Một lần xứ khác

11:20 27/05/2008
Tôi tạm xa Hà Nội một tuần. Cũng chẳng biết là phải xa hay được xa nữa. Bố mẹ phái: - Cho con Hạ đi ăn giỗ!

Thử ngoan hiền. Thử xa Quang, xa Hà Nội, xa tất cả những gì quen thuộc một tuần xem thế nào. Đã chết ai.
Khánh, Khanh đón tôi ở ga H. Mưa, lạnh. Có hoa và nụ cười. Thế là ấm áp. Một tuần trong H này chỉ có việc ăn giỗ, sẽ có thời gian thả giàn. Mấy đứa lập kế hoạch, Khánh reo:
- Mưa phùn bay, chị Hạ đi đến X là hợp.
Tôi phải bỏ cặp kính năm số ra, lau bụi, rồi lại đeo vào nhìn Khánh. Đàn ông con trai đang sống cùng thời mình đây ư? Chẳng giống ai cả - những người tôi từng biết, từng quen. Càng không giống Quang. Con trai gì mà xem đá bóng đến độ gay cấn chỉ nghệt mặt ra hoặc tủm tỉm. Cùng lắm, trách yêu: "Đá tệ!". Nhà tôi khi xem đá bóng, có bố và hai ông anh, kính cửa sổ rung lên bần bật. Mỗi lần xem đá bóng, Quang quên rằng có tôi bên cạnh. Tôi gọi Khánh là "Người lãng mạn cuối cùng". Tự nhiên lại vẩn vơ một cách dớ dẩn: giá như tôi và Khánh không cùng họ...
Khánh, Khanh kéo tôi đi chơi hết điểm A,X,Z. Vào nhà bạn bè hai đứa, Khanh vòng tay, cúi đầu:
- Con chào bác!
Đến nhà ai cũng vậy. Hình như giống kiểu chào của người Nhật. Hỏi Khanh, Khanh nhắc:
- Chị Hạ quên sao? Từ nhỏ ông bà mình dạy...
Ừ! Vậy mà tôi quên, nhầm Khanh học mót cái truyền thống của một nước phát triển. Tôi học mót Khanh, đi chơi về chào cô chú, thấy cứ gượng thế nào ấy. Ở nhà, đi đâu về cũng ầm ào: "Papa! Mama!". Quen rồi. May mà trước khi đi còn nhớ lời mẹ dặn: "Liệu lấy đường cư xử". Nhưng có hôm mải đi chơi, Khánh, Khanh không đèo tôi vào thăm ngoại. Về, ba hai đứa hỏi, Khánh ngại ngùng, Khanh nem nép. Ba Khánh, Khanh chỉ kể:
- Tụi bay đã đọc những chuyện viết về nước Mỹ của Lê Lựu? Có bà già bên nước đó nhớ con, gọi điện nhắn đến thăm, con liền ra điều kiện: Mẹ phải trả tiền bồi thường con nghỉ làm...
Chú kể xong, Khanh mau nước mắt. Tự nhiên, tôi thấy mình cũng như kẻ phạm tội. Lạ thật, ở nhà bố mẹ mắng cũng nhơn nhơn.

