NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ
Phố hôm nay ngập sâu sau một cơn mưa kéo dài từ tối hôm qua đến trưa nay, cô đang nhìn thấy điều ấy trên tivi. Cô hơi tiếc, giá như cô ra đó muộn hơn, dù sao thì đi trong mưa hay bơi trong mưa vẫn thích hơn là chạy trên chảo lửa nóng. Hà Nội tuần trước hơn 50 độ, hai chân cô sắp cháy.
Minh họa: Nhím
Cô đang nghĩ về anh giữa tiếng chiên cá đang xèo xèo trong bếp. Anh từng nghĩ chúng ta như những con cá, rồi sẽ bốc hơi đi, tan chảy giữa những thành phố. Cô lờ mờ nhận ra, hiện thực đang là những con cá bị chiên giòn vàng ươm những cám dỗ. Cô hơi nhăn mũi, mùi cá đang làm cô quên đi mùi anh, nếu mọi thứ không còn có được sự hình dung thì cái không gian xa cách này sẽ vĩnh viễn bị chặn lại. Như một thế giới chưa từng có internet, mọi điều nhớ nhung vẫn nằm trong những điều ám thị rất mơ hồ, chúng không rõ ràng như từng đường link, từng hơi thở qua messenger. Anh đã biến mất ba hôm. Hình như vậy.
Ba ngày yên lặng.
Cô không muốn mình là một vòng tròn. Rất dễ để vẽ ra một vòng tròn. Đứa trẻ nằm trong bụng mẹ cũng vòng tròn nên đứa trẻ thường thích vẽ vòng tròn. Cuộc sống là một vòng tròn. Cô muốn cắt bỏ một phần cuộc sống để được là chữ C. Cô muốn có được khoảng hở để hít thở tự do như xưa bé luôn thích được ngồi trên xích đu. Chữ C, cô sẽ thong thả mà không cần mải miết chạy hết một vòng tròn. Cô sẽ dừng lại nơi nào mà cô thích, như khi cô đang đứng thì trái đất vẫn chạy theo một vòng tròn.
Cô sẽ tìm anh, đặt anh vào trong một câu chuyện có tên là “Nhà Văn”, trân trọng viết hoa.
Cô chỉ biết về thế giới của anh trong truyện anh viết. Về con số 19..., và chuyện hai gia đình ở một lối rẽ, anh là một hạt giống trong đại gia đình ấy. Cô cảm nhận về anh như một cây ngô được gieo trong hốc đá. Anh vẫn sống tốt và trổ đầy hạt, rồi cứ thế, anh lại tự gieo mình xuống mọc thêm rất nhiều cây khác, trổ hạt giữa nắng cháy và dầm mình trong mưa lạnh.
Những câu chuyện anh viết thật trần trụi, ngôn ngữ giang hồ, đôi khi gớm ghiếc. Cuộc sống nghiệt ngã. Anh không thể viết khác đi được sao? Những ngõ ngách đầy những ánh nhìn xoi mói dục thể của đám đàn ông lên các bộ phận của đàn bà. Có những cô nàng ngây thơ thích làm bạn với gã thi sĩ, gã thi sĩ thích tri kỷ với chàng Don Juan, những cô nàng ngây thơ thì thích hót như chim sơn ca trước đám ăn xin hạnh phúc. Tình yêu. Thực dụng. Thừa mứa. Rẻ rúng. Một mớ hầm bà lằng.
“Anh có thích Paul Sartre không? Em thấy mọi thứ đang buồn nôn”.
“Anh không, nhưng quý”.
Có vẻ như mọi thứ chẳng liên quan, chỉ là một sự va chạm từ ngữ trùng hợp
“Anh cắt tóc ngắn chưa?”
“Anh đang muốn để tóc dài và sẽ tết đuôi sam.”
“Vậy thì nặng lắm, em đang muốn bỏ bớt trọng lượng của mình ra” - Cô nói, ít nhất là sẽ nhẹ bớt trong cái đầu.
“Vậy em cắt tóc ngắn đi”.
Cô xem tóc như những chiếc vây cá, cô đã từng cắt, rất đau, và chẳng thể bơi được. Dạo ấy cô thỉnh thoảng cô ăn tóc, đau đến buồn nôn, cô nằm cong người lại như đứa trẻ đang nằm trong bụng mẹ, cô thong thả nhai từng sợi buồn, giòn rụm.
Cô ngửi thấy mùi lá chín, phía bên kia, dưới tàn cây. Mặt trời rực màu. Chúng ta đã để trôi rất nhiều năm. Mùi tóc. Mùi lá. Tóc chúng ta đã từng tết đuôi sam. Tóc chúng ta đã tết vào một thế kỷ quá dài.
