Một khoảng xanh

09:15 02/01/2020

THU LOAN   

Ông đã sống ở thị xã Cao nguyên những năm 80. Nhấp nhô những con dốc cao cao. Đường lổn nhổn sỏi đá. Đạp xe như cóc nhảy vì ổ gà.

Mịnh họa: Tô Trần Bích Thúy

Nhà thưa rễnh roãng buồn thiu. Bù lại có những hàng thông cao vút thẳng tắp. Mùa mưa hoa cỏ nở đầy hai ven đường. Mùa khô hoa dã quỳ vàng rực. Cái lạnh bao trùm khắp cao nguyên như ấm lại trong sắc hoa, sắc nắng. Nhiều người bảo chính thiên nhiên xanh tươi, khí hậu mát lành đã giữ người. Giữ chặt đến nỗi hồn ông không thoát nổi. Mấy chục năm xa ông vẫn nhớ quay quắt màu trời xanh, những buổi sáng sương mù trắng mờ mờ như khói, gốc thông già đầy ánh trăng. Nhớ như điên như cuồng. Người ta bảo uống rượu say để quên. Ông uống rượu hơn hai mươi năm. Càng uống càng nhớ. Người ta bảo tiếng hát biểu lộ tâm trạng. Những lúc hồn lâng lâng, chơi vơi, từ sâu thẳm cõi lòng ông lại bật ra Em Pleiku má đỏ môi hồng… Má nàng hồng thật. Nàng tết hai bím tóc gấp lại như tai thỏ, quần xanh, áo trắng cổ lá sen, chân đi dép cao su, ngố đến buồn cười. Nàng chẳng quan tâm ai cười, thản nhiên ngẩng cao đầu. Ông nhớ lần đầu đối diện nàng là đối diện một đôi mắt mở to, đen láy, nhìn xoáy vào ông như sẵn sàng trả lời câu hỏi. Ông hơi chùn lại. Bằng linh cảm, ông nghĩ đây không thể là trò lười, kém. Nhưng cũng không thể chấp nhận một trò không nghe giảng, thản nhiên nhìn mây trôi. Ông không quát, không la nhưng từng lời vang lên rõ rệt, như vít xoáy vào tim óc khiến cả giảng đường lặng đi: Tôi nói cho em biết, dù em là con ông to bà lớn thì tôi vẫn là thầy em. Mai sau có đến chân trời góc bể, có đầu bạc răng long thì tôi vẫn thừa kiến thức để dạy em, em mãi mãi chỉ là trò tôi”. Ôi, một câu nói hớ hênh nhất trên đời. Sau này, nhớ lại ông giật mình. Cuộc sống, trò hơn thầy là bình thường. Có trò giỏi thầy càng tự hào. Lúc ấy tức quá, nóng quá mà nói vống lên. Bởi có phần ông kiêu hãnh. Cả thị xã Cao nguyên ngưỡng mộ bác sĩ Nguyễn Đức Hòa. Ông giảng, sinh viên im phắc. Chỉ nghe tiếng bút lướt trên giấy. Chỉ có những đôi mắt mở to như nuốt từng lời. Ông mím môi, nghiêm nghị:

- Nếu không thích nghe, em có thể ra ngoài

- Thưa thầy, em đang muốn điều ấy. Thầy đã cho phép, thì em xin không nghe ạ.

