Một kiếp bên trời

11:20 20/05/2009
PHẠM XUÂN NGUYÊNCùng một kiếp bên trời lận đận                  (Bạch Cư Dị - Tỳ bà hành)Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa cho ra mắt tác phẩm Rừng xưa xanh lá (Mười chân dung văn nghệ sĩ) tại Nhà xuất bản Hải Phòng (1/2003).

Đây là cuốn sách thứ năm của Bùi Ngọc Tấn, kể từ ngày ông cầm bút viết văn lại, cách đây gần mười năm. Năm 1995, sau 27 năm bị ngắt tiếng, “bị văng ra ngoài quỹ đạo”, ông trở lại văn đàn với tập hồi ức văn học về Nguyên Hồng với các bạn văn Hải Phòng nhan đề Một thời để mất. Tự cái tên sách tái xuất đã nói lên tất cả. Trong bài viết về một bạn văn ở tập sách mới này ông ghi lại cảm giác lúc đó, khi lại được thấy cuốn sách của mình ra đời: “Một cái rùng mình gai gai khe khẽ chạy suốt dọc người tôi. Không. Tên tôi đã được in trên nhiều bìa sách. Nhưng đây là tập sách sau 27 năm. 27 năm chết. 27 năm sau tôi lại được đứng dưới mặt trời. Từ thế giới bên kia, 27 năm sau tôi trở lại thế giới này. Tôi sống lại. Ngay khi mới bước vào nghề, nhìn tập sách đầu tiên của mình được in cũng không xúc động như vậy. Lúc đó chỉ đơn giản là sống. vui sống. Còn bây giờ là sống lại. Là chết đi sống lại” (tr. 152).

Trong khoảng mười năm sống lại nghề văn đó, giữa hai tập hồi ký, Bùi Ngọc Tấn có hai tập truyện ngắn: Một ngày dài đằng đẵng Những người rách việc, và một bộ tiểu thuyết hai tập. Ông đã từ một hiện thực khác trở về. Và văn ông bây giờ là nói về một hiện thực khác và từ một hiện thực khác mà nhìn lại. Viết hồi ức, chân dung, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhân vật chính trên các trang văn của Bùi Ngọc Tấn là chính ông và những người bạn cùng thế hệ được soi chiếu từ hai phía của một khoảng thời gian đã thành vạch phân cách đời người đời văn: 5 năm (1968 – 1973). Con dấu đóng giáp lai văn nghiệp Bùi Ngọc Tấn mang số hiệu CR 880.

Số hiệu tù nhân CR 880 đã khép lại một thời đối với Bùi Ngọc Tấn và bạn bè. “Một thời tin tưởng. Một thời bay bổng. Một thời hạnh phúc. Và cả một thời nhảm nhí của chúng tôi nữa.” (MTĐM, tr. 7). Một thời để mất! Sau thời đó là đến thời hoạn nạn và khốn khó. Rừng xưa xanh lá đến hồi bị tơi bời trong cơn bão lốc.

Trong mười chân dung nghệ sĩ của tập sách mới này, có đến một nửa Bùi Ngọc Tấn dành cho những người bạn cùng “một kiếp bên trời” của mình mà bóng dáng đôi người đã từng có trong tiểu thuyết của ông: Dương Tường, Lê Mạc Lân, Lê Bầu, Nguyên Bình, và Hứa Văn Định. Cuộc đời họ thời chìm lặng ấy có thể tóm gọn bằng một chữ: BÁN. Bán máu và bán văn để trước hết là phải tồn tại. Chế Lan Viên sau khi trải một đời lắm vinh nhục trong nghề văn, những ngày cuối đời đã nguyền rủa thế kỷ hai mươi ông sống là thế kỷ “muốn nuôi sống xác thân phải làm thịt linh hồn”. Những người bạn văn của Bùi Ngọc Tấn không thế, họ muốn duy trì cơ thể nên phải giết cơ thể, họ muốn giữ linh hồn nên phải làm thịt linh hồn. Dương Tường bán máu, rồi mách cho Mạc Lân cùng bán. Bữa bún chả mấy người bạn đón Bùi Ngọc Tấn ra tù tại Hà Nội là bằng vào tiền Mạc Lân “bán máu đột xuất”.

