NGUYỄN ĐÌNH MINH KHUÊ
Ảnh: wiki
Siêu hư cấu và Auster
Bản chất của văn học là hư cấu (fiction). Điều đó không còn là một vấn đề đáng bàn cãi khi từ những thế kỷ trước Công nguyên, Aristotle đã đề cập và luận giải về vấn đề này trong Thi học (Poetics) - một trong những trước tác lý luận văn học đầu tiên của phương Tây. Tuy nhiên, từ đó đến nay, trong các sáng tác văn học từ thời trung đại cho đến tận nửa đầu thế kỷ XX - thời của chủ nghĩa hiện đại, người ta hầu như vẫn chưa hề dám tuyên xưng một cách trực tiếp, dũng cảm và thản nhiên rằng những điều họ nói trong tác phẩm của mình đơn giản là sự trình hiện những thực tại hư tưởng, mà đa phần chỉ xì xầm vào tai nhau và ngầm hiểu với nhau, dù luôn xác tín, về sự tồn tại ở mông lung đâu đó của một thứ căn cốt văn học được gọi là hư cấu. Tuy nhiên, đến kỷ nguyên hậu hiện đại, chính xác là từ những năm 60 của thế kỷ XX trở lại đây1, trong văn học bắt đầu xuất hiện nhiều tác phẩm thực hành những cú “pastiche” ngoạn mục: đem chính cái bản thể uyên nguyên của mình - tính hư cấu - ra mà phô trương và giễu nhại. Siêu hư cấu (métafiction) ra đời từ đó như một khái niệm phổ quát diễn tả tình thế lộ mặt của tính hư cấu văn học: “Siêu hư cấu là thuật ngữ dùng để chỉ lối viết hư cấu - lối viết quan tâm đến tình thế của chính nó một cách tự ý thức và có hệ thống như là một thể giả lập dùng để tra vấn về mối quan hệ giữa hư cấu và thực tại”2. Như vậy, siêu hư cấu là hư cấu về hư cấu, là sự tự nhận thức của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận về quá trình hư cấu. Trong các sáng tác mang màu sắc siêu hư cấu, nhà văn sẽ tự thân bóc trần sự dụng công hư cấu của chính mình cũng như tính hư cấu của các thực tại, các tự sự trong tác phẩm, đồng thời nỗ lực xóa bỏ mọi sự cảm giác tín thác nơi người đọc. Ông sẽ bảo với các độc giả của mình rằng: Anh thấy đấy, tất cả đều chỉ là những trò chơi của tưởng tượng mà tôi, trong một giờ phút vui thú nào đó, đã tạo ra, và tôi sẽ thật hân hoan nếu anh cùng bước vào đây, cùng tôi chơi đùa trong trò diễn của chữ nghĩa.
Paul Auster tỏ ra rất thích thú với kiểu cách sáng tác ấy. Hầu như trong bất kỳ một tiểu thuyết nào, dù ngắn dù dài, Auster cũng vận dụng siêu hư cấu như một yếu tính của phong cách sáng tác. Tuy nhiên, nếu như trong Thành phố thủy tinh, Căn phòng khóa kín, Người trong bóng tối, màu sắc siêu hư cấu phát lộ rõ nét (ví như trong Thành phố thủy tinh, Quinn lấy danh Auster để giả lập vai một thám tử tư và bị chính Auster-tác-giả vạch trần sự giả lập ấy; hay như trong Người trong bóng tối, sự khả tín của những câu chuyện mà nhà phê bình Brill tạo lập hầu như đều bị Auster cáo buộc là ngụy tạo), thì ở Moon Palace, cấu trúc siêu hư cấu lại có phần bí hiểm hơn, chứa đầy những ẩn ngữ: Moon Palace vừa là một siêu hư cấu về “Kẻ khác” (the Other), vừa là những vòng lặp, những cuộc uốn xoắn, vặn gãy siêu hư cấu ấy.
