Một cuộc họp

14:51 16/07/2010
TRIỀU NGUYÊNPhòng họp không lấy gì làm sáng sủa cho lắm. Chỉ độc một bóng đèn treo lủng lẳng trên đầu người thư ký, với trang giấy mỏng manh, nằm gọn dưới bàn tay to bè của anh ta.

Ảnh: Internet

Ngồi ở bàn dành cho chủ tọa, được đặt ngay ngắn phái trước, có hai người: ông Lượng, bí thư Đảng ủy xí nghiệp công trình đường sắt và tôi, giám đốc. Dưới hàng ghế cử tọa, tôi điểm đúng mười ông trưởng phòng: nhân sự, tiểu lương, kỹ thuật, tài vụ… Hàng dưới nữa, những ông phó phòng, đội trưởng và công nhân, nhấp nhô những chiếc đầu như một cơn sóng dữ dội, sẵn sàng xô ngã các bục bê tông chắc ngang trước mặt. Nói thế, nhưng tôi rất yên tâm bởi cái bục kiên cố này, vì như đã được báo trước, buổi họp hôm nay chỉ nhằm một mục đích: đưa tôi ra để mổ xẻ, phê bình.

- Theo yêu cầu của các đồng chí - ông Lượng tuyên bố - chúng tôi tổ chức buổi họp đặc biệt này, để các đồng chí góp ý với giám đốc, những gì vướng mắc lâu nay.

Tôi đảo mắt xuống hàng ghế trưởng phòng, chăm chú nhìn phản ứng của từng người. Cá nhìn lạnh lùng, đầy ác cảm của tôi làm mấy khuôn mặt đang phản kích chùng xuống. Họ hiểu ngay rằng, đụng đến ôi, cái ghế của họ lung lay. Trước mắt, đợt tăng bậc lương sắp đến sẽ không bao giờ được cộng vào thang lương của họ. Và còn biết bao nhiêu thứ rắc rối nữa… quả đúng như tôi dự đoán, mấy ông trưởng phòng ngồi im thin thít. Thỉnh thoảng, họ đưa mắt nhìn nhau, bắt gặp suy nghĩ của mình trên gương mặt người khác, và lặng lẽ cúi đầu. Tôi cười mỉm, cố ngước đầu thật cao, để một người dẫn đầu ngồi tận bức tường phía sau, vẫn nhìn thấy được. "Đấy! Các cậu rõ cả chứ, giám đốc Qua sẽ không tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, Đừng có dại dột mà mang họa vào thân!". Trong giây lát, tôi thấy khuôn mặt mình vụt biến thành những dòng chữ kia, và thầm mong ai cũng đọc được nó. Đang cao hứng với chiến thắng, tôi bỗng giựt thót người khi bắt gặp một cánh tay chắc nịch bật lên. Hắn là ai thế? A! Đúng là tay đội trưởng đội đường 102. Bóng cao lớn của hắn in lên tường như để dọa dẫm tôi. Và hắn nói, một chiếc loa cực mạnh thét lên:

- Báo cáo đồng chí - hắn nhìn thẳng vào mặt tôi - một công nhân đơn vị chúng tôi đã phát biểu, anh ta làm gần chục năm nay, vẫn không biết mặt giám đốc tròn méo ra sao! Vị giám đốc có xuống công trường đâu mà biết! Mặt khác, số lượng vật tư đưa về đội đã thiếu, lại không đúng quy cách. Như cái cuốc chèn, dụng cụ thiết thân nhất của người làm đường sắt chúng tôi, mà cái mũi lại to và cụt ngủn như chiếc bay, phần nện thì dài hoẵng, mới trông đã phát ngán, bảo làm tốt sao được. Vậy mà vẫn được sản xuất và nghiệm thu hàng loạt. Tại sao thế? Vì phân xưởng dụng cụ, hay vì giám đốc không để mắt tới?