Bán chữ là viết văn chui. Định nghĩa viết văn chui: “là viết  văn không cho người khác biết, trừ người đặt hàng mình” (tr. 73). Lịch sử kinh tế Việt Nam khi viết về thời bao cấp chắc phải dành chỗ cho khái niệm “khoán chui”, một sự xé rào làm ăn đã phải trả giá bằng đời một bí thư tỉnh ủy trước khi nó mở đầu cho một cơ chế quản lý mới. Lịch sử văn học Việt Nam mai ngày có chỗ nào cho khái niệm “viết văn chui”? Việc này Mạc Lân rành, Lê Bầu rành, Bùi Ngọc Tấn cũng rành, ông kể. Nguyên nhân hiện tượng này là “không được viết, hoặc được viết nhưng không được in hay được in nhưng không được ký tên cũng không được nhận nhuận bút” (tr. 72). Hậu quả ở đây là văn mình tên người (thêm một thành ngữ mới), đưa đến lắm chuyện bi hài. Trường hợp Mạc Lân là tiêu biểu.

Như có một năm ba truyện ngắn Lân viết cho ba người được giải thưởng (của Hà Nội và của Tổng công đoàn)... Có một điều Lân lấy làm lạ là cái người chỉ đứng tên cho văn bản mà không hề viết lấy một dòng khi sách đã được in, gặp Lân là người đã viết ra nó lại cứ trò chuyện với Lân theo cái kiểu như chính anh ta là người đã sáng tác`ra nó, chính anh ta là tác giả. Hoặc nói một cách bề trên: “Đoạn ấy viết được. Mình đi đến đâu người ta cũng khen. Dư luận tốt lắm.” Anh lắc đầu: Cũng nhiều lúc muốn tống một quả đấm vào mặt họ nhưng lại cố nén. Rồi cười: Làm ăn phải giữ lấy cái mối.” (tr. 76 – 77)

Lê Mạc Lân là con trai nhà văn Lê Văn Trương (chữ Mạc thế chữ Văn ở tên lót để kỷ niệm một người bạn).

Cảm hứng của Bùi Ngọc Tấn ở những trang viết chân dung là “đi tìm thời gian đã mất”. Cho mình. Và cho bạn. Năm 20 (1954) tuổi ông trong đoàn quân chiến thắng từ núi rừng về tiếp quản Hà Nội. Năm 34 (1968) tuổi ông bị lâm vòng lao lý. Khi từ các trại trở lại đời thường ông đã ở vào độ tuổi mà Khổng Tử cho là “bất hoặc”. Cầm lại cây bút viết văn gần mười năm nay, ông đã bước vào tuổi 70. Ngẫm lại con đường đời đường văn mình và bạn bè đã trải qua với rất nhiều lận đận, Bùi Ngọc Tấn thấy “thời gian gấp ruổi” như tên ông đặt cho bài viết về Mạc Lân. Cũng có thể thấy ông, qua chân dung Lê Bầu, người “hiểu giá trị của thời gian”. Và ông đã không thể nhắc lại bây giờ một câu đùa vui như ngày nào với cái chân giả của Vũ Tín, phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam, bởi vì biết rằng “thời trai trẻ đã qua”. Thời gian gấp lắm rồi, ông hối thúc bạn, và mình. Cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, lạnh lùng và dửng dưng. Nó cắt ngang lời đề tặng trên cuốn sách đầu tiên thời hậu goulaq của ông dành cho vợ chồng nhà văn, nhà biên kịch Hứa Văn Định: “Để hai bạn biết rằng mình lại viết. Rằng mình vẫn còn thoi thóp chứ chưa chết hẳn”. Ông đã đốt cuốn sách này trước mồ bạn. Hứa Văn Định là một trong những người bạn tích cực thúc giục, động viên Bùi Ngọc Tấn viết văn trở lại, vì không thể không viết, sau những gì đã trải. Lời người bạn nói: “Ông phải viết tiểu thuyết. Tôi tin ông sẽ có những thành công rất đặc biệt. Trách nhiệm của ông nặng lắm” (tr. 151) là sự giao phó và gửi gắm của bạn bè. Bùi Ngọc Tấn tìm thấy ở đó điểm tựa tinh thần để đứng dậy và đi tiếp. Như ông đã tìm thấy điểm tựa tinh thần ở Nguyên Hồng, Lê Đại Thanh, Nguyễn Thị Hoài Thanh. Và cuộc đời đã đền bù cho ông. Câu nói của Hứa Văn Định đã chứng nghiệm. Bùi Ngọc Tấn đã có những người đọc mới tri âm, như với họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, sinh sau ông hai mươi năm. Hai người chỉ mới gặp nhau một lần, họa sĩ đọc văn, nhà văn xem tranh, “mà như đã biết nhau từ bao giờ rồi”. Điều đó Bùi Ngọc Tấn nhận là chỉ nghệ thuật mới làm được. Có lẽ cần thêm: chỉ những người có tình thương khi đã trải qua đau thương. Nguyễn Thanh Bình đã đổ máu ở chiến trường để bây giờ vẽ tranh, một mình làm nên một dòng toàn trắng, bán được tranh, giàu có, không phải bán máu.