Hư cấu song trùng như cuộc đối thoại của những kẻ khác và tình thế bất khả tín của nó
Những cuộc đời trong Moon Palace song trùng với nhau một cách lạ kỳ như thể tất cả chỉ là những bản thể khác của cùng một cái tôi duy nhất, mà cụ thể ở đây là nhân vật trung tâm của truyện - Marco Stanley Fogg. Nếu Fogg không biết cha mình là ai, lại mồ côi mẹ từ những năm anh còn bé tí, phải đến ở với bác Victor trong chật vật, thì các nhân vật khác có liên quan đến anh cũng có kiểu cuộc đời mồ côi đầy bi thương và cô độc như thế. Solomon Barber, người được Paul Auster cho là cha của Marco Fogg (thực ra cũng chỉ là một mảnh của siêu hư cấu), có cuộc đời gần như là nguyên bản với Marco. Ngay từ nhỏ, ông đã không hề biết cha đẻ mình là ai, chỉ biết ông là một họa sĩ đã tử nạn trên đường đến vùng đất phía Tây nước Mỹ để sáng tác; còn mẹ ông, cũng rất giống với hình tượng người mẹ của Marco, là một người đàn bà không mấy bình thường vì loạn trí. Hay như Kitty Wu - bạn gái của Fogg, cô lớn lên ở Tokyo, trong gia đình một cựu quân Tưởng Giới Thạch thất trận, phải đưa cả gia đình ra nước ngoài sinh sống. Ông có rất nhiều vợ, và mẹ Kitty chỉ là một trong số những người cha cô từng yêu thương. Sau khi bà chết, ông đột nhiên quyết định gửi cô sang Mỹ du học, và rồi cô mãi mãi chẳng trở về, dù là khi ông lâm bệnh nặng từ trần. Những câu chuyện kiểu như thế xuất hiện gần như liên tục và thường xuyên trong Moon Palace đến nỗi, khi nghe Fogg kể về cuộc đời Kitty Wu, Zimmer phải thốt lên: “Nghe có vẻ quen quen, đúng không?”, “bỏ đi màu sắc địa phương, nó sẽ gần như trở thành câu chuyện của một người khác mà tớ biết”3. Có thể nói, đây là một trong số những trường hợp hiếm hoi Auster cho chính những nhân vật trong câu chuyện của mình phát ngôn để vạch trần sự hư tưởng của các tự sự. Tuy nhiên, đúng như phát ngôn của Zimmer, hình như những cuộc đời được kể lại trong Moon Palace chỉ là một cuộc phân thân của một bản thể gốc, và những kẻ khác cùng tồn hiện trong bản thể ấy đang đối thoại cùng nhau, tra vấn nhau, tương chiếu lẫn nhau.
Bên cạnh các chi tiết về xuất thân và hoàn cảnh gia đình, cuộc đời của ba thế hệ trong gia đình Barber - Julian Barber (hay Thomas Effing), Solomon Barber và Marco Fogg - còn có nhiều điểm tương đồng trùng hợp đến lạ kỳ khác. Một trong những điểm song trùng đặc biệt ấy là định mệnh du hành mà cả ba nhân vật đều gắn bó như một lời nguyền bất khả hóa giải. Julian dấn thân về miền Tây nước Mỹ, để rồi phải trải qua những điều khủng khiếp nhất cuộc đời. Đến Solomon và Marco, định mệnh ấy lại chính là chuyến phiêu lưu về vùng núi non Utah để khám phá những nơi chốn đã ghi nhiều dấu ấn khó quên trong đời bố và ông nội mình (dù Solomon đã mất bất đắc kỳ tử trên đường vì lọt xuống một huyệt mộ). Thậm chí, cái tên của các nhân vật này cũng hàm chứa một định mệnh du hành không thể chối cãi. Cái tên Solomon, ngoài sự tương đồng với tên gọi một vị vua thông thái của dân tộc Hebrew, còn có phần tiền tố “Sol” rất đặc biệt, hàm chứa một định mệnh du hành và khám phá những con đường đi của vũ trụ. Auster lý giải: “[…] Ông trở thành Sol. Các nhà thơ thời Elizabeth dạy ông rằng đó là một từ cổ chỉ ‘mặt trời’, và không lâu sau ông phát hiện đó còn là một từ tiếng Pháp có nghĩa ‘mặt đất’. Điều này khiến ông nghĩ mình vừa là mặt trời vừa là trái đất, và trong nhiều năm ông hiểu nó theo hướng chỉ một mình ông đủ khả năng bao quát trọn vẹn mọi sự mâu thuẫn của vũ trụ”.4