Ở H, chúng tôi đi chơi nhiều. Hình như tôi đang quên dần Hà Nội, quên dần Quang và tất cả. Khánh, Khanh đôi lần hỏi:
- Chị Hạ nhớ Hà Nội?
Bắt nọn khi bắt gặp tôi hắt hơi:
- Đúng là nhớ anh Quang, nhớ Hà Nội.
Hình như tôi có lờ mờ nhớ. Nhưng chẳng hiểu sao toàn hình ảnh cũ. Không phải Quang viên mãn bây giờ mà Quang của thời sinh viên nghèo khổ. Nhớ Hà Nội cũng không phải phố xá, Hồ Gươm bên nhà "Hàm cá mập". Tiếng leng keng tầu điện xưa, căn gác xép nhỏ. Thậm chí những lần xếp hàng hứng nước...Khánh, Khanh ra Hà Nội từ nhỏ, suốt ngày háo hức:
- Chị Hạ kể chuyện Hà Nội!
Biết kể gì. Lòng vòng chuyện phố xá, chuyện quy trình một ngày: Ăn - học - ngủ - chơi. Học cũng chẳng ra học, chơi cũng chẳng ra chơi, cứ nửa vời thì kể làm gì. À! Có chuyện những con chim ở hồ Bảy Mẫu. Hồi nhỏ tôi, Khánh, Khanh vẫn trốn ngủ trưa lang thang ra hồ Bảy Mẫu mong nhìn thấy một vài con chim. Giờ, chúng bay về nhiều lắm. Chim bay về, người lại "bay" đi. Khánh thắc mắc tại sao lại lạ lùng thế. Đơn giản là môi trường bị ô nhiễm nặng, ai mà thở được.
Khánh bâng khuâng:
- Lỡ chim cũng bay đi mất.
Chúng tôi đứa nào cũng sợ như Khánh dự đoán.
Khanh láu táu:
- Em còn nhớ góc vườn nhà chị có cây sấu. Trong này không có sấu. Còn cây, còn quả?
Khanh nhớ giỏi thật. Nhưng chỗ cây sấu bây giờ là cửa hàng của mẹ. Tôi đành tảng lờ. Để bao giờ Khanh ra, thấy hẵng hay. Nói không còn cũng thế nào ấy. Tôi không đủ can đảm.
Đã vậy, Khanh - "người lãng mạn cuối cùng" còn mơ màng:
- Con đường hoa sữa...
Ồ, lâu rồi tôi không đi qua con đường ấy nữa. Vì chẳng có việc gì. Có đi qua cùng Quang, cùng tụi bạn cũng phóng xe ào ào. Đôi lần sau lưng Quang, tôi mơ hồ mùi hoa sữa. Thời Quang còn là sinh viên, hai đứa yêu nhau vẫn nắm tay bách bộ hay thong dong trên cái Thống Nhất cũ rích của Quang ở con đường này, cốt chỉ ngửi mùi hoa sữa. Bây giờ, chẳng lẽ đang đi chơi: "Stop! Để em (tao) ngửi mùi hoa sữa đã!" Hoặc Quang sẽ nhăn mặt, hoặc tụi bạn sẽ ha ha hô hô rằng dạo này con Hạ làm sao...Tốc độ, bạt cả mùi hoa sữa. Chẳng như Khánh đèo tôi cứ chạy xe tà tà thế này. Ở H đi đứng an toàn, thích thật. Đến ngã ba vẫn còn vắng người đã đèn đỏ. Hà Nội phải chật người các nẻo mới "đủ đô" đèn đỏ. Khánh lắc đầu.
- Nếu thế thì sợ! Có lẽ chẳng dám đi.
Tôi suýt buột miệng: đàn ông con trai gì yếu xìu. Lại nghĩ: cũng phải thôi. Tạng người như Khánh không thể đi đường Hà Nội.

