Mơ về Bến Xuân

16:53 11/09/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊMột chiều Xuân bên sông Hương. Mặt trời suốt ngày ẩn sau lớp mây xám nhạt nay đã khuất hẳn dưới dãy Kim Phụng xanh thẫm nhấp nhô đằng xa ở bên kia bờ. Một chiếc thuyền từ phía Ngã Ba Tuần hối hả xuôi dòng, tiếng máy nổ khuấy động giây lát mặt sông phẳng lặng trong màn sương chiều mờ ảo bắt đầu buông xuống.

Vào lúc ấy, bên phía bờ Bắc, giữa khu đất gần như hoang vắng quãng trên chùa Thiên Mụ và dưới Văn Thánh, trên con đường lát gạch bát tràng cạnh lầu “Nghinh Phong” vừa dựng mà trông cổ kính hơn cả Thương Bạc (Huế), những tà áo dài tha thướt bên cánh veston - càvạt - giầy đen khoan thai nối tiếp nhau tiến ra “Bến Xuân”. Các cựu nữ sinh “Đồng Khánh” Huế là bạn với nữ chủ nhân Cẩm Hồng và rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức quen biết, trong đó có hoạ sĩ Vĩnh Phối, dịch giả Bửu Ý, nhà văn Trần Thùy Mai, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ… và đặc biệt có cả nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nói là “đặc biệt” vì mấy năm nay, anh phải ngồi trên xe lăn, lại ở trên lầu hai, mỗi khi muốn “xuất quân” là phu nhân Mỹ Dạ phải nhờ anh Nguyễn Văn Dũng “một tay” đưa anh Tường xuống mới yên tâm. Gọi là “một tay” vì chỉ nhờ sức lực của “Dũng - võ sư Karaté nổi tiếng”; anh Dũng còn là “một tay” viết bút ký có hạng, tác giả tập du ký “Linh Sơn mây trắng” có nhiều bài rất hay, nếu có thua chỉ thua Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường!
Có gì lạ, gì hay ở nơi hoang vắng này mà Hoàng Phủ phải “hạ sơn”, mang cả xe lăn theo tắc-xi, vượt sông Hương tìm lên tận Văn Thánh? Phải “tìm”, vì “Bến Xuân” chưa mấy ai biết, đang lặng lẽ hình thành. Nhưng ý tưởng thú vị, muốn làm đẹp cho Huế, cho đôi bờ sông Hương của chủ nhân đã cuốn hút tác giả “Dòng sông ai đã đặt tên” và nhiều người khác.
Chủ nhân “Bến Xuân” là đôi vợ chồng Việt kiều rất gắn bó với các hoạt động văn hoá của Việt ở Thuỵ Sĩ: Trương Đình Ngộ và Cẩm Hồng (còn gọi là Camille Huyền Tôn Nữ). Khách đến sớm, thấy một người đàn ông cao lớn, khoẻ mạnh, nước da bánh mật, quần áo giản dị - nếu không nói là lùi xùi, xăng xái và tươi cười sắp đặt, bưng bê cái này cái kia, cứ tưởng người giúp việc; hoá ra đó là ông chủ - giám đốc và chuyên viên hàng đầu bộ phận chứng khoán derivative ngân hàng lớn nhất ở đất nước có mức sống vào loại cao nhất thế giới! Ngày trời đẹp, ông chủ còn ra cuốc cỏ vườn rồi bơi qua sông Hương mấy vòng để giải lao. Anh Ngộ quê Quảng Trị, du học tại Đức từ 35 năm trước, nên duyên với cô cựu nữ sinh Đồng Khánh bên trời Tây, không biết “bị” cô gái Huế xinh tươi, hát hay, vẽ đẹp hay cảnh sông Hương núi Ngự bỏ “bùa mê” mà quyết định bỏ tiền nhờ gia đình vợ mua miếng đất hai ngàn mét vuông để… chơi! Phải! Để chơi với cái ĐẸP, với nghệ thuật. Một kiểu “nghề chơi cũng lắm công phu!”.
Khởi đầu mới chỉ có một lối đi, nhà “Nghinh Phong” và bờ tường xây dọc theo mép nước. Công trình tiếp theo trình đồ án lên cấp có thẩm quyền thì bị “vấp” một quy chế có thể còn to hơn… núi Kim Phụng; Mảnh đất dự định tạo nên “Bến Xuân” có một rẻo khoảng 3 mét nằm ở phía trước Võ Miếu. Cho dù Võ Miếu nay hoang tàn hầu như không còn vết tích, nhưng như thế là vi phạm “Khu vực I khoanh vùng bảo vệ” di tích, mà theo Luật Di sản văn hoá “phải được bảo vệ nguyên trạng”! Mảnh đất có “sổ đỏ” hẳn hoi, chủ nhân “Bến Xuân” thì vẫn kiên