Tuy nhiên, cái tên Marco Stanley Fogg mới thực sự phản ánh rõ nét định mệnh cay nghiệt nhưng cũng đầy mơ mộng ấy: “Marco Stanley Fogg. Theo ông, cái tên cho thấy du hành đã ăn sâu vào máu tôi, và cuộc đời sẽ mang tôi đến những nơi chưa từng đặt dấu chân người. Marco, một cách hoàn toàn tự nhiên, gợi đến Marco Polo, người châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc; Stanley là phóng viên người Mỹ tìm được dấu vết bác sĩ Livingstone ‘ở giữa châu Phi tăm tối nhất’, và Fogg, đó là Phileas, người trở thành ngọn gió bay quanh địa cầu trong vòng chưa tới ba tháng”.5
Không chỉ có những định mệnh song trùng, cuộc đời ba thế hệ nhà Barber còn trải qua nhiều biến cố giống nhau một cách hết sức ngẫu nhiên, mà đơn cử là cơn đói và nỗi cô đơn cùng kiệt mà cả ba đều ít nhất đã một lần nếm trải, như một cách cảm nghiệm sâu sắc nhất bản thể của chính mình. Trong chuyến đi đến vùng Canyon miền Tây hoang dã, vì bị Scoreby phản trắc, Byrne lại không may rơi xuống vực chết đi, Julian Barber đã bị bỏ lại giữa sa mạc mênh mông, không thức ăn nước uống và phải chịu nỗi cô đơn cùng khốn nhất: “Một khi Byrne chết đi, tôi không còn phải bận tâm đến điều gì nữa, và sự trống rỗng đó làm tôi hoảng sợ, tôi mang một nỗi sợ ghê gớm đối với nó”6. Với Solomon Barber, tình thế của cơn đói bản thể như thế lại nảy sinh trong một hoàn cảnh khác. Là một người đàn ông to béo, đồ sộ, ông được bác sĩ khuyên rằng phải giảm cân, và cuộc chiến đấu chống lại cơn đói là một cuộc truy vấn tồn tại, đúng như nhận xét của Marco Fogg, “cứ như thể một nửa con người ông đã biến mất, như thể một khi tiến trình đã được khởi động, không tránh khỏi việc phần còn lại của ông cũng sẽ phải biến mất”7. Tương tự, với Marco Fogg, cơn đói cũng đến như một bản mệnh: vì túng thiếu, anh đã phải trải qua một chuỗi ngày dài đói, mỗi ngày chỉ được ăn hai quả trứng; thậm chí, khi chỉ còn hai quả trứng cuối cùng, anh lại vô tình làm vỡ nó; cuối cùng, anh phải lang thang trong công viên, lạnh, đói, bệnh tật, và nhất là phải chịu cảnh huống cô đơn sâu thẳm và đau đớn nhất. Tuy nhiên, theo những phân tích kể trên, vì sao Paul Auster lại cố ý xây dựng những hình tượng của cùng một gia tộc với những nét tương đồng đến bất ngờ như thế? Theo ý kiến của người viết, dụng ý của Auster là tạo ra một hiện tượng mờ nhòe bản thể, nghĩa là vừa phân thân bản thể Marco Fogg, vừa làm cho các phân mảnh ấy trượt lên nhau, trì kéo, liên đới nhau, từ đó khiến người đọc cảm thấy băn khoăn, trăn trở, liên tục truy vấn về tính xác thực của các tự sự đang hiện lên trước mắt họ. Dường như, Thomas Effing (hay Julian Barber) không hề kể về chính cuộc đời mình mà đang kể thay Marco Fogg về một bản sao định mệnh của anh, còn cuộc đời Solomon lại là hình ảnh phía bên kia tấm gương mà Fogg đang soi chiếu và ngược lại. Những tương ảnh ấy chính là một phần cội nguồn tạo tác nên thế giới siêu hư cấu của Moon Palace.