HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Có thể nói cuốn “An lạc mùa chay - Món chay dâng Mẹ” của nhà thơ, chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh (Nxb. Phụ Nữ, 2014) vừa được Nhà sách Phương Nam ấn hành trong tháng tám vừa qua, là cuốn sách thực hành về sự an lạc.
Một cuốn sách mà khi thực hành những chỉ dẫn, chúng ta sẽ thêm một lần trở về với chính mình, trở về với cảm giác rất gần với sự an lạc đang không hề dễ bắt gặp trong cuộc sống hiện tại.
Ở đó, chúng ta sẽ gặp những cách thức làm các món chay, nhưng không chỉ là món chay thông thường, mà là những món chay đã từng được giữ gìn ở Kinh đô Phật giáo Huế - vùng đất có trên 1000 ngôi chùa, hơn thế nữa, trong đó một số món chay đã từng được thi triển công phu tinh xảo qua bàn tay những nghệ nhân trong đội Thượng thiện cung đình Huế xưa cũng được tái hiện lại (Thân phụ của chị xưa là quan Nam triều Bộ Lễ, Bộ Học, Ủy viên phiên dịch sử liệu Việt Nam của Trường Đại học Luật khoa Huế. Hiền mẫu là một nghệ nhân ẩm thực của đất Thần Kinh). Sách hướng dẫn 8 món khai vị tao nhã: Bánh ướt Lạc Việt, Chả cánh phượng - cơm Bồ đề, Cuốn cải xanh, Gỏi rong biển tứ quý…; 19 món ăn chính lừng danh: Canh cải thảo cao lầu, Cà ri xanh, Lẩu củ sen chua cay, Ra gu gấc, Đậu hũ rau răm, Mộc nhĩ chưng tương, Cơm chiên bí đỏ, Cơm hấp lá sen, Xôi lá dừa ngũ vị… Và 5 món tráng miệng thanh lành: Bánh đậu dinh dưỡng, Bánh hoa hồng nướng, Chè hạt sen bọc nhãn, Khoai hấp đường 3 màu, Trái cây nướng mật.
Những món chay đó vừa quen vừa lạ, rất dân dã song cũng rất đỗi cầu kỳ, công phu khi chế biến. Mới xem qua tên món ăn, tưởng như rất khó nấu, nhưng khi đọc hướng dẫn và nhìn hình ảnh, thì những người chưa từng biết ăn chay cũng có thể tự tin hình dung được món ăn mình sẽ nấu.
Cái cách trình bày với hình thức quá đẹp và tao nhã là một thành công của cuốn sách này. Các món ăn đều có những hình ảnh minh họa rất đẹp được trình bày như các tác phẩm nghệ thuật. Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh kể, chính tay chị nấu từng món, tự trình bày ra đĩa bát rồi nhờ chuyên gia nhiếp ảnh thực hiện. Sự tỉ mỉ, cẩn trọng đan thanh nét tài hoa hiển hiện trên từng hình ảnh, trên từng ngọn rau thơm xanh, từng lát ớt đỏ, từng miếng bí vàng, từng hạt cơm trắng, từng cánh sen hồng… Đó là sự “siêu thơ” của ẩm thực.