trì ý tưởng, nhưng đã hết hạn nghỉ phép, phải trở lại Thuỵ Sĩ. Thôi, hãy tạm gác những phiền toái của thủ tục và quy chế này nọ, “chơi” đã! Mời bạn bè đến, coi như làm “nháp” lễ “khánh thành” lầu “Nghinh Phong”. Công trình để “chơi” thôi, nên quan chức dự lễ “khánh thành” duy nhất chỉ có Giám đốc Sở Văn hoá - thông tin Nguyễn Xuân Hoa - mà hình như ông đến với tư cách là người bạn yêu nghệ thuật và với tình thầy trò: thầy dạy Cẩm Hồng môn Triết ở Đồng Khánh, người thầy được nhiều học trò yêu thương mãi cho đến bây giờ.
Nhanh nhẹn lách qua những người bạn quen và chưa quen giữa những bàn và ghế mà bộ phận “hậu cần” sẽ bày lên những món chay đặc sản Huế, anh Ngộ bước sát tới bờ tường, chỉ xuống mép nước, giới thiệu với tôi và mấy bạn đứng quanh: “Chúng mình dự tính xây một bến thuyền ở đây. Những cuộc vui như thế này sẽ đón khách đến bằng thuyền, từ cầu Trường Tiền lên…”.
Chà! Mới là “tiểu tiết” đã thấy một kiểu “chơi đẹp”. Anh Ngộ từng tâm sự với tôi: “Mình thấy hàng ngày xe cộ chở hàng ngàn người thăm chùa Thiên Mụ - đến một nơi có ý nghĩa tâm linh như thế, nhưng hầu như ai cũng vội vã xem cho xong, chưa nói đến cảnh khách mặc quần cộc rồi trẻ bán hàng lưu niệm chéo kéo… Mình thấy ở nhà thờ Đức Bà Paris, hay các nhà thờ Hồi Giáo, Ấn Độ giáo không thế. Cần phải tạo một nếp sống văn hoá, một không gian văn hoá quanh di tích…”.
Mở đầu cuộc “chơi”, Cẩm Hồng trong trang phục áo dài đúng điệu nữ sinh Đồng Khánh, tiết lộ một sự trùng hợp ngẫu nhiên lý thú: “Hôm nay, cũng là kỷ niệm ngày cưới anh Ngộ và em…”. Bài “diễn văn” nghiêm túc viết sẵn không làm mất nét dịu dàng của giọng Huế vẫn 100% là Huế, dù cô cho biết quãng thời gian hai vợ chồng sống xa quê hương cộng lại lên đến hơn 60 năm. Và cô nói tiếp:
“…60 năm mà không một ngày nào không hướng về Việt Nam, về cha mẹ, đặc biệt về xứ Huế, nơi thiên nhiên và con người hài hoà với nhau. Nơi đây mình hiểu được cái đơn giản nhất là cái làm ta rung động nhất. Rất nhiều nơi ta đến để học hỏi, để xem, để nuôi phần xác. Huế là nơi ta đến để ngồi yên dưới trăng sao, để gửi  hồn cho gió, để thả thơ trôi theo dòng sông, để sáng sớm thức dậy rù rì trò chuyện với cỏ cây trong vườn, để cảm nhận một điều rất lạ, nhè nhẹ thanh thoát mà phải có duyên may mới cảm nhận được.
Cũng nhờ Duyên May, hôm nay chúng ta mới được ngồi gần với nhau dưới cùng một bầu trời, rồi hát cho nhau nghe… Đây là nhà Nghinh Phong để ta đón gió ngắm trăng. Rồi mai đây, cầu xin một Duyên May đưa đẩy để chúng ta có thêm một nơi dành để triển lãm tranh, giới thiệu thơ, nhạc, hoà tấu nhạc cổ điển trong một không gian với âm thanh trung thực không cần máy móc, có kiến trúc hài hoà với tâm hồn của Huế, của dòng sông và chùa Thiên Mụ…”.
Sau “diễn văn” như một bài thơ, nữ chủ nhân bắt đầu cuộc vui với bài hát “Đôi bờ” của Cung Tiến, lời thơ của Quang Dũng: “Thương nhớ ơ hờ… thương nhớ ai/ Sông xa từng lớp lớp mưa dài… Xa lắc rồi em người mỗi ngả/ Bên này đất nước nhớ thương nhau/ Em đi áo mỏng buông hờn tủi/ Là hết, là hết, thôi rồi chuyện trước sau…”.
Thú thật, lớp người ở miền Bắc như tôi và có lẽ lớp trẻ bây giờ thích kiểu nhạc sôi động hầu như chưa biết nhạc sĩ Cung Tiến. Cũng do anh đang ở xa, ít được giới thiệu. Nhưng vừa thoáng nghe “Thương nhớ ơ hờ… thương nhớ ai…”, người đã nổi gai vì xúc động. Một giọng điệu lạ, dịu dàng mà ma mị hút hồn người nghe. Nhạc hoà âm nữa, cũng trình độ bậc thầy…