Ông choáng váng. Cứ tưởng cô trò phải nem nép cúi đầu. Cứ tưởng cô phải nghiêm chỉnh thay đổi thái độ học tập… Cách xử sự của nàng không làm ông vừa lòng nhưng làm ông ấn tượng. Ông buộc chú ý nàng trong số gần trăm sinh viên mới vào trường. Chỉ mấy ngày sau ông biết rõ về nàng. Nàng - thi vào trường thủ khoa, nổi tiếng học giỏi từ những năm phổ thông. Nàng - học y chỉ vì ba mẹ ép. Nàng âm mưu không học để năm sau thi vào trường mỹ thuật theo đuổi hội họa mà nàng yêu thích. Lần đầu tiên trong đời, ông - một người ba mươi tuổi, một vợ hai con lại muốn nói với trò mười tám tuổi vừa bước vào đời như bạn với bạn. Lần một ông bảo nàng nên có một nghề vững chắc để kiếm sống. Nàng lễ phép: thưa thầy, định hướng cuộc sống từ cơm áo gạo tiền thì buồn lắm ạ. Lần hai ông bảo phải làm có tiền ổn định rồi hãy làm nghệ thuật. Nàng lễ phép: thưa thầy, nghệ thuật đòi hỏi phải chuyên tâm, dốc hết công sức ạ. Lần ba ông bảo nghề y chăm sóc, cứu chữa thể xác. Nghệ thuật chăm sóc, cứu chữa tâm hồn. Đều vì con người. Nghề y thì cụ thể. Nghệ thuật thì trừu tượng. Em nên theo nghề y rồi hãy nghĩ đến hội họa. Nàng im lặng, môi mim mím, mắt nhìn xa xăm. Ông biết nàng chưa hẳn thuận theo lời ông nhưng sự bướng bỉnh đã bớt đi ít nhiều. Nàng bắt đầu ghi chép, nghe giảng, chăm chỉ vào bệnh viện, chứng kiến những phút giây căng thẳng ông kéo người bệnh thoát khỏi tay tử thần. Ông không biết có phải nàng chịu học để bày tỏ sự lễ phép, kính trọng ông không nhưng ông biết nàng có nhiều tố chất thuận lợi trong nghề mổ. Ngoài sự thông minh, nhanh nhẹn nàng còn có đôi bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại, ngón thon dài. Kinh nghiệm cho thấy bàn tay như vậy thường vẽ đẹp, chơi đàn hay, làm việc gì cũng khéo. Quả thật các mũi nàng khâu luôn đều, thẳng, mịn. Nàng nắm chắc kiến thức, có khả năng suy luận tốt, chuẩn đoán chính xác. Kiến thức, tay nghề nàng vượt trội các bạn cùng khóa. Ông tin không bao lâu nữa nàng sẽ trở thành một đồng nghiệp tin cậy, một bác sĩ giỏi. Ông chỉ nổi cáu với nàng một lần nữa, lần cuối cùng. Hôm ấy có một ca cấp cứu. Bệnh nhân ngoài hai mươi tuổi, phóng xe quá nhanh, tự té, được đưa vào viện trong trạng thái mê man bất tỉnh, máu chảy lỗ tai. Các công việc được triển khai mau lẹ. Chỉ riêng nàng đủng đỉnh. Nàng như không nghe ông hối thúc đo huyết áp, điện tim đồ, dao, kéo, băng, gạc, thuốc… không thấy những bước chân gấp gáp, gương mặt lo âu. Sau ca mổ, ông gọi nàng vào phòng. Em sao vậy? Đau đầu, đau chân, mờ mắt, tức ngực, ù tai? Nàng nói rành rọt, tự tin như một đôi lần nàng hỏi vặn lại ông, cố tình đưa ông vào chỗ bí: Thưa thầy, đó là một tên nghiện ma túy. Cứu hắn làm gì. Để hắn chết, xã hội sẽ bớt đi được một gánh nặng ạ. Trời! ông đứng bật dậy, nhăn mặt, nhướn mắt, nắm tay, giọng đột ngột cao vút: Không được phép làm thế! Ngu xuẩn! Nghề y là nghề cứu người. Sự sống của con người là mục tiêu tối cao. Hiểu chưa hả? Biết chưa hả? Rõ chưa hả? Hỏi, hỏi và hỏi. Ông liên tục quay đầu sang hai bên, bước tới bước lui. Nói, nói và nói. Như nói bao nhiêu cũng chưa hết tức giận. Sau lần ấy, hình như nàng nhìn ông bằng con mắt ấm áp hơn, lắng nghe hơn.

Cuộc sống trôi bình lặng.

Một buổi sáng, cô văn thư đưa cho ông quyết định của Ban Tổ chức chính quyền về việc ông làm trưởng phòng hành chính. Bầu trời mùa khô cao xanh đột ngột tối sầm. Họ từng làm tư tưởng. Ông từng từ chối. Mặc ông không vừa lòng, họ vẫn định đoạt. Ông hiểu không thể thay đổi số phận bởi các nhà tổ chức luôn có tầm nhìn xa. Họ sợ sự tài giỏi của ông. Đọc xong quyết định, mặt ông rắn lại như đá, mắt cay xè. Ông chưa bao giờ nghĩ có ngày phải gác ống nghe, rời dao mổ.