Nhưng cuốn sách không chỉ có thế, cái làm nên chữ tình và nét duyên của sách là bên những cách thức làm bếp, còn là những ký ức miên hoài ăm ắp nỗi nhớ về Mẹ. Mỗi món ăn đều có những đoạn ngắn bình về sự hữu ích của món, và hiện lên hình ảnh người mẹ đã từng nấu món ăn đó trong những ngày ấu thơ. Trong “Lời thưa” đầu sách, nhà thơ viết: “Theo lệ thì nhà tôi mỗi năm ngoài mâm cỗ chay đưa rước ông bà, đầu năm còn có thêm bốn, năm cái giỗ mà người Huế thường gọi là kỵ. Với mẹ tôi thì việc chuẩn bị mâm cỗ chay thường tốn công hơn làm cỗ mặn, các nguyên liệu thảo mộc được chế biến công phu và tinh khiết… Những mâm cỗ chay mà mẹ tôi thường gọi là “cỗ lợt” có trên 20 món, mỗi món một chút được bài trí công phu, tinh tấn… Tôi hình dung mỗi món chay là một đóa hoa tâm kết nối giữa người nấu và các đấng thiêng liêng…”. Những ăm ắp nhớ mẹ trải bày trong từng món ăn trong sách, như nhớ mẹ qua từng cái thân chuối, cọng rau: “Nhớ thời nhỏ vườn nhà mình mẹ trồng rất nhiều cây ăn quả, nhất là chuối. Tôi chỉ nhớ là mẹ thường nói ăn chuối rất tốt, ăn chuối bổ máu, ăn chuối tốt cho xương, ăn chuối tốt cho tim mạch… Cho nên hễ lứa chuối này tàn là mẹ lại kịp thời gầy lứa khác, và cũng nhờ thế mà chị em chúng tôi luôn được ăn những món cây nhà lá vườn nhiều chất dinh dưỡng. Độc đáo nhất là khi chuối trổ buồng và chín, thân chuối vẫn sử dụng để chế biến món ăn được. Mẹ chọn mấy bắp chuối sứ trắng bào mỏng, xả sạch mủ rồi nấu canh chua với lá me non làm món giải nhiệt mùa hè…” (trang 25). “Hồi nhỏ em út tôi ít thích ăn rau, mẹ tôi phải ép ăn rau bằng cách cắt nhuyễn rau trộn chung với cơm, em mếu máo, mẹ dỗ “ăn rau nhiều chất xơ, ăn rau mau lớn, con gái ăn rau mát da…”. Cái câu ca ấy ngày nào, bữa ăn nào chúng tôi cũng được nghe đã trở thành thói quen…” (Tr 28). Và sen nữa, làm sao không nhớ: “Mẹ tôi người làng Phú Mộng ở miệt Kim Long xứ Huế, nơi đó ông tôi có một hồ sen khá lớn, so với sen hồ Tịnh Tâm ngon nổi tiếng thì sen Phú Mộng cũng bên tám lạng bên nửa cân. Đến mùa sen nở, sen tàn, tôi thường theo các cậu chèo thuyền khắp hồ để hái hoa, bẻ gương sen…”. Nhiều khi, có những món ẩm thực sáng tạo được khởi nguồn từ sự yêu kính mẹ, như “Xúp dinh dưỡng xanh” là một: “Cơ địa của mẹ rất nhạy cảm với khí trời, nắng không ưa mưa không chịu, thấy thịt cá chưa ăn đã muốn đầy hơi, mới ra nắng chút xíu là da mặt xám xịt… Qua một số tài liệu… đánh giá bông cải xanh không những là món ăn tốt cho sức khỏe mà còn giúp tế bào da ngăn ngừa những tổn hại…, làm chậm quá trình lão hóa. Tôi ngẫm nghĩ nên “biến tấu” một món ăn chay mà nguyên liệu chính là bông cải xanh kết hợp với một số nguyên liệu phụ có đầy đủ tính ôn, trầm, nóng, lạnh…”.
Cứ thế, những “món chay dâng mẹ” cứ thảo hiền từng món, ngọt tình từng thức theo mùa, quanh tháng, quanh năm…
Như chính nhà thơ tâm sự: “Trộm nghĩ xưa nay sách vở dạy nấu ăn rất nhiều mà thầy hay bếp giỏi cũng không ít, những món chay tôi viết trong sách như một chuyện kể của người con xứ Huế ở cái tuổi được bia đề “hưởng thọ” muốn gởi cái tâm của một Phật tử chia sẻ những hiểu biết thô thiển của mình cùng chị em phụ nữ thích nấu nướng chiên xào những món chay ngon lành bổ dưỡng để phụng sự gia đình và xã hội”.
![]() |
Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh trong Đêm văn nghệ Tình Sông Hương 2012 |
Cái cách sử dụng thành quả thực tế để dành cho xã hội của cuốn sách là một câu chuyện cảm động khác, bao nhiêu tiền nhuận bút thu được từ việc phát hành cuốn sách, nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh đem đi làm từ thiện hết, trong đó có việc sẽ trao 20 triệu đồng học bổng cho học sinh nghèo xứ Huế thông qua Quỹ Tình Sông Hương của Tạp chí Sông Hương. Nữ thi sĩ Huế, nhà ẩm thực Huế Hồ Đắc Thiếu Anh là vậy đó. Nhớ cách đây 2 năm, khi Tạp chí Sông Hương tổ chức Đêm văn nghệ Tình Sông Hương ở Trung tâm Festival, 11 Lê Lợi, Huế nhà thơ cùng với anh Đinh Phong, chị Kim Minh, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, nhà thơ Trương Nam Hương, Ban Từ thiện Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP HCM đã ủng hộ nhiệt tình, khiến đêm của lòng nhân ái đó thành công ngoài mong đợi.