“Anh có thích chính trị không?”
“Anh không thích chính trị.”
“Em cũng vậy”. Cô vừa nói vừa nhai tóc.
“Sao anh dám viết về nhóm N. trên báo thế”.
“Anh không để ý, cũng không rõ lắm về nhóm này, thấy người ta từ thiện tốt nên viết thôi”.
“Anh thật ngớ ngẩn.”
“Anh muốn chúng ta là nghệ sĩ phải độc lập viết, đừng tham gia hội nhóm gì”.
Cô vẫn đang thấy anh cặm cụi tô vẽ những mảng tranh tối, những gương mặt họ cau có, giận dữ, đầy đau thương hiện lên mỗi ngày.
“Anh thích vẽ họ ư?”
“Anh sẽ cất ở đâu? Computer cũng đầy, và sẽ hỏng.”
“Anh cất trong trí nhớ.”
“Bao giờ thì anh quên họ?”
“Có lẽ không, có thể sẽ quên chúng khi về già.”
“Anh lại cứng đầu rồi, em muốn ôm anh”.
Cô không có quyền chạm vào thế giới ấy.
Nhưng cô muốn đặt anh vào trong một câu chuyện của cô. Anh sẽ là “họ” trong “họ”.
Cô hình dung gương mặt anh cười méo xệch khi đọc câu chuyện này. Cô có thể nhập vai cho anh với bất cứ nhân vật nào anh đã từng viết: chàng Don Juan uống rượu cùng gã thi sĩ, cô nàng ngây thơ với kẻ ăn xin... Nhân vật nào là anh, cô vẫn chưa nhận ra, nó đa sắc diện. Cô đang cố tìm anh, đặt anh vào một nhân vật đứng ngoài những câu chuyện của anh viết.
Hiện tại, có một thế giới đang nằm trong vết sẹo trên mặt cô sau một vụ tai nạn. Bác sĩ bảo cô phải massage và chờ đợi thêm, chúng sẽ mềm. Cô hơi vô vọng. Đó là một chất rắn khó tan. Bạn cô bảo, dùng củ nâu tán nhuyễn cùng với bán hạ và lòng đỏ trứng gà, chúng sẽ mềm và hóa lỏng nhanh hơn. Thực sự cô không hình dung ra những thứ ấy trộn lẫn vào vết sẹo sẽ tạo ra hỗn hợp gì. Có thể là một loại hỗn hợp mang thời gian đi nhanh hơn. Cô đã bắt đầu viết trở lại, những câu chuyện để lửng nửa chừng. Sự chắp nối những mảnh ghép về trí nhớ của cô là rất cần thiết, vẫn luôn thấy tay cô luôn đặt trên vết sẹo, dùng ngón trỏ xoa xoa. Cô đã không thể nghĩ gì hơn ngoài lớp da dưới ngón tay trỏ ấy.
Sáng nay, cô hơi thất vọng khi nhắc anh đến lần thứ tư về bài thơ cô muốn đọc. Anh trả lời cụt ngủn: “Để anh thử xem”. Cô vẫn tiếp tục chờ đợi. Có một thứ cô vẫn luôn hình dung khi nhìn lên trần của căn phòng, về phía bốn góc, chúng luôn được cắt xén vuông vức như trong ý nghĩ của cô, những mẫu thạch cao hình vuông, hình chữ nhật, hình thoi và những đường diềm mảnh được trang trí cẩn thận xếp lớp lên nhau. Cô nghĩ, có lẽ thêm vài mùa mưa nữa chúng sẽ rã đi cả thôi, chúng sẽ thấm tất cả sự chờ đợi của cô. Cô thường nằm bất động, nhìn trống rỗng, như không có một sự chuyển động nào từ hơi thở. Ngôn ngữ của hơi thở khi không có không khí là gì nhỉ? Cô đang lo sợ có một sự hé lộ qua khe sáng rất nhỏ trên trần nhà, chúng sẽ nghe được lồng ngực cô đang cố hít sâu vào. Cô muốn ôm anh, thích chiếc mũi anh chạm vào mũi cô, tuyệt nhiên không muốn có một nụ hôn nồng nhiệt. Nhè nhẹ, thơm thơm, ngọt ngọt. Mọi thứ yên lành. Như thể cô chưa từng trải qua 10 năm hay 20 năm đã qua bên cạnh những đứa trẻ.
“Anh thử bỏ băng 10 năm để hình dung về nhau đi” - Cô nhắn tin.
“Em nghĩ nhiều vậy” - Anh trả lời.
