YẾN THANH
Tôi là một khối trầm tư
Hiện diện như thể một hư vô. Buồn
(thơ miên di)
(Tặng chị Ngọc - người đàn bà Huế lặng lẽ đứng sau những vầng thơ)
Ảnh: internet
1. Tiểu tự sự và triết học đa bội
Thật khó để có thể viết đúng bút danh của “miên di”, bởi chính xác anh là “miên di” chứ không phải “Miên Di” hoặc “Miên di”. Sự “sai chính tả” không viết hoa tên riêng của anh hẳn chuyển chứa một quan niệm sống nào đó có tính tư tưởng và nhân sinh quan, chứ không phải là lối viết tùy tiện. Hẳn rằng, cách viết này giống như “đoàn minh phượng” với tiểu thuyết và khi tro bụi, chữ “và” trong tựa đề như một liên từ cũng không viết hoa. Cả miên di và đoàn minh phượng, dẫu quốc gia, nền văn hóa sinh tồn cách xa nhau, cùng “chơi” trên những thể loại khác nhau, nhưng tác phẩm văn học của họ đều là sự khắc khoải bản thể, sự truy vấn nhân sinh. Một điểm chung khác, cả hai đều buồn trong hành trình miên viễn của mình. Việc không viết hoa như một sự xóa nhòa, hủy tạo bản ngã, nhưng lại luôn kiếm tìm tự ngã.
Việc không viết hoa tên riêng như cách giải cấu trúc cái tôi của mình, vừa như thái độ ứng xử dưới tư thế văn hóa là một tiểu tự sự (petit-narrative) trong triết học hậu hiện đại. Có lần, trong một đợt lang thang trên phố núi Pleiku, tôi vào một nhà hàng sang trọng. Tìm hiểu ra tôi mới biết đó là nhà hàng của miên di. Việc chủ quán nhậu làm thơ là khá lạ, nhưng cũng không quá hiếm. Khi người ta có tiền người ta dễ thích “chơi/mua danh”. Nhưng chủ quán làm thơ hay và đặc biệt là không treo nơi sang trọng, thêu chỉ vàng trên lụa gấm đỏ như nhiều người khác mới là điều kỳ lạ. miên di có lẽ từ trong tư tưởng, muốn thơ mình là thứ thơ đời sống, dân gian, như lựa chọn của Bảo Sinh hay Bút Tre. Điều này sẽ không xa lạ nếu ta đọc thơ miên di, nhất là trong tập thơ Lũ buồn hoang [Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018] vừa được xuất bản.
Lũ buồn hoang là một tập thơ dày, dễ làm nản lòng những bạn đọc khi vô tình bắt gặp trên kệ sách. Tuy vậy, thế giới chữ nghĩa trong Lũ buồn hoang dày đặc những khoảng trống mênh mông, những triết lý có tính đốn ngộ như thơ Haiku, nên sự “dày” của vỏ vật chất bên ngoài chỉ là cảnh giới xác thịt tầm thường ngăn trở những bạn đọc nông cạn. Thơ miên di là thứ thơ trôi giữa hai dòng nước chảy, anh vừa đủ sang trọng và bác học, nhưng cũng rất bình dân và bụi bặm đời thường. Thơ anh mạnh về triết lý, suy ngẫm, nhưng cũng để lại nhiều phát hiện đời thường ám ảnh, thú vị. Do vậy, rất nhiều bài thơ của miên di làm tôi liên tưởng đến thơ Bùi Giáng, thơ Bảo Sinh, thơ Đồng Đức Bốn hay là cả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Do vậy, sự hứng khởi khi tiếp nhận thơ miên di là rất dễ hiểu, từ những nhà phê bình hàn lâm như Chu Văn Sơn, cho đến những người bán rau ngoài chợ - những người bên lề của cuộc sống. Hẳn vậy nên trên bìa 4 của tập thơ, tác giả chọn ra ba đoạn phê bình thì có 2 đoạn thuộc những bậc trí giả lớn trong cuộc đời anh, nhưng đoạn đầu tiên lại thuộc về một người đàn bà kẻ chợ tên Mây. “Tôi chỉ là một người đàn bà buồn bã không biết gì về văn thơ, vô tình đọc những bài thơ đau đớn của miên di, không biết vì sao đã khiến tôi vui sống được cho nỗi buồn thân phận mình”. Như vậy, thơ anh đã vượt qua được những chia biệt đúng - sai, cao - thấp, hàn lâm - bình dân, để thực sự là thứ thơ vô chấp. Thơ của anh cũng là sự lai ghép, hỗn trộn các tư tưởng, triết lý và tôn giáo khác nhau, không có phân ly và đối lập. Ở đấy, ta thấy triết lý vô ngã, vô thường của Phật giáo, có sự cứu rỗi, phục sinh của Kyto giáo, có hiện sinh, có giải cấu trúc, có hiện tượng học, có tường giải học… Tôi cảm thấy cần chép ra đây một ví dụ điển hình (bài Tu xong) cho việc vượt qua mọi ranh giới thông thường, và cũng là bài tôi nghĩ hay nhất của tập thơ:
Tôi rủ con kiến đi tu
Nó bảo trọc lóc như sư sẵn rồi
Tôi rủ con ếch thiền ngồi
Nó khen tư thế vồ mồi rất hay
Tôi rủ tôi bấy lâu nay
Đi tu để biết chính mày là tôi
Để nhận ra đám mây trôi
Y như bao chuyện đã rồi. Là xong
Bài thơ vừa kết hợp được cái bi và cái hài, hai hình tượng liên quan đến kiến và ếch dễ làm ta bật cười, bởi khoảng cách chân lý giữa con người với động vật, giữa anh và tôi. Những hình tượng ấy cũng rất bình dân, đời thường. Bài thơ thể hiện chiều sâu tư tưởng về quan niệm tu tập không phải để giác ngộ chân lý, hay nhận thức thượng đế, mà là để minh giải, thông hiểu bản thể của chính mình. Hai câu cuối vừa xót xa, lại nhẹ nhàng ủi an. Những ai từng đi qua nhiều trải nghiệm thất bại, đớn đau và mất mát trong tình yêu mới có khả năng thấm được thơ miên di. Bởi tình yêu là thứ duy nhất trên cõi đời này mất đi thì mới còn đó, tan rã thì mới hiện hữu, quá khứ thì mới sống động đích thực. Chúng ta cần khổ đau để chứng nghiệm tình yêu, triết lý này gần gũi với hình tượng Chúa Jesus bị đóng đanh trên thập giá. Nhưng đau khổ vì tình yêu cần là một thứ đau khổ có tính mỹ học, cần được dẫn dắt bởi tư tưởng, hơn là những cơn đau thuần tuý vật lý. Do đó, cần nhận thức được mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng như những đám mây là cách để tự giải thoát và tha thứ cho chính mình.
Lũ buồn hoang là câu chuyện của những kẻ bên lề, nằm ở ngoại biên đời sống. Chủ thể trữ tình là kẻ lang thang chăn thả lũ buồn hoang, và thế giới, những hình tượng trong thơ cũng là những tiểu tự sự. Nói như châm ngôn nổi tiếng của thi sĩ Dương Tường: “Tôi đứng về phe nước mắt”. Khi viết về bà của mình, tác giả cũng hoài niệm về những cảnh nghèo khó, đói ăn: “Bà đi vào lúc cả nhà thiếu an - Tiễn đưa chỉ có vành khăn - Và ba tấc đất lạnh tanh ngoài đồng” [Cuối năm thăm mộ bà]. Điều khá đặc biệt ở tập thơ này đó là rất nhiều những thi phẩm được viết cho ông bà, cha mẹ. Đây là tập thơ miên di hướng ngòi bút nghệ thuật về lại cội nguồn của thi ca, tức là những tình cảm gần gũi, thân thương, bình dị nhất của mỗi kiếp người. Thơ không cần quá lên gân, thơ trước tiên là sự rung động trước mỗi kiếp người lầm lũi, vô danh, nghèo đói mà trước tiên, họ là những người thân của chúng ta. Khi chủ thể trữ tình tự nhìn về mình, anh cũng tự nhận ra mình chỉ như cái giẻ rách: “Kể cả khi thấy mình như giẻ rách - Thì cuộc người vẫn cần tấm khăn lau” [Tâm sự với cái giẻ rách]. Bản thân những con vi trùng - các vi sinh vật gây hại vốn vô hình, vô dạng với mắt trần cũng có thể gây ra cho thi nhân sự đồng cảm, như một sự hướng xuống các thân phận bên lề: “Sống trong kháng thể của người - Con vi trùng cũng cả đời khổ, đau” [Tâm sự với con vi trùng]. Lũ buồn hoang do đó là một tập thơ giàu giá trị nhân văn và lòng trắc ẩn. Tính nhân đạo trong tập thơ không phải là một sự ban phát, mà là sự đồng cảm, đồng dạng của cái tôi trữ tình với ngoại giới.
2. Những mảng màu đối lập hay là cách vận hành cấu trúc thơ của miên di
Thơ miên di vốn phong phú, đa dạng trong thể thơ, chủ đề lẫn tư tưởng, triết lý. Đó là điểm mạnh và có thể cũng là điểm yếu của anh. Dường như không ranh giới nghệ thuật nào là anh không thể lĩnh hội và sở đắc, tuy vậy, thơ anh nhiều khi cũng mang giới hạn đó là sự thiếu thống nhất trong hệ thống nhằm tạo nên một phong cách độc sáng, riêng biệt. Trước đây, miên di rất sở trường và nổi danh với thơ lục bát, sau này anh lấn rộng ra nhiều thể thơ khác như thơ mini, thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ năm chữ… Tôi cứ hay băn khoăn đi tìm cấu trúc ngầm ẩn quy hồi thống nhất mọi bài thơ của miên di. Tức là cách thức chung anh vận hành thế giới chữ nghĩa của mình nhằm kiến tạo nên mọi thứ vốn sinh động, phức tạp, đa hình đa dạng ngoài kia. Cái cấu trúc ngầm ẩn này không dễ nhận ra, nhất là với một người đa giọng, thậm chí đa nhân cách như miên di. Sự đối lập giữa tưởng tượng với thực tại, giữa thơ và người, giữa bên trong với bên ngoài làm nên sự phức tạp của giới thi nhân. Một nhà thơ đời sống bụi bặm, lăn lộn thương trường như miên di vốn xa lạ với thế giới hàn lâm, chữ nghĩa thuần túy, thì sự tình lại càng phức tạp.
Vượt qua sự đa tạp về hình tượng, màu sắc, cảnh huống, ta có thể thấy cách miên di vận hành thế giới thi ca thống nhất ở một điểm: anh luôn xây dựng câu thơ, tứ thơ, khổ thơ và bài thơ bằng các cặp song hành, đối lập. Các cặp song hành đối lập này vốn dĩ mâu thuẫn, cách biệt nhau trong đời sống, nhưng được nhà thơ đặt lại cạnh nhau nên bật lên một tầng ý nghĩa thẩm mỹ mới nào đó. Hầu như bài thơ nào, khổ thơ nào cũng được vận hành dưới cấu trúc, lập luận này. Những câu khác không theo thì thông thường là câu dẫn dắt, hoặc không có nhiều giá trị nghệ thuật. Để bạn đọc tiện hình dung, tôi xin lập ra một bảng sau về cách tư duy chữ nghĩa đặc thù của miên di, trong đó hai vế A và B luôn có tính chất, ý nghĩa đối lập lẫn nhau, hoặc không hề tương hợp trong logic của thực tại đời sống (mọi trích dẫn trong tiểu luận này đều từ nguồn tập thơ Lũ buồn hoang mà tôi đã dẫn ở trên):
Những trích dẫn rời rạc ở trên có thể chưa làm ta hình dung rõ ràng tư tưởng, ý nghĩa của thơ miên di, nhưng nó làm bật lên cấu trúc ngôn ngữ. Chính cấu trúc đối lập, tương phản này làm nên bản sắc chữ và xu hướng mỹ học trong thơ của anh. Cách tư duy đặc thù về ngôn ngữ, và sau đó là tư duy về cuộc đời của miên di là đi tìm sự hiện diện của mặt đối lập này trong tồn tại của cái đối lập kia. Một lối tư duy biện chứng kiểu minh triết phương Đông, đặc biệt là của Âm - Dương gia. Thái dương sinh thiếu âm, và thái âm sinh thiếu dương. Tất cả vũ trụ này không thực sự chia rời, mà tồn tại trong một chỉnh thể liên tục chuyển hóa, tuần hoàn, bảo toàn năng lượng. Đó là nói về khoa học và triết học, còn về mỹ học, chính lối tư duy ngôn ngữ này tạo ra “cái khác” (the ontherness) trong thơ, mà theo Đỗ Lai Thúy, cái khác chính là biểu hiện của tư duy thơ hậu hiện đại. Dưới góc nhìn của triết học đa bội hậu hiện đại, miên di đã trình hiện những đau khổ, mất mát thực chất là hạnh phúc theo một cách khác, và ngược lại, hạnh phúc và vẹn toàn là mất mát, đau khổ theo một góc độ nào đó. Logic của lý trí, của khoa học tự nhiên luôn khác xa hiện thực của tâm lý, của tình yêu. Những phát hiện thú vị, sâu sắc ý nhị như thế này hẳn nhiên ai cũng dễ dàng đồng ý, nhưng để viết ra và gọi tên chính xác thì không dễ: “Em đẹp thì nỗi buồn xinh - thế thì đau khổ cuộc tình là vui” [Khi em có nghĩa là buồn]. “Anh đang đau khổ tươi cười - Ngồi nhìn hạnh phúc của người yêu xưa” [Những ngày vui ở nơi đâu?]. Rõ ràng cấu trúc đặt cạnh nhau những sự việc, đồ vật, cảm xúc, trạng huống đối lập đã tạo nên giá trị thẩm mỹ riêng trong thơ miên di, nó ám riết lấy đầu óc của người đọc. Lối cấu trúc này không hề phi lý, mà thực chất hoàn toàn logic trong thực tiễn của ái tình và xã hội. Cái tài của thi nhân là phát hiện ra những trạng huống mâu thuẫn, đối lập nhưng phổ biến ấy.
Thơ miên di mạnh về tính triết lý. Có thể nói, sức nặng triết lý làm nên giá trị của thơ anh chứ không phải cảm xúc trữ tình hay chức năng đời tư - thế sự, dụng hành xã hội hay khả năng xây dựng hình tượng. Chính cấu trúc đối lập, tương phản nói trên đã hỗ trợ rất nhiều cho chiều sâu triết lý trong thơ miên di. Những vầng thơ đẹp nhất, thực sự bật lên trên thi đàn nước ta của miên di luôn mạnh về triết lý nhân sinh. “Bao thuốc đầy còn bao làn khói khác - có hay diêm ở lần cháy cuối cùng” [Tâm sự với bao diêm], “Nhiều khi thấy mình như tiền lẻ - Chẳng đủ gì mà vẫn cứ là dư” [Định giá], “Về cùng rác kết bạn thân - về như hộp quẹt sau lần hết ga” [Lẽ chết màu xanh]… Cái tài của miên di đó là anh có khả năng liên tưởng, ẩn dụ mạnh. Từ những sự vật, sự việc vốn dĩ bình/tầm thường diễn ra thường nhật trong cuộc sống nhưng anh vẫn từ đó phát hiện ra trạng huống tinh thần nhân sinh đặc thù của con người. Tính triết lý trong thơ miên di không lên gân, đánh đố người đọc, không giả vờ cao sang khó hiểu để tỏ ra nguy hiểm, mà rất bình dị, như một người đã đạt đến cảnh giới giác ngộ giữa cuộc đời. Do vậy, có một điểm bạn đọc cần chú ý, những bài thơ mạnh nhất của anh về triết lý và tư tưởng lại thường là bài thơ ngắn nhất. Những bài này thường chỉ gói gọn phổ biến trong hai câu, với 16 đến 17 âm tiết, đúng như mô hình của chủ nghĩa cực hạn (minimalism) hay thơ Haiku của Nhật Bản đã đặt ra. Thơ của vài người làm thơ khác trên thi đàn (trong đó có cả tôi) cũng nhấn mạnh hay chuộng triết lý, nhưng chúng tôi thường “lắm lời” trong chữ nghĩa. Bài thơ càng dài mới có khả năng diễn đạt hết tính triết lý. miên di ở một cảnh giới, đẳng cấp cao hơn, anh đẽo gọt kiệm lời tới trình độ “ý tại ngôn ngoại”. Ví dụ: “Tôi có buồn vẫn vui hơn con phố - Đêm nào qua cũng dẫn kẻ tái tê về” [Tâm sự với phố khuya]. Cả bài thơ chỉ có hai câu, đúng bằng 17 âm tiết như thơ haiku, nhưng gợi ra biết bao suy ngẫm về phận người.
Cái hay trong sự triết lý của miên di đó là anh biết cười trong khi triết lý. Nói như Umberto Eco, đó là sự hiền minh trong một tinh thần biết cười. “Sống đi, rồi hiểu được rằng - Hột xoàn không quí bằng răng của mình” [Hột xoàn & răng], “lòng người như cái ti vi - chuyển qua kênh khác những khi đã rồi” [Check - in trên một đám mây]; “Tình yêu không có bảo hành - Lấy về có hỏng cũng đành thương nhau” [Bảo hành yêu]… Hàng loạt những câu thơ hai câu ấy đặt ra rất nhiều những suy ngẫm về tồn tại, về tình yêu, về hạnh phúc… nhưng đọc lên ai cũng có thể bật cười bởi sự gần gũi, tếu táo thú vị của người viết. Thơ ca đôi khi cũng như âm nhạc, cần sự bi lụy nhằm lôi kéo sự đồng cảm của người đọc. Nhạc sến Bolero dễ đi vào lòng người hơn nhạc bác học là vì thế. miên di không cần những chiêu thức sụt sùi ấy để đi lại trong thi giới. Thơ anh không lạc quan, hạnh phúc, nhưng cái đau khổ đến tận cùng trong miên di đạt đến cảnh giới mới. Anh không cần nước mắt để nói về nỗi đau, hận thù để nói về tan vỡ, xót xa khi thấy người yêu hay vợ cũ lập gia đình. “Mất là cách khác của trao - buồn là từng lúc giải lao của cười… - Ký ức là một gia tài - Ai đang phá sản bằng vài lãng quên” [Đọc lại mục lục chính mình]. Ở đây, ta có thể thấy rõ cách nhà thơ quan niệm về nhân sinh và tồn tại. Cũng chính ở đây, ta thấy rõ lối cấu trúc đối lập, tương phản đã làm nên sức mạnh triết lý như thế nào trong thơ miên di.
Lũ buồn hoang nếu chỉ riêng thơ đã đầy sức nặng của triết lý, nhưng dường như tác giả của nó vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa nói được hết ý tưởng của lòng mình, nên anh tiếp tục đưa vào thêm các “ghi chú rời rạc”. Những ghi chú rời rạc trong tập thơ của miên di thực chất không hề rời rạc, mà nó được liên văn bản với diễn ngôn thơ nhằm chuyển tải những thông điệp và triết lý của tác giả được rõ ràng hơn, sâu sắc hơn. Có nhiều câu xứng đáng là “danh ngôn”, chỉ tiếc rằng nhà thơ chưa là vĩ nhân mà thôi. Ví dụ: “Nỗi buồn là cái đến sau, ngoại phạm với đau khổ và đến để xoa dịu khổ đau. Nên hãy vui khi cảm thấy sao lòng buồn thế”, rất gần gũi với những câu thơ như: “Nên vắng buồn liệu hạnh phúc có vui” [Hạnh phúc không vui]. Nhiều câu triết lý rất tếu táo, rất giống với phong cách triết lý vui trong thơ anh: “Đàn ông, sau khi bị phụ nữ hạ gục rồi mà cứ tưởng mình bắt đầu tấn công”. “Chỉ nơi tình yêu chân thành mới có nghĩa cử phụ bạc”. “Đôi khi, đồng cảm giống như người mù tìm người mù khác làm bầu bạn, trong khi cần người sáng mắt để dẫn đường”. “Trong tình yêu, người ta chỉ hạnh phúc với ai có thể làm mình đau khổ”… Lối cấu trúc ngôn ngữ và lập luận kiểu đối lập tương phản bất ngờ này có lẽ không xa lạ gì với bạn đọc. Do đó, với miên di, diễn ngôn thơ ca và diễn ngôn văn xuôi là rất gần gũi. Chất thơ, tính thơ được biểu đạt không phải qua hình thức của thể loại, mà chủ yếu được biểu đạt thông qua tính triết lý và bản chất trữ tình của nó.
3. Bản thể như một cuộc kiếm tìm
Đề tài chủ yếu trong thơ miên di, không phải là tình yêu, cũng không hẳn là hoài niệm, mà chính là những cuộc truy vấn bản thể liên miên. Chính trong đề tài này, thơ miên di thể hiện được tất cả những gì vốn là thế mạnh nhất của anh, tính triết lý, chiều sâu nhân bản, tính nhân văn, tính phản tư hay tự giễu. Loài người là một sinh vật có tư tưởng, và từ khi có tư tưởng, nó đã không thôi truy vấn, khắc khoải cắt nghĩa cái tôi của mình. Thể xác bên ngoài trở nên tầm thường so với thế giới tinh thần. Trong thế giới tinh thần, tôi là ai là một câu hỏi vĩnh hằng có tính chất vấn đề cơ bản của triết học. Những nhà thơ lớn vốn dĩ cũng là những nhà tư tưởng. Tất yếu, ngoài việc quan tâm đến thế giới, họ phải hướng vào nội giới để tìm hiểu bản thể cái tôi của mình.
Thơ miên di gần như là cuộc truy vấn thường trực bản ngã. “Tôi rủ tôi bấy lâu nay - Đi tu để biết chính mày là tôi” [Tu xong]. Tìm hiểu, nhận thức thế giới là một quá trình đầy kiên trì, gian nan, nhưng hiểu và nhận thức về bản ngã của mình còn là quá trình dài hơn và khó khăn hơn bội phần. Ở đấy, mỗi bản thể phải đối diện với sự vô minh, sự kiêu căng ngạo mạn và những rào cản do chính mình dựng nên. Hiểu được người đã khó, hiểu được mình còn khó hơn. Hiểu được mình là ai, bỏ qua cái tự ngã, để thực sự diệt ngã thành công là công việc chỉ có thể tiến hành được ở những bậc chân tu, cư sĩ. Triết học Phật giáo do đó, không hiện lên trên bề mặt thơ như triết lý Kyto giáo trong thơ miên di, nhưng lại bàng bạc và nằm ở chiều sâu của tư tưởng thơ anh. “Chỉ tôi thì lại bị quên gặp mình - Tôi gặp tôi ở dáng hình - Hay tôi là ở những tình thế tôi - Gặp tôi trên chỗ tôi ngồi - Hay gặp ở chỗ đã rời & qua - Tôi gần gặp gỡ tôi xa - Nơi không tôi đấy nhưng mà tôi đây” [Tìm gặp vô ngã]. Lối thơ “hũ nút”, lập luận vòng vo này thực chất là quá trình dài chứng ngộ sau một thời gian sống nghiệm trải của thi sĩ. Tôi luôn là tôi nhưng đồng thời tôi luôn là người khác, luôn xa lạ với chính mình. Kiếm tìm, hiểu biết và tiêu diệt bản ngã là một hành trình gian nan, không phải ai cũng có thể đi và đến. Tất cả chúng ta, khi còn sống trên cuộc đời đa phần vẫn chỉ đang trên đường tu tập để làm được điều đó. Cái tôi khó kiếm tìm, thông hiểu, vì nó vô hình, nó lại ở bên trong mỗi chúng ta, nó lại chỉ đạo chúng ta tư duy. “Biết đâu gặp một con ma - Tôi rất sợ nó, hóa ra là mình - Hình như tôi là vô hình - Đựng trong một cái lọ bình xác thân” [Tìm gặp vô ngã]. Do đó, thực sự miên di phải phân thân thành công, đứng bên ngoài thân xác nhìn vào nội giới mới có thể minh giải bản thể của chính mình.
Hiểu được chính mình không phải để vinh danh hay đề cao cái tôi, mà miên di luôn muốn diệt ngã: “Có con sông đương nhiên trôi - Và tôi hiện diện như tôi không hề” [Một bất chợt]. Hoặc trong một ví dụ khác, nhà thơ đã tự “cất mình” như một biểu hiện khác của việc diệt ngã: “Chạm vào tuổi bốn mươi vào ngày bỏ thuốc - cất chính mình như cái gạt tàn đã thừa ra” [Tâm sự với tuổi bốn mươi]. Nhà thơ thường xuyên tự vấn, tự nói chuyện với chính mình như một hình thức phản tư. Trong những hình thức ẩn dụ khác, nhiều khi miên di không trực tiếp đề cập đến bản ngã, nhưng thông qua hệ thống hình tượng, ta vẫn thấy cuộc đấu tranh nội tâm thường trực và đau đáu trong anh: “Đêm nằm thương những dòng sông - Tự cào xói lở ở trong lòng mình” [Tự cào].
Những bài thơ được viết ra dưới tinh thần đối thoại cũng là những dạng thức tự vấn bản thể. Chủ thể trữ tình tạm thời phân thân để nói chuyện với một bạn đọc giả định trong thơ, để bày tỏ lòng mình như một sự minh giải bản thể: “Nhiều lúc tưởng chẳng còn ai là bạn - loay hoay đành phải gọi chính tên mình… - Thương vợ nó mà tao không dám tới - sợ bạn mình sau cái chết vẫn còn đau” [Bạn]. Đây là những câu thơ rất đời, rất nhân văn, và cũng đầy cay đắng. Chủ thể trữ tình từng yêu một cô gái từ thuở hoa niên, nhưng cô gái này bị người bạn thân lấy làm vợ mất. Người bạn ấy không may mất sớm, mặc dù chủ thể trữ tình vẫn luôn nhớ nhung, yêu thương người con gái cũ, nhưng anh ta không hề vượt qua ranh giới bởi sợ người bạn buồn dưới chín suối. Những câu thơ đối thoại như thế này thực chất là độc thoại, người thơ tự trò chuyện với chính mình để hiểu mình nhiều hơn, để sống thực sự là người hơn. Có thể thấy miên di mặc dù khá thành công trên nhiều lĩnh vực dưới góc độ là một con người, đặc biệt là một người đàn ông. Anh có ngoại hình, râu ria, gia đình hạnh phúc, tài sản hay sự nghiệp xông xênh, đáng để người khác phải ngưỡng mộ, hoặc là ghen tỵ, nhưng cuộc sống tinh thần của anh không hề yên ổn như mọi người vẫn tưởng. Thẳm sâu trong miên di luôn có những cuộc bạo động tâm lý và tinh thần, cái buồn cứ hoang hoải, và điều này hiện rõ trên những dòng thơ. Anh cô đơn, đặc biệt là cô đơn trong cõi người đông đúc và chật chội, giữa những lời tán dương, xun xoe hoặc miệt thị, đố kỵ của cõi người. Do vậy, anh luôn có xu hướng tự nói, tự bày tỏ với mình trong thơ: “Tụi mình như những mẩu nhang - Bao nhiêu khát vọng cũng tàn khói thôi - Cùng nhau như mộ ven đồi - Lô nhô yên tịnh đợi đời lãng quên - Từng ngôi mộ vẫn có tên - Mà vô danh giữa nổi nênh thế trời” [Vô nghĩa].
Cuối cùng, trong cuộc hành trình truy vấn vĩnh hằng bản thể, miên di đã đạt ngộ tất cả thế giới là vô thường, là sắc sắc không không. Những câu thơ trong bài Vô nghĩa làm tôi cứ nhớ mãi đến những vầng thơ của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc: “Trăm năm còn có gì đâu - Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Đạt đến cảnh giới ấy, con người ta sẽ sống khác đi, thơ vì thế, cũng không nhiều sân si, câu nệ tới các hình thức, diễn giải tân kì. Do đó, có thể thấy giới hạn của tập thơ đó là có khá nhiều bài cổ điển, không chứa nhiều cách tân về mặt thi pháp và hình thức. Có lẽ miên di ý thức được điều đó, nhưng anh chấp nhận tất cả để thơ được quay về với cái bản lai diện mục nguyên thủy. Đọc cả tập thơ dày, tôi thấy có vài cách tân về mặt ngôn ngữ và hình thức đáng chú ý. Ví dụ như bài thơ được viết dưới hình thức đối thoại, tựa đề của cả bài thực ra cũng là một câu thơ (mở đầu cho bài thơ) nằm trong chỉnh thể, ví dụ:
Tôi đang có sẵn trên đời (câu tựa đề in đậm - YT)
Mà sao em lại làm người cô đơn
trong tủ áo cứ đầy hơn
mà sao vẫn thấy trống trơn trong buồn
Tuy nhiên, nhìn chung những cách tân về mặt hình thức ấy là không phổ biến, không đạt đến độ có ý thức hoặc tương xứng với những giá trị nội dung. miên di có lẽ viết Lũ buồn hoang không phải để cho người khác, để khẳng định tuyên ngôn nào đó trong nghệ thuật, mà anh viết cho mình, để hiểu hơn về chính mình, qua thơ.
4. Cội nguồn thi ca hay là cảm thức “lá diêu bông”
Trong một tiểu luận khác, được khảo cứu dưới góc độ phân tâm học, tôi đã từng chỉ ra thơ Đàm Huy Đông trong giai đoạn “hậu áo trắng” là thứ thơ tan vỡ, thế giới đã sụp đổ bởi vì người yêu cũ (em) đã “đi lấy chồng”. Đọc thơ miên di trong Lũ buồn hoang, điều làm tôi băn khoăn, khắc khoải đó là đi tìm cội nguồn cảm xúc thi hứng của nhà thơ. Điểm then chốt đối với mọi thi sĩ, nếu ai đã từng cầm bút sáng tác thơ thì đều biết, không phải là thể loại, nền tảng triết - mỹ, không phải là đề tài, chủ đề hay cấu trúc ngôn ngữ (những vấn đề tôi đã phân tích ở trước), mà chính là thi hứng. Không có thi hứng, nhà thơ sẽ không ngồi xuống bàn để viết nên những con chữ. Chiếc xe cần một nút khởi động chìa khóa để bắt đầu đi, bài thơ dẫu trăn trở, ấp ủ rất lâu về mặt ngữ nghĩa, cấu tứ, nhưng thiếu một cảm xúc dẫn đường, nó sẽ không ra đời.
Nhà thơ có thể là người thành đạt trong nhiều lĩnh vực, nhưng nhất định phải là người thất bại trong tình cảm, mà đặc biệt là thất bại trong tình yêu thì mới có thể viết thơ đích thực. Sự thất bại trong tình yêu mở ra sự thành công trong thi giới. Cái giá mà những thi nhân phải trả luôn đầy đắng cay và nước mắt. Trong những cung bậc đau khổ vì tình yêu, có nỗi đau nào lớn hơn việc phải chứng kiến bạn gái, hay bi kịch hơn, là vợ đi lấy chồng. Lũ buồn hoang là một tập thơ đầy ắp nhiều cung bậc tình cảm gia đình, cũng như các chủ đề đời tư thế sự, nhưng xúc cảm thường trực, nên thơ nhất vẫn là sự đau đớn khi người yêu/vợ đi lấy chồng - một sự ra đi vĩnh viễn, không thể nào khắc phục. Sự hờn giận, hiểu lầm, cãi vã, xa cách, chia tay… hay thậm chí ẩu đả, nguyền rủa, ly hôn trong tình yêu cũng đầy nước mắt, nhưng dù sao nó vẫn còn cơ hội có thể khắc phục, sửa chữa được. Giận hờn, hiểu lầm rồi sẽ nguôi, xa rồi sẽ gần, vết thương hay ẩu đả sẽ lành, ly hôn, ly thân vẫn có thể tái hợp, quay về. Nhưng một khi bạn gái/vợ quyết định lập gia đình với người đàn ông khác, thế giới sẽ vụn vỡ vĩnh viễn, vĩnh hằng không bao giờ có thể khắc phục. Từ nay, đôi môi người khác, thân thể người khác, ái ân với người khác sẽ thay thế anh mãi mãi trong cuộc đời của em. Chính vì thế, cảm thức “em đi lấy chồng” (em bao gồm cả vợ và bạn gái) là một chấn thương tinh thần tàn khốc, không thể thỏa thuận và chữa lành trong cuộc đời, trái tim của mỗi thi nhân. miên di không nằm ngoài quy luật đó.
Đọc lại Lũ buồn hoang, ta có thể thấy gần như bài nào cũng có gắn với xúc cảm “em đi lấy chồng” dù ẩn tàng hay phát lộ. Theo thống kê không đầy đủ của tôi, có đến mười bài thơ cảm thức này chi phối rõ ràng lên bề mặt văn bản, ta có thể kiểm chứng được một cách minh bạch. Những bài còn lại, trừ những bài tình cảm gia đình hay truy vấn bản thể, đều ít nhiều có liên đới đến cảm thức chung này. Lũ buồn hoang, do đó, cội nguồn của cảm thức buồn là do “em đã đi lấy chồng” hoặc những dạng thức biến thể khác nhau của nó (có người yêu mới). Ở đây, tôi không dùng thuật ngữ người yêu cũ hay vợ cũ, bởi trong tình yêu và cả hôn nhân, có những điều mất đi, tan vỡ nhưng không hề cũ kĩ. Ngược lại, những quan hệ, tình cảm này chỉ thực sự sống động, nguyên nghĩa khi ta đánh mất. Ta có một bảng thống kê như sau để làm rõ vấn đề (mọi nhấn mạnh trong tiểu luận này đều là của tôi - YT):
Với sự xuất hiện dày đặc của cảm thức “em đi lấy chồng”, mà nhân vật“tôi” định danh là cảm thức “lá diêu bông” như trong ẩn ức sáng tạo của Hoàng Cầm, ta có thể nhận ra cội nguồn thi hứng của miên di. Cuộc thất bại cuối cùng trong thơ anh, và cũng là trong cuộc đời miên di là tình yêu bị đánh mất. Dĩ nhiên, cuộc truy vấn em là ai và em có thực sự hiện hữu hay không, em đã đi lấy chồng như thế nào là không cần thiết. Em có thể là một người, mà cũng có thể là nhiều người. Vợ đi lấy chồng có thể là thực tiễn nhà thơ phải đối mặt, cũng rất có thể là dự cảm, hoặc sự quan sát của anh với những số phận tình yêu xung quanh mình. Nhưng điều ta dễ dàng nhận ra, đó là cảm thức “em lấy chồng” đã để lại một dư chấn tinh thần khủng khiếp trong cơ cấu tâm thần bộ của thi nhân. Điều này khiến hắn không thể yên ổn dù theo cách nào đi chăng nữa, dẫu bia rượu, ái ân hay những cuộc tình khác có diễn ra. Do đó, nỗi đau ấy thôi thúc thi nhân đi tìm sự giải thoát trong chữ nghĩa, qua thơ. Nỗi đau của miên di liên quan đến cảm thức “em lấy chồng” không nằm trên bề mặt của ý thức, mà chìm rất sâu vào trong vô thức sáng tạo của tác giả. Do đó, từng câu thơ, lời thơ khi viết ra cứ tự nhiên hiển lộ với chúng ta nỗi đau này. Có lẽ, ngay chính bản thân miên di cũng không mường tượng được lại có nhiều bài thơ có chung cảm thức, cùng nằm trong một tập sách như thế. Bởi vì, tôi tin rằng, nỗi đau này của anh nằm sâu trong vô thức sáng tạo như một chấn thương tinh thần. Nỗi đau ấy là bất khả giải và sẽ còn dằn vặt anh cho đến cuối đời, không chỉ một lần, và do đó, ta có quyền được tin rằng, miên di sẽ còn hành trình lâu dài với thế giới sáng tạo thi ca. Thế giới ấy vốn dĩ phù phiếm, hư vô, nhưng cũng là nơi thanh tao vượt qua/ra mọi giới hạn tầm thường của kiếp người bội bạc.
Khởi viết từ mồng 1, hoàn tất mồng 7 tết Kỷ Hợi, 2019.
Y.T
(TCSH362/04-2019)
TRẦN HOÀI ANH 1. Phân tâm học là lý thuyết có nguồn gốc từ y học, do S.Freud (1856-1939) một bác sĩ người Áo gốc Do Thái sáng lập. Đây là học thuyết không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực y học mà còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực nghệ thuật.
NGUYỄN DƯƠNG CÔN Từ lâu, Bản thể con người đã trở thành vấn đề cơ bản và sâu sắc nhất của mối quan hệ giữa văn học với hiện thực. Trong mối quan hệ đó, hiện thực với tư cách là đối tượng khám phá và trình diễn của văn học không còn và không phải chỉ là hiện thực cuộc sống như là dành cho các khoa học nhân văn và các nghệ thuật khác nữa.
LÝ VIỆT DŨNGThiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.
TRẦN HUYỀN SÂM1. Theo tôi, cho đến nay, chúng ta chưa có những đánh giá xác đáng về hiện tượng Xuân Thu nhã tập: Cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác. Có phải là nguyên do, nhóm này đã bị khoanh vào hai chữ “BÍ HIỂM”?
PHI HÙNGĐỗ Lai Thuý đã từng nói ở đâu đó rằng, anh đến với phê bình (bài in đầu tiên 1986) như một con trâu chậm (hẳn sinh năm Kỷ Sửu?).Vậy mà đến nay (2002), anh đã có 4 đầu sách: Con mắt thơ (Phê bình phong cách thơ mới, 1992, 1994, 1998, 2000 - đổi tên Mắt thơ), Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực (Nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương từ tín ngưỡng phồn thực, 1999), Từ cái nhìn văn hoá (Tập tiểu luận, 2000), Chân trời có người bay (Chân dung các nhà nghiên cứu, 2002), ngoài ra còn một số sách biên soạn, giới thiệu, biên dịch...
PHI HÙNG(tiếp theo)
TRẦN ĐỨC ANH SƠNCuối tuần rảnh rỗi, tôi rủ mấy người bạn về nhà làm một độ nhậu cuối tuần. Rượu vào lời ra, mọi người say sưa bàn đủ mọi chuyện trên đời, đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng bỏng như: sự sa sút của giáo dục; nạn “học giả bằng thật”; nạn tham nhũng...
HỒ VIẾT TƯSau buổi bình thơ của liên lớp cuối cấp III Trường Bổ túc công nông Bình Trị Thiên, dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Văn Châu dạy văn, hồi đó (1980) thầy mượn được máy thu băng, có giọng ngâm của các nghệ sĩ là oai và khí thế lắm. Khi bình bài Giải đi sớm.
PHAN TRỌNG THƯỞNGLTS: Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2006, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lý luận – phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc. Trên 150 nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đã tham dự và trình bày các tham luận có giá trị; đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực của đời sống lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện đại ở nước ta, trong đối sánh với những thành tựu của lý luận – phê bình văn học nghệ thuật thế giới.
NGUYỄN TRỌNG TẠO1. Con người không có thơ thì chỉ là một cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có thơ thì chỉ là một cái nhà hoang. Octavio Paz cho rằng: “Nếu thiếu thơ thì đến cả nói năng cũng trở nên ú ớ”.
PHẠM PHÚ PHONGTri thức được coi thực sự là tri thức khi đó là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ. L.Tonstoi
TRẦN THANH HÀTrong giới học thuật, Trương Đăng Dung được biết đến như một người làm lý luận thuần tuý. Bằng lao động âm thầm, cần mẫn Trương Đăng Dung đã đóng góp cho nền lý luận văn học hiện đại Việt đổi mới và bắt kịp nền lý luận văn học trên thế giới.
PHẠM XUÂN PHỤNG Chu Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Riêng hai quẻ Bát Thuần Càn và Bát Thuần Khôn, mỗi quẻ có thêm một hào.
NGÔ ĐỨC TIẾNPhan Đăng Dư, thân phụ nhà cách mạng Phan Đăng Lưu là người họ Mạc, gốc Hải Dương. Đời Mạc Mậu Giang, con vua Mạc Phúc Nguyên lánh nạn vào Tràng Thành (nay là Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) sinh cơ lập nghiệp ở đó, Phan Đăng Dư là hậu duệ đời thứ 14.
HỒ THẾ HÀLTS: Văn học Việt về đề tài chiến tranh là chủ đề của cuộc Toạ đàm văn học do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 20 tháng 12 năm 2005. Tuy tự giới hạn ở tính chất và phạm vi hẹp, nhưng Toạ đàm đã thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, nhà giáo, trí thức ở Huế tham gia, đặc biệt là những nhà văn từng mặc áo lính ở chiến trường. Gần 20 tham luận gửi đến và hơn 10 ý kiến thảo luận, phát biểu trực tiếp ở Toạ đàm đã làm cho không khí học thuật và những vấn đề thực tiễn của sáng tạo văn học về đề tài chiến tranh trở nên cấp thiết và có ý nghĩa. Sông Hương trân trọng giới thiệu bài Tổng lược và 02 bài Tham luận đã trình bày ở cuộc Toạ đàm.
TRẦN HUYỀN SÂM1. Tại diễn đàn Nobel năm 2005, Harold Pinter đã dành gần trọn bài viết của mình cho vấn đề chiến tranh. Ông cho rằng, nghĩa vụ hàng đầu của một nghệ sĩ chân chính là góp phần làm rõ sự thật về chiến tranh: “Cái nghĩa vụ công dân cốt yếu nhất mà tất cả chúng ta đều phải thi hành là... quyết tâm dũng mãnh để xác định cho được sự thật thực tại...
NGUYỄN HỒNG DŨNG"HỘI CHỨNG VIỆT NAM"Trong lịch sử chiến tranh Mỹ, thì chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mà người Mỹ bị sa lầy lâu nhất (1954-1975), và đã để lại những hậu quả nặng nề cho nước Mỹ. Hậu quả đó không chỉ là sự thất bại trong cuộc chiến, mà còn ở những di chứng kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống Mỹ, mà người Mỹ gọi đó là "Hội chứng Việt Nam".
BÍCH THUNăm 2005, GS. Phong Lê vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học với cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (Nxb ĐHQG, H, 2001, 540 trang); Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt hiện đại (Nxb GD, H, 2001, 450 trang); Văn học Việt hiện đại - lịch sử và lý luận (Nxb KHXH. H, 2003, 780 trang). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học say mê, tâm huyết và cũng đầy khổ công, vất vả của một người sống tận tụy với nghề.
THÁI DOÃN HIỂU Trong hôn nhân, đàn bà lấy chồng là để vào đời, còn đàn ông cưới vợ là để thoát ra khỏi cuộc đời. Hôn nhân tốt đẹp tạo nên hạnh phúc thiên đường, còn hôn nhân trắc trở, đổ vỡ, gia đình thành bãi chiến trường. Tình yêu chân chính thanh hóa những tâm hồn hư hỏng và tình yêu xấu làm hư hỏng những linh hồn trinh trắng.
NGUYỄN THỊ MỸ LỘCLà người biết yêu và có chút văn hóa không ai không biết Romeo and Juliet của Shakespeare, vở kịch được sáng tác cách ngày nay vừa tròn 410 năm (1595 - 2005). Ngót bốn thế kỷ nay Romeo and Juliet được coi là biểu tượng của tình yêu. Ý nghĩa xã hội của tác phẩm đã được thừa nhận, giá trị thẩm mĩ đã được khám phá, hiệu ứng bi kịch đã được nghiền ngẫm... Liệu còn có gì để khám phá?