Cả bệnh viện chúc mừng ông lên chức, chỉ mình nàng biết ông đau khổ. Nàng đã trải qua những ngày bị cha mẹ cấm không được theo đuổi hội họa, (nàng sẽ bị bỏ rơi, không có tiền ăn học nếu tiếp tục vẽ), nàng thấm thía nỗi buồn khi không được làm việc mình thích (Dù ý thích trẻ con của nàng không thể so với nghề nghiệp ông đã chọn, đã đi được một phần quãng đường). Nàng thấy ông ôm đầu bất động, thấy ông thần người, thở dài, thấy cơ thể ông gầy sút, da nhăn. Nàng bảo thầy đừng nản, đừng buồn. Việc gì cũng là lao động. Lao động là vinh quang. Nghe giọng trẻ con đó, câu khẩu hiệu đó ông phì cười. Trách nàng sao được, nàng còn quá trẻ. (Cũng như không ai nỡ trách ông sai lầm đã vội vàng cưới vợ khi quá trẻ. Một cô gái không mấy hợp mà ông tưởng là yêu, là duy nhất). Nàng làm sao biết người đời lắm mưu mô. Ông nhìn nàng. Nàng vẫn tết hai bím tóc gấp lại như tai thỏ, chân đi dép cao su, quần xanh vải xoa-vi-ốt toàn chất ni lông, vô cùng nóng, áo trắng vải tám dày cộp, loại vải tiêu chuẩn của cán bộ nhà nước mỗi năm một bộ. Dù biết nàng đưa ra một câu khẩu hiệu khuôn sáo trong hoàn cảnh này nhưng ông vẫn quý sự chân tình của nàng Đột nhiên những ngón tay thon dài riết chặt tay ông. Tiếng nàng đầm ấm, da diết: Thầy đừng gục ngã, đừng nản lòng. Em sẽ là điểm tựa cho thầy. Dù mai sau, có bị cô độc thì thầy phải tin luôn có một người vẫn song hành cùng thầy. Con người cô đơn, mệt mỏi, buồn chán trong ông bất ngờ nhận ra sự cảm thông sâu sắc, sự khao khát chia sẻ từ một cô gái trẻ trung, như đang truyền cho ông sức sống và niềm vui bất ngờ. Trong dòng xúc cảm dâng trào, ông đứng dậy, choàng qua vai nàng, kéo nàng vào người, riết chặt. Một cơ thể thiếu nữ mới lớn run rẩy trong vòng tay ông, hơi thở nóng hổi sượt qua má ông. Ông thận trọng đỡ gương mặt nàng ngửa lên, đặt lên môi nàng một nụ hôn trang trọng không nhuốm sự hưng phấn tình dục. Ông dứt nụ hôn, nàng vẫn đứng yên, mặt ửng đỏ. Màu đỏ lan sang tai, xuống cổ. Chưa bao giờ có ai hôn em phải không? Nàng chẳng nói chẳng rằng, chỉ gật, mắt không nhìn ông. Qua khung cửa, những hạt mưa rơi trong nắng thành vô vàn đường thẳng nghiêng nghiêng, chênh chếch. Phía sau mây đen, một khoảng trời hiện ra xanh ngắt. Sự yên tĩnh. Không gian ẩm ướt. Hơi nước lành lạnh. Ông biết mình vừa vượt qua tình thầy trò. Nhưng không phải tình yêu. Một cái gì đó lung linh bừng sáng trong mối quan hệ của họ. Ông hiểu nàng là người thân thiết nhất, đã thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm cùng ông trong quãng đời này.

*

Sau những buổi làm việc mỏi mệt, ông về nhà, thu mình trong phòng riêng, càng trở nên lầm lì ít nói. Vợ ông không biết gì về tờ quyết định vì không quen hỏi thăm chồng. Ông rất ít kể chuyện cơ quan, công việc với vợ. Lấy nhau chưa đầy năm, vợ chồng ông bắt đầu như con lắc thường xuyên lệch pha. (Chắc nhiều cặp vợ chồng khác cũng vậy mà không ai kể). Lúc ông muốn im lặng thì vợ nói nhiều. Lúc ông muốn được an ủi thì vợ to tiếng. Ông đánh giá bản chất câu chuyện thế này, vợ ông lại hiểu theo nghĩa khác. Vợ thường nói đi guốc trong bụng, hiểu từng chân tơ kẽ tóc ông nhưng chẳng bao giờ biết hiểu một con người là thể nào. Vợ ông không biết điều ông nghĩ, không quan tâm ông muốn gì… Dần dần, ông nhận ra im lặng là tốt nhất. Im lặng là hạnh phúc, là bình yên, là nghỉ ngơi. Nhưng lần này khác mọi lần. Ông ở nhà tất cả các đêm (vì không phải đi trực), sách y khoa lộn xộn trên bàn, dưới đất (vì không có tác dụng trong công việc mới). Ông thường ngồi thừ ra, không nghe vợ gọi, không hiểu vợ đang nói gì. Nhiều lần bắt gặp như vậy, vợ tin chắc ông đang yêu một ai đó. Người đẹp trai, tài giỏi như ông sao không có người yêu! Bà đã từng bắt được một bức thư tình nồng thắm gửi ông. Bà thuê chép lại hàng trăm bản phát cho tất cả những người ông quen biết, những người qua đường để ông không bao giờ dám gặp người phụ nữ kia. (Người phụ nữ kia cũng vì xấu hổ đã chuyển đi nơi khác). Giờ đây, những biểu hiện này chắc chắn là dấu hiệu của một mối tình vụng trộm, ngang trái.