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đây, người đọc còn có thể bắt gặp những câu chuyện song trùng với cuộc đời của các nhân vật, mà tiêu biểu là Julian Barber (hay Thomas Effing), trong những ấn phẩm hư cấu được Auster thêm vào như một cách mờ hóa thế giới siêu hư cấu - thế giới của các tự sự vốn đã rất xáo trộn và bất khả tín - trong tiểu thuyết này. Khi kể cho Marco Fogg nghe về cuộc đời mình, Thomas Effing đã yêu cầu anh phải chép lại thành một văn bản hoàn chỉnh, tựa đề Cuộc đời của Julian Barber, đồng thời viết một bản cáo phó ngắn gửi về cho tờ The New York Times như một cách tuyên cáo, lý giải chính thức với cộng đồng về sự mất tích của người họa sĩ trẻ vốn được cho là đã chết năm xưa. Hay với Solomon Barber, trăn trở về số phận kỳ lạ của người cha xấu số, ông đã vận dụng toàn bộ mọi khả năng hư tưởng của mình mà viết ra quyển tiểu thuyết Máu của Kepler với nhiều đoạn đầy kinh hãi. Câu chuyện được kể lại trong những ấn phẩm này cũng vô cùng hư cấu, khó tin, vì về bản chất, chúng cũng là một sự diễn giải của những kẻ khác về cùng một bản thể trung tâm, một bản thể với định mệnh du hành, và hơn hết, một bản thể với số phận phải chịu đựng những cô đơn cùng khốn, những dằn vặt âm ỉ của kiếp hiện sinh.
Siêu hư cấu bị uốn xoắn hay vòng lặp của lời nguyền lưu đày
Có thể nhận thấy một cách rõ ràng rằng, nếu trong các tác phẩm khác, cấu trúc siêu hư cấu thường được Auster xây dựng không quá phức tạp (như tình thế của Quinn trong Thành phố thủy tinh hay Brill trong Người trong bóng tối,…), thì trong Moon Palace, không chỉ một hư cấu duy nhất bị bóc trần và chúng không chỉ bị bóc trần một lần, mà thế giới siêu hư cấu trong cuốn tiểu thuyết này tràn ngập những phân mảnh được tái thiết và vặn xoắn liên tục, tạo thành một vòng lặp gợi nhiều ý nghĩa biểu trưng. Vòng lặp ấy liên quan mật thiết đến cuộc đời ba nhân vật thuộc dòng họ Barber. Tuy nhiên, nếu ở những đoạn viết này, tôi quan tâm đến việc những cuộc đời ấy chỉ là những phân mảnh của cùng một bản thể đang tham dự trên chuyến du hành khám phá và đối thoại cùng nhau, thì ở đây, tôi thử quan sát từ một góc độ khác: nhìn chúng như những siêu hư cấu riêng lẻ được tái lặp liên tục trong một định mệnh quy hồi - định mệnh lưu đày.
Cả ba nhân vật, từ Julian Barber, Solomon Barber đến Marco Stanley Fogg, đều bị ám ảnh bởi vùng đất nằm ở cực Tây nước Mỹ, và dường như cứu cánh cuối cùng của họ là đến được vùng đất ấy như tìm đến một cách giải thoát. Julian Barber, từ khi được gặp giáo sư Tesla, đã lên đường đến vùng núi Utah, bỏ lại vợ con, bỏ lại sự nghiệp và tất cả. Solomon lại luôn cố hình dung và mơ tưởng về vùng núi non cực Tây, thậm chí viết cả một quyển tiểu thuyết về vùng đất ấy như một cách giải tỏa những ẩn ức, băn khoăn về cái chết bí ẩn của cha mình. Còn với Marco Fogg, vùng núi đồi hoang dại ấy lại làm anh liên tưởng đến một Mặt trăng trên chính địa cầu, và vì thế, biểu tượng mặt trăng xuất hiện trong đời Fogg như một định mệnh, từ cái quán Hoa kiều treo biển Moon Palace, từ cuộc đổ bộ đầu tiên của người Mỹ lên mặt trăng năm 1969 cho đến một huyền thoại cũng liên quan tới mặt trăng do chính anh bịa đặt ra - huyền thoại về Cyrano de Bergerac.