Tức nhiên, 10 năm nữa cô sẽ khác bây giờ, góc tường kia đã rả đi từ lâu. Cô nhìn, trống rỗng.
“Anh còn nhớ em không?”
“Nhớ lắm” - Anh trả lời, muốn thơm lên tóc cô - “Anh không thể viết gì được, không làm gì được, có gì đó như đang lùng bùng trong đầu”. Mười năm nữa, cô đang hình dung anh vẫn nhìn cô, cười rất hiền với gương mặt nhiều nếp nhăn. Không sao đâu. Mọi ngôn từ đẹp đều là im lặng. Cô vẫn đang nhìn, trống rỗng. Bốn góc trần đang chuyển động.
Cô đặt bên cạnh sự yên lặng một dấu chấm. Như giọt mưa mùa hè giữa sự yên lặng nắng cháy. Sự yên lặng bắt đầu vọng âm. Bắt đầu trên những tàu lá chuối xanh ngát rồi đến tận Phi châu khô, cô nghe tiếng ngựa vằn la hét bên bờ suối, tiếng quẫy đuôi tận mạng cá sấu. Cũng như chảo lửa Hà Nội Hải Phòng Mộc Châu cô vừa đi qua. Cô từng có ý “ăn” anh khi cô ngồi phía sau lưng, anh không hề có một sự phòng bị, chẳng có một sự nghi ngờ nào khi nhìn vào mắt cô, đuôi mắt cô có nhiều gợn sóng nhỏ. Cô thấy mình nóng lên, bắt đầu từ chiếc đồng hồ đeo tay. Thời gian chảy đọng lại trong sáp nến còn nóng. Chiếc kim giây chạy nhanh quay vù vù. Mọi thứ bắt đầu mọc rễ dưới vết sẹo trên má, càng ngày chúng càng lan rộng, sâu hơn. Cô chia nhỏ gương mặt thành ba phần, chỉ được phép nhìn 1/3 từ đôi mắt trở lên. Mỗi ngày, cô thấy đôi mắt lại lấn dần sang phần mũi, rồi chạm vào má, xuống đến tận miệng, cằm. Mọi thứ đều không thể đổ lỗi. Cô muốn nhai nghiền tiêu hóa mọi thứ sau miếng băng dán, sau cái khẩu trang chết tiệt.
Cô bắt đầu đặt thời gian trong phạm vi từ 0 tới 10, viết ra trên 10 mảnh giấy rồi gấp lại, cô vui với những con số lẻ. Mỗi lần như vậy, cô viết, gõ xuống trang, chừa lẻ nửa dòng. Đặt vào đấy một dấu chấm, dù có thể chưa hết câu. Ngón trỏ của cô rời khỏi má, xòe rộng bàn tay thẳng cánh tay ra để đúng tầm nhìn, chúng cũng có vẻ chắp nối, già nua.
“Số nào sẽ mềm ra trước?”, cô hỏi. “Có lẽ số chẵn sẽ hòa tan trước”, cô nghĩ - ngón trỏ vẫn đang xoa xoa trên vết sẹo. Mọi thứ rồi cũng sẽ hòa tan, trở lại như cũ. Rồi chúng ta cũng sẽ rụng xuống giữa những thành phố mang màu buồn. Cô muốn cắt nhỏ những góc phố, cất vào trong những chiếc hộp rồi treo lơ lửng.
Nhưng mọi thứ sẽ không có ánh sáng. Trên trần nhà, có một sự nao núng bất an. Thời gian đang nằm trong cơ thể của cô, chúng đang luồn lách qua những khối suy nghĩ có hình cầu, chúng đang chuyển động, xoay xoay đủ màu sắc, như cô đang đi trên cầu vồng, đang lướt qua trên đỉnh núi. Mọi thứ đang chui tọt vào một cái ống giữa lưng chừng trời.
Lại thêm một vòng tròn
Yên lặng, bốn góc trần đang vẽ theo ánh mắt nàng, chúng đang cố tô thêm sự bục rữa.
Mưa. Dai dẳng, đã ba ngày.
Ở ngoài ấy cũng mưa.
