiều cách tiếp cận tác phẩm.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔNMỗi loại hình nghệ thuật ngôn từ đều có phong cách riêng trong cư xử với đối tượng mà nó phản ánh. Chính vì thế, đề tài tiểu thuyết trong khi mang những tính chất chung có của mọi thể loại văn học, nó đồng thời mang những tính chất riêng chỉ có của thể loại tiểu thuyết.

  • VĂN TÂMNhà thơ Bằng Việt (tên thật Nguyễn Việt Bằng) tuổi Tỵ (1941) quê "xứ Đoài mây trắng lắm", là một trong những thi sĩ bẩm sinh của thơ ca Việt hiện đại.

  • THANH THẢOHoàng Phủ Ngọc Tường có tập thơ "Người hái phù dung". Hoa phù dung sớm nở tối tàn, vẫn là loài hoa hiện hữu trong một ngày.

  • JOSH GREENFELDNgười Nhật vốn nổi tiếng vì tính bài ngoại của họ, thể hiện qua nghệ thuật cắm hoa và trà lễ. Tuy nhiên cũng từ rất lâu rồi nhiều nhà văn Nhật Bản vẫn quyết liệt phấn đấu mong tìm kiếm một chỗ đứng đáng kể trên các kệ sách của các thư viện nước ngoài. Họ làm thế không chỉ vì có nhiều tiền hơn, danh tiếng hơn mà còn vì một điều rằng những ai có tác phẩm được dịch nhiều ở nước ngoài thì sẽ được trân trọng, chờ đón ở trong nước!

  • BỬU NAM            Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào Victor Hugo (1802 - 2002)1. Người ta thường gọi Hugo là “con người đại dương”. Bởi sự vĩ đại của tư tưởng và sự mệnh mông của tình cảm của ông đối với nhân dân và nhân loại, bởi sự nghiệp đồ sộ của ông bao hàm mọi thể loại văn học và phi văn học; bởi sự đa dạng của những tài năng của ông in dấu ấn trong mọi lĩnh vực hơn hai thế kỷ qua trong nền văn học và văn hóa Pháp. Đến độ có nhà nghiên cứu cho rằng: Tất cả những vấn đề lớn của nhân loại đều hàm chứa trong các tác phẩm của Hugo như “tất cả được lồng vào tất cả”.

  • LẠI MAI HƯƠNGTiểu thuyết Những người khốn khổ có một số lượng nhân vật nữ rất đông đảo, nhưng mỗi nhân vật mang một sức sống riêng, một sinh lực riêng bởi nghệ thuật xây dựng các nhân vật này không hoàn toàn đồng nhất. Bài viết sẽ đi vào khảo sát một số nữ nhân vật tiêu biểu, bước đầu thử tìm hiểu thủ pháp xây dựng và cái nhìn của Hugo đối với loại nhân vật này.

  • PHẠM THỊ LYTôi viết những dòng này vì biết rằng giáo sư Cao Xuân Hạo sẽ không bao giờ trả lời bài viết của một tác giả như anh Phạm Quang Trung và những gì mà anh đã nêu ra trong bài "Thư ngỏ gửi Giáo sư Cao Xuân Hạo đăng trên Tạp chí Sông Hương số 155, tháng 1-2002.

  • LÝ HOÀI THU“Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương” ( *) (nguyên bản: Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình) là tác phẩm hồi ký của bà Trần Kiếm Qua viết về lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn và đại gia đình Trung Việt của ông. Bằng sức cảm hoá của những dòng hồi ức chân thực, tác phẩm của phu nhân tướng quân đã thực sự gây xúc động mạnh mẽ trong lòng bạn đọc Việt .

  • NGUYỄN BÙI VỢICách mạng tháng Tám thành công, Phùng Quán mới 13 tuổi. Mồ côi cha từ năm 2 tuổi, cậu bé sinh ra ở làng Thuỷ Dương xứ Huế chỉ được học hết tiểu học, sáng đi học, chiều giúp mẹ chăn trâu, có năm đi ở chăn trâu cho một ông bác họ.

  • TRẦN HUYỀN SÂM Người tình là một cuốn tiểu thuyết hiện đại nổi tiếng của M.Duras. Tác phẩm đoạt giải Goncourt 1984, và đã từng gây một làn sóng xôn xao trong dư luận. Người tình được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tác phẩm cũng đã được chuyển thành kịch bản phim 1992 (qua đạo diễn Jean-Jacques Annaud).

  • ĐÀO NGỌC CHƯƠNGCho đến nay những ý kiến về phương diện thể loại của tác phẩm Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử vẫn chưa thống nhất. Theo Trần Thanh Mại, đó là bài văn xuôi: “Nay xin đơn cử ra đây một vài đoạn của một bài văn xuôi của Hàn để chứng tỏ thêm cái sức cảm thụ vô cùng mãnh liệt ở nơi nhà thơ lạ lùng ấy.