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, khao khát ấy không chỉ ở yên trong tâm thức của các thành viên ba thế hệ nhà Barber, mà nó đôi lúc còn phát lộ dữ dội, thôi thúc họ bước vào một cuộc hành trình chinh phục, dù vô cùng nguy hiểm và gian nan. Song những cuộc du hành ấy không đơn thuần là một sự giải tỏa khao khát bản thể, mà chúng, về bản chất, còn là những hành trình tự lưu đày. Nói như thế là bởi, vùng đất phía Tây nước Mỹ là nơi chứng kiến những cuộc tàn sát cuối cùng của dân da trắng đối với thổ dân da đỏ trước khi họ bị xóa sổ gần như hoàn toàn, và những người da trắng, vì thế luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về cái cúi đầu tạ tội trước những tộc người dị chủng và định mệnh lưu đày như một cách trừng phạt tự thân. Định mệnh này kéo dài dai dẳng và bền bỉ, âm thầm nhưng cay nghiệt và đớn đau, bởi nó truyền kiếp từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ kia. Julian chất chứa đầy ân oán với những người da đỏ; sự nghiệp nghiên cứu và quyển tiểu thuyết của Solomon lại có liên quan trực tiếp đến lịch sử và số mệnh của các dân tộc thổ dân; hay với Marco, khi một mình lái xe đến vùng núi đá Utah tìm kiếm những nơi chốn đã gắn bó cùng ông nội mình, anh lại bị những thổ dân lấy mất xe, tiền và khiến anh rơi vào một trạng thái trống rỗng cùng cực. Có thể thấy, Auster đã rất khéo léo xoắn vặn những siêu hư cấu để chúng tạo thành một cấu trúc có khả năng biểu đạt những vấn đề có liên quan đến định mệnh và số phận của một tộc người. Những hư cấu nhập nhoạng, bất khả tín trong Moon Palace, vì thế, cũng không dừng lại ở việc tạo ra một cuộc đối thoại và truy vấn giữa những kẻ khác trong bản thể của một cá nhân vô danh, mà còn là giữa những kẻ khác nằm sâu trong cái bản thể uyên nguyên của những lớp, những thế hệ người da trắng đã vượt nửa vòng trái đất để đến đây từ hơn 300 năm trước, man dại và nhẫn tâm tàn sát cả một tộc người bản địa [thậm chí là nhiều tộc người].
Moon Palace là một tiểu thuyết khó đọc nằm ẩn dưới hình hài của một câu chuyện dễ chịu và nhẹ nhàng. Nhưng cũng chính vì thế mà nó đáng đọc. Đọc Moon Palace, phải đọc đủ lâu và đủ sâu, để đau đớn và hân hoan nghe những bản thể đối thoại cùng nhau, để nghe những day dứt, ăn năn, và cả những lời hối lỗi chưa bao giờ là quá muộn.
N.Đ.M.K
(TCSH353/07-2018)
-------------
1. Phạm Ngọc Lan (2013), Tư liệu văn học: lý thuyết siêu hư cấu. Xem ngày 01/06/2017. Nguồn: http://www.hcmup.edu.vn/
2. Patricia Waugh (2001), Metafiction: The Theory and Practice of Self-Conscious Fiction, Routledge, tr.2.
3. Paul Auster (2009), Moon Palace, Cao Việt Dũng dịch, Hà Nội: Nxb. Văn học, tr.141.
4. Paul Auster (2009), sđd, tr.399.
5. Paul Auster (2009), sđd, tr.17-18.
6. Paul Auster (2009), sđd, tr.258.
7. Paul Auster (2009), sđd, tr.472.
INRASARATham luận tại Hội thảo “Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”, Hội Nhà văn Việt Nam, Đồng Nai, 8-1-2009.
HOÀNG NGỌC HIẾNWallace Stevens ví hành trình của những nghệ sĩ Tiên phong (hoặc Tiền vệ) của chủ nghĩa hiện đại những thập kỷ đầu thế kỷ XX như những cuộc phiêu lưu của những nhà thám hiểm núi lửa, họ đã đến núi lửa, “đã gửi về tấm bưu ảnh cuối cùng” và lúc này không có ước vọng gì hơn là trở về nhà.
TRẦN HOÀI ANH1. Nhà thơ - Người đọc: Niềm khắc khoải tri âmKhi nói về mối quan hệ giữa nhà thơ và độc giả, Edward Hirsch đã viết: “Nhiều nhà thơ đã nắm lấy ý Kinh Thánh Tân Ước “Khởi thuỷ là lời”, nhưng tôi thích ý kiến của Martin Buber trong “Tôi và bạn” hơn rằng: “Khởi thuỷ là những mối quan hệ” (1).