Hôm nay cô lại tiếp tục đặt tiếp một dấu chấm vào bên cạnh sự yên lặng. Chúng chưa kết thúc. Không lý do. Cô đang bước đi, qua rất nhiều lối mòn trong một cốc sâu hút ở tây nguyên, qua những tấm gỗ thông bắt ngang khe suối nhỏ. Cô đi đến căn nhà làm bằng gỗ thông. Cô đang bước lên mô đất cao để đi vào nhà. Ngôi nhà được ghép lại từ những miếng gỗ thông thô sơ, không có một dấu vết của sự cắt xén. Từng miếng gỗ thông ghép vào nhau lỗ chỗ lởm chởm, mọi thứ ở đây đều có sự gập ghềnh. Yên tĩnh. Ánh sáng tự do chảy tràn vào nhà, từ cửa sổ, mảng tường, trên mái... ánh sáng mênh mông chói lóa. Mắt cô lòa đi. Phía góc bếp có một bà cụ. Bà quay lại, làn da của bà rất trắng, khuôn mặt hiền nhưng quá nhiều thịt bị chảy xệ xuống dưới cằm. Bà không chào cô bởi cô đã im lặng không chào bà. Bà với tay lấy bó nén tách đưa cho cô một ít, nàng cầm lấy, nén có mùi dịu dịu, mùi của những trận cảm cúm lúc nhỏ, bếp lửa và cái nồi nước chưng nén ngày xưa. Cô muốn uống chúng, cảm ơn bà cụ và ném mọi thứ lại phía sau.
Cô lạc trong câu chuyện hôm qua cô tám vui với anh.
Một buổi sáng cô thức dậy, tóc rối.
Lại mưa.
“Anh có thèm mưa không?”
“Anh rất nhớ em, nhớ mùi của em”.
“Râu của anh rất đẹp”, cô nhớ lúc anh cười.
Cô mở link. Một dấu chấm bên cạnh sự yên lặng. Sự yên lặng bắt đầu vọng âm. Lại mưa. Rất nhiều hạt mưa. Ào ào chấm xuống. Tóc cô đang trôi.
Một khúc melody trôi trong sương sớm.
Lại thêm một dấu chấm. Cô muốn kết thúc vũ trụ này. Nhưng câu chuyện lại cứ mở ra vô số. Cô rất nhớ anh.
Cô tiếp tục gõ, tìm anh
Nửa dòng
Và thêm một dấu chấm
Bất chợt nghĩ tới những con ma nơ canh bị mưa tạt dưới mái che ở quán trước mặt nhà.
Anh hoặc cô, sẽ là một con ma nơ canh trong câu chuyện ấy. Có điều gì đó đang sai lệch. Cuộc sống không thể đóng khung trong những câu chuyện ấy. Anh là một ma nơ canh rất amateur, rất manly mà cô thấy.
“Anh thử bỏ băng 10 năm để hình dung sẽ như thế nào”.
“Ngày ấy ư, chẳng biết nữa”.
“Anh vẫn gõ gõ trên phím đến 10 năm nữa ư?”
“Có thể”.
Cô thấy mọi con đường đều bị treo lên cao. Cô không thể thu lại cánh tay để xóa vào vết sẹo. Cô không thể rửa được gương mặt. Những chiếc rễ của vết sẹo đã bám sâu vào hơi thở của nàng. Cô rất nhớ chiếc áo đẫm mồ hôi của anh. Cô muốn ăn thịt anh, đang cố mở miệng ra để nói điều gì đó. Anh cười rất hiền. Cô nhanh vào phòng kéo chiếc vali đã phủ bụi lục tìm trong ngăn sau chiếc vé máy bay, nó vẫn phẳng phiu, thấy trên vé ghi rõ ngày 13/7/2028.
Một buổi sáng.
Cô uống một cốc rượu trước khi lên chuyến bay ngày 13/7/2028.
N.H.A.T
(TCSH356/10-2018)
LÊ VĂN… Rồi cũng xong … Anh lơ xe nhảy lên cuối cùng, la lớn:- Tới đi chú Tám ơi!
QUỐC THÀNH - Xin người hoàn lại xiêm y cho ta - một thiếu nữ ngâm mình trong làn nước thơm khẩn khoản. - Mộng ba năm, bây giờ mới có, ta chỉ muốn nàng hứa một lời là được - chàng trai trẻ quay lưng về phía mặt hồ vòi vĩnh.
NGUYỄN THẾ TƯỜNG Sáng nay, ông Tổng biên tập gọi tôi tới bảo đi ngay dự lễ khánh thành một chiếc cầu. Tôi loáng quáng xách máy chạy ra xe, không kịp cả dặn vợ cắt cơm trưa.
L.T.S: Trần Duy Phiên, người thôn Thanh Thủy Chánh, huyện Hương Điền, Bình Trị Thiên, là một trong những cây bút truyện ngắn chủ chốt của chóm “Việt” - nhóm sáng tác trẻ trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy xuất phát ở Huế trước đây.