Một hôm, vợ ông thình lình bước vào phòng riêng, nơi ông đang ngồi trầm tư trên ghế, lòng đầy ắp những ý nghĩ u ám. Đời mình rồi sẽ ra sao? Không lẽ mình phải gắn bó mãi với công việc giấy tờ với những công văn, quyết định, những kế hoạch vạch ra hàng tuần hàng tháng… những việc mình không quen, không hề yêu thích. Phải làm sao để thoát khỏi tình trạng này? Ông ngẩng lên thấy vợ đứng trên ngưỡng cửa, nghênh nghênh mặt như chứng tỏ ta đây đã thấy hết cái nhíu mày, ánh mắt buồn, khóe môi trễ, vẻ suy tư… ta đây đã biết chồng đang che giấu điều thầm kín. Vợ hỏi:

- Có chuyện gì xảy ra với anh?

- Không có chuyện gì.

- Không chuyện gì mà thần người thế kia, gầy người thế kia, nhăn mặt thế kia…

- Thôi thôi… tôi không muốn mình quấy rầy tôi lúc này. Để tôi yên.

- Quấy rầy à? Tôi quấy rầy anh lúc nào? Có con nào trẻ hơn tôi, xinh hơn tôi quấy rầy anh thì có. Anh tơ tưởng nó, nhớ nhung nó đến ăn không ngon, ngủ không yên. Để tôi lôi nó ra ánh sáng. Tôi không chịu được cảnh người nào đang sống với tôi mà lại nhớ nhung về người khác.

Ông nhăn mặt xua tay nhưng vợ đã xộc vào. Miệng nói. Mắt nhìn. Tay bới. Hy vọng sẽ tìm được một bức thư tình như xưa. Vợ đảo đảo chồng sách, lật tung các cuốn sổ, kéo ngăn kéo rọt rẹt, mở cửa tủ rầm rầm, thọc tay túi áo, túi quần, cầm các đồ vật lật trước lật sau, nâng lên đặt xuống. A! Đây rồi! Bằng chứng đây! Vợ nhấc chiếc gương hình trái tim đặt ngay trước mặt ông, trên bàn. Sau gương có dòng chữ: “Chúc thầy luôn có niềm tin, nghị lực vượt qua bão dông”. Vợ đã thấy hình trái tim như biểu tượng tình yêu, từ bão dông như ngầm nói về gia đình, điều vướng mắc khiến họ chưa thể đến với nhau. Vợ rít lên:

- Tôi đoán ngay mà! Một con khốn!

Không thể chịu nổi sự quy chụp thường có ở vợ, ông quát to:

- Thôi đủ rồi! Hãy chấm dứt sự ghen tuông vớ vẩn của cô đi. Cô không biết tình yêu là gì, tưởng yêu ai cũng được! Tôi mệt mỏi lắm rồi.

- Tôi có biết đấy - Vợ lên giọng - Yêu là nghĩ về người đó, là muốn hôn với người đó... Ông tưởng tôi không biết ông đang thương nhớ ai à? Con ranh tết hai bím tóc đó, đi dép cao su đó, mặc bộ đồ học sinh thô kệch đó. Tôi sẽ làm cho cả thiên hạ biết ông là loại chê gái già, hám gái trẻ, có mới nới cũ. Tôi phải làm cho con đĩ đó biết giành chồng của người khác sẽ phải trả cái giá thế nào…

Vợ ông đi đi lại lại, nói rít qua kẽ răng, vung tay đá chân, chĩa hết móng vuốt hận thù vào ông. Ông đứng bật dậy, tái mặt. Khi phụ nữ ghen thì họ tàn bạo, quyết liệt đến mức không từ bỏ thủ đoạn nào, sẵn sàng tàn sát hết những gì tốt đẹp! Vợ ông còn hơn thế! Ông sẵn sàng đón nhận tất cả sự giận dữ trút xuống đầu mình. Nhưng còn nàng. Nàng mới lớn, tinh khôi như tờ giấy trắng. Nàng đâu có tội lỗi gì mà chuốc lấy sự ghen tuông này. Nàng sẽ chống đỡ ra sao trước những thủ đoạn thâm độc của người đàn bà đã có hai con, đã quỷ quyệt, mưu kế cản trở không ít những cuộc tình trong bóng tối của ông. Ông trừng mắt, giận dữ:

- Không được đụng đến cô ấy. Tôi cấm.

- A! Đau lòng cho người yêu hả? Người ở với ông, ăn với ông, ngủ với ông, ông không chút xót thương. Vừa đụng đến con đĩ đó ông đã xù lông, xù mỏ. Đã thế, tôi càng phải làm cho ra lẽ.

Vợ nhìn chiếc gương hình trái tim để trên bàn, với sự căm ghét tột độ. Nó không phải vật vô tri vô giác mà chính là vật tượng trưng cho tình yêu của cô gái đó luôn kề cận. Vợ giơ tay ra lấy, đập bốp xuống nền nhà:

- Cấm này! Cấm này! Cấm này!

Chiếc gương vỡ tan. Những mảnh kính nát vụn, bắn tung tóe. Khi đồ đạc vỡ là dấu hiệu gia đình bất hòa. Khi gương vỡ là dấu hiệu chiến tranh.

*

Ông đã bứt khỏi thị xã Cao nguyên, bứt luôn người vợ nanh nọc đến một thành phố hiện đại náo nhiệt. Ông lấy một người vợ khác rồi vì hoàn cảnh đưa đẩy ông lại tái hôn lần ba với một người phụ nữ còn ít tuổi và đẹp hơn nàng (mắt ông mách bảo vậy chứ thâm tâm ông không hề so sánh). Hơn hai mươi năm qua ông vẫn ngầm dõi theo nàng, biết nàng đã lấy chồng, sinh con và đúng như ông đoán, nàng trở thành một bác sĩ giỏi. Thi thoảng ông gặp lại nàng trong những lần công tác ngắn ngủi. Họ nói chuyện vui vẻ. Ông vẫn kể cho bạn bè thân về thị xã Cao nguyên như một phần đời đẹp nhất. Ông cũng không giấu là đã luôn yêu thương, nhung nhớ nàng như một người tình.

Nhưng chẳng hiểu sao, thời gian gần đây ông nhớ nàng thật sự. Ông thường xuyên hồi tưởng những gì liên quan đến nàng. Ký ức đã hiện hàng trăm lần cảnh nàng trong vòng tay ông, ông đã đặt lên môi nàng một nụ hôn trang trọng. Có khi ông hôn nàng trong mơ, đắm chìm trong cảm giác đê mê như thời trai trẻ. Tỉnh dậy, toát mồ hôi lạnh. Có phải vì càng lớn tuổi, càng nhàn rỗi, con người càng muốn ngoái nhìn quá khứ hay ông chưa từng được ôm nàng như một người tình đúng nghĩa nên ông càng khao khát? Ông nghiệm ra cuộc đời mình đã đi nhiều, gặp nhiều, yêu nhiều nhưng người ông yêu thương nhất chính là nàng. Nàng mới là người phụ nữ ông mong đợi nhưng số phận không cho ông gặp từ thủa độc thân, chưa bị ràng buộc gì. Ông phải tìm lại nàng, trở lại thị xã Cao nguyên, hít thở không khí trong lành, ngắm bầu trời xanh, bóng thông xanh, những hoa cỏ li ti ven đường, những triền hoa cúc quỳ nở vàng trong nắng, ăn khoai Lệ Cần bở tơi, thơm ngọt…

Thị xã đã lên thành phố. Cũng hiện đại, ồn ào tiếng còi xe. Nhà cao tầng san sát. Đường nhựa trải dài, lát vỉa hè đến tận thềm nhà. Ông thấy tiếc những con dốc cao cao đã bị hạ thấp, những hàng thông xanh đã bị chặt trụi. Con người không biết đến một lúc nào đó nét riêng biệt mới là sự độc đáo cần hướng tới. Cứ hình dung chỗ nào cũng giống nhau, sẽ còn gì để nhớ? Ông trầm ngâm trước quảng trường, nơi xưa kia là bệnh viện ông từng làm việc. Quảng trường đông đúc người đi lại, trong đó có vô số các cô, các chị, các bà mặc quần lửng, áo hai dây, để lộ những bộ ngực ngồn ngộn, những cặp đùi nần nẫn thay vì ngày xưa tất cả các bộ phận của cơ thể nữ giới đều được che kín. Đã có vô số điều thay đổi trong cuộc sống. Nếu ông và nàng được đặt trong thời buổi này thì họ có trở thành một đôi vợ chồng hoàn hảo hay cặp tình nhân tuyệt vời? Ông có phải mất ngủ nhiều đêm, trăn trở vì vị trí thầy - trò quá thiêng? Ông có phải băn khoăn vì tuổi tác cách biệt? Có lẽ nàng sẽ không bao giờ hiểu vì sao ông phải bỏ đi (ông sợ vợ quậy phá, nàng không chịu nổi dư luận, sự đàm tiếu), vì sao ông đã viết cho nàng bao nhiêu bức thư nhung nhớ nhưng lại lấy người khác (vì ông từng có gia đình, nàng là gái tân). Ông không dám quay lại yêu nàng dù có khoảng thời gian ông đã li dị, nàng thì độc thân và đang nhớ mong, đau khổ không kém (Ông luôn cầu mong đời nàng có được mọi thứ trọn vẹn, đẹp đẽ nhất).

Nhưng bây giờ thì khác. Ông chủ động tìm nàng, dành hết thời gian ở bên nàng. Ông yêu nàng và biết nàng quý mến ông. Tại sao không thể tiến xa hơn, thuận theo quy luật của tạo hóa. Yêu nhau phải thỏa mãn cả những cơn sóng tình dâng trào. Năm tháng dạy ông không nên lưỡng lự thêm nữa mà lần này phải quyết liệt tiến tới để nàng trở thành tình nhân thực sự, như thể đây là cơ hội cuối cùng trong đời. Ông khao khát và tự hào nếu có được người tình là nàng, điều mà bao lần gặp trước ông đã bỏ lỡ.

Ông bấm điện thoại. Ông thuộc làu mười con số. Bên kia vọng lại giọng nói quen thuộc dịu dàng:

- Vâng! Em sẽ đến! Em sẽ đến!

Như mọi lần ông trở về thị xã Cao nguyên, nàng vẫn đi cùng ông mọi nơi mọi lúc, thăm lại những ngả đường, Biển hồ thơ mộng, những rừng thông xanh giờ chỉ còn ở ngoại ô, thăm bạn bè quen, cùng nhâm nhi cà phê, cà kê trong quán nhậu, nói đủ mọi chuyện. Riêng lần này ông hẹn nàng đến khách sạn. Ông không ngờ nàng nhận lời nhanh chóng, không một chút lưỡng lự. Nàng không e ngại điều tiếng gì sao? Hay nàng cũng muốn cùng ông có quan hệ sâu đậm hơn mà chưa có dịp?

Cửa phòng khép lại sau lưng. Ông cảm thấy dễ chịu vì tránh xa được cái nhìn của đám đông. Chỉ có hai người tự do trong không gian kín đáo, mặt nhìn tận mặt. Năm tháng đã làm da nàng không còn hồng, môi nàng không còn đỏ như xưa nhưng nàng vẫn giữ được dáng dấp cũ, đúng như hình ảnh đã khắc sâu trong ký ức ông, ám ảnh ông. Ông nhìn nàng trìu mến, lòng ngập tràn hạnh phúc. Nàng đứng trước ông bằng con người sống động bằng da thịt chứ không phải hình ảnh ông tưởng tượng. Ông bước lại ôm choàng nàng:

- Anh đã từng ôm em thế này.- Ông nói - Em còn nhớ không?.

- Em nhớ. - Nàng nói. Giọng nàng dịu êm như tiếng nhạc. Nhưng nàng không ngẩng đầu lên, không ngửa cổ ra đón đợi nụ hôn ngọt ngào như ông tưởng.

- Anh hôn em nhé.