Huế đã “trải chiếu hoa”, tặng hai biệt thự sang trọng cho hai nghệ sĩ tài danh là Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng làm nơi trưng bày tác phẩm của mình. Chàng rể Huế ở Thuỵ Sĩ thì lại “mong” được mang tiền riêng về xây nhà cho văn nghệ sĩ trong và ngoài nước biểu diễn, tạo thêm một địa chỉ văn hoá bên bờ sông Hương. Thời buổi thiên hạ mạo hiểm “chơi chứng khoán” như hàng vạn người vừa bị chiêu lừa “đầu tư tài chính qua mạng Colony Invert, thì cách “chơi” của anh Ngộ kể cũng… ngộ thật!
Bài hát gợi mở một phong cách nghệ thuật đặc sắc cùng với dự án “Bến Xuân” khá độc đáo và trắc trở, đã lôi cuốn tôi lên phía Văn Thánh làm một cuộc phỏng vấn “bỏ túi” với anh Ngộ, trước khi anh tạm biệt Huế. Trong căn nhà tạm lợp tôn phía sau lầu Nghinh Phong, Cẩm Hồng đang cùng một guitarist trẻ từng tu nghiệp ở Pháp 5 năm vừa trở về Huế, tập dượt những nhạc phẩm của Cung Tiến, chuẩn bị cho việc thu đĩa CD ở Thuỵ Sĩ. Anh Ngộ trò chuyện với tôi bên chiếc bàn nhỏ kê tạm ngoài hiên. Anh lấy từ máy tính xách tay cho tôi hai trang tư liệu về nhạc sĩ Cung Tiến và vui vẻ nói:
- Tối qua mình vừa lấy trên mạng đây…
Anh dừng giữa câu, đi vào góc nhà để nghe điện thoại di động, sau khi nói nhỏ: “Xin lỗi, có chút công việc từ gọi sang…”.
Tôi lướt nhanh hai tư liệu anh đưa. Trang giấy tiếng Việt ghi: Nhạc sĩ Cung Tiến, tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27/11/1938 tại Hà Nội. Du học tại Úc năm 1957 ngành kinh tế, đồng thời theo học các lớp nhạc tại nhạc viện Sydney . Về nước năm 1963. Năm 1970 du học tiếp tại Anh quốc, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế song song theo học âm nhạc tại nhạc viện London . Hiện định cư tại Hoa Kỳ, chuyên viên kinh tế tiểu bang Minnesota , từng làm việc trong Ban Giám đốc diễn đàn các nhà soạn nhạc Mỹ (1992-1999). Tác phẩm âm nhạc: Thu vàng - Hương xưa - Hoài cảm - Hoàng hạc lâu - Vang vang trời vào xuân - Lệ đá xanh - Kẻ ở - Mắt biếc - Đôi bờ - Nguyệt cầm – Khói hồ bay - Thuở làm thơ yêu em - Vết chim bay - Tổ khúc Bắc Ninh soạn cho dàn giao hưởng… Ông còn là dịch giả với bút danh Thạch Chương (trước 1975) và Đăng Hoàng (sau 75, tại hải ngoại). Ông đã dịch hai tác phẩm nổi tiếng: “Hồi ký viết dưới hầm” của Dostoievski (1969) và “Một ngày trong đời Ivan Denissovitch” của A. Solzhenisyne (1969). Bản tiếng Anh cho biết thêm: Nhạc Cung Tiến đã được trình diễn và ghi âm ở Việt , Mỹ, Pháp, Đức, Úc. Như vở Ballad of anh Warrior’s Wife đã được nhiều dàn nhạc giao hưởng của nhiều nước trình diễn. Đặc biệt, thị trưởng Houston đã công bố ngày 2/10/1993 là “Ngày Cung Tiến”, như là món quà tặng của thành phố cho người nhạc sĩ đã có những đóng góp vô giá cho nền âm nhạc Việt (nguyên bản tiếng Anh: “…composer’ s invaluable contribution to Vietnamese music.”)
 Một nghệ sĩ lớn như thế mà tôi (và có lẽ nhiều bạn trẻ) hầu như chưa biết, ngoài bài “Hương xưa” thoảng nghe đâu đó một hai lần. Có lẽ không chỉ là thiệt thòi cho riêng tôi… Và tôi chợt nghĩ: một thành phố ở Mỹ còn biết tôn vinh một nhạc sĩ Việt Nam như thế, giá như Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh chọn ngày để tôn vinh những tên tuổi như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn…
Thời gian không nhiều và với con người của loại công nghiệp hiện đại liên lục địa này, tôi vào chuyện ngay, khi anh Ngộ quay lại bên bàn:
- Được biết anh rất tâm huyết với dự tính đưa nhạc Cung Tiến về dự Festival Huế 2008 và biết Cẩm Hồng đang thực hiện Album Cung Tiến Art songs; một chuyên gia về chứng khoán - tài chính như anh mà bỏ nhiều công sức, chỉ để đem cái ĐẸP của nghệ thuật đến với mọi người, kể cũng là sự lạ…
- Nửa đời mình sống ở châu Âu, nghe nhạc cổ điển nhiều năm, mình thấy trong nhạc anh Cung Tiến đậm chất cổ điển, bác học. Nghe những bài hát của anh, với ngôn từ là tiếng Việt quê hương được chuyên chở một cách tài tình bằng giai điệu Tây phương thật là thú vị. Và một dịp may, thầy Walther Giger dạy Cẩm Hồng guitar cổ điển là người rất yêu âm nhạc phương Đông. Ban nhạc Orches Trio của thầy ở Zurich có hai giáo sư người Nhật Bản, sống ở Zurich nhiều năm, mỗi năm đều trở về Nhật biểu diễn và giảng dạy. Để viết hoà âm, thầy đã bỏ gần 1 năm nghiền ngẫm những bài hát của Cung Tiến, sau mỗi buổi dạy, thầy mời Cẩm Hồng đi uống nước để nghe kể chuyện gió trăng mưa nắng ở xứ Huế xa lắc. Và thầy nói: “Tôi sẽ soạn phù hợp với tánh tình của cô học trò”. Nhờ đó mà có một sự kết hợp rất thú vị: Thầy Walther Giger viết hoà âm dựa trên nhạc ngũ cung Đông phương, trong khi anh Cung Tiến viết nhạc lời đông phương theo nhạc thất cung Tây phương…
Anh Ngộ bỗng dừng lời. Ngôn ngữ phải dành không gian yên lặng cho tiếng đàn, tiếng hát từ trong nhà vọng ra:
“Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hoà hồn có mơ xa?/ Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò/ Còn đó tiếng tre êm ru/ Còn đó bóng đa hẹn hò…”.
Tôi đã nhận ra bài “Hương xưa” mà nhiều người sống ở miền trước 75 đã thuộc. Chờ bài hát kết thúc, anh Ngộ mỉm cười và nói:
- Xin lỗi, mình là người “ngoại đạo”, nói theo thầy W. Giger và anh Cung Tiến thôi. - Anh cúi tìm một tư liệu và tiếp - Đây, anh Cung Tiến đã nhận xét khi nghe hoà âm bài “Vết chim bay” của thầy W. Giger như thế này: “…Cảm ơn ông đã đã bỏ công ra “tô điểm”, khoác cho melody Cung Tiến một vòng hoa Đông phương khá original…” Anh thấy không, Cung Tiến từ phương Đông đi đến phương Tây và thầy W. Giger từ phương Tây tìm về phương đông. Một sự giao lưu rất thú vị. Mình thích Cung Tiến còn vì anh đã chọn những bài thơ theo ý mình là hay nhất thế kỷ để phổ nhạc - Anh Ngộ lại cười nhỏ rồi nói - Mấy hôm nay mình xem cuốn “100 bài thơ hay nhất thế kỷ”, rất lạ là không có những bài đó! Nhưng những bài như “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu (bản dịch của Vũ Hoàng Chương), “Nguyệt Cầm” của Xuân Diệu, “Đôi bờ” của Quang Dũng, “Lệ đá xanh” của Thanh Tâm Tuyền… đã được bao thế hệ truyền tụng và được anh Cung Tiến dùng làm ca từ một cách tuyệt vời…
“Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta… Ngập ngừng xa… suối thu dồn lá úa trôi qua…”.
Tiếng đàn và tiếng hát trong phòng lại vọng ra. “Bài “Nguỵêt cầm” dựa ý thơ Xuân Diệu đó!” Anh Ngộ nói nhỏ và chúng tôi lặng yên thả hồn theo dòng âm thanh kỳ diệu… 
Thì ra ở miền trước 75 không chỉ có Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Quả là “ngoài Trời còn có Trời!” Cung Tiến đã tạo cho những thi phẩm vốn đã là tuyệt tác một “cuộc sống” mới giàu âm hưởng và gợi những ý tưởng sâu xa. Trên nền nhạc hoà âm và tiếng đàn guitar điêu luyện, giọng hát mượt mà của Cẩm Hồng đã chắp cánh cho đôi “uyên ương” thơ - nhạc bay lượn tới tận chốn cao xanh mà cũng thấu đến chốn sâu thẳm của lòng người…

Trước lúc rời “Bến Xuân”, anh Ngộ lại dẫn tôi ra lầu Nghinh Phong, đưa tay chỉ đám đất, say sưa trình bày dự án xây ngôi nhà để chơi nhạc cổ điển, triển lãm tranh, trình bày thơ ca… - một công trình mới mà vẫn hợp với cảnh quan sông Hương, Thiên Mụ như lầu Nghinh Phong. Anh hy vọng nơi đây, khi sang tham dự Festival Huế 2008, ban nhạc Orches Trio có thể biểu diễn và dạy một lớp Master Chamber Music theo lời mời của Nhạc viện Huế. Anh hình dung các bạn bè của mình trong giới tài chính ngân hàng Thuỵ Sĩ sẽ đến đây để thấy một nếp sống văn hoá Huế trong ngôi nhà vườn và được thưởng thức nghệ thuật Huế…
Dự án “Bến Xuân” đang bị “vấp”, nhưng chủ nhân vẫn tin ở lý lẽ của mình (có luật nào lại cấm thay bãi cây cỏ hoang tàn bằng một công trình văn hoá phù hợp với cảnh quan, mà Nhà nước không tốn đồng xu nào?). Khi tôi viết những dòng này, từ Zurich, Cẩm Hồng “meo” về cho biết album “Cung Tiến Art Songs” vừa hoàn thành và chính nhạc sĩ đã nhận xét: “…một dự án đầy công phu và suy nghĩ, cũng như sự diễn đạt rất thành công…”; lúc này, nước lũ đang dâng tràn đôi bờ sông Hương nhưng mùa đông qua, mùa Xuân sẽ tới. Hy vọng một ngày không xa, “Bến Xuân” sẽ trở thành một địa chỉ văn hoá mới trên đoạn đường đậm chất văn hoá - tâm linh từ chùa Thiên Mụ lên Văn Thánh Huế…
                                                                                                            N.K.P

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN QUANG HÀTạp chí sáu tỉnh Bắc miền Trung vẫn duy trì đều đặn hàng năm gặp gỡ giao lưu để cùng tìm cách nâng cao chất lượng tờ tạp chí văn học của địa phương mình. Năm nay, năm 2003 Tạp chí Nhật Lệ đến phiên đăng cai cuộc họp mặt. Khách mời năm nay, ngoài các cơ quan trong tỉnh Quảng Bình, còn có đại biểu của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, của tạp chí Diễn đàn, cơ quan ngôn luận của Hội về dự.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠOLTS: Nhà thơ Thu Bồn có nhiều duyên nợ với Huế, với Sông Hương. 20 năm trước, trong dịp TCSH ra đời, anh có mặt ở Huế và viết bài thơ “Tạm biệt” - một trong ít ỏi những bài thơ hay nhất về Huế, 20 năm sau, cũng vào dịp TCSH kỷ niệm tròn 20 tuổi thì anh lại ra đi, ra đi trong lời vĩnh biệt!Thương tiếc nhà thơ tài hoa Thu Bồn, Sông Hương xin trân trọng giới thiệu một vài kỷ niệm vaì tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp dành cho anh.                                                                TCSH

  • PHẠM XUÂN NGUYÊNVề chính trị, ông được chữ nhất: Đại biểu quốc hội trẻ nhất (22 tuổi, khóa I năm 1946); Tổng thư ký Hội Nhà văn lâu nhất (1958 – 1989).Về văn nghệ, ông được chữ đa: đa tài, sáng tác nhiều lĩnh vực, và để lại dấu ấn: thơ (Người chiến sĩ, Tia nắng, Sóng reo), văn (Vỡ bờ), kịch (Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc), nhạc (Diệt phát xít, Người Hà Nội), tiểu luận (Mấy vấn đề văn học, Công việc của người viết tiểu thuyết).

  • ...Có 2 từ người Việt Nam hay dùng cho những người làm thuê các công việc cho người khác là: "Lê dương" và "Pắc chung hy". Chả biết từ bao giờ, bạn bè gọi tôi là "Kha lê dương" bên cạnh các biệt hiệu khác như "Kha điên", "Kha voi", "Kha xe bò miên". Là gì thì cũng vẫn là Kha. Thiếu em ư? Đúng ra là tôi không thể sống thiếu tình yêu như một câu thơ tôi đã viết: "Điều khốn nạn là không thể nào khác được - không thể không tình yêu, không tin ở con người"...

  • ... Với giới văn nghệ sĩ thừa Thiên Huế, nhà văn Nguyễn Đình Thi là người anh lớn, rất thân thiết và gần gũi qua nhiều năm tháng. Anh là tấm gương sáng trên nhiều lĩnh vực sáng tác, quản lý, hoạt động phong trào... Đã có nhiều tác động tích cực, ảnh hưởng tốt đẹp cho một số cây bút ở Thừa Thiên Huế; đồng thời đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong đời sống văn học Thừa Thiên Huế.Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Đình Thi là một tổn thất lớn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà, để lại cho chúng ta niềm tiếc thương vô hạn.... Sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Đình Thi vẫn sống mãi với chúng ta!                                 (Trích điếu văn của nhà thơ Võ Quê)

  • ĐÀO DUY HIỆPGiáo sư, nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu đã không còn nữa.Đã vĩnh biệt chúng ta một nhà sư phạm hiền từ, một nhà khoa học khiêm tốn và có nhiều phát hiện, một con người đầy lòng nhân ái, tin yêu cuộc sống và suốt đời đã sống vì cái đẹp của văn chương, nghệ thuật. Mười bảy giờ bốn mươi nhăm phút ngày 27 tháng 2 năm 2003 đã là thời khắc đó – cái thời khắc đã chia cách hai thế giới từ nay âm dương cách trở giữa giáo sư Đỗ Đức Hiểu với chúng ta. Ông đã để lại sau mình một cuộc đời dài nhiều ý nghĩa.

  • NGUYỄN HOÀNGTrong cuộc đời 83 năm của mình, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (BS.NKV) không chỉ một lần tình nguyện đem cuộc đời mình làm... vật thí nghiệm để có được một kết luận khoa học. Lần đầu, nửa thế kỷ trước, tại Pháp, sau 7 lần lên bàn mổ, cắt mất hẳn lá phổi trái, 1/3 lá phổi bên phải và 8 xương sườn (do bị lao mà thời đó chưa có thuốc chữa đặc hiệu), thấy rõ y học phương Tây không cứu được mình, BS. NKV đã vận dụng phương pháp Yoga của Ấn Độ và khí công của Trung Quốc trên cơ sở phân tích sinh lý, tâm lý và giải phẫu cơ thể con người, tự cứu sống mình, hình thành nên phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” ngày nay.

  • NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀNVào dịp Tết Bính Thìn, Tết dân tộc cổ truyền đầu tiên sau giải phóng, Viện Đại học Huế nhận được một bưu thiếp chúc Tết đặc biệt của vị Thủ tướng kính mến thời đó - Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhà trường đã cho viết to bức thư của Thủ tướng viết sau cánh thiếp lên một tấm bảng lớn, trân trọng đặt tại Hội trường của Viện Đại học Huế.

  • TÔ NHUẬN VỸTôi có một cái va ly nhỏ dùng để đựng những vật kỷ niệm, những thư từ, những bức ảnh quý nhất của mình. Trong số kỷ vật quý giá đó, có bức thư của anh Tố Hữu gửi tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, tháng 3/1987, kèm theo là bài thơ Nhớ về anh được đánh máy trên giấy Pơ luya vàng nhạt, kiểu chữ ở một cái máy nào đó mà  mới nhìn biết ngay là từ một cái máy chẳng lấy gì làm tốt, để "Kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh mồng 7 tháng 4 của đồng chí Lê Duẩn”.

  • LÊ MỸ Ý ghi                (Trích)Khi tôi đến, hai ông đang ngồi chiếu rượu trong căn hộ chung cư sáu tầng cao ngất ngưởng. Căn phòng như được ghép bằng sách. Trên tường, ảnh Văn Cao đang nâng ly và bức sơn dầu "Tuổi Đá Buồn" Bửu Chỉ vẽ Trịnh Công Sơn dựa vào cây đàn ghita ngóng nhìn vô định. Ngẫu nhiên tôi trở thành người hầu rượu, nói đế cho cuộc đối thoại ngẫu nhiên của hai ông...

  • MAI VĂN HOANThầy giáo dạy văn                                      Tặng Mai Văn HoanHộ tập thể nằm trên gác xépCăn phòng thanh đạm, có gì đâu!Một chồng sách cũ, dăm chai nướcMột chiếc bàn con, một bếp dầu...

  • THANH THẢOThái Ngọc San khác với một số người bạn Huế mà tôi chơi: anh ít nói, ít nói đến lặng thinh, ít nói nhiều khi đến sốt cả ruột. Nhưng nhiều lúc, vui anh vui em, rượu vào lời ra, San cũng nói hăng ra phết. Những lúc ấy, cứ nghĩ như anh nói để giải toả, nói bù cho những lúc im lặng.

  • PHAN HỮU DẬTLTS: GS.TS Phan Hữu Dật là người làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, TT Huế, hiện nghỉ hưu tại Hà Nội. Giáo sư từng là Trưởng ban phụ trách Đại học Văn khoa Sài Gòn (1976), Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985-1988). Bài viết dưới đây do Giáo sư đọc trong Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ Vĩnh Mai (1918-2008), như một sự tri ân đối với người mà Giáo sư xem như là người thầy, người thủ trưởng, người đồng chí... với những tư liệu mới mẻ và góc nhìn thấu đáo. Sông Hương xin trân trọng giới thiệu bài viết này cùng bạn đọc.

  • NGÔ MINHTác phẩm văn học nghệ thuật là sáng tạo của mỗi tác giả hội viên; đồng thời là thước đo hiệu quả hoạt động của Hội trong một nhiệm kỳ. Nói cách khác, tất cả mọi hoạt động của Hội đều hướng về hội viên, hướng về việc làm sao để có những tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng ngày càng cao. Nếu không thì sinh ra Hội để làm gì?

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀOVà tôi đã rời xa Huế vào những ngày mà chính tôi cũng không muốn một chút nào. Có lẽ, không ai trách được sự sắp xếp và an bài của cuộc sống. Dù rằng Huế đối với tôi là ân nghĩa, là những kỷ niệm khó phai thì rồi cũng phải tự tạ từ. Trong sâu thẳm đáy lòng, khi nhìn những đêm trăng phả xuống thành phố tôi đang sống, tôi lại quay lòng nhớ Huế, dẫu một chút thôi, hơi thở của tôi đã không được đắp bồi bởi Huế.

  • VÕ MẠNH LẬPTôi đọc một bài. Không! Chỉ là một đoạn nhưng vừa đủ ngẫm - mà thú vị. Đó là cô gái với cái tên quen mà lạ. Cô ta phân bày quê chôn nhau cắt rốn xa xa ngoài tê tề. Cha mẹ cô đèo bòng vô ở tại một thị xã miền Trung. Sau cùng cô lại ở Huế học hành, lớn lên, đôi lúc bạn bè xa đến cứ ngỡ cô là Huế ròng.

  • L.T.S: Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San sinh năm 1947 tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình nguyên Thư kí Toà soạn Tạp chí Sông Hương, chuyển công tác qua phụ trách văn phòng liên lạc báo Thanh Niên tại T.T. Huế đã từ trần vào lúc 0giờ 45 phút ngày 25.7.2005 sau một tai nạn giao thông oan nghiệt.Thương tiếc anh, Sông Hương mở thêm trang để bạn bè, đồng nghiệp cùng chia sẻ và thắp nén tâm hươngKhi chúng tôi được tin buồn về anh San thì số báo tháng 8 đã in xong; Tình thế “chữa cháy” này không sao tránh khỏi những bất cập, mong các tác giả cùng quý bạn đọc lượng thứ.

  • L.T.S: Đại hội VHNT Thừa Thiên Huế lần thứ X sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 năm nay. Để đại hội có tiếng nói dân chủ rộng rãi, TCSH xin “dành đất” cho các anh chị hội viên, các bạn đọc quan tâm tham gia ý kiến trao đổi về nghề nghiệp, về hoạt động của Hội, về tổ chức hội v.v...Ngoài các ý kiến đã đăng tải trên số này, chúng tôi sẽ tiếp tục in thêm các ý kiến khác trong số tới

  • ĐÔNG HÀTôi không sinh ra ở Huế, nhưng với tuổi đời chưa quá ba mươi mà đã hơn hai mươi năm sống ở đất Kinh thành, đó cũng một sự gắn bó không thành tên.

  • THU NGUYỆT                (Trích tham luận tại Đại hội VII  Hội Nhà văn Việt Nam)