Đi chơi chán, mấy người bạn Khánh, Khang rủ ra ven sông uống cà phê. Lâu lắm rồi tôi mới bước vào quán cà phê như thế. Cà phê ngon, ánh sáng dịu, nhạc êm đềm. Bấy lâu nay đi uống cà phê với tụi bạn thường vào những quán sáng trưng và bao giờ cũng vậy, cà phê luôn phải thật nhiều đá dù mùa lạnh. Giữa đám bạn bè, gọi cho mình một ly cà phê nóng khó lắm. Sẽ khác người, sẽ lạc lõng, sẽ cảm thấy yếu đuối thế nào ấy. Cà phê thật lạnh mặc rét run. Và nhạc jazz uỳnh uỳnh dù không thích, dù chẳng hiểu gì. Đầu cũng lắc lư, gật gù vô thức. Như con rối. Còn đi với Quang là những quán cà phê, giải khát quá tối. Cả ngày tất bật không nhìn thấy mặt nhau, tối lại chúi vào nơi tối tăm mà người ta cho rằng thơ mộng. Quang không bao giờ cho tôi uống cà phê, sợ tôi không ngủ được, nhắc phải bảo vệ nhan sắc. Quang thường gọi cho tôi một ly sữa dù tôi không thích của ngọt. Yêu nhau, chuyện ăn uống cũng ràng buộc. Ngồi ở H này, giữa Khánh, Khanh và những người bạn còn xa lạ, tôi tự do. Có thể gọi cho mình một ly đen, đậm, nóng. Có thể kêu một băng nhạc Trịnh.
Thánh thót: "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi..."
Thánh thót: một giọt nước mắt không thể kìm rơi xuống mu bàn tay.
Bấy lâu nay tôi ngả theo người khác, giờ mới lại tìm được mình ở một nơi xa lắc. Phải chăng xứ này khiến người ta dễ mủi lòng. Ở Hà Nội, lâu rồi tôi không khóc. Bạn bè Khánh, Khanh nhìn nhau lúng túng tế nhị ra về trước. Khanh cười:
- Chị Hạ nhớ anh Quang?
Không, Quang chưa bao giờ khiến tôi phải khóc. Tôi ngại ngùng vì phút giây bồng bột. Chỉ vì lâu nay cười nhiều quá, lúc nào cũng hơn hớn. Bây giờ thèm được khóc. Một cách ngon lành.
Khánh vụng về phá tan nặng nề bằng than phiền:
- Cây cầu kia ngày một xấu.
Khanh bảo cũng chỉ vì người ta sửa lại.
Tôi nghĩ nó đã được "Hà Nội hóa" nhiều, y chang cầu Thăng Long ở những chiếc ống chạy dài khỏe khoắn. Tôi vẫn tự hào Hà Nội có cầu Thăng Long tầm cỡ. Nhưng cây cầu sửa lại theo mô -típ Thăng Long đặt ở dòng sông này có gì cộc lệch. Cũng than phiền, Khanh nhìn ra lòng sông, nơi có mấy con đò neo lại:
- Đò buôn tình.
Tỉnh táo, tôi nhắc:
- Buôn người!
Khanh rơm rớm:
- Chị nói nghe nghiệt ngã.
Giật mình, hình như lại là tôi trước đây một tuần.
Đi chơi về, kết thúc ngày cuối ở H, chúng tôi gặp sự cố. Khánh, Khanh cho là chuyện xui vì cả hai chiếc xe đều hỏng. Trời khá khuya, những hiệu sửa xe máy bên đường đã đóng cửa. Chúng tôi tấp vào thùng sửa xe đạp di động đơn giản ven đường. Chỉ có hai bố con: Một ông già, một thanh niên lam lũ. Họ vui lòng nhận sửa. Sửa xong, họ trèo lên xe thử. Hai chiếc xe mất hút một đoạn dài.
Tôi vội vàng:
- Cướp...
Khanh lấy tay bịt miệng tôi.
Khánh ngơ ngác:
- Cướp đâu?
Lát sau, hai bố con ông già vòng lại, đưa xe:
- Đi tốt rồi!
Anh thanh niên hơi giận dữ:
- Vừa rồi các anh chị cho rằng... Nên nhớ: ở đây chúng tôi thờ chữ Tín.
Anh chàng này đến lạ. Lâu nay người ta lo quảng cáo là nhiều, ai còn cần chữ Tín.
Khánh lúng túng.
Khanh vội vàng thanh minh.
Ông già xua tay:
- Không có chi.
Chúng tôi trả tiền công. Giá rẻ đến bất ngờ.
Một tuần ở H, tôi lại về Hà Nội. Lại phóng xe ào ào đi học, đi chơi. Có bần thần: - Giá được vào H sống...
Liền gặp bao phản ứng:
- Họa có điên bao nhiêu người mơ ở Hà Nội không được.
Ừ! Sao nhiều người mong muốn được ở Hà Nội thế. Tụi bạn tôi những đứa ở tỉnh lẻ, ở nơi khác đang nhăm nhe tính kế làm sao học xong trụ lại Hà Nội. Có đứa loay hoay chẳng biết thế nào, đành hy sinh "vốn tự có". Nhớ Khanh, Khánh cũng mong ra Hà Nội. Nhưng Hà Nội không còn cây sấu của Khanh, cũng lỡ không còn tiếng chim của Khánh. Ra Hà Nội, Khánh sẽ không dám đi xe ra đường. Tai nạn vô kể. Cứ sửa xe một cách tin tưởng như lần trong H, ở đây hai đứa có ngày mất xe. Lúc ấy, tôi làm sao giải thích nổi. Vào H, Khánh, Khanh đi đâu vẫn đeo kính mát màu hồng, không ngẫu hứng tròng cái kính đen ngòm rất đỗi găngxtơ vào mắt như tôi. Thôi thì Khánh, Khanh cứ ở lại H. Tôi cũng chẳng dám "đứng núi này trông núi nọ" như mẹ mắng nữa. Tôi phải ở lại Hà Nội của tôi, hàng ngày phóng xe thật nhanh cho kịp tốc độ với bạn bè. Mà cũng chẳng biết thế nào. Một tuần ở H, tôi chỉ trên bờ, chưa được lội xuống nước. Tôi sinh ra ở Hà Nội, lớn, sống theo đường thẳng cha mẹ kẻ: Học lấy một nghề bất luận không thích nhưng ra trường xin được việc ở Hà Nội, yêu một kỹ sư điện tử biết kiếm tiền như Quang. Tôi không xa Hà Nội. Không đi lệch con đường cha mẹ kẻ. Không thể bỏ Quang. Một tuần ở H tôi về, Quang biết được tôi mong vào H sống, nghi ngờ đặt tay lên trán tôi:
- Nào! Có ẩm I.C?
Hà Nội-Đôi lần tha hương
 