VIỆT HÙNGCông tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật đang là mối quan tâm lo lắng của giới chuyên môn, cũng như của đại đa số công chúng, những người yêu văn học nghệ thuật. Tình trạng phê bình chưa theo kịp sáng tạo, chưa gây được kích thích cho sáng tạo vẫn còn là phổ biến; thậm chí nhiều khi hoặc làm nhụt ý chí của người sáng tạo, hoặc đề cao thái quá những tác phẩm nghệ thuật rất ư bình thường, gây sự hiểu nhầm cho công chúng.
HẢI TRUNGVũ Duy Thanh (1811 - 1863) quê ở xã Kim Bồng, huyện An Khánh, tỉnh Ninh Bình là bảng nhãn đỗ đầu trong khoa thi Chế khoa Bác học Hoành tài năm Tự Đức thứ tư (1851). Người đương thời thường gọi ông là Bảng Bồng, hay là Trạng Bồng.
NGUYỄN SƠNTrên tuần báo Người Hà Nội số 35, ra ngày 01-9-2001, bạn viết Lê Quý Kỳ tỏ ý khiêm nhường khi lạm bàn một vấn đề lý luận cực khó Thử bàn về cái tôi trong văn học. Anh mới chỉ "thử bàn" thôi chứ chưa bàn thật, thảo nào!... Sau khi suy đi tính lại, anh chỉnh lý tí tẹo tiêu đề bài báo thành Bàn về "cái tôi"trong văn học và thêm phần "lạc khoản": Vinh 12-2001, rồi chuyển in trên Tạp chí Văn (Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh), số 4 (Bộ mới, tháng 3-4)-2002. Trong bài trao đổi này chúng tôi trích dẫn căn cứ theo nguyên văn bài báo đã in lần đầu (và về cơ bản không khác với khi đưa in lại).
TRƯƠNG ĐĂNG DUNGCùng với sự phát triển của một thế kỉ văn học dân tộc, lí luận văn học ở Việt Nam cũng đã có những thành tựu, khẳng định sự trưởng thành của tư duy lí luận văn học hiện đại.
NGUYỄN NGỌC THIỆNTrong vài ba thập niên đầu thế kỷ XX, trung xu thế tìm đường hiện đại hóa văn xuôi chữ quốc ngữ, các thể tài tiểu thuyết, phóng sự được một số nhà văn dụng bút thể nghiệm.
L.T.S: Trong ba ngày từ 03 đến 05 tháng 5 năm 2005, tại thành phố Huế đã diễn ra hoạt động khoa học quốc tế có ý nghĩa: Hội thảo khoa học Tác phẩm của F. Jullien với độc giả Việt Nam do Đại học Huế và Đại học Chales- de-Gaulle, Lille 3 tổ chức, cùng sự phối hợp của Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam và Agence Universitaire francophone (AUF). Hội thảo có 30 tham luận của nhiều giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc.
NGUYÊN NGỌC1- Trong các tác phẩm của F. Jullien đã được giới thiệu ở Việt , tới nay đã được đến mười quyển, tôi chỉ dịch có một cuốn “Một bậc minh triết thì vô ý” (Un sage est sans idée). Tôi dịch cuốn này là theo gợi ý của anh Hoàng Ngọc Hiến. Khi in, cũng theo đề nghị của anh Hiến và của nhà xuất bản, cuốn sách đã được đổi tên ở ngoài bìa là “Minh triết phương Đông và triết học phương Tây”, các anh bảo như vậy “sẽ dễ bán hơn” (!).
ĐÀO HÙNGTrước khi dịch cuốn Bàn về chữ Thời (Du temps-éléments d′une philosophie du vivre), tôi đã có dịp gặp François Jullien, được nghe ông trình bày những vấn đề nghiên cứu triết học Trung Hoa của ông và trao đổi về việc ứng dụng của triết học trong công việc thực tế. Nhưng lúc bấy giờ thời gian không cho phép tìm hiểu kỹ hơn, nên có nhiều điều chưa cảm thụ được hết.