Tôi tím mặt, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau. Việc tôi có đến thăm hiện trường hay không thì mắc gì đến hắn? Vả lại, công nhân đến trình diện tôi, chứ tôi lại vác mặt đến cho thằng ngốc nào đó xem à? Hàng trăm việc đổ lên đầu tôi trong một ngày, hắn làm sao biết được?!

Cái loa đáng ghét ấy lại cứ oang oang:

- Tôi nghĩ, cần phải gỡ khẩu hiệu "Tất cả cho hiện trường" đi, để giám đốc hết có ảo tưởng mình đã làm rất nhiều, mà thực ra chẳng làm được gì.

Tôi đập tay xuống bàn, nhưng chẳng ích gì, chỉ làm tăng thêm cơn giận dữ và họng đắng như ngậm phải túi mật. Làn sóng người bên dưới sôi động hẳn lên. Họ vỗ tay tán thành người đội trưởng nọ và nhìn lại tôi với nụ cười khinh khỉnh, thách thức. Nhưng rồi những tiếng xì xầm cũng im bặt, một người ngồi ở hàng ghế cuối đứng lên. Thằng Lào! Hắn làm công nhân nề đội kiến trúc, có nhà riêng ở cạnh cơ quan xí nghiệp. Tôi nhận ra cái trán dô và đầu tóc bù xù như còn dính vữa hồ của hắn.

- Các đồng chí có biết nhà gác đường ngang Mỏ Nậy không? - Hắn nói lớn không kém tay đội trưởng nọ. Chúng tôi đã xây dựng nó bằng vôi, chứ không có một chút xi măng nào! Đừng nghĩ vội là chúng tôi tiết kiệm. Chúng tôi không quen tiết kiệm kiểu phá hoại ấy. Chính giám độc đã thay vôi vào để lấy hẳn một tấn xi măng về nhà xây chuồng lợn!

Lếu láo thật! Cái thằng gan trời không bằng! Ai nói cho hắn biết chuyện tôi lấy tấn xi măng kia chứ? Đội trưởng Xi của hắn à? Có thể cái thẳng lẻo mép ấy lắm. Được! Tôi sẽ tống cổ hắn ra đại tu đường cho nắng rán mỡ, cho mưa xẻo thịt hắn!

- Yêu cầu giữ trật tự - ông Lượng dang tay ra hiệu cho khối người nhao nhao như vỡ chợ - mời các đồng chí phát biểu tiếp.

Phòng họp lắng đi, rồi im hẳn khi một giọng nói đánh thép vang lên. Tôi ngỡ bức tường phía sau rung chuyển, rạn nứt ra, và những tảng bê tông đang nhắm xuống lưng mình. Xương sống tôi rờn rợn. Tưởng không có một cổ họng nào tốt hơn thế!

- Là nhân viên mua sắm vật tư, tôi biết rõ những khó khăn hiện nay của ngành. Trong lúc đó, những vật tư hiện có, giám đốc không đặt kế hoạch bảo quản, để mất mát, lãng phí quá nhiều. Chỉ tính khi chúng ta thay toàn bộ ray P43 cho hơn mười cây số đường năm qua, có đến hai ngàn thanh ray P30 được tháo ra, dùng vào việc khác. Số tài sản lớn này đến nay đã mất gần nửa. Tính theo lời khai của một người bị bắt quả tang tội trộm ray đem bán một thanh ba trăm đồng, thí số thiệt hại mà Nhà nước phải gánh chịu cũng tới hàng trăm ngàn đồng! Mất của này giám đốc có xót ruột không? Chắc chắn là không. Nếu có, giám đốc đã điều xe chuyển về phân xưởng dụng cụ, kho vật tư hay nhiều nơi khác đang cần? Chiếc xe vận tải duy nhất của xí nghiệp thì lại quanh quẩn ở vùng trại trồng trọt chăn nuôi, nơi mà hàng năm người công nhân chẳng được lợi một xu nào!