NGUYỄN THỊ THU HIỀN
(nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÊ MINH PHONG 

    Tôi cam đoan rằng một bé gái cũng có thể làm được những điều như thế. Nghĩa là tôi cũng có thể trèo lên ban-công và đi trên dãy lan can mỏng manh ấy. Điều đó thật đáng sợ.

  • TRẦN THỊ LINH CHI

    Hễ nhắc đến Huế là ngoài bao kỷ niệm cũ xưa, bao hình bóng tưởng như đã phôi pha lại vụt hiện ra rõ mồn một như mới ngày hôm qua.

  • VIỆT HÙNG  

    Anh đứng trên cầu thẫn thờ nhìn xuống dòng sông. Khuya lắm! Có lẽ đã qua cái mốc thời gian của một ngày cũ. Không gian im ắng. Lâu lâu mới có một tiếng xe máy từ xa vọng về.

  • LTS: So với những giai đoạn trước đây, Ban Biên tập của Sông Hương hiện nay còn khá mỏng: Hồ Đăng Thanh Ngọc (TBT) - Hoàng Việt Hùng (Phó TBT) - Phạm Tấn Hầu - Đặng Mậu Tựu - Nhụy Nguyên - Lê Vĩnh Thái - Lê Tấn Quỳnh - Lê Minh Phong - Lê Vũ Trường Giang. Hơn một năm lại đây thi thoảng họ đã góp mặt trên báo nhà tuy nhiên “ngồi chung mâm” thì chưa. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Sông Hương, xin phép độc giả được cùng “ra mắt” Ban Biên tập bằng những tác phẩm của các thành viên. Xin trân trọng giới thiệu!
    S.H

  • NGUYỄN QUANG LẬP

    Chỉ bước khoảng vài mươi bước chân, từ cái cổng sắt rỉ của một người bạn gái, chị đã giật mình nhận ra sai lầm của mình.

  • VÕ MẠNH LẬP

    Chu Sửu là cây bút cầu toàn mới nổi tiếng trong làng văn đất Cố đô. Cô viết không nhiều và lười biếng phơi tên mình lên mặt báo.

