Mây mưa lỡ hội

09:31 10/11/2009
HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.

Minh họa: Ngô Lan Hương

Lúc bấy giờ, Pháp tấn công triều đình Nguyễn. Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở. Vua thảo chiếu Cần Vương. Chiếu có đoạn: "... Người trí hiến mưu, kẻ dũng hiến sức, ai giàu có bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào đồng trạch chẳng từ gian hiểm..." Nắm được địa thế quan trọng của Quảng Nam, trước ngày động binh đánh Pháp, Tôn Thất Thuyết cho chuyển vào sơn phòng Quảng Nam rất nhiều lương thực và vàng bạc. Sau khi thất bại, Thuyết hộ giá ra Tân Sở. Biết được ý đồ của Thuyết nên nhiếp chính đương thời là Thọ Xuân vương Miên Định, Từ Dũ và Nguyễn Văn Tường cho đòi Chánh sứ sơn phòng Tiến sĩ Trần Văn Dư "thủ lộ lai kinh". Trần Văn Dư trả lời khẳng khái bằng chữ "bất" ghi thẳng vào chỉ dụ. Do thiếu cảnh giác nên họ Trần bị tên Châu Đình Kế chỉ điểm cho quân Pháp hạ sát vào ngày mồng 8 tháng 11 năm Ất Dậu ở ngay thành tỉnh. Chuyện kể rằng sau khi Trần Văn Dư bị bắn, Nghĩa hội muốn tìm một lãnh tụ mới nhưng chưa biết nên tiến cử ai. Những thân hào bèn khiêng kiệu đến đứng chờ dưới thành. Khi đó phó bảng Nguyễn Duy Hiệu từ thành cao nhảy xuống đúng ngay vào kiệu. Thế là Nguyễn Duy Hiệu được tôn xưng làm lãnh tụ Nghĩa hội. Sau khi được tôn xưng, Nguyễn Duy Hiệu ngược sông Thu Bồn lên lập căn cứ Tân Tỉnh tại Trung Lộc. Ông được vua Hàm Nghi sắc phong "Binh bộ tả tham tri, sung tham tán quân vụ đại thần, kiêm lý Nam Ngãi tổng đốc". Hội chủ cho lập trang miếu bằng tranh tại Trung Lộc Tây, đem 150 bài vị lên thờ. Trong thánh miếu còn có ngai vàng bằng gỗ, tượng trưng cho quyền lực nhà vua, xung quanh văn miếu, thánh miếu cách xa hàng dặm đều có các trạm canh phòng cẩn mật. Hành tung của hội chủ biến ảo khôn lường.

Chuyện truyền đời của dòng họ Nguyễn

Ông tiền hiền họ Nguyễn là Nguyễn Hữu Trung, một người thông làu sử sách. Từ ngày lên đất Trung Lộc Trung chỉ chí thú làm ăn, không mơ màng gì đến thời cuộc. Riêng có một nỗi đam mê kỳ lạ đối với hát tuồng. Gánh hát nào, diễn ở đâu Trung cũng tìm cho ra và xin thủ một vai cho kỳ được. Sau này nhiều người kể Trung ra tuồng như có ma nhập. Lúc thì mềm như liễu, lúc thì cứng như đá, lúc dồn dập như gió mưa.

Hôm ấy là một ngày xuân. Gánh hát của Khánh Thọ từ Hà Đông ra nghỉ đêm tại Trung Phước. Ông Khánh Thọ cho người vô mời Nguyễn Hữu Trung ra uống rượu. Cuộc rượu sắp tàn ông mới ghé tai rỉ chuyện. Hẳn là một câu chuyện bí mật nên hôm sau Trung bảo lên Bình Yên có việc gấp. Ở làng Bình Yên hôm ấy nhộn nhịp chưa từng có trong đời. Sau những chiến thắng gần đây, Nghĩa hội mở tiệc khao quân và mời gánh tuồng của Khánh Thọ lên hát hiến. Sân khấu tuy tạm bợ nhưng cũng nổi bật lên hai câu ghi bằng vôi trên vuông vải điều: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Quan quân rượu thịt ngả nghê hồi trống khai trường mới vang lên. Dưới sân khấu, tay chầu là một người có dung mạo tuấn tú dị thường: Nước da trắng, đôi mắt đen bình tĩnh. Nguyễn Hữu Trung vào vai một võ tướng. Lúc lâm trận, người võ tướng ấy một mình một ngựa dương đông kích tây: đi vào giữa ba quân mà như ở chốn không người. Tiền xu thưởng từ dưới đất bay lên rào rào như mưa. Người cầm chầu gõ trống khích lệ liên hồi. Đột nhiên, đến đoạn cao trào, có lẽ một phần do ngấm rượu, một phần do kiệt sức nên tiếng thét khí thế giữa sa trường đang vút lên chợt đứt quãng. Từ cổ họng vị võ tướng chỉ phát ra những âm thanh rè rè vô nghĩa. Sân khấu đang sôi động phút chốc bỗng im lìm như nước đóng băng. Bá quan văn võ và dân chúng lặng ngắt như tờ. Chỉ có người cầm roi chầu quắc mắt lên. Một cơn giận dữ khủng khiếp đang chạy giần giật trên từng cơ mặt. Đôi vai người ấy run bần bật, vầng trán rộng nhăn nhó lại đến thảm hại. Roi chầu trên tay cất cao lên. Một cú kết thúc như trời giáng đổ hết xuống tang trống. Một tiếng va chạm mạnh giữa mộc và mộc đanh lại, ngắn gọn khô khan đến nhói tai. Người người ôm mặt sợ hãi. Vị võ tướng trên sân khấu buông rơi kiếm sắc, mặt xanh rớt như tàu lá chuối và đổ ụp xuống sàn diễn như cây gặp bão.

Mấy ngày sau, có người bà con ở làng Bình Yên đưa thuyền chở Nguyễn Hữu Trung về nhà trong tình trạng mê man bất tỉnh. Phải mất ba tháng ròng chăm sóc Trung mới hồi dương. Nhưng nghiệt ngã thay cho cái sự tài hoa phát tiết không đúng nơi. Từ đấy người diễn tuồng nổi tiếng kia đã câm hẳn. Một sự câm nặng nề, đớn đau không thể nào tả hết.

Dường như số mệnh đã đè lên vai người diễn viên tài hoa ấy một sự oan nghiệt kinh hồn. Nếu như không có cái đêm hát khao quân? Nếu như không có vài chén rượu trước đêm hát? Nếu như không có người cầm roi chầu có đôi mắt đen sâu? Hết thảy là một thứ định mệnh được bày biện sẵn cho số phận cuộc đời mỗi người!

Sau cái đận ấy, gia đình họ Nguyễn lại chuyển về quê cũ ở Hương Ly.

Hai người đàn ông bán chiếu

Một đêm gió mưa tháng 8 năm Đinh Hợi, có hai người đàn ông bán chiếu dạo gõ cửa nhà Nguyễn Hữu Trung xin ngủ nhờ qua đêm. Con cả Nguyễn Hữu Trung là Nguyễn Hữu Nhân ra mở cửa. Cả hai người khách đều trạc tuổi bốn mươi. Một người có dung mạo tuấn tú dị thường: nước da trắng, đôi mắt đen và sâu. Thoạt nhìn, Nguyễn Hữu Trung tái mặt. Buổi tối sau khi cơm nước xong, Trung đuổi hết người nhà xuống bếp. Câu chuyện giữa hai bên chủ khách bắt đầu và người con cả là chứng nhân duy nhất của cuộc trò chuyện có một không hai này. Nguyễn Hữu Trung sai người mài mực, mang giấy dó ra. Câu hỏi đầu tiên được ghi trên giấy:

- Hẳn ngài còn nhớ đêm hát khao quân ở Bình Yên mà tôi là người thủ vai võ tướng?

Một chút nhíu mày, người có đôi mắt đen sâu chợt lục lọi lại ký ức và nhớ ra:

- À, có nhớ, có nhớ! Hóa ra lại là ông!

- Vâng, Tôi đây! Tôi nhận ra ngài từ lúc ngài vừa gõ cửa. Tôi biết, thế nào rồi ngài cũng phải có ngày này. Tôi khâm phục lòng yêu nghề của ngài. Những thứ ấy hạng chúng tôi không có. Hoặc nếu có thì chúng tôi cũng không đủ can đảm theo nghề. Chúng tôi chỉ biết miếng cơm manh áo. Ngoài những thứ đó ra chúng tôi chỉ có niềm vui duy nhất là diễn tuồng. Vậy mà, số phận lại xui tôi gặp ông. Ngọn roi chầu nghiệt ngã của ông đêm đó đã cướp mất giọng hát của tôi. Bây giờ, cuộc đời tôi coi như bỏ đi. Sống mà không nói năng hát ca được thì coi như đã chết rồi...

Người đàn ông mắt đen sâu mím môi ra chiều ân hận. Trung tiếp:

- Tôi biết ngài là người có lòng. Biết ngay từ buổi gặp ở Bình Yên. Nhìn nét chữ viết trên tấm vải điều giữa sân khấu hôm ấy tôi cũng biết chữ viết đấy là của ngài. Nhưng, ở cuộc đời này có lòng không chưa đủ. Nhìn ngài cầm chầu tôi cũng biết tài nghệ của ngài. Roi chầu có thưởng có phạt công tâm. Nhưng ngài ạ, sự đời thưởng nhiều quá thì sinh nhờn mặt, huênh hoang. Phạt nặng quá thì sinh oán hận. Cái gốc là biết thưởng biết phạt thời khắc nào đối với con người nào. cũng như roi chầu mà ngài phạt tôi hôm đó tôi chấp nhận nhưng quá nghiệt ngã. Ngài cầm chầu giỏi bao giờ cũng biết mở một con đường cho người kép biến hóa mà chuộc tội chứ? Cũng như người cầm binh, phải biết mở đường máu cho bại binh. Tôi nói điều này không phải cho cá nhân tôi mà cho đám đông. Ngài, chắc ngài nhớ câu này chứ: "Khuyên những kẻ sống còn nợ Hớn, ra mà chinh Mạnh Hoạch lúc thất cầm".

Người đàn ông mắt đen sâu lại mím môi tỏ vẻ ân hận. Trung lại tiếp:

- Tôi biết ngài. Ngài là cây tùng, cây bách tiết hàn đông. Ngài thay cả đế vương chinh phạt bọn sài lang nghịch đạo lừng lẫy cả một góc trời. Song lúc thịnh, ngài dùng kế "thiên quân yểm noãn", lúc suy ngài biết dựa vào cái gì đây? Đời người, thế sự, phàm như mặt trăng, hữu viên hữu khuyết. Ngài có tiên đoán vận mệnh của ngài và của thời cuộc như bây giờ không? Lúc trước, thế đang thịnh, quanh ngài biết bao nhiêu người tài giỏi. Nhưng phàm người tài thì sinh tật. Hoặc tham quyền tiếm vị, hoặc tửu sắc đam mê, hoặc thế này thế kia. Ngài thuộc sách thánh hiền sao ngài không dùng đức kế của Khổng Minh mà bắt họ qui phục? Quyền sinh quyền sát trong tay sao ngài không mở đường sống cho  bọn họ? Sát hại người hết thì ngài sống với ai? Ở đời, chỉ có bọn bất tài vô tướng mới xu nịnh. Lời nói ngọt là lời nói tẩm thuốc độc. Câu khen hay là câu nói có gắn cung tên. Ngài nghe bọn xu nịnh vuốt ve, nhưng lúc đấy ngài đâu hay ngài đang chết dần dần?


Người đàn ông mắt đen sâu lại mím môi tỏ vẻ ân hận. Nguyễn Hữu Trung lại tiếp tục cật vấn người có đôi mắt đen sâu. Càng nói ông càng hăng. Bao nhiêu uất ức tâm sự của một người không nói được chỉ chực tràn ra trong đêm nay. Bỗng nhiên từ trong đôi mắt sâu thẳm của người đàn ông lạ một giọt nước mắt chảy ra. Giọt nước mắt đỏ chói và lóng lánh như viên hồng ngọc chảy đến ngang gò má thì dừng lại và biến mất. Người đàn ông đi cùng với nãy giờ ngồi chăm chú lắng nghe. Để ý con người này rất kiệm lời. Bên mình người này luôn luôn kè kè một quả bầu khô. Dường như là bầu rượu(?)

Câu chuyện giữa hai người bán chiếu và một người câm kéo dài thâu đêm. Trong suốt câu chuyện, người đàn ông mắt đen sâu và người kia chăm chú lắng nghe. Họ tỏ vẻ ân hận. Cả hai trầm ngâm, căng thẳng. Nhưng trên khuôn mặt của họ bao giờ cũng toát lên nét cương nghị. Chồng giấy dó đặt trên bàn gỗ đã đầy ắp. Trên mỗi vuông giấy là một là một lời đanh thép.

Sáng ra, bão tan. Trung sai người nấu cơm nếp đùm làm hai bọc. Trong nhà còn bao nhiêu tiền ông vét hết đưa cho hai người đàn ông kia để đổi lấy một chiếc chiếu hoa. Mờ đất, ông tiễn khách ra tận ngõ và quì lạy người mắt đen sâu cả một ngàn lạy. Rồi ông lạy người đi cùng trăm lạy mới thôi. Trước lúc chia tay, người có đôi mắt đen sâu chép tặng Trung một bài thơ như thế này:

Quan thành nhựt mộ thính xuy già
Bạch phát thôi nhân cảm tuế hoa
Kỷ độ gian nan cam dữ quốc
Nhứt thân sinh tử bất tri gia
Giao long chỉ hận vô vân vũ
Hồng lạc hà thời khởi trảo nha
Mại kiếm mãi ngưu tàm Bột hải
Na kham thiên mạng tảo trần sa

Xin nhắc lại bây giờ là tháng tám năm Đinh Hợi - tức năm 1887.

Thay lời kết

Hai người đàn ông ra đến rìa làng thì dừng lại trên một quả đồi. Người có đôi mắt đen bình tĩnh bảo người kia trút bỏ gánh chiếu xuống đất. Họ lôi từ trong ruột chiếu ra một mớ giấy tờ và châm lửa đốt. Họ đốt tất cả những gì đốt được, trừ bầu rượu (?) mà một người đi theo luôn mang bên mình. Đốt xong, hai người ung dung bước đi. Thậm chí vừa đi vừa ngâm nga. Họ nhắm hướng sông Trường Giang mà đi tới.

Sau này, một trong hai người đã tự vẫn bằng thuốc độc mang theo trong trái bầu. Lời minh trên bia mộ người này có ghi: "Thời quai lực kiệt, sát thân thành nhân".

Không ngờ, cái đêm mưa bão ấy hai cha con ông Nguyễn Hữu Trung và Nguyễn Hữu Nhân là người cuối cùng gặp được phó bảng Nguyễn Duy Hiệu khi rời khỏi Tân Tỉnh. Sau này khi Phan Bá Phiến tự vẫn chết, Nguyễn Duy Hiệu theo sông Trường Giang về lại Thanh Hà, mảnh đất cố hương, viếng bàn thờ mẹ rồi ra miếu Quan Công ngồi xếp bằng nộp mình cho Nguyễn Thân. Sử sách có ghi sự kiện này... Riêng câu chuyện gặp cha con nhà họ Nguyễn là chuyện lưu truyền trong dân gian nên có thể bị người đời thêm bớt. Bản chất sự việc thì vậy nhưng tình tiết trong câu chuyện trên cũng mờ mờ ảo ảo trong sử sách! Có nên tin cậy chăng?

H.N.H
(129/11-1999)


----------------------------------------------------
Trong truyện ngắn này tác giả có sử dụng một số tư liệu của Nguyễn Sinh Duy trong cuốn "Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam".




 

 

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HOÀNG QUỐC HẢI              Truyện ngắn lịch sửNăm Nhâm Thân (1392) mùa hạ, thượng hoàng Trần Nghệ Tông xuống chiếu “CẦU LỜI NÓI THẲNG”Thường trong nước mỗi khi có đại sự, nhà vua ban chiếu cầu hiền. Mục đích tìm người tài cho nước.

  • KIỀU VƯỢNGĐêm giữa thu. Hà Nội se lạnh. Sao chới với nhưng mây vẫn vũ làm nền trời như khô khốc, nhạt nhòa. Một hồi còi tàu rú dài như thả thêm vào đêm luồng khí lạnh. Quang nhìn đồng hồ sân ga dã quá mười hai giờ khuya.

  • CAO HẠNHTôi sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Tôi là hạt máu đỏ rơi xuống bùn đất mọc lên một thằng người cùng với ngọn cỏ lá rau, cây lúa và những sinh linh khác. Tôi cùng chịu đựng chia xẻ với chúng ngọn gió Lào cát trắng và những trận mưa dầm dề của xứ miền Trung khắc nghiệt.

  • HỒ ANH THÁI Tác giả thấy cần phải tóm tắt chuyện cô bé quàng khăn đỏ trước, rồi mới kể tiếp phần hậu cô bé quàng khăn đỏ. Con sói đến lừa bà cô bé, nuốt sống bà, rồi mặc váy áo của bà, trùm khăn giả vờ làm bà. Cô bé về nhà, thấy bà rởm mà không biết, cứ hỏi vớ hỏi vẩn sao tai bà to thế, sao mắt bà to thế, sao mồm bà to thế. Sốt ruột. Con sói bèn nuốt chửng luôn cô bé. Nhưng rồi quần chúng tiến bộ tập hợp lại đấu tranh, con sói phải nôn cả bà lẫn cháu ra, hứa cải tà quy chính. Từ đây bắt đầu phần hậu cô bé quàng khăn đỏ…

  • PHẠM XUÂN PHỤNGHọ như không còn trẻ. Người lớn tuổi hơn có khuôn mặt thanh thản vì đã giãn mềm những nếp nhăn. Người trẻ tuổi khuôn mặt nhuốm già bởi màu từng trải và những nét khắc chán chường.

  • MAI HUY THUẬTNằm cuộn tròn trong cái rọ lợn Cuội mới có thì giờ ngẫm nghĩ về cái thân phận của mình. Cả cuộc đời dối trá, lừa gạt bây giờ bị tù hãm sau mấy cái nan tre tưởng như mong manh thế mà càng cựa quậy càng trầy da rách áo, không thể nào thoát được.

  • NGUYỄN VĂN VINH Thường thường, mỗi sớm tôi và các bạn gặp nhau ở quán cà phê vỉa hè. Ngồi vệ đường, không tiếng nhạc quấy phá phút tĩnh tâm để ngẫm ngợi sự đời, quả thú vị! Tôi biết các loại quán đều tiêu phí thời giờ của mình, nhưng quán cà phê ít tốn, ít nguy hiểm hơn quán bia ôm và các toan tính, bon chen trong vòng danh lợi gươm đao nên tôi không bỏ uống cà phê buổi sáng, ngày mình giết một tí, lại được chuyện vãn với nhau: nào thời sự, tin tức trên trời dưới biển, cũng vui!

  • LINH CHIKhi chỉ mới là giọt máu, sự kết hợp của hai nhiễm sắc thể XY bám vào dạ con của mẹ, nó đã không được công nhận. Chào đời, mẹ con nó ở với ông bà ngoại cùng các cậu, các dì cho đến năm nó tròn bảy tuổi. Nhà ngoại nó ở ven triền núi của vùng đồi miền trung du hẻo lánh độ chừng vài ba chục nóc nhà rải rác trên mấy quả đồi đầy hoa sim, hoa mua tím. Chiều chiều nó thường hay tha thẩn trước sân nhà ngắm nhìn những đàn chim bay về tổ, thả hồn theo những đám mây màu cánh vạc đùn lên phía sau dãy núi đối diện nhà ngoại và tưởng tượng, ước ao…

  • TRẦN CHINH VŨAnh nghĩ là mình có thể ngủ được trong đêm nay - ngủ ngon là khác nữa - Đêm qua anh đã ít ngủ rồi - Hơn nữa, cùng với cậu em trai anh lại vừa có cuộc đi chơi đêm ở công viên Đầm Sen, đến muộn mới về. Vậy mà cho đến lúc này, đã qua nửa đêm được ít phút, mắt anh vẫn cứ trơ ra, cứ như thể nó chưa biết khép lại bao giờ.

  • ĐÔNG TRIỀUMười hai giờ đêm.Tôi bước ra khỏi rào lưới sắt còn ngoảnh lại nhìn căn trọ, nơi cửa sổ vẫn phụt ra luồng sáng trắng bởi đèn điện. Tất cả đã im lặng. Tiếng cót két của đôi cánh cửa gỗ mà người thiếu phụ vừa khép lại hòa vào nhịp rơi lộp độp của những giọt sương trên lá, tiếng côn trùng trỗi lên cùng thanh âm mà con chim cú đâu đây vẫn bỏ tiếng rúc đều đều nghe rợn người.

  • PHẠM NGỌC TÚY“Ngày...tháng...nămDòng nhắn tin trên báo cho em biết rằng em đã tìm thấy anh. Cuối cùng thì chúng mình cũng nhận ra nhau. Anh thân yêu. Hôm nay trời không mưa và không nắng. Từ cửa phòng em nhòm ra có một cây trạng nguyên. Cây này nhô lên cao giữa khoảng trời xanh hiếm hoi. Những chiếc lá đến mùa, đỏ thắm màu xác pháo. Nó là cây hoa độc nhất ngoài cửa phòng em.

  • NGUYỄN BẢNHắn đến tôi, mặt thẫn thờ ngơ ngác như người vừa mất của. Tôi hỏi ngay:- Có chuyện gì vậy?- Không, không có chuyện gì.

  • ĐÔNG LA       Sài Gòn mùa mưa, trời lúc nào cũng âm u. Những tán cây sẫm hơn, không khí nóng rát của những tháng cuối mùa khô đã được làm nguội lại, dịu mát. Mấy ngôi nhà cao lênh khênh dường như chỉ cần kiễng chân lên một chút là có thể gội đầu được trong những đám mây sũng nước, là là bay trên đầu.

  • ĐÀO PHONG LAN         Tôi là đứa con gái duy nhất của cha mẹ, và trời cũng ban cho tôi một nỗi bất hạnh để tương xứng với niềm hạnh phúc của một đứa con chắc chắn được cưng chiều: Tôi bị liệt hai chân từ bé.

  • MAI HUY THUẬTCon tàu Thống nhất nhả Văn xuống ga Huế vào một trưa mưa tầm tã khiến Văn chợt thấm thía một câu thơ Tố Hữu:...“ Nỗi niềm chi rứa Huế ơiMà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?”...

  • NGUYỄN VĂN THANHSau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi không ngờ được Ngọ hỏi làm vợ. Không giống như những cô dâu khác, ngày tôi về nhà chồng có dắt theo một đứa con riêng. Tên nó là Hòa. Ngọ rất thương yêu hai mẹ con tôi. Không có gì đáng trách anh ấy dù cuộc hôn nhân của chúng tôi không bình thường.

  • NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.

  • NGUYỄN HÙNG SƠN          Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.

  • LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.

  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.