Tôi hết nghe chối tai lại nhìn phải đôi mắt chòng chọc của hắn. Thằng Lâm, tôi chạy vật tư quèn mà cũng lên mặt dạy đời! Sao hắn không nói chuyện đó với "thầy" hắn, thằng kế hoạch, thằng vật vật tư ấy. Mỗi việc nhỏ vậy mà cũng cần đến tôi à? Thế đặt phòng ban làm gì cho tốn ghế? Mà sao việc mất mát đó mình không hay biết? Tôi đang nghĩ đến biện pháp đối phó, thì một người ngồi ở hàng ghế thứ hai đứng dậy:

- Xin báo cáo với hội nghị - phó phòng tài vụ gằn giọng - quyết toán tài chính những năm 19… 19…, 19… riêng quỹ phúc lợi tập thể, giám đốc đa ký lệnh chia quá nửa cho những bữa tiệc tổng kết, các lần đại hội, hội nghị tổng kết. Trong lúc đó, nhiều đội sản xuất nhà ăn dột nát, đến cái soong cái chén cũng không có mà dùng, như đội cầu 3, đội đường 102 chẳng hạn.

Đúng! Đúng - Mọi người la toáng lên xác nhận.

Tôi trợn mắt, hai má phồng to như người thổi kèn. Một tia chớp lóe sáng. Cái gì thế này? Sét sao? Sao chẳng đánh chết rấp bọn người kia đi. À? Mà không phải. Một tên khốn nạn nào đó đã bấm chiếc máy ảnh. Chao ôi! Nếu ngày mao thằng khốn ấy đem bêu cái mặt của tôi lên tường thì bọn con nít chắc phải ré lên! Khủng khiếp thật! Tôi lồng lộn như một con heo trong rọ. Ngực tôi nóng ran. Trái tim nhoi nhói như bị ai bóp chặt. Đã mấy lần tôi muốn hét lên, chỉ mặt từng người để nói cho họ hiểu rằng, tôi là thủ trưởng của họ, có quyền tống cổ họ bất cứ lúc nào. Cổ họng tôi không chịu đựng nổi những lời nói bị dồn nén, những tức tối ứ chặt, cứ giựt giựt như chứng động kinh. Nhưng quy luật khắt khe của buổi họp, buộc tôi phải ngồi yên.

- Tôi xin kể một trường hợp - trưởng phòng nhân sự tháo kính lão - giám đốc đã điều động anh Trang, cán bộ kỹ thuật đã hai mươi năm trong nghề sang làm phân xưởng sản xuất dụng cụ, một công việc anh ta chẳng biết tí gì, chỉ mỗi tội anh ấy dám nói thẳng, nói thật!

- Một trường hợp nữa - trưởng ban thi đua xí nghiệp hùng hổ - Năm nào chúng ta cũng mất bốn cán bộ về tận huyện, xã để tuyển quân, nhưng vẫn không đủ bù vào số công nhân bỏ việc, nghỉ tự do tự túc, đi nhảy tàu, ăn cắp… Số công nhân có tay nghề ngày mỗi vơi đi. Sở dĩ có tình hình này, vì giám đốc đã chẳng quan tâm gì đến đời sống vật chất và tinh thần của họ, chỉ quen mệnh lệnh hành chánh, không cải tổ được bộ máy giúp việc thoát thai từ sản xuất nhỏ.

Đợt sóng cử tọa xáo động mãnh liệt. Mọi người đang cố áp sát vào chiếc bục để nghe rõ hơn. Những chiếc ghế được dồn lại phía sau: không ai cần đến chúng nữa.