Cái tình đó, cứ thấy bàng bạc suốt dọc hành trình sống và phụng sự của người con gái Huế xa quê, ngay cả chuyện ẩm thực. Ngoài những dòng thơ hay và đẹp cho đời, chị hiện còn là hội viên chuyên ngành Văn hóa Ẩm thực Liên hiệp Các Hiệp Hội UNESCO Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Ẩm thực chay Bếp Vàng, và cũng từng được trao danh hiệu Sứ giả quảng bá Ẩm thực và Bếp Vàng do Hội Kỷ lục Việt Nam trao tặng…
Câu chuyện của nhà thơ chưa dừng lại, những dòng thơ cũng như những dự định mới đầy nhân ái vẫn sẽ đang tiếp tục. Xin chúc chị tiếp tục hành trình với thân tâm thường an lạc…
H.Đ.T.N
(SDB14/09-14)
HOÀNG KIM NGỌC
Hồ Anh Thái thuộc số các nhà văn mà người đọc có thể “ngửi văn” đoán ra ngay tác giả. Bởi anh đã tạo cho mình được một giọng điệu không lẫn vào đâu được (dù nội dung kể ở mỗi cuốn sách là khác nhau).
NGUYỄN KHẮC PHÊ
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Nhân Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ vừa được xuất bản)
PHONG LÊ
Tính chiến đấu và chất thép - đó là nét quán xuyến trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cố nhiên bao trùm cả hoạt động viết của Người.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nếu tôi không nhầm thì phần lớn bạn đọc chưa hề biết tên bà Cao Ngọc Anh; nói chi đến việc nên hay không nên dành cho bà một vị trí trong làng thơ Việt Nam.
VÕ QUÊ
Ngày hồng (Nxb. Thuận Hóa, 2023) như tên gọi tập thơ là cả một cuộc hành trình dài “kỷ niệm bốn mươi tám năm ngày thống nhất đất nước”, “kỷ niệm bốn mươi tám năm chuyến đò dọc hẹn ước của Duy Mong - Xuân Thảo”.
MAI VĂN HOAN
Nguyễn Đắc Xuân là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Huế. Đời thơ tôi (Nxb. Hội Nhà văn, 2022) là tập thơ chính thức đầu tiên anh gửi tới bạn đọc.
HỒNG NHU
(Bài nói trong buổi tổng kết, trao giải cuộc thi thơ 1996 do Hội VHNT TT. Huế tổ chức. Nhà thơ Hồng Nhu, trưởng BCK trình bày)
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Thật khéo, nữ sĩ Trần Thùy Mai trở về Huế vui xuân và gặp gỡ các bạn văn quen biết trong tòa soạn Tạp chí Sông Hương thân thuộc đúng vào lúc bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân ra mắt bạn đọc.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
1. Trong đời văn của Nguyễn Huy Tưởng có một ngày có thể được coi là trọng đại. Đó là ngày 8 Juin 1942. Ngày ấy ông chép lại vở kịch cũ Vũ Như Tô.
VƯƠNG HỒNG HOAN
Trong văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Bính là một thi sĩ được nhiều người yêu thích và trân trọng. Cuộc đời và thơ ông luôn luôn được nhắc đến trong bạn đọc nước ta hết thế hệ này đến thế hệ khác.
LÊ XUÂN VIỆT
(Nhân đọc hồi ký "Âm vang thời chưa xa" của Xuân Hoàng. Nxb Văn học và Hội Văn nghệ Quảng Bình 1996)
LÊ THANH NGA
Châu Âu - một không gian văn hóa mà nền dân chủ phát triển trước nhất trong lịch sử nhân loại - ngay từ thời trung cổ đã là trung tâm của lễ hội Carnaval (tiếng Việt: lễ hội giả trang).
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc Chuyện cũ Tử Cấm Thành - Kịch bản tuồng lịch sử của Nguyễn Phước Hải Trung - Nxb. Văn học, 2022)
PHONG LÊ
Hơn 60 năm sáng tác và với tuổi đời ngoài 80, Tố Hữu là nhà thơ luôn luôn hiện diện trong sinh hoạt tinh thần của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
"Màu thời gian" là bài thơ nổi tiếng của Đoàn Phú Tứ; đến mức các tác giả "Thi nhân Việt Nam" đã từng nhận định: "không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế".