Miền ánh sáng - Sấm mùa thu

16:44 08/12/2008
KAWABATA YASUNARI LGT: KAWABATA YASUNARI (1899 - 1972) là nhà văn đầu tiên của Nhật Bản đoạt giải thưởng Nobel văn chương (1968). Ông nổi tiếng thế giới với những tiểu thuyết như: Xứ Tuyết (1935 - 1947), Ngàn cánh hạc (1949), Tiếng rền của núi (1950), Người đẹp say ngủ (1961), Cố đô (1962)...

Nhưng ông từng cho rằng cốt tủy nghệ thuật của ông được cất giấu bí ẩn trong những truyện cực ngắn mà ông gọi là “Những chưởng tiểu thuyết” (Palm - of - the hand stories, Theo cách dịch tiếng Anh). Gần giống thơ Haiku, ngắn gọn nhưng lại mang bút lực thâm trầm, ý vị sâu xa với sức gợi những vấn đề nhân sinh: Tình yêu và vẻ đẹp, Sống/chết, Cũ và mới, Quá khứ/ hiện tại và ước mơ... Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc 2 truyện của ông dưới đây do dịch giả Hoàng Long và Nhật Chiêu chuyển ngữ.

Miền ánh sáng (Nobel 1968)

Vào mùa thu năm hai mươi bốn tuổi, nơi nhà nghỉ bên bờ biển, tôi đã gặp nàng. Đó là mối tình đầu của tôi.
Đột nhiên nàng vươn cổ và lấy tay áo mimônô che mặt. Tôi nhìn nàng và phát hiện ra thói quen xấu của mình. Tôi bối rối và làm ra vẻ khổ sở.
- Tại anh nhìn em, đúng không?
Vâng. Nhưng cũng không phải vậy đâu.
Nàng nói điều buồn cười ấy bằng một giọng mềm mại. Tôi như được cứu thoát.
- Anh tệ quá nhỉ.
- Không. Bình thường thôi nhưng mà... không có gì đâu.
Nàng hạ ống tay áo xuống, hơi ráng sức chịu đựng ánh mắt tôi. Tôi ngoảnh nhìn ra biển.

Tôi có thói quen hay quan sát gương mặt của những người xung quanh. Tôi tự nhủ mình phải từ bỏ ngay tật xấu này. Nhưng nếu không được nhìn gương mặt của người xung quanh, đối với tôi đó là niềm đau đớn. Và mỗi lần phát hiện mình đang nhìn mặt người khác, tôi lại cảm thấy căm ghét mình. Có lẽ tôi đã biết đọc gương mặt tha nhân từ lúc ấu thơ khi tôi mất nhà, mất cha mẹ, và đến sống nhờ nhà người khác chăng? Đôi khi, tôi đã từng suy nghĩ nghiêm túc xem thói quen này được hình thành từ lúc tôi còn ở nhà mình hay sau khi tôi đến ở nhà người ta. Nhưng tôi không tìm ra một ký ức gì có thể giúp tôi làm minh bạch điều này.
Dẫu sao tôi cũng thôi nhìn nàng và chuyển ánh nhìn sang vùng lấp lánh nơi bờ biển xa, được nhuộm bởi ánh sáng mặt trời mùa thu. Miền ánh sáng kia gợi cho tôi nhớ về kỷ niệm xưa đã bị chôn vùi trong dĩ vãng.

Sau khi cha mẹ tôi mất, tôi đến sống với người ông gần mười năm trong một ngôi nhà nhỏ miền quê. Ông tôi bị mù. Và trong bao nhiêu năm, trong căn phòng nhỏ, trước lò sưởi, ông ngồi yên một chỗ nhìn về hướng đông. Đôi khi ông nghiêng đầu nhìn về hướng nam. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông nhìn về hướng bắc. Có lần, sau khi phát hiện ra thói quen của ông, tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy gương mặt ông chỉ quay về một hướng. Tôi đã ngồi trước mặt ông rất lâu, chăm chú quan sát xem ông có quay mặt về hướng bắc lần nào không. Nhưng tôi buồn rầu và thất vọng vì cứ năm phút một lần ông lại nghiêng đầu sang phải và chỉ nhìn về phương nam như một con búp bê điện tử. Phía nam là miền ánh sáng và tôi nghĩ liệu rằng hướng nam có đem lại cho người mù cảm giác về ánh sáng hay không?

Bây giờ tôi đã nhớ lại được kỷ niệm về miền ánh sáng mà tôi đã lãng quên.
Tôi hay nhìn mặt ông tôi, chỉ muốn ông quay về phương bắc. Ông tôi thì mù và tôi đã nhiều lần quan sát gương mặt ông một cách tự nhiên. Tôi đã hiểu rằng từ kỷ niệm đó đã khởi phát thói quen nhìn mặt tha nhân về sau này. Thói quen ấy đã có từ khi tôi còn ở nhà. Nó không xuất phát từ cái tâm đê tiện của tôi. Hiển nhiên, tôi hối tiếc vì mình đã mang tật xấu này. Khi nghĩ như vậy, tôi muốn nhảy lên vì vui sướng. Tôi càng nuôi thêm khát vọng làm thanh sạch mình, chỉ vì nàng.
Nàng lại nói:
- Tuy đã quen nhưng em vẫn hơi ngượng.
Tôi nghe như giọng nói kia ẩn chứa lời yêu cầu tôi hãy nhìn gương mặt nàng. Dường như nàng nghĩ tôi đã tự thú sự xấu xa của mình từ lúc nãy.
Tôi quay lại nhìn nàng. Gương mặt tôi sáng lên. Nàng đỏ mặt. Anh mắt tinh nghịch nhìn tôi.
- Qua ngày rồi đêm, gương mặt em hết mang điều mới lạ nên em chẳng lo lắng gì đâu.
Nàng nói như trẻ con. Tôi cười. Đột nhiên tôi cảm thấy thân thiết hơn với nàng. Tôi muốn mang theo những ký ức về nàng và ông tôi đi đến miền ánh sáng nơi bờ biển phía xa kia.
 Hoàng Long dịch
 (từ nguyên tác Nhật ngữ)

Sấm mùa thu

Hôn lễ chúng tôi cử hành trong một lữ quán có tiếng sáo trúc kiểu xưa ngân nga.Mùa thu mới bắt đầu, cũng là lúc các cô gái xuân thì từ biển trở về và lượn quanh thành phố như những con ngựa tơ xinh đẹp, lông màu hạt dẻ.
Bất thình lình chớp lóe sáng khung cửa sổ và sấm nổ rền như muốn phá tan hôn lễ. Cô dâu mười bảy tuổi của tôi trắng xanh sắc mặt. Nàng nhắm nghiền mắt lại và thân thể rũ xuống như một lá cờ ướt sũng.
- Đóng cửa sổ, đóng màn lại mau!
Sau khi hôn lễ kết thúc, cha vợ tôi mới bảo: “Con gái tôi sợ sấm có thể là do một lời nguyền xưa. Rồi ông kể cho tôi câu chuyện này, về một đứa con trai hiếu thảo của xứ Tamba thuở nào:
“Yoshida Shichizaemon lại rất sợ sấm, chỉ cần nghe một tiếng trống gõ là bà có thể ngất xỉu. Vì thế cho nên, bất kỳ khi nào nghe tiếng sấm rền là Shichizaemon đâm bổ về nhà, cho dù anh đang ở đâu hay đang làm gì. Vào mùa hạ, anh không dám đi đâu xa, chỉ đến thôn làng lân cận là cùng.

Thế cũng chưa đủ. Ngay cả sau khi mẹ qua đời, cứ nghe thấy tiếng sấm là anh chạy ngay đến nghĩa trang, vòng tay ôm chặt mộ của bà.
Một đêm kia, trong khi Shichizaemon ôm ghì mộ bia suốt cơn dông, anh bị sét đánh chết. Sáng hôm sau, trời trong xanh và tươi đẹp.
Khi một người dân trong làng cố gỡ cánh tay Shichizaemon ra khỏi bia mộ thì nó vỡ ra từng mảnh. Thân thể cháy đen của anh đã trở thành một hình tượng bằng tro, chạm vào là vỡ vụn.
Rõ ràng là kéo chàng Shichizaemon hiếu thảo ra khỏi mộ chí kia là điều lầm lẫn.
Một bà lão nhặt lên một ngón tay của anh vừa rơi xuống đất và cất vào trong tay áo. Bà nghiêng mình mà nói: “Để cho thằng con trai vô tâm, bất trị của già này uống”.

Các thôn dân khác cũng bắt chước nhặt từng mảnh hài cốt. Thứ tro linh ấy đã truyền từ đời này sang đời khác như thể gia bảo. Khi ta còn nhỏ mẹ ta đã cho ta uống. Không biết có phải vì thế mà ta và cả con bé này nữa sợ sấm hay không”.
- Vậy là cô bé này (tôi ám chỉ người vợ mới) cũng được cha cho uống tro ấy à?
- Không, ta quên. Nhưng nếu bên nhà con thích thì ta sẽ gửi một gói cho nó.
Trong căn nhà mới của chúng tôi ở ngoại ô thành phố, bốn con dế nhảy ra từ phía sau chiếc bàn làm việc mới tinh của vợ tôi. Chiếc khăn phủ trắng muốt cũng chưa thay. Người vợ mới của tôi ánh lên vẻ rạng rỡ của một bó hoa tử đinh hương vào đầu mùa hạ. Thế rồi một lần nữa, tiếng sấm cuồng bạo lại nổ rền như thể mùa hạ đang tự hủy. Khi tôi ôm giữ cô dâu bé nhỏ đang run rẩy của mình, cái mà tôi cảm thấy trước hết qua làn da nàng là một người mẹ trong nàng.

Ai dám bảo tôi sẽ không trở thành một hình hài cháy rụi khi tôi ôm ấp cái bia mộ mềm mại ấm nồng này? Chớp loé sáng. Sấm như thử biến chiếc giường cưới của chúng tôi thành một chiếc giường chết chóc, vang động rầm rĩ trên mái nhà.
- Màn, đóng màn lại mau.!
 Nhật Chiêu dịch
(từ nguyên tác Nhật ngữ)
(nguồn: TCSH số 208 - 06 - 2006)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • AMBROSE BIERCE   

    Năm 1861, chàng trai Barr Lassiter sống cùng cha mẹ và người chị ở gần Carthage, Tennesse.

  • Nassar Ibrahim là nhà văn, nhà báo người Palestine. Ông còn là nhà hoạt động xã hội, nguyên Tổng Biên tập báo El Hadaf tại Palestine. Truyện ngắn dưới đây được in lần đầu bằng tiếng Ả Rập trong tạp chí Masharef 28, số mùa thu 2005, được Taline Voskeritchian dịch sang tiếng Anh, in trong tạp chí Wordswithoutborders số tháng 11/2006.

  • THOMAS VINT

    L.T.S: Thomas Vint người Estonia, năm nay 49 tuổi. Hiện ông viết văn và sống ở Estonia (Liên Xô). Ngoài khả năng viết văn xuôi, ông còn thích vẽ. Ông đã từng triển lãm tranh ở Pháp vào năm 1988. Ông cũng đã tự minh họa cho tập truyện ngắn đầu tiên của mình.

  • JOSHUA BROWN (Mỹ)  

    “Con sẽ làm vua!” một chú lợn con nói với bố mẹ.
    Lợn Mẹ mỉm cười nhìn con. “Làm sao con có thể thành vua được khi con chỉ là một chú lợn con?”

  • RAY BRADBURY

    Theo Ray Bradbury, truyện khoa học giả tưởng khác với sự tưởng tượng thuần túy ở chỗ nó là "một dự phóng hợp lý của thực tại". Vì vậy cuộc đi dạo ngắn ngủi này nói lên những gì ông suy nghĩ - hay lo sợ - có thể dễ dàng trở thành một bức tranh thật.

  • Thomas Burke (1886 - 1945) sinh tại Clapham, ngoại ô thành phố Luân Đôn, nước Anh. Cha chết khi còn rất nhỏ, ông sống với người chú, sau được gởi vào một cô nhi viện.

  • JORGE LUIS BORGES

    Jorge Luis Borges (tên đầy đủ là Jorge Francisco Isidoro Luis Borges Acevedo) sinh ngày 24 tháng 8 năm 1899 tại Buenos Aires, Argentina.