NGUYỄN VĂN DÂNTheo định nghĩa chung, xã hội học là khoa học nghiên cứu về các sự việc mang tính chất xã hội. Mặc dù cội nguồn của nó phải kể từ thời Aristote của Hy Lạp, nhưng với tư cách là một ngành khoa học, thì xã hội học vẫn là một bộ môn khoa học khá mới mẻ. Ngay cả tên gọi của nó cũng phải đến năm 1836 mới được nhà triết học người Pháp Auguste Comte đặt ra.
MAI VĂN HOANƯớc lệ được xem là một đặc điểm thi pháp của văn học Trung đại. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng khá nhiều bút pháp ước lệ. Có điều nhà thơ sử dụng một cách hết sức linh hoạt, sáng tạo nên tránh được sự sáo mòn, nhàm chán. Không những thế bút pháp ước lệ của Nguyễn Du còn góp phần diễn tả một cách tinh tế, sâu sắc tâm trạng nhân vật. Điều đó thể hiện rất rõ qua cảnh Thuý Kiều đưa tiễn Thúc Sinh về tự thú với Hoạn Thư.
HÀ VĂN LƯỠNG Thơ haiku Nhật bản là một sản phẩm tinh thần quý giá của đời sống văn hoá đất nước Phù Tang. Nó là một thể thơ đặc biệt trong thơ cổ truyền của Nhật bản. Phần lớn các nhà thơ haiku đều là các thiền sư. Chính những nhà thơ thiền sư này đã đưa thiền vào thơ. Vì thế, họ nhìn đời với con mắt nhà sư nhưng bằng tâm hồn của người nghệ sĩ.
TRẦN THANH HÀVăn học bao giờ cũng gắn bó với thời đại và con người. Đặc biệt trong tiến trình đổi mới hôm nay, xu thế hoà nhập với văn hoá phương Tây đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn học Việt . Bởi nó đang tác động tới "ý thức chủ thể" của nhà văn.
HOÀNG TẤT THẮNG 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải chỉ là một vị lãnh tụ, một người thầy kiệt xuất của phong trào cách mạng Việt mà còn là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc trong nền văn học Việt hiện đại. Bác Hồ chưa bao giờ có ý định trở thành nhà thơ, nhà văn, song các tác phẩm thơ văn ngôn ngữ của Người đã trở thành một mẫu mực, một phong cách đặc biệt cho các thế hệ người Việt tiếp tục nghiên cứu và học tập.
NGUYỄN DƯƠNG CÔNĐề tài và chủ đề là hai trạng thái cơ bản nhất, bao dung hết thảy làm nên cấu trúc tổng thể tác phẩm tiểu thuyết. Hai trạng thái đó trong liên kết tương tác gây dẫn nên tất cả những yếu tố ý nghĩa nội hàm tiểu thuyết. Chúng còn đồng thời gây dẫn nên những yếu tố ý nghĩa liên quan nảy sinh trong tư duy tiếp nhận ngoài ý nghĩa nội hàm tiểu thuyết. Nhưng dẫu có như thế, chỉ có thể hình dung cho đúng đắn được đề tài, chủ đề theo định hướng duy nhất thấy chúng trong cấu trúc nội bộ tổng thể tác phẩm tiểu thuyết.
NGUYỄN HỒNG DŨNGQuá trình “hiện đại hoá” văn học Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945 diễn ra dưới sự tác động trực tiếp của văn học phương Tây. Gần một thế kỷ nay, khi nghiên cứu những tác động từ bên ngoài vào Việt Nam giai đoạn này các nhà ngữ văn chỉ chủ yếu nhấn mạnh đến ảnh hưởng của văn học Pháp. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến ảnh hưởng của nhà thơ Mỹ Edgar Poe đối với Hàn Mặc Tử, một đỉnh cao của phong trào “thơ mới”.
PHẠM PHÚ PHONG Tiểu thuyết, đó là một trong những sáng tạo kỳ diệu của con người, đó là một đồ dùng, một vũ khí của con người để tìm hiểu, chinh phục dần thế giới và để tìm hiểu nhau và sống với nhau. Nguyễn Đình Thi
PHONG LÊ(Trích - Nhìn từ các mục tiêu của công việc “viết”)