Tôi tì hai tay lên bàn mồ hôi trên đầu nhễ nhãi, hơi thở dồn dập như vừa leo dốc. Cứ đà này, những tay trưởng phòng thi nhau "tố" tôi. Tại sao khi thấy được những sai trái của tôi họ chỉ bêu rếu và lợi dụng mà không làm đúng chức năng tham mưu của mình? Tôi mất nhiều thì giờ lo cho đời sống đám cán bộ dưới quyền, tôi lại mệt nhoài bởi những toan tính, vùi dập nhau giữa họ. Vậy mà trong thâm tâm họ vẫn chống lại tôi. Thật đúng là nuôi ong tay áo!

- Như vậy các đồng chí đã qui giám đốc Qua vào ba tội lớn: quan liêu, tham nhũng và quản lý tồi - Ông Lượng kết luận - Trước khi giám đốc Qua tự nhận xét mình trước tổ chức và tập thể, đề nghị thư ký đọc lại văn bản.

Tôi muốn lao đến chụp mảnh giấy trên tay người thư ký, nuốt vào bụng. Những lời nói hôm nay có thể bay đi, chứ mảnh giấy tội vạ kia làm sao xóa được? Tôi nghĩ đến lúc nó được đọc trên đài, in trên báo. Tôi tưởng tượng những mảnh ruột của mình đang mắc vào từng lời, từng chữ kia. Tôi có thể đổi bất cứ cái gì quý giá nhất, để lấy trang giấy mỏng manh ấy. Chao ôi! nếu tôi được trở thành người lao động bình thường như bao nhiêu người khác, thì sung sướng biết bao! Tôi không thể chống chế, dối lừa cả khối người nọ. Như một con thú bị trúng đạn đã đến hồi kiệt sức, tôi hết nhìn đôi tay rã rời, bất động của mình, lại nhìn vào một khoảng trống vô hình nào đó…

*
Tôi giật mình. Toàn thân cứng đờ, tim đập mạnh như muốn nhảy ra khỏi ngực. Tôi thử cử động mấy đầu ngón tay, ngón chân: chúng tê dại. Máu chảy rần rật, nhức nhối, như có hàng vạn mui kim luồn lỏi qua từng kẻ da, thớ thịt. Tôi nghe một tiếng mèo kêu từ rất xa. Không, không phải! Chính nó nằm trên ngực tôi, ngay chỗ trái tim đang giãy giụa. Tôi mừng rỡ như vừa thoát qua một tai nạn khủng khiếp nhất đời, lại vừa giận con mèo quái ác, thủ phạm của những hình ảnh đen tối vừa rồi. Tôi chụp cổ con vật đáng tội kia phóng ra cửa sổ, uể oải ngồi dậy. Sau chiếc màn gió buông lửng của giường đối diện, tôi nhìn rõ Thủy, vợ tôi và hai đứa con nhỏ đang ngon giấc. Cánh tay con bé khuỳnh lại, và tôi chợt nhớ ra, nó đã ôm con mèo lúc ngủ. Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, thơ ngây của con, những bực dọc trong lòng chợt vơi đi. Nhưng chỉ một lát, những hình ảnh trong giấc mơ lại xoắn xuýt trước mặt. Vậy là tôi cố hình dung lại, cố moi móc từ một chỗ hóc hiểm nào đó trong vỏ não, trong trái tim, còn mang dấu tích cuộc họp vừa qua. Vì thật lạ lùng! Những con người, những sự kiện sao mà đúng, mà thật đến thế! Tôi lặng đi rất lâu. Chưa bao giờ tôi nhìn kỹ mình như hôm nay. Như một người cởi dần những chiếc áo của mình, để thư thới bay vào dòng nước mắt. Tôi nhả ra một cái tôi - giám đốc với quyền uy gia trưởng, một cái tài thu vén vặt vãnh, một lối sống giả trang… Những khối nặng vô hình đó rơi tõm vào hố sâu, va chạm nhau loảng xoảng, và vỡ tan tành như một mảnh thủy tinh.