  • NGUYỄN THỊ QUỲNH NHI

    Và khi những ảo ảnh về đôi cánh màu trắng bay ra ngoài không khí...

  • NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

    Kỳ Thư là một cây bút viết phê bình sắc sảo. Tuy nhiên độc giả vẫn cho ông là độc đoán, thiển cận, nhìn một chiều và khen chê phe cánh hẩu. Thật thế, đọc văn Kỳ Thư rất khó chịu. Khen ai thì khen tít trời xanh mà chê ai thì đào đất đổ đi. Chưa bao giờ thấy sự trung dung.

  • PHÙNG TẤN ĐÔNG 

    “Ta con phù du
    ao trời chật chội”

           (Hoàng Cầm)

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
           Tặng chị Trần Thùy Mai

    1. Em buông từ chiếc tủ kính xuống. Mùa thu, nắng xuyên qua ô cửa gương vào đến giá sách làm em ngợp nắng. Phải đi đâu đó và làm cái gì đó, em tự nhủ.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI  

    Lúc này trời đã tối, ăn xong một lúc tôi cầm đèn ra vườn. Trong sân, chồng tôi loạng choạng dắt xe máy ra đạp.

  • KIM NHAN SƠN  

    1.
    Ba thằng. Rõ ràng rất lực lưỡng. Chúng đứng thành hình tam giác. Đầu khum xuống đều nhau. Những búi cơ ở vai, tay và cả bắp chân của chúng thỉnh thoảng lại trào lên cuồn cuộn như túi đầy rắn treo cột điện.

  • TRẦN THÙY MAI

    Sau bốn năm du học, về thăm nhà hai tháng theo chế độ phép, bỗng nhiên Ba sinh một cái tật hết sức đáng buồn: ăn không biết ngon nữa.

  • HỒ ANH THÁI

    Tan học, Lân không về nhà. Cậu ta ăn mấy cái bánh rán, rồi tới vườn hoa Hàng Đậu, chờ lũ bạn để cùng đi đá bóng. Lân dựng xe đạp, và nằm ngửa trên chiếc ghế đá cạnh đấy, tranh thủ nhắm mắt nghỉ ngơi ít phút.

  • TRẦN HƯƠNG GIANG

    Thu Hà nhỏ nhắn làn da bánh mật có đôi mắt to hai hàng mi cong rất dễ thương. Hà thích đọc sách truyện và nghe nhạc xưa, những bài ca về tình mẹ đậm đà yêu thương.

  • NGÔ DIỆU HẰNG

    Ngôi nhà tôi mới thuê nằm hút trong một con hẻm, bao quanh bởi khu vườn cỏ dại mọc cao tận gối, có chỗ cỏ bò lên ngang với dãy hàng rào bằng gỗ, cứ như thể chúng muốn thoát ra ngoài những khung cửa tù sọc trắng bám đầy rêu phong ấy.

  • NHẬT CHIÊU

    1. Em đang ở trong Mê cung.
    Cái gì? Vào lúc 6 giờ sáng? Rừng đang sương mù? Ngay sau đêm trăng mật đầu tiên? Nàng có điên không?

  • NHỤY NGUYÊN
     

    Rất có thể việc ngài muốn một vũ nữ trinh nguyên sẽ khiến ngai vàng sụp đổ theo như niềm tin tối thượng. Rất có thể điều tồi tệ sẽ xảy ra như một dòng trong sử thi Mahabharata, “vị vua như thế không còn là vua nữa, mà ông ta phải bị giết chết như một con chó điên”.

  • HOÀNG TÙNG

    Năm 1442, vua Lê Thái Tông đi duyệt quân ở Chí Linh, đêm về nghỉ chân ở Lệ Chi Viên. Cùng đi với vua có người thiếp của Nguyễn Trãi tên là Nguyễn Thị Lộ. Đêm hôm đó, nhà vua băng hà. Triều đình quy tội Nguyễn Trãi thông đồng với Thị Lộ, âm mưu giết vua. Toàn gia họ Nguyễn bị tru di tam tộc.