  • CLAUDE FARRÈRE

    Những kẻ văn minh là tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp Claude Farrère (1876 - 1957) đã nhiều năm sang Việt Nam mô tả vạch trần và lên án sâu sắc chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương trong hơn 80 năm đô hộ.

  • HERMANN HESSE
    (Nhà văn Đức, Nobel văn học năm 1946)    

    Trước đây, một chàng trai trẻ có tên là Ziegler đã sống ở ngõ Brauer. Anh là một trong những người thường xuyên ngày nào cũng gặp chúng tôi ở trên đường phố và chưa bao giờ chúng tôi có thể ghi nhớ chính xác khuôn mặt của những người ấy, vì tất cả bọn họ cùng có khuôn mặt giống nhau: một khuôn mặt bình thường ở giữa đám đông.

  • Nhà văn Nenden Lilis A. sinh tại Malangbong-Garut (Tây Java) năm 1971, là giảng viên khoa Giáo dục và Văn chương tại Indonesian Education University ở Bandung.
    Truyện ngắn và thơ của bà đã in trên nhiều ấn phẩm trong nước. Bà cũng thường được mời nói chuyện tại các hội nghị văn học cả ở trong nước và nước ngoài (như Malaysia, Hà Lan và Pháp). Thơ của bà đã được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan và Đức.
    Truyện ngắn dưới đây được John H. McGlynn dịch từ tiếng Indonesia sang tiếng Anh.

  • ALEKSANDAR HEMON

    Đám đông xôn xao trong bầu bụi chiều nâu xỉn; họ đợi đã quá lâu rồi. Cuối cùng, Quan tổng trấn bước xuống bậc thang áp chót, dạng chân và chống nạnh ra vẻ quyền chức thường thấy. 

  • Lời dẫn: Cách đây 475 năm, vào ngày 22 tháng 2, tại thành phố Xenvia đã qua đời một người Italia tên Amêrigô, một người đã từng giong buồm liền 7 năm trời trên những vịnh ở phía Bắc và Tây châu Nam Mỹ.

  • LTS: Issac Bashevis Singer sinh tại Ba Lan. Ông là một nhà văn lớn của Do Thái. Hầu hết truyện của ông đều viết bằng tiếng Hébreu và Yiddish, tức tiếng Do Thái cổ. Với lối văn trong sáng, giản dị, có tính cách tự sự, ông thường viết về cuộc sống của những người dân Do Thái cùng khổ. Ông được tặng giải Nobel văn chương năm 1978.

  • LTS: Giải thưởng danh giá Goncourt của văn chương Pháp năm 2015 với tác giả là nhà văn Mathias Enard do Nxb. Actes Sud (Pháp) xuất bản.

  • Sinh ở Manzanillo năm 1907, Loló de la Torriente sống ở Havana từ thuở nhỏ. Bà đóng một vai trò tích cực trong cuộc chiến đấu chống lại Machado và các chế độ ủng hộ đế quốc sau đó. Bà trở thành giáo viên và là một đảng viên của Đảng Cộng sản Cuba.

  • Michel Déon sinh năm 1919 tại Paris. Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, ông tòng quân cho đến tháng 11 năm 1942. Ở lại vùng phía nam nước Pháp bị tạm chiếm, ông cộng tác với nhiều báo và tạp chí khác nhau.

  • LGT: Alissa York sinh tại Australia và lớn lên tại tỉnh bang Edmonton, Canada, và là tác giả của năm tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm bán chạy: The Naturalist, Fauna, Effigy, Mercy, Any Given Power. Cô nhận giải Bronwen Wallace Memorial Award vào năm 1999, và đã từng được đề cử giải văn chương danh giá Scotiabank Giller Prize.

  • LGT: “Cơn Giông” là một trong các tác phẩm Nabokov, văn hào Mỹ gốc Nga, viết trong thời kỳ ông còn sáng tác bằng tiếng Nga, và được đăng lần đầu trên báo Đỵíÿ (Hôm Nay) vào ngày 28 tháng 9 năm 1924. Sau này, nó được Dmitri Nabokov, con trai tác giả, dịch lại qua tiếng Anh và đăng trong một số tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng của Nabokov. Bản dịch dưới đây được dịch giả Thiên Lương, người từng dịch Lolita, thực hiện từ bản gốc tiếng Nga.