Bây giờ còn lại tôi, một ông Qua năm mươi tuổi với hai lần cưới vợ. Một ông Qua mười lăm năm làm chiến sĩ. Và, một ông Qua cũng chừng ấy thời gian làm kinh tế, với ba tội lớn ghi trong biên bản của một buổi họp đặc biệt, không xảy ra trong cuộc sống thực, nhưng rất có ý nghĩa trước lương tri ông.

Chiếc đồng hồ báo thức reo vang ở đầu giường. Tôi mở bung cửa. Trước sân, làn sương mỏng buổi sáng đang loãng dần, những tia nắng đầu tiên lấp lánh trên ngọn cây vú sữa. Tôi bước ra sân trong tiếng nựng con ngái ngủ của Thủy:

- Con mèo của con à? Chắc lại mò xuống bếp rồi. Để mẹ tìm cho… Đừng khóc nhé… bé ngoan của mẹ…

Cánh cử cổng hé mở, một bà bán xôi bắp hàng xóm bước vào. Bà rụt rè chào tôi, rồi lật ngửa cái mẹt, đặt lên đấy năm khẩu phần buổi sáng cho cả nhà. Một ngày mới lại bắt đầu bằng những tập quán quen thuộc. Tôi chợt nhớ ra điều gì, trong lòng bồn chồn, day dứt. Trở lại bàn nước, mở cặp tài liệu, tôi viết vào sổ công tác trong tuần những việc làm khẩn cấp: "Đến các đội nắm lại tình hình sản xuất, đời sống. Đặc biệt chú ý đội đường 102, đội cầu 3 và phân xưởng sản xuất dụng cụ".

Lúc tôi chuẩn bị xong mọi thứ để đi làm, hai đứa con nhỏ của tôi đã tìm thấy con mèo núp dưới lỗ thông màng nước. Con vật lấm lét nhìn tôi, bộ lông ướt dầm, và chiếc đuôi mỹ miều thì nham nhở như cái đuôi heo. Tôi bước vội ra cửa để khỏi nhìn mấy con mắt rưng rưng chực khóc của hai đứa con nhỏ.

Tháng 4 - 1983
T.N.
(2/8-83)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN NHÃ TIÊN   

    Đường lên núi Quèn tràn ngập sắc hoa đào. Màu hồng phấn trên những cánh rừng đào phai lớp lớp mái xuôi nghiêng xoay tròn hình chóp, đẹp đến nỗi mây trắng dặt dìu bay qua đỉnh núi cũng ửng lên màu ráng hồng hư ảo quang chiếu cả bầu trời Tam Điệp.

  • LTS: Nhà thơ Mỹ Dạ chuyển cảm hứng sang viết kịch bản phim và truyện ngắn sau thời thiếu nữ đã đoạt giải nhất thơ Báo Văn Nghệ 1973 và tập thơ "Bài thơ không năm tháng" được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam -1983. Tự khám phá khả năng trong thể loại mới đâu dễ thành công, riêng gì với nữ sĩ. Vậy mà Mỹ Dạ đã có truyện "đầu tay" sau khi ra đời 3 tập thơ. SH xin trân trọng giới thiệu ngõ ngách "tâm hồn khác" của nàng thơ mượn văn xuôi làm sáng tỏ mình.

  • TRU SA   

    Mấy ngày nay tôi luôn mất ngủ.
    Không hẳn là tôi thức trắng đêm bởi tôi vẫn dễ dàng tìm vào giấc ngủ.

  • ĐINH PHƯƠNG   

    Áp thấp nóng phía Tây không báo trước đổ vào bủa vây thành phố.

  • PHÙNG TẤN ĐÔNG  

    1. Bạn tôi nói nơi đó buồn lắm. Buồn nhất là những ngày mưa.

  • LÂM HẠ   

    Tôi có một mối giao tình kỳ lạ với Karen.

  • TRIỀU LA VỸ  

    Giừng có chửa!
    Bà giáo trề môi. Cả làng Vệ nhốn nháo.
    Tôi hớt hải chạy ra trại Nòn tìm Giừng.

  • TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN

    Gã tự xưng là Quốc vương, phong ta làm Hoàng hậu, phong nàng ấy làm Hoàng phi. Gã từ sông La Vỹ đến đây, nàng ấy từ sông Thương nước chảy đôi dòng.

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    1.
    Hai Lượng tỉ mỉ chỉ cho Bảy Đặng cách bầu đất trộn tro trấu, bột xơ dừa để ươm hột măng cụt.

  • NHỤY NGUYÊN

    Đúng ra tôi chưa có ý định đi thăm thằng Xuân. Lần vừa rồi gọi điện vào cơ quan, nó réo: “Khổ quá. Đã bảo mày chỉ việc vào đây. Vào chơi chán rồi tao thuê riêng cho chiếc taxi chở về thấu cái am của mày”.

  • LÊ VI THỦY   

    Hiên lấy chồng. Ai cũng ngơ ngác ngạc nhiên. Con bé mới mười sáu tuổi. Cái tuổi vô tư hồn nhiên, cái tuổi cũng chưa đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Vậy mà lấy chồng! 

  • PHẠM NGỌC TÚY  

    1.
    Tôi sẽ không kể lại câu chuyện này nếu tôi không gặp lại Hồng. Câu chuyện ám tôi suốt mấy đêm trường, những nhân vật sống động tuồng như cùng một lúc trở về trong giấc mơ tôi.

  • NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ    

    Phố hôm nay ngập sâu sau một cơn mưa kéo dài từ tối hôm qua đến trưa nay, cô đang nhìn thấy điều ấy trên tivi. Cô hơi tiếc, giá như cô ra đó muộn hơn, dù sao thì đi trong mưa hay bơi trong mưa vẫn thích hơn là chạy trên chảo lửa nóng. Hà Nội tuần trước hơn 50 độ, hai chân cô sắp cháy.

  • DIỆU PHÚC   

    Tôi lại vào viện. Sốt không rõ nguyên nhân. Lần nào cũng thế, và tôi cũng đã quen dần với việc vài ba tháng lại phải nhập viện một lần.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ   

    1.
    Những đợt mưa xối xả từ tháng âm hồn vẫn còn rảnh rỗi kéo dài từng hơi thở tận đến cuối mùa thu vàng trong rừng cây vô sinh cô độc.

  • NGUYỄN VĂN UÔNG  

    Ông Bửu nằm gác chân lên vành chiếc chõng tre kê trước hiên nhà, mắt lim dim ngái ngủ giấc trưa. Chiều đã xế bóng. Gió nồm lao xao hàng tre trước ngõ, phớt nhẹ lên vầng trán lấm tấm mồ hôi.

  • LTS: Phạm Thị Ngọc Liên xuất hiện cuối những năm tám mươi. Tác phẩm đã in. - Vầng trăng chỉ một mình (Tập thơ - NXB Trẻ - 1969); - Biển đã mất (Tập thơ NXB Hội Nhà Văn -1990) và hai năm 1989-1990 đã đạt giải thưởng Truyện ngắn và thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Nhiều năm sau này Vũ nhớ về Giao khi hai người ngồi bên nhau trên ban công lồng lộng gió trăng. Ban công nhìn ra sân với hàng cau già nhuốm tóc trăng sáng bạc, là những hình ảnh cuối cùng của một miền quê sắp bị đô thị hóa.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

    Cho đến khi chiếc xe buýt chở Dần khuất hẳn cuối ngã tư, Thuyền mới lững thững quay về. Đi qua trước quán bar, cô thấy me Tím cũng xách túi chui vào ô tô cùng với tiếng máy xe khởi động êm ru. 

  • ĐINH NGỌC TÂM   

    Đó không phải là một phòng trọ quá chật chội nhưng cũ rỉ cũ ri. Nước đọng rất lâu trong nhà tắm trước khi thoát hết.