DƯƠNG PHƯỚC THUNgôi nhà lợp phi-brô xi-măng rộng chừng ba chục thước vuông, nằm sát cổng ra vào xí nghiệp dệt, biệt lập ngoài khu sản xuất, núp dưới tán lá cây bàng, được xây từ ngày xí nghiệp xảy ra các vụ mất cắp vật tư.
LÊ CÔNG DOANHChuyến đò dừng lại ở bến cuối cùng khi mặt trời vừa khuất sau rặng tre bên kia sông. Hiếu nhảy lên bờ và bước đi trong cảm giác chòng chành bởi gần trọn một ngày phải ngồi bó chân trong khoang đò chật.
L.T.S: Tác giả Hoàng Nguyệt Xứ tên thật là Hoàng Trọng Định, từng in truyện và thơ trên Sông Hương và nhiều tạp chí văn nghệ khác. Tác phẩm của anh để lại dấu ấn trong dòng chảy văn học của Huế với những truyện ngắn đậm tính triết lý, văn phong ám gợi sâu xa.Truyện dưới đây được Sông Hương dàn trang lúc anh còn sống... trân trọng gửi tới bạn đọc; cũng là nén tâm nhang xin chia buồn cùng người thân của anh.
TRẦN THÙY MAINếu cuộc đời được hình dung như một con đường thỉnh thoảng lại băng qua ngã tư, ngã ba hay rẽ ngoặt thì trong đời tôi có hai khúc quanh lớn nhất.
THÙY ANHồi nhỏ, tôi có cái tật làm nớt. Hở một chút là nước mắt tuôn ra giọt ngắn giọt dài. Anh chị xúm lại chọc: “Lêu lêu, mu khóc móc kh… ruồi bu kiến đậu…”, nhưng mẹ thì không, chỉ an ủi dỗ dành.
TRẦN HỮU LỤCKhi từ biệt làng nổi trên sông, ông Ngự tưởng mình quên được chiếc bóng vật vờ trên sông nước, quên bốn mươi năm gắn bó với những vạn đò. Ông Ngự chỉ mang theo đứa con gái duy nhất và cái máy bơm nước hiệu Yama của Nhật Bản đến vùng đất mới.
NGUYỄN QUANG LẬPQuá nửa đời người anh chị mới gặp nhau. Âu đó cũng là chuyện thường tình. Sau hai mươi mốt phát đại bác vang trời báo tin ngày toàn thắng, có hàng ngàn cặp vợ chồng cách biệt hàng chục năm đã tìm lại nhau.
Câu đối vô danh
PHẠM NGỌC TÚYMột buổi chiều như bao buổi chiều khác, Kim ngồi ở bàn giấy với trang viết đang chi chít chữ. Tiếng chuông điện thoại kêu vang dòn dã vào một thời điểm không thích hợp; thầm mong người nào gọi lộn máy Kim uể oải nhấc ống nghe lên.
BẠCH LÊ QUANG(Người đàn bà gối giấc ngủ trên cánh tay của biển - Thơ LHL)
NGUYỄN XUÂN HOÀNGLão Hinh lồng lộng như một con chó già bị mắc bẫy. “Mày cút khỏi nhà tau. Nhà tau không chứa chấp đứa con gái hư hỏng như mày…”. Miệng chửi, tiện tay lão vứt túi xách của Hằng ra đường. Chiếc túi nhỏ đã sứt quai, màu bạc thếch rơi tọt xuống miệng cống.
MAI SƠNRa khỏi cổng cơ quan quân sự tỉnh, ông Năm gần như muốn la lên - niềm sung sướng vỡ òa trong lòng ông, hiện thành đường nét trên mặt mũi. Dù biết có người lính cảnh vệ đang đứng nghiêm nhìn theo, ông không ngăn được, vẫn bật lên tiếng cười “khà, khà”…
HOÀNG GIÁBên kia sông, làng Mả-Mang, có cụ già trăm tuổi quy tiên, Thầy Khâu-đà-la chèo con thuyền nhỏ vượt dòng sông Dâu sang làm lễ.
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC1.Hiu hiu gió thổi qua quán nhậu vỉa hè một xế trưa năm ba người tranh thủ chút thì giờ ngồi tán chuyện chỉ đủ phơ phất mấy tờ giấy lau đũa dùng xong được quẳng xuống nằm lớt thớt dưới đất.
NGUYÊN QUÂNQuyết thận trọng len qua khoảng vườn, đêm tối mịt mùng, không gợn chút ánh trăng sao, anh đi lần bước theo ký ức, cố gắng tránh gây tiếng động. Những cái lá khô giòn, nhành cây mục vương vãi làm anh bực mình chửi thầm “Mẹ nó, biết thế này hồi chiều chịu khó quét dọn chừ đỡ khổ”.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Để tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cầm