Nàng lắc đầu, ngọ nguậy trên vai ông, thì thào:

- Thôi. Đừng… đừng… - Ngập ngừng một lúc lâu. - Những cái gì qua đi là qua đi thầy ạ. - Tiếng thầy xua tan màn sương mờ ảo bao quanh ông, chặn đứng bộ máy quyến rũ vừa khởi động, đặt ông và nàng về vị trí cũ. Giọng nàng trầm hơn bình thường: - Có những giới hạn dù không ai biết nhưng mình không thể bước qua, không thể làm được.

Nàng biết hết những mong ước thầm kín trong ông cũng như hé lộ cho ông biết nàng cũng có ước mong tương tự. Nhưng giữa họ đã có một bức tường của những sự ràng buộc nhất định. Có lẽ vì vậy nàng tự tin đến mức một mình đến chỗ ông. Dù ông và nàng đã từng yêu mến, ôm hôn nhau thì giờ đây, giữa gian phòng cách biệt với thế giới bên ngoài vẫn chẳng thể xảy ra điều gì quá giới hạn. Niềm mơ ước đã tuột khỏi đời ông hay mãi mãi vẫn chỉ là mơ ước?

Ông không lý giải.

Nhưng ông biết thị xã Cao nguyên vẫn đầy ắp trong ký ức mình. Nơi ấy có một khoảng trời xanh lung linh đem lại cho ông bao niềm vui và sức sống bất ngờ. Có một người vẫn đem lại cho ông nỗi nhớ dịu ngọt không nguôi.

T. L  
(TCSH370/12-2019)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HỒNG NHUỞ vồng cau giữa của khu vườn nhà tôi cạnh gốc vả có một vũng nước nhỏ, rộng chỉ bằng cái mẹt, không biết có từ khi nào và do ai đào, gọi là cái "giếng loạn".

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNGChị Hà cùng tuổi với tôi, tuổi Thìn. Chị bảo nam Thìn nữ Tỵ nên đời chị sẽ lận đận long đong, đời tôi sẽ hanh thông.  Mới mười hai tuổi mà chị như người lớn, lúc nào cũng gọi tôi bằng cậu, cậu em.

  • Thu TrangTâm ngồi thái hành, một đống hành tây, củ to màu vỏ vàng nhạt, mà bây giờ mỗi lần trông thấy là Tâm nhăn mặt. Bản thông tin 10 giờ đang nói về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống (1).

  • TRẦN CÔNG TẤNTôi có hai người bạn gái học cùng một trường, ngồi chung một bàn. Tôi ngồi giữa. Bên trái là Kim Mai, bên phải là Hồng Trinh. Tính nết hai cô khác nhau: Trinh luôn nói, cười. Mai thì lặng lẽ. Chỉ giống nhau ở chỗ cả hai cùng xinh đẹp và yêu mến tôi.

  • NGUYỄN AN CƯVừa mới ra giêng, bà Năm đã lăng xăng chuẩn bị đám giỗ cha chồng vào cuối tháng tư tới. 

  • NGUYỄN NHÃ TIÊNQuyên ra phố một thời gian thì về. Hằng năm cứ vào đầu tháng tám là Quyên đinh ninh phải về. Quyên bảo với bọn trẻ nhỏ trong làng: “Chị đi đám giỗ ít bữa thì về”. Lũ trẻ nhỏ trong làng thì lại bảo là: “Chị Quyên đi đám giỗ chồng chị ấy”.

  • NGUYỄN VĂN CHƯƠNGÁnh nắng ban mai chiếu vào mắt làm chú mèo con mở choàng. Nó nhìn ra sân, thấy một bầy lóc nhóc gà, vịt, ngan, cún, ỉn đang cười đùa. Mèo con nhảy phóc ra, xù lông, giương mắt, "meo" một tiếng rồi gườm gườm nhìn lũ nhóc.

  • SƠN “Em có nhớ anh không?”“Em nhớ cả ngôi nhà nữa!”“Em sẽ trở về chứ?”“Em!… em!…”“Anh sẽ chờ.”***

  • LTS: Trong năm 2009, rải đều trong các số Sông Hương đã có khá nhiều truyện ngắn đạt chất lượng như: Lấm lem thanh xuân, Đêm của bướm, Làng thời mở cửa, Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa, Duỗi thẳng chân ở thiên đường, Hoa gạo đỏ, Một bước sau quận công, Cái chết của Rối, Bến vạc, Một lát cắt... Nếu đứng chung, những tác phẩm kể trên sẽ là một tập truyện ngắn đầy ấn tượng với nhiều phong cách truyền thống có, huyền ảo có, triết luận có... “Mở hàng” cho năm mới, xin giới thiệu tới bạn đọc truyện ngắn Tiếng vọng làng Thòi, hy vọng sẽ có thêm một năm thành công ở thể loại truyện ngắn trên Sông Hương.S.H

  • DƯƠNG DUY NGỮỞ làng chúng tôi có lệ vào ngày ông Táo chầu trời, tức hăm ba tháng chạp hàng năm, con cháu các dòng họ ở xa, ở gần nô nức về làng đi tảo mộ.

  • NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG Tối rằm trăng sáng tịnh không một gợn mây. Hương ngọc lan dậy thơm một góc vườn. Theo chiều gió hương thơm lan tỏa khắp khoảng sân bày la liệt chậu cảnh tỉa uốn đủ hình dạng.

  • HỒNG HOANGBữa ăn sáng ở phòng chờ xuất viện đã đến hồi kết, mọi người dự cuộc vẫn lưu luyến.Trước khi vào điều trị ở bệnh viện tâm thần này họ đều là những thành viên tốt của xã hội.

  • ĐẶNG THIỀU QUANGĐó là một mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử, trong suốt nhiều năm trở về trước, cho đến tận sau này, bây giờ, khi cô đã trở thành một bà già ốm yếu, đó vẫn là một mùa đông lạnh giá nhất mà cô từng trải qua. Cô nhớ lại khi đó, nhiệt độ xuống đến không độ, máu đông lại trong huyết quản, đôi chân nặng như chì, còn những đầu ngón tay cô như thể đang bị hàng ngàn mũi kim đâm vào, xuyên qua đôi găng tay len, buốt giá.

  • VŨ ĐẢMChiếc xe trâu chở cát ì ạch đi trên con đường làng, con đường bị xuống cấp nghiêm trọng nên mỗi khi mưa xuống có nhiều đoạn lầy lội đến mắt cá chân. Ngồi trên xe, anh Chấn hò hét mãi mà con trâu sứt vẫn không vượt qua được đám sình lầy.

  • HOÀNG THÁI SƠN        Đời bắt nguồn từ những hoàn cảnh không ngờ tới (LOUIS ARAGON)Từ bên này con lạch, Sung bước chậm rãi, thỉnh thoảng anh lại đưa mắt ngó qua bên kia. Nhiều lúc anh bước quá chậm, hay dừng hẳn lại khiến An phải kêu lên.

  • NGUYỄN PHƯỚC THỊ LIÊNKhông ai ngờ trước kia nơi đây chỉ là bến đậu tự phát của mấy tên thương hồ tứ xứ tới lui mua bán, ngủ nghỉ trong những căn lều che chắn tạm bợ. Và quán cóc. Nay đã thành một công viên sông, có con đường lát gạch khá rộng chạy ra tới biển mà bên dưới là bờ kè bảo vệ, bên trên là thành lan can inox chắn giữ.

  • DẠ NGÂNLúc ấy đã gần trưa. Những thời khắc cam go nhất của một ngày đang sắp qua đi. Một ngày ở đây bắt đầu từ rất sớm với những phập phồng quen thuộc.

  • BẠCH NHẬT PHƯƠNGNgày ấy, vào năm 1981!Rời phiên tòa ra về, thiếu phụ cảm thấy quãng đời còn lại như một cuộc thách đố. Nàng không buồn phiền nhiều mà cảm thấy bực bội và vô cùng lo lắng. Nàng bực vì thái độ nhỏ nhen của người đàn ông mà nàng đã từng là vợ trong suốt 13 năm qua. Nàng lo lắng vì 3 đứa con của nàng từ nay trông cậy vào chỉ một mình nàng!

  • NHẤT LÂMTrời về tối lúc tạnh lúc mưa, lại có gió nên càng mịt mờ như khuya khoắt, nhà nào cũng ăn cơm lúc chập choạng, bởi mưa gió chẳng biết làm gì. Tháng mười chưa cười đã tối. Mùa mưa miền Trung vốn tự cổ xưa đã não nề, những năm chiến tranh càng buồn hơn.

  • HOÀNG QUỐC HẢI              Truyện ngắn lịch sửNăm Nhâm Thân (1392) mùa hạ, thượng hoàng Trần Nghệ Tông xuống chiếu “CẦU LỜI NÓI THẲNG”Thường trong nước mỗi khi có đại sự, nhà vua ban chiếu cầu hiền. Mục đích tìm người tài cho nước.