Bùi Ngọc Tấn viết văn trầm tĩnh và đôn hậu. Hình như đây là kết quả của sự kết hợp bản tính người và trải nghiệm đời nơi ông. Sau những gì đã xảy đến với ông, nếu văn ông có giọng cay độc, chua chát, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không! Ngay cả sự trầm tĩnh và đôn hậu ở đây cũng không hề là phải cố ý, gồng mình, tỏ vẻ. Ông đưa lại cho người đọc những dòng văn tự nhiên, dung dị, khi những oan trái, khổ đau lặn vào sau câu chữ làm nên sức nặng và chiều sâu của những điều được viết ra. “Hãy kể những chuyện đau bằng cái giọng hài”, Bùi Ngọc Tấn đã làm được như lời khuyên của Dương Tường, Hứa Văn Định. Giá trị nhà văn của Bùi Ngọc Tấn trước hết là ở giọng điệu ấy. Một giọng điệu văn chương làm người đọc hiểu ông, tin ông, đồng cảm với ông và cùng ông đồng cảm với những phận người, những kiếp bụi nhân sinh. Cao hơn chuyện văn chương là chuyện cuộc đời. Bùi Ngọc Tấn là nhân vật của văn ông và đồng thời ông cũng là tác giả của những điều ông viết ra. Đó là văn chương của sự thật.

Tôi là bạn của ông Dương Tường”. Bùi Ngọc Tấn viết về những người bạn văn đã đau khổ và thủy chung cùng mình, như mình. Các ông là bạn của nhau. Dương Tường có câu thơ tuyên ngôn: Tôi đứng về phe nước mắt. Các ông mỗi người đã gánh cây thập ác đi trọn con đường trần ai của mình.

Không vứt xuống.
Không chạy trốn.
Không gục ngã.
Không dừng bước.
Và dẫu không là Chúa, các ông đã được phục sinh.

Tokyo 30.4.2003
P.X.N
(173/07-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • GIÁNG VÂN

    Cầm trên tay tập thơ với bìa ngoài tràn ngập những con mắt và tựa đề “Khúc lêu hêu mùa hè”(*), một cái tựa đề như để thông báo về một cuộc rong chơi không chủ đích, và vì vậy cũng không có gì quan trọng của tác giả.

  • PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU - PHẠM PHÚ PHONG

    Ở miền Nam trước năm 1975, những ai học đến bậc tú tài đều đã từng đọc, và cả học hoặc thậm chí là nghiền ngẫm Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ - một trong những bộ sách giáo khoa tương đối hoàn chỉnh xuất bản ở các đô thị miền Nam, cho đến nay vẫn còn giá trị học thuật, nhất là trong thời điểm mà ngành giáo dục nước ta đang cố gắng đổi mới, trong đó có việc thay đổi sách giáo khoa.

  • KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MẤT NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH (1966 - 2016)

    MAI VĂN HOAN

  • LÊ HỒ QUANG

    Nếu phải khái quát ngắn gọn về thơ của Nguyễn Đức Tùng, tôi sẽ mượn chính thơ ông để diễn tả - đấy là “nơi câu chuyện bắt đầu bằng ngôn ngữ khác”.

  • NGÔ MINH

    Ở nước ta sách phê bình nữ quyền đang là loại sách hiếm. Câu chuyện phê bình nữ quyền bắt đầu từ tư tưởng và hoạt động các nhà phê bình nữ quyền Pháp thế kỷ XX.

  • PHẠM XUÂN DŨNG

    (Nhân đọc cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai - Tập tùy bút và phóng sự về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa của Minh Tự, Nxb. Trẻ, TP HCM 2016)

  • TÔ NHUẬN VỸ

    Tại Hội thảo văn học hè hàng năm của Trung tâm William Joner - WJC, nay là Viện William Joiner Institute - WJI, thuộc Đại học Massachusetts - Hoa Kỳ, nhà thơ Võ Quê đã được chính thức mời giới thiệu nghệ thuật ca Huế.

  • Năm 1992, trong một cuộc gặp gỡ trí thức văn nghệ sĩ ở Vinh, nhà văn Ngô Thảo nói với tôi “cụ Phan Ngọc là nhà văn hoá lớn hiện nay”, lúc này ông không còn trẻ những cũng chưa già.

  • LÊ THÀNH NGHỊ

    Đầu năm 2002, nghĩa là sau Đổi mới khoảng mươi lăm năm, trên Tạp chí Sông Hương, có một nhà thơ nổi tiếng thế hệ các nhà thơ chống Mỹ đặt câu hỏi: Liệu Nguyễn Khoa Điềm có giai đoạn bùng nổ thứ ba của thơ mình hay không? Chắc chắn sẽ rất khó. Nhưng người đọc vẫn hy vọng*.

  • NGỌC BÁI

    (Đọc tiểu thuyết “À BIENTÔT…” của Hiệu Constant)

  • HOÀNG DIỆP LẠC

    Người ta biết đến Nguyễn Duy Tờ qua tập sách “Xứ Huế với văn nhân” xuất bản năm 2003, với bút danh Nguyễn Duy Từ, anh lặng lẽ viết với tư cách của một người làm ngành xuất bản.

  • PHẠM XUÂN NGUYÊN

    Cô Kiều của Nguyễn Du từ khi xuất hiện trong văn chương Việt Nam đã nhận bao tiếng khen lời chê, khen hết lời và chê hết mực, nhưng cô vẫn sống trong niềm yêu mến của bao lớp người Việt, từ bậc thức giả đến kẻ bình dân, xưa đã vậy mà nay cũng vậy.

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH

    Bước chân vào con đường nghiên cứu văn học và hòa mình vào trào lưu lý thuyết đang trở nên thời thượng, chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), nhưng Phan Tuấn Anh không biến nó thành cái “mác” để thời thượng hóa bản thân.

  • PHAN ĐĂNG NHẬT

    1. Sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp Phan Đăng Lưu
    Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902, tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An; con cụ Phan Đăng Dư và cụ bà Trần Thị Liễu.

  • KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY MẤT CỦA NHÀ THƠ BÍCH KHÊ (1946 - 2016)    

    PHẠM PHÚ PHONG

  • HỒ THẾ HÀ

    Nguyên Quân song hành làm thơ và viết truyện ngắn. Ở thể loại nào, Nguyên Quân cũng tỏ ra sở trường và tâm huyết, nhưng thơ được mọi người yêu quý và ngưỡng mộ hơn.

  • LA MAI THI GIA

    Những ngày cuối năm, Sài Gòn bỗng dưng cũng khác, sáng sớm khi băng qua cầu Thủ Thiêm vốn đã quá quen, tôi khẽ rùng mình khi làn gió lành lạnh từ dưới sông Sài Gòn thổi lên, hơi sương nhè nhẹ tỏa ra bao bọc cả mặt sông mờ ảo, bất chợt thấy lòng ngẩn ngơ rồi lẩm bẩm một mình “Sài Gòn hôm nay khác quá!”

  • PHAN HỨA THỤY

    Thời gian gần đây ở Huế, việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung đã trở thành một vấn đề sôi động.

  • LÃ NGUYÊN

    Số phận văn chương của Nguyễn Minh Châu gắn liền với những bước đi cơ bản của nền văn học Việt Nam ở nhiều thời điểm lịch sử cụ thể.

  • Chúng ta đã được biết đến, và đây là phương diện chủ yếu, về một Nguyễn Bính thi sĩ, và không nhiều về một Nguyễn Bính nhà báo gắn với tờ tuần báo tư nhân Trăm